Hội nhập và chủ quyền
Bàn về hội nhập và chủ quyền có lẽ cũng khó như bàn về cái tôi và cái ta, về mối quan hệ giữa nguyên tử và vũ trụ. Mà, như Blaise Pascal (1623-1662) đã từng luận trong tác phẩm nối tiếng "Hai cái vô cùng": cái vô cùng lớn lao như vũ trụ và cái vô cùng nhỏ bé như nguyên tử. Trước thiên nhiên, Pascal cho rằng con người là "một cái hư vô đối với cái vô cùng, một cái toàn thể đối với cái hư vô". Tuy nhiên, Karl Marx có nhãn quan tích cực hơn khi ông nói trong "Tư bản luận": "Chúng ta tuyệt đối không thống trị tự nhiên như kẻ đi chinh phục thống trị một dân tộc nào khác... Hay như một kẻ đứng ngoài tự nhiên ; ngược lại, ta thuộc về tự nhiên. Toàn bộ sự thống trị đó là ở chỗ, khác với các sinh vật khác, chúng ta biết các quy luật của tự nhiên và sử dụng đúng đắn các quy luật đó". Thật vậy, "nếu chỉ thấy khía cạnh đối lập thì không thể nào không thấy con người là mong manh. Trái lại, nếu nhận thức được rằng ta là bàn tay, là bộ óc của vũ trụ, ta ở trong vũ trụ và vũ trụ có trong ta thì không việc gì phải rợn ngợp trước vô cùng, vì hữu hạn là ta mà vô cùng cũng là ta". Toàn cầu hóa - xu thế lịch sửÝ tưởng thế giới đại đồng đã được Khổng Tử nêu lên từ khoảng 550 năm trước Công nguyên. Ông nói trong thiên Lễ Vận "Đạo lớn được thực hành thì thiên hạ là của chung". Về sau, Khang Hữu Vi cụ thể hóa ý tưởng đó bằng chủ trương lập một "Công nghị chính phủ" cai quản cả thế giới, không phân biệt quốc gia, dân tộc, thông qua một số ban bệ, phụ trách các mặt đời sống tinh thần và vật chất (Đại đồng thư). Ở phương Tây, Emmanuel Kant (1724-1804) cũng từng kêu gọi xây dựng một "liên bang" toàn thế giới vì phồn vinh của loài người và tự do của mỗi người. Ông cho rằng trong xã hội như vậy thì "các thành viên của nó được tự do cao nhất... ở đó mới có thể thực hiện được mục đích tối cao của tự nhiên là phát triển mọi tư chất của tự nhiên chứa đựng trong nhân loại". Khi chủ nghĩa tư bản mới ra đời, trước thực tế sức sản xuất phát triển mạnh mẽ đẩy tới mối giao thương quốc tế ngày càng rộng rãi. Marx và Engels đã nhận định : "Thay cho tình trạng cô lập truớc kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc". Từ đó, cách đây 150 năm, trong Tuyên ngôn của đảng Cộng sản, hai ông đã chỉ ra rằng : "Đại công nghiệp đã tạo ra thị trường thế giới" Thị trường thế giới về đại thể được hình thành qua ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn quốc tế hóa thương phẩm. Trong thế kỷ qua mậu dịch thương phẩm thế giới không ngừng tăng trưởng, vượt quá cả tỷ lệ tăng trưởng của tổng giá trị sản phẩm thế giới. Đến nay, khoảng 1/5 sản phẩm và dịch vụ của nền sản xuất thế giới đã trở thành thương phẩm được tiến hành giao dịch ở nước ngoài. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn quốc tế hóa về vốn. Ban đầu, dòng chảy của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu từ các nước phát triển đổ vào các thuộc địa hay các nước lạc hậu. Việc đầu tư vào thuộc địa của các nước đế quốc thời kỳ này nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ở chính quốc. Ở đây, tư bản đầu tư thu được lợi nhuận cao nhờ nguồn nguyên liệu phong phú và giá nhân công rẻ mạt ở bản quốc. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, do các nước ở châu Ấu bị tàn phá nặng nề, cần nhiều vốn đầu tư để phục hồi nền kinh tế và xây dựng đất nước nên dòng vốn đầu tư nước ngoài đã đổi hướng vào các nước công nghiệp này. Kế hoạch Marshall được vạch ra và các nhà tư bản Mỹ đã ồ ạt đầu tư vào châu Ấu để vực dậy phần lục địa bị chiến tranh tàn phá, nhằm cứu vãn tình thế cho những đồng minh của Mỹ. Khi các nước Tây Ấu đã được vực dậy, cùng với Nhật Bản và Mỹ, thế giới đã hình thành tam giác kinh tế với 3 trung tâm là Mỹ, Tây Ấu và Nhật Bản thì các nước công nghiệp phát triển chủ yếu đầu tư lẫn nhau và thực hiện sự liên minh kinh tế nhằm củng cố tiềm lực kinh tế và vị trí chính trị trên trường quốc tế. Tuy nhiên, đến đầu thập kỷ 90 do suy thoái kinh tế diễn ra rộng khắp, lãi xuất và lợi nhuận đầu tư vào các nước công nghiệp phát triển giảm mạnh, các nhà đầu tư phải tìm địa bàn mới ở các nước đang phát triển để tăng lợi nhuận. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào các nước đang phát triển tăng lên trong thập kỷ qua nhưng chủ yếu giành cho các nước có trình độ phát triển tương đối cao. Chỉ 20 nước đang phát triển kinh tế năng động nhất đã thu hút tới 87% lượng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Hơn 100 nước đang phát triển còn lại chỉ thu hút được hơn 10% trong tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào "thế giới thứ ba". Giai đoạn ba là giai đoạn quốc tế hóa sản xuất. Biểu hiện rõ nét nhất là sự phát triển các công ty xuyên quốc gia và sự hiệp tác quốc tế về sản xuất với quy mô lớn. Những công ty xuyên quốc gia đầu tiên xuất hiện từ cuối thế kỷ 19. Một số xí nghiệp của các nước công nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức sản xuất tại chỗ và tiêu thụ tại chỗ. Đó là công ty dầu lửa Shell của Anh - Hà Lan, công ty điện khí Simon của Đức... Ngày nay, bàn tay công ty xuyên quốc gia đã vươn tới khắp nơi trên thế giới, chiếm 40% giá trị tổng sản phẩm toàn cầu, 50-60% mậu dịch thế giới, 80-90% danh mục sản phẩm công nghệ cao. Chín mươi phần trăm tổng kim ngạch đầu tư quốc tế là do các công ty xuyên quốc gia khống chế. Các phương thức giao dịch kinh tế quốc tế không ngừng mở rộng các hình thái ngày càng cao hơn. Từ những buôn bán theo lối hàng đổi hàng tới các thương vụ thông qua hiệp định thương mại có thỏa thuận song phương và đa phương về thuế quan rồi tiến đến thiết lập các hợp đồng dài hạn về ưu đãi thuế quan như kiểu AFTA. Ngày nay, những giao dịch quốc tế đã đạt cấp độ rất cao thông qua các liên minh kinh tế và liên minh tiền tệ. Từ đấy ra đời các đồng tiền chung như đồng EURO, ngân hàng trung ương chung, sự phối hợp các chính sách kinh tế, sự chia sẻ hàng loạt chức năng và thể chế quốc gia thông qua một nghị viện chung như trong Liên minh Châu Ấu... Mái nhà chung châu Ấu đang không ngừng trải rộng và được củng cố thông qua tiến trình toàn cầu hóa về kinh tế đồng thời kéo theo cả tiến trình toàn cầu hóa về quân sự, về chính trị, về giáo dục, về khoa học kỹ thuật... đang để lộ ra mầm mống của trạng thái nhất thể hóa toàn cầu. Có nhà nghiên cứu đã lạc quan nhật xét : "Toàn cầu hóa là hình thức bên ngoài của nhất thể hóa, nhất thể hóa là cơ chế bên trong của toàn cầu hóa ; toàn cầu hóa là tiền đề của nhất thể hóa, nhất