Trao đổi với Trần Ðộ
về tình hình đất nước và vai trò của Ðảng Cộng Sản
“Tình
Hình Ðất Nước Và Vai Trò Của Ðảng Cộng Sản” là tiêu đề bài viết 18 trang
đánh máy vi tính khổ A4 của nhà cách mạng lão thành Trần Ðộ vừa hoàn thành
vào cuối 1997 đầu 1998.
Vốn
là người khí phách, ông đang học trung học ở Hà Nội thì bỏ về quê ở Thái
Bình hoạt động cách mạng từ 1939. Ông tham gia đảng Cộng Sản Ðông Dương từ
1941. Cũng năm đó ông bị thực dân Pháp bắt và đày lên Sơn La. Ông đã xông
pha nhiều trận tuyến: Chính trị viên trong Bộ Chỉ Huy Vệ Quốc Ðoàn khu Hà
Nội, Chính Ủy đại đoàn 312, Chính Ủy quân khu Hữu Ngạn, Phó Chính Ủy Toàn
Quân Giải Phóng Miền Nam. Ông từng giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong bộ máy
đảng và nhà nước của ta: Phó Chủ Tịch Quốc Hội, Trưởng Ban Văn Hóa - Văn
Nghệ Trung Ương Ðảng v.v... Ông được kết nạp làm Hội viên Hội Nhà Văn Việt
Nam từ năm 1957, và cho đến 1974 có lẽ ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên có
quân hàm cao nhất: trung tướng. Ông đã ngoại thất tuần và đã nghỉ hưu được
ít lâu nhưng vì thấy tình hình bất an nên phải giốc ra “những giọt máu vắt
từ trong tim một người từ nhiều chục năm nay” (1) để thảo luận về Ðất Nước
và về Ðảng. Ông không thể đừng được vì dự cảm thấy nước nhà “đang đứng trước
hai nguy cơ hiểm ác: hoặc là sẽ bị sụp đổ, một sự sụp đổ không ai cứu nổi,
hoặc là sẽ mất ổn định ngày càng lớn, Ðảng lại buộc phải đối phó, đàn áp và
cuối cùng cũng tan rã nếu không cứu xã hội thoát nhanh khỏi tình hình bùng
nhùng, bệnh hoạn hiện nay” (1). Lời cảnh báo dữ dội và đau xót đó bật lên
sau quá nhiều khắc khoải, dằn vặt của ông trước những nghịch lý rất quái gỡ,
rất tàn khóc mà cứ nhởn nhơ được tồn tại trong xã hội ta. Ðến nỗi, dường như
ông phải quằn quại thét lên hàng loạt câu hỏi “Tại sao... Tại sao... Tại sao...?”
để rồi tất cả những ai có lương tri đều phải sẵn sàng chia sẻ cùng ông.
Ông hỏi: “Tại sao luôn luôn nhấn mạnh “kinh tế quốc doanh là
chủ đạo”, trong khi đó là một khu vực kém hiệu quả nhất và là những “ổ” tham
nhũng ghê gớm nhất?”, rồi ông phán quyết: “... không thể thực hiện theo
lối nói nhập nhằng “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Giữa hai cái phải chọn lấy một. Lấy sự phát triển kinh tế của đất nước hay
lấy định hướng xã hội chủ nghĩa?”. Ông chỉ ra “...
“với
định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhà nước rất rộng tay cấp tính dụng cho khu
vực kinh tế quốc doanh, khiến cho tín dụng không thu hồi được, các ngân hàng
đứng trước nguy cơ phá sản” (1).
