Mấy suy nghĩ nhỏ về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Hãy tạm thời đành lòng chưa bàn đến một ý tưởng đã được đề xuất về khả năng Việt Nam

"xây dựng trực tiếp xã hội hậu công nghiệp, thông qua nền công nghệ trí tuệ (intelligent technology), để từ nền văn minh nông nghiệp ảm đạm, bỏ qua nền văn minh công nghiệp náo động, tiến thẳng tới nền văn minh trí tuệ trong sáng...".

Trước đây, căn cứ vào một số hiện tượng lịch sử như các dân tộc Giécmanh, Xlavơ..., từ chế độ Công xã nguyên thủy chuyển thẳng lên chế độ Phong kiến, bỏ qua chế độ Chiếm hữu nô lệ; một số nước như Mỹ, Canada bỏ qua chế độ Phong kiến lên thẳng Chủ nghĩa Tư bản..., Lênin từng khẳng định:

 

"Với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa Cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa".

Cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn cũng từng nói:

"Bỏ qua giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên Chủ nghĩa Xã hội có nghĩa là, ở ta, không phải Chủ nghĩa Tư bản mà chính là Chủ nghĩa Xã hội phải đảm nhiệm quá trình đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, và đương nhiên cái mà chúng ta tạo ra phải là sản xuất lớn Xã hội chủ nghĩa, nghĩa là một nền sản xuất lớn cao hơn sản xuất lớn Tư bản chủ nghĩa không những về mặt bản chất xã hội-kinh tế mà cả về quy mô và trình độ phát triển".

Dự phóng của Lênin và Lê Duẩn chưa hề thấy có dấu hiệu trở thành hiện thực trong đời sống nhân loại. Song, thực tế lại đang chỉ ra rằng, nhìn chung, các nước công nghiệp mới (NIC), nhờ cách mạng hóa lý thuyết phát triển kinh tế của mình, dường như đã bỏ qua giai đoạn công nghiệp hóa, đi thẳng vào nền kinh tế thông tin.

Ở Việt Nam, ngay từ năm 1960, Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) lần thứ III đã xác định Công nghiệp hóa là nhiệm vụ trọng tâm. Vậy mà đến nay, sau ba thập kỷ rưỡi, đất nước vẫn trong tình trạng lạc hậu, kém phát triển. Mặc dù đã có những thành tích vượt bậc của gần mười năm đổi mới, chúng ta vẫn còn là một trong 20 nước nghèo nhất thế giới.

Tuy đã có điều chỉnh từ

"Điểm mấu chốt trong Công nghiệp hóa Xã hội chủ nghĩa là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Công nghiệp nặng là nền tảng của kinh tế XHCN", (4)

sang

"Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp đúng đắn công nghiệp và nông nghiệp: xây dựng kinh tế trung ương đồng thời phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế với quốc phòng", (5)

những năm qua công nghiệp hóa ở nước ta vẫn hướng mục tiêu chính vào việc nâng cao khả năng tự đáp ứng các nhu cầu của sản xuất và đời sống trong nước.

Cho rằng: ưu tiên phát triển công nghiệp thì có thể giải quyết các nhu cầu về vật tư, trang bị kỹ thuật, thay thế nhập khẩu.

Cho rằng: với phương thức hướng nội, đóng kín thì có thể xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Sai lầm nghiêm trọng đó đã bắt nhân dân ta thêm một lần trả giá quá đắt, sau ròng rã bao năm chiến tranh.

Nhận thức đúng xu thế thời đại và khả năng thích ứng của đất nước, để lựa chọn đúng đắn con đường đi lên hiện đại hóa phải là một yêu cầu hết sức nghiêm túc đối với chúng ta, trước một dân tộc đã phải hy sinh quá nhiều, chịu đựng đau thương mất mát quá nhiều. Dứt khoát không thể để một lần nữa lại phạm sai lầm.

Trong thực tế, chúng ta đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách gay gắt:

"Nền kinh tế kém phát triển, lạm phát chưa được kềm chế vững chắc, nguồn vốn còn hạn chế, phải đương đầu với các cuộc cạnh tranh quyết liệt về kinh tế và thương mại. Tình hình quốc phòng-an ninh còn phức tạp. Công tác giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và triển khai chưa theo kịp yêu cầu. Đội ngũ cán bộ còn yếu, bố trí, sử dụng chưa hợp lý...". (6)

Song, nhất định chúng ta phải có những lợi thế rất quan trọng đủ sức thuyết phục nhiều nhà kinh tế thế giới tin vào tương lai Hóa Rồng và khả năng đóng góp vào "Sự thần kỳ Đông Á" của Việt Nam.

Vấn đề là chúng ta xác định như thế nào về những lợi thế đó?

