Đôi điều bàn luận về "Chiến lược phát triển kinh tế , xã hội 2001 - 2010"Đánh giá tổng quát thành tựu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm qua, những dòng sau đây có lẽ dễ nhận được sự tán thưởng rộng rãi :
Trong đó, những biểu hiện cụ thể là : "Tổng sản phẩm trong nước sau 10 năm tăng gấp đôi. Tích lũy nội bộ của nền kinh tế từ mức không đáng kể đến năm 2000 đã đạt 25% GDP. Từ tình trạng khan hiếm, sản xuất không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, nay đã đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, nhiều loại hàng tiêu dùng, có dự trữ xuất khẩu ngày càng tăng... Cơ cấu nền kinh tế có bước dịch chuyển tích cực... Các thành phần kinh tế khác phát triển khá nhanh... Từ chỗ bị bao vây, cấm vận, nước ta đã... từng bước hội nhập có hiệu quả với kinh tế thế giới, bình thường hóa... với các tổ chức tài chính quốc tế... Nhịp độ tăng kim ngạch xuất khẩu gần gấp ba nhịp độ tăng GDP... Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn của nước ta) giảm từ trên 30% xuống 11%... Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 2,31% xuống 1,53% "(trang 54). Tuy nhiên "Bên cạnh những thành tựu, vẫn còn những mặt yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng của nhân dân và đất nước" (trang 55). Thật vậy, dù thành tích 10 năm qua có lớn đến bao nhiêu thì tính đến nay ta vẫn là một trong vài mươi nước nghèo nhất thế giới. Không biết dự thảo văn kiện tính theo tiêu chuẩn nào chứ nếu tính rằng thu nhập dưới 80.000đ/người/tháng cho vùng nông thôn, hải đảo, miền núi ; thu nhập dưới 100.000đ/người/tháng cho vùng đồng bằng thì con số người nghèo đến mức làm cả tháng không đủ mua nửa chai rượu ngoại trong bữa tiệc của các "quan tham" đang chiếm khoảng 1/4 dân số. Nếu tính theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc (dưới 14.000 đồng/ngày) thì phải đến quá nửa dân số nước ta còn thuộc diện khổ nghèo. Nói là - "đã bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm", nhưng thực tế, đến đầu 1999, ở miền núi và các tỉnh Miền Trung vẫn có 2,3 triệu người thiếu đói ; và đến nay vẫn còn tới 1.700 xã đặc biệt khó khăn, trong đó nhiều vùng thiếu ăn tới 4-5 tháng. Cho nên, phải bàn bạc nghiêm túc lắm về một chiến lược phát triển thì mới mong thoát khỏi cảnh cùng khốn, tủi nhục này. Mau chóng xóa đi cảnh cùng khốn, nỗi tủi nhục này là để ta tạ tội được với nhân dân, với một đất nước đầy tiềm năng thiên nhiên và nguồn lực trí tuệ mà suốt mấy thập kỷ qua chịu đọa đầy trong nghịch cảnh phi lý hết sức đau lòng, chứ không phải chỉ vì lo lắng như dự thảo : "...Sự tụt hậu xa hơn về trình độ phát triển kinh tế so với các nước xung quanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới niềm tin của nhân dân, sự ổn định chính trị..." (trang 58). Suy ngẫm nghiêm túc mà xem. Tại sao lại chỉ đặt vấn đề lo toan và tìm phương kế để làm cho dân tin hay không tin ? Tại sao lại chỉ quan tâm ổn định chính trị ? Kiểu tư duy bao giờ cũng chỉ xuất phát từ chính quyền, từ lãnh đạo, từ những chiếc ghế như vậy quả là ngược với đạo lý do dân, vì dân. Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội cho 10 năm đầu của thế kỷ XXI được dự thảo vạch ra bằng dòng chữ đậm là : "Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp" (trang 53). Nghe thì trang trọng và hùng hồn đấy, nhưng liệu rồi có đạt được không ? và, nếu đạt được như vậy thì có đáng hài lòng không ? Thứ nhất, nếu còn tiếp tục đeo đẳng cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" thì chắc là không đạt được. Thứ hai, chỉ đạt được như vậy thì khoảng cách tụt hậu của ta so với thế giới lại càng xa hơn. Phải chăng tiêu chí được vạch ra như trên là cốt phải phù hợp với "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội". Bởi vì, Cương lĩnh đã hoạch định : "Khi kết thúc thời kỳ quá độ, hình thành về cơ bản nền kinh tế công nghiệp..." (Cương lĩnh trang 12). Phán quyết nghe rất tiên tri. Nhưng, biết đến lúc nào và, như thế nào thì là "kết thúc thời kỳ quá độ"? Trung Quốc bảo 100 năm. Việt Nam bảo... có thể lâu hơn nữa! Công nghệ tin học phát triển rầm rộ đang thúc đẩy thế giới mau chóng bỏ lại sau lưng Thời đại Công nghiệp để tiến bước vào Thời đại Thông tin. Sự xuất hiện những mầm mống của nền kinh tế tri thức đang được so sánh với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 18 - 19. Ở Bắc Mỹ và một số nước Tây Ấu, nền kinh tế tri thức đã bắt đầu hình thành. Trong các nước OECD kinh tế tri thức đã chiếm hơn 50% GDP. Cho nên, nhiều người dự đoán vào khoảng năm 2030 nền kinh tế ở các nước phát triển đều sẽ trở thành kinh tế tri thức. Không chỉ Mỹ khẩn trương chuyển nhanh sang kinh tế tri thức, Nhật Bản nỗ lực nâng cấp các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, đầu tư sâu vào chương trình nghiên cứu nano, Singapore tập trung ưu tiên phát triển công nghệ điện tử, tin học và tự động mà nhiều nước đang phát triển cũng bàn bạc về khả năng và quyết tâm tiến thẳng từ kinh tế nông nghiệp tới kinh tế tri thức. Họ noi theo tấm gương của Phần Lan. Cách đây 50 năm, Phần Lan còn là một nước nông lâm nghiệp. 70% dân số trong nước làm nông nghiệp. Đại bộ phận diện tích lãnh thổ là rừng và đầm lầy nên lâm nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong kinh tế quốc dân. Vậy mà nay lao động nông nghiệp chỉ còn 6%, kinh tế rừng chỉ chiếm 3% GDP. Từ nền kinh tế nông nghiệp, Phần Lan đã tiến thẳng vào kinh tế tri thức và đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ số người sử dụng internet và điện thoại di động. Không chỉ Phần Lan, thực tế cho thấy nhiều nước đang phát triển biết vạch ra đường lối đúng, chỉ sau vài ba chục năm đã bứt lên thành nước công nghiệp mới. Do bị ràng buộc chặt chẽ với ý chí cố cựu đã được thể hiện rất đanh thép : "Chúng ta một lần nữa khẳng định : Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa" (trang 15), cho nên dự thảo vẫn phải chủ trương : "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ... xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng quan trọng" (trang 18), "... phát triển thêm một số doanh nghiệp mà nhà nước cần đầu tư 100% vốn... Xây dựng và củng cố một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước" (trang 24), "hình thành các cụm công nghiệp lớn" (trang 66), Thế nào là một nền kinh tế độc lập tự chủ ? Đối với người Việt Nam, hai chữ độc lập thật là thiêng liêng. Thiêng liêng đến mê mẩn. Cho nên, khi đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám ta nghĩ rằng độc lập là tiền đề tiên quyết và tất yếu của tự do, của hạnh phúc. Và ta viết : độc lập, tự do, hạnh phúc. Lâu dần ý niệm thiêng