Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa Hay Vươn Thẳng Tới Kinh Tế Tri Thức?

Năm 1993, trong bức thư gửi Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam đề ngày 20 tháng 11, người viết bài này đã từng nêu một kiến nghị : "Có thể dựa vào tư chất thông minh ở hạng thượng đẳng của dân tộc Việt Nam để xây dựng trực tiếp xã hội hậu công nghiệp thông qua nền công nghệ trí tuệ (intelligent technology), để từ nền văn minh nông nghiệp ảm đạm, bỏ qua nền văn minh công nghiệp náo động, tiến thẳng tới nền văn minh trí tuệ trong sáng...". Vậy mà, bấy nay, đây đó vẫn chỉ thấy bàn đến công nghiệp hóa, đến xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa..., vẫn mạnh tay đổ đi bao nhiêu tiền của, nước mắt, mồ hôi ra sức vực dậy cho được Khu Gang Thép Thái Nguyên đã quá sức lỗi thời, vẫn tua tủa mọc lên những ống khói xi măng lò đứng vấy bẩn lên bầu trời xanh, vẫn khiên cưỡng lắp ghép cơ học nhiều công ty thành tổng công ty một cách duy ý chí, khiến cho các tổng công ty này phải sống vật vờ như không hồn...

Trong khi đó, những thực tế mới hối thúc sự cảnh tỉnh đang ngày càng hiển hiện. Vào đầu thập kỷ 1980, nước Mỹ công nghiệp bỗng như rơi vào cơn suy thoái nguy hiểm. Những đợt giãn thợ lớn đã khiến hàng trăm ngàn người phải rời khỏi các ngành "công nghiệp ống khói" và rơi vào cảnh nhận trợ cấp thất nghiệp. Cho đến giữa những năm 1990 những trục trặc này mới được vượt qua nhờ số việc làm mới tạo ra từ các ngành thông tin và dịch vụ. Số việc làm ở các ngành này đến nay đã chiếm quá nửa trong tống số, giúp cho tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ hiện chỉ dưới 5%. Trong số 12 công ty lớn nhất của Mỹ tính đến năm 1990, chỉ riêng General Electric còn tồn tại, tất cả các công ty khác đều đã bị chia tách thành các công ty nhỏ. Mười trong 12 công ty trên đã từng phát triển rầm rộ nhờ dựa vào tài nguyên thiên nhiên, cho nên các ông chủ tư bản Mỹ bự nhất trước đây đều đã từng là vua thép, vua dầu lửa, vua ôtô ...Thế mà, đến nay, hình bóng tất cả các ông "vua tài nguyên" ấy đều đã mờ nhạt hẳn trước hào quang mới của ông "vua tri thức" Bill Gate với một tài sản kếch xù, vượt hơn rất nhiều lần các vị vua trước. Ngày nay, trên 50% tổng sản phẩm kinh tế quốc dân (GDP) của các nền kinh tế OECD đạt được là nhờ dựa vào sản xuất và phân phối tri thức. Ngày nay, không chỉ ở các nước tiên tiến mà trên toàn cầu, Thời đại Công nghiệp đang dần bị bỏ qua và trào lưu vươn mạnh tới Thời đại Thông tin, Thời đại Tri thức đang trở thành xu thế rõ rệt. Tất cả các ngành tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ 90 đều là các ngành dựa trên sức mạnh của trí não như vi điện tử, công nghệ sinh học, công nghiệp vật liệu mới, vô tuyến viễn thông, máy công cụ và rôbốt, phần cứng, phần mềm máy điện toán... Các sản phẩm hiện đại chỉ sử dụng rất ít tài nguyên thiên nhiên, cho nên, giá tài nguyên thiên nhiên đã giảm tới 60% so với thập kỷ 70. Ngày nay, nhân loại đã chán ngán sự lỗi thời cùng nhiều khuyết tật của các nền kinh tế hoạt động bằng bắp thịt và tiền vốn, chuyển sang nền kinh tế dựa trên trí não. Vậy thì, các thức giả Việt Nam, sao không thấy nao lòng trăn trở cho được ?