thể hóa là xu thế phát triển của toàn cầu hóa". Nếu quả có như vậy thật thì điều kỳ vọng ngày nào : "Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em" của chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn được hát lên viên mãn hơn : "Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương nhân loại đều là anh em". Trong xu thế toàn cầu hóa, cũng đồng thời thấy xuất hiện ngày càng rõ những yếu tố khu vực hóa như EU, ASEAN, NAFTA, APEC, AFTA, MERCOSUR... Đây là những phản ứng kiềm chế, là sự liên minh bảo vệ của các quốc gia cùng hoàn cảnh hay sự tập dượt tự nguyện, sự tạo mô của tế bào cho cơ thể toàn cầu hóa hoàn chỉnh ? Vừa qua, một số quy định của các tập đoàn khu vực như có biểu hiện sai khớp với xu thế toàn cầu hóa và nhất thể hóa. Đó là việc các tập đoàn châu Ấu liên kết lắp ráp sản phẩm rồi bán phá giá sang châu Á, làm cho Nhật Bản bị thiệt hại nặng nề ; Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ thực hiện quy tắc giữ nguyên sản phẩm địa phương đối với các nước thành viên được hưởng sự ưu đãi miễn thuế đã làm cho mậu dịch của các nước đó quay về hướng nội và bài ngoại đối với mậu dịch ngoài khu vực... Dẫu sao, nhìn chung, khu vực hóa chỉ là cục bộ, tạm thời, cho nên không gây trở ngại rõ rệt đối với sự phát triển của mậu dịch tự do. Nhất thể hóa kinh tế khu vực có thể xem là giai đoạn tất yếu cuối cùng phải trải qua để thực hiện nhất thể hóa kinh tế toàn cầu. Đẩy mạnh nhất thể hóa kinh tế toàn cầu sẽ bảo đảm cho trào lưu khu vực hóa ngày càng phát triển lành mạnh. Đến lượt mình, nhất thể hóa kinh tế khu vực lại trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển nhất thể hóa kinh tế toàn cầu. Dự báo của một số nhà nghiên cứu lớn cho rằng đến giữa thế kỷ sau, thế giới sẽ hình thành ba vòng tròn kinh tế lớn ; vòng tròn kinh tế châu Mỹ xoay quanh Hoa Kỳ, vòng tròn kinh tế châu Ấu với Liên minh châu Ấu là trung tâm, vòng tròn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, đứng đầu là Nhật Bản. Hội nhập quốc tế - cơ hội và thách thứcNhà tương lai học Mỹ trứ danh Alvin Toffler đã đưa ra trong tác phẩm "Tạo dựng một nền văn minh mới - Chính trị của làn sóng thứ ba" một nhận định : "Do các nền kinh tế đang bị cải biến bởi làn sóng thứ ba, cho nên họ bắt buộc phải nhượng bộ một phần chủ yếu và đành chấp nhận những sự xâm nhập kinh tế và văn hoá ngày thêm gia tăng tiến sâu từ nước nọ vào nước kia. Bởi thế, trong lúc các nhà thơ và các nhân vật trí thức của các khu vực chậm tiến về kinh tế sáng tác những khúc thánh ca, quốc ca, thì các nhà thơ và các nhân vật trí thức của nước làn sóng thứ ba lại cất lên tiếng hát ca ngợi những đức tính của một thế giới "không biên giới" và "ý thức hành tinh". Từ đó dẫn đến những va chạm, thực chất là sự phản ánh những đòi hỏi khác nhau sâu sắc của hai nền văn minh khác nhau từ căn bản, và có thể, trong những năm tới đây cũng sẽ gây ra một số trận lưu huyết khốc liệt nhất". Thật vậy sau đại chiến hai, đặc biệt là từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, trên vũ đài lịch sử, cuộc chiến thế giới đã chuyển từ lĩnh vực quân sự, chính trị và lĩnh vực hình thái ý thức sang lĩnh vực kinh tế. Có những nhận định cho rằng chỉ có nền kinh tế thế giới cũ mới dẫn đến kết cục là một trạng thái lưỡng cực mà đầu này là một số ít nước giàu có và đại bộ phận các nước đang phát triển nghèo khổ là ở đầu kia. Trong thế giới ngày nay, sau khi Hiệp định buôn bán chung được thiết lập, người ta đã nhận thức rõ tiến trình nhất thể hóa kinh tế thế giới không thể xây dựng trên hệ thống của sự phân công quốc tế bất hợp lý. Mối quan hệ phân công hiệp tác ngày nay phức tạp hơn nhưng phải dựa trên điều kiện công bằng ở các trình độ sản xuất phát triển cao độ. Vì vậy, Hiệp định chung đã phải áp dụng một loạt biện pháp hỗ trợ, kể cả chế độ ưu đãi mà trong đó các nước phát triển phải đơn phương ưu đãi các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy các nước này nâng cao được trình độ của sức sản xuất. Nhờ vậy bốn "Con rồng Châu á", Brazin, Achentina có được tốc độ phát triển kinh tế cao hơn cả các nước phát triển. Thực tế cho thấy có nước chỉ trong 40 năm đã đi trọn được con đường dài mà các nước tư bản công nghiệp phát triển phải lặn lội mấy trăm năm. Đây là điều không thể có trong thời đại duy trì chính sách bảo hộ mậu dịch. Chính sách dựng hàng rào thuế quan trước đây đã tạo ra sự chia cắt kinh tế giữa các nước. Hiệp định chung về buôn bán thông qua nhiều vòng đàm phán về buôn bán đa phương giảm thuế đã đưa suất thuế quan trung bình của các nước phát triển từ 36% vào năm 1948 xuống dần tới không. Thuế suất thuế quan của các nước đang phát triển cũng giảm mạnh. Nhờ gạt bỏ dần những trở ngại quan thuế, mậu dịch quốc tế phát triển rất mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiệp định buôn bán chung còn giúp thúc đẩy mạnh các dịch vụ du lịch, vận chuyển, ngân hàng, kiến thức... và các mậu dịch kỹ thuật. Mậu dịch dịch vụ và mậu dịch kỹ thuật là biểu hiện sự phát triển của sức sản xuất xã hội và kết quả của sự điều chỉnh cơ cấu ngành, là dấu hiệu quốc tế hóa sản xuất. Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là 3 trụ cột lớn của kinh tế thế giới, bảo đảm sự thăng bằng thu chi quốc tế của các nước và giữ cho tỷ giá hối đoái của đồng tiền tương đối ổn định, thúc đẩy sự phát triển mậu dịch quốc tế, tạo điều kiện cho kinh tế thế giới sau chiến tranh có được một thời kỳ hoàng kim phát triển với tốc độ cao. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng lợi ích và những cơ hội mà toàn cầu hóa mang lại được phân phối rất bất công. Chênh lệch về thu nhập giữa 20% số người giầu nhất so với 20% số người nghèo nhất trên thế giới ở năm 1960 là 30 lần, năm 1990 tăng 60 lần, năm 1997 vượt tới 74 lần. Hai trăm người giầu nhất thế giới, trong 3 năm (1995 - 1998) đã tăng của cải của họ lên gấp hơn hai lần (trên 1.000 tỷ USD). Ba người giàu nhất thế giới có của cải nhiều hơn tổng sản phẩm quốc dân của 600 triệu người bao gồm trong 48 nước chậm phát triển nhất của thế giới (UNDP, 1998) Trong phạm vi một lãnh thổ như Liên bang Nga thì khoảng 80% vốn tài chính được tập trung ở Moskva, 12% ở Saint Petersburg, chỉ 8% sót lại trang trải cho toàn bộ phần còn lại của đất nước. Chính vì thế mà đường phố Moskva tràn đầy những xe hơi phương Tây sang trọng, các khu nghỉ mát bờ Địa Trung Hải lũ lượt những du khách Nga. Trong khi đó năm 1998, theo các con số chính thức, 21, 7% số dân trong Liên Bang