GIÁ MÀ ĐỪNG ĐẶT NHÀ MÁY LỌC DẦU ĐẦU TIÊN Ở DUNG QUẤT

 

GIÁ MÀ ĐỪNG ĐẶT NHÀ MÁY LỌC DẦU ĐẦU TIÊN Ở DUNG QUẤT Bắt đầu từ 4 giờ chiều ngày 9 tháng 8 năm 2006, xăng dầu ở Việt Nam lại thêm một lần tăng giá. Xăng 92: 12 000đ/lit, diesel 0,5% S: 8.600đ/lit. Hiện tượng này làm rộ lên nhiều bài viết đăng trên các báo của Đảng với những tiêu đề thảng thốt : “ Bộ ngành lặng thinh, doanh nghiệp “ nín thở ” ”, “ Dân chúng bất ngờ, doanh nghiệp lúng túng ”, “ Áp lực giá leo thang ” …

Không lúng túng, không “ nín thở “ sao được. Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đều như đang ngồi trên đống lửa. Trong suốt các tháng 5, 6, 7 vừa qua, giá nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu đều tăng chóng mặt. Nếu tháng 6 giá xăng A92 nhập khẩu còn ở mức 82,21 USD/thùng thì tháng 7, giá đã lên 84,47USD/thùng và ngày 1 tháng 8 đã tới xấp xỉ 85USD/thùng. Dầu diesel, dầu hỏa, dầu madut cũng tăng với tỷ lệ tương tự.

Chừng nào còn là một quốc gia nhập khẩu xăng dầu, Việt Nam tất phải chịu tác động của việc biến động của giá xăng dầu thế giới, thậm chí chịu những tác động rất tai hại. Do giá xăng dầu tăng, 7 tháng đầu năm 2006, ngân sách nhà nước phải bù lỗ khoảng 6.800 tỷ đồng. Ngoài ra để ghìm tăng giá trong nước, nhà nước phải điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 0% nên thất thu thuế từ khoản này khoảng 5.000 – 6.000 tỷ đồng.

Không thể không bù lỗ để ghìm giá vì không thể không gắng gượng bảo đảm yêu cầu tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển sản xuất, đồng thời bảo đảm đời sống cho người dân trong tình trạng thu nhập còn rất thấp kém.

Nhưng, Nhà nước lại không thể không tăng giá, bởi nếu không tăng giá xăng dầu, năm 2006, Nhà nước sẽ phải bù lỗ 16.300 tỷ đồng. Tăng giá đến như mức này mà Nhà nước vẫn phải bù lỗ ngót nghét 13.000 tỷ đồng.

Sau cơn bào Chanchu khủng khiếp, đợt tăng giá xăng dầu này lại tiếp tục bồi thêm khó khăn muôn vàn cho đời sống ngư dân. Trong bối cảnh giá hải sản chưa có dấu hiệu tăng, giá nhiên liệu tăng quá cao như hiện nay chắc chắn sẽ làm cho nhiều tầu khai thác hải sản phải ngừng hoạt động. Sáng 10 tháng 8 tại bến tầu đánh cá Sông Hàn – Đà Nẵng, hơn 200 trăm tầu đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi, Đà Nẵng …vẫn nằm bờ, dù rằng mùa vụ đánh bắt đang nhanh chóng trôi qua. Một ngư phủ ở Rạch Giá cho biết “ Một cặp tầu cào đôi máy HINO 10, một chuyến biển phải tốn khoảng 35.000 lit dầu, giá dầu thị trường tăng như thế này, coi như cả chủ ghe và ngư phủ bị mất 30 triệu đồng, chưa kể giá nước đá cũng sẽ tăng theo giá dầu ”. Giám đốc Sở Thủy sản Kiên Giang thì cho biết : “ Toàn tỉnh với hơn 7.000 tầu thuyền mỗi năm, tiêu thụ khoảng 300 triệu lit dầu, giá dầu lần này tăng 850 đồng/lit cộng với 2 lần tăng giá trước đây thì coi như ngư dân Kiên Giang mất 1.200 tỷ đồng/năm đưa vào chi phí sản xuất ”.

