Thử bàn về giai cấp công nhân Việt NamĐọc lại Luận cương Chính trị của đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 ta gặp những dòng này: "Trong lúc đầu, cuộc cách mạng Đông Dương sẽ là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền... Tư sản dân quyền cách mạng được thắng lợi, chính phủ công nông đã dựng lên rồi, thì công nghiệp trong nước được phát triển, các tổ chức vô sản sẽ thêm kiên cố, sức mạnh giai cấp tương đương sẽ nặng về phía vô sản. Lúc đó sự tranh đấu sẽ thêm sâu, thêm rộng, làm cho cách mạng tư sản dân quyền tiến lên con đường cách mạng vô sản ". Tuy nhận thức được rằng chỉ đến khi công nghiệp trong nước phát triển thì sức mạnh giai cấp tương đương mới sẽ nặng về phía vô sản, bản Luận cương vẫn khẳng định "Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chính, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được ". Đến Đại hội VIII, khi đã muốn tiến lên hiện đại hóa đất nước trong tình hình thế giới đang bướcvào thời đại văn minh tin học, Báo cáo Chính trị do Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc ngày 28 tháng 6 năm 1996 vẫn quả quyết "Cần thống nhất nhận thức : Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam" và "Điểm xuyên suốt có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với Đảng ta trong giai đoạn hiện nay là giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng". Vậy, giai cấp công nhân là gì ? Giai cấp công nhân Việt Nam có đúng là một thực thể hiện hữu không những đã từng đóng vai trò quyết định đưa cách mạng Việt Nam tiến tới mà đến nay vẫn đang và sẽ còn đầy đủ những tư chất trác việt để bao giờ cũng nhất thiết phải là giai cấp lãnh đạo đối với một dân tộc mà ngay từ 1428 (tức là 502 năm trước khi xuất hiện các nhà lãnh đạo mang danh công nhân), Nguyễn Trãi đã tổng kết qua thực tiễn lịch sử : "Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Song hào kiệt thời nào cũng có ". Sự hình thành những công nhân Việt Nam Giai cấp công nhân Việt Nam hình thành từ bao giờ ? Có đúng là đã có một giai cấp công nhân ở Việt Nam theo định nghĩa của Mác - Lênin không ? Nếu có thì đến nay nó có còn tồn tại không?... Đây là những câu hỏi lẽ ra phải được bàn thảo nghiêm túc, với tinh thần khoa học khách quan chứ không nên bị uốn lưỡi bởi sức uy hiếp của "lãnh đạo". Căn cứ vào những sử liệu như của Hồng Đức Thiện Chính, Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng ngay từ thời phong kiến ở Việt Nam đã tồn tại các "cố công nhân", họ là những người làm công phục vụ trong các gia đình. Những người làm thuê này còn có loại gọi là "dung nhẫm", "đinh phu" mà Quốc Triều Hình Luật ghi là "đinh phu thợ thuyền" cùng với "dung phu" là những lao động trong hầm mỏ. Thời Lê mạt, năm 1831, mỏ vàng Chiên Đàn (Quảng Nam) đã được khai thác với khoảng gần 1000 lao động. Năm 1833, mỏ vàng Tiên Kiều (Tuyên Quang) tập trung tới 3122 công nhân. Tính đến đầu đời Tự Đức, từ Quảng Nam trở ra đã có 124 mỏ được khai thác trong đó có 3 mỏ vàng, 29 mỏ sắt, 14 mỏ bạc, 9 mỏ đồng, 7 mỏ kẽm, 4 mỏ chì, 1 mỏ thiếc... Lao động công nghiệp và thủ công nghiệp từ Lý - Trần trở đi ngày càng tinh xảo. Từ khi Lý Thái Tổ đời đô ra Thăng Long, kinh tế - văn hóa phát triển mạnh mẽ. Nhiều lao động công nghiệp, thủ công nghiệp đã được huy động vào các công việc xây dựng chùa quán, tô tượng, đúc chuông, làm cầu, đóng thuyền... Công nghệ đóng thuyền tàu đi sông đi biển bấy giờ từng đã được các thương nhân Hà Lan, Bồ Đào Nha... đánh giá cao. Năm 1820, Đại tá hải quân Hoa Kỳ J. White sang Việt Nam đã nhận xét "Người Việt Nam quả là những nhà đóng tàu thành thạo. Họ hoàn thành những công trình của họ rất mực chính xác". Cho đến trước ngày 19 tháng 12 năm 1946 toàn bộ số công nhân ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khoảng 100.000 người, trong đó có 25.000 làm việc tại các xí nghiệp, nhà máy và cơ sở kinh doanh của tư bản Pháp và tư bản ngoại quốc. Công nhân ở Nam bộ đông hơn nhưng đã bị phân tán