Nga có thu nhập dưới mức tối thiểu cho nhu cầu tồn tại. Còn ở Trung Quốc, nơi vẫn tuyên bố kiên trì đường lối chủ nghĩa xã hội, thì tại các tỉnh đặc khu kinh tế ven biển, tỷ lệ nghèo khổ trong xã hội đã giảm xuống còn 20%, trong khi tại một tỉnh nội địa, số dân đói nghèo vẫn còn đến 50%. Martin Khor, Giám đốc mạng lưới thế giới thứ ba chuyên nghiên cứu xử lý các vấn đề kinh tế, môi trường và phát triển theo quan điểm của thế giới thứ ba cho rằng các nước phát triển đang hoạch định chiến lược đưa thêm vào tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) những áp lực mới về đầu tư, cạnh tranh, mua sắm của chính phủ, môi trường và tiêu chuẩn lao động... Về vấn đề đầu tư, các nước công nghiệp phát triển thúc ép đưa ra quy tắc buộc tất cả các nước thành viên WTO phải để các nhà đầu tư nước ngoài có quyền được tham gia cổ phần hóa hoặc lập doanh nghiệp mà họ sở hữu 100%. Doanh nhân nước ngoài và công ty nước ngoài phải được đối xử tốt (hoặc tốt hơn) doanh nhân hoặc các công ty trong nước. Bãi bỏ những hạn chế đối với nguồn vốn tự do chảy vào hoặc rút ra khỏi nước chủ nhà. Vậy nhưng, các thị trường tài chính quốc tế ngày nay, như lời các nhà nghiên cứu, giống như một sòng bạc khổng lồ toàn cầu, trong đó những con bạc cá cược vào sự dao động từng phút của thị trường tài chính chẳng chút liên quan gì tới các hoạt động kinh tế thực sự. Thị trường tài chính nhộn nhịp và biến hóa đến nỗi người ta đang phải tích cực trở lại bàn định về việc sử dụng thuế Tobin để "ném một ít cát vào ngọn lửa đầu cơ tiền tệ nhằm làm giảm sự giao động của tỷ giá hối đoái". Năm 1980 bình quân giao dịch ngoại hối hàng ngày là 80 tỷ USD, ngày nay con số đó là 1.500 tỷ USD. Song, chín phần mười chu chuyển tư bản đó thực chất là đầu cơ chứ không phải sản xuất. Trong lĩnh vực sản xuất thì các công ty xuyên quốc gia đang thay thế chủ thể quốc gia dân tộc trong các hoạt động kinh tế quốc tế. Thực hiện chiến lược kinh doanh toàn cầu hóa xuyên quốc gia về chế tạo, lắp đặt và tiêu thụ sản phẩm, công ty xuyên quốc gia coi cả thế giới là xưởng sản xuất và thị trường tiêu thụ của mình. Trong tình hình các công ty xuyên quốc gia đang chi phối mạnh nền kinh tế và tài chính của thế giới như hiện nay, các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với nguy cơ doanh nghiệp bé nhỏ của mình sẽ bị sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài hùng hậu hơn bội phần chèn lấn, xóa sổ hoặc thế chỗ. Nếu không đủ sức sáng suốt hoạch định chiến lược và sách lược, những món lợi nhuận kếch xù sẽ bị các công ty xuyên quốc gia vơ đầy túi chuyển về các nước phát triển. Trong khi đó, các xí nghiệp bản địa căn bản chỉ là những bãi thải công nghệ và máy móc thiết bị lỗi thời, đầu độc ô nhiễm nặng nề vào môi trường thiên nhiên và xã hội. Về vấn đề mua sắm của chính phủ, mục tiêu của các nước giàu là đưa các quyết định, thủ tục và chính sách chi tiêu của chính phủ của tất cả các nước thành viên vào dưới ô bảo trợ của WTO - nơi mà nguyên tắc "đối xử quốc gia" sẽ được áp dụng. Theo nguyên tắc này, các chính phủ sẽ không còn có thể dành ưu đãi hoặc ưu tiên cho các công dân hoặc công ty nước mình trong việc mua sắm và hợp đồng làm dự án được nữa. Về vấn đề cạnh tranh, trong khi