Thử bàn về chủ nghĩa cơ hội ở Việt Nam ngày nay

 

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII, chủ nghĩa cơ hội được nêu ở phần xây dựng Đảng : “ Thường xuyên phê bình và tự phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái “.

Khi nói về nhiệm vụ công tác giáo dục tư tưởng chính trị, Nghị quyết Đại hội IX không nói chủ nghĩa cơ hội mà nói đến nhiệm vụ “ chống tư tưởng cơ hội thực dụng ” .

Tuy nhiên, gần đây các thuật ngữ : chủ nghĩa cơ hội, tư tưởng cơ hội, phần tử cơ hội, bọn cơ hội chính trị v v… xuất hiện tràn lan trên các báo. Điều đó chứng tỏ nhiệm vụ chống chủ nghĩa cơ hội tuồng như bỗng trở nên rất bức bối, rất khẩn cấp. Nhiệm vụ này càng trở nên gay gắt, quyết liệt đến mức như là mất còn qua lời ông Nguyễn Khoa Điềm, uỷ viên Bộ Chính trị, trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá trung ương Đảng “ Kết hợp với các biện pháp quản lý và xử lý theo pháp luật, công tác tư tưởng- văn hoá phải có những đột phá mới, chỉ rõ tính chất sai trái, phản khoa học, phản động, đi ngược lại lợi ích dân tộc trong các bài viết của các phần tử cơ hội chính trị trong nước và các tài liệu của các tổ chức người Việt phản động ở nước ngoài chuyển vào trong nước ”. ( Bài “ Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng- văn hoá hiện nay ” đăng trên Tạp chí Cộng sản số 7- tháng 3 năm 2003 ). (*)

Vậy là, chủ nghĩa cơ hội ở nước ta ngày nay từ chỗ chỉ được đặt trong khuôn khổ cùng với “ chủ nghĩa cá nhân và mọi hành động chia rẽ, bè phái cần thường xuyên phê bình và tự phê bình ” như trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, hay được chỉ rõ cần “ chống tư tưởng cơ hội thực dụng ” như trong Nghị quyết IX; đến chỗ được coi như phản động, đi ngược lại lợi ích dân tộc như trong bài viết đầu năm 2003 của ông Nguyễn Khoa Điềm. Khi sắp xếp thứ tự qua mệnh đề trên : “ … chỉ rõ tính chất sai trái, phản khoa học, phản động, đi ngược lại lợi ích dân tộc trong các bài viết của các phần tử cơ hội chính trị trong nước và các tài liệu của các tổ chức người Việt phản động ở nước ngoài … ”, (*) ông Điềm tỏ ra căm ghét “ các phần tử cơ hội chính trị trong nước ” hơn cả “ các tổ chức người Việt phản động ở nước ngoài ” . Cho nên, đối với bên ngoài, ông chỉ đặt vấn đề “ Trên mặt trận đấu tranh công khai, phục vụ cho sự nghiệp chung và thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước cần có sự chỉ đạo và xử lý phù hợp(*). Trong khi đó, đối với bên trong, ông quyết liệt ra lệnh “ phát động quần chúng đấu tranh chống lại các quan điểm và hành động sai trái này ngay từ cơ sở(*) .

Nghe mệnh lệnh đó người ta rùng mình liên tưởng đến các cuộc phát động quần chúng đấu tranh giảm tô, phát động quần chúng đấu tranh chính trị thời cải cách ruộng đất !

Vậy, ngày nay chủ nghĩa cơ hội biểu hiện ở nước ta như thế nào ? Có thật bản chất của nó đã biến đổi nhanh chóng từ sau Đại hội IX ? Vì sao lại có sự khác biệt giữa ông Nguyễn Khoa Điềm với Cương lĩnh xây dựng Đảng và Nghị quyết Đại hội IX về nhận thức và biện pháp xử lý đối với những biểu hiện cơ hội ở nước ta hiện nay?

Nhận dạng chủ nghĩa cơ hội

Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1977, thuật ngữ “ chủ nghĩa cơ hội ” được định nghĩa như sau : a) Chủ trương chính trị lìa bỏ con đường chân chính, lánh xa quần chúng để tuỳ cơ thoả hiệp với quân thù. b) Chủ nghĩa của những người không có chính kiến hẳn hoi, hễ thấy lợi là bám chặt lấy.

