Hơn lúc nào hết, Đảng cần có cương lĩnh xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân no ấm

 

Chúng ta phải xây dựng đất nước theo mô hình nào để bảo đảm tiến tới phồn vinh, hạnh phúc? Đây là câu hỏi đang đặt đầy trách nhiệm nặng nề lên vai không chỉ các nhà lãnh đạo, những người làm chính trị mà cho cả toàn đảng, toàn dân.

Trước hết, có thể khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản không phải là mục tiêu của chúng ta, càng không phải là lý tưởng của chúng ta. Chủ nghĩa tư bản với quá khứ vấy đầy máu, tuy mấy thập kỷ gần đây đã tự điều tiết bằng cách chuyển sang hình thái kinh tế thị trường có sự dung hòa các lợi ích xã hội, đồng thời lợi dụng được thành tựu mới của khoa học và công nghệ đã tăng nhanh sản xuất và năng suất lao động, đưa một số nước đi vào giai đoạn phát triển mới nền kinh tế-xã hội, song, bản thân nó không thể giải quyết được những vấn đề xã hội do nó gây ra: bất công, tệ nạn xã hội, phá hoại môi trường sinh thái, khủng hoảng lối sống, đe dọa chiến tranh... Ngay giữa Oa-sinh-tơn (Washington D.C.) tráng lệ và hiện đại, tôi đã từng ớn lạnh khi thấy những người nghèo đắp ni-lông nằm ngủ dưới mưa ở các vườn hoa gần Nhà trắng.

Chủ nghĩa xã hội mà ta từng theo đuổi mang những tiêu chí cực kỳ đẹp đẽ là tiến tới một xã hội tự do, công bằng, hạnh phúc. Về mặt kinh tế, chuyển sở hữu tư liệu sản xuất về tay nhân dân; về mặt chính trị, xây dựng một chính quyền thật sự của nhân dân (chứ không phải chỉ nhân danh nhân dân). Tuy nhiên, sự biến dạng ngày càng nhiều trong lịch sử của chủ nghĩa xã hội hiện thực, những thất bại trong kinh tế và sự chia rẽ khá rõ giữa chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội... đã gây không ít nghi ngờ chính đáng trên phạm vi toàn thế giới. Ở Việt Nam, chúng ta đã tuyên bố đi lên chủ nghĩa xã hội từ bao nhiêu thập kỷ rồi, đã đổi tên thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ sau 1975. Song nhìn lại vẫn thấy: nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ điểm xuất phát rất thấp, đến nay vẫn ở trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới...; sản xuất tăng chậm và không ổn định; tài nguyên, thiết bị, lao động và tài năng mới được sử dụng ở mức thấp; đời sống nhân dân thiếu thốn; nếp sống văn hóa, tinh thần và đạo đức kém lành mạnh; trật tự an toàn xã hội không được bảo đảm, nạn tham nhũng và nhiều tệ nạn xã hội khác phát triển, công bằng xã hội bị vi phạm.

Sự non kém đến bất lực của chúng ta, những sai lầm nghiêm trọng của chúng ta đã làm cho cái tên gọi chủ nghĩa xã hội không còn chiếm lĩnh lòng người đến phần sâu thẳm.

 

Hơn bao giờ hết, Đảng cần có cương lĩnh mới. Một cương lĩnh kết hợp được một cách hữu cơ tầm vóc vĩ đại của những mục tiêu, những hy vọng và hoài bão của mỗi người với khả năng của tình hình hiện tại, một cương lĩnh vạch ra được những chương trình hành động có tính chất thực tế, được cân nhắc toàn diện và hợp lô-gích.

Đừng quá bận tâm và sa đà vào việc duy danh định nghĩa. Đừng vội gán ghép một cách khiên cưỡng: phát triển kinh tế hàng hóa là vấn đề có tính quy luật của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế hàng hóa, phải chấp nhận cạnh tranh, phải chấp nhận sự thua lỗ và đào thải yếu kém, phải chấp nhận cả sự phân phối theo tư bản. Vậy thì, làm sao có thể bảo đảm nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội là phân phối theo lao động; làm sao bảo đảm được lý tưởng lãng mạn về mặt đạo đức của chủ nghĩa xã hội là mọi tầng lớp xã hội đều được sống đoàn kết, an toàn, ngay cả người yếu kém cũng không bị đào thải mà được giúp đỡ vươn lên; mọi người đều có thể trông cậy vào sự cưu mang của Nhà nước để có việc làm, không bị thất nghiệp... Nhiều người sẽ rất có lý khi nhận xét rằng bản dự thảo cương lĩnh còn nhiều chỗ mâu thuẫn, nếu gọi là Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ. Tôi đề nghị sửa đổi để  đem trình Đại hội VII một văn kiện mang tên: Cương Lĩnh Của Đảng Cộng Sản Việt Nam Trong Giai Đoạn Mới.