Quả đúng
rằng đấy là một nguyên nhân tạo nên nghịch lý. Tuy nhiên, còn một nguyên
nhân khác là người ta “thích cái cơ chế đó chỉ vì còn muốn lợi dụng nó để
biến một số phần tử trong “giai cấp” mình thành những tên tư bản đỏ - những
tên tư bản được đề bạt, được chỉ định, được bao cấp, được bảo vệ bằng chuyên
chính vô sản” (2). Có cái sự mập mờ, không ra mèo trắng, chẳng ra mèo đen
như thế thì người ta mới có điều kiện “ngụy tạo ra đủ thứ: kinh tế dân sự,
kinh tế đoàn thể, kinh tế đảng, kinh tế các lực lượng vũ trang... nhằm
khuấy đục cả xã hội lên để nuôi béo những con cò” (2). Tamexco là gì? Là
cánh tay làm kinh tế của Ðảng. Có vậy thì nó mới có nổi sức mạnh thần thông
mà moi móc, mà biến hóa hàng trăm tỷ đồng mồ hôi nước mắt của nhân dân vào
túi riêng của bọn tham tàn để rồi làm thất thoát đi đến sáu bảy trăm tỷ đồng.
Công ty Dệt 8.3 - quốc doanh chính hiệu - thì tính đến 31 tháng 12 năm 1996
có số dư nợ vốn đầu tư là 126 tỷ đồng nhưung dư nợ đến hạn tới 42 tỷ đồng.
Cũng đến ngày đó, công ty quốc doanh nhà nòi - Dệt Nam Ðịnh - nợ vốn đầu tư
là 641 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 130,7 tỷ đồng, nợ trung hạn và dài hạn
172 tỷ đồng, nợ mua thiết bị trả chậm nước ngoài 116 tỷ đồng, còn lại là các
khoản vay lưu động, chiếm dụng vốn, nợ lãi, nợ ngân sách... (Ðây là những
con số được công bố, thực tế chắc còn ghê gớm hơn). Vì là con cưng quốc
doanh nên Dệt Nam Ðịnh mới có đủ thế lực bao che để được gian dối đến mức
qua 4 năm, từ 1992 đến 1995 đã lỗ hơn 207 tỷ đồng mà năm 1992 vẫn được khai
báo là lãi 3,1 tỷ đồng, 1993 lãi 203,6 triệu đồng, 1994 lãi 297,7 triệu đồng.
Rõ ràng: “nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là các bầu sữa tong teo của nhân
dân bị vắt ra đau đớn để nuôi béo một bọn người vừa bất tài, vừa vô trách
nhiệm, vừa phi nhân bản” (2).
Cần xúc tiến bằng nhiều biện pháp: cổ phần hóa, giải tư, giải
thể để giảm nhanh 6000 doanh nghiệp nhà nước xuống chừng dăm bảy trăm, đồng
thời thiết thực tạo ra sân chơi đồng đều cho tất cả các thành phần kinh tế.
Ông hỏi: “Tại sao người dân, trong hoàn cảnh
mức sống có tăng lên, không thiết tha góp công, góp của vào công cuộc xây
dựng đất nước như Ðảng không ngừng kêu gọi? Thậm chí ở một số nơi người
dân còn chống lại các tổ chức Ðảng và đứng lên đấu tranh để bảo vệ quyền lợi
của mình?”. Về vấn đề này “câu trả lời sẽ không khó, nếu lấy lợi ích đất
nước mà không phải lấy lợi ích của Ðảng làm đầu” (1).
Thử nghiêm túc nhìn nhận lại xem. Sau đằng đẵng gian lao, với
ngập tràn hy sinh xương máu, thảm khốc hơn bất kỳ đất nước nào, tàn hại hơn
bất kỳ dân tộc nào trên thế giới trong lịch sử hiện đại, nhiều đảng viên có
chức có quyền không những được sống sung sướng hơn quan lại thuở trước mà
hơn cả nhiều nhà tư bản ở các nước hiện đại. Còn người dân, tuyệt đại đa số
đồng bào, được gì? Ðược cái mức sống ngang với mức sống của một trong 20
nước nghèo khổ nhất thế giới. “Ðược
bóc lột” nặng nề hơn trước để tạo nên cái hố ngăn cách giàu - nghèo sâu rộng
hơn xưa rất nhiều. Ðược hưởng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà trong đó người
nông dân bị hàng loạt cường hào ác bá mới lợi dụng chuyên chính vô sản thẳng
tay trù dập, trấn áp khi cần cho quyền lợi của họ. (Vì vậy nông dân Thái
Bình, Uy Nỗ, và lác đác đây đó ở Hà Tây, Ðồng Nai, Thanh Hóa... mới phải nổi
dậy). Tầng lớp trí thức thì bị xiết vào đầu một vòng kim cô hệ tư tưởng này,
hệ ý thức kia. Chỉ được nghĩ theo Ðảng nên cũng chỉ được nói theo Ðảng.
