Phải chăng nước ta đã ra khỏi khủng hoảng?Hưởng ứng lời kêu gọi thể hiện trong "Thông báo của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc công bố dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII trình Đại hội lần thứ VIII của Đảng để nhân dân góp ý kiến", ngày 1 tháng 5 năm vừa qua tôi đã hoàn thành một bài viết rất công phu với tiêu đề "Thế nào là định hướng đúng". Bài góp ý đó không chỉ được gửi tới đồng chí Tổng Bí Thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Mặt trận Tổ quốc... mà còn được gửi tới tòa soạn các báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí thông tin-lý luận v.v... Tiếc rằng, đến nay chẳng những chưa thấy báo nào đăng mà người nhận cũng không ai nói một lời cám ơn sơ sài hoặc chí ít là lời thông báo đã nhận được! Mặc dầu vậy, những suy xét nung nấu của bản thân vẫn thôi thúc tôi phải tiếp tục bày tỏ trách nhiệm trước "một đại hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước"(1) "một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, một "Hội nghị Diên Hồng" trong thời kỳ mới"(1). Thái độ khinh bạc biểu hiện một cách hình thức có thể gây đôi chút tủi buồn, nhưng tôi tin những ý kiến của mình là cần thiết và có ích. Điều này đã từng được kiểm định qua việc đối chiếu giữa các bản góp ý trước đây của tôi với nhiều điều sửa đổi đôi khi rất cơ bản giữa dự thảo với bản công bố chính thức một số văn kiện quan trọng của Đảng và Chính phủ. Rất có thể nhiều ý kiến đã phát biểu và sẽ phát biểu của tôi không hoàn toàn đúng nhưng tôi đồng ý rằng: "Trước sự phát triển của cách mạng, có nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn rất phức tạp, chưa sáng tỏ... cần có sự thảo luận, tranh luận. Mọi cán bộ, đảng viên phải biết lắng nghe tôn trọng ý kiến của nhau, thật sự vì chân lý, lẽ phải; có việc phải chờ đợi nhau. Đồng thời không đoàn kết hình thức, một chiều, xuê xoa, không dám đấu tranh"(2). Với tinh thần đó tôi xin tiếp tục trình bày vài ý kiến thô thiển đối với dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII trình Đại hội lần thứ VIII của Đảng. Tôi lưu ý đến những dòng in đậm sau đây trong mục III - Đánh giá tổng quát: "Công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ của Đại hội VÌ đề ra cho 5 năm 1991-1995 đã được hoàn tất về cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa được củng cố vững chắc" (2). Không cần gợi lại những năm dài lê thê ảm đạm trong cảnh nghèo khổ quá chừng "do chúng ta đã xây dựng chủ nghĩa xã hội theo một mô hình mang nặng tính giáo điều, rập khuôn và chủ quan duy ý chí", chỉ cần so sánh với những năm đầu triển khai công cuộc đổi mới. Lúc ấy "Ba năm liền lạm phát vẫn ở mức ba con số; đời sống của những người hưởng lương và trợ cấp xã hội giảm sút mạnh; nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đình đốn, thua lỗ, sản xuất cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa, giải thể, hàng chục vạn công nhân buộc phải rời sản xuất, tự tìm đường sống; hàng vạn giáo viên phải bỏ nghề; những vụ đổ vỡ tín dụng xảy ra phổ biến..." (2). Vậy mà đến nay "Nhịp độ tăng bình quân hàng năm về sản phẩm quốc nội (GDP) trong 5 năm 1991-1995 đạt 8,2%. Nhịp độ tăng bình quân hàng năm về sản xuất công nghiệp là 13,3%, sản xuất nông nghiệp là 4,5%, kim ngạch xuất khẩu 20%... Trong 5 năm khối lượng hàng hóa tiêu thụ trên thị trường tăng gấp đôi..."(2). Được vậy là do Đại hội VI của Đảng đã sáng suốt từ bỏ nền kinh tế chỉ huy tập trung mà ta gọi là quan liêu, bao cấp) để tiến tới nền kinh tế thị trường. Thực ra, về một phương diện nào đó, ta có cái may giúp cải cách dễ thành công hơn Liên Xô và các nước Đông Ấu là do ta chưa chìm lún quá sâu vào kinh tế xã hội chủ nghĩa. "Vào thời điểm thống nhất đất nước năm 1976 miền Bắc Việt Nam đã mang nhiều đặc điểm của một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Nhưng nó cũng rất khác biệt trong nhiều phương diện quan trọng, nó không phải là một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo kiểu Đông Ấu, trong đó hầu như mọi cái đều thuộc về khu vực nhà nước và nó cũng không phải là một nền kinh tế hoàn toàn không có hoạt động của thị trường tư nhân. Không phải tất cả giá cả đều được ấn định bằng sắc lệnh. Hơn nữa đây chủ yếu là nền kinh tế nông thôn"(3). Khi nghiên cứu về những nguyên nhân đổi mới thành công vượt trội của Việt Nam, Đâyvid Đola cũng rút ra những nhận xét tương đồng "Khu vực quốc doanh ở Việt Nam nhỏ hơn bất kỳ nước nào khác trong số những nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đang tiến hành cải cách. Xét về quy mô của khu vực quốc doanh, Việt Nam giống những nền kinh tế thị trường đang phát triển nhiề u hơn so với những nền kinh tế kế hoạch hóa đang cải cách. Thực tế này xuất phát từ tỷ trọng thấp của công nghiệp trong nền kinh tế và từ vai trò chủ đạo của khu vực ngoài quốc doanh trong nông nghiệp và dịch vụ"(4). Cho đến năm 1986 lạm phát vẫn ở con số 774,7%. Song, nhờ những biện pháp hết sức táo bạo và sáng suốt: một mặt cho tự do hóa hầu hết giá nội địa, mặt kia, nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm và tiền cho vay, kiềm chế phát hành tín dụng, đánh tụt tỷ giá hối đoái; lạm phát được chặn đứng khựng lại ngay vào giữa năm 1989. Lạm phát tụt xuống con số 67,1% vào năm 1991 và cứ thế liên tục giảm. Năm 1994 còn 14,4%. Năm 1995 chỉ còn 12,7%. Thành công xuất sắc này làm cho nhiều nhà kinh tế lỗi lạc trên thế giới cũng phải kinh ngạc và thán phục. Nhờ những cải cách thương mại và tỷ giá hối đoái rất triệt để đồng thời với những cải thiện sâu sắc và tích cực trong chính sách tài chính, và tiền tệ, Đảng và Chính phủ đã giải quyết cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực này một cách thật tài tình. Tuy nhiên, phải thấy rằng khủng hoảng ở nước ta là một cuộc khủng hoảng toàn diện và chúng ta "Cần nhận thức đầy đủ những yếu kém và khó khăn... nhiều vấn