Theo nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy ban chấp hành trung ương đảng CSVN khóa 7, thì nước ta có những lợi thế quan trọng để phát triển là:

"Chế độ chính trị ưu việt. Vị trí địa dư-kinh tế thuận lợi. Nguồn nhân lực dồi dào, giá công nhân tương đối reÍ, tài nguyên đa dạng. Nhân dân ta có nhiều khả năng học hỏi kinh nghiệm, và tiếp thu công nghệ tiên tiến trên thế giới".

 

Ngày nay người ta thường cho rằng xã hội muốn phát triển nhanh cần dựa vào ba yếu tố chủ yếu: kỹ thuật hiện đại, vốn và con người. Ba yếu tố này quan hệ mật thiết với nhau nhưng, suy cho cùng, con người là yếu tố quan trọng hơn cả. Thật vậy, ngày nay con người không chỉ có khả năng sáng tạo nên kỹ thuật hiện đại, mà trí tuệ của con người còn có thể được vật phẩm hóa ở quy mô công nghiệp linh hoạt thông qua nền công nghệ trí tuệ.

Theo Alvin Tofflơ – nhà tư tưởng xã hội, nhà tương lai học Hoa Kỳ nổi tiếng – thì trí thức đã biến thành nguồn tư liệu quan trọng cho công nghiệp vì nó là sản phẩm thay thế cuối cùng và có tính vô hạn. Ông cho rằng trí thức có thể thay thế được tiền vốn (tư bản). Nhà doanh nghiệp lớn Vittario Mecloni – Chủ tịch Tổng hội Công thương Italia – cũng xác nhận:

"Nền kinh tế Italia tiến triển là vì chúng tôi nhất trí làm giảm bớt nhu cầu của tư bản. Điều ấy chứng tỏ một giai cấp nghèo nàn áp dụng phương pháp `tư bản đồng dạng' thì có thể cải thiện được nền kinh tế".

Theo nhận định của bản nghị quyết nêu trên, ngoại trừ lợi thế quan trọng hàng đầu: "Chế độ chính trị ưu việt"(?), khả năng tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta là rất nhỏ. Bởi vì hai yếu tố cần thiết: vốn và kỹ thuật hiện đại đều được liệt vào hàng những vấn đề  "khó khăn thách thức gay gắt", còn yếu tố tiềm lực trí tuệ con người thì chỉ được xếp cuối cùng trong danh mục các lợi thế.

Có lẽ cách sắp xếp thứ tự các lợi thế quan trọng trong bản nghị quyết "Phát triển nông nghiệp công nghệ tới năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng giai cấp công nhân" là ngược.

Giáo sư Duyt Peckin thuộc Viện Phát triển Quốc tế Havard, sau một số năm nghiên cứu nghiêm túc đã rút ra kết luận:

"... Khác với các nước nghèo khác, Việt Nam nghèo bao nhiêu về đất đai thì lại giàu bấy nhiêu về nhân lực... Nhiều người Việt Nam rất có năng lực trong việc tổ chức và quản lý các công trình lớn...".

Nhà Xã hội học Hoa Kỳ Sonni Efron qua bài viết "Thực trạng cộng đồng người Việt ở Mỹ" cũng phải thừa nhận:

"Xét cho cùng, cái mà những người Việt Nam tỵ nạn mang theo chính là học thức và tư chất ưu tú của họ".

Ở những nơi có đất dụng võ, trí tuệ con người Việt Nam rất dễ thăng hoa. Nhiều tài năng Việt Nam đã chiếm những đỉnh cao trong khoa học kỹ thuật và trong niềm ngưỡng mộ của bạn bè thế giới. Tại một thành phố Hoa Kỳ, người ta đã thống kê được: mặc dù học sinh Việt Nam chỉ chiếm 7% tổng số học sinh ở 11 trường trung học, nhưng có đến 23% số học sinh ưu tú ở đây là người Việt Nam.

 

Trong khi đó, ở chính tại nước nhà, trí thức bị coi rẻ và nói chung không được tin tưởng như các thành phần xã hội khác. Đảng tuyên bố rất trịnh trọng trong các văn bản, nhưng lời nói thường không đi đôi với việc làm. Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa V đã từng ghi:

"Cần nâng cao tỷ lệ đầu tư tài chính cho hoạt động nghiên cứu và triển khai lên khoảng 2% thu nhập quốc dân".

Vậy mà, cho đến nay sau hơn chục năm kể từ công bố đó, mức đầu tư cho khoa học chỉ được khoảng 1% tổng chi ngân sách, tức là vài bốn phần nghìn thu nhập quốc dân.

