Vì Sao Đến Nay Việt Nam Mới Gia Nhập WTO?Giữa lúc mấy nền kinh tế trong khu vực đang phải vật lộn gay go với những khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính –tiền tệ và triển vọng phục hồi kinh tế Châu Á rất mờ mịt, giữa lúc vai trò của APEC đối với công cuộc phát triển kinh tế khu vực và thế giới còn rất mơ hồ thì Việt Nam quyết định gia nhập APEC vào năm 1998. Đó là một quyết định sáng suốt và đúng đắn. Nhờ tham gia APEC, Việt Nam đã thu được những nguồn lực kinh tế rất đáng kể ( chiếm 80% kim ngạch ngoại thương, 75% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hơn 50% viện trợ phát triển chính thức ODA của Việt Nam …); và … hôm nay ta được đón tiếp 10 nghìn quan khách gồm các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng, các doanh gia, các nhà báo … từ 21 nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đến với Việt Nam trong tư cách chủ tich Hội nghị APEC 14. Có thể đây đó xì xèo rằng khoản chi 200 triêu USD, trong đó 20 triệu USD ( 320 tỷ VNĐ ) dành riêng cho tuyên truyền, sửa sang, tô vẽ bộ mặt chính quyền trước người nước ngoài là quá tốn kém và hơi vô lương tâm đối với thực trạng đời sống công nhân, nông dân nhiều nơi còn quá gieo neo; nhà trường, bệnh viện còn vô cùng thiếu thốn … Dẫu sao, nhìn cảnh các nguyên thủ quốc gia lần lượt bước hết đường thảm đỏ dài mới được đến bắt tay ông chủ tịch nước mình ; lại thấy các ông, các bà đều phải mặc lễ phục Việt Nam đứng nghiêm nghe ông chủ tịch Việt Nam đọc tuyên bố chung APEC … thì ít ra, trong một phút, cũng thấy đựoc cái hồn thiêng dân tộc rực lên trong tâm trí. Bức tranh Trống Mái trên vịnh Hạ Long thì đằm thắm quá, hoành tráng quá ! Ai không yêu thương, không ngậm ngùi cùng đất nước này cho được. Cũng đã từ cách đây 12 năm ( tháng 12 năm 1994 ), Việt Nam nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Đấy cũng là việc tất nhiên nên làm. Bởi vì, trong gần 200 nước thành viên Liên Hiêp Quốc thì đã có gần 150 nước bao gồm trong thể chế WTO với 90% dân số nhân loại và làm ra 95% GDP toàn cầu. Người ta tính rằng, trong kỷ nguyên thương mại mà WTO cầm chịch này, cứ mỗi một trăm USD được tạo ra trong xuất khẩu trên thị trường thế giới có đến 97 USD chảy về các nước giầu và chỉ 3 USD còn lại là đến tay các nước nghèo. Cho nên, quốc gia hoặc lãnh thổ nào không tham gia vào kỷ nguyên này là tự loại mình ra khỏi làn sóng phát triển và phồn vinh của nhân loại. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận gia nhập WTO, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lớn: - Một là : Được tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở tất cả các nước thành viên với mức thuế nhập khẩu đã được cắt giảm và các ngành dịch vụ không bị phân biệt đối xử. - Hai là : Với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế theo cơ chế thị trường và thực hiện công khai minh bạch các thiết chế theo quy định của WTO, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. - Ba là : Có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, có cơ hội để đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn, hợp lý hơn, có điều kiện để bảo vệ lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp. - Bốn là : Gia nhập WTO, hội nhập kinh tế thế giới sẽ giúp thúc đẩy tiến trình cải cách trong nước, bảo đảm cho tiến trình cải cách của Việt Nam đồng bộ hơn, có hiệu quả hơn. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng thừa nhận phải vào WTO mới được chen vai thích cánh cùng nhân loại khi ông phát biểu rằng “ Cần phải ra biển xa mới bắt được cá lớn, nếu chỉ quanh quẩn trong bờ thì chỉ bắt được cá nhỏ mà thôi ”. Trước đây 7 năm, ngày 5 tháng 12 năm 1999, trong bài “ Hội nhập và chủ quyền ”, người viết bài này cũng đã từng thiết tha cổ súy : “ Đừng cam tâm dầm chân trong vũng hẹp, bởi như vậy chính là đánh mất chủ quyền một cách hổ nhục. Hãy “ Giương cánh buồm to như mảnh hồn làng ” mà “ phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trùng khơi ” ( Thơ Tế Hanh ) vào cái biển toàn cầu hóa đầy sóng gió. Chỉ cần chọn cho được những người thực sự tài đức ra đứng mũi chịu sào và phát huy cho được tiềm năng to lớn của dân tộc bằng một cơ chế thật sự dân chủ thì từ đấy buồm sẽ thêm no gió toàn cầu; từ đấy, tổ quốc ta sẽ như một con rồng bay lên ”. Đọc lại bài viết đó, người ta không chỉ gặp lời cổ súy trên mà cả đoạn lý giải, trần tình thống thiết dưới đây : “ Vậy thì, sao vẫn lại cứ tiếp tục chần chừ, ngần ngại ? !. Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sau đằng đẵng 3 năm, qua 8 vòng đàm phán đã được ký tắt, thế mà còn bị gác lại. Làm sao hiểu nổi khi một việc hệ trọng đến mức Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII phải dành cho một mục riêng mang tiêu đề "Tích cực và chủ động thâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế", trong đó xác định rõ: "Tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và WTO, có kế hoạch cụ thể để chủ động thực hiện các cam kết trong khuôn khổ AFTA" mà rồi đến phút cần quyết định để không lỡ thời cơ lại có thể trục trặc như vậy được ? ! Trong suốt 3 năm trời, qua 8 vòng đàm phán chắc là gay go, căng thẳng, lẽ nào Bộ Chính trị không chỉ đạo trực tiếp, Trung ương không được nghe báo cáo đủ 8 lần hoặc chí ít vài bốn lần. Hãn hữu lắm, nếu Bộ chính trị và Trung ương không có thời giờ theo dõi, chỉ đạo suốt quá trình thì đến bước tối hậu trước khi quyết định ký tắt, tất cả nhất định đã phải được "đâu vào đó" rồi chứ ! Sao lại đến nông nỗi này ? Mà, khi đã khúc mắc đến nông nỗi ấy thì toàn thể Ban Chấp hành Trung ương phải được báo cáo tường tận để bàn bạc nghiêm túc cho ra nhẽ. BCHTW vẫn thấy lấn cấn thì xin thêm ý kiến của Quốc hội. Quốc hội cũng còn phân vân thì trưng cầu ý kiến toàn dân. Vấn đề không chỉ ta biết mà Mỹ cũng biết thì việc gì mà phải bí mật với nhân dân mình…. Người viết bài này, với ý thức công dân nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm không thể thiếu đối với nhân dân, với tổ quốc mình, rất muốn được lật qua lật lại, được bàn bạc cặn kẽ về những điều hơn lẽ thiệt, về sự nên hay không nên trong ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ nhưng bất lực vì " khung cảnh bí mật " của nó. Bài viết đành chỉ dừng ở mức lý luận chung chung và ước định sơ sài bởi lẽ đó. Thận trọng bao giờ cũng là một đức tính cần thiết, nhưng liệu ở đây có phải là sự thận trọng tỉnh táo và hợp lý không? Hay chỉ là sự thận trọng bị lợi dụng, bị thao túng…. Chúng ta luôn luôn nhắc nhở nhau cảnh giác trước âm mưu "diễn biến hoà bình", nhưng, sẽ nguy hiểm hơn bội phần nếu chúng ta mất cảnh giác trước thủ đoạn xảo quyệt của ông bạn vàng phương bắc đang ra sức tô mạc "diễn biến hoà bình" thành một con ngáo ộp không có thật để hù dọa rồi khoái chí mở cờ trong bụng, nhìn ta ngây ngô tự cô lập mình, tự dựng rào sắt trước thế giới tiên tiến, chỉ để lại một lối hẹp đủ chui lọt vào ống tay áo họ . Ôi ! Trở lại