liêng đó bị lạm dụng đến nỗi làm cho người ta mê mẩn độc lập mà sẵn sàng quên đi cả tự do, hạnh phúc. Trong lịch sử cận hiện đại không có dân tộc nào trên thế giới giành giật độc lập bằng cái giá núi xương sông máu kinh khủng và cay đắng như Việt Nam. Tiếc rằng, khi ta giành được trong tay rồi thì ý nghĩa và những giá trị của hai chữ độc lập lại không còn tồn tại như xưa nữa ! Nội hàm của độc lập ngày nay không còn kết đọng trong cái trọng số tự lực, tự cường mà đã hợp vào không gian hội nhập, hòa đồng thoáng đãng. Không còn tĩnh mà đã trở nên rất động. Không chỉ là hạt mà còn là sóng. Nền kinh tế thế giới hiện đại đang được cấu trúc thành một mạng toàn cầu. Về bản chất, mạng được cấu trúc ngang, khác căn bản với các nền kinh tế trước đây vận dộng trong cấu trúc hình tháp. Do các chất liệu phát triển cơ bản đã khác trước, đặc trưng của mạng cấu trúc này là thời gian ngắn lại, không gian thu hẹp và các đường biên giới nhòa dần. Dưới tác động của toàn cầu hóa, tư duy truyền thống về độc lập chủ quyền, về an ninh quốc gia đã thay đổi. Các cường quốc đang gạt dần tham vọng về quân sự, về chính trị và về lãnh thổ để nhằm tới xâm chiếm các hợp phần trong tổng sản phẩm quốc tế. Lợi ích kinh tế trở thành động lực chủ yếu của các tập hợp lực lượng trong các khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Quan hệ tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước về kinh tế ngày càng phát triển, các thể chế kinh tế toàn cầu ngày càng hoàn thiện. Do hàng rào thuế quan và phi thuế quan bị bãi bỏ dần, biên giới kinh tế của các quốc gia dường như bị xóa trước sự xuất hiện một nền kinh tế toàn cầu không biên giới. Trong điều kiện đó, một nền kinh tế hướng nội, chủ trương tự cung tự cấp mọi nhu cầu thiết yếu, ra sức chống lại sự lệ thuộc quốc tế một cách mù quáng sẽ không thể đứng vững. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa Bắc Triều Tiên vốn kiên trì con đường này và đến 1997 vẫn còn kiêu hãnh không bị tác động bởi cơn khủng hoảng tài chính khu vực dữ dội. Song, đến nay cảnh bần hàn xơ xác đã dẫn đến hồi nguy kịch đang buộc họ phải thức tỉnh. Mở rộng cửa hội nhập, quyết chí cạnh tranh là con đường duy nhất để sống còn và vươn tới vinh quang. Hùng cường như nền kinh tế Mỹ mà vẫn bị các quốc gia khác ép phải mở cửa thị trường, ép mua dầu mỏ giá cao. Đấy là lẽ thường, là tác nhân bình đẳng đáng trân trọng của toàn cầu hóa. Nhỏ bé như Singapore, thiếu vắng hầu như hoàn toàn ngành công nghiệp nặng, nhập khẩu hầu hết các loại nguyên, nhiên liệu, kể cả nước ngọt (nhập khẩu 100% từ Malaysia). Vậy mà nền kinh tế Singapore vẫn phát triển mạnh và không thể nói là không độc lập tự chủ. Có nên khăng khăng quyết tâm - "phát triển thêm một số doanh nghiệp mà nhà nước cần đầu tư 100% vốn" - không, khi mà khối doanh nghiệp nhà nước đã sản sinh ra khoản nợ khổng lồ 200.000 tỷ đồng, gần bằng một nửa GDP ? ; khi mà, trong số 13.000 lao động thuộc Công ty Gang Thép Thái Nguyên, chỉ 4.000 người gọi là có việc làm, với đồng lương chết đói trung bình 100.000 đồng/người/tháng ? Có nên "Xây dựng và củng cố một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước" không, khi mà ngay cả ở Mỹ hiện tượng siêu sát nhập các công ty xuyên quốc gia chỉ thản hoặc trong khi việc chia tách các công ty lớn thành nhiều công