và chuyển hóa khá phức tạp khi chiến tranh xảy ra. Kháng chiến càng diễn ra ác liệt tại Nam bộ thì sự phân tán của đội ngũ công nhân ở đây diễn ra càng mạnh. Tháng 10 năm 1950, chiến dịch biên giới kết thúc thắng lợi, 5 thị xã, 13 thị trấn cùng nhiều vùng đất dọc theo giải biên giới dài 750 km gồm 35 vạn dân được giải phóng, số lượng công nhân trong các vùng do ta kiểm soát tăng lên đến 346.000 người, trong đó, chủ yếu là thợ thủ công. Càng về những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp số lượng công nhân thủ côngnghiệp càng tăng hơn. Tỷ trọng công nhân công nghiệp (công nghiệp quốc phòng và công nhân kinh tế quốc doanh) rất thấp, chỉ chiếm khoảng 10%. Trong tiến trình lịch sử ấy giai cấp công nhân Việt Nam được hình thành vào lúc nào ? Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng "Dù số lượng chỉ mới là trên dưới 100.000 người hoàn toàn sống vào nghề bán công nuôi miệng, chúng tôi nhận định rằng trước khi đại chiến thế giới 1914 - 1918 bùng nổ, giai cấp vô sản Việt Nam đã thành giai cấp... đó là "giai cấp tự mình", chưa phải " giai cấp cho mình ". Giáo sư Văn Tạo lại cho rằng "Khi Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước là lúc giai cấp công nhân Việt Nam bắt đầu hình thành "giai cấp tự nó". Người viết bài này phần không đủ trình độ, phần e khiếm nhã nếu dám thẳng thắn tranh luận với các học giả lão thành nhưng chợt nhớ rằng, khi được hỏi : giai cấp vô sản đã ra đời như thế nào, Ắnghen trả lời : "Giai cấp vô sản là do cuộc cách mạng công nghiệp sinh ra". Trước Mác và Ắnghen, người ta chưa ý niệm về giai cấp vô sản nên thường cho rằng vô sản là những người lười biếng, hèn kém nên nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột trong các công trường thủ công và trong nền công nghiệp đang phát triển, bao gồm cả tầng lớp lưu manh, du thủ du thực. Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản tái bản năm 1988 đã nói rõ: "Giai cấp vô sản là giai cấp những công nhân làm thuê hiện đại, vì mất các tư liệu sản xuất của bản thân, nên buộc phải bán sức lao động của mình để sống". Không biết ở Việt Nam cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra bao giờ ? Có được bao nhiêu công nhân làm thuê hiện đại và họ đã tập họp thành giai cấp như thế nào ? Họ có vì mất các tư liệu sản xuất của bản thân nên buộc phải đi bán sức lao động để kiếm ăn hay hầu hết đều là những người rời bỏ quê hương ruộng đồng để đi tìm cuộc sống khả dĩ hơn ở nơi chốn thị thành ? Sự phân định đội ngũ giai cấp công nhân ở Việt Nam Luận Cương Chính Trị của đảng Cộng sản Đông Dương đã xác quyết : "Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp, lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chính và lâu dài chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo giai cấp vô sản Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản". Trong khi đó, lý luận Mác - Lênin coi lý thuyết về giai cấp và đấu tranh giai cấp là hòn đá tảng của mình. Phủ nhận giai cấp và đấu tranh giai cấp tức là làm cho hòn đá tảng kia mủn ra. Vậy thì còn đâu một thực thể ước lệ để người ta thả sức gán ghép cho nó đủ các đặc tính ưu việt, còn đâu cái thiên sứ lãnh đạo bất khả luận của đội tiền phong của nó ! Phải chăng vì vậy mà bằng bất cứ giá nào, bất kể phương sách nào người ta cũng phải ra sức biện bạch cho được rằng đã từng, và sẽ còn tồn tại mãi mãi (chừng nào chưa có chủ nghĩa Cộng sản) một giai cấp công nhân Việt nam không những đích thực mà còn vào loại tiên tiến nhất trong phong trào cách mạng vô sản quốc tế. Đã nhất định có giai cấp thì phải gán ghép cho được những con người (dù chỉ rất ước lệ) vào đó cho nó có vẻ có thật chứ ! Thế là hàng loạt định nghĩa được sáng tạo ra để đối với người này thì nó làm lóa mắt, với người nọ làm ngỡ ngàng, với người kia, đành ngậm cười lặng lẽ. Như đã đề cập ở trên, Mác và Ắnghen bao giờ cũng quan niệm giai cấp công nhân là những người lao động công nghiệp, là con đẻ của nền sản xuất đại