LẠM PHÁT Ở VIỆT NAM -

THỬ TÌM NGUYÊN NHÂN

 

“ Vật liệu xây dựng tăng giá, nhà thầu có nguy cơ phá sản – Vật liệu xây dựng tăng giá chóng mặt, có những mặt hàng tăng gần gấp 3 lần khiến nhiều nhà thầu thực hiện các dự án xây dựng có nguy cơ phá sản vì ký hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá. Ngay cả hợp đồng có điều khoản điều chỉnh giá, nhà thầu cũng vừa làm vừa run vì chẳng biết có được thanh toán không ”.

 

Đấy là hàng tít lớn, kèm theo những dòng chữ đậm đăng ngay trên trang đầu báo Lao Động số ra ngày thứ tư, 19 tháng 3 năm 2008.

 

Thật vậy, so với năm 2006, giá vật liệu xây dựng năm 2007 đã tăng đáng kể. Thép tăng 25,75%, gạch tăng 22,8%, cát tăng 18,9%, nhựa đường tăng 17,6% …Đầu năm 2008, những con số này càng phi mã. Thép tăng từ 12.000 lên 20.000 đ/kg, xi măng tăng 40%, gạch tăng gần gấp 3 lần …

 

“ …Trước đây, khi xăng lên giá, hàng hóa nói chung không đến nỗi tăng chóng mặt. Lần này, hàng ngày, từ hạt gạo, sợi bún, cọng rau, thậm chí đến cả ly cà phê đá nhạt thếch cứ leo thang vùn vụt. Ngược lại, bát cơm, đĩa rau teo dần, nồi canh loãng hơn, miếng thịt ba chỉ thêm mỏng tang. Xóm nhà trọ của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn đông người ở nhưng ngày nghỉ không khí hoàn toàn yên ắng, không khói bếp, không âm nhạc …”.

 

“ …Vào dịp năm ngoái, ngày cuối tuần, anh chị em công nhân thường rủ nhau góp tiền làm bữa ăn tươi, nhưng từ sau Tết đến giờ cái lệ này đã bị phá bỏ. Bữa cơm rau dưa theo đúng nghĩa, giờ đã thành xa xỉ đối với họ. Bởi Tết ra, chưa kịp có thêm khoản thu nhập nào thì rau bắp cải tăng từ 3.000đ lên 12.000 – 13.000 đ/kg, rau muống có lúc lên tới 15.000 – 20.000 đ/mớ, cải cúc từ 500đ lên 1.000- 1.500 đ/mớ...”

 

“ …Giá các mặt hàng tăng quá cao, công nhân lao động phải thắt lưng buộc bụng nên chợ cũng vắng teo. Bà Hà bán thịt lợn ở chợ cóc gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long ( Đông Anh – Hà Nội ) trước đây mỗi ngày bán được 30 – 40 kg thịt, chủ yếu cho công nhân, bây giờ lượng thịt bán ra chỉ vào tầm phân nửa. Bà Hà than thở: “ Trước đây, họ có thể mua thịt 2 lần /tuần, bây giờ cả tuần không thấy đâu ” …”.

 

“ … Các khoản chi, nếu trước đây là vặt vãnh thì nay cũng thành tấm thành món đã được Tuấn cắt bỏ. Có những khi liền một tuần, chàng sinh viên này phải trường kỳ mỳ tôm hay nấu cơm rang mắm. “ Mình vẫn còn khá chứ nhiều sinh viên khác còn phải cơm nắm muối vừng cơ. Có người đã phải cắt điện thoại, Internet, trùm mền máy tính… cho bớt tiền đi ” Tuấn tâm sự ”.

 

Trên đây là mấy đoạn trích trong các bài phóng sự đăng trên báo Lao Đông đầu tháng Ba năm 2008.

 

Trong hai tuần lễ đầu tiên của năm nay, cả nước có 50 vụ đình công đã xẩy ra.