ty nhỏ để thích nghi với môi trường của nền kinh tế tri thức đang trở thành xu hướng chung nổi lên mạnh mẽ. Công ty điện báo, điện thoại Mỹ bị chia thành 8 công ty con và 22 công ty cháu. Công ty IBM bị chia thành 13 công ty nhỏ. Trên 90% số công ty ở Mỹ là công ty nhỏ. Nhờ vào hệ thống mạng internet các công ty nhỏ này hoạt động linh hoạt hơn, hiệu quả hơn vì dễ dàng chuyển hóa, thích ứng kịp thời với sự xuất hiện thường xuyên những công nghệ mới, sáng chế mới. Có nên vội vã "hình thành các cụm công nghiệp lớn", "các mạng lưới đô thị với một số ít thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và hệ thống đô thị nhỏ" không, khi mà bản chất cấu trúc mạng của kinh tế thế giới mới gắn với quá trình phi tập trung hóa cấu trúc. Các đô thị khổng lồ ngoài sự ngột ngạt, bức bối vì tốc độ ô nhiễm môi trường thiên nhiên và xã hội cao, không còn là cấu trúc không gian cần thiết cho phát triển bởi vì công việc chủ yếu của xã hội sẽ là sản xuất tri thức , được tiến hành trong môi trường tự động hóa cao trên cơ sở mạng thông tin, với các công cụ chính là máy vi tính nối mạng. Vội vã hình thành các cụm công nghiêp lớn, các mạng lưới đô thị đồ sộ phải chăng chẳng qua là biểu hiện rơi rớt của quy mô đại công nghiệp, của ý chí luận bốc giời. Dẫu sao, so với các văn kiện đại hội trước, kỳ này đã xuất hiện những chủ trương mới rất hay : "Phát triển mạnh công nghệ phần mềm phục vụ tốt yêu cầu trong nước và trở thành lĩnh vực xuất khẩu quan trọng" (trang 59) "Phát triển mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử. Chú trọng phát triên công nghiệp sản xuất phần mềm thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ phát triển vượt trội" (trang 66) "Hoàn thành xây dựng những khu công nghệ cao và hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia" (trang 22) "Có chính sách phát huy thế mạnh về trí tuệ của người Việt Nam, tiếp thu một cách sáng tạo những công nghệ nhập, từng bước tạo ra công nghệ mới, đẩy mạnh việc hợp tác về công nghệ với các nước" (trang 22). "Mở mang các làng nghề, điểm công nghiệp và khu công nghiệp nhỏ..., chú trọng phát triển các đô thị và các trung tâm văn hóa cụm xã" (trang 118) "Chuyển một phần các doanh nghiệp gia công như may mặc, da giày... và chế biến nông sản ở thành phố về nông thôn" (trang 65). Những chủ trương trên thể hiện được một phần đường lối đúng đắn trên con đường vươn tới kinh tế tri thức, hiện đại hoá nông thôn. Tuy nhiên, nếu đã hoạch định chi tiết đến mức như : "Giá trị sản lượng nông nghiệp (kể cả thủy sản, lâm nghiệp) tăng bình quân hàng năm khoảng 4,5%. Duy trì khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa..." (trang 65) thì sao lại không hoạch định cụ thể kế hoạch xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin. Cần phấn đấu xây dựng được mạng xa lộ thông tin, kết nối với tất cả các trường học, các cơ quan, các xí nghiệp và phần lớn các hộ gia đình vào trước năm 2010. Phù hợp với những chủ trương kinh tế đúng đắn đó là những chủ trương mới khá hay về giáo dục : "Xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục cho mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, tạo môi trường học tập cho toàn xã hội với các hình thức đa dạng" (trang 22). "Tạo điều kiện cho mọi người, ở mọi lứa tuổi học tập liên tục, suốt đời