Sự rã đám và lụi tàn của lực lượng khoa học kỹ thuật ở nước ta đang diễn ra như một thảm họa. Trong khi xu thế chung của thời đại là tiến vào nền văn minh trí tuệ với đặc trưng cơ bản là sự phát triển không dựa vào các nguồn dự trữ tự nhiên, mà chủ yếu dựa vào tri thức khoa học và công nghệ có khả năng tái sinh và tự sản sinh, thì trước mặt chúng ta lại xuất hiện một khoảng trống trí tuệ rất đáng sợ. Ở các trường phổ thông thì chỉ một phần ba số học sinh tiểu học muốn và có điều kiện học hết trung học. Đội ngũ cán bộ giảng dạy Đại học thì có thể thấy qua một kết quả điều tra là: 95% số người có học hàm Giáo sư, 71% số người có học hàm Phó Giáo sư, 67% số người có học vị Tiến sĩ, 49% số người có học vị Phó Tiến sĩ hiện công tác ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã ngấp nghé về hưu. Những con số tương ứng ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội là 100% Giáo sư, 83% Phó Giáo sư, 87% Tiến sĩ, 55% Phó Tiến sĩ.

Thiết bị khoa học – công cụ không thể thiếu để triển khai các đề tài nghiên cứu – thì thật là thiểu não. Hiện trạng tới 91% thiết bị khoa học đang có ở ta thuộc thế hệ của các thập niên 50, 60, 70. Trong đó, 37,8% thuộc thế hệ từ thập niên 1950. Chỉ có 35% số thiết bị đang được sử dụng tương đối tốt với năng suất bình quân 4giờ/ngày. Số còn lại không thể tham gia hoạt động vì thiếu cơ sở vật chất đảm bảo kèm theo.

Tại sao người ta lại chỉ lo lắng đến hốt hoảng về nguy cơ của khoảng trống quyền lực, trong khi để lấp đầy trở lại khoảng trống quyền lực chỉ cần tính tháng, tính năm, còn muốn lấp đầy khoảng trống trí thức cần đến hàng thập kỷ, hàng thế hệ.

Chưa bao giờ kẻ sĩ nói riêng và trí thức nói chung bị coi rẻ như bây giờ. Tại sao Đảng lại cứ phải hô hào "Đảng viên phải biết làm giàu" và quy định giàu có là một trong 5 tiêu chuẩn để được bầu vào cấp ủy (8), trong khi mà một cô gái quê thời xa xưa đã biết "Chẳng tham ruộng cả ao liền, Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ"?

Cách mạng vô sản áp dụng vào Việt Nam đã giúp chúng ta đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, nền văn hiến, đức hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo lại bị xâm hoại ghê gớm. Hãy đọc lại lời mở đầu của bản Khế ước làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An:

"Trọng đạo thánh hiền, quý người cầu học, khuyến khích nghề nông, trọng người tuổi tác, hậu việc đưa ma, ngay làm tập tục, bỏ việc xa xỉ, cấm điều gian dối...".

Bản khế ước này tồn tại trong khoảng từ năm 1600 đến 1918.

Tôi thật thấm hiểu sự ngậm ngùi của các trí sỹ khi thốt lên "Bao giờ cho đến ngày xưa" là vì như vậy.

Ở Việt Nam ngày nay, trí thức không được đối xử bình đẳng, kể cả đến khi đã chết. Ở nghĩa trang Quốc gia Hoa Kỳ, tôi được thấy các nhà khoa học cùng nằm bên các vị Tổng thống và mọi người dân thường. Ở Pháp, điện Pantêông được dành yên nghỉ cho những nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng, nhà khoa học bằng tài năng sáng tạo của mình đã từng làm rạng danh đất nước. Nghĩa trang Mai Dịch của ta chủ yếu chỉ dành cho các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà chính trị, quân sự. Có thể nói chín mươi chín phẩy chín phần trăm ở đấy dành cho Đảng.

Khi nói đến tiềm năng con người được xem như lợi thế để phát triển kinh tế, cần nhìn vào tính ưu việt của tư chất trí tuệ con người Việt Nam. Tôi thật sự xấu hổ khi thấy bản nghị quyết của Đảng nêu yếu tố "Giá nhân công tương đối rẻ là một lợi thế quan trọng để phát triển". Nếu như vậy, vừa không đúng, vừa rất tàn nhẫn. Chúng ta hiện đại hóa đất nước và xây dựng giai cấp công nhân để làm gì? Để giá công nhân cứ tương đối rẻ mãi hay sao!? Bởi vì, theo cách nhận thức của bản Nghị quyết thì khi nhân công không còn rẻ tức là không còn lợi thế quan trọng để phát triển. Chẳng trách gì các nhà tư bản nước ngoài và các ông chủ tư bản mới Việt Nam tha hồ dìm giá lương người làm thuê của ta. Ai dám kêu gào, nho nhoe thì họ trù dập, hãm hại, kẹp đầu vào háng để đánh đòn.

Đình công, bãi công đang nổ ra ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn. Và, điều chua chát tất yếu xảy ra: Một bộ phận công nhân ngày càng đông sẽ trở thành đối tượng đàn áp của chính cái gọi là chuyên chính vô sản.

Đối với mọi chủ trương, đường lối, mọi chính sách lớn nhỏ, không bao giờ được xem con người là phương tiện, mà phải là mục đích.