 

Giữa tháng Hai, năm ngàn công nhân của công ty Yazaky Eds Vietnam Ltd tại Hải Phòng có chủ là người Nhật Bản, chuyên sản xuất phụ tùng xe hơi để xuất khẩu đã đình công đấu tranh đòi tăng lương vì mức lương 1,1 – 1,2 triệu đồng của họ tuy đã trên mức lương tối thiểu nhưng không còn đủ chi dùng tối thiểu.

 

Đầu tháng Ba, ở ngoại ô Sài Gòn, khoảng 10 ngàn công nhân đã bỏ việc làm để đình công đòi tăng lương tại hãng Tae Kwang Vina chủ Hàn Quốc chuyên sản xuất giầy cho hãng thể thao Nike của Mỹ.

 

V v …

 

Trong bài “ Bỏ rơi con chữ theo cơm áo ” đăng trên Lao Động số 64 ra ngày 21/03/2008 tác giả viết : “ Ông Trần Việt Hùng - GĐ Sở GDĐT Sóc Trăng - cho biết: Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng khối THPT toàn tỉnh đã có 436 HS chưa ra lớp. Trước đó, tới cuối học kỳ 1, Sóc Trăng có trên 1.000 HS khối THPT và 1.617 HS khối THCS bỏ học. Theo ông Hùng, số lượng HS THPT và THCS bỏ học đều đã tương đương với số HS của một trường... Chỉ ở huyện Mỹ Xuyên sau Tết, khối THCS và tiểu học cũng đã có thêm khoảng 200 HS bỏ học.

Sau Tết, Cà Mau cũng có thêm trên 350 HS bỏ học. Con số này ở Bạc Liêu tròm trèm 300. Còn tại Kiên Giang, Phó GĐ Sở GDĐT Ninh Thành Viên cho biết, năm học 2007 - 2008, Kiên Giang đã có gần 4.500 HS bỏ học, tập trung ở 2 khối THCS (2.582 em) và THPT (1.190 em)...

 

… Ông Trần Việt Hùng - GĐ Sở GDĐT Sóc Trăng - cho rằng 3 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng HS bỏ học ở Sóc Trăng là: Cuộc sống gia đình khó khăn, sức học của HS yếu không theo kịp chương trình và địa bàn một số nơi đi lại còn khó khăn ”

 

Đình công bột phát do lạm phát tăng đột biến. Từ năm 1995 đến cuối tháng giêng năm 2006 có hơn 1000 vụ đình công đã xẩy ra trên cả nước., trong đó 300 vụ xảy ra tại các công ty có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Thực ra, lạm phát đã xẩy ra tù dăm năm trước. Từ năm 2003, trong khi lượng đầu tư tăng khá nhanh, lượng cung thực ( đo bằng sản lượng thực cộng thâm hụt thương mại thực ) chỉ tăng dưới 10% / năm thì doanh số bán lẻ danh nghĩa của Việt Nam liên tục tăng với tốc độ trên 20% / năm.

 

Lạm phát do mức tăng tín dụng, tăng tiền đã xuất hiện từ lâu, ít nhất từ năm 2004, khi mức tăng tiền lên đến 25%, rồi mới đây nhảy vọt tới 35 – 40% nhưng Nhà nước cứ cầm bằng như chẳng có.

 

Nguyên nhân của lạm phát –

 

Giữa năm 2007, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “ Quyết không để mức lạm phát cao hơn mức tăng trưởng kinh tế ”. Nhưng rồi, mức lạm phát cuối năm qua đã lên tới 12% trong khi mức tăng trưởng kinh tế vẫn chỉ 8%. !

 

Chỉ tiêu Quốc hội để ra cho năm 2008 là lạm phát phải được kìm chế dưới mức tăng trưởng GDP là 8,5 – 9% thì chưa hết tháng Hai năm 2008, giá cả đã tăng 6,02%. Hiện nay, lạm phát Việt Nam đã ở mức 15,7%.. 