trong môi trường giáo dục lành mạnh" (trang 79), "Đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự đào tạo của người học, coi trọng thực hành" (trang 79), "Coi trọng việc đào tạo đội ngũ công nhân tay nghề cao, kỹ sư thực hành và nhà kinh doanh giỏi" (trang 79). Đúng vậy, cần quan tâm thực sự và đề cao hơn nữa vấn đề giáo dục và đào tạo. Cách đây 40 năm, các nhà lãnh đạo Mỹ đã tuyên bố : "Trong cuộc cạnh tranh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, sự thành công hay thất bại được quyết định ở các trường đại học Mỹ. Đây là một trong những mặt trận chính, đảm bảo sức mạnh và khả năng đứng vững của một quốc gia". Quả nhiên, ngày nay khoảng cách giầu nghèo giữa các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào tri thức. Càng rút ngắn khoảng cách tri thức bao nhiêu, càng thu hẹp được sự chênh lệch giầu nghèo. Cần "Tạo điều kiện cho mọi người, ở mọi lứa tuổi học tập liên tục, suốt đời", cần "Coi trọng việc đào tạo đội ngũ công nhân tay nghề cao", cần "coi trọng thực hành"; nhưng dứt khoát không nên "Đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp ở các trường phổ thông" (trang 146), "Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp thiết thực trong trường phổ thông" (trang 79). Đây quả là một chủ trương quái đản. Đến nỗi nó từng thúc ép các trường phổ thông đua nhau mở hết xưởng mộc, xưởng cơ khí lại đi nung vôi, đóng gạch...! Chẳng nhẽ chỉ có mấy cái nghề cơ bắp đó là cao quý và cần thiết cho xã hội ? Nếu không thì mỗi trường phổ thông cần "hướng" cho học sinh của mình bao nhiêu cái "nghiệp"? Trong vòng 15 năm nay, Mỹ đã loại bỏ hơn 8.000 thứ nghề nghiệp cũ, trong khi hơn 6.000 ngành nghề mới đã nẩy sinh. Với sự bùng nổ thông tin và tiến trình luôn luôn đổi mới kiến thức, trong nền kinh tế tri thức, công nghệ mới, sáng chế mới thường xuyên xuất hiện. Bởi vậy, mô hình giáo dục truyền thống : đào tạo xong rồi cứ thế ra làm việc đến hết đời là không thể phù hợp. Ở trường chỉ đào tạo cơ bản, ra làm việc lại đào tạo, vừa đào tạo, vừa làm việc. Đề cập đến mục tiêu chung của sự nghiệp đào tạo giáo dục, dự thảo văn kiện đại hội VIII đã từng viết "Giáo dục công dân, giáo dục thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên lập thân lập nghiệp, vì tương lai của bản thân và tiền đồ của đất nước. Giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục nhân văn và bản sắc văn hoá dân tộc". Lược đi những yếu tố mơ hồ, phù phiếm, dự thảo lần này viết thiết thực hơn "Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lòng nhân ái, ý thức tôn trọng pháp luật, hun đúc tinh thần hiếu học, chí tiến thủ lập nghiệp, không cam chịu nghèo hèn" (trang 79). Nếu bỏ bớt mấy chữ "lý tưởng xã hội chủ nghĩa" thì đây là một mệnh đề thật hay. Mấy thiển ý này được viết bằng sự trăn trở rất công phu nhưng vẫn e rằng khó được tham khảo nghiêm túc và tiếp thu dù chỉ một vài. Dẫu thế nào đi nữa, một Hiệp định Thương mại khá toàn diện đã được ký kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Tổng thống của một siêu cường đứng đầu thế giới tiên tiến lần đầu tiên sắp đến với Việt Nam. Luồng gió lành đang thổi tới. Hãy sáng suốt dứt bỏ những sai lầm quá khứ để vượt vũ môn hóa rồng bay lên, tựa vào sức nâng toàn cầu mà phát huy nội lực. Hà Nội 23 tháng 10 năm 2000 Nguyễn Thanh Giang
|