Phải chăng động lực cách mạng của khoa học kỹ thuật chưa xác định đúng tầm

 

Dự thảo Cương lĩnh xây dựng xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong thời kỳ quá độ đã mạnh dạn vạch ra những sai lầm về chỉ đạo chiến lược, về xác định đường lối cụ thể trong một số lĩnh vực quan trọng như: nóng vội trong cải tạo XHCN, đẩy mạnh xây dựng công nghiệp nặng trong khi chưa có đủ các tiền đề cần thiết, chậm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế.... Tuy nhiên, theo tôi còn một vấn đề rất quan trọng nữa chưa thấy được kiểm điểm. Đó là những khuyết điểm trong chỉ đạo chiến lược nhằm thực hiện cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật (CMKHKT) mà nhiều văn kiện lớn trước đây đã từng nêu:

"đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta là tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó CMKHKT là then chốt".

Vì chưa có sự kiểm điểm sâu sắc về lĩnh vực này, cho nên tôi cảm thấy hình như trong các văn kiện dự thảo, vị trí cách mạng của khoa học kỹ thuật (KHKT) chưa được xác định đúng tầm của nó.

Trong sáu nguyên tắc cơ bản cần nắm vững để tiến vững chắc lên CNXH nêu lên trong cương lĩnh, không thấy nguyên tắc nào ràng buộc rõ ràng đối với cuộc CMKHKT. Ở Mục 1, Chương II, sau khi thừa nhận sử dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, nhiều nước tư bản tăng nhanh sản xuất và năng suất lao động, đi vào một giai đoạn phát triển mới của lực lượng sản xuất. Cuộc CMKHKT hiện đại một mặt tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản có những bước phát triển mới, thì ngay sau đó lại viết:

"Mặt khác, chính nó lại không ngưng khoét sâu mâu thuẫn cơ bản vốn có giữa tính chất xã hội hóa ngày càng tăng của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về các tư liệu sản xuất. Nó còn làm cho mâu thuẫn giữa các trung tâm tư bản lớn, các tập đoàn tư bản độc quyền, các công ty siêu quốc gia ngày càng sâu sắc".

Sự thật thì đấy là một thực tế. Tuy nhiên, cách trình bày như vậy dễ làm cho người ta cảm nhận một cách mơ hồ về sự đánh giá của chúng ta đối với tác động của KHKT vào cấu trúc kinh tế-xã hội. Vả chăng, trước yêu cầu ngắn gọn, súc tích của một bản cương lĩnh, thì đoạn viết nầy có còn nên để nguyên không, bởi vì, ngay sau đó, đã có đoạn:

"Cuộc CMKHKT hiện đại đang diễn ra mạnh mẽ, cuốn hút tất cả các nước với những mức độ khác nhau. Sự xuất hiện một nền công nghệ mới có tác dụng to lớn đối với sự phát triển các lực lượng sản xuất xã hội...".

Điều làm chúng tôi lưu tâm hơn nữa là tại sao sau khi nêu lên những nhận định tương đối dài về những tác động to lớn của CMKHKT đối với các nước trên thế giới, đối với chế độ tư bản, thì lại không thấy có đôi dòng phân tích về những ảnh hưởng, những đối sách tương ứng của cuộc cách mạng ở nước ta về vấn đề đó.

Trong Chương trình 3, vấn đề Khoa học và Giáo dục được xếp xuống dưới cùng (mục thứ 4) với câu mở đầu xác định:

"Khoa học và giáo dục giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa".

Chưa bàn đến chức năng và mục tiêu nào là chính mà khoa học và kỹ thuật phải thực hiện trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hay xã hội hóa sản xuất, nhưng so với trước đây ta đã xác định CMKHKT là then chốt trong ba cuộc cách mạng lớn, thì nay có thể có người sẽ hiểu rằng KHKT đã bị "hạ cấp" khi chỉ còn giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa.

Ở bản Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của nước ta đến năm 2000, trong cả phần thứ Hai (phần  Quan điểm và mục tiêu phát triển ), không thấy ở chỗ nào vị trí cách mạng của KHKT được nêu lên như là một chủ thể. Ở phần thứ Tư của văn kiện này ( Các chính sách và giải pháp lớn), chính sách khoa học và công nghệ cũng chỉ được nêu thành một mục nhỏ (mục  Về văn hóa, giáo dục, khoa học, tài nguyên và môi trường ), sau các chính sách thị trường, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách giáo dục và đào tạo...

Chúng tôi thực tâm không hề nghĩ rằng khoa học-kỹ thuật có sức mạnh vạn năng, và cũng không cho rằng khoa học là biện pháp duy nhất giải quyết mọi vấn đề xã hội. Chúng tôi cũng không đồng tình với tư tưởng "kỹ trị" cho rằng thế giới ngày nay cần phải được trị vì bởi các nhà khoa học, chứ không phải các nhà chính trị.

Trong một kiến nghị cá nhân gửi một số cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào dịp tiến hành Đại hội VI, tôi đã từng viết:

"Không nên nhấn mạnh một cách cực đoan chủ trương đưa cán bộ KHKT giỏi (thậm chí giỏi nhất) sang làm cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý.... Cần làm cho mọi người hiểu rằng lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo cũng là một nghề như nhiều nghề khác. Thực tế cho thấy rằng có những người chỉ làm KHKT giỏi, mà không làm lãnh đạo, làm quản lý được, và ngược lại. Mỗi người có sở trường, sở đoản riêng, có thiên chức riêng".

Song, ở nước ta, có điều rất khổ tâm cho các nhà khoa học là cứ phải cố "xoay" cho mình một cái chức, cái tước nào đó! Bởi vì, không thế thì chẳng những sẽ không được trọng vọng, sẽ bị thiệt thòi về kinh tế, mà còn khó có điều kiện tiến lên trên con đường khoa học. Không chức, không quyền, thì mấy khi được giao làm chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước, cấp ngành, mấy khi được mời tham gia hội đồng khoa học, ngay cả khi mình là chuyên gia vào loại giỏi thuộc các  đề tài ấy, các hội đồng khoa học ấy.

Tôi sẽ không tiếp tục giải bày tâm tư và nêu lên những kiến nghị của giới khoa học về nhiều điều bất hợp lý trong việc thực hiện các chính sách đối với khoa học-kỹ thuật nói chung và đối với người làm khoa học nói riêng.

Điều băn khoăn day dứt thực sự của chúng tôi vẫn là khi phải đứng trước những câu hỏi: Vì sao khoa học-kỹ thuật ở nước ta chưa thể nào bước vào guồng máy của cuộc cách mạng KHKT hiện đại? Vì sao ta vẫn không thực hiện được nhiệm vụ bức bách đã nêu trong Đại hội Đảng lần thứ VI là phải làm cho khoa học-kỹ thuật thật sự trở thành một động lực to lớn đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước? Ai, cơ quan nào, tầng lớp nào phải chịu trách nhiệm về tình trạng đó? Không nghiêm túc nhìn nhận, không khẩn trương giải quyết, thì không những không thể làm được một phần điều đã nói, mà tình hình sẽ còn xấu đi rất nhiều. Hãy nhìn vào số phận hẩm hiu của những tài liệu khoa học trên các giá sách, hãy động lòng xót đau trước tình trạng tan rã của lực lượng KHKT, hãy hình dung một cách ghê sợ sự trống vắng hoang tàn của nhiều cơ sở KHKT sau dăm ba năm nữa!

CNXH đang trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng trên quy mô thế giới. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến điều tệ hại ấy, có nguyên nhân quan trọng là: nó chưa gắn mình thực sự với CMKHKT. Chủ nghĩa tư bản (CNTB) cũng đã từng khủng hoảng triền miên. Không phải vô căn cứ và cũng xin đừng giễu cợt khi nhớ lại có lúc ta đã từng thấy dường như CNTB đang trong cơn giẫy chết. Bởi vì, quả thật, các nước tư bản đã từng phải trải qua một thời tan hoang vào thế kỷ 19, một giai đoạn đình đốn khủng khiếp của những năm 30, những rối loạn tơi bời vào các thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ này. Nhưng chính nhờ nó lợi dụng được những tiến bộ kỹ thuật, biết tự điều tiết để đồng hóa được thành tựu của các cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật, cho nên tạo ra được bước phát triển quan trọng, với một hình thái mới rõ rệt. Điều này thì, theo tôi, chính Mác cũng không ngờ tới. Mác là người đầu tiên xác định khả năng phát triển xã hội trong tiềm năng to lớn của tiến bộ KHKT, nhưng do chưa thấy được thực tế chuyển biến của khoa học thành lực lượng sản xuất và xã hội trực tiếp, cho nên ông đã không tiên đoán được rằng CMKHKT tương lai lại có thể trở thành nguồn lực mới giúp TBCN phát triển.