1 - Nhận dạng tri thức

Trong cuốn "Từ điển Triết học" xuất bản ở Maskova năm 1975, tri thức được xem là "sản phẩm của hoạt động lao động xã hội và tư duy của con người, làm tái hiện trong tư tưởng, dưới hình thức ngôn ngữ, những mối liên hệ khách quan, hợp quy luật của thế giới khách quan đang được cải biên trên thực tế... ". Nhà triết học cổ đại Protagoras thì cho rằng tri thức có nghĩa là logic, ngữ pháp và hùng biện ; tri thức làm cho người trí thức có thể hiểu được những gì cần phải nói và làm thế nào để biểu đạt chúng. Khổng tử cũng quan niệm như vậy. Các nhà triết học cổ đại thường coi tri thức mang tính siêu việt và xem thường bất cứ những gì không thuộc nghiên cứu sách vở. Tuy nhiên, khác với các triết gia Phương Đông, cả Socrates lẫn Protagoras đều coi trọng kỹ thuật. Mặc dầu vậy, chính các ông này cũng cho rằng kỹ thuật không phải là tri thức, cho dù nó có đáng khâm phục đến đâu. Bởi vì, kỹ thuật chỉ gắn với một ứng dụng cụ thể, không nguyên tắc hóa được để có thể trở thành nguyên lý phổ quát.

Khác với cách quan niệm truyền thống, ngày nay, tri thức không còn được xem là một thứ chung chung, tri thức là những kiến thức cần thiết rất chuyên sâu. Chức năng tri thức ngày nay không phải để phục vụ chính nó. Tri thức không chỉ giành cho phát triển tri thức, cho đạo đức và tinh thần cá nhân. Tri thức phải chứng minh cho chính nó trong hoạt động. Tri thức chính là thông tin thực tế đối với hoạt động, thông tin nhấn mạnh đến kết quả. Những kết quả này nằm ngoài một cá nhân, nằm trong một xã hội, một cộng đồng.

Có thể phân chia thành nhiều loại tri thức : biết cái gì (know what) là loại tri thức về các sự kiện. Loại tri thức này thường chỉ có ý nghĩa phục vụ cho chính tri thức nên trong kinh tế ít quan trọng. Biết tại sao (know why) là tri thức về thế giới tự nhiên, về xã hội và tư duy của con người. Biết ai đó (know who) là tri thức về các trường quan hệ xã hội, biết được ai biết cái gì và ai có thể làm được những gì. Biết chỗ và biết thời gian (know where and know when) để vận dụng được "thiên thời địa lợi". Biết cách làm (know how) là tri thức về kỹ năng, kỹ xảo, về khả năng thực hiện bằng hành động.

Ngày nay, nhiều loại tri thức đang không ngừng được điển chế hóa để có thể bán trên thị trường và, bản thân chúng tự nhân lên các thị trường mới. Xã hội thông tin càng phát triển, tốc độ điển chế hóa tri thức càng được xúc tiến mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều dạng tri thức rất khó điển chế hóa để trao đổi trên thị trường. Đó là những tri thức ngầm. Nó bao gồm một số khả năng của con người như trực giác, sáng tạo, phán xét... không thể hoặc rất khó điển chế hóa. Tri thức ngầm là tri thức thu được từ kinh nghiệm chứ không phải nhờ được đào tạo qua các cơ sở giáo dục chính quy. Tri thức đã được điển chế hóa có thể sao chép, có thể truyền đi qua các mạng internet. Tri thức ngầm ở dạng ẩn, không thể sao chép. Chúng tồn tại trong đầu các cá nhân hoặc trong các chu kỳ hoạt động của các doanh nghiệp. Trong nền kinh tế tri thức, tri thức ngầm cũng quan trọng như tri thức chính quy, có cấu trúc tường minh và đã được điển chế hóa. Kỹ năng tri thức ngầm quan trọng nhất chính là khả năng học hỏi liên tục để không ngừng đạt tới những kỹ năng mới.