 

Có ý kiến quy kết nguyên nhân khủng hoảng Việt Nam chủ yếu do giá xăng dầu thế giới tăng quá nhanh và do hậu quả của khủng hoảng tín dụng địa ốc Hoa Kỳ.

 

Để cho kinh tế Việt Nam phụ thuộc mạnh vào giá xăng dầu thế giới là một nhược điểm không đáng có. Bất chấp khuyến nghị của các trí thức trong, ngoài nước, khăng khăng quyết định sai lầm, đặt nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Dung Quất có thể xem là tội lớn của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đối với đời sống kinh tế của nhân dân..

 

Không thể phủ nhận việc tăng giá xăng dầu và một số nguyên liệu sản xuất trên thị trường quốc tế cũng như thiên tai, dịch bệnh trong nước là những nguyên nhân khách quan của lam phát nhưng thử hỏi vì sao cùng chịu ảnh hưởng những nguyên nhân ấy mà mức lạm phát ở các nước trong khu vực đều thấp hơn nhiều. Đài Loan 1,9%; Malaysia 1,9%; Singapore 2,7%; Hàn Quốc 3,4%; Indonexia 6,3%; Trung Quốc 6,5%. Thái Lan, cận kề Việt Nam, tiêu thụ nhiều xăng dầu nhập ngoại hơn hẳn Việt Nam nhưng lạm phát ở Thái Lan chỉ bằng một phần tư Việt Nam          ( 3%  ) .

 

Ngoài hai nguyên nhân trên, trả lời phỏng vấn đài BBC gần đây, chuyên gia kinh tế nổi tiếng Lê Đăng Doanh còn nêu thêm: “ Điểm thứ ba có liên quan đến chính sách tiền tệ.. Trong năm 2007, Việt Nam đã xuất ra một lượng tiền mặt rất lớn để mua vào 9 tỷ đôla. Theo kinh tế học thì sau khi xuất ra lượng tiền lớn như vậy phải có biện pháp trung hòa như bán trái phiếu và nâng lãi suất ngân hàng để vô hiệu hóa số tiền vừa phát hành đó. Nhưng các biện pháp này chúng ta làm quá chậm, dẫn tới chỉ số giá cả tăng cao. Ngoài ra còn một số yếu tố khác như lượng tín dụng cấp cho các doanh nghiệp để xây dựng cơ bản, qua một số vòng quay nhất định cũng sẽ ra thị trường và tác động tới tổng lượng tiền. Một yếu tố nữa là giá bất động sản ở Việt Nam cao một cách phi lý và đang có phương hại tới môi trường đầu  tư ” .

 

Tiến sỹ Vũ Quang Việt – nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc - thì dẫn ra một nguyên nhân lạm phát được đề cập trong hầu hết các sách giáo khoa là : Nhà nước tài trợ chi tiêu quá nhiều cho chính mình và doanh nghiệp nhà nước bằng cách in tiền quá mức. Ông nêu mấy câu hỏi:

 

-         Ai mua rồi giữ ngoại tệ khi nước ngoài chuyển tiền vào mua cổ phiếu và đầu tư trực tiếp ?

-         Bộ Tài chính tài trợ thiếu hụt chi tiêu bằng gì ? Bán trái phiếu tài chính cho thị trường hay bán trái phiếu cho ngân hàng nhà nước ?

 

Bán trái phiếu tài chính trên thị trường thì không làm tăng khối lượng tiền vì Bộ Tài chính mượn tiền của dân để tiêu. Ngân hàng nhà nước in tiền để mua tín phiếu thì sẽ làm tăng lượng tiền, tạo lạm phát.

 

Ông cho rằng: “ Hành xử của Bộ Tài chính đã làm suy yếu quyền kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước nếu Bộ “ đòi ” NHNN mua trái phiếu của mình … Bộ Tài chính đã làm suy yếu khả năng kiểm soát tiền tệ của NHNN bằng chính sách đôla hóa nền kinh tế … ”.