công nghiệp ; giai cấp công nhân ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp. Lênin cũng nói "Công nhân là những người lao động công nghiệp, làm việc trong nền đại công nghiệp". Rạch ròi hơn, ông còn nhấn mạnh "được coi là công nhân người nào trước đây đã là công nhân làm thuê bình thường trong nền đại công nghiệp ít ra là 10 năm và hiện nay đang làm việc trong đại công nghiệp từ 2 đến 3 năm" . Ở Việt Nam có bao nhiêu công nhân đạt tiêu chuẩn ấy ? Cho đến 1896, Toàn quyền Paul Doumer - một nhà kinh tế - chính trị - mới được chính phủ Pháp cử sang Đông Dương triển khai kế hoạch khai thác thuộc địa. Số lao động được sử dụng để xây cầu Long Biên (1902), cầu Sông Hương (1900), mở tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn (1902), Đà Nẵng - Huế (1906), Sài Gòn - Nha Trang và Hải Phòng- Vân Nam (1910), ... ước tới hàng chục vạn người. Phần lớn là nông dân bị trưng tập hay bắt phu theo thời vụ. Trong số 3500 lao động làm đường xe lửa chỉ có khoảng 100 thợ nề chuyên nghiệp. Đến năm 1906, cả nước có khoảng 90 nhà máy. Nam kỳ có các xưởng sửa chữa ôtô, làm xà phòng, chế biến đồ hộp, đóng tàu, xay sát gạo, nhà in... Bắc kỳ có các nhà máy rượu, nhà máy điện, nhà máy dệt, nhà máy xi măng, nhà máy giấy, nhà máy thuộc da... Năm 1929, toàn cõi Đông Dương, mà chủ yếu là ở Việt Nam, có 220.000 công nhân làm việc trong các doanh nghiệp của tư bản thực dân Pháp (53.000 công nhân mỏ, 86.000 công nhân công thương nghiệp, 81.000 công nhân đồn điền). Trong số này, đa số là công nhân áo nâu, tức là lao động tạp dịch đơn giản, lao động thủ công, văn hóa hết sức thấp, phần đông mù chữ. Công nhân áo xanh, tức công nhân kỹ thuật rất hiếm. Độ tập trung công nhân đã thấp lại luôn luôn bị phá vỡ do số công nhân lao khổ bị chết nhiều : một số mãn hạn được về quê, số khác bỏ trốn nên luôn phải bổ sung người mới. Riêng năm 1929 có 4.302 công nhân phá giao kèo, bỏ trốn, 6.907 người được mãn hạn. Số lượng công nhân ít ỏi, sống và làm việc phân tán rải rác, chất lượng lại kém nên người ta đã phải bàn đến chuyện ghép cả các công chức và giáo viên vào hàng ngũ công nhân, cho nên Giáo sư Trần Văn Giàu đành đưa ra ý kiến "Trong số những đảng viên Cộng sản đầu tiên có hàng trăm giáo viên, thì khi bàn đến giai cấp công nhân ta không nên quên giáo viên". (?!) Hiện nay ta có khoảng 5.690.000 lao động làm công ăn lương. Trong đó chỉ có 1.760.000 lao động trong khu vực quốc doanh, chưa bằng một nửa so với con số 3.640.000 lao động trong khu vực ngoài quốc doanh, 290.000 người Việt Nam lao động ở nước ngoài (200.000 đã về nước). Số công nhân lao động trong các ngành công nghiệp nặng rất không đáng kể. Bước vào thập kỷ 80, và đặc biệt những năm gần đây số công nhân trong khu vực quốc doanh giảm rất nhanh. Đã vậy độ bất đồng nhất và sự phân hóa trong hàng ngũ công nhân Việt Nam ngày nay lại diễn ra hết sức dữ dội. Trong khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể có bộ phận công nhân thuộc các xí nghiệp, nhà máy, công ty... hoặc toàn bộ thuộc về nhà nước ta, hoặc có một số bộ phận liên doanh liên kết với nước ngoài. Trong các đơn vị kinh tế quốc doanh có bộ phận công nhân không có cổ phần, có bộ phận công nhân có cổ phần. Trong những công nhân đóng cổ phần lại có người có cổ phần lớn, người có cổ phần nhỏ... Ngoài bộ phận công nhân khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, công tư hợp doanh, hiện nay còn rất nhiều bộ phận công nhân khác : công nhân làm thuê trong các xí nghiệp tư bản tư nhân, công nhân làm thuê ở nước ngoài, công nhân trong các xí nghiệp của tư bản tư nhân nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, công nhân trong các tổ hợp, hợp tác xã cơ khí cao cấp tiểu công nghiệp vv... Trong nhiều doanh nghiệp, cùng làm việc với các công nhân sinh trưởng và đào tạo trong chế độ của ta là những công nhân đã được đào tạo và làm việc trong các chính quyền đối địch. Một bộ phận không nhỏ rời bỏ quốc doanh ra làm việc ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vì muốn có được thu nhập cao hơn. Rất nhiều trường hợp vừa là công nhân lại vừa không phải là công nhân một khi họ phải sống (đôi khi chủ yếu) bằng nghề phụ như buôn bán, phe phẩy(*), làm dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt, đan lá... Trước trạng thái hoàn toàn bất định ấy làm sao có thể phân định được một thực thể khả dĩ gọi là giai cấp dù mang nội hàm triết học, hay kinh tế, hay xã hội với một tinh thần khoa học nghiêm túc. Thế rồi hàng loạt "sáng kiến" phải được đưa ra : "Cần hay không cần tính vào giai cấp công nhân mấy triệu người làm công ăn lương trong các cơ quan nhà nước và xã hội mà dưới sự lãnh đạo của Đảng, đang thực thi vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn xã hội ? "... "Chẳng lẽ trong một đất nước do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo mà những viên chức nhà nước lại không nằm trong giai cấp công nhân !" vv... Trong tình huống ấy Giáo sư Văn Tạo đành biện giải "Cả trí thức, các nhà kỹ thuật cũng như công nhân đều tham gia vào quá trình sản xuất ra sản phẩm xã hội, đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Họ có địa vị bình đẳng trong hệ thống sản xuất xã hội (cụ thể mọi người đều phải nộp thuế thu nhập, được tính theo mức thu nhập), ... Trừ một số ít nhà tư bản (với số vốn và số công nhân thuê mướn được nhà nước xác định là tư sản), còn tất cả những trí thức, lao động chân tay, trí óc trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ đều có thể được coi là ở trong giai cấp công nhân hiện đại ". (Thú thật, đọc những dòng này, tôi bỗng trào nước mắt. Tôi không thể nào tin một người lao động trí óc, đã từng miệt mài nghiên cứu lâu năm lại thực lòng suy nghĩ như thế ! Vậy thì, vì sao ? Vì sao hỡi trí thức Việt Nam ! ) Giáo sư Văn Tạo đã nói thế thì Phó Tiến sĩ Bùi Đình Bôn cũng đành phụ họa "Như vậy, một bộ phận trí thức (gắn liền trực tiếp với lao động công nghiệp, với quy trình sản xuất công nghiệp, tạo ra của cải vật chất cho xã hội) nằm trong nội hàm "giai cấp công nhân". Còn các nhà khoa học, các tầng lớp khác của tầng lớp trí thức như các ngành khoa học xã hội nhân văn, trí thức nghiên cứu không có hoạt động lao động sản xuất trực tiếp theo quy trình công nghệ thì không thể gọi là công nhân". Những gì được xem là sản phẩm xã hội và những ai được xem là tham gia vào quá trình sản xuất ra các sản phẩm đó ? Người thiết kế ra cái đầu máy hay người chỉ biết vặn bù loong ? Người viết ra bản cương lĩnh chính trị hay người chỉ biết xén giấy để in ra nó ? Trong một gia đình, người ông là một giáo sư - tiến sĩ xã hội học đã có nhiều công trình lý luận đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng, người con trai là một nghệ sĩ ưu tú, người dâu là một kỹ sư chế tạo máy, người cháu chẳng may bị bạn bè rủ rê lêu lổng, đành đi làm thợ cán thép ; mỗi ngày ngồi quanh chiếc bàn ăn có hai giai cấp cùng cầm đũa. Người ông và người bố thuộc giai cấp đồng minh (hoặc giai cấp bị lãnh đạo). Trong hai người còn lại thì đứa cháu "khả úy" kia lại là đại diện hàng đầu trong giai cấp lãnh đạo (!). Hẳn là, không hề đã từng có một giai cấp công nhân như định nghĩa của Mác - Lênin ở Việt Nam. Ngày xưa đã không hề có, ngày nay cũng không thể có. Trong tương lai, khi mà các nền "kinh tế tốc độ" sẽ thay thế các nền "kinh tế quy mô" ; khi mà phương thức sản xuất hàng loạt mà ta có thể coi gần như dấu hiệu định nghĩa đặc trưng cho xã hội công nghiệp trở thành hình thức lỗi thời và nền sản xuất phi hàng loạt hóa tức là sản xuất những lô hàng với sản phẩm theo yêu cầu của rất ít khách mua với khối lượng nhỏ trong những đợt ngắn đòi hỏi phát sinh một thứ lao động mà tính chất thay thế lẫn nhau ngày càng tăng thì cái khái niệm giai cấp ấy càng không còn nữa. Chính Mác đã từng dự báo: "Sự tồn tại của giai cấp chỉ gắn liền với những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất". Vả lại, những cách phân định gán ghép nêu trên chẳng