Tri thức không ngừng hóa thân thành hàng hóa. Tuy nhiên, khác với các loại hàng hóa khác, tri thức có nhiều đặc tính cơ bản của một hàng hóa công cộng, hàng hóa công cộng toàn cầu. Nó dường như không có sự kình địch. Tri thức khi đã được phát hiện và công bố thì việc phổ biến nó cho nhiều người sử dụng hơn sẽ có chi phí cận biên bằng không. Thomas Jefferson từng diễn đạt : "Anh ta nghe ý kiến của tôi và tự nhận lấy kiến thức cho mình mà không hề làm giảm kiến thức của tôi ; giống như anh ta thắp sáng ngọn nến của anh ta bằng ngọn nến của tôi và nhận ánh sáng mà không hề làm cho tôi bị tối đi". Những người tạo ra tri thức thường khó có thể ngăn cản được những người khác sử dụng chúng. Việc bảo vệ quyền lợi cho người tạo ra tri thức thông qua các công cụ như bảo vệ bí mật thương mại và bằng sáng chế, bản quyền và thương hiệu chỉ có hiệu lực rất hạn chế.

2 - Tri thức trở thành nhân tố quan trọng nhất trong nền kinh tế

Trong cuốn "Cách mạng giá trị tri thức - sự kết thúc của xã hội công nghiệp và sự mở đầu của xã hội giá trị tri thức" xuất bản năm 1985, nhà tương lai học Nhật bản Kaiokutai đã khẳng định : "Tri thức sẽ trở thành cội nguồn chủ yếu để phát triển kinh tế và tích lũy tư bản. Xã hội kiểu mới tương lai sẽ là "xã hội giá trị tri thức"".

Từ chỗ quan niệm là chỉ phục vụ chính nó, đến khi tri thức được áp dụng vào tổ chức lao động, trở thành một nguồn lực có giá trị sử dụng rồi được xem như một loại hàng hóa công cộng, ý nghĩa của tri thức đã kinh qua ba giai đoạn biến đổi, tương ứng với ba cuộc cách mạng trong lịch sử nhân loại : Cách mạng Công nghiệp, Cách mạng Năng suất, Cách mạng Quản lý.

Trong khoảng từ 1700 đến 1800, ở Anh đã có sự chuyển biến cực kỳ mạnh mẽ từ kỹ năng sang công nghệ. Trong giai đoạn này, tri thức tạo ra các công cụ sản xuất, áp dụng cho các phương pháp sản xuất và sản phẩm. Sản xuất chuyển từ sản xuất dựa trên thủ công sang dựa trên máy móc. Hàng loạt doanh nghiệp tư nhân ra đời với quy mô ngày càng phát triển, tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp cùng với những biến đổi xã hội chưa từng có trước đó.

Từ khoảng cuối thế kỷ 19 đến Chiến tranh Thế giới Thứ hai, tri thức được áp dụng cho tổ chức lao động, tạo ra cuộc Cách mạng Năng suất kéo dài trong 75 năm. Cuộc cách mạng này thực sự bắt đầu 2 năm sau khi Marx chết. Năm 1881, F. Taylor đã lần đầu tiên áp dụng tri thức vào công việc để tối đa hóa hiệu quả của phương pháp sản xuất. Taylor đã cố gắng sắp xếp sao cho các công nhân của ông làm việc có năng suất hơn, từ đấy tăng thêm thu nhập. Nhờ kết quả vận dụng tri thức vào tổ chức lao động của Taylor, từ bấy đến nay, năng suất lao động đã tăng lên 50 lần ở các nước phát triển.

Tuy nhiên, đóng góp lớn hơn của F. Taylor có lẽ lại là ở lĩnh vực đào tạo. Năm 1840, một chuyên gia Đức tên là Agust Borsig đã đề xuất hệ thống đào tạo tay nghề ở Đức bao gồm sự kết hợp hệ thống kinh nghiệm làm việc thực tế ở nhà máy với các kiến thức cơ bản được giảng dạy trong trường lớp. Hệ thống này đòi hỏi từ 3 đến 5 năm để đào tạo được một chuyên gia. Sau này, trong Thế chiến I, và đặc biệt là trong Thế chiến II, Mỹ đã vận dụng một cách có hệ thống phương pháp Taylor để đào tạo được những công nhân có tay nghề cao chỉ trong vài tháng. Mô hình đào tạo dựa trên cách tiếp cận của Taylor còn được nhiều nước khác áp dụng rất thành công.

