30 Năm - Vài Cảm Nhận

Thấm thoắt mà đã 30 năm. Ba mươi năm sau đổ nát tan tành của mấy quả bom nguyên tử, Nhật Bản đã đủ sức vươn lên thành một cường quốc Châu Á. Ba mươi năm sau phân chia Nam Bắc, Hàn Quốc đã đủ thời gian bay lên thành một Con Rồng.

Khi còn chiến đấu gian khổ, nghe chủ tịch Hồ Chí Minh động viên : thắng giặc ta sẽ xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng, to đẹp, ai cũng nức lòng. Thế rồi ta đã được thống lĩnh giang sơn và có hoà bình để xây dựng đất nước trong suốt cả 30 năm. Ba mươi năm là thấm thoắt nhưng cũng đà đằng đẵng. Ngoảnh nhìn lại và tự hỏi : ta đã có được những gì ? vì sao ta chỉ có được như vậy ?

Còn nhớ, vào khoảng những năm sát trước 1975, một chuyên viên khoa học kỹ thuật có bậc lương cao ngang lương phó vụ trưởng như người đang viết này mà vì ăn uống thiếu thốn nên không lúc nào không bị cái đói dày vò. Đi kiểm tra kỹ thuật ở một đơn vị địa vật lý, năm giờ chiều ăn cơm xong, tám giờ tối ngồi bên đống lửa tán chuyện. Quanh quẩn chỉ được mấy câu rồi không biết thế nào lại quay vào chuyện ăn. Anh em vừa nể vừa thương cán bộ cấp trên xuống lắm nhưng không có gì, đành ra vườn rau tự túc hái một ôm về luộc chấm với nước muối pha mỳ chính, ăn vã. Năm 1989, sang Mỹ, hỏi một nông dân về chuyện ăn uống, anh ta bảo : ở nước tôi, người dân thường cũng ăn như Tổng thống. Nghe mà không sao tưởng tượng nổi.

Thế rồi, đùng một cái, phải nói là đùng một cái vì nó thay đổi như là biến đổi, sau Khoán Mười bỗng nhiên ta thừa gạo và từ lâu đã trở thành nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Bây giờ đói cơm là hãn hữu còn đối với những loại thường thường bậc trung như chúng tôi thì không còn cái cảm giác thèm ăn nữa.

Năm 1980, lần dầu tiên đi dự Hội nghị khoa học quốc tế ở một nước tư bản. Đi gần đến cấnh cửa nhà chờ sân bây, thấy cánh cửa bỗng tự nhiên từ từ mở. Ngạc nhiên quá. Hơn cả thần thoại à ? Mình đã kịp nói câu “Vừng ơi, mở ra !” đâu. Đi tiểu tiện, không tìm thấy cái nút đẻ giật nước dội nhưng vùa quay ra, nước đã ào ào xối. Ki cóp bao nhiêu năm mới mua được một chiếc “quạt tai voi” Liên Xô. Lúc bấy giờ, nhà nào có được chiếc tivi đen trắng thì cả xóm đến xem nhờ. Thế mà ngày nay, tivi mầu, cánh cửa tự động, vòi nước tự động không chỉ có ở sân bay, ở các khách sạn mà cả trong tư thất. Ngạc nhiên lắm chứ. Lạ kỳ lắm chứ. Đấy là nhờ chính sách mở cửa của Đảng và Chính phủ. Mở cửa để đón nhận kỹ thuật-công nghệ Phương Tây.

Mở cửa và từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hoá cứng nhắc là sự bừng tỉnh rất đáng hoan nghênh và khích lệ của đảng Cộng sản Việt Nam. Nó đã cứu đất nước khỏi vòng tăm tối bi thảm của mấy thập kỷ trước đó và, như là, bắt đầu cuộc đổi đời.

Tuy nhiên, mở cửa một cách chập chờn, từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hoá mù quáng để dấn thân vào kinh tế thị trường nhưng lại cứ vướng víu cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” nên trên đường đi tới, đất nước vẫn cứ như còn dùng dắng, không những không phát triển nhanh được mà còn phát triển rất không lành mạnh.