Ngày xưa, khi nghe giảng trong các bài chính trị kinh tế học: "Người là vốn quý nhất" tôi đã thấy không mấy hài lòng. Tôi chỉ muốn nói đơn giản hơn "Người là quý nhất".

Có lẽ không nên gắn vấn đề xây dựng giai cấp công nhân vào quá trình hiện đại hóa đất nước nữa. Càng không nên khẳng định khiên cưỡng rằng:

"Giai cấp công nhân Việt Nam... ngày nay lại đang đi đầu trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa". (6)

 

Ngày nay, không thể còn áp dụng mãi thủ đoạn Goben, cứ nói lấy được thì rồi sẽ được nữa.

Hãy thử đọc cả phần trích đoạn nói về giai cấp công nhân trong bản Nghị quyết:

"Giai cấp công nhân Việt Nam thông qua Đảng tiên phong của mình đã lãnh đạo cách mạng nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua, ngày nay lại đang đi đầu trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng trong quá trình chuyển sang cơ chế mới đã có nhiều biểu hiện coi nhẹ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân... Chưa chú trọng bồi dưỡng ý thức giai cấp, trình độ kiến thức và tay nghề, lương tâm nghề nghiệp, tác phong công nghiệp... cho công nhân. Chưa làm tốt việc chăm lo lợi ích tạo ra động lực trực tiếp kích thích công nhân sáng tạo...". (6)

Vì sao giai cấp công nhân đã đang đi đầu trong sự nghiệp vĩ đại của dân tộc mà lại bị coi nhẹ? Ai đi đầu? Ai coi nhẹ?

Một giai cấp còn thiếu rất nhiều tư chất: thiếu ý thức giai cấp, thiếu trình độ kiến thức và tay nghề, thiếu lương tâm nghề nghiệp, tác phong công nghiệp... thì làm sao lãnh đạo nền công nghiệp hiện đại được? Một giai cấp lãnh đạo thì phải làm được sứ mệnh chăm lo lợi ích tạo ra động lực trực tiếp kích thích lao động sáng tạo cho toàn xã hội, chứ sao lại bắt xã hội làm việc đó cho mình?

Các-Mác chỉ tìm thấy ở giai cấp công nhân sứ mệnh lịch sử là xóa bỏ áp bức, bóc lột, giải phóng cho mình, đồng thời giải phóng cho toàn nhân loại.

Ngày nay, khi mà phương thức sản xuất mới ngày càng dựa vào thông tin, tri thức và văn hóa; khi mà cách mạng Khoa học kỹ thuật hiện đại đã làm cho các yếu tố của lực lượng sản xuất xã hội phát triển vượt bậc và thay đổi về chất; khi mà xã hội sẽ đòi hỏi phải có sự phối hợp hài hòa giữa công nghệ cao cấp (high tech) với sự giao tiếp tinh tế (high touch), giữa nền công nghiệp dựa trên trí tuệ với tiềm năng của con người; thì giai cấp công nhân, nếu có tồn tại thật, cũng không thể là giai cấp trung tâm và tiên phong của xã hội nữa. Vai trò đó phải thuộc về tầng lớp trí thức khoa học-kỹ thuật và khoa học xã hội-nhân văn. Tầng lớp trí thức là chủ thể của xã hội, vì họ là lực lượng cơ bản thúc đẩy lịch sử tiến lên. Họ là lực lượng sáng tạo ra tri thức, tin học và công nghệ mới.

Trước đây chúng ta đã phi lý bao nhiêu khi tụng niệm câu thần chú: "Muốn xây dựng chủ nghĩa Xã hội phải có con người Xã hội chủ nghĩa" (chủ nghĩa Mác nói vật chất là cái có trước, tinh thần là cái có sau, chưa có chủ nghĩa Xã hội thì làm sao có được con người Xã hội chủ nghĩa?), thì ngày nay chúng ta càng sai lầm bấy nhiêu nếu cứ phải tôn giai cấp công nhân làm giai cấp lãnh đạo.

Trong thực tế, không thấy tồn tại giai cấp công nhân nữa vì theo định nghĩa kinh điển thì giai cấp phải là:

 

"những tập đoàn to lớn của những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định, khác nhau về quan hệ của họ đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội mà họ được hưởng". (9)

Người công nhân Việt Nam hiện nay hiện diện trong cả thành phần kinh tế quốc doanh, kinh tế tư doanh lẫn... ở ngoài lề xã hội.

Trong lĩnh vực quốc doanh có người được làm việc trong các tập đoàn công nghiệp lớn, có người ở các xí nghiệp nhỏ. Trong lĩnh vực tư doanh, có người vận hành các thiết bị tối tân trong xí nghiệp liên doanh hiện đại, có người ở một công ty nội địa thô sơ, có người chỉ được thuê mướn tạm thời trong sản xuất hộ gia đình. Phương thức lao động của họ rất khác nhau, thu nhập cũng chênh lệch nhau có khi đến vài chục lần. Họ không còn đồng sàng nên tất nhiên sẽ dị mộng. Họ không còn chia ngọt sẻ bùi nên sẽ không cùng chí hướng nữa.