đề kinh tế-xã hội nóng bỏng chưa được giải quyết. Đáng chú ý là những vấn đề lớn sau đây: Lạm phát còn ở mức cao, nhiều cơ sở sản xuất đình đốn kéo dài, lao động thiếu việc làm tăng lên. Chế độ lương quá bất hợp lý. Đời sống của những người sống chủ yếu bằng tiền lương hoặc trợ cấp xã hội và của một số bộ phận người dân bị giảm sút. Tốc độ tăng dân số còn cao. Sự nghiệp văn hóa xã hội có những mặt tiếp tục xuống cấp. Tình trạng tham nhũng tiêu cực và bất công xã hội tăng thêm; lối sống thực dụng, hủ tục mê tín, dị đoan phát triển. Tình trạng vi phạm dân chủ còn nhiều. Việc thực hiện pháp luật, kỷ cương chưa nghiêm. An ninh trật tự và an toàn xã hội còn phức tạp. Vẫn có những nhân tố có thể gây mất ổn định chính trị không thể xem thường. Bộ máy của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân cồng kềnh, phong cách làm việc còn quan liêu, kém hiệu lực. Không ít cán bộ, đảng viên không đủ năng lực và phẩm chất đảm đương nhiệm vụ, thậm chí thoái hóa biến chất, không được quần chúng tín nhiệm. Việc nâng cao ý chí cách mạng trong Đảng, thanh lọc đảng viên; lựa chọn, bố trí bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cốt cán, cải cách căn bản hệ thống tổ chức là những vấn đề lớn đòi hỏi phải giải quyết..." Những vấn đề kinh tế - xã hội nêu trên đã thực sự hết nóng bỏng chưa? Hãy thử lược duyệt lại một số trong các vấn đề đó. 1. Lạm phát còn ở mức cao ...Như trên đã nói, một trong những thành công đáng khâm phục trong quá trình đổi mới vừa qua là ta đã chặn đứng được tốc độ lạm phát phi mã. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, khi nội tệ của một nước đã lên giá thì lạm phát ở mức hai con số như hiện nay vẫn được xem là cao. Một số ý kiến đề cập đến nguyên nhân lượng hàng hóa bị nhà nước quản lý bởi các hạn ngạch, các giấy phép đặc biệt... quá nhiều, gây ách tắc trong lưu thông, làm tăng giá hàng hóa. Số khác cho rằng do mức thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt của ta quá cao, tạo sự chênh lệch lớn giữa giá cả trong nước và ngoài nước. Đã vậy, các bảng giá tối thiểu lại không được công bố công khai một cách đầy đủ. Hiện nay, ngoại trừ một vài biểu thuế của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan được bày công khai, các quyết định khác về giá dường như không được phổ biến. Thậm chí còn bị quản lý như một dạng thông tin mật! Rất có thể là chúng ta đã cố hết sức giải quyết cho được lạm phát công khai nhưng lại đang rơi vào nạn lạm phát ngầm. Biểu hiện của trạng thái này là ở chỗ lượng sản xuất hàng hóa nội địa không tăng và rõ rệt hơn là ở sự suy giảm đáng kể giá trị tiền lương thực tế. Nhiều cơ sở sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc doanh vẫn tiếp tục đình đốn. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã mạnh tay giải tán một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trầm trọng kéo dài đồng thời sắp xếp và rút gọn lại hàng loạt doanh nghiệp nhà nước khác. Tuy nhiên, việc xóa bỏ các liên hiệp xí nghiệp trước đây để thành lập tràn lan những tổng công ty có số vốn đủ 100 tỷ đồng đang có nguy cơ gây ách tắc và lãng phí mới. Nhiều nhà doanh nghiệp cho rằng Chính phủ đang tốn công nặn ra những chiếc bình mới để đổ vào đấy vẫn là thứ rượu cũ. Có người còn cho rằng bên trong những chiếc bình ấy sẽ chỉ có tro thiêu của những cái xác liên hiệp cũ. Việc thành lập hệ thống quản lý cho các Tổng công ty này mới thật là nhiêu khê! Theo Nghị định 39/CP thì trong Tổng công ty mới phải có đầy đủ các thành phần: Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát... Tuy nhiên, không thể nào xác định được rằng hội đồng quản trị nằm ngoài cơ cấu tổng công ty, là cấp trên để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hay nằm trong cơ cấu tổng công ty? (Bởi vì chức năng quản lý Nhà nước đã do cấp Bộ thực hiện rồi). Nghị định 75/CP của Thủ tướng Chính phủ quy định Hội đồng quản trị không phải cơ quan quản lý nhà nước. Nó không thể thay thế cơ quan cấp bộ và ngang bộ. Nó không phải cấp trên của tổng công ty mà là tổ chức nằm ngay trong cơ cấu tổng công ty. Quyết định 91/CP lại nói rằng Hội đồng quản trị chính là tổ chức được thành lập để nhận chức năng "bộ chủ quản" để từ đó giải phóng các bộ khỏi chức năng chủ quản hiện nay. Thế rồi, lúc thì Bộ Tài Chính thay mặt nhà nước giao vốn cho Hội đồng quản trị để Hội đồng quản trị giao lại vốn cho Tổng giám đốc. Nơi thì Bộ Tài chính giao vốn thẳng cho Ban giám đốc... Dẫu thế nào đi nữa thì hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc cũng đều ôm một bọc tiền chùa to tướng, ngồi trên một đống tài sản khổng lồ của nhân dân mà không mấy ai của đau con xót cả. Có điều thuận tiện là khi gây lãng phí tiền triệu, tiền chục, tiền trăm tỷ thì sẽ có kẻ tung người hứng tạo nên "sức mạnh tập thể" để ngụy biện, bao che cho nhau. Và, dễ liên minh, liên kết với nhau mà tham ô dây chuyền... Chung quy, chỉ vì cái bệnh duy ý chí truyền kiếp, cái gan lớn muốn làm trái quy luật, cái mệnh lệnh: tập trung nguồn lực để kinh tế nhà nước đạt cho được tỷ trọng 60% GDP. Trong khi, ngay cả ở những nước phát triển, tỷ trọng này cũng mới chỉ vào khoảng 25-30% GDP. Nên chăng, hãy cứ để cho quy luật cạnh tranh chi phối và sự tích tụ tự nhiên của thị trường dẫn đến nhu cầu tự liên kết của các đơn vị doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã bị giải thể, song nhờ sự phát triển của kinh tế tư nhân và các xí nghiệp liên doanh mà "mỗi năm thêm hơn một triệu lao động có việc làm"(2). Dẫu vậy thì số lượng thất nghiệp vẫn còn rất cao. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh Xã hội, tính đến cuối năm 1995, số lao động không có việc làm là 2 triệu 400 ngàn người. Ở nông thôn, số lao động không đủ việc làm chiếm tới 35% nguồn lao động. Ở thành thị có khoảng 80 vạn người lang thang, cầu bơ cầu bất. Ngay trong khu vực nhà nước cũng có đến mươi vạn người không có việc làm, phải nghỉ không lương và khoảng nửa triệu người không đủ việc làm trọn tháng hoặc trọn tuần (thực tế chắc là nhiều hơn). Mới đây, tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã khuyến cáo mạnh mẽ về nguy cơ gia tăng nạn thất nghiệp của Việt Nam. Theo tính toán của ILO, hiện nay tỷ lệ tạo được việc làm của Việt Nam là 2,5%, trong đó mức gia tăng lực lượng lao động bình quân là 3% trên toàn quốc và 5% tại các đô thị. Liệu rằng quyết tâm "Bảo đảm công ăn việc làm cho dân là một mục tiêu xã hội hàng đầu, không để thất nghiệp trở thành căn bệnh kinh niên"(2) "Và những năm tới phải tập trung sức tạo việc làm nhiều hơn số lao động tăng thêm hàng năm, giảm đáng kể thất nghiệp" thể hiện trong dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội VÌI có cơ sở thực tế để thực hiện được không? Đối với những người có công ăn việc làm thì tình trạng "chế độ lương quá bất hợp lý"(5) vẫn tồn tại nguyên xi. Mức lương tối thiểu quy định là 120.000 đồng/ tháng ngay lúc mới đưa ra đã bị xem là thấp, nay giá trị thực của lương tối thiểu thậm chí đã giảm xuống chỉ còn 90.000 đồng/tháng. Bộ luật lao động quy định rằng khi hệ số trượt giá là 10% thì nhà nước phải điều chỉnh lại mặt bằng lương tối thiểu. Nhưng, hệ số này đã lên tới 30% mà nhà nước vẫn chẳng thấy quan tâm gì đến việc tuân thủ luật lệ. Thật là xấu hổ khi bàn đến "tái sản xuất mở rộng" trên cơ sở đồng lương chính thức hiện nay. Ai cũng thấy rõ rằng không thể sống bằng đồng lương như vậy cho nên mọi cơ quan, mọi cá nhân đều phải "vận dụng", phải xoay sở, hầu hết bằng các phép biến tướng của tham nhũng. Việc quy định thang lương, bậc lương cũng còn biết bao nhiêu điều không thỏa đáng, đặc biệt là vấn đề hệ số lương gần gấp đôi cho riêng quân đội và công an. Thực tế là nếu chỉ tính đến số lương chính thức mà quân đội và công an được lĩnh thì các khoản lương này cũng vừa chưa đủ chi dùng, vừa còn thua kém nhiều so với lương của một số viên chức làm việc cho các công ty liên doanh với nước ngoài. Song, nếu xem cách trả lương là biểu thị một phần thái độ ưu đãi của nhà nước đối với các thành viên xã hội thì cách sử dụng hệ số như trên có thể được hiểu là cho đến bây giờ Đảng vẫn coi các lực lượng bảo vệ tổ quốc quan trọng và quý giá gấp đôi lực lượng xây dựng đất nước. Ở Mỹ, luật sư và thầy thuốc là những ngưởi được nhận lương cao hơn hẳn những nghề khác. Nhiều người hiểu rằng đấy cũng là khía cạnh biểu hiện của một chính quyền vị nhân dân, chứ không đặt quá nặng nhiệm vụ tự bảo vệ chính quyền. Về sự quá bất hợp lý trong chế độ lương của ta, đã có rất nhiều ý kiến bàn luận và kiến nghị sửa đổi tại các hội nghị của Tổng liên đoàn lao động và của Quốc hội. Đặc biệt là về mức lương tối thiểu quá ít làm cho những người lương thấp và các cán bộ hưu trí sống rất chật vật, khổ sở. Tuy nhiên, không hiểu sao tình trạng đó vẫn không được cải thiện. Phải chăng, vì Chính phủ cố duy trì cho được vừng hào quang của thành tích chống lạm phát hay vì Đảng ra sức kiên trì quan điểm "giá công nhân tương đối rẻ là một lợi thế để phát triển đất nước"(6). 2. "Sự nghiệp văn hóa, xã hội có những mặt tiếp tục xuống cấp".Trong khi "đổi mới" đã giúp đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế một cách đáng tự hào và một trong những bài học chủ yếu được nêu trong dự thảo la2 "Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội..."(2) thì sự nghiệp văn hóa, xã hội trước đây vốn còn rất manh mún nhưng lai đã không được duy trì mà còn bị "tiếp tục xuống cấp". Đấy là một nghịch lý làm day dứt lòng người nếu phải dơ tay biểu quyết "Nhiệm vụ của Đại hội VÌ đề ra cho 5 năm 1991-1995 đã được hoàn thành về cơ bản"(2) Hãy thử điển qua một số vấn đề trong các lĩnh vực này: - Trước hết về giáo dục Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ghi "Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo phải được xem là quốc sách hàng đầu". Báo cáo của Ban chấp hành trung ương khóa VI về các văn kiện đại hội VÌ do đồng chí Nguyễn Văn Linh trình bày ngày 24 tháng 6 năm 1991 cũng từng nêu "Đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, coi đó là quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố con người, động lực trực tiếp của sự phát triển. Trước mắt, phải phổ cập cấp I, nâng cao dân trí, đào tạo nghề cho phần lớn thanh niên, tăng nhanh số công nhân lành nghề, đào tạo cán bộ nhiều trình độ..." Nói thì không những đúng mà còn rất hay. Nhưng thực tế thì cho đến năm 1995 cả nước có 1 triệu 600 ngàn trẻ em thất học, và khoảng 1 triệu học sinh bỏ học hàng năm. Số người mù chữ ngày một tăng lên và đã đạt đến tỷ lệ 13,4% (tính cho những người từ 10 tuổi trở lên). Giáo sư Bộ trưởng Trần Hồng Quân cho biết: đến giữa niên khóa 1994-1995 ngành phổ thông còn khoảng 10.000 lớp phải học 3 ca. Số lớp học 3 ca tăng gấp đôi sau 2 năm phấn đấu giảm. Có hơn 75.000 phòng học làm bằng tranh tre nứa lá. Ngành mầm non vẫn còn khoảng 20.000 phòng học tạm thời. Chỉ có 19,7% số trường tiểu học đạt tiêu chuẩn tối thiểu về thiết bị. Tỷ lệ đó đối với các trường phổ thông cơ sở là 27,7%. Đối với Phổ thông trung học là 26,7%. Xa xôi hẻo lánh như Mèo Vạc, Đồng Văn thì khoảng 85% số dân bị mù chữ. Một xã thuộc huyện Quỳnh Nhai, chỉ cách thị xã Sơn La 90 km đường ô tô cũng có 30% số dân bị mù chữ. Một nửa số em nhỏ ở đây đang độ tuổi đến trường không được đi học. Hai mươi năm sau ngày giải phóng, ở giữa cái thành phố đã từng là hòn ngọc của Viễn đông vẫn còn 26 lớp học ba ca và 79 phòng học dựng tạm bằng tranh tre nứa lá. Chủ nghĩa thực dụng thấm nhiễm vào giáo dục làm băng hoại đạo lý sư phạm cũng thật là đáng sợ. Hiện có 100.000 sinh viên tại chức. Số sinh viên học tại chức gần bằng số học tập trung. Diều này không có gì đáng nói. Ngạc nhiên ở chỗ là có tới một nửa số sinh viên đại học tại chức không có bằng phổ thông. Dễ dàng đến mức có sinh viên một lúc học hai, ba trường đại học. Trường chính học chưa xong đã có bằng tốt nghiệp ở trường đại học khác. Trò ra sức học để mà học như vậy thì thầy cũng sẵn sàng dạy để cải thiện đời sống quá khó khăn do đồng lương chính hết sức rẻ mạt. Trường Đại học Tài Chính Kế Toán có 250 giáo viên mà nhận dạy đến 15.000 sinh viên (trong đó 12.000 học tại chức). Trường đại học Ngoại thương có 100 giáo viên nhưng phải dạy cho 7.000 sinh viên (trong đó 4.500 học tại chức). 