Kinh nghiệm lịch sử đủ dài để cảnh tỉnh chúng ta, làm cho chúng ta phải nhận thức thật sự sâu sắc rằng không thể đi theo một mẫu hình nào. Bởi vậy, cương lĩnh phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước mình trong bối cảnh thế giới hiện nay để vạch ra đường lối riêng, hoạch định được những chính sách thích hợp, những biện pháp tiến hành cách mạng khoa học nhằm xây dựng một xã hội nhân đạo, dân chủ, công bằng.

Việc xác định chính xác mâu thuẫn cơ bản của xã hội ta trong thời kỳ này bằng một mệnh đề là hết sức khó và chưa hẳn đã cần làm. Cách mạng thế giới đang trong cơn xáo trộn dữ dội, công cuộc đổi mới của chúng ta được phát động từ Đại hội VI vừa "bung raở nhiều tiền đề mới. Các tiềm lực, các chủ thể đều chưa định hình. Nên chăng, chỉ cần xác định mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa yêu cầu ổn định nền kinh tế-xã hội để tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với cơ chế kinh tế, hệ thống chính trị chưa phù hợp, và với chủ nghĩa quan liêu và tính tự phát vô chính phủ trong đời sống kinh tế xã hội?

Ở Mục Hai, Chương III, có lẽ cần đưa lên hàng đầu mục tiêu của chính sách xã hội và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội là tạo môi trường, điều kiện cho mỗi người lao động có việc làm, nhất là cho thanh niên.

Việc đặt nhiệm vụ

"chính sách xã hội phải thể hiện tinh thần trách nhiệm và biết ơn đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, cán bộ lão thành, cán bộ về hưu lên trên..."

mới nghe ra rất có nghĩa có tình, nhưng không hợp lý ở chỗ, ta muốn vươn tới cái ngọn mà không đặc biệt quan tâm đến cái gốc của vấn đề chính sách này. Có việc làm mới có đời sống, mới nói được đến quyền làm chủ, quyền bình đẳng, quyền được bảo vệ.... Phải nhìn thẳng vào sự thật mà thừa nhận rằng tình trạng thiếu công ăn việc làm ở nước ta hiện nay còn tệ hại hơn nạn thất nghiệp ở các nước phương Tây rất nhiều. Người lười nhác không tìm được việc đã đành, người sẵn sàng lao động – rất cần cù – cũng không có việc. Người hèn kém bị thải loại đã cam, người thông minh, tài năng thật sự cũng bị bỏ rơi. Còm cõi yếu đau đã vậy, trẻ trung mạnh khỏe cũng thế. Con số không chỉ một hai triệu mà lớn hơn. Công bằng mà nói, vấn đề việc làm cho người lao động không chỉ nổi cộm trong xã hội ta, mà là vấn đề muôn thuở của hầu hết các chính phủ trên thế giới. Song sẽ rất không thỏa đáng, nếu không xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, vừa nóng bỏng, vừa lâu dài đối với chính sách xã hội của ta. Có giải quyết được mục tiêu này mới tạo điều kiện bảo đảm thực hiện các chính sách xã hội khác.

Ta hiện có hơn hai triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài với khoảng 300 nghìn trí thức và nhân viên. Ở đây chứa đựng một tiềm năng kinh tế và chất xám đáng kể. Song, nếu chỉ chú ý đến

"chính sách khuyến khích sự cống hiến của đồng bào đối với sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước"

thì tức là chưa thể hiện được tính chất do dân và vì dân của chính quyền ta.