Tôi không biết khi nói chế độ chính trị của ta ưu việt, người ta hiểu rằng nó là phản ánh thượng tầng kiến trúc của một xã hội nào? Trong thực tế, cho đến nay, Việt Nam về cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu.

Dân số nước ta hiện nay là hơn 70 triệu. Tám mươi phần trăm số đó đang sống ở nông thôn. Họ đóng góp đến 75% tổng số lao động xã hội. Hiện nay họ đang sinh sống ra sao?

Tôi đã gặp, không phải ở vùng xa xôi mà ngay ở những chỗ chỉ cách tỉnh lộ, huyện lộ không đầy 1 km, những gia đình anh Pha, chị Dậu, lão Hạc.... Và nguy hiểm hơn, cả Chí Phèo. Hoàn toàn không phải là sự so sánh một cách hình tượng. So sánh tuyệt đối bằng sử dụng toán học cơ bản cổ điển cả về vật chất lẫn tinh thần đấy. Tôi cũng biết, các bà mẹ anh hùng, và gần đủ tiêu chuẩn anh hùng, cũng ở xung quanh đó thôi. Những lúc ấy tôi đứng ngẩn ngơ, nghĩ rằng hình như các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất ít khi hoặc không thể đến những chỗ như thế này.

Khoảng 30 triệu người đang sống vất vưởng nghèo túng ở nông thôn. Theo Tổng cục thống kê, 45,6% nông hộ thuộc diện nghèo và 10% thuộc diện rất nghèo. Nghèo cả theo nghĩa tương đối lẫn tuyệt đối. Thậm chí còn đói thật sự nữa! Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, nghèo tương đối là khi mức thu nhập chỉ bằng một phần ba của mức thu nhập bình quân, nghèo tuyệt đối tức là không có khả năng mua một lượng sản phẩm tối thiểu để sống. Rất nghèo ở Việt Nam gồm những người có mức thu nhập bình quân tương đương trị giá khoảng 60 đô la mỗi năm. Thu nhập bình quân hàng năm của mỗi người trong 10% số hộ nông dân ta hiện nay không đủ mua một chai rượu ngoại cho các vị Giám đốc, Tổng giám đốc chiêu đãi bạn bè và các vị quan chức. Thật là cám cảnh!

Muốn làm gì và làm cách nào để phát triển đất nước thì trước hết cũng phải ưu tiên giải quyết vấn đề nông thôn. Ngoài các lý do kinh tế-xã hội, ưu tiên giải quyết vấn đề nông thôn ở Việt Nam còn là yêu cầu bức xúc của đạo lý, của nghĩa tình. Chín mươi lăm phần trăm xương máu đổ ra cho các cuộc chiến tranh vừa qua là từ nông thôn. Tuy giương rất cao khẩu hiệu công nông liên minh nhưng Đảng tỏ ra không mấy bận tâm hay thậm chí dường như vong ơn nông dân, ngay từ khi cắt xén lời di chúc của Hồ Chủ Tịch để hòng trốn tránh việc miễn giảm thuế nông nghiệp cho nông dân sau ngày chiến thắng.

Các quốc gia thành công trong phát triển để hóa rồng đều bắt đầu bằng việc xây dựng cơ sở kinh tế nông thôn vững chắc, sau đó mới chuyển sang xuất khẩu hàng công nghiệp và tự sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu.

Ở nước ta có lẽ không nên vội vàng đầu tư ồ ạt để nâng cấp các thành phố lớn, ngay cả cho thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cũng chưa nên triển khai mạnh việc hình thành các tam giác đô thị lớn. Trước hết phải đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở nông thôn, tạo điều kiện đô thị hóa nông thôn từng bước, từng bước.

Sẽ không hay ho gì nếu vì nôn nóng công nghiệp hóa để rồi xây dựng nên những thành phố lớn ngổn ngang, ô nhiễm, ùn tắc như ở Bangkok.

Chưa công nghiệp hóa mà đô thị nước ta đã bị ô nhiễm ghê gớm. Tại Hà nội không khí bị ô nhiễm khí SO2 gấp 14 lần, ô nhiễm khí CO2 gấp 22 lần tiêu chuẩn cho phép. Các sông hồ nội thành bị ô nhiễm chì, thủy ngân, crôm nặng nề, chỉ số BOD5, NO2, NH4 đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Tại Sài Gòn, các chất thải rắn, lỏng từ 700 nhà máy và 30.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Xung quanh các cơ sở sản xuất có các kim loại nặng như chì, crôm, thủy ngân... với hàm lượng lớn hơn 20 lần tiêu chuẩn cho phép. Bụi bẩn vượt tiêu chuẩn 70 lần. Các khí khác vượt 6 lần.