Ở hai giai đoạn trên, tri thức đã được ứng dụng vào việc sản xuất các công cụ lao động, vào phương pháp sản xuất, vào sản phẩm và vào việc tổ chức lao động của con người. Cuộc Cách mạng Năng suất làm giảm số lao động chân tay một cách đáng kể. Từ đây, nẩy sinh yêu cầu về năng suất đối với lao động không phải là lao động chân tay, tức là yêu cầu phải vận dụng tri thức vào tri thức. Tri thức chính thức được coi vừa là nguồn lực con người vừa là nguồn lực kinh tế chủ yếu. Vận dụng tri thức như thế nào để sử dụng vốn tri thức hiện có để tạo ra kết quả sản xuất cao. Đó chính là vận dụng tri thức trong quản lý. Cuộc Cách mạng Quản lý đã nâng vai trò của người quản lý từ việc chịu trách nhiệm về công việc của cấp dưới đến chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mọi người. Người quản lý ngày nay phải là người chịu trách nhiệm vận dụng tri thức sao cho có hiệu quả. Đất đai, lao động, vốn vẫn là những thứ nhất thiết phải có, nhưng khi mà quản lý có hiệu quả, tức là vận dụng tốt tri thức vào tri thức thì có thể tạo ra được các nguồn lực khác thậm chí còn quý giá hơn. Ngày nay, các hoạt động sản xuất đã được quan niệm lại với tính cách một quá trình trải rộng hơn rất nhiều so với sự hình dung của các nhà kinh tế học và nhà tư tưởng của kinh tế học thời đầu của chủ nghĩa tư bản. Phương thức làm giầu bằng sự lạm dụng lao động thao tác để tăng cường độ, tăng năng suất lao động nhằm sở hữu lượng tài sản vật chất tối đa trở nên lỗi thời . Mỗi ngày người ta sẽ càng cảm thụ được rằng hình thức quan trọng hơn hết của tài sản lại là những thứ không thể trực cảm được. Nó là siêu tượng trưng, siêu ký hiệu, nó là tri thức. Cho nên, chính tri thức, chứ không phải là lao động thao tác và chính những biểu tượng, những ước định, chứ không phải là nguyên nhiên vật liệu đang hàm chứa trong bản thân chúng các giá trị gia tăng. Tri thức, tức là khả năng sáng tạo, phân phối và khai thác thông tin, kiến thức khoa học và công nghệ, đang trở thành nhân tố so sánh lớn nhất quyết định sức mạnh cạnh tranh của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp trong thị trường toàn cầu. Các nguồn lực truyền thống của sản xuất và tăng trưởng như đất đai, lao động, vốn và ngay cả chính sách tài khóa và tiền tệ đều đang giảm dần tầm quan trọng. "Báo cáo phát triển thế giới "của Ngân hàng Thế giới -WB năm 1999 đã xác định" Đối với những nước tiên phong trong nền kinh tế toàn cầu, cán cân giữa tri thức và các nguồn tài nguyên hiện nay đã nghiêng mạnh về phía tri thức đến nỗi tri thức có lẽ đã trở thành nhân tố quan trọng nhất quyết định mức sống, quan trọng hơn đất đai, hơn công cụ sản xuất, hơn lao động. Ngày nay, các nền kinh tế tiên tiến nhất về công nghệ đã hoàn toàn dựa trên tri thức". Do vậy, các lý thuyết kinh tế truyền thống về tăng trưởng, về lợi thế cạnh tranh, về cạnh tranh hoàn hảo, về bàn tay vô hình của sức mạnh thị trường, về "sự phá hủy sáng tạo" đều cần phải sửa đổi để phù hợp với đặc điểm mới của kinh tế tri thức.