168 giảng viên trường Dại học Luật phải cáng đáng tới 2.040 sinh viên chính quy và hơn 11 ngàn sinh viên tại chức. Sinh viên học lấy được như vậy nhưng ít nhiều vẫn còn phải học. Vì chính phủ cho phép được bảo vệ luận án kiểu tương đương mà không có những chế định chặt chẽ nên nhiều quan chức không cần học mà vẫn có học hàm học vị rất cao. Nhiều luận án "tương đương" Phó tiến sĩ chỉ cần hoàn thành trong một tháng trời và chủ yếu do "bầy tôi" làm. Chính những luận án kiểu ấy lại rất dễ dàng được thông qua. Có hội đồng xét duyệt "thông qua" đến vài bốn luận án trong một ngày. Một giảng viên khoa Triết, trường Đại học Quốc gia Hà Nội ngán ngẩm "Có năm nào chúng tôi không gặp những sinh viên không biết một tý gì đâu. Nhưng rồi, vẫn phải hướng dẫn luận văn, vẫn phải cho tốt nghiệp mới cực chứ". Một trong "tứ trụ triều đình sử học" nước ta, giáo sư Hà Văn Tấn phàn nàn "Điều duy nhất tôi nhận thấy hiện nay là cánh cửa khoa học chưa rộng mở trước thế hệ trẻ". Tôi giật mình nhớ lại lời cụ Phan Bội Châu "Nước ta vài nghìn năm lại giờ quen nết dã man, theo đường gian lậu, chính trị đã không ra gì, còn nói gì đến giáo dục nữa. Gọi rằng giáo dục, chẳng qua là một đường khoa cử văn từ đó thôi". Buồn quá! giầu có để làm gì nếu rồi đây trong xã hội thấy lố nhố một bọn trưởng giả đeo những bịch tiền to hơn túi ba gang nhưng cái đầu teo tóp và trái tim lang thú. Vấn đề giáo dục và đào tạo nguy kịch như vậy nhưng qua bản dự thảo vẫn thấy Đảng chưa quan tâm đúng mức nếu không dám nói thẳng ra là còn bỏ lơi. Trong phần "Định hướng phát triển các lĩnh vực chủ yếu" (2) (phần thứ ba), nhiều lĩnh vực được xác định rất cụ thể như "Từng bước đưa nước ta trở thành một trung tâm du lịch, thương mại-dịch vụ có tầm cỡ trong khu vực"(2). "Đầu tư ở mức cần thiết cho các đô thị hạt nhân, các vùng kinh tế trọng điểm"(2). Hoặc chi tiết đến mức như "Năm 2000, sản xuất khoảng 1 triệu tấn đường, 500 triệu mét vải, 30 vạn tấn giấy, 16 triệu tấn dầu thô và vân vân..."(2). Trong khi đó lĩnh vực "giáo dục và đào tạo" được viết như là qua quýt. Đáng lẽ phải định ra mục tiêu tương đối rõ ràng thì ở đây lại chỉ nêu "xác định rõ hơn mục tiêu, thiết kế nội dung, chương grình..."(2). Đáng lẽ chủ yếu là phải chỉ ra mục tiêu nhiệm vụ giáo dục kiến thức khoa học tự nhiên và công nghệ thì lại chỉ nhấn mạnh <I>"Giáo dục công dân, giáo dục thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên lập thân lập nghiệp, vì tương ali của bản thân và tiền đồ của đất nước. Giáo dục chủ nghia Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc"(2). Nếu một thanh niên, sau khi đã có đầy đủ kiến thức phổ thông trung học mà được giáo dục ngần ấy thứ thì thanh niên đó có thể trở thành một cán bộ chính trị. Nhưng, nếu một thế hệ trẻ mà chỉ được giáo dục như vậy thì chẳng ai làm nổi một công nhân hiện đại chứ đừng nói có thể trở thành một kỹ thuật viên, một nhà khoa học. Vả chăng, đã giáo dục công dân, giáo dục thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu nước, giáo dục nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc thì hà tất phải nêu thêm: giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nữa. Hoặc là, chỉ cần nêu: giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là đủ!? Người đọc chắc cũng sẽ khó hiểu khi tại sao trong tiểu mục 3 của mục I-"Phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa" (2), sau khi nêu: khắc phục tình trạng xuống cấp của hệ thống giao thông, tiếp tục phát triển và hiện đại hóa mạng thông tin liên lạc quốc gia, phát triển nguồn và lưới điện, thì lại chợt néo thêm vào cuối cùng "Tăng đầu tư cho kết hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, khoa học, văn hóa-thông tin, thể thao...)(2). Vì nó là cái néo cuối cùng nên Đảng chỉ chủ trương "Nâng dần tỷ trọng chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo lên khoảng 4% GDP vào năm 2000"(2). Cần định lượng hóa khái niệm "nâng dần" ở đây để ngăn ngừa khả năng đến năm 1999 tỷ trọng đó có thể chỉ cần đạt 2% GDP. Chưa kể rằng, ngay cả con số 4% đầy đủ cũng không thể chấp nhận được, vì quá thấp. Trong chiến lược trung hạn, UNESCO đã đưa ra khuyến nghị: từ nay đến năm 2000, tất cả các nước phải giành tối thiểu 6% GDP cho sự nghiệp giáo dục. - Về y tế : Trong thời Pháp thuộc, một trong mấy trường đại học đầu tiên được xây dựng là trường Đại học Y-Dược. Trước khi bước vào công cuộc đổi mới ta đã có nhiều thầy thuốc nổi tiếng thế giới. Tỷ lệ các nhà khoa học xuất sắc của ngành y cao hơn các ngành khác trong nước. Vậy mà y tế của ta vốn đã yếu kém lại còn xuống cấp và vẫn tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dầu vậy mức độ quan tâm thể hiện trong dự thảo báo cáo chính trị của Đảng đối với y tế còn rất thấp. Những mục tiêu, nhiệm vụ ở đây chỉ được xác định một cách mơ hồ. Trong một đoạn được giành cho rất ngắn chỉ thấy các "thuật ngữ: khắc phục, giảm, cải thiện, tiếp tục củng cố v.v... ("Về y tế, phấn đấu đến năm 2000 giảm hẳn tình trạng suy dinh dưỡng và tỷ lệ mắc bệnh. Khắc phục các hậu quả của chiến tranh trên lĩnh vực sức khỏe. Giảm dị tật bẩm sinh. Cải thiện các chỉ tiêu cơ bản về sức khỏe của người dân..."