Chúng ta thường "sính" học tập Trung Quốc, nhưng bây giờ chắc sẽ không sai lầm, nếu học hỏi để vận dụng kinh nghiệm của họ trong việc xây dựng các hương trấn và phát triển các đơn vị kinh tế cấp hương trấn. Ở Trung Quốc, các đơn vị loại này đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các nhà doanh nghiệp quốc doanh lớn và chính chúng đã mang lại sức sống cho toàn ngành công nghiệp Trung Quốc.

Phát triển nông thôn không phải chỉ vì nông thôn mà vì cho cả thành thị. Diện tích đất canh tác bình quân đầu người ở ta khá thấp (0,1ha/người), trình độ cơ khí hóa nông thôn rất kém (50% số doanh nghiệp nông thôn chỉ dùng công cụ cầm tay, 15,5% sử dụng công cụ nửa cơ giới, chỉ 39,4% có sử dụng máy chạy điện); lại do những chính sách sai lầm trong thời gian qua nên nông thôn Việt Nam rất trì trệ, tối tăm. Đại hội Đảng lần thứ VI mới chỉ vừa cho phép sửa đổi đôi chút qua chính sách khoán 10, mà trong vòng mười năm qua, năng suất lúa bình quân đã tăng gấp rưỡi, từ 20tạ/ha lên 35tạ/ha, làm cho sản phẩm nông nghiệp đã chiếm tỷ trọng 36% GDP. Tuy nhiên, mỗi lao động nông nghiệp của ta mới chỉ nuôi được 3-5 người, trong khi ở các nước phát triển, chỉ số này là 20-30 người.

Nếu đảm bảo cho giá cả nông sản hợp lý hơn và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đúng mức hơn, thì năng suất nông nghiệp sẽ còn tăng với nhịp độ không kém các khu vực khác. Khi có thu nhập cao hơn, đời sống khấm khá hơn, nông dân ngày càng mua hàng sản phẩm công nghiệp nhiều hơn, cũng như có nhu cầu lớn hơn về hàng hóa và dịch vụ để hỗ trợ cho sản xuất ngày càng tăng, do đó sản xuất của các ngành phi nông nghiệp tại thành phố sẽ phát triển theo.

Nhờ điều tiết hợp lý bằng cách hạn chế đầu tư quá mức vào khu vực thành thị để tăng cường phát triển nông thôn, nên tuy mức thu nhập bình quân đầu người của Inđônêxia chỉ bằng 1/5 của Thái Lan, nhưng tỷ lệ dân số của Inđônêxia sống dưới mức nghèo khổ tuyệt đối thấp hơn nhiều so với Thái Lan.

Xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn sẽ giúp ngăn chặn làn sóng người đổ về thành phố gây nên cảnh bức bối tại những khu nhà ổ chuột đau lòng như ở châu Mỹ La-tinh và châu Phi. Chẳng những thế, nâng cao mức thu nhập và cải thiện chất lượng đời sống nông thôn sẽ tạo sức hút người từ thành thị về nông thôn nếu không phải để làm nông nghiệp thì cũng để tìm một môi trường thanh bình hơn, trong sạch hơn, đầm ấm hơn.

Năm 1989, dù chỉ được mời sang Oasingtơn dự Hội nghị Địa chất Quốc tế, và năm 1991 để đọc báo cáo khoa học tại trường Đại học Texas A&M và Illinois - Chicago, nhưng tôi đã tự tạo cơ hội may mắn tham quan một vài vùng nông thôn Hoa Kỳ. Một trong những ấn tượng tốt đẹp đọng lại trong tôi về xã hội Hoa Kỳ là ở đấy chất lượng cuộc sống nông thôn không chênh lệch gì so với thành thị. Tuy một bên là cao vút những nhà chọc trời, một bên chỉ có những nhà một, hai tầng, nhưng đều rất tiện nghi. Nhà ở nông thôn cũng trải thảm; trong nhà có vài chiếc ti-vi màu, vài chiếc điện thoại, dưới bếp có lò nướng, bếp điện, máy rửa bát; ngoài vườn có xe ô tô cá nhân, xe tải nhỏ, thậm chí có cả xuồng máy và nhà du lịch tự hành (recreation vehicle).

Nói chung, sự ổn định trong đời sống kinh tế nông thôn là kết quả hoạt động của tất cả các chương trình của chính phủ Hoa Kỳ trong 30 năm gần đây.