Những trí thức lòng ngay dạ thẳng dám bộc bạch tư duy của mình thì dù đã
từng đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật với Ðảng, cũng bị Ðảng không ngần
ngại thẳng tay trừng trị! Cho đến bây giờ, những biện pháp trù diệt cổ sơ
vẫn cứ được sử dụng tỉnh bơ, như không còn ai có khả năng nhớ nổi lời thánh
hiền: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự...,
những người đã từng dốc bầu máu nóng, hơn 30 năm trước với đầy hào khí hô
hào thanh niên xông tới xả thân vì cách mạng, vì Ðảng qua những vần thơ đầy
nhiệt huyết “Cái tuổi 20 khi hướng đời đã rõ. Thì khó khăn biết mấy cũng
lên đường...”, đã từng hy sinh cả vợ mình trong chiến trận; đã từng
hăng hái đi tiên phong phát động học sinh, sinh viên miền Nam đấu tranh
hướng về Cách Mạng... Vậy mà, đến nay họ đang bị giam lỏng trong kiếp tù tại
gia rất thương tâm.
Chính vì Ðảng chỉ vì Ðảng, chính quyền chỉ vì
chính quyền như vậy cho nên quần chúng, và, kể cả đảng viên, nếu không vùng
lên đấu tranh thì cũng tỏ thái độ chán chường, thờ ơ, lãnh đạm.
Cái thực
trạng u uất, ảm đạm tiền khởi nghĩa của xã hội ta đã từng được nhà chí sĩ
Phan Bội Châu mô tả trong Hải Ngoại Huyết Thư:
“Một
là vua sự dân chẳng biết
Hai là quan chẳng thiết gì dân
Ba là dân chỉ biết dân
Mặc quân, mặc quốc, mặc thần, mặc ai”
Ở Philipines người ta rầm rộ xuống đường biểu
tình đòi giảm án cho cô gái ở đợ tên là Sara Balabazan khi cô dám cầm dao
đâm chết ông chủ để bảo vệ trinh tiết cho mình. Ở Mỹ, dư luận xôn xao, làm
chấn động cả quốc tế về án tử hình của một phụ nữ sát nhân biết hối cải ở
bang Texas. Ở nước ta, không phải chỉ những trí thức nổi tiếng thế giới như
giáo sư Ðoàn Viết Hoạt hay bác sĩ Nguyễn Ðan Quế v,v... đã bị giam cầm cả
chục năm trời mà không mấy ai được biết, ngay cả các nguyên ủy viên Bộ Chính
Trị Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam, các cán bộ cao cấp của Ðảng như Trần
Xuân Bách, Hoàng Minh Chính, Chu Văn Tấn... khi bị xử trí, báo chí cũng chỉ
đưa tin qua quýt. Không ai có điều kiện để được bàn bạc, được suy ngẫm. Mọi
người buộc phải biết sống trong trạng thái vô cảm, mặc đồng tộc, đồng chí,
“mặc quân, mặc quốc, mặc thần”; tất cả phó thác cho Ðảng thì mới được coi là
tin tưởng Ðảng. Thật khác lẽ đời đến mức quái dị. Vậy mà tinh thần của ta, ý
thức của ta, lòng nhân ái của ta bị tha hóa quá lâu, quá tệ hại, đến mức ta
không còn có khả năng tự vấn lương tâm, không còn biết tự sỉ nhục!