 

Nhập siêu cao trong ngoại thương cũng góp phần tạo lạm phát. Nhập siêu cao, nhất là với Trung Quốc, khiến phải tung nhiều tiền để trang trải gánh nặng này. Chỉ nội trong hai tháng đầu năm nay mức nhập siêu đã lên đến 4 tỷ USD ( cao gần bằng cả năm 2006 ). Riêng trong năm 2007 nhập siêu đã lên tới 12 tỷ USD ( * ).

 

Không thể không kể đến một nguyên nhân khác nữa là, trong khi nền kinh tế còn kém hiệu quả thì lại được hấp thụ một lượng vốn quá lớn. Tổng lượng vốn từ bên ngoài rót vào kinh tế Việt Nam trong năm 2007 lên tới 22- 23 tỷ USD ( * * ), tương đương 30% GDP. Lượng tiền đổ vào quá nhiều nhưng không biết tổ chức hiệu quả để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ dẫn tới tình trạng quá nhiều tiều mà quá ít hàng. Trong 3 năm, từ 2005 đến 2007, cung tiền tăng tổng cộng 135% nhưng GDP chỉ tăng 27%. ( * * ).

 

Trong khi chỉ với một lượng đầu tư khiêm tốn hơn rất nhiều ( chỉ chiếm khoảng 25% GDP ) mà kinh tế Đài Loan tăng trưởng đến mức 10% liên tục suốt 18 năm thì Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 7-8% với nguồn đầu tư hàng năm của nền kinh tế chiếm tới 35% !

 

Nguyên nhân của nguyên nhân –

 

Câu hỏi đặt ra là, tại sao với nguồn nhân lực dồi dào, với thiên nhiên ưu đãi nhiều hơn so với nhiều nước khác, lại tiếp nhận được nguồn đầu tư rất lớn mà tổng lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chỉ đạt được quá thấp như vậy ?

 

Do cơ chế ?

 

Những năm gần đây người ta đã dám vô tư đổ lỗi cho cơ chế.

 

-         Nhưng, cái gì tạo ra cơ chế ?

-         Cơ chế chính là hiện thân của chế độ chính trị.

-         Ai ngoan cố duy trì mãi chế độ chính trị lạc hậu lỗi thời ?

-         Lãnh đạo đảng CSVN và nhà nước.CHXHCN Việt Nam

 

Dựa trên 6 tiêu chí: tính hiệu năng của chính phủ, chất lượng chính sách và hoạt động điều tiết, thượng tôn pháp luật, tham nhũng, tiếng nói và trách nhiệm giải trình, ổn định chính trị để đánh giá chất lượng quản trị quốc gia của chính phủ, Ngân hàng Thế giới gần đây đã tiến hành một công trình khảo sát đối với 212 nước và vùng lãnh thổ. Kết quả cho thấy, ngoại trừ tiêu chí “ ổn định chính trị ”, tất cả 5 tiêu chí kia Việt Nam đều bị xếp dưới các nước Đông Á và Đông Nam Á. Chỉ trên Indonexia một số mặt.  

 

Nói chung các nhà khoa học, các chính khách quốc tế đều thừa nhận Việt Nam là một dân tộc thông minh, tài hoa, cần mẫn, nhưng tại sao chất lượng quản trị quốc gia của Việt Nam kém xa, không phải các nước tiên tiến mà, các nước Đông Nam Á ?

 

Không có dân chủ thật thì làm sao chọn được người tài lãnh đạo đất nước và đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Đảng cử dân bầu thì gần đây dẫu có khá hơn là đã đề bạt được một số nhiều có bằng đại học và trên đại học nhưng, tiếc rằng chủ yếu lại chỉ là những phần tử lý lịch tốt được đào tạo qua con đường chuyên tu, tại chức mà dư luận đã từng đánh giá : “ Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức ”.

Nét đặc sắc của nguyên nhân lạm phát ở Việt Nam là do Nhà nước đã đổ những khoản đầu tư bất hợp lý vào các tập đoàn kinh tế, xí nghiệp quốc doanh … khổng lồ đến mức … bại hoại cả nền kinh tế.

