Chăm lo đời sống của nhân dân

(Trích mục Góp Ý Kiến Vào Dự Thảo Báo Cáo Tại Đại Hội Đảng BộThành Phố Lần Thứ XI/Vòng 2, báo Hà Nội Mới, 04/11/1991)

 

Một trong những kết quả bước đầu quan trọng, được nêu trong dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội đảng bộ thành phố lần thứ XI (vòng 2) ở phần "Đánh giá tổng quát quá trình thực hiện đổi mới", là:

"...đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhân dân được cải thiện...".

Chúng tôi cho rằng nhận định này đúng với thực tế.

Tuy nhiên, chính vì vậy đã nảy sinh vấn đề cần xem xét là tại sao sau cả quá trình thực hiện nghị quyết Đại hội đảng bộ thành phố lần thứ X, chúng ta lại chỉ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho một bộ phận nhân dân? Điều quan trọng hơn nữa là bộ phận nhân dân này thuộc chủ thể nào? Gồm những thành phần gì? Câu hỏi đơn giản nhưng có lẽ cần được thảo luận nghiêm túc để từ đấy rút ra được cái sai, cái đúng trong chủ trương, trong biện pháp chỉ đạo thực tiễn của chúng ta. Dù muốn hay không, một thực tế nổi bật như vậy, cũng sẽ được xem là biểu hiện lập trường của đảng bộ.

Riêng cá nhân, tôi cho rằng, kết quả nêu trên vừa là thành tích nhưng cũng vừa chất chứa trong đó nhiều yếu tố rất không lành mạnh. Hai nguyên nhân chính gây nên thực trạng trên là do:

"hành vi tham nhũng trong một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, nắm tài sản, vật tư, hàng hóa, rất nghiêm trọng"... và

"các trường hợp kinh doanh trái pháp luật, trốn thuế, lậu thuế, làm hàng giả, hàng dởm, lừa đảo, buôn bán, 'bung ra' nhiều hơn sản xuất... có chiều hướng phát triển".

Tôi đồng ý với dự thảo:

"Nhìn chung mức sống vật chất của nhân dân thủ đô còn thấp. Đáng quan tâm là một bộ phận không nhỏ dân cư ở thành phố và nông thôn sống rất khó khăn, thậm chí  dưới nhu cầu tối thiểu",

nhưng tôi chưa đồng ý với đoạn viết tiếp sau đó:

"nhất là những người sống chủ yếu dựa vào tiền lương và trợ cấp xã hội".

Tôi cho rằng, hiện nay, đáng quan tâm nhất lại là vấn đề của những người không có công ăn việc làm. Vấn đề này đúng là một trong những điều rất nhức nhối của xã hội ta, là nỗi day dứt của hàng triệu người lao động, của hàng vạn gia đình. Thái độ nhìn nhận đối với vấn đề này phải được xem là thước đo đạo đức cách mạng; khả năng giải quyết vấn đề này phải được xem là thử thách chủ yếu đối với từng cán bộ và với cả đảng bộ. Cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật và mạnh dạn nói thẳng ra với tất cả tinh thần trách nhiệm rằng chúng ta đang đứng trước mối đe dọa của việc thất nghiệp trầm trọng. Ấy vậy mà trong dự thảo vẫn chưa trăn trở hết mọi khía cạnh để truy cứu cho được mọi nguyên nhân gây tình hình này, rồi từ đó vạch ra các biện pháp cụ thể, đúng mức cần thiết cho yêu cầu giải quyết nó. Cần kiểm tra nghiêm túc mức độ đứng đắn của việc thực hiện chủ trương giảm biên chế tại nhiều cơ quan, xí nghiệp. Cần xét lại tinh thần đạo lý của một số đơn vị sản xuất, kinh doanh mà ở đây giám đốc và một bộ phận cán bộ có thu nhập quá cao, trong khi xung quanh họ là những người bị đẩy vào tình trạng thất nghiệp một cách vô trách nhiệm.

Dĩ nhiên, vấn đề việc làm ở thủ đô là một khó khăn lớn không thể đòi hỏi giải quyết ngay trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nên chăng là phải đặt chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, tiến tới chấm dứt thất nghiệp đối với những người có sức khỏe, có tay nghề, có nhiệt tình lao động; đặc biệt là không thể để cho những lực lượng có tài năng, có tâm huyết còn bị đặt ở ngoài guồng máy hoạt động của xã hội.

 

Đánh giá tổng quát tình hình thực hiện đổi mới lần này, dự thảo nêu lên hàng đầu một cách phấn khởi:

"Trong bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước, tình hình chính trị của thủ đô ổn định".

Chúng tôi trông mong rằng khi kiểm điểm thực hiện nghị quyết Đại hội đảng bộ thành phố lần thứ XI thì vị trí hàng đầu phải được dành cho kết quả giải quyết vấn đề việc làm và đời sống của nhân dân thủ đô nói chung (chứ không phải chỉ của một bộ phận nhân dân). Có như vậy chúng ta mới thể hiện đầy đủ được nghĩa vụ thiêng liêng  do dân và vì dân của đảng bộ.

Nguyễn Thanh Giang

-Liên đoàn Vật lý - Địa chất-