(2) ). Chưa cần nói đến nông thôn và các vùng hẻo lánh, ngay giữa thủ đô Hà Nội, bước chân vào các bệnh viện, các cơ sở y tế không ai không thể không đau lòng. Người bệnh, người nhà bệnh nhân nằm ngồi vạ vật, chen chúc ngoài hành lang, trên giường bệnh. Thiết bị, chăn màn cũ kỹ nham nhếch. Mùi cơm cháo lẫn với mùi thuốc men đến lợm giọng. Y cụ thiếu, y tâm thiếu. Không ! Không phải ta mới trở về từ các bệnh xá dã chiến. "Tiền đề cho công nghiệp hóa đã hoàn thành về cơ bản; nước ta chuyển sang một thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"(2) rồi kia mà! Cũng không phải chúng ta còn quá nghèo. Mỗi năm ta có trên năm ngàn tỷ đồng bỏ ra chi cho các hội nghị và cán bộ nhà nước tiếp khách chứ vừa đâu. Có được bao nhiêu nước tương đương như nước ta mà sẵn sàng trích ra 1.500 tỷ đồng hàng năm chỉ để khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa cho trên 30,000 chiếc xe phục vụ các quan viên chức nhà nước vừa đi công tác, vừa đi tư tác? (Riêng số tiền này đủ trả lương cho ba trăm ngàn công nhân đang thất nghiệp với mức 300.000đ/tháng/người). Sau hơn nửa thế kỷ thành lập chính quyền, sau hơn hai mươi năm kiến thiết đất nước trong điều kiện hòa bình, Hà Nội đã xây thêm được bao nhiêu bệnh viện lớn hơn Nhà thương Đồng Thủy, Nhà thương Yersin? ở thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được bao nhiêu bệnh viện hiện đại hơn bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Vì Dân...? Thế mà chỗ làm việc của các đồng chí lãnh đạo ta thì chả kém Tổng thống Bin Clinton bao nhiêu đâu (Tôi đã được vào thăm Nhà Trắng). Làng nhàng như mấy vị cán bộ cấp phòng mấy ông giám đốc không điều hành để làm ra được bất cứ loại sản phẩm nào cũng có phòng làm việc riêng lớn đến mức vừa đủ kê cả dãy bàn, lại có sa lông, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ... Đất nước đã bắt đầu có những chỗ sang trọng như vậy mà sao nhà nước cấp kinh phí cho y tế chỉ được hơn 3 USD/người và trả lương trung bình cho thầy thuốc là 280.000đ/tháng/người!!! Ít ỏi như vậy thì hãy nên tập trung lo xóa "xã trắng" về cơ sở y tế và gấp rút đảm bảo cho mỗi xã ít nhất có một bác sỹ. Hà tất phải đổ ngay của vào để ưu tiên xây chỉ có hai trung tâm y tế mạnh?. Hãy thể hiện sự chăm sóc con người thông qua mối quan tâm đến giáo dục, y tế, bảo vệ công lý ít nhất là bằng các nước tư bản, trước khi nói đến "định hướng XHCN", nếu quả thực đấy là một cái gì tốt đẹp hơn. - Môi trường thiên nhiên và xã hội : Ngày nay, vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên không phải chỉ là quốc sách của nhiều nước mà còn là "hoàn cầu sách" của toàn thể nhân loại. Vậy mà tìm ở cả phần mục tiêu (phần thứ hai) lẫn phần định hướng (phần thứ ba) của dự thảo báo cáo chính trị của Đảng vẫn không thấy đề cập đến vấn đề này. Xem chi ly vào mục "Khoa học và công nghệ" thì thấy khao học và công nghệ trước hết có nghĩa vụ tối thượng là phải phục vụ chính trị đã. "Hoạt động trong khoa học và công nghệ của nước ta trong giai đoạn tới cần tập trung vào các phương hướng chủ yếu sau đây: - Vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; phát triển các ngành khoa học xã hội và nhân văn, kho học tự nhiên và công nghệ... làm chỗ dựa khoa học cho việc triển khai thực hiện cương lĩnh, hiến pháp..."(2). Xa tận phía sau mới đọc được một hai câu không rõ ràng lắm."Áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc kiểm soát, đánh gía và xử lý tác động môi trường"(2). Vài kết quả điều tra rất sơ lược đã cho biết tại các đô thị nhiều chỉ số ô nhiễm trong không khí và trên mặt đất đều đã vượt giới hạn cho phép từ vài chục đến sấp xỉ trăm lần. Môi trường biển hầu như chưa được quan tâm xác định nhưng một đồng chí bộ đội kể rằng "Ở khu vực nam vịnh Bắc bộ, sau một năm trở lại công tác, chúng tôi thấy mức độ ô nhiễm nước biển ở đ6y đã tăng lên đến hàng trăm lần. Trên diện tích mặt biển rộng, một lớp chất thải mầu vàng liên kết như váng dầu, nổi lên thành từng luống, che gần kín mặt nước. Cộng thêm lớp bụi cũng mầu vàng hòa lẫn trong nước. Những ngày sóng gió nhẹ, nhìn xuống mặt biển, chẳng khác nhìn ra bãi cát vàng lấp lánh". Hồi "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" ta từng tố cáo Mỹ trước toàn thế giới về tội làm rụng lá chết cây hòng hủy diệt môi sinh. Nhưng thực tế là "Trong chiến tranh, bom đạn là thế, chất độc hóa học là thế nhưng về cơ bản rừng vẫn còn nguyên. Chỉ từ sau 1975 đến nay rừng mới bị tàn phá nặng nề. Năm 1980 diện tích rừng còn tới 11.866.800ha, chiếm 35,78% diện tích tự nhiên, nay chỉ còn 8 triệu ha với độ che phủ 23%"(8). "Đối với nước ta một nước có khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều, địa hình đồi núi có dộ dốc lớn chiếm 3/4 lãnh thổ thì vai trò của cây rừng lại càng quan trọng. Đất rừng phải được duy trì tối thiểu ở mức 50-60% diện tích tự nhiên"(7). Những nguy cơ thảm họa cuộc sống như thế còn đáng báo động hơn nguy cơ "diễn biến hòa bình" nhiều lắm chứ! Chúng ta đi chiến đấu mãi chỉ vì một "Đất nước" trong thơ Nguyễn Đình Thi với "Trời đầy chim và đất đầy hoa". Nhưng cây đang bị phá gần trụi mà chim cũng sắp không còn. Ở Hoa Kỳ, năm sáu loài chim xán đến bên người hôm tôi đến thăm bức tường hình chữ V. Ở trường Đại học Tổng hợp Tếch-dát, tôi đã từng cùng các em ném mẫu bánh vụn cho chồn và sóc ăn ngay trước thềm giảng đường. Ở Ần Độ, tôi thấy công trời nhởn nhơ múa bên các bụi cây chỉ cách các khu dân cư chừng mười kilômét và quạ làm tổ ngay gần khuôn viên Viện nghiên cứu Địa từ ở Bombay. Ở Hà Nội bây giờ người ta vẫn còn chĩa súng hơi vào mấy cô cháo mào, mấy chú chim sâu bé tý. Sao mà dã man, mông muội thế! Việc cấm đốt pháo thành công của Chính phủ vừa qua đã là rất giỏi, rất hay nhưng còn có người (trong đó kể cả tôi) cho rằng nếu quy định chặt chẽ để vẫn cho đốt hạn chế các tràng pháo loại nhỏ thì hay hơn. Tuy nhiên, nếu thi hành triệt để được lệnh cấm săn bắn chim muông ở các đô thị và khu dân cư thì chắc ai cũng hoan nghênh. Những ngày chủ nhật gần đây, tôi mừng quá khi thấy thanh niên được cuốn hút vào màn hình ti vi với chương trình "Trò chơi liên tỉnh" và đố vui giữa các trường đại học, SV'96. Thế là chúng ta đang dần dần vượt qua được một thời "lạm phát thi hoa hậu" đủ hình, đủ kiểu...