qua là đã cố tình làm ngơ một trong những nguyên lý : Điều có ý nghĩa quyết định đối với việc phân định giai cấp là mối quan hệ của các tập đoàn người đối với tư liệu sản xuất ; cũng của chính CácMác. Vấn đề trí thức hóa công nhân Lịch sử cận - hiện đại Việt Nam không những cứ phải đi đường vòng mà còn ngoặn ngoẹo đầy những khổ đau, bi hài và cay đắng. Trớ trêu sao, con người Việt Nam suốt những thập kỷ gần đây cứ luôn luôn bị dồn dập vật vờ. Hôm xưa, người ta bắt trí thức phải công nhân hóa, vô sản hóa. Thế là một số người trót được dùi mài đôi chút kinh sử đành buộc lòng ra sức phủi bỏ cái quá trình học vấn của mình để được là vô sản. Cụ NguyễnVăn Cừ đi vô sản hóa ở mỏ Vàng Danh, các cụ Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Lương đi vô sản hóa ở hãng rượu Bình Tây, hãng dầu Nhà Bè. Cụ Nguyễn Lương Bằng đã là thủy thủ rồi mà còn phải tình nguyện đi làm phu kéo xe tay cho nó thật là vô sản hạ đẳng hơn vv... ( Nghĩ mà cảm phục, mà yêu thương cái đức xả thân mãnh liệt, cái hoài vọng thiêng liêng của các cụ quá. Chắc chắn các cụ lúc bây giờ không thể nào hình dung ra những hậu quả tạo nên thực trạng Việt Nam ngày nay). Phong trào công nhân hóa còn phát huy ảnh hưởng tích cực cho đến rất lâu sau này khi người ta buộc những bác sĩ giải phẫu nổi tiếng nhất cũng phải đi tập cày tập cuốc, những nghệ sĩ vĩ cầm điêu luyện mà không tham gia lao động chân tay thực sự thì cũng là đồ bỏ đi vv... Như là sự tôn trọng luật đối xứng, như là đã đổ dấm chua rồi thì phải đốt tiếp lửa nồng ; hôm xưa đã công nhân hóa trí thức, hôm nay lại trí thức hóa công nhân. Hiềm một nỗi người ta hiểu và chủ trương trí thức hóa công nhân tức là không những phải làm cho công nhân trở thành kỹ sư (tương xứng vậy, ắt là hộ lý thì thành bác sỹ... ), mà còn phải thành thạc sỹ, tiến sĩ vv... Nhiều người sợ hãi rằng không biết rồi đây khi được giao nhiệm vụ thống kê trong nghiên cứu xã hội học mà với một tinh thần trung thực, tự trọng, với lương tâm của người làm khoa học nghiêm túc thì biết đưa những dữ liệu nào ? những tham số nào ? dùng thuật toán nào ? sử dụng loại máy điện toán cỡ nào, để xác định cho được kỹ sư nào là kỹ sư trí thức ? tiến sĩ nào, bác sỹ nào là tiến sĩ - công nhân, bác sĩ - công nhân ? Trong khi mà tại một tỉnh như tỉnh Bình Dương số lao động kỹ thuật chỉ chiếm 5 phần vạn dân số và ngay tại một thà nh phố phát triển công nghiệp nhất nhì trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh thì trong số 11.000 lao động đang làm việc tại các khu chế xuất cũng chỉ có 10% là cán bộ kỹ thuật ; trong khi mà số công nhân bậc 7 và thợ lành nghề còn ít hơn phó tiến sĩ, công nhân bậc 6 ít hơn kỹ sư (Theo số l iệu điều tra của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, công nhân bậc thợ 7/7 chỉ có 2, 8%, bậc thợ 5/7 chỉ có 22, 2%, bậc 4/7 3D 33, 2%, bậc 3/7 3D 21, 8%, bậc 1/7 và 2/7 3D 6. 7%); trong khi mà 89% lao động chưa được đào tạo tay nghề, thì, chỉ vì chủ trương trí thức hóa công nhân một cách quái đản mà từ 1986 đến 1996 số trường dạy nghề giảm 41%, số tuyển sinh học nghề chính quy giảm 35%, số giáo viên dạy nghề giảm 31%. Tính ra, số người học nghề trong 20 năm đã giảm xuống 75%. Vì thế cho nên mới có tình trạng 15 khu công nghiệp ở Đồng Nai cần tuyển 30.000 lao động có tay nghề, toàn tỉnh còn đến hơn 100.000 lao động thất nghiệp nhưng chỉ tuyển được dăm ngàn người đạt yêu cầu. Bảy khu công nghiệp ở Bình Dương có nhu cầu tuyển 15.000 - 17.000 công nhân nhưng lao động địa phương chỉ đáp ứng được khoảng 1/ 3. Ngộ nghĩnh đến mức trong khi khu công nghiệp Dung Quất (nếu được thiết lập thật, gần đúng như chủ trương đã đưa ra) cũng chỉ cần chừng 150 kỹ sư thì tỉnh Quảng Nam ký hợp đồng với trường Đại học Mỏ - Địa chất đào tạo cấp tốc 450 kỹ sư chứ không chú tâm gì tới nhu cầu hàng ngàn công nhân chuyên ngành hầu như chưa có ! Khi tình hình đã trở nên quá bức xúc, Nghị quyết 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII mới khẩn cấp