3 - Việt Nam có khả năng và nên vươn thẳng tới kinh tế tri thức

Cho đến nay, Việt Nam vẫn là một trong 20 nước nghèo nhất thế giới . Tuy nhiên, xét về tiềm năng, chúng ta hoàn toàn có thể đã hoặc sẽ là một quốc gia cường thịnh trên hoàn cầu. Trong 3 nhân tố cần thiết chủ yếu để phát triển kinh tế : lao động, tài nguyên, vốn, chỉ riêng vốn tư bản là ta còn thiếu. Với dân số gần 80 triệu của một dân tộc đã phát triển qua hơn 4000 năm văn hiến, ta không chỉ có một lực lượng lao động lớn về số lượng mà chủ yếu là mạnh về khả năng chất lượng. Tư chất dân tộc ta không phải chỉ đáng tự tôn trong lời tuyên bố của Nguyễn Trãi : "Duy ngã Đại Việt chi quốc. Thực vi văn hiến chi bang" mà còn được ngay cả ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher thừa nhận : "Hoa Kỳ đã được những người Mỹ gốc Việt làm cho giàu có. Đó là một trong các nhóm nhập cư thành công nhất trong lịch sử gần đây của chúng tôi" ; được ông Peter Howieson, hiệu trưởng trường Swanbourne ở miền Tây Liên bang úc tôn vinh : "Chỉ 30 năm nữa, xứ sở Úc châu này sẽ do những người Việt Nam và Á châu lãnh đạo". Tư chất thông minh trác việt của học sinh Việt Nam rõ ràng đã từng được thể hiện qua những thành tích rất cao đạt được ở các kỳ thi quốc tế trong suốt nhiều năm qua. Tin học dù chỉ mới được bắt đầu đào tạo chưa lâu, vậy mà tại cuộc thi tin học quốc tế I0I lần thứ 11 tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ, đội tuyển nước ta đứng đầu trong 66 đội dự thi, trên cả các cường quốc tin học như Nga, Trung Quốc... Bốn học sinh Việt Nam dự thi thì 3 đoạt huy chương vàng, 1 huy chương bạc. Cờ vua là môn thể thao trí tuệ rất mới mẻ, vậy mà ta đã có tới 4 đại kiện tướng thế giới ... Con người Việt Nam không chỉ thông minh, tài hoa mà còn rất hiếu học. Thuở xưa, Châu Trí đi ở nhà chùa, quét lá đa đốt lửa đọc sách, Trần Cung chăn lợn cho địa chủ, tựa vách nghe lỏm bài giảng, viết trên đất để ôn bài. Vậy mà cả hai đều đã đỗ Trạng nguyên. Dân tộc hiếu học như vậy cho nên Văn Miếu Quốc Tử Giám đã từng được thành lập trước cả các trường đại học Sorbonne, Cambridge, Oxford...

Kể lại những điều trên không phải chỉ để tự hào mà là để củng cố niềm tin vào khả năng vươn thẳng tới nền kinh tế tri thức của chúng ta.

Vậy, kinh tế tri thức là gì ? Có thể có người chú tâm đến những kết nối qua lại chặt chẽ và những ảnh hưởng tích cực của các công nghệ mới xuất hiện ngày càng nhiều ở các doanh nghiệp và ở mỗi gia đình ; có người nhấn mạnh đến sự phát triển áp đảo của công nghệ thông tin và công nghệ cao, tạo ra sức đóng góp ưu thế vào GDP ; có người cho rằng nó là sức đẩy tới của quản lý tri thức, sự thích ứng của các cấu trúc tổ chức truyền thống theo hướng quản lý tốt hơn các "công nhân trí thức" là những công nhân thao tác dựa trên các biểu tượng chứ không phải vận hành máy móc... Song, hàm súc hơn cả có lẽ là định nghĩa sau đây : "Một nền kinh tế được dắt dẫn bởi tri thức, một nền kinh tế mà việc sản sinh và khai thác tri thức giữ vai trò chủ yếu trong quá trình tạo ra của cải" (Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh, 1998).