Trong cuốn Từ điển chính trị của Liên xô trước đây, chủ nghĩa cơ hội được định nghĩa là chính sách tuỳ thời, thoả hiệp giai cấp thù địch với chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong phong trào công nhân, chủ nghĩa cơ hội biểu hiện trong việc từ bỏ các biện pháp đấu tranh cách mạng, hợp tác với các chính phủ tư bản chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa. Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh là lý thuyết và sách lược của lớp công nhân quý tộc đã tư sản hoá, các tầng lớp trung gian trong xã hội tư bản, ủng hộ phong trào tự phát của công nhân, chối từ cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự cần thiết phải giành chính quyền về tay giai cấp công nhân. Chủ nghĩa cơ hội tả khuynh là quan điểm cách mạng cực đoan và phiêu lưu của các tiểu chủ bị phá sản và các phần tử mất bản chất giai cấp, giữ nhận định tuỳ tiện về sức mạnh vạn năng của bạo lực cách mạng, mưu toan đẩy phong trào công nhân vào con đường phiêu lưu chính trị.

Nói chung, trong phong trào cộng sản trước đây, khuynh hớng sùng bái phong trào tự phát, từ bỏ cách mạng xã hội chủ nghĩa, phủ nhận sứ mệnh giành chính quyền của giai cấp công nhân được xem là cơ hội hữu khuynh. Khuynh hướng kết hợp hỗn tạp những phương châm cách mạng cực đoan và phiêu lưu, cơ sở trên những quan niệm duy ý chí về sức mạnh tuyệt đối của bạo lực cách mạng được xem là cơ hội tả khuynh.

Ngày nay, để nhận dạng được chủ nghĩa cơ hội ở nước ta, có lẽ nên nêu thêm nhận xét sau đây của Lênin về bản chất của chủ nghĩa cơ hội : “ Khi nói đến đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội thì không bao giờ được quên đặc điểm của tất cả chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là : Nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể nào hiểu nổi. Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát ; bao giờ nó cũng tìm con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau, nó tìm cách “ thoả thuận ” với cả quan điểm này lẫn quan điểm kia, nó quy những sự bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại ” ( Lênin toàn tập tiếng Việt, tập 8, trang 476 ).

Để đối chiếu, hãy thử xét đến tuyên ngôn về đường lối xây dựng kinh tế của ta ngày nay : ” Xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ”.

Về sự “ quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau ” trong tuyên ngôn này, năm 1997 tướng Trần Độ đã phát biểu trong bài “ Tình hình đất nước và vai trò của đảng Cộng sản ” như sau: “ Như vậy, nẩy sinh một mâu thuẫn không thể giải quyết được, bởi vì cả về lý thuyết lẫn về thực tiễn, kinh tế thị trường- điều kiện tất yếu để phát triển kinh tế- không thể đi đôi với định hướng xã hội chủ nghĩa được. Cuối cùng, hoặc mặt này loại bỏ mặt kia, hoặc đẻ ra một trạng thái kinh tế hỗn loạn, không ra kinh tế thị trường, cũng không ra kinh tế xã hội chủ nghĩa … Cơ cấu “ năm thành phần kinh tế ” không thể trở thành hiện thực khi vẫn nhấn mạnh kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Mọi người đều biết khu vực kinh tế quốc doanh ấy đã thua lỗ như thế nào, hàng năm nhà nước phải trợ cấp cho nó một khoản to lớn như thế nào, và nó trở thành nguồn tham ô, lãng phí ghê gớm như thế nào ? Không thể bỏ kinh tế quốc doanh vì trong một số lĩnh vực nó vẫn còn cần thiết, nhưng đặt nó thành chủ đạo thì chỉ có nghĩa là triệt tiêu hoặc làm suy yếu các thành phần kinh tế khác, nhất là kinh té tư nhân. Người ta rất sợ nói đến kinh té tư nhân vì như vậy là “đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa” … ”.