 

Kinh tế ngoài quốc doanh ngày càng tỏ rõ nhiều ưu thế vượt trội. Trong năm 2005 tỷ lệ vốn / lao động của các doanh nghiệp nhà nước cao gấp 3 lần so với các doanh nghiệp dân doanh, nhưng doanh số trung bình do một công nhân tạo ra ở DNNN lại chỉ đạt cỡ 44% so với khu vưc dân doanh. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp của khu vực nhà nước liên tục sụt giảm so với khu vực dân doanh và FDI.. Khu vực nhà nước hầu như không tạo thêm được việc làm mới. Bên cạnh dó, trừ một số ngoại lệ, các DNNN hầu như không xuất khẩu các sản phẩm chế tạo. Đến nay, kinh tế ngoài quốc doanh đang tạo ra 90% việc làm trong khu vực công nghiệp và gần 70% sản lượng công nghiệp.

 

Vậy mà, tài sản nhà nước của nhân dân vẫn cứ được đổ vô tội vạ vào các DNNN kém hiệu năng để không chỉ gây nên những khoản nợ không trả được đến hàng trăm nghìn tỷ đồng mà còn tạo điều kiện để họ chi thả cửa, rất hào phóng cho những dự án nhảm nhí. Nhờ tham nhũng bôi trơn, hàng loạt dự án hoành tráng được rầm rộ thông qua từ xã lên huyện, qua tỉnh đến trung ương ngay cả khi chưa đủ hồ sơ kỹ thuật. Nói chung có lập hội đồng chuẩn định đấy, nhưng tất cả đều được phù phép thành các hội đồng chuột.

 

Ai không sững sờ khi đọc những dòng này trên báo Lao Động số ra ngày 20 tháng 3 năm 2008 :

 

“ Xã Long Hậu ( huyện Cần Giuộc ) từng biết đến như là xã có số dự án sân golf cao kỷ lục trong cả nước ( có thể cả thế giới, với 5 dự án ). Cũng chính xã này đang lăm le qua mặt khu đô thị Phú Mỹ Hưng với 2 dự án khu đô thị sinh thái có tổng diện tích gần 800ha ( có 1 dự án trải rộng trên 2 xã Long Hậu và Phước Lại ). Hai DA này cùng với 5 DA sân golf chiếm gần hết diện tích đất nông nghiệp trong xã. Nằm cạnh dự án sân golf xã Mỹ Phú - huyện Thủ Thừa là dự án khu đô thị sinh thái rộng 300ha.

Cách đó mấy cây số, tại xã Mỹ An ( cũng huyện Thủ Thừa ) là DA khu ĐTST khác cũng rộng gần 300ha. Ở một huyện nông nghiệp khác là Cần Đước cũng có 2 DA khu ĐTST rộng tổng cộng gần 300ha. Huyện vùng sâu Đồng Tháp Mười là Vĩnh Hưng cũng không thua chị kém em với DA khu ĐTST rộng trên 200ha. Nhưng đáng kể nhất là DA khu ĐTST trải dài trên 2 xã vùng sâu là Thạnh Lợi (huyện Bến Lức ) và Bình Hoà Nam ( huyện Đức Huệ ) với tổng diện tích gần 2.600ha...

Cho đến thời điểm hiện nay, tỉnh Long An đã có hơn 10 DA khu ĐTST hoặc có ĐTST với tổng diện tích hơn 5.500ha. Ngoài ra còn có hàng loạt các DA khu đô thị " không sinh thái " cũng đang được triển khai. Lạ lùng là các DA khu ĐTST ở Long An hầu như không nằm cạnh các khu, cụm công nghiệp, mà nằm ở vùng nông thôn xa xôi ”.

 

Hỗn mang chi sơ như vậy chẳng qua chỉ vì “ Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ”.