định ra chỉ tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2000 phải có từ 22 đến 25% lao động xã hội qua đào tạo. Con số chỉ tiêu này quả là "vĩ đại" nếu ta nhẩm lại rằng đường lối xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh đã được ban bố qua bao nhiêu thập kỷ rồi mà cho đến nay con số khởi điểm để tiến tới chỉ tiêu kia mới là 11%. Xin được lưu ý rằng, thời gian còn lại chỉ không đầy 2 năm nữa. Phải chăng đây là một phần hệ quả của nhận thức : "giá nhân công tương đối rẻ là một lợi thế quan trọng để phát triển", đã được ghi trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII mà người viết bài này từng có dịp bày tỏ nổi băn khoăn trong tiểu luận "Mấy suy nghĩ nhỏ về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" cách đây ít năm. Trí thức là quý giá, là đáng tôn trọng và càng vô cùng cần thiết đối với một xã hội như xã hội ta hiện nay, nhưng đâu phải cứ có học vị nọ, học hàm kia thì đã là trí thức. Vả chăng công nhân, đặc biệt là công nhân có đạo đức, có lương tâm, có tay nghề cao thì quý, còn cần thiết và thực sự có ích hơn cả nhiều người có học hàm nọ, học vị kia chứ. (...) (Ở đây tôi đã xóa bớt một mệnh đề : "huống chi còn có cả những "giáo sư rởm", những "tiến sĩ hữu nghị", những phó tiến sĩ do "bầy tôi" viết hộ luận án ...". Bởi vì các loại này chẳng những không thể đem sánh với công nhân được mà nhiều khi còn là tội nợ của nhân dân khi bọn họ được lợi dụng làm các con bài dâng những ý kiến "quân sư quạt mo" để góp phần tàn phá đất nước một cách thật đau lòng). Các cụ ngày xưa đã nói "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Đấy không phải chỉ là sự tổng kết từ thực tiễn mà còn là sự định hướng ít ra vẫn còn đúng đối với thực trạng phát triển công nghiệp của ta hiện nay. Ở Nhật, đại đa số xí nghiệp, nhất là những xí nghiệp lớn, đều trả lương và đề bạt các chức danh theo thâm niên. Chế độ này dựa trên quan niệm trả công xứng đáng với trình độ lành nghề đã được tích lũy lại qua kinh nghiệm. Ở ta sao không có các chế độ chính sách bảo đảm hậu đãi xứng đáng những công nhân tay nghề cao ? Nhữngcông nhân giỏi, quý hiếm phải được trả lương, được trọng vọng, được hưởng các tiêu chuẩn đãi ngộ không kém gì các tiến sĩ, giáo sư thực thụ. Hãy chăm chút cho toàn bộ cơ thể phát triển hài hòa, trong đó, mỗi bộ phận ngày càng hoàn thiện hơn. Đừng nghĩ chuyện cắt cái đầu lắp vào cánh tay mà cũng chớ tính chuyện gắn hai cánh tay vào cái đầu. Kỹ sư, tiến sĩ rất cần nhưng chỉ riêng họ thì chẳng làm ra được cái gì. Hãy tạo đầy đủ cơ chế, chính sách cho những ai có sở trường sở đoản, có thiên chức công nhân cứ phấn đấu để làm một công nhân xứng đáng cùng với vinh quang mà họ phải được thụ hưởng trong cuộc đời. Chăm sóc thích đáng lực lượng lao động xã hội Khi đọc phần nói về giai cấp công nhân trong bản Nghị quyết 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII : "Giai cấp công nhân thông qua Đảng tiền phong của mình đã lãnh đạo cách mạng nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua, ngày nay lại đang đi đầu trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng trong quá trình chuyển sang cơ chế mới đã có nhiều biểu hiện coi nhẹ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân... Chưa chú trọng bồi dưỡng ý thức giai cấp, trình độ kiến thức và tay nghề, lương tâm nghề nghiệp, tác phong công nghiệp... cho công nhân. Chưa làm tốt việc chăm lo lợi ích tạo ra động lực trực tiếp kích thích công nhân sáng tạo..." ; tôi đã phát biểu trong một tiểu luận của mình : "Vì sao giai cấp công nhân đã đang đi đầu trong sự nghiệp vĩ đại của dân tộc mà lại bị coi nhẹ? Ai đi ở đâu, ai đứng ở đâu mà coi nhẹ ? Một giai cấp còn thiếu rất nhiều tư chất : thiếu ý thức giai cấp, thiếu trình độ kiến thức và tay nghề, thiếu lương tâm nghề nghiệp, tác phong công nghiệp... thì làm sao lãnh đạo nền công nghiệp hiện đại được ? Một giai cấp lãnh đạo thì phải làm được sứ mệnh chăm lo lợi ích tạo ra động lực trực tiếp