Dẫu sao, “Vi thiện giả, thiên báo chi di phúc; vi bất thiện
giả, thiên báo chi dĩ họa” (lời Khổng Tử). Khi đất nước lâm vào cuộc khủng
hoảng tài chính, để giúp nhà nước thoát nhanh khỏi tình trạng nguy cập,
người dân Hàn Quốc, người dân Thái Lan... đang sống ở trong nước cũng như ở
ngoài nước đều tự giác tình nguyện góp những món đồ tư trang bằng vàng để
nhà nước nấu chảy ra đúc thành thỏi, đổi lấy ngoại tệ. Lòng ưu thời, mẫn thế
của con người Việt Nam xưa kia còn được biểu hiện cao quý hơn thế rất nhiều
qua các Tuần Lễ Vàng tổ chức ngay sau Cách Mạng Tháng Tám, qua các hành động
tự tháo gỡ nhà mình ra lót đường cho chiến xa thẳng tiến ra mặt trận... Vậy
mà, đến nay, không những người ta “không thiết tha góp công, góp của vào
công cuộc xây dựng đất nước như Ðảng không ngừng kêu gọi” (1), mà, thậm chí,
nếu rồi đây nếu ai đấy tự nhiên bị quy là “Trần Xuân Bách”, là
“Hoàng
Minh Chính”, là “Chu Văn Tấn” thì chắc hẳn cũng sẽ chẳng ai buồn đoái hoài.
Về câu hỏi
“Tại sao đường lối đổi mới và mở cửa đã đưa
tới một sự phân hóa xã hội sâu sắc đến thế, đưa tới sự làm giàu bất chính và
đầy thách thức của một bộ phận nhỏ - chủ yếu là trong cán bộ, đảng viên có
chức, có quyền như thế?”
(1). Câu hỏi này nên được đặt ra một cách
chặt chẽ để tránh sự ngộ nhận rằng bản thân việc đổi mới và mở cửa đích thực
cũng ẩn tàng một môi trường xấu chứa đầy mầm độc làm nảy sinh sự làm giàu
bất chính và sự phân hóa xã hội một cách bất công. Thật ra, dễ có sự ngộ
nhận chẳng qua chỉ vì chúng ta cứ cố tình ngoan cố sử dụng những thuật ngữ
không đúng, nếu không muốn nói thẳng ra là ngụy biện, là quanh co. Lẽ ra
phải nói là sửa sai hoặc đổi lại như xưa mới đúng. Thực tế những năm qua cho
thấy những gì ta thực sự phục thiện, thành thật sửa sai, tìm được ra cái mới
hoặc đổi lại được như ngày xưa thì đều gặt hái thành quả tốt; những gì còn
luẩn quẩn kiểu “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì đều lúng
túng hoặc thất bại.
Xưa kia, người nông dân đang được trực tiếp
quản lý ruộng vườn của mình, ta ép buộc họ vào hợp tác xã làm cho không
những miếng thịt, con cá bỗng trở nên hiếm hoi, đến mớ rau cũng phải xếp
hàng mới mua được. Từ khi trở lại giao đất, giao rừng về cho nông dân, lương
thực, thực phẩm lại được sản xuất gia tăng bội phần.
Xưa kia ta đã có nền kinh tế nhiều thành phần
hoạt động theo quy luật thị trường, bỗng nhiên ta ra nghị quyết “Ðẩy mạnh
công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm trước mắt là đẩy mạnh cuộc
cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ
thủ công và cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế tư bản
tư doanh” (3). Thế là ta thẳng tay tiêu diệt hết các thành phần kinh tế khác
với quyết tâm biến dần nền nền kinh tế quốc dân từ chỗ có nhiều thành phần
thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cơ bản thuần nhất chỉ gồm hai hình
thức: sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Do vậy chợ búa xác xơ, chiếc quần
đùi, gói mỳ chính... cũng phải bán phân phối. Trả lại quyền tồn tại của các
thành phần kinh tế như ngày xưa, sức sản xuất được giải phóng đôi phần, nền
kinh tế mới có điều kiện khởi sắc trở lại.