Vấn đề đồng bào ta ở nước ngoài là một đặc điểm mới của Tổ quốc, của cách mạng Việt Nam. Nó chưa hề xuất hiện thành một vấn đề lớn trong các giai đoạn lịch sử trước. Vấn đề này vừa phát sinh từ sau năm 1975 và sẽ còn phát triển lâu dài, phức tạp. Bởi vậy, nó phải được quan tâm như một quốc sách. Trong các chính sách xã hội với đối tượng này, cần đặt song song các nhiệm vụ tập họp, huy động, khai thác với xây dựng, bồi dưỡng, chăm sóc. Từ đấy, đồng bào ta ở nước ngoài không chỉ sẽ có đóng góp vào sự nghiệp xây dựng mà còn bảo vệ Tổ quốc.

Thế giới ngày nay cần được xem xét trong tính chính thể của nó với đặc điểm nổi bật là sự phụ thuộc lẫn nhau. Hầu như đã không tồn tại quan niệm về một thế giới lưỡng cực với việc tuyệt đối hóa sự đối lập giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Trên thực tế, không nhất thiết hai hệ thống này phải đối đầu và loại bỏ nhau mà trong khi song song tồn tại vẫn có thể trao đổi nhau, thậm chí cộng tác với nhau trong quá trình tìm kiếm những mô hình phát triển kinh tế và xã hội. Chính sách tự biệt lập bao giờ cũng phải trả giá đắt ngay cả đối với các nước lớn. Không ai có thể đứng vững trong tình trạng cô lập.

Trong Chương II, một trong các nguyên tắc cơ bản xây dựng xã hội đã được nêu là

"thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị với tất cả các dân tộc".

Mục Chính Sách Đối Ngoại trong Chương IV cũng đã được mở đầu:

"Mục tiêu của chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới".

Cương lĩnh cần quán triệt tư tưởng này.

Ở Mục Ba Chương IV lẽ ra nên đưa phần có tính chất tuyên bố chung lên trên:

"Việt Nam sẵn sàng thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau, trên cơ sở năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình".

Đây là chính sách chung sẽ được duy trì và tồn tại lâu dài. Các đối sách riêng với từng nước, từng cộng đồng chỉ là bộ phận, có thể sẽ biến đổi khá nhanh trong xu thế phát triển của thế giới ngày nay....

Việc xếp ba vấn đề vào Chương IV với tiêu đề "Quốc phòng, an ninh và chính sách đối ngoại"  rất khó chấp nhận.

Trước hết, nó gieo cảm giác rằng chúng ta luôn luôn đặt vấn đề quan hệ quốc tế trong phạm trù cảnh giác và đối phó. Lĩnh vực đối ngoại cần nêu thành một trong những phần chính thuộc đường lối chung và chính sách đối ngoại phải được cụ thể hóa từng phần để quán triệt trong tất cả các chính sách kinh tế, xã hội, khoa học và giáo dục. Đường lối đối ngoại cần vạch tiền đề cho các chính sách tạo ra hệ thống mở – không chỉ trong kinh tế mà cả trong văn hóa-xã hội, đặc biệt là trong khoa học-kỹ thuật. Ủng hộ các hình thức giao tiếp của con người trên quy mô toàn thế giới là biện pháp quan trọng có tính quyết định đẩy nhanh tiến bộ khoa học-kỹ thuật.

Chủ trương này đã được thể hiện qua các mệnh đề:

"mở rộng, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ. Khuyến khích các quan hệ trực tiếp của các cơ sở, các hiệp hội và cá nhân với bên ngoài".

Trên bình diện rộng hơn, các chính sách đối ngoại sẽ giúp dân tộc ta hòa nhịp nhanh chóng hơn vào cộng đồng thế giới, thâm nhập được những nét chung của tồn tại con người, những đặc điểm chung của bản tính con người, những nhu cầu chung của đời sống nhân loại.

 

Một thời kỳ mới đã được mở ra từ Đại hội VI. Cương lĩnh của Đảng và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của nước ta đến năm 2000 sẽ được thông qua tại Đại hội VII, sau khi đã bổ sung, sửa đổi, nếu thật sự là tập hợp tinh hoa của trí tuệ và tâm huyết toàn Đảng, toàn dân, thì chắc chắn sẽ góp phần đưa đất nước tiến nhanh tới vững mạnh, phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

 

Nguyễn Thanh Giang

 (Trích mục Góp Ý Kiến Vào Các Dự Thảo Văn Kiện Đại Hội VII, báo Nhân Dân 05/01/1991)