Vừa giành lại được Miền Nam xong, Đảng cử ông tổng bí thư tương lai Đỗ Mười vào Sài Gòn mở chiến dịch mới, cải tạo tiêu diệt không chỉ tư bản, mà cả công thương nghiệp tư doanh. Từ chỗ như thế đến chỗ lại tung hô “đảng viên cũng phải biết làm giàu” và tổ chức ngày hội vinh danh các doanh nhân phải nói là biểu hiện một sụ thoát xác ghê gớm lắm. Tuy nhiên, sao vẫn cứ còn “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” một cách ngoan cố với cái chủ nghĩa công hữu nặng nề đến vậy. Rón rén thừa nhận tư hữu mấy cái xi nghiệp thủ công, nay đang mon men thừa nhận tư hữu cả nhà máy điện, công ty bưu chính – viễn thông, cả trường đại học. Nhưng, ruộng đất thì dứt khoát cứ phải là tài sản của tập thể, của Nhà nước. Kể ra nếu đúng là của một cái thứ Nhà nước thật sự anh minh một cách lý tưởng thì cũng được, đằng này mấy Ông Nhà nước bằng xương bằng thịt bụng to, mặt bự dựa vào quyền lực tuyệt đối do Đảng trao cho để chiếm đoạt lấy rồi ban phát cho nhau. Nắm được kế hoạch mở đường, kế hoach đô thị hoá, người ta thí cho người nông dân mấy trăm nghìn, thậm chí vài nghìn đồng trên mỗi mét vuông đất rồi đuổi họ đi để ít lâu sau bán lại hàng triệu đồng chính mét vuông đất đó. Thế là cùng với bọn maphia buôn vũ khí, tầu ngầm, xe tăng, bọn cò mồi, bọn chủ đất này nghiễm nhiên trở thành những tư bản đỏ kếch xù, có tiền gửi nước ngoài không chỉ hàng triệu mà thậm chí hàng tỷ đola. Nông dân mặc nhiên bị tước ruộng vườn, bị đuổi khỏi thôn làng. Hoặc đi làm tỳ thiếp, tận Đài Loan, Trung Quốc, hoặc ra đô thị bán chôn nuôi miệng. Sau 30 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, số gái điếm, số trẻ em lang thang cơ nhỡ ở Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ đông gấp bao nhiêu lần Sài Gòn khi xưa ?

Mang danh xã hội chủ nghĩa nhưng bất công, phân hoá giầu nghèo còn ghê góm hơn ở các nước tư bản giầu có rất nhiều. Chỉ số GINI của Nhật Bản, Đan Mạch chỉ cỡ trên dưới 25, trong khi Việt Nam xấp xỉ 40. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh công bố công khai tại một hội nghị quan chức của Đảng và Chính phủ rằng ở Hà Nội có một nhà trẻ thượng đẳng, tai đấy có mấy chục người Việt Nam gửi trẻ với giá 2800 USD một tháng. ( Số tiền gửi một đứa trẻ con tư bản đỏ ở Việt Nam hiện nay bằng tiền người nông dân nuôi đứa con khốn khổ của mình trong hơn mười năm trời ! ) Tư bản đỏ, địa chủ cộng sản ngày nay giầu có và tàn bạo gấp trăm lần các nhà tư sản và địa chủ bị ta đấu tố, tù đầy bắn giết hồi cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, tư bản tư doanh.

Hứng chịu bất công lúc khoẻ, lúc ốm đau lại còn bị phân biệt đối xử tàn tệ hơn. Một cán bộ trung, cao cấp, một tướng lĩnh quân đội vào bệnh viện chiếm mấy phòng đầy đủ tiện nghi. Có máy lạnh, có lò sưởi ấm, có phòng tiếp khách. Trong khi đó, một kỹ sư, một nhà giáo, một công nhân vào bệnh viện Việt Nam còn khổ hơn vào nhà tù ở nước tư bản. Phải nằm theo cách hai người bệnh chọc chân vào mặt nhau trên một chiếc giường cá nhân ! Bệnh viện không đủ hộ lý nên mỗi người bệnh phải có một vài người nhà đi theo chăm sóc. Những người đi chăm sóc bệnh nhân này cũng bị đầy đoạ trong thảm cảnh. Suốt ngày không được nằm, không được ngồi vì không có chỗ. Đêm đến phải trải chiéu ngủ ngay dưới gầm giường người bệnh.