Xưa kia, ngoài hệ thống trường công, ta có
các trường tư; ngoài bệnh viện nhà nước, có các nhà thương tư, nhà thương
làm phúc... bỗng nhiên ta dẹp bỏ, chỉ để lại các trường, các bệnh viện “quốc
doanh”. Sự thiếu hụt kinh phí, sự xuống cấp thảm hại về giáo dục và y tế
đang buộc ta không còn cách nào khác là phải quay về làm lại như xưa.v.v...
Vậy mà sao ta vẫn không chịu tiếp nhận bài
học thực tiễn, vẫn khăng khăng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa”, vẫn ra lệnh phải “tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế nhà nước”
và ép buộc tổng sản phẩm GDP phải giành tỷ trọng 60% cho các thành phần kinh
tế này (4). Cơn khát doanh nghiệp nhà nước một cách mù quáng khiến người ta
càng khát càng tu nước muối, để rồi, hàng nghìn tỷ đồng mồ hôi, nước mắt,
xương máu của nhân dân cứ thế đem đổ xuống sông xuống bể thật xót xa.
Về chuyện mở cửa.
Phải hô lên mở cửa, phải chăng nghĩa là trước
đây ta đóng cửa. Kể cả khi ta đã và đang có quan hệ cốt thiết với nhiều nước
trong phe xã hội chủ nghĩa? Về phương diện nào đó, ý niệm này có phần đúng.
Nhưng tiếc rằng, cho đến nay ta vẫn chưa thực lòng hay là chưa biết mở cửa
một cách quang minh. Cánh cửa thông ra với thế giới bên ngoài phải được quan
niệm là chỉ có một nhưng được kết cấu rất hữu cơ bằng nhiều tế bào: chính
trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, thông tin, khoa học - kỹ thuật v.v...
Nếu chỉ nhằm vào một, hai lĩnh vực thì cửa không thể nào mở được. Cứ cố tình
ra sức chọc vào một vài tế bào thôi thì chỉ tạo ra các lỗ thủng làm xoáy lên
những cơn gió độc, hoặc là, làm hoại thư cánh cửa. Nếu giảng giải rằng lối
thông ra thế giới bên ngoài gồm nhiều cánh cửa tầng tầng lớp lớp: cánh cửa
chính trị, cánh cửa kinh tế v.v... thì khi mở ra chỉ một vài cánh cửa trong
số đó, lối đi quang minh chính đại vẫn không thể khai thông. Cửa vẫn không
mở và không có trạng thái “mở cửa” đích thực.
Những năm qua ta chưa mở cửa một cách đàng
hoàng cho đại khối nhân dân mà chỉ tạo điều kiện để một số thế lực chọc lách
thành những khe hở mà móc ngoặc, mà đi đêm với nhau. Từ đấy gian lận chính
trị, gian lận kinh tế v.v... mới đẻ ra lúc nhúc những mafia đủ loại, những
tên mại bản, những kẻ đầu cơ, những lũ gian thương... Mất độc lập, mất tự
chủ, mất tài sản quốc gia, mất đồng bào... chính là vì vậy.
Nói về Ðảng của mình, ông lại sững sờ nêu câu hỏi:
“Tại sao Ðảng bây giờ
lại khác Ðảng ngày xưa?”
(1). Và, ông tự tìm câu trả lời: “Ngày nay Ðảng với dân là
hai. Ðảng là ai? Ðảng là những người cai trị có quyền lực, cai trị dân và
dân vẫn như ngày xưa, là những người bị cai trị, thấp cổ, bé họng. Ngay
trong Ðảng cũng chia thành hai...” (1). Nhà thơ chiến sĩ cách mạng Bùi
Minh Quốc cũng từng có nhận xét tương tự “Ðảng chỉ còn cái danh.