kích thích lao động sáng tạo cho toàn xã hội, chứ sao lại bắt xã hội làm việc đó cho mình ? " Đặt vấn đề đã ngược như vậy, biện pháp giải quyết nêu ra cũng chẳng thuận khi Nghị quyết ghi : "Xây dựng giai cấp công nhân phát triển về số lượng, giác ngộ về giai cấp, vững vàng về chính trị, tư tưởng...". Tạm thời bỏ qua điều khó hiểu rằng vì sao người ta từng khẳng định giai cấp công nhân Việt Nam đã chuyển từ giai cấp "tự mình" thành giai cấp "cho mình" từ khoảng trước 1930 mà nay vẫn còn phải xây dựng ở Việt Nam một giai cấp công nhân giác ngộ về giai cấp ? điều cần bàn hơn là tại sao lại đặt vấn đề "xây dựng giai cấp công nhân phát triển về số lượng" ? Giai cấp công nhân là sản phẩm sinh ra từ cuộc cách mạng công nghiệp. Nó chỉ có thể phát triển về số lượng tùy thuộc vào nhu cầu của sức phát triển của nền kinh tế công nghiệp. Đặt vấn đề phát triển công nhân về số lượng theo sự lãnh đạo của Nghị quyết một cách duy ý chí e sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp trong tổng thể hoặc cục bộ từng ngành. Hiện nay, tại Hà Nội có khoảng 100.000 công nhân lao động ở các doanh nghiệp nhà nước của trung ương và địa phương phải nghỉ việc đã 4 năm nay. Riêng các doanh nghiệp của Hà Nội có 1.400 công nhân không được làm việc trọn tháng, trọn tuần. Tại Thành phố Hồ Chí Minh riêng hai tháng cuối 1997 có 5.000 công nhân mất việc làm. Từ 1954 đến 1975 không thấy chính quyền ở miền Nam đặt vấn đề xây dựng giai cấp công nhân nhưng từ giữa những năm 1960 trở đi, Sài Gòn trước 1954 chỉ là một trung tâm thương mại và tài chính đã nhanh chóng trở thành một trung tâm công nghiệp lớn với 20.000 nhà tư sản (tăng 10 lần so với số tư sản ở miền Bắc 1954). Trong đó có những ông "vua sắt thép" tham gia kinh doanh ở 11 ngành, có mặt ở 23 cơ sở sản xuất kinh doanh khắp miền Nam... . Nhờ đó, số lượng và chất lượng công nhân tăng rất nhanh. Năm 1955, toàn bộ số lượng công nhân ở miền Nam mới khoảng 300.000 người, năm 1969 đã tăng lên 670.000; trong đó, công nhân công nghiệp là 170.000. Riêng ở Sài Gòn năm 1958 có 178.600 công nhân, 1960 có 191.030 và năm 1967 đã tăng lên đến 309.000 công nhân. Những năm gần đây ở nước ta xuất hiện một số ngành nghề mới đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và hợp với trào lưu thời đại như dầu khí, điện tử, tin học, bưu chính viễn thông vv... thì mặc nhiên cũng xuất hiện một đội ngũ lao động trẻ ngày càng đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Đội ngũ lao động trẻ có sức khỏe tốt, có trình độ văn hóa này không ngừng say mê rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ học vấn, ngoại ngữ... chắc chắn không phải do tự ý thức về vai trò lãnh đạo giai cấp của mình mà trong điều kiện cạnh tranh hiện nay phải vượt lên hàng đầu để được tuyển dụng và được duy trì công việc tại những chỗ có lương cao, có điều kiện làm việc tốt. Ngoài một số ngành nghề đặc biệt, một vài doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, nói chung, đồng lương trả cho công nhân ta rất thấp và cách đối xử nhiều khi quá tồi tệ. Trong khi mỗi giờ lao động giản đơn ở Mỹ cũng được trả công 5 USD, thì lương trung bình của công nhân Việt Nam làm việc suốt gần 200 giờ mỗi tháng chỉ được chừng 20 USD. Rất nhiều công nhân không có nhà ở, 18% gia đình công nhân có diện tích bình quân đầu người từ 2 đến 4 mét vuông. Do trình độ cơ giới hóa, tự động hóa rất thấp, lao động cơ bắp nặng nhọc vẫn là chủ yếu ở hầu hết các ngành sản xuất, có nơi đến 90%. Môi trường nơi công nhân lao động bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ở tất cả các cơ sở sản xuất được kiểm tra, các yếu tố độc hại đều vượt tiêu chuẩn cho phép trên 50%, nhiều nơi 100%. Sức khỏe công nhân, nhất là phụ nữ công nhân không được chăm sóc đúng mức. Có nơi 40% công nhân mắc bệnh bụi phổi silic. Tai nạn lao động không những nhiều mà ngày càng tăng. Riêng khu vực quốc doanh hàng năm có trên 200 người chết thảm thương vì tai nạn lao động. Không phải chỉ ở