kiếp nô lệ này mới thực sự cay đắng. Hơn bất kỳ nỗi cay đắng nào ! Không thể không thận trọng, không thể mất cảnh giác nhưng hoàn toàn có thể và phải tự tin. Trong thế giới toàn cầu hóa, tất cả các quốc gia đều tuỳ thuộc lẫn nhau trong mối tương quan hai chiều ở mức độ này hay mức độ khác. Ngày nay, không phải cứ nước giàu làm chủ và hoàn toàn sai khiến được nước nghèo như tôi tớ, không phải nước lớn thả sức áp chế được nước nhỏ. Huống chi, ta cũng có nhiều thế mạnh của một quốc gia 79 triệu dân với 4000 năm lịch sử, có vị trí địa lý chiến lược, có tài nguyên phong phú. Mới chỉ mươi năm, nhờ đổi mới, nhờ sự kích thích của hội nhập, ta đã tạo được 10 mặt hàng chủ yếu khả dĩ chiếm lĩnh được thị trường thế giới. Trong đó: gạo đứng thứ hai, cà phê, hạt điều, cao su đều có thứ bậc cao trong hàng xuất khẩu trên thế giới. Bên cạnh đó là dầu thô, hàng may mặc, hải sản, than đá, giầy dép, lạc nhân, chè, thiếc v v..... ở một số lĩnh vực nhất định và trên phương diện nào đó, các nước khác tất cũng phải phụ thuộc vào ta. Ngày nay, độc lập dân tộc không thể chỉ được bảo đảm bằng ý niệm đơn giản " Nam quốc sơn hà, nam đế cư " mà chủ yếu phải là khả năng quốc gia đó có bảo vệ được chủ quyền của mình trước những tác động ngày càng sâu rộng của xu thế toàn cầu hóa hay không. Nước ta tuy còn nghèo, nền kinh tế còn èo uột, vốn thiếu, sức cạnh tranh của hầu hết các mặt hàng kém, nhưng khi bước vào nền kinh tế thông tin, kinh tế trí tuệ, ta sẽ có lợi thế nếu tận dụng được tiềm năng chất xám vô cùng quý giá trong tư chất con người Việt Nam. Ðiều này, không chỉ những người Việt Nam tự tôn mà rất nhiều người nước ngoài cũng đã từng nói. Xin nêu thêm một dẫn chứng nhỏ. Tin học vốn là một lĩnh vực còn bỡ ngỡ đối với ta. Vậy mà, tại kỳ thi tin học quốc tế thứ 11 tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỹ tháng 10-1999, đội tuyển nước ta đã giành vị trí thứ nhất, trên tất cả 60 đội tham gia. Trong đó có cả các cường quốc tin học như Nga, Trung Quốc... Bốn em trong đội tuyển đi thi thì 3 đoạt huy chưương vàng, một đoạt huy chương bạc ”. Ngày nay, đọc lại những lý giải lê thê, những trần tình thống thiết như thế có thể người ta sẽ buồn cười. Chuyện đương nhiên mà khổ lắm, sao cứ phải nói lằng nhằng mãi thế! Sự thật là, việc thực thi chủ trương hội nhập lúc bấy giờ gian nan lắm, tính mạng người thực thi chông chênh lắm. Cánh bảo thủ dưới sự chỉ đạo của các “ lãnh tụ ” già nua đầy quyền uy luôn hăm dọa : Hòa nhập rất dễ dẫn đến hòa tan, như vậy là mất chủ quyền, là uổng phí bao nhiêu năm xương máu, là mắc mưu “ diễn biến hòa bình ”, là ăn phải bả tư bản … Cho nên, Lê Khả Phiêu mặc dù đã phải hô khẩu hiệu thật to: “ Hòa nhập nhưng quyết không hòa tan !”, song đến khi cần quyết định cho một hành động quan trọng thì bỗng nhiên lại hốt hoảng điện ngay Phan văn Khải dừng ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ ( người ta bảo ngày đó ông tổng bí thư này nhận được chỉ thị của tình báo Hoa Nam qua Nguyễn Chí Vịnh, Lê Đức Anh, Đỗ Mười ) Lúc đó, Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã được Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký tắt tại Mỹ và thủ tướng Phan văn Khải cũng như tổng thống Bill Clinton đã đem theo các đoàn tùy tùng của mình đến New Zeeland để sẵn sàng ký kết chính thức. Khi người đến chìa tay ra với ta thì ta hắt hủi phũ phàng để đến nay phải chạy theo van nài mà vẫn cứ còn đang phải thót tim chờ đợi xem tháng 12 này