đôikhi đến nhố nhăng, nhảm nhí. Hy vọng tới đây sẽ có nhiều loại chuơng trình "thời trí" phong phú thay thế bớt cho các chương trình giới thiệu "thời trang". Trong mục V, phần thứ ba, dự thảo nêu: "Nhiệm vụ trung tâm của văn hóa, văn nghệ là góp phần xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn tình cảm, lối sống"(2), nhưng không rõ đấy sẽ là con người Việt Nam như thế nào? Nên hướng con người,đặc biệt là thanh niên tới cái đẹp của lối sống giản dị, thanh lịch và sự cao cả của tinh thần ham trau dồi tri thức khoa học, công nghệ để tự tạo được khả năng đóng góp xứng đáng cho nhân quần-xã hội, đồng thời không thờ ơ với các vấn đề chính trị, không a dua, xu thời. Tôi lưu ý câu trả lời phỏng vấn tờ Tuần Châu Á mới đây của Thủ tướng Gô Chốc Tông "Nhưng thu nhập bình quân đầu người không thôi chưa đủ. Để trở thành một quốc gia phát triển chúng tôi phải đi vào chiều sâu. Cái chúng tôi thiếu là một quần chúng biết phê phán. Họ đã để chúng tôi duy trì sự phồn vinh không hoàn toàn phù hợp với đời sống kinh tế thế giới. Chẳng hạn chúng tôi có nhiều học sinh tốt nghiệp trung học, đại học nhưng so với Hà Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ chúng tôi vẫn thua xa". Và tôi cũng đồng ý với dự thảo "Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp, ý thức về cội nguồn và lòng tự hào dân tộc, khắc phục tâm lý sùng bái đồng tiền, bất chấp đạo lý, coi thường các giá trị nhân văn"(2). 3. "Tình trạng tham nhũng, tiêu cực và bất công xã hội tăng thêm"Về tham nhũng và bất công, tiếng kêu than tưởng đã dậy đất. Giữa hội trường Ba Đình, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tố cáo rằng ở huyện ông có công trình phải chi mất một nửa giá trị ngân khoản cho các "thủ tục". Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng góp phần xác nhận thực trạng trên bằng sự tổng kết phổ quát đã được "ban bố": ở địa phương, muốn được đầu tư thì phải biết hối lộ, không hối lộ thì sẽ chẳng bao giờ được gì. Cựu chiến binh Hoa Kỳ Gion Sapirô cho biết các chuyên viên thống kê và mậu dịch quốc tế của Mỹ tiết lộ: Việt Nam có 700 "tư bản đỏ" có tài sản từ 100 đến 300 triệu USD. Loại có tài sản từ 50 đến 100 triệu USD vào khoảng 2000 người. Tổng số tài sản họ chuyển ra nước ngoài đã lên tới 20 tỷ USD. Điều kỳ lạ là họp Đảng cũng nói, họp Quốc hội cũng nói, họp Chính phủ cũng nói, họp Mặt trận Tổ quốc cũng nói, họp Tổng liên đoàn Lao động cũng nói...Càng kỳ lạ hơn khi nói nhiều nhưng chẳng những tham nhũng không giảm, cũng không được chặn bớt mà cứ thế mỗi ngày tham nhũng càng tăng. Vậy nhưng không ai có lỗi, không ai bị kiểm điểm, ngoại trừ một ít tên biển thủ hạng vừa và hạng trung bị đưa ra tòa. Thật là vô lý. Giao nhiệm vụ chỉ huy việc giữ gìn một dạng tài sản của nhân dân mà ngày ngày, tháng tháng cứ mất dần mất mòn thì chỉ có thể do người chỉ huy không có khả năng điều hành hoặc là do đồng lõa với những kẻ biển thủ. Nên chăng, thành lập một Ban Chống Tham Nhũng do Ủy viên Bộ Chính trị làm trưởng và một số phó Ban tương đương với Bộ trưởng phụ trách. Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội VÌI đem vấn đề tham nhũng ra kiểm điểm thật nghiêm túc. Nếu tham nhũng giảm thì khen thưởng lớn (về vật chất có thể đủ mua biệt thự, xe hơi). Nếu tham nhũng vẫn tiếp tục tăng thì ít ra là sẽ bị miễn nhiệm. Đối tượng được khen thưởng hoặc bị miễn nhiệm bao gồm: toàn thể các đồng chí lãnh đạo Ban Chống Tham Nhũng, Tổng bí thư Đảng, Thủ tướng, Chủ tịch nước. Phải thật sự đặt vào đây một quyết tâm rất lớn bởi vì nếu đúng là trước mặt chúng ta có bốn nguy cơ đe dọa nhất như Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (1-1994) đã nêu lên thì phải xem tham nhũng là nguy cơ số một. Tham nhũng là nguy cơ đẻ ra các nguy cơ khác. Dự thảo đã nêu: "Tệ quan liêu, tham nhũng và suy thoái về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho bộ máy Đảng và Nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ bị xói mòn, các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước bị thi hành sai lệch..."(2). Sâu xa hơn, phải thấy rằng nạn tham nhũng tràn lan không những tác động xấu đến sự phát triển kinh tế mà còn làm băng hoại đạo lý xã hội, ô nhiễm nền văn hóa và làm cho người nước ngoài nhìn ta như một xã hội bệnh hoạn. 4. Tình trạng vi phạm dân chủ còn nhiều:...Từ lâu khái niệm dân chủ của ta đã khác khái niệm về dân chủ của đa số trong cộng đồng thế giới và ngay cả với các bậc tiền bối của Đảng CSVN rất nhiều. Cho nên ta thường tuyên bố "Dân chủ xã hội chủ nghĩa gấp triệu lần hơn dân chủ tư sản". Dẫu sao hiện nay hàng năm có tới hơn chục vạn vụ việc có đơn thư khiếu tố trong đó rất nhiều đơn thư không được giải quyết hoặc không giải quyết được. Đấy là những người quyết tâm khiếu tố. Còn biết bao nhiêu oan khiên bao nhiêu nỗi uất ức không dám viết ra hoặc không dám buồn nói ra vì không tin vào pháp luật, không tin vào sự công minh nữa. Trước đây ta chỉ đề cao chuyên chính vô sản mà không chủ trương xây dựng các điều luật, điều lệ cụ thể, cho nên những kẻ có quyền, có thế dễ trấn áp quần chúng, bóp nghẹt dân chủ. Ngày nay trước những nhiễu nhương trong xã hội ta thường bảo rằng do kỷ cương phép nước không nghiêm. Sự thật là, những năm gần đây Quốc hội của ta có công rất lớn vì đã xây dựng gấp gáp được khá nhiều bộ luật: Luật hình sự, Luật đầu tư nước ngoài, Luật dân sự, v.v.... Tuy nhiên, trong lãnh vực thực thi pháp luật ở ta giữa lời nói với việc làm còn cách xa ngàn trùng. Một luật gia nổi tiếng nên nhận xét "Dùng hình ảnh để tổng kết bốn sự kiện ta sẽ có một hình tam giác ngược, với phần đáy ở trên là việc ban hành luật, rồi từ từ xuống là phổ biến luật, xét xử luật và dưới cùng là cưỡng chế thi hành luật. Hệ thống luật pháp của chúng ta trong một số công tác chính giống như một tam giác