Cho dẫu nghiêng về bất cứ quan niệm nào, điều kiện tiên quyết để xây dựng nền kinh tế thông tin vẫn phải dựa trên một kết cấu hạ tầng thông tin dủ mạnh kích thích ngành công nghệ thông tin phát triển thỏa đáng. Cho đến nay cả nước ta có khoảng 700 000 máy điện toán. Không đủ cơ sở để bàn về con số đó là lớn hay nhỏ. Chỉ tiếc rằng do những trói buộc của cơ chế, của nhiều chủ trương, chính sách không đúng đắn, của sự độc quyền về truyền thông và bưu chính cho nên đến nay cả nước mới chỉ có 72 000 thuê bao Internet. Đáng phàn nàn hơn là ngành sản xuất phần mềm của ta do không được đầu tư và khuyến khích nên phát triển hết sức chậm so với đòi hỏi và khả năng có thể. Theo một điều tra của Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, số người làm phần mềm ở đây hiện chỉ chiếm khoảng 10% trong số có trình độ đại học về tin học. Nhân lực phần mềm của Việt Nam mới chỉ khoảng trên 20, trong khi ở Ần Độ là 48 người/1 triệu dân, Trung Quốc 96, Ireland 3000. Giá trị lao động phần mềm ở ta mới đạt chừng 4 000USD/ người/ năm, trong khi Trung Quốc là 12 000 còn Irland thì tới 200 000USD/người/năm.Nếu các khoản đầu tư quá vội vàng cho quá nhiều khách sạn, cho đường Trường Sơn công nghiệp hóa... được dành lại để đầu tư đào tạo sớm một lực lượng cán bộ phần mềm tin học đủ mạnh thì ngay từ những năm này ta có thể đã có một khoản thu nhập bổ sung vào GDP từ các ngành sản xuất phần mềm lớn hơn cả doanh thu từ du lịch, từ xuất khẩu lâm sản... Công nghệ tin học của Ần Độ chưa phải đã hùng hậu, vậy mà doanh thu hàng năm từ các sản phẩm phần mềm đã đạt hàng tỷ USD. Một thanh niên Việt Nam đi du học ở Anh có sáng kiến mở trang Web về giáo dục thôi mà chỉ trong vài năm đã trở thành triệu phú Đôla.

Vì nền kinh tế dựa trên tri thức đòi hỏi những kỹ năng và năng lực không ngừng đổi mới nên chất lượng của nguồn lực con người cũng phải không ngừng được bồi bổ và hoàn thiện. Người ta tính rằng tri thức cứ 7 năm lại tăng gấp đôi, và đặc biệt, trong các lĩnh vực kỹ thuật thì cứ một nửa những điều sinh viên học trong năm đầu tiên ở đại học sẽ trở nên lạc hậu khi họ tốt nghiệp. Người Việt Nam vốn thông minh và hiếu học nhưng tập quán của nền giáo dục truyền thống vốn cho rằng số kiến thức và kỹ năng học được ở trường lúc còn trẻ về cơ bản có thể sử dụng cho suốt đời . Xã hội truyền thống vốn chia đời người làm ba giai đoạn : đến trường, làm việc, nghỉ hưu. Xã hội tri thức sẽ biến cải mạnh mẽ không ngừng nên con người cần được bồi dưỡng năng lực thích ứng với những biến đổi đó, cho nên giáo dục cần bảo đảm tính liên tục và kịp thời. Trong chiến lược giáo dục công bố năm 1991, tổng thống Mỹ đã hơn một lần kêu gọi học tập suốt đời kiến thức và kỹ thuật, suốt đời là học sinh. Ông còn hô hào mở cuộc vận động cải tạo nước Mỹ thành một nước "cả nước đều đi học".

Sự nghiệp giáo dục cho một nền kinh tế tri thức không chỉ đòi hỏi trải dài theo thời gian mà còn được mở rộng trong không gian. Học ở trường, học ở nhà, học bổ túc, học các lớp ngắn ngày, học từ xa, học trên truyền hình, học tại cơ quan, học ở các tổ đội sản xuất, học trong sách vở, học lỏm, học mót... Một điều cần quán triệt hơn cả đối với giáo dục nước ta là cần cải tiến phương pháp giáo dục ở các trường lớp chính quy sao cho ít chú trọng hơn vào việc truyền bá thông tin, kiến thức mà phải tập trung hơn vào giảng dạy phương pháp để người ta có thể tự học.

Tổng quát hơn, cần nhận thức sâu xa ý tưởng sau đây của nhà kinh tế -xã hội học Peter Drucker khi ông cho rằng : "Cuộc cách mạng thông tin đang thực sự xẩy ra ... Nó không chỉ là một cuộc cách mạng đối với công nghệ, máy móc, kỹ thuật, phần mềm hay tốc độ. Nó là cuộc cách mạng về các khái niệm".