Người viết bài này trong bài viết ngày 1 tháng 5 năm 1996 mang tiêu đề “ Thế nào là định hướng đúng ” cũng từng băn khoăn : “ Sở dĩ ta cứ phải ép buộc phát triển kinh tế quốc doanh chỉ vì phải định hướng XHCN. Mặc dù để cứu vớt sự sống còn, tình hình quá bức bách buộc phải thay đổi rất nhiều điều cơ bản và phải biến hoá gần như hoàn toàn khác rồi, nhưng ai đó vẫn ngoan cố không dám phủ định chính mình khi hơn một lần đã khẳng định : “ Công cuộc Cách mạng XHCN phải là một quá trình cải biến cách mạng về mọi mặt nhằm đưa nền kinh tế chủ yếu dựa trên sở hữu cá thể về tư liệu sản xuất tiến lên nền kinh tế XHCN dựa trên sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể ” ( Nghị quyết của Đại hội lần thứ Ba của dảng CSVN ). Thế vậy rồi cứ phải quanh quanh co co. từ chỗ coi đặc trưng cơ bản của nhà nước XHCN là thủ tiêu phát triển kinh tế hàng hoá, đến chỗ phải thừa nhận kinh tế thị trường ( Mà, kinh tế thị trường là kinh tế hàng hoá phát triẻn ở trình độ cao ). Buộc phải thừa nhận sản xuất hàng hoá nhưng lại vẫn cứ rào trước đón sau rằng: đất đai, nhà xưởng, hầm mỏ, cầu cống, sức lao động, chất xám không phải là hàng hoá, chúng không thể được sử dụng làm đối tượng mua bán tự do ! ”. ( Xem sách “ Khát vọng ngàn đời ” )

Cái sự “ tránh đặt vấn đề một cách rõ ràng, dứt khoát ” ( Lời Lênin đã dẫn trên kia ) như vậy đã dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Dựa vào sự mập mờ đó mà đất đai đã và đang trở thành phương tiện để đầu cơ, tham nhũng khiến cho một số trong bọn quyền thế nghiễm nhiên thành triệu phú, tỷ phú Đôla, trong khi dân lành nhiều ngời khuynh gia bại sản. Do mập mờ như vậy, quyền sở hữu đất đai không thể nào xác định được. Chín mươi phần trăm nhà đất ở Thủ đô hiện không có “ sổ đỏ “. Trong xã hội ta, nhiều khi chỉ vì sự mập mờ trong đường lối, chính sách mà hầu hết tất cả, dù là công dân lương thiện hay trí thức có nhân cách; dù là học sinh trong trắng hay lãnh đạo cấp cao … đều phải sống bất hợp pháp !

Việc mua bán đất đai trong thực tế đã diễn ra phổ biến, công khai ở mọi nơi, mọi cấp nhưng vì để cho có vẻ giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. người ta vẫn chí chá gọi đấy là “ chuyển quyền sử dụng đất ”. Người ta tuyên bố : “ Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, có quyền định đoạt đối với đất đai và điều tiết các nguồn lợi từ việc sử dụng đất ”. Nhưng thực tế, cái sự lơ mơ ấy đã tạo điều kiện cho nạn đầu cơ đất phát triển rầm rộ. Cái gọi là “ đại diện sở hữu toàn dân ” bị moi móc đến kiệt quệ. Riêng một số bọn quyền chức tha hoá thả cửa vơ đầy túi tham.

Ngoan cố mãi, trì trệ mãi, may sao trong dự luật đất đai đem trình Quốc hội kỳ này người ta hình như mới đành chịu tạo điều kiện chính thức cho mua bán đất đai qua điều 55 của đạo luật này: “ Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định các loại giá đất và khung giá các loại đất cho từng vùng, theo từng thời gian, UBND tỉnh, thành phố quy định giá đất cụ thể

Trước những sai lầm cơ bản quá nặng nề, phải có đầu óc minh mẫn lắm, phải có lòng dũng cảm cao thượng đến mức sẵn sàng hy sinh vì nghĩa cả người ta mới dám thành thật công khai thừa nhận. Những người lãnh đạo cộng sản Trung Quốc không làm điều ấy. Tuy nhiên, họ biết khôn khéo tuyên bố “ Xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc ”. Ai cũng thấy họ đã từ bỏ và đang dần dần từ bỏ hết những chủ trương, đường lối, chính sách sai lầm từng theo đuổi trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đây. Họ bảo họ không xây dựng chủ nghĩa tư bản nhưng họ không nhắc đấu tranh giai cấp nữa, họ bảo Đảng của họ là đảng của toàn dân, họ kết nạp cả tư sản vào Đảng của họ. Họ không nói “ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ” mà nói làm “ kinh tế thị tưrờng xã hội chủ nghĩa ”.

Cái chủ nghĩa xã hội của họ, cái nền kinh tế thị trường của họ rõ ràng không phải là xã hội chủ nghĩa như đã làm, cũng chưa thấy có gì khác, hoặc ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản nhưng họ có quyền bảo đấy là “ chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc ”, đấy là “ kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ”. Nói chung thì cũng là “ mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không sao hiểu nổi ” (Lời Lênin đã trích dẫn trên kia) cả thôi. Tuy nhiên, họ “ thông minh ” hơn, và điều quan trọng là, tự biết mở lối thoát để tránh bớt những lúng túng nguy hiểm không thoát được trong lý luận và những ràng buộc gây nên sự “ tréo giò ”, “ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ” trong thực tiễn như ở ta.