Hoa Kỳ có chịu ban bố PNTR cho Việt Nam không?! Vì mỗi ngày chậm gia nhập WTO, nền kinh tế của ta thiệt khoảng 16 tỷ VNĐ, nên ta mong ngày mong đêm mà hết năm 2004 vẫn chưa được, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội … đã phải nêu quyết tâm cao phấn đấu đạt cho được mục tiêu gia nhập vào năm 2005; vậy mà trước Đại hội X, Tổng cục 2 vẫn “ huấn thị ” : “ Cơ quan tình báo Hoa hải ngoại nhận định :” Việt Nam không nên sốt sắng gia nhập WTO vì, nếu Việt Nam xem việc gia nhập WTO là một mục tiêu ưu tiên, đồng nghĩa với sự “ đổi mầu“ của xu hướng chính trị ngày một gia tăng, do những điều kiện gia nhập WTO đưa ra về mặt cải cách ” ” ( Báo cáo của Bộ Quốc phòng tại Hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng ngày 24 tháng 8 năm 2004 ). Rõ ràng bàn tay điều hành của tình báo Hoa hải ngoại gớm ghiếch quá, thâm hiểm quá ! Nghĩ lại bây giờ vẫn thấy lạnh sống lưng. Nếu chưa khống chế được sự lũng đoạn vô cùng nguy hại của nó thông qua Tổng cục 2 ; nếu Đại hội X không loại được thần uy của Đỗ Mười – Lê Đức Anh và tay chân của họ thì nay Việt Nam vẫn chưa vào WTO. Thành quả lớn này đạt được chính nhờ đóng góp bằng sự xả thân hết sức tích cực của “ anh em dân chủ ”. Thế mà ! Công lao ấy được Đảng, Chính phủ …trả ơn bằng hàng loạt đòn thù hiểm ác: đấu tố, bôi bẩn, bỏ tù, cắt điện thoại, nhốt trong nhà suốt Hội nghị APEC 14 … và được gọi bằng cái tên “ bọn cấp tiến phản động ” ! Ai mà không thể không rơi nước mắt trước cảnh tình éo le, oan khuất này ! Không hẳn chúng tôi là cấp tiến. Chính là do Đảng bị các thế lực bảo thủ lạc hậu đầy quyền uy trì kéo nên đã không dựa được vào sức mạnh bản thân dân tộc để vươn lên đúng nhịp thời đại, đã bỏ lỡ quá nhiều thời cơ. Chắc chắn không thể ngụy biện rằng sự chậm trễ này là do phải thận trọng, phải để có thời gian chuẩn bị thật đầy đủ. Bởi vì, nói như vậy có nghĩa là việc quyết định đầu đơn gia nhập WTO của Đảng, Chính phủ từ cách đây 12 năm là mù quáng, là huyễn hoặc sao ? Nhớ rằng vào WTO cách đây dăm năm, trước Trung Quốc, vừa dễ dàng hơn, vừa có lợi hơn vì ít chịu những quy định khắt khe hơn. Campuchia yếu hơn ta nhiều mặt nhưng cũng đã vào WTO trước ta khá lâu. Ai công bố cho được những thiệt thòi to lớn không đáng có gây ra bởi sự dùng dắng trong quyết dịnh gia nhập WTO này để thấy được bọn người kia mới chính là phản động và đáng bị trừng phạt, thay vì chúng tôi. Thản hoặc mới thấy một người biết đau xót trước những mất mát, thiệt thòi đó của đất nước, của dân tộc mà rụt rè than thở như nhà sử học-đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc : “ …ai cũng coi việc gia nhập WTO là một thành tựu lớn mà không thấy ai băn khoăn đặt câu hỏi, vì sao ta lại là thành viên thứ 150, tức là đã có 149 nước vào trước và số còn lại không đáng là bao trong tổng số các quốc gia có mặt trên quả địa cầu này ” ( bài “ Nhân đôi ý nghĩa ”, báo Lao động ra ngày 12 tháng 11 năm 2006 ) . Cho dẫu chỉ có vậy cũng đã là một tín hiệu tương ứng tương cầu không những an ủi mà còn giúp chúng tôi tự tin hơn để càng quyết tâm tiếp tục dấn thân đấu tranh hạn chế những sai lầm trì trệ của đảng CSVN ngõ hầu góp phần xóa đi những mặc cảm tủi buốn của một dân tộc cứ lẽo đẽo đi sau trong khi có đầy những tư chất trác việt mà nhân loại nể trọng.
Hà Nội, những ngày Hội nghị APEC 14 Nguyễn Thanh Giang Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý máy bay Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
|