Từ những năm 70, dân số ở nông thôn Hoa Kỳ đã ổn định. Đã xuất hiện một bộ phận dân thành phố chuyển về nông thôn, không phải để làm việc mà chỉ để ". Dân sống ở nông thôn không còn chỉ là những người làm nông nghiệp.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như đường xá, hệ thống tưới tiêu, hệ thống cung cấp điện, mạng lưới thông tin liên lạc cũng khá tốn kém nhưng hệ số sinh lợi để thu hồi vốn thì lại rất chậm. Dẫu sao Đảng và Nhà nước không nên để bị thu hút quá mạnh vào những dự án thu lợi có bề nổi, mà cần tỉnh táo tập trung cho những dự án về nông thôn để tạo thế phát triển hài hòa và bền vững cho cả nước.

Đối với nông thôn ngày nay, vấn đề hàng đầu không phải chỉ là phát triển nông nghiệp mà là chăm lo xây dựng kết cấu hạ tầng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường tiện nghi trí tuệ và giá trị xã hội cho nông thôn. Bởi vậy có lẽ sự tồn tại của Bộ Nông nghiệp là không thích hợp nữa. Một trong những yêu cầu bức xúc của bộ máy hành chính quốc gia là cần thành lập Bộ Phát triển Nông thôn. Bộ Phát triển Nông thôn phải là một trong những bộ lớn, ít nhất là ngang với Bộ Công nghiệp.

Cần tiếp tục cảnh giác với  "tư tưởng đại quy mô" còn rơi rớt sau cả một thời gian dài phải tụng niệm:

"Công nghiệp hóa Xã hội chủ nghĩa là phát triển đại công nghiệp", "Xây dựng nền đại công nghiệp cơ khí hóa...", v.v...

Cần phải biết trăn trở trước quyết định hình thành tổ chức tập đoàn này, tập đoàn kia. Trong những quyết định ấy, cái nào đúng đắn, cái nào có sự len lỏi của mưu đồ cá nhân, lợi dụng quyền lực đem của cải của nhân dân, vỗ cho bè lũ bộ hạ và họ hàng thân thích thành những tên "tư bản đỏ" béo mập.

Chừng nào người ta còn có thể lợi dụng chiêu bài "Phải luôn luôn bảo đảm thành phần quốc doanh là chủ đạo" một cách không hợp lý, chừng đó bọn "quan lại" còn có đủ điều kiện cấu kết với các phần tử xấu trong xã hội moi móc, cưỡng đoạt tài sản của nhân dân để "biến công vi tư".

Số nợ tồn đọng khó đòi hoặc không thể đòi được đã lên tới 12.000 tỷ đồng + 200 triệu đôla + 10 tỷ yên + hàng nghìn lượng vàng... là gì?

Là hệ quả của sự lợi dụng chiêu bài trên để tạo nên cả một bát quái trận đồ, thiên la địa võng trong cái cơ chế không ra thị trường điều tiết cũng không ra tập quyền chỉ huy.

Nếu số tiền trên không bị lang thang phiêu bạt trong các biệt thự sang trọng, trong các xe hơi đắt tiền hơn cả xe hơi của chủ tư bản nước ngoài, trong các bữa tiệc linh đình..., thì nhà nước đã có thể nâng cấp và xây thêm cho các em vài chục ngàn ngôi trường khang trang, với khoản đầu tư vài tỷ đồng cho mỗi cái.

Đất nước còn nghèo, phải bàn bạc thật sự dân chủ để lựa chọn được phương án tối ưu cho những "công trình vĩ đại". Nhiều người vẫn không sao hiểu nổi tính hợp lý và sự cần thiết của việc xây dựng đường dây tải điện Bắc- Nam dài tới 1.400 km. Lượng điện được tải bằng đường dây này tương ứng với sản lượng của một nhà máy điện có công suất 500-600MW.

Để giải quyết nhu cầu điện cho miền Nam, ta có thể tính đến nhiều phương án khác nhau. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Năng lượng, ta có hơn 400 vị trí thuận lợi để xây dựng các trạm thủy điện công suất từ 100KW đến 20.000KW. Tiềm năng thủy điện miền Nam thấp hơn miền Bắc, nhưng năng lượng mặt trời và gió từ vĩ tuyến 16 trở vào hầu như có thể sử dụng quanh năm.

Tiềm năng khí đốt của Việt Nam nói chung và thềm lục địa phía Nam cùng với châu thổ sông Cửu Long nói riêng cũng rất lớn.

Riêng lượng khí đốt đồng hành đang khai thác được ở mỏ Bạch Hổ đã chừng 150 triệu phít khối mỗi ngày. Nếu xây dựng gấp hệ thống ống dẫn vào bờ thì có thể sử dụng làm nhiên liệu cho một nhà máy điện chạy khí công suất 1.000MW. Toàn bộ khối khí đó đang bị đốt bỏ ngay tại miệng giếng khoan trên biển.

Tận dụng được toàn bộ nguồn khí đốt để biến thành điện năng thì chẳng những hoàn toàn thỏa mãn được nhu cầu điện cho miền Nam mà còn có thể xuất khẩu.