Về tư tưởng cơ hội thực dụng

Nêu lên một vài ví dụ điển hình trên đây để thấy nhận dạng cho được chủ nghĩa cơ hội ở nước ta hiện nay là hết sức khó khăn. Cái thứ xã hội chủ nghĩa mà ta từng xem như mục tiêu lý tưởng đã thực sự phá sản rồi. Phá sản một cách rất đau lòng đối với tôi, với anh, với tất cả chúng ta. Có người vẫn cố kèo néo, muốn xí xoá trong một định nghĩa ngắn gọn rằng : “ Chủ nghĩa xã hội là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ”. Nói thế sao nghe cho được. Đấy chẳng qua chỉ là những mong ước thông thường, chứ đâu phải là một chủ nghĩa.

Như Lênin đã chỉ ra trên kia : nó chỉ là “ những nguyện vọng thành tâm và vô hại ”. Một chủ nghĩa chí ít phải là một cứu cánh. Nó vừa là mục tiêu cũng phải vùa là phương tiện bao gồm những biện pháp thực thi tối ưu. Với những biện pháp : chuyên chính vô sản, triệt bỏ tư hữu, kế hoạch hoá toàn bộ nền kinh tế, phân phối theo lao động, bài bác cạnh tranh mà thay bằng hô hào thi đua vv …, chủ nghĩa xã hội không chỉ đã làm ngừng trệ phát triển sức sản xuất mà còn làm tha hoá toàn bộ đời sống xã hội.

Vậy, muốn có dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì phải làm thế nào đây ? Chỉ cần đổi mới chăng ? Nhưng như vậy thì có sợ bị Lênin phê bình là : “ nó tìm cách “ thoả thuận ” với cả quan điểm này lẫn quan điểm kia, nó quy những sự bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt ” không ?. Như “ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ”, như định nghĩa : “ Trừ một một số ít nhà tư bản, tất cả những trí thức, lao động chân tay, trí óc trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ đều thuộc giai cấp công nhân ” … chẳng hạn.

Phải tìm cho ra được một con đường mới, một chủ nghĩa mới hay, cực chẳng đã, đành rằng dù chỉ là đổi mới thì đấy cũng phải là một công cuộc lớn lao, hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi động não của toàn đất nước, của cả dân tộc chứ đâu phải chỉ cần mấy triệu Đảng viên. Càng không thể chỉ mấy trăm Uỷ viên Trung–ương, mấy chục Uỷ viên Bộ Chính trị.

Tiếc rằng do quá sợ hãi, ngày nay ở nước ta từ người giảng dạy chủ nghiã Mác- Lênin đến cán bộ lãnh đạo các ngành, các đoàn thể …, trong các cuộc trà đàm, câu “tuyên bố ” cửa miệng đều là : không làm chính trị. Cho nên, dù có đốt đuốc đi tìm, dù săn lùng ráo riết mấy chăng nữa thì số cơ hội chính trị ở nước ta ngày nay cũng chỉ như “ sao buổi sớm ”. Đúng như nhận xét được nêu trong bài “ Đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội thực dụng trong thời kỳ mới(**) ( Tạp chí cộng sản số 8, tháng 3- 2003 ) của bà Nguyễn thị Doan – uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra trung ương Đảng - : “ cơ hội chủ nghĩa, hay xét lại ở cấp độ cao không có hoặc ít xuất hiện ”.

Cho rằng hầu như không có cơ hội chính trị nhưng trong công trình nghiên cứu rất có giá trị này, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn thị Doan chỉ rõ ở nước ta ngày nay “ chủ nghĩa cơ hội thường gắn liền với chủ nghĩa thực dụng. Loại này là đặc trưng ở một số người chỉ chú tâm đến lợi ích cá nhân. Trước những khó khăn, thử thách, họ không tin vào sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng, ngại khó, ngại khổ, nhưng lại đầy tham vọng về công danh, quyền lực nhằm mục đích cá nhân là “vinh thân, phì gia” (**).