Thực chất, dưới cái danh xưng chung này đang tồn tại hai đảng:
một đảng của thiểu số đặc quyền đặc lợi và những kẻ ăn theo nói leo, một
đảng của đa số đảng viên thường. Giữa đảng viên của hai đảng này làm gì còn
chút nào gọi là lý tưởng chung, là tình đồng chí... Sự giàu sang phè phỡn
của đảng viên ở phía này dựa trên sự cùng khốn về kinh tế, nhu nhược về
chính trị của đảng viên ở phía kia” (5).
Thật là chua xót. Nỗi chua xót này đang ngày
càng ngấm sâu để biến thành nỗi đau quằn quại của những đảng viên chân chính.
Những đảng viên thuộc lớp Trần Ðộ, Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Hữu Nhân, Lê Hồng
Hà... trở về trước, và kể cả sau này như Nguyễn Kiến Giang, Bùi Minh Quốc,
Ðỗ Trung Hiếu... khi đứng tuyên thệ dưới cờ, nắm tay hát vang “Vùng lên hỡi
các nô lệ ở thế gian. Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn...” đều nghĩ
tới một xã hội không còn bất công, không còn đói nghèo. Vậy mà, đến nay, bóc
lột vẫn còn đó, áp bức vẫn còn đó, thiếu tự do vẫn còn đó, mất dân chủ vẫn
còn đó. Nào phải kẻ ngoại bang, nào phải khác máu tanh lòng, chính đảng viên
bóc lột mình, chính đồng chí mình đàn áp, khống chế mình! Cho nên, càng
trung kiên, càng trong sáng, càng xót xa, cay đắng.
Ðảng bây giờ đã khác hẳn Ðảng ngày xưa! Ðó là
“Nỗi buồn mang xuống tuyền đài chưa nguôi” của những ai đã từng một thời “Ra
đi không vương thê nhi” vì nghĩ rằng mình đang xả thân cho những gì được xem
là lý tưởng cao đẹp.
Phạm Hồng Thái, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị
Minh Khai, Lý Tự Trọng... nếu được bừng sống lại, hẳn còn nghìn vạn lần đau
đớn hơn ta.
Vậy mà Ðảng chỉ thấy tự hào. Tự hào ngay cả
khi mắc sai lầm nghiêm trọng. Một vài tình huống đơn cử trên đây cho thấy
nhiều tiến trình xã hội ở Việt Nam đang dược diễn tiến bình thường, hợp quy
luật tự nhiên, bỗng nhiên bị lái chệch sang một hướng sai. Khi đến ngõ cụt,
khủng hoảng đến mức sắp sụp đổ, buộc phải đổi hướng hoặc quay lại thì Ðảng
vẫn bắt mọi người phải ca ngợi: nhờ công ơn Ðảng biết đổi mới.
Còn đâu cái phương châm phê và tự phê có thời
nào đó từng được nêu lên như một lẽ sống của đảng!
Dưới cái định đề dân chủ tập trung, người ta
thâu tóm mọi quyền lực cho các vị chức sắc trong Ðảng, chức vị càng cao, độ
tập trung quyền lực càng lớn. Dân chủ tập trung tạo điều kiện cho một nhóm
người, thậm chí một người nào đó tự xem họ là toàn bộ đảng, chỉ có họ là
đảng viên có nghĩa, hàng triệu đảng viên khác chỉ là những con bài trên cái
chiếu chơi đỏ đen. Thế là lão tướng Trần Ðộ lại khắc khoải “Tiếc thay, hiện
nay Ðảng là Ðảng trị, lại độc tôn, không có bất cứ một cơ chế giám sát nào,
kể cả những người ở trong Ðảng. Ðã độc tôn thì tất yếu đi tới lộng quyền”
(1).