 

Muốn khỏi chệch hướng XHCN thi quốc doanh sống chết cũng phải là chủ đạo, phải tập trung dân chủ, Đảng phải, không chỉ lãnh đạo mà còn chỉ đạo toàn diện. Đảng chỉ đạo Nhà nước muốn ưu ái ai thì nấy được, muốn cho ai cái gì thì cho.

 

Đảng nhúng tay thao túng cả thị trường chứng khoán.

 

Thị trường chứng khoán lập ra phải là để huy động vốn tiết kiệm vào đầu tư.nhưng ở Việt Nam, đảng CSVN lại dùng nó để vỗ béo các nhà tư bản đỏ của Đảng. Người ta ra lệnh cho Ngân hàng Nhà nước đổ tiền ra cho bọn này vay dể chơi chứng khoán. Thị trường chứng khoán bị biến thành nơi rửa tiền nhằm đầu cơ trục lợi ngắn hạn. Vốn thực sự được huy động phục vụ sản xuất chẳng được là bao. Thắng ở chứng khoán, bọn chúng đổ xô đầu cơ bất động sản. Khi thị trường chứng khoán lung lay, Chính phủ liền ra Chỉ thị 319, lệnh cho các quan tài chính và ngân hàng phải bơm tiền để giữ cho thị trường này không bị sập. Thực chất là để cứu bọn phệ đỏ không bị sút cân.  

 

Người ta cho rằng ở Việt Nam đang hình thành “ chủ nghĩa tư bản thân hữu ”. Ở đây bố làm chính trị để giành đỉnh cao quyền lực, từ đấy tạo điều kiện cho con cái làm kinh tế. Quyền lực lãnh đạo của bố đem lại cho con cái những hợp đồng vô giá, những mối quan hệ maphia để chúng phất lên dễ dàng và nhanh chóng. Chẳng mấy chốc, bọn “ phượng hoàng đỏ ” này đã có thể nắm hết những ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

 

Học giả Trần Đông Chấn vạch ra cái cơ chế maphia ở Việt Nam như sau : “ Họ không hình thành nên những phe nhóm riêng rẽ cụ thể nào cả, mà len lỏi có mặt ở tất cả mọi nơi, từ cơ quan đảng đến nhà nuớc, chính phủ đến quốc hội, trung ương đến địa phương, cơ quan hành chính đến các doanh nghiệp. Cũng không có một thỏa thuận liên minh nào được cam kết nhưng bọn họ phối hợp hành động rất ăn ý và đồng bộ nhờ có một mục tiêu chung là trục lợi. Họ không thể hiện chính kiến riêng và luôn hoan nghênh tất cả các nghị quyết của đảng, chỉ thị của chính phủ, dự luật của quốc hội và các quyết định của chính quyền địa phương cho dù là chúng mang tính bảo thủ hay cấp tiến …. Nhưng điều tồi tệ và nguy hại nhất ở đây chính là những kẻ cơ hội này đang được các thế lực nước ngoài hỗ trợ và nuôi dưỡng vì quan hệ cộng sinh và vì những kế hoạch dài hơn ”.

 

Để làm lóa mắt dân chúng, người ta đã quýết định tăng cung tiền nhắm tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao một cách biểu kiến. Nhưng khối lượng cung tiền lớn được sử dụng làm gì. “ Một nguyên nhân chính là do tốc độ tăng chi tiêu của nhà nước. Tổng chi tiêu của nhà nước năm 2006 là 321 nghìn tỷ đồng, tăng 221,8 nghìn tỷ đồng ( hay 45% )  so với năm 2004. Như vậy tốc độ tăng chi tiêu hàng năm của nhà nước trong giai đoạn 2004 – 2006 là 20,3% / năm. . Cũng trong giai đoạn này thu ngân sách tăng chủ yếu không phải từ nguồn thu nội địa mà là từ dầu mỏ, tiền vay nợ và viện trợ nước ngoài. Thu nội địa năm 2004 chỉ đạt 119 ngàn tỷ, và năm 2006 là 190 ngàn tỷ, tăng có 71 ngàn tỷ. Trong khi đó chi tiêu của nhà nước tăng 131 ngàn tỷ, từ 190 lên 321 ngàn tỷ, tức là gần gấp đôi mức tăng thu nội địa. Khi chi tiêu của nhà nước tăng hơn nhiều so với các nguồn thu ngoài dầu mỏ ( ngay cả khi nguồn thu tăng này đến từ dầu mỏ hay viện trợ ) thì những khoản chi tiêu này sẽ làm tăng tổng cầu. Thế nhưng nếu các khoản chi tiêu này lại không được sử dụng một cách hiệu quả, chỉ đóng góp được chút đỉnh cho sản lượng ( tức là không làm cho tổng cung tăng một cách tương ứng ) thì tất yếu dẫn tới lạm phát ”. ( * * )