Tác giả cho rằng có “ một số người khéo léo luồn lách, nịnh bợ, không có chính kiến độc lập, luôn lấy lòng các cấp lãnh đạo … lại đang có cơ hội để thăng quan tiến chức. Khi nắm được quyền lực, số người này quay lại đối xử hách dịch với quần chúng cấp dưới, tác phong quan liêu, trù úm những người đấu tranh vì lợi ích chung. Một lô-gích hiện hữu là họ không bao giờ vì lợi ích của Đảng, của quốc gia dân tộc, mà họ làm việc chỉ vì lợi ích của chính cá nhân họ(**).

Trong quá trình kiểm tra Đảng, bà đau lòng nhận thấy “ người đứng đầu một cơ quan, tổ chức, đoàn thể … không đủ dũng cảm để nghe những ý kiến trung thực, thẳng thắn và có tính chất xây dựng của quần chúng, của cấp dưới. Trái lại, họ tìm cách cô lập những người đấu tranh thẳng thắn(**). Họ “ dựa vào những đánh giá không sát thực của cấp trên để bịt mọi ý kiến trong quần chúng về khuyết điểm của mình, thậm chí còn dùng cấp trên để “răn đe” những ý kiến của quần chúng(**).

Nhận diện phần tử cơ hội nguy hiểm

Dư luận xôn xao, nhiều người hết sức ngỡ ngàng khi nghe tin nước ta bỗng nhiên có rất nhiều gián điệp. Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn chuyển giúp đơn thư tố cáo của bà con lên intơnet … bị quy kết là gián điệp. Thạc sỹ-bác sỹ Phạm Hồng Sơn dịch tài liệu “ Thế nào là dân chủ ” rồi phổ biến trên intơnet … bị quy kết là gián điệp. Cựu phóng viên Tạp chí Cộng sản Nguyễn Vũ Bình nộp đơn xin thành lập đảng Tự do Dân chủ … bị quy kết là gián điệp. Đại tá Phạm Quế Dương, chưa hề được bước chân ra khỏi biên giới, hết đánh Pháp, đánh Mỹ lại đánh Tầu, cùng học giả Trần Khuê nộp đơn xin thành lập “ Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng ” … bị quy kết là gián điệp. Rồi bác sỹ Nguyễn Đan Quế, cựu quyết tử quân Trần Dũng Tiến vv …

Thật không thể nào hiểu nổi, càng không thể nào lý giải nổi ! Đành trích thêm một đoạn trong công trình nghiên cứu của bà Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra trung ương Đảng đã nêu trên kia : “ Để tiến thân bằng chức tước, họ tìm mọi thủ đoạn, quên cả tình nghĩa, thậm chí chà đạp lên cả đồng chí, đồng đội … Họ dối trên lừa dưới, thực hành dân chủ một cách hình thức, trong thực tế là mất dân chủ, để hợp thức hoá các quyết định mang tính độc đoán, cá nhân. Lãnh đạo các cấp chỉ nhận được những thông tin sai lệch với thực tế, lại thiếu kiểm tra, kiểm soát, cho nên đã để cho chủ nghĩa quan liêu, xa dân trở thành “mảnh đất mầu mỡ” cho những kẻ cơ hội thực dụng phát sinh và phát triển(**).

Trần Độ là ai ? Phạm Quế Dương là ai ? Trần Dũng Tiến là ai ? …

Đành rằng chúng tôi chưa phải đã là những người đóng góp nhiều nhất cho cách mạng nhưng đằng đẵng những nguy khó, gian nan, và máu, nước mắt, mồ hôi … của chúng tôi hẳn đã góp phần không nhỏ tạo nên cái ghế của họ hôm nay. Thế mà “ … họ tìm mọi thủ đoạn, quên cả tình nghĩa, thậm chí chà đạp lên cả đồng chí, đồng đội(**) !

Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Minh Chính, Trần Độ … cơ hội để làm gì ? Họ còn mong mỏi gì được nữa cho cá nhân ở cái tuổi đã trên 70, ngoại 80 ?

Khi nghĩ về những trí thức khả kính này, tôi thường nhớ lại một đoạn văn rất hay của tác giả Nhị Lê trong bài “ Chức quyền xã hội ” đăng trên tạp chí Cộng sản số 3, tháng 2 năm 1998 : “ Có biết bao người khi có chức quyền xã hội, lòng dạ vẫn thẳng ngay, làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc. Dù có hàm oan mà bị cách chức, huyền chức, thậm chí bị hãm hại, họ vẫn được nhân tâm cảm khái, hậu thế nâng niu. Họ mãi là những tấm gương đáng kính trọng. Chức quyền xã hội, rõ ràng, đã trở về nguyên gốc là thứ phương tiện, để con người thực hiện điều nhân, đạo nghĩa. Thực là đại phúc đối với con người … Chức quyền xã hội, người thì xem đó chỉ là cái để hành đức, hành đạo; kẻ thì ngưỡng vọng, si mê như bị đớp lấy vía hồn. Chức quyền xã hội, với người này là mục đích, với người kia là phương tiện; ở đây là đại hoạ, ở kia là đại phúc, biến hoá khôn lường ”.