Mức tăng giá xăng dầu lần này sẽ tác động tới các ngành sản xuất từ 0,05% -4,9%. Đối với nông nghiệp : 0,05 – 0,8%. Than, điện, xi măng, thép, giấy sẽ chịu ảnh hưởng từ 0,06 – 1,4%. Giá thành vận tải hàng hóa chịu tác động từ 1,7 – 4,3 %. Trong vận tải ôtô ở Việt Nam, nhiên liệu chiếm đến 40% giá thành vận tải. Giá xăng dầu tăng, không thể không tăng giá cước vận tải, tăng giá vé taxi, xe buyt … Vậy là lại thêm một khoản đánh vào túi tiền còn quá eo hẹp của người dân.

Tăng giá xăng dầu như lần này sẽ làm giá thành mỗi tấn thép tăng thêm 20.000đ. Theo kế hoạch, 5 tháng cuối năm sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 1,6 triệu tấn thép. Tức là ngành sản xuất thép phải tăng chi phí thêm 32 tỷ đồng. Ông trưởng phòng Kế hoạch – Thị trường Tập đoàn Than Việt Nam thì nhẩm tính chi phí ngành mình sẽ phải dôi thêm khoảng 75 tỷ đồng. Tổng công ty Điện lưc Việt Nam ( EVN ) cũng dự tính từ nay đến cuối năm sẽ phải chi thêm 395 tỷ đồng. Cộng với dợt tăng giá xăng dầu tháng 4 năm 2006 ( 256 tỷ đồng ), cả năm chi phí của EVN sẽ bị đội thêm lên 651 tỷ đồng. Và, điện lại chuẩn bị tăng giá !

*

Năm 1996, Chính phủ phê duyệt luận chứng kinh tế -kỹ thuật Dung Quất. Ông Phạm hữu Tôn, phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi kiêm trưởng ban quản lý khu công nghiệp Dung Quất phấn khởi tuyên bố : “ Cuối thế kỷ XX sẽ có xăng, dầu Dung Quất ”.

Thế rồi, nhà cửa bị phá rỡ, cây cối, ruộng vườn bị chặt phá, hàng vạn người dân bị giải tỏa gấp gáp, để lại 151 ha đất trống trơn, hoang phế suốt nhiều năm.

Hàng chục vạn con em các gia đình nông dân tại Vạn Tường được cho đi học công nghệ lọc dầu ở Vũng Tầu để về sống vất vưởng trong tình trạng thất nghiệp. 800 kỹ sư do tỉnh Quảng Ngãi ký hợp đồng với trường Đại học Mỏ-Địa chất đào tạo khẩn cấp cho chuyên ngành dầu, khí để về làm …thợ xây.

Nhiều công trình thuộc cơ sở hạ tầng như điện, bưu điện, nước, đường giao thông đã được ưu tiên đầu tư đặng gấp rút hoàn thành từ trước năm 2000 để …để dấy. Một nhà máy nước hiện đại, công suất 15.000m3/ngày đã sẵn sàng phục vụ khu công nghiệp Dung Quất. Chủ đầu tư cho dự án theo phương thức BOT này là Tổng công ty Xây dựng-Xuất nhập khẩu Việt Nam đã ném vào đây 56 tỷ đồng, nhưng, suốt năm 2001, nhà máy chỉ bán được cho một vài đơn vị thi công tại Vạn Tường 16.000m3 nước trong khi vẫn phải trả lãi cho ngân hàng mỗi ngày 10 triệu đồng, mỗi năm 1,5 tỷ đồng tiền lãi.

*

Sau khi bị các nước có công nghệ dầu mỏ hiện đại từ chối không dám hợp đồng liên doanh, ngày 19 tháng 7 năm 1997, dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn được phê duyệt theo hình thức Việt Nam tự đầu tư với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Tổng mức đầu tư : 1,5 tỷ USD. Kế hoạch : 2001 hoàn thành.