ngược; Cụ thể hơn, ấy là một kim tự tháp lộn ngược" (8). Vì sao việc thi hành luật pháp ở nước ta lại khó khăn thế, lý do mà luật gia trên nêu lên là: "Nếu đem so sánh với các hệ thống luật pháp khác, chúng ta sẽ khám phá ra rằng luật pháp của chúng ta khôngbắt nguồn từ hình thái kinh tế - xã hội hiện đang tồn tại, mà nó là khuôn mẫu cho một hình thái kinh tế - xã hội hiện nay chưa có; và xã hội ấy khi có sẽ khác biệt về bản chất và về tổ chức so với xã hội đang tồn tại. Nếu luật pháp của các hệ thống khác có vai trò điều chỉnh hình thái kinh tế - xã hội mới vẫn còn trong mơ ước, trong tương lai" (8). Cùng luật gia đó còn nhận xét "Nhìn cơ cấu luật pháp của chúng ta theo các phần của một căn nhà: mái nhà là việc ban hành và phổ biến luật, bốn cột nhà là toà án, luật sư, luật gia và trường luật và nền nhà là đạo lý và ý thức pháp luật, chúng ta sẽ thấy: Căn nhà của chúng ta có một mái rất nặng, bốn cột khẳng khiu và nền nhà thì rất yếu" (8). Đạo lý pháp lý thế nào mà rất nhiều án tội rất nặng vẫn được cho tại ngoại trong quá trình điều tra vụ án. Nhiều tên buôn lậu, biển thủ của công hàng tỷ đồng cũng được quyết định cho tại ngoại, tạo điều kiện trốn thoát, thậm chí đàng hoàng ra xuất cảnh nước ngoài. Bọn lừa đảo cướp bóc, bọn hung thủ giết người không gớm tay được thả lỏng lởn vởn đó đây trong xã hội. Năm 1995 Hà Nội có đến 1.328 tội phạm có lệnh truy nã đang lẩn trốn. Trong bọn chúng, 74 tên thuộc diện truy nã đặc biệt, 221 tên thuộc loại truy nã nguy hiểm. Trong khi đó, đối với một số trí thức, một số đảng viên đã từng có công lớn đối với cách mạng chỉ vì phát biểu chính kiến quá thẳng thắn lại bị đàn áp thẳng tay. Dư luận cho rằng phiên tòa xử các anh Hoàng Minh Chính và Đỗ Trung Hiếu chưa cặn kẽ và không thấu tình đạt lý. Việc đưa tin trên báo Nhân Dân cũng hết sức sơ sài. Nhất định đối với người đã từng làm đến Viện trưởng Viện triết học Việt Nam và một người đã từng lặn lội vào hàng ngũ địch làm Tôn giáo vận hàng chục năm trời thì lý do và nội dung tội phạm không thể quá đơn giản, dễ dàng như vậy được. Nhiều người, trong đó có tôi, không rõ hoặc thắc mắc nhưng đã không hỏi han gì, phần vì sợ sệt phần biết rằng có hỏi cũng không được trả lời. Điều đó cũng chứng tỏ nền dân chủ của ta chưa dân chủ. Ở Philipine người ta xuống đường biểu tình và đốt cờ các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất chỉ vì đòi giảm án cho một cô gái tên là Sara Balabazan đã dùng dao đâm chết ông chủ để bảo vệ trinh tiết cho mình. Tôi nhiều đêm trằn trọc xấu hổ quá khi thấy mình là người Việt Nam mà không dám thể hiện tinh thần bảo vệ điều mà minh cho là công lý như người dân Philipine. Gần đây được tin người ta đã bắt giam anh Hà Sỹ Phu. Anh là một nhà Sinh vật học rất có tài, nổi tiếng học giỏi và hiền lành từ thời còn là học sinh phổ thông. Không một dòng tin nào được công bố chính thức. Có người bảo rằng anh bị bắt vì trong người có bức thư của vị Thủ tướng bàn về việc nước, việc Đảng, việc dân sao lại là một vật cấm kỵ. Vả chăng đài phương Tây có điểm bức thư đó trên rất nhiều báo nước ngoài mà sao không người nước ngoài nào bị tố cáo, bị bắt bớ cả?! Phải chăng chỉ thân phận người trí thức Việt Nam bé nhỏ là dễ dàng bị uy hiếp? Nếu chưa nới rộng dân chủ thì ít ra các cơ quan công quyền cũng đừng bao giờ chà đạp lên công lý để có thể chấm dứt "tình trạng vi phạm dân chủ còn nhiều". Tôi đồng ý rằng "Cùng với bảo đảm thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, cần nghiện cứu, hướng dẫn để mọi công dân đều có điều kiện phất hiện đề xuất, kiến nghị, giúp cho hoạt động giám sát tối đa đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước có hiệu quả" (2). 5. "Bộ máy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể cồng kềnh, phong cách làm việc còn quan liêu...Ngay từ Đại hội VI, nghị quyết đã nêu nhiệm vụ tinh giảm bộ máy Đảng và Chính phủ và tăng cường hiệu lực lãnh đạo như rất cấp bách. Kết quả cụ thể từ bấy đến nay là đã sắp xếp lại một số Bộ, Ủy ban Nhà nước, giảm bớt một số tổ chức trung gian như Vụ, Cục, Phòng, Ban. Tuy nhiên, bộ máy nhà nước giảm được hơn 7.000 người thì lại tăng thêm 16.000 người khác. Vậy mà nhiều thủ tục hành chính liên quan thiết thân đến mọi người dân mọi thành phần kinh tế như: thủ tục giấy phép xây dựng, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sử dụng đất, thủ tục cấp giấy phép thành lập công ty, doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh, thủ tục xuất nhập cảnh, v.v... vẫn còn rất nhiêu khê, trị trệ, ách tắc. Việc xây dựng trụ sở cơ quan đẹp như những tháp ngà làm cho cán bộ của ta đã quan liêu càng trở nên quan liêu hơn. Tôi cứ băn khoăn mãi về những chuyện như thế này. Trong khi mà, theo đánh giá của UNICEF và UNDP, hiện nay 50% trẻ me Việt Nam sống dưới mức nghèo khổ; trong khi mà hàng triệu trẻ em thất học và bỏ học; trong khi mà tỷ lệ suy dinh dưỡng, nghiện hút, phạm tội... của trẻ em Việt Nam cao hơn nhiều nước đang phát triển thì Chủ tịch Lê Đức Anh tuyên bố "trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo đã cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cháu được chăm sóc sức khoẻ, được học hành, được vui chơi... (9). (Trong bức thư ngắn này, người đọc còn có chỗ hiểu nhầm Chủ tịch cho rằng tất cả các cháu nước ngoài ở Việt Nam đều thừa nhận Việt Nam là đất nước mình: "Thay mặt Đảng và Nhà nước, bác chúc các cháu thiếu hiên, nhi đồng trong cả nước, các cháu Việt Nam ở nước ngoài và các cháu nước ngoài ở Việt Nam với niềm vui chung của đất nước đón Tết trung thu thật vui vẻ đoàn kết" (9)) Nhớ lại Bác Hồ, ngay trong những năm "61 - đỉnh cao muôn trượng" Bác cũng chỉ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng" và "Bác thương các cháu khắp vùng gần xa". Mở đầu mục "Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực" bản dự thảo viết "Tình hình và nhiệm vụ mới đặt ra rất nhiều yêu cầu cho công tác cán bộ. Toàn Đảng phải hết sức chăm lo vần đề này. Xây dựng thật tốt đội ngũ cán bộ, chú trọng đội ngũ cán bộ kế cận vững vàng, đủ bản lĩnh về các mặt..."