Thế mà ngày nay có những kẻ rất tôn thờ chủ nghĩa Makiavelli. Họ còn cố vượt lên trên cả tầm của Makiavelli để thực thi một cách rất thành thạo chính sách của ông ( Chính sách của những kẻ không từ bất cứ phương tiện nào để đạt được mục tiêu, chà đạp lên bất cứ đạo đức và lòng trung thực nào. Thuật ngữ này có nguồn gốc và mang tên Makiavelli – nhà hoạt động chính trị Italia cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 - Ông ta khuyên các nhà cầm quyền không từ bất cứ thủ đoạn nào, cho đến cả sự bội tín, lừa dối, phản bội, giết chóc, miễn đạt được những mục tiêu đề ra ).

Những phần tử cơ hội nguy hiểm ấy muốn gì ? Họ còn muốn ứng cử cả chức Tổng Bí thư nữa chăng ? Nhưng, hành động điên cuồng, tàn bạo, dại dột của họ không chỉ phá hoại đạo lý, dầy xéo pháp luật, hại dân, hại nước mà còn thực sự làm thương tổn đến uy tín của Đảng, của Bộ Chính trị.

Họ khui ra bài viết đã cách đây mấy năm để kích thích nhà văn Dương Thu Hương giận dữ mắng té tát cả vào tập thể của họ. Họ khuyếch đại một bộ phim nước ngoài mà trong nước hầu như không ai biết để gây thành vụ xcăngđan lớn, dẫn đến việc ra đi của tài tử điện ảnh Đơn Dương. Dù thạc sỹ- bác sỹ Phạm Hồng Sơn có xốc nổi kêu gọi lập quỹ hỗ trợ dân chủ; dù đại tá Phạm Quế Dương và học giả Trần Khuê có bị nghi ngờ giả danh xin thành lập Hôi Chống tham nhũng để tiến tới thành lập Đảng; dù cựu quyết tử quân Trần Dũng Tiến có phê phán các vị lãnh đạo hơi nặng lời … thì mức độ nguy hiểm, mức độ khẩn cấp của nó đã đến mức cần tức tốc ra tay mở chiến dịch đàn áp nặng nề đến mức như vậy chưa ? Lợi thì chưa thấy, nhưng hậu quả là Việt Nam bị Tổ chức quốc tế Bảo vệ ký giả xếp vào một trong ba nước đối xử tồi tệ nhất với tự do báo chí ( chỉ sau Irak và Cuba ) và tổng bí thư Nông Đức Mạnh của ta bị một tổ chức quốc tế xếp vào danh sách những người lãnh đạo bất hảo về nhân quyền ! ( Dẫu rằng đây chưa phải là đánh giá chính thức của quốc tế ).

Cho nên, có phải không, chính họ là cái người mà bà Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã nói đến : “ Khi nắm được quyền lực, số người này quay lại đối xử hách dịch với quần chúng cấp dưới, tác phong quan liêu, trù úm những người đấu tranh vì lợi ích chung. Một lô-gích hiện hữu là họ không bao giờ vì lợi ích của Đảng, của quốc gia dân tộc, mà họ làm việc chỉ vì lợi ích của chính cá nhân họ(**).

Và, để kết thúc bài viết, dù đã trích dẫn hơi nhiều, tôi vẫn xin được trích dẫn thêm một câu rất hay trong một tác phẩm thuộc “ Tủ sách Ngoại giao ” do tác giả Nguyễn Khắc Huỳnh hoàn thành vào xuân 2002 mà tôi tin sẽ có giá trị lịch sử rất lớn. Cuốn sách có tiêu đề : “ Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX ”. Ông viết : “ Ngưòi ta lớn tiếng phê phán nhau “cơ hội” đến mức không phân biệt được ai “cơ hội”, ai đúng đắn; và cũng thường dễ thấy – như ở Việt Nam hiện nay – Kẻ cơ hội lại cao giọng phê phán người có tâm huyết là cơ hội ”.

Hà Nội 11 tháng 5 năm 2003
Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13P9 – Tập thể Phòng không Hoà Mục
Phường Trung Hoà - Quận Cầu Giấy