Trong khi các trụ sở Đảng, trụ sở chính quyền rất đàng hoàng, to đẹp, các quan chức cưỡi những chiếc ôtô sang trọng, đắt tiền hơn cả xe của quan chức tư bản giầu có thì trường lớp vừa thiếu vừa xập xệ ( Nhớ lại, ngày xưa Nguyễn Ai Quốc từng tố cáo chế độ thực dân Pháp, ở Việt Nam, nhà tù nhiều hơn bệnh viện và trường học ). Trường sở như vậy, giáo viên lại chỉ được hưởng đồng lương chết đói thì sao tránh khỏi tình trạng học sinh học đến lớp Năm mà đọc chưa thông, viết chưa thạo. Chương trình giáo dục, sách giáo khoa thì vừa lạc hậu lại thay đổi xoành xoạch. Cải tiến, cải tiến rồi lại cải tiến nhưng kết quả tổng hợp là cải lùi. Có tình trạng dó là do nói chung, các quan chức phần lớn chỉ là “ học giả ”, họ không được học thật, họ chưa từng sôi kinh, nấu sử.

Đảng ra sức thổi họ lên cho thành trí thức công nông và gắn cho họ đủ loại bằng sắc, học hàm, học vị thông qua con đường bổ túc công nông, hàm thụ, tại chức, phong giáo sư. Họ quyết sách đường lối, chủ trương về giáo dục nhưng bản thân chưa kinh qua và chưa hề được biết cái chính quy, cái mô phạm của giáo dục.

Bát mãn trước cảnh mua quan bán tước, cụ Tú Xương từng thốt lên chua chát :

Tú tài thằng ấm Kỷ
Cử nhân con đô Mỹ
Thi thế cũng đòi thi
Ối khỉ ơi là khỉ

Ngày nay, tình trạng bằng cấp không tương xứng trình độ, thậm chí bằng giả quá nhiều không phải chỉ do đồng tiên thao túng vì tác động của kinh tế thị trường mà có nguồn gốc từ sự độc quyền, độc đoán. Đảng muốn cho ai cái gì thì người ấy được. Mấy anh bạn cùng lớp ngày nào, học kém và lười nhưng bỗng được cho đi bổ túc công nông, rồi sang làm nghiên cứu sinh hữu nghi ở Liên Xô. Thế là chẳng mấy chốc đã có đủ hàm, đủ vị cao tít trên đầu.

Chỉ vài ông cán bộ cấp xã, cấp tỉnh … bị phát giác và thi hành kỷ luật về tội bằng giả. Bằng giả đối với những vị trên Trung ương tai hại hơn nhiều nhưng có ai được xét đến ý kiến phát giác đâu. Một ví dụ nhỏ : Bà Trương Mỹ Hoa- phó chủ tịch nước - học chưa hết phổ thông thì bị vào tù. Sau năm 1975, bà liên tục đảm nhiệm những trách nhiệm nặng nề, thế mà cách đây mươi lăm năm, trong bản lý lịch vào Trung ương, bà đã ngang nhiên khai có ba bằng đại học và biết ba ngoại ngữ. Người viết bài này đầu óc vốn không quá tăm tối, lại học hành rất nghiêm túc, thế mà học lõm mắt vào mới được một tấm bằng đại học. Không biết các ông các bà ấy học hành lúc nào, học theo kiểu nào ?

Tai nạn giao thông thì thật là khủng khiếp. Trung bình mỗi tháng 1 080 người chết. Chỉ riêng trên mặt trận giao thông vận tải con số này đã cao gấp nhiều chục lần số tử vong trong các cuộc chiến vừa diễn ra ở Afganistan, ở Iraq. Nghĩa là, ta như vẫn còn chiến tranh rất khốc liệt. Thảm trạng đó, một phần do ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân còn kém ( Điều này có nguyên nhân từ nhiều thập kỷ bãi bỏ pháp quyền, thay bằng chuyên chính vô sản ). Phần chủ yếu do tổ chức và quản lý giao thông quá kém. Đầu tư hạ tầng cơ sở đã thiếu thốn lại còn bất hợp lý. Trong khi Quốc lộ Một cần khẩn trương nâng cấp, mạng lưới giao thông đô thi cần gấp rút mở rộng thì bỏ đó mà dổ của ra mở vội đường Hồ Chí Minh xuyên Viêt. Cho đến nay mật độ xe cô trên con đường này nói chung rất thưa thớt. Con đường chọc phá tan hoang bao nhiêu cánh rừng Trường Sơn cho đén nay vẫn cứ đang phơi mình trong heo hút cho mưa gió tàn phá.