Trong xã hội công nghiệp, tất cả đều lấy việc tăng thêm của cải vật chất làm mục đích. Cơ cấu xã hội và cơ cấu kinh tế cũng phải phù hợp với yêu cầu đó. Phát triển công nghệ chủ yếu lấy đại quy mô hóa và sản xuất hàng loạt làm trung tâm để bảo đảm nguyên tắc "giá trị phù hợp với giá thành". Giá trị tri thức không tuân theo quy luật đó. Thử lấy một ví dụ : doanh nghiệp nọ nhờ một cải tiến nào đó đã kiếm được rất nhiều lời trong thời gian dài ; nhưng, chỉ cần một doanh nghiệp khác phát minh được công nghệ mới tiên tiến hơn là lập tức cái bửu bối làm giầu kia sẽ mất hết phép thiêng. Giá cả của giá trị tri thức không liên quan nhất nhất với giá thành sản xuất, cũng không biến động lên xuống đối với giá thành sản xuất. Nguyên tắc trao đổi ngang giá ở đây mất hiệu lực.

Chủng loại hàng hóa ngày càng nhiều, tuổi thọ của giá trị sản xuất sẽ ngày càng ngắn. Do hàng hóa đa dạng và xã hội thông tin hóa, tính chất lưu động của giá trị tri thức sẽ lớn và biến đổi càng nhiều, cộng thêm với công nghệ phát triển rất nhanh chóng, sản phẩm mới liên tục xuất hiện trên thị trường. Trong xã hội công nghiệp, cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ là cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất một triệu với doanh nghiệp sản xuất một vạn sản phẩm ; trong khi đó ở nền kinh tế tri thức là sự phân chia thắng bại giữa doanh nghiệp sản xuất một nghìn loại sản phẩm với doanh nghiệp chỉ sản xuất 10 loại sản phẩm. Người thợ Việt Nam có bàn tay khéo léo với các chế tác rất tinh vi, tồn tại ở rất nhiều làng nghề nổi tiếng. Quy hoạch hóa và hiện đại hoá (chứ không phải công nghiệp hóa) các làng nghề này cũng sẽ tạo được một lợi thế nào đó trong nền kinh tế mới .

Chủ nghĩa duy vật thường coi lý luận, thông tin, tư tưởng và mọi sản phẩm khác không thể trực cảm được của trí tuệ đều thuộc thượng tầng kiến trúc, trong khi, cái quyết định xã hội tồn tại và phát triển phải là hạ tầng cơ sở. Trong thời đại tri thức, xã hội như là cấu tạo bởi nhiều thành phần, tất cả mọi thành phần đều liên kết với nhau trong các vòng hồi chuyển cực kỳ phức tạp và thay đổi không ngừng. Vòng hồi chuyển càng phức tạp thì tri thức càng đóng vai trò trung tâm quan trọng hơn, đảm bảo cho xã hội có thể tiếp tục tồn tại về kinh tế và sinh thái. Ở các xã hội trước, sức mạnh của các tổ chức là ở tính cố kết của chúng, được thiết lập và củng cố thông qua những cơ cấu tôn ty trật tự về chỉ huy và kiểm soát. Trong xã hội mới, nguồn sức mạnh của sự cố kết cứng nhắc lại trở thành nhược điểm. Tính linh hoạt, khả năng thích nghi, khả năng đáp ứng và đổi mới nhanh chóng mới tương thích được với cấu trúc tổ chức trong nền kinh tế dựa trên tri thức.

Vì nền kinh tế tri thức phát triển được là nhờ sức đẩy tới của quản lý tri thức, là sự quản lý các chuyên gia thao tác dựa trên các biểu tượng nên một trong những điều kiện tiên quyết là tạo ra cho được một cơ chế dân chủ đích thực để ưu đãi tài năng và bầu chọn cho được những hiền tài đảm đương nhiệm vụ quản lý ở mọi nơi, mọi cấp. Đến đây, tưởng cũng nên nhắc lại lời trong "Bài ký đề danh tiến sỹ khoa Nhâm Tuất - 1442" : "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao ; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi thấp xuống. Vì vậy các đấng thánh đế, minh vương chẳng ai không lo việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sỹ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế cho nên quý chuộng kẻ sỹ không biết thế nào là cùng... Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm được đến mức cao nhất".

Phải chăng đó là lời khích lệ vọng về từ cha ông xưa thúc dục ta khẳng định quyết tâm vươn thẳng tới nền kinh tế tri thức.

Hànội tháng 7 năm 2000
Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13 P9 - TTPK Hòa mục
Phường Trung hòa - Quận Cầu giấy