Một trong những điều tâm đắc nhất của tôi khi đọc các văn kiện dự thảo kỳ này là thấy cái tư chất của dân tộc mình được xác định rất đúng đắn:

"Nhân dân ta cần cù lao động, thông minh, sáng tạo. Nguồn lực lớn nhất, quý báu nhất của chúng ta là tiềm lực con người Việt Nam, trong đó có tiềm lực trí tuệ".

Thật vậy, tôi hết sức công phẫn khi ai đó dám báng bổ rằng người Việt Nam mình chỉ giỏi đánh chác và buôn lậu! Bên hành lang một hội nghị quốc tế, tôi đã gần như văng vào mặt một người nước ngoài khi anh ta muốn khen tôi như là một trường hợp cá biệt không có cái máu chiến tranh như đồng bào của tôi nói chung.

Tôi sung sướng ghi nhận các yếu tố thông minh và tiềm lực trí tuệ trong đoạn nhận định trên. Về điểm này, ta hoàn toàn không lo rằng mình đang huyễn hoặc dân tộc mình. Chính báo chí Mỹ đã tổng kết:

"Học sinh Việt Nam chỉ chiếm 7% trong tổng số học sinh của 11 trường trung học thành phố, nhưng 23% số học sinh ưu tú là người Việt Nam".  Và:

"Chỉ số thông minh của trẻ em Việt Nam thuộc loại cao nhất".

Vậy thì, ta có nên xem đấy là một lợi thế hết sức đáng kể trong công cuộc xây dựng đất nước không? Hoàn toàn không phi lý giữa lúc ta đang bị xếp vào một trong những nước nghèo nhất thế giới, thì nhiều chính khách đã tiên đoán về sự xuất hiện, trong một tương lai gần, "con rồngở thứ năm ở châu Á. Kinh nghiệm lịch sử thế giới và trong nước đều cho thấy: đã có những chủ trương sai lầm nặng nề làm trì trệ đất nước hàng thế kỷ, nhưng cũng có những giải pháp lớn đúng đắn làm bật dậy bước nhảy vọt diệu kỳ.

Thế giới đã trải qua ba cuộc CMKHKT và nay đang ở trong cuộc cách mạng thứ tư với các lĩnh vực chủ yếu là tin học, điện tử, vật liệu mới và công nghệ sinh học. Từ đấy, trên hành tinh này, đang xuất hiện một phương thức sản xuất mới, tiên tiến và hùng hậu hơn nhiều so với phương thức sản xuất công nghiệp trước đây, trong đó trí tuệ và những nguyên lý sáng tạo chiếm vị trí hàng đầu.

Tất nhiên, trong cơn khủng hoảng triền miên về kinh tế, trước hết, ta phải lo chặn đứng nó lại để ổn định xã hội. Nhưng, đồng thời với việc bàn bạc về các vấn đề thị trường có điều tiết, vấn đề hàng hóa hóa sức lao động, vấn đề bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa..., thiết tưởng cũng cần bàn xem chúng ta có khả năng bỏ qua những cuộc CMKHKT nào, và làm thế nào để tiến hành cuộc CMKHKT thích ứng với tình hình của ta.

 

Sao lại chỉ có chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội? Nên chăng cần hình thành chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, trong đó có chiến lược phát triển khoa học và kỹ thuật

 

Nguyễn Thanh Giang

 

(Trích mục Góp Ý Kiến Vào Các Dự Thảo Văn Kiện Đại Hội VII,báo Nhân Dân 3/3/1991)