Làm kinh tế với tinh thần duy chính trị đã đổ đi không biết bao nhiêu của cải của nhân dân, của đất nước. Người ta bức bối nhiều với nạn tham nhũng nhưng chưa có công trình nghiên cứu, chưa ai được phép công bố sự tàn hại có lẽ gấp rất nhiều lần gây nên bởi lãng phí. Chỉ một ví dụ thôi : Quyết định sai lầm về việc chọn Dung Quất để xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên đã phá tán một lượng của cải bằng mấy năm trời nhân dân toàn tỉnh Quảng Ngãi làm ra. Luận chứng kinh tế-kỹ thuật khu công nghiệp này được phê duyệt từ năm 1996. Kế hoạch công bố là nước ta sẽ có xăng dầu trước năm 2000. Dân đang định cư ở Dung Quất bị đuổi đi sớm, để lại một vùng đất trơ trọi suôt nhiều năm sau. Vốn đọng lại trong đầu tư xây dung cơ bản ( nhà máy điện, nhà máy nước, đường xá … ) phải trả lãi nhiều đến mức năm 2002, một vị phó chủ tịch Quốc hôi đã phải giục giã : “ Cần đẩy nhanh tiến độ thi công vì nếu để chậm một ngày thì chúng ta sẽ mất 500 000 USD ”. Từ bấy đến nay đã hơn hai nghin ngày trôi qua. Tính tròn : 500 000 USD x 2000 = 1 000 000 000 USD. Riêng Dung Quất gây lãng phí mấy chục nghìn tỷ đồng Việt Nam. Vậy mà, cho đến nay vẫn cứ đang còn loay hoay chữa cháy lằng nhằng cái kiểu chuyển đổi từ khu công nghiệp thành khu kinh tế … Các ngành sản xuất vẫn chịu giá xăng dầu nhập ngoại cao làm giảm khả năng cạnh tranh, người tiêu dùng mệt mỏi leo thang cùng giá xăng dầu tăng lên mỗi ngày.

Sau 30 năm kiến thiết trong hoà bình, đất nước vẫn quá nghèo, vẫn tụt hậu xa so với thế giới về mọi mặt. Có ba nguyên nhân chính :

  1. Trình độ lãnh đạo rất kém. Thấp so với yêu cầu thực tiễn, thấp so với dân trí. Đây là kết quả của tình trạng Đảng cử-dân bầu, không có bầu cử tự do thật sự, không chọn được nhân tài.

  2. Ché độ chính trị lạc hậu, cơ chế hành chính yếu kém, tạo nhiều kẽ hở cho lãnh đạo các cấp lũng đoạn, tàn phá nền kinh tế thậm tệ bằng tham nhũng và lãng phí.

  3. Độc đảng, độc quyền, độc đoán không những không phát huy được nguồn lực dân tộc mà do không có cơ chế giám sát, những người lãnh đạo được thả sức tự tung tự tác quá lâu, làm cho Đảng không còn chất tiên phong mà dần dần trở thành kìm hãm dân tộc.

Trong lịch sử cận hiện đại, không có dân tộc nào phải chiến đấu gian lao, quyết liệt như Việt Nam để giành độc lập. Giành độc lập không phải để được vênh vang, nhấm nháp với hai chữ độc lập mà chính là để được tự do vươn cánh bay cao, bay xa, bay nhanh hơn các dân tộc khác không từng chịu hy sinh, mất mát lớn lao đến như vậy. Cho nên trách nhiệm của đảng Công sản Việt Nam phải to lớn lắm, món nợ của Đảng với đất nước, với nhân dân nặng nề lắm. Vậy mà, sự tha hoá, biến chất của những người lãnh đạo, có chức, có quyền đang biến họ thành những kẻ nội xâm có khi còn tệ hai hơn giặc ngoại xâm.. Chưa kể nguy cơ đang xuất hiện những Trần ích Tắc, những Lê Chiêu Thống.

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây hàng loạt lão thành cách mạng, nhân sỹ trí thức như cựu Trung ương uỷ viên Đặng Quốc Bảo, hoà thựơng Thích Quảng Độ, giáo sư Trần văn Hà, giáo sư-tiến sỹ Phan Đình Diệu … nêu yêu cầu bức thiết phải đa nguyên-đa đảng. Phải có đa nguyên-đa đảng để mở ra những tiền đề căn bản cho sự nghiệp dân chủ hoá đất nước. Có dân chủ, đất nước mới phát triẻn nhanh và phát triển lành mạnh được.

Ba mươi năm rồi, lẽ ra không chỉ có mấy dòng cảm nhận ngậm ngùi này, lẽ ra nhân dân ta phải được bớt khổ hơn nhiều, lẽ ra chúng ta phải đã được ngẩng cao đầu sánh vai cùng thế giới tiên tiến.

Hà Nội, gần đến 30 tháng 4 năm 2005

Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Khu tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại : 5 534370