Tài nguyên khoáng sản của ta rất phong phú, đa dạng. Ngoài dầu mỏ, khí đốt, ta đã phát hiện được hơn 4.000 mỏ và điểm quặng và các biểu hiện của gần 90 loại khoáng sản. Trong số đó bể than antraxít Đông Bắc có trữ lượng hàng tỷ tấn: Than nâu vài trăm tỷ tấn; Boxit vài tỷ tấn; Titan sa khoáng ven biển hàng chục triệu tấn; Ngọc saphia, rubi có triển vọng lớn v.v... Cho đến nay mới có khoảng 300 mỏ của hơn 30 loại khoáng sản được đưa vào khai thác hoặc thiết kế khai thác.

Cần tăng cường thiết bị và phương pháp hiện đại để chuẩn xác hóa công tác điều tra, thăm dò, thiết kế khai thác; đồng thời mở rộng mạng lưới hệ thống giao thông để đẩy mạnh khai thác, chế biến khoáng sản nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập quốc dân thông qua xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm chế biến. Trong xu thế ngày càng xuất hiện nhiều dạng năng lượng mới, vật liệu mới nhờ các thành tựu vượt bậc của khoa học-kỹ thuật thế giới, không cần đắn đo quá nhiều đến việc để dành tài nguyên khoáng sản, nhưng cần tiết kiệm tối đa và bảo đảm nghiêm túc yêu cầu bảo vệ môi trường khi tổ chức khai thác.

"Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kinh ngạc trong những năm đầu của quá trình chuyển sang một nền kinh tế thị trường. Trong vòng có bảy năm, Việt Nam đã thực hiện được những bước chuyển to lớn, nhanh hơn cả Trung Quốc và có hiệu quả cao hơn cả Nga và Đông Âu vào cùng thời điểm. Chính phủ Việt Nam có thể tự hào về những thành quả đã đạt được". (10)

Đây không phải sự tự đề cao, cũng không phải lời tán dương của những bạn bè truyền thống, mà là nhận xét của một chính khách Hoa Kỳ.

Chúng ta càng vui mừng và tự hào hơn khi giữ được ổn định xã hội trong tình huống chủ nghĩa Cộng sản, không phải bất ngờ, nhưng đột ngột, sụp đổ tan tành ở hầu hết các nước thuộc hệ thống Xã hội chủ nghĩa.

Mặc dầu vậy, không nên quá vui mừng phấn khởi, và chưa thể lạc quan, tin tưởng. Cũng chính nhà nghiên cứu kinh tế-xã hội đó lại nhận xét:

"Khi đã quen thuộc hơn với thực tế Việt Nam, từ sự ngạc nhiên thích thú lúc ban đầu, các nhà quan sát có kinh nghiệm đi dần đến chỗ thất vọng, hoặc ít nhất thì cũng nản lòng. Đằng sau sự tăng trưởng rầm rộ, các nhà kinh tế phát hiện ra rằng cải cách kinh tế ở Việt Nam còn rất nhiều lỗ hổng, và những thành tựu đạt được cho tới nay là chưa vững chắc...".

Sau gần 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới, ai cũng thấy đời sống vật chất của cả nước nói chung đã được cải thiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đạt tới con số 8% một năm. Xét đơn thuần về mặt kinh tế-tài chính, đây là con số kỳ diệu. Tuy vậy, xét cho cùng, sự tăng trưởng kinh tế nhanh sẽ chủ yếu chỉ đem lại uy tín nhất thời có tác dụng củng cố sự tồn tại của chính phủ đương thời. Bản thân nó là điều kiện cần chứ không thể là điều kiện đủ để chứng minh và bảo đảm sự phát triển xã hội lành mạnh. Trung Quốc đang từ trì trệ, suy thoái, sau khi sửa sai đã đạt mức tăng GDP là 13% vào năm 1992, 13,4% vào năm 1993. Vì sợ tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nóng sẽ gây tác động tiêu cực xã hội lớn, nên Trung Quốc chủ trương giảm mức tăng GDP năm 1994 xuống chỉ còn 9% nhưng kết quả thực tế vẫn là 12%.

Từ ngày cầm quyền đến nay, Tổng Thống Bin Clintơn đã giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế rất xuất sắc, nhưng ngày 9 tháng 1 năm 1995, khi trả lời phỏng vấn báo Niuxơ Uyc (Newsweek), ông chỉ nhấn mạnh:

"Hãy nhìn lại những gì tôi đã làm. Dĩ nhiên vẫn có những cứ liệu minh chứng cho việc làm sai trái của tôi ở cương vị Tổng thống. Tôi nghĩ rằng việc chúng tôi cố gắng tránh cho trẻ em dưới hai tuổi bị lây nhiễm, việc để mọi người tới trường, việc cấm mang vũ khí tấn công... là tốt".

 

Mọi chủ trương, đường lối chính trị - kinh tế không chỉ nhằm mục đích tự thân mà phải hướng tới bảo đảm xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, nhân ái.

Nguyễn Thanh Giang