(2) Vì sao lại chỉ chú trọng đội ngũ cán bộ kế cận? - Thứ nhất, dự thảo viết không chặt chẽ nên không thể xác định ý muốn nói đội ngũ cán bộ kế cập cho cấp nào? - Thứ hai, nếu ý muốn nói sẽ đưa đội ngũ cán bộ kế cận lên làm lãnh đạo thì sẽ mâu thuẫn với "chính sách đoàn kết, tập hợp rộng rãi các loại cán bộ, trọng dụng nhân tài của đất nước, trong và ngoài Đảng"(2) và với việc"chăm lo tạo nguồn cán bộ ngay từ trong các trường Đại học, Cao đẳng và dạy nghề"(2). Nói như vậy sẽ làm "cụt hứng" tất cả các cán bộ trẻ đầy tài năng đang làm việc ở các cơ sở, các địa phương xa xôi mà chưa được đưa vào "đội ngũ kế cận". Vả chăng thế cũng có nghĩa là còn chủ quan, áp đặt trong công tác cán bộ. - Thứ ba, phải chú trọng đến đội ngũ cán bộ đang thực thi nhiệm vụ lãnh đạo trước chứ sao lại chỉ chú trọng đến đội ngũ sắp làm (tức là chưa làm). Sự thật là dự thảo vẫn để lộ tinh thần không tin vào cán bộ trẻ. Bằng chứng rõ ràng là phía trước mệnh đề "thực hiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ"(2) vẫn phải rào đón chặt chàng "trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn" và sau đó vẫn phải ốp bằng đội ngũ cán bộ già: "đồng thời kết hợp tốt các độ tuổi"(2). ("Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, thực hiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đồng thời kết hợp tốt các đội tuổi..."(2)) Hoàn toàn bất công khi chỉ lo xét nét việc bảo đảm tiêu chuẩn đối với cán bộ trẻ. Tiêu chuẩn ở đây phải hiểu là tiêu chuẩn đòi hỏi của nhiệm vụ gánh vác chứ đâu phải tiêu chuẩn để được "tọa hưởng" những thành quả từ chiến công năm xưa. Nhà báo cách mạng lão thành Thái Duy nêu những nhận xét tổng quát rất đúng: "Bộ máy nhà nước ta càng lên cao chất xám càng ít, không ít người có bằng cấp, học vị nhưng chỉ la tượng trưng, hơn là thực chất, nhất là khi tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại đang thay đổi từng ngày"(1), "...người tài đức (chưa nói ngoài Đảng) ngay là đảng viên cũng không thể giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước vì không là cấp ủy, còn người đã là cấp ủy thì nắm chắc được trao chức vụ cao trong bộ máy nhà nước (hoặc chức vụ cao trong các đoàn thể, các hội) yên tâm khó ai thay thế nổi nên không thấy cần phải trao dồi chuyên môn, văn hóa, kể cả đạo đức..."(10). Càng lên cao trách nhiệm càng nặng nề. Ông Bin Clinton, ông Giôn Maygiơ vừa nhận chức Tổng thống và Thủ tướng mấy tháng là già xọp hẳn đi, tóc bạc phơ ra. Nhưng sao ở Việt Nam trách nhiệm nặng nề toàn giao các cụ già yếu? Có gì vô lý hơn là đến giáo sư, tiến sĩ cũng phải dứt khoát về hưu lúc 60, 65 tuổi, trong khi các bộ trưởng, ban bí thư, bộ chính trị lại hết sức nhiều các cụ đã bảy mươi, tám mươi? Tôi vốn là người tương đối ham học và nhiệt tình với công việc nhưng tôi phải thừa nhận rằng sức đọc, sức tiếp thu, sức làm việc của mình đã kém xa so với mươi năm trước. Bởi vậy tôi không tài nào hiểu nổi làm sao các cụ có thể bươn chải vào cái mới để điều hành cả một đất nước xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường tức là rất khác lạ, thậm chí là ngược hẳn với nhận thức của các cụ trước đây vốn đã quen làm kinh tế - xã hội, chứ đừng nói với các cụ chỉ quen chỉ đạo chiến trường. Đất nước đang đứng trước nhiều nguy cơ và nhiều vận hội. Đảng cũng đã chủ trương "nước ta chuyển sang một thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"(2). Cần thực sự đổi mới tư duy trong công tác cán bộ. Cần thực hiện quyết tâm trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Nhất định con sẽ hơn cha. Nhất định "phượng hoàng sơ sinh" sẽ hơn "lão ô bách tuế". Bên tai tôi vẫn thường vang vọng câu thơ Tố Hữu ngày nào: "... Và khi đó tự
nhiên ************* Có thể có người cho rằng tôi đã thông qua bản nhận xét góp ý này phê phán hơi nhiều dự thảo báo các chính trị của Đảng. Sự thật rất nhiều điều thể hiện trong dự thảo làm tôi thấy nức lòng như: "Nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm còn lại của thập kỷ 90 là: Rất quan tâm đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và kinh tế nông thôn..."(2). "... mở liên lạc điện thoại đến hầu hết các xã"(2). -"có chính sách đoàn kết tập hợp rộng rãi các loại cán bộ, trọng dụng mọi nhân tài của đất nước, trong Đảng và ngoài Đảng" (2). -"Qui định chế độ cán bộ, công chức, đảng viên, trước hết là những người giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, phải báo cáo và chịu sự kiểm tra về thu nhập, về nguồn tiền mua đất, làm nhà. Những người giầu lên một cách bất thường phải có sự kiểm tra của tổ chức đảng. Qui định trách nhiệm của những cán bộ, đảng viên có vợ, chồng và con làm ăn phi pháp; định rõ những hoạt động kinh doanh mà vợ, chồng, con của các cán bộ lãnh đạo chủ chốt đương chức ở trung ương và địa phương không được phép làm. "Xử lý kịp thời và nghiêm minh những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất bất kể ai, ở cương vị nào. Tệ ô dù, bao che phải bị nghiêm trị". ..... Tuy nhiên, tôi thấy những lời tán dương đăng trên các báo qua nhiều. Bởi vậy tôi muốn góp phần rất nhỏ đáp ứng nỗi trông chờ chân chính thiết tha của những nhà lãnh đạo như Thủ tướng Gôchốc Tông khi ông thốt lên "Cái chúng tôi thiếu là một quần chúng biết phê phán". Tôi cũng không muốn ở trong đám quần chúng bị Gôchốc Tông phê phán "Họ đã để chúng tôi duy trì sự phồn vinh không hoàn toàn phù hợp với đời sống kinh tế thế giới". Nếu quần chúng ở nước ta được khuyến khích thực lòng như Thủ tướng Gôchốc Tông thì chắc chắn từ lâu Việt Nam đã không thua kém bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Hà Nội, ngày 6 tháng 6 năm 1996 Nguyễn Thanh Giang Chuyên viên
Địa Vật Lý 1. Xã luận báo
Nhân dân ngày 10/4/1996.
|