Từ rất nhiều nghịch lý đã làm bật lên bao nhiêu câu hỏi “Tại
sao” của những lương tri lớn như Trần Ðộ, ai cũng thấy yêu cầu dân chủ hóa
xã hội ở nước ta bức thiết chừng nào. Không, không ai đòi dân chủ vô giới
hạn, “dân chủ quá trớn” (Lâu nay, do coi thường vai trò luật pháp, phế bỏ
chế độ pháp trị để thay bằng chuyên chính vô sản; do chỉ dạy trung hiếu với
Ðảng, Ðảng là trên hết, kiểu như “Tiếng
đầu lòng bé gọi Xta-lin” nên gia đạo bị xem nhẹ, kỷ cương phép nước bị coi
thường. Tuy nhiên, trước những hiện tượng xấu xa, đồi bại tệ hại hơn ngày
xưa: con cái không vâng lời cha mẹ, trò cãi lại thầy, phóng uế bừa bãi ra
đường phố v.v..., người ta lại giải thích xằng bậy rằng thế là do dân mình
được dân chủ quá trớn!), mà chỉ mong được hưởng dân chủ thật, mong dân chủ
được đến mức nào thì trên dưới phải cùng được hưởng như nhau.
Sự thật thì, nhân dân ta chưa bao giờ được
hưởng nền dân chủ đích thực. Chỉ có những mỹ từ không có thật như: dân chủ
XHCN gấp triệu lần... Bởi vậy, dân chủ hóa, hay, cải tạo dân chủ cho xã hội
ta phải là cả một quá trình với bề bộn công việc. Lão tướng Trần Ðộ nêu hai
việc phải ưu tiên làm ngay. Một là “Ban hành một chế độ, một bộ luật về tự
do tư tưởng, tự do ngôn luận và do đó tất yếu là phải tự do báo chí và tự do
xuất bản.” (1). Hai là bầu cử tự do. Ý kiến này chắc chắn được đại đa số
những người chân chính có mối quan tâm tha thiết với vận mệnh đất nước hưởng
ứng. Nhà toán học Phan Ðình Diệu thì cho rằng “Ðể thực sự có tự ứng cử, bầu
cử thì phải có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội,
tự do hội họp, v.v... Tự do báo chí, tức là quyền tự do tạo ra dư luận.
Theo nghĩa dân chủ thì quyền tạo ra dư luận, quyền tranh thủ sự đồng tình
của dư luận là một quyền hết sức tự nhiên”(6).
Song le, biết trông chờ vào đâu để xúc tiến
cho được những công việc này.
Ðành rằng, những yêu cầu trên đều đã từng
được nhà ái quốc xuất chúng Nguyễn Ái Quốc và đảng Cộng Sản Việt Nam nêu
thành những ưu tiên hàng đầu trong Cách Mạng Tháng Tám. Nhưng mà, Ðảng bây
giờ đã khác hẳn Ðảng ngày xưa rồi còn đâu!
Bởi vậy, để tiến hành được sự nghiệp dân chủ
hóa ở Việt Nam cần tạo được ít nhất một trong hai tiền đề tiên quyết sau đây:
Một là: Ðổi mới triệt để, hay thẳng thắn
hơn, cải tổ sâu sắc đảng Cộng Sản Việt Nam.
Hai là: Mạnh dạn một cách cẩn trọng phục
hồi chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam.
Ðối với tiền đề thứ nhất, khả năng hiện thực đã sáng
sủa hơn trước kể từ khi những lãnh đạo trẻ được chấp chính ở các cương vị
cao nhất.
Họ là những người trí tuệ hơn, sung sức hơn,
ít chịu trách nhiệm với những sai lầm quá khứ hơn. Họ đang tỏ ra biết lắng
nghe khi Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu nhiều lần trực tiếp đối thoại với cụ Hoàng
Minh Chính. Tổng Bí Thư cũng còn vui vẻ xởi lởi đến chúc Tết tướng Trần Ðộ
vào ngày đầu xuân Mậu Dận. Một trong những buổi tiếp xúc đầu tiên ở cương vị
mới, Thủ Tướng Phan Văn Khải dành cho giới trí thức, và sau đó là liên tiếp
những cuộc đối thoại khoáng đạt với các nhà sản xuất, các doanh nhân trong
và ngoài nước v.v... Nếu các nhà lãnh đạo trẻ dám dũng cảm rũ bỏ những ý
niệm về Ðảng đã bị tha hóa, biết thực sự dấn thân vì quyền lợi của nhân dân
thì sự nghiệp cách mạng mới sẽ ghi danh họ trong sổ vàng lịch sử của tổ quốc.