Chưa đầy một năm bắt tay vào công việc mới ngộ ra công việc không đơn giản, đành nằn nèo lôi kéo Nga, người bạn cũ, vào chữa cháy. Khi liên doanh với Nga, vốn đầu tư bị đánh tụt xuống còn 1,3 tỷ USD. theo hình thức Việt Nam/Nga là 50/50. Hơn bốn năm sau Nga nhận ra sự bất hợp lý không thể chấp nhận được của cái dự án mù quáng, duy ý chí này nên dẫu nể lòng lắm vẫn đành rút bỏ. Cho đến bây giờ, vì phải dứt khoát chứng tỏ Bộ Chính trị, lãnh đạo Nhà nước CHXHCNVN luôn luôn sáng suốt, không thể sai lầm trong chủ trương nên mọi ngành, mọi cấp cứ phải ngoan cố tìm mọi phương kế đổ tiền, đổ của, đổ mồ hôi nước mắt của nhân dân Việt Nam ra để đắp điếm, vá víu cho được cái dự án vô cùng tội nợ này.

Vì để kéo dài dằng dai quá lâu, thiết kế của một số gói thầu của nhà máy không còn phù hợp nữa. Ví dụ, phân xưởng sản xuất xăng A83, dầu diesel đã lạc hậu, phải thiết kế bổ sung các phân xưởng sản xuất các loại nhiên liệu phù hợp thị trường hiện nay. Ngoài ra, việc thiết kế đê chắn sóng trên túi bùn buộc phải sửa lai với chi phí tốn thêm 10 triệu USD. Chắc chắn rối đây tổng quyết toán chi phí xây dựng không thể là 1,5 tỷ USD.

*

Tháng 6 năm 1997, người viết bài này đã nêu kiến nghị phải xem xét lại việc chọn Dung quất làm vị trí xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên cho Việt Nam trong bài viết mang tiêu đề “ Bầu cử và Quốc hội ”. Nhiều trí thức sáng suốt cũng muốn phát biểu như vậy nhưng không dám vì tất cả những ý kiến khác ý Trung ương, khác ý Bộ Chính trị như thế đều bị quy là chống Đảng, chống Nhà nước !

Sai lầm này dẫn đến những hệ lụy rất lớn, không chỉ là khoản thiệt thòi kinh tế đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Ở các nước pháp trị phân minh, có thể là một chính phủ bị giải tán, một số quan lớn phải đứng trước vành móng ngựa. Ở Việt Nam hiện nay khó mà quy tội cho ai mà chỉ có thể đổ lỗi cho cơ chế.

Thật ra, suy cho cùng, đây là tội của tình trạng không có dân chủ. Nếu có dân chủ, nếu Bộ Chính trị và các nhà lãnh đạo cộng sản Viêt Nam không tự coi mình là con giời ( thiên tử ), đừng độc quyền, độc đoán, biết lắng nghe, chịu thực hiện tự do ngôn luận, tạo điều kiện cho mọi người được phát biểu ý kiến thì dự án Dung Quất hết sức sai lầm kia nhất định phải được ngăn chặn. Nếu nhà máy lọc dầu đầu tiên được đặt ở Vũng Tàu-Bà Rịa thì chắc chắn ta đã có xăng dầu từ cuối thế ký XX. Để rồi, với kinh nghiệm xây dựng nhà máy lọc dầu thứ nhất và bằng tiền lãi thu được của nó từ bấy, rất có thể chúng ta đã xây thêm được nhà máy lọc dầu thứ hai ở Dung Quất, ở Nghi Sơn, hay ở Phú Yên …

Hà Nội ngày 15 tháng 8 năm 2006

Nguyễn Thanh Giang

Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay

Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội

Điện thoại ( 04 ) 35 534 370