 

Muốn vỗ béo bọn tư bản đỏ của Đảng, muốn các quan chức của Đảng sống phè phỡn thì kinh tế phải lạm phát. Lạm phát thì dân chúng thêm điêu đứng ( như đã dẫn ra một phần ở trên ). Nhưng, bọn họ vẫn tiếp tục sung sướng !

 

Thế đấy, đắng cay và chua chát là ở chỗ người ta đã đổ cả núi xương, sông máu của nhân dân Việt Nam ra mà giành lấy quyền lực. Để rồi, lại sử dụng quyền lực đó để bòn rút da thịt, mồ hôi nước mắt của nhân dân. Có hơn gì bọn ngoại xâm, bọn tư sản mại bản, bọn địa chủ cường hào ác bá….!

 

                                                                             *

 

Làm thế nào để chống lạm phát ? Về nguyên tắc là phải tăng cường kiểm soát tiền tệ, làm giảm khối lượng tiền tệ trên thị trường, thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu công.

 

Nhưng, nâng lãi suất ở mức cao hơn lạm phát đề hút tiền vào ngân hàng sẽ làm giảm đầu tư và nhu cầu tiền vốn và tất yếu dẫn đến việc không bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế như mong muốn. Cắt giảm đầu tư của nhà nước và bóp chặt các khoản chi tiêu công sẽ ngăn trở mất điều kiện để tham nhũng và để vỗ béo quan chức….

 

Muốn chặn đứng lạm phát, bảo đảm cho kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững thì không thể không minh bach hơn, công khai hơn và tất nhiên, phải dân chủ thật sự.

 

Trước mắt, như nhóm giáo sư, chuyên gia kinh tế cao cấp của trường đại học Harvard đã gọi ý, cần thành lập ngay một cơ quan quản lý kinh tế cao cấp. Cơ quan này hoạt động tương tự như Hội đồng Phát triển kinh tế của Singapore và của một số nước khác trong khu vực, được giao nhiệm vụ điều phối chính sách vĩ mô và bảo đảm kỷ cương trong khu vực nhà nước. Cơ quan này phải có thẩm quyền cao hơn các bộ ban ngành, chính quyền địa phương và các tập đoàn kinh tế nhà nươc. Để được bảo vệ khỏi sức ép chính trị và sự tác động của các nhóm đặc quyền đặc lợi, thành phần nhân sự của cơ quan này phải bao gồm một số quan chức và chuyên gia giỏi thuộc bộ máy công quyền đồng thời phải có, khoảng 50%, các chuyên gia, các chính khách không phải đảng viên đảng CSVN, không nằm hoặc không còn nàm trong bộ máy công quyền, đặc biệt là những thành phần đối lâp.

 

                                                                                 Hà Nội tháng 3 năm 2008

 

                                                                                     Nguyến Thanh Giang

                                                                         Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay

                                                                             Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội

                                                                                Điện thoại : ( 04 ) 5 534370     

     
 

( * ) Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 6-3-2008

( ** ) Lựa chọn thành công – Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai Việt Nam          ( Công trình khảo cứu của trương đai hoc Harvard )