Sự nghiệp canh tân đất nước trong nền văn
minh tin học của thế giới hiện đại rất khó thành công nếu chỉ phó thác cho
một đảng mà đảng ấy chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Trong buổi
sinh thời của Mác, giai cấp công nhân có thể mang những tư chất cần thiết để
lãnh đạo công cuộc cách mạng lật đổ chế độ áp bức bóc lột, ngày nay những tư
chất ấy không những không còn đáp ứng nổi mà đôi khi còn ngáng trở công cuộc
canh tân đất nước. Có thể đặt vấn đề giai cấp công nhân phải tự nâng mình
lên cho ngang tầm thời đại. Song, làm gì có ai tự nắm tóc nhấc bổng mình lên
được. Cơ thể cần nhiều loại sinh tố, nền kinh tế cần nhiều thành phần, thế
giới cần đa cực để cạnh tranh, để dựa vào nhau, bổ sung cho nhau, giám sát
nhau, kích thích nhau mà phát triển.
Tiền
đề tiên quyết thứ hai càng bức bách hơn khi “Ðảng là đảng trị, lại độc tôn,
không có bất cứ cơ chế giám sát nào, kể cả những người trong Ðảng”
(1).
Với cái cơ chế độc đảng, những năm tháng lịch
sử vừa qua, đảng Cộng Sản Việt Nam bên cạnh những kỳ tích tạo lập được cũng
đã thực thi nhiều đường lối chính sách sai lầm. Có những sai lầm tồn tại quá
lâu mà không một tổ chức hay cơ quan nào được quyền bàn thảo bình đẳng để
cùng nhau cứu đất nước thoát nhanh khỏi những sai lầm và chọn được lối đi
sáng sủa. Trong khi đó, bên cạnh mấy triệu đảng viên, còn hơn 70 triệu người
với biết bao nhiêu tài năng, đức độ, bao nhiêu hiền nhân tuấn kiệt.
Ðâu phải chỉ là sự tự tôn dân tộc. Cả thế
giới đều nhận biết đều đó.
Dẫu thế nào chăng nữa, những ngày đông Ðinh
Sửu cũng đã qua, những ngày xuân Mậu Dần rất khỏe khoắn đã tới. Có thể là
“Ðêm
qua đầu chụm run bên đá.
Nay đã cùng mây sưởi nắng hừng” (7)
Mùa Xuân Mậu
Dần đã tới. Mùa Xuân Thiên Niên Kỷ Thứ Ba đang tới. Việt Nam, Việt Nam hy
vọng của ta ơi!
Hà Nội 14
tháng 2 năm 1998
Nguyễn
Thanh Giang
Ðịa chỉ: Nhà A13, P9 - TTPK Hòa mục
Phường Trung Hòa - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
Tel: 8.586 012
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú :
1- Trần Ðộ - Tình Hình Ðất
Nước Và Vai Trò Của Ðảng Cộng Sản
2- Nguyễn Thanh Giang - Thế Nào Là Ðịnh Hướng Ðúng
3- Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN - Nghị quyết XVI
4- BCHTƯ đảng CSVN - Báo Cáo Chính Trị Tại Ðại Hội VIII
5- Bùi Minh Quốc - Lương Tri Sức Mạnh Vô Ðịch
6- Phan Ðình Diệu - Một Cách Tiếp Cận Khoa Học Về Dân Chủ Và Cơ Chế Thực
Hiện Dân Chủ
7- Thơ Khương Hữu Dụng