một vài xí nghiệp ngoài quốc doanh nào đó mà quản lý là những kẻ khát máu tanh lòng nên có khi, chỗ này họ bị các bà chủ ngang nhiên đập giầy cao gót vào mặt, chỗ kia nữ công nhân bị tụt cả quần ra để khám xét chỉ vì xí nghiệp mất một vài thứ chẳng đáng giá là bao; ngay gần Trung ương, tại xí nghiệp gia công giày da xuất khẩu Đông Anh của Nhà nước, người lao động thường xuyên phải làm việc quá sức từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày. Trong số 2.905 công nhân chỉ có 441 người được xí nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, 2.300 người không được ký hợp đồng lao động. Mỗi tổ sản xuất có từ 50 đến 60 lao động nữ mà chỉ có một thẻ đi vệ sinh ! Trong tình trạng chung của những công nhân lao động Việt Nam còn quá khổ nghèo túng quẫn như thế thì những vị đại biểu số một trong đội tiền phong của giai cấp này được các nhà tư bản nước ngoài biếu tặng hàng triệu USD! Ở thế kỷ XIX, khi mà thặng dư giá trị do người lao động tạo ra lại bị các nhà tư bản tước đoạt để bóc lột lại họ, Mác đã coi là người vô sản bị tha hóa. Đó là lần tha hóa thứ nhất. Ngày nay, tuy đã có độc lập, thống nhất nhưng do quản lý kém, do tham ô lãng phí quá tồi tệ, đời sống công nhân không được cải thiện, giá trị lao động không được chi trả hợp lý và đúng mức thì coi như công nhân lại bị tha hóa lần thứ hai. Chứng kiến những nghịch cảnh này trong thực tế hay qua báo chí tôi đều muốn thét vào mặt bất cứ ai liên đới rằng hãy chấm dứt ngay đi những luận điệu dù là ngô nghê hay lừa dối xảo quyệt. Hãy đừng nhơn nhơn nói những điều nghịch lý trắng trợn mà không biết ngượng miệng. Không hề có và không thể có một giai cấp lãnh đạo mà lại gồm rất nhiều thực thể tàn tệ đến thế. Trong tác phẩm "Gia đình thần thánh" xuất bản năm 1845, Mác và Ắnghen đã viết: "Giai cấp vô sản đang thi hành bản án mà chế độ tư hữu, trong khi đẻ ra giai cấp vô sản, đã làm ra cho mình, cũng giống như nó đang thi hành bản án mà lao động làm thuê, trong khi sản xuất ra sự giàu có cho kẻ khác và sự khốn cùng cho bản thân, đã làm ra cho mình. Sau khi thắng lợi, giai cấp vô sản dù sao cũng không thể trở thành mặt tuyệt đối của xã hội, vì rằng, chỉ có tự tiêu diệt và tiêu diệt mặt đối lập của mình thì nó mới giành được thắng lợi ". Trong "Đằng Vương Công" Mạnh Tử cũng nói : "Người lao tâm trị người được, người lao lực bị người trị. Người bị người trị lo nuôi người ; người trị người được nuôi sống ở người. Đó là thông nghĩa của thiên hạ ". Lời thầy Mạnh Tử chỉ nửa vế đầu có thể xem là "thông nghĩa của thiên hạ" nếu tính theo luật số lớn. Tính tuyệt đối hóa của nửa vế sau dễ bị lợi dụng để duy trì đương nhiên sự thống trị, sự bóc lột của loại lao động này với loại lao động kia. Dẫu sao điều đó cũng không tệ hại bằng sự cố tình ngụy biện để lợi dụng cái gọi là sứ mệnh lịch sử của giai cấp mà ngoi lên nhưng chẳng làm được gì xứng đáng ngoài việc tiếp tục phỉnh phờ họ bằng những mỹ từ "làm chủ tập thể", "giai cấp lãnh đạo" vv... Ở Nhật không ai nói tới vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân nhưng người ta đã tạo ra cơ chế công nhân tham gia quản lý và thực hiện nghiêm túc qua 4 hình thức ở 4 cấp như sau :
Nhờ cơ chế thiết thực đó mà công nhân có điều kiện tham gia thực sự vào việc quản lý, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống bản thân. Bàn về giai cấp công nhân Việt Nam qua bản tiểu luận có thể phần nào ấu trĩ này, tôi vẫn xin mạnh dạn nêu một vài suy nghĩ không thật hợp với những điều đã được nghe, được học trước đây và ai đó có thể trợn mắt quát tháo : nghịch tặc ! Nhưng, tôi nghe Lép Tônxtôi : "Trí thức được coi là trí thức thực sự khi nó là kết quả của sự nỗ lực suy nghĩ chứ không phải là trí nhớ". Sự vật phải được gọi đúng tên, được nghiên cứu để xác định và mô tả đúng bản chất và những biểu hiện của nó thì mới giúp ta hiểu đúng phải làm gì để nó phát triển đúng như ta vì nó và cũng đúng như nó bao hàm ta. Hà Nội tháng 9 năm 1998 Nguyễn Thanh
Giang
|