Lão Tử - nhà triết học cổ Trung Hoa đã phán quyết trong "Đạo đức kinh" rằng : "Trên hết, không được cạnh tranh", thì học thuyết Thatcher luôn cho rằng cạnh tranh bao giờ cũng là một đức tính mà kết quả của nó không thể là xấu. Bà đã từng nói : "Nhiệm vụ của chúng ta là giành vinh quang trong sự bất bình đảng và bảo đảm cho tài nghệ và năng lực được thả sức phát huy vì lợi ích của tất cả chúng ta". Giá trị trung tâm trong học thuyết của Margaret Thatcher và trong bản thân chủ nghĩa tự do mới là khái niệm cạnh tranh - cạnh tranh giữa các quốc gia, các khu vực, các công ty và tất nhiên giữa các cá nhân. Ở cấp quốc tế, những người theo chủ nghĩa tự do mới đã tập trung mọi nỗ lực đẩy nhanh ba tiến trình : tự do mua bán hàng hóa và dịch vụ, tự do lưu thông vốn, tự do đầu tư. Mở rộng phạm vi định nghĩa về đầu tư nước ngoài, nó sẽ bao gồm không chỉ đầu tư nước ngoài trực tiếp mà còn gồm cả đầu tư chứng khoán và mua tài sản. Martin Khor, cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính Châu á ít nhất cũng đã dạy cho thế giới một bài học là các nước đang phát triển sẽ chịu rủi ro ghê gớm khi bị yêu cầu tự do hóa nền kinh tế của mình quá nhanh hoặc phải tham gia vào toàn cầu hóa một cách thiếu suy sét. Khi các doanh nghiệp và trang trại trong nước chưa sẵn sàng để cạnh tranh với các công ty thiện nghệ và khổng lồ của nước ngoài, khi không còn có thể ưu đãi hoặc bảo hộ các nhà đầu tư, các cơ sở doanh nghiệp và nông nghiệp trong nước được nữa, các nước đang phát triển phải đối mặt với nguy cơ sản phẩm của họ bị sức cạnh tranh mạnh mẽ của công ty nước ngoài áp đảo. Toàn cầu hóa sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn hay lắm nguy cơ hơn đã và vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Không phải chỉ có sự e ngại từ các nước đang phát triển mà ngay tại Hoa Kỳ, mặc dù trong vòng 6 năm qua, nhờ mở rộng thương mại, đã tạo thêm được 20 triệu chỗ làm mới và những công nhân làm việc trong lĩnh vực thương mại được hưởng mức thu nhập cao hơn 25% so với những lĩnh vực khác, nhưng ngay hôm khai mạc Hội nghị Liên minh Thương mại Quốc tế (30/11/1999) tổ chức tại Seatle (Mỹ) hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối các chính sách tự do hóa của WTO. Nhiều người lo ngại rằng toàn cầu hóa nền kinh tế theo các phương thức dự kiến sẽ dẫn đến tình trạng chuyển hết việc làm từ các nước công nghiệp hóa sang những nước nghèo vì tại đây chi phí lao động rẻ hơn. Ông Mike Moore, giám đốc điều hành Tổ chức Thương mại Thế giới thì nói : "Tôi chưa bao giờ thấy sự tương phản nào giữa thương mại và lao động... Thương mại đã tạo ra việc làm và thu nhập để thực hiện những giấc mơ của chúng ta về một nền y tế và giáo dục tốt hơn". Ông khẳng định rằng, chính sự nghèo đói là nguyên nhân chủ yếu khiến cho điều kiện làm việc và sự suy thoái môi trường trở nên khó chấp nhận. Để khắc phục vấn đề đó, cần phải thúc đẩy hơn nữa quá trình thương mại và kinh doanh, bởi vì, khi mức sống được cải thiện thì các yếu tố khác như giáo dục, y tế, môi trường và điều kiện sống sẽ được cải thiện. Việt Nam với vấn đề hội nhập quốc tếQuá trình hội nhập cưỡng bức hoặc không tự giác của Việt Nam với nền văn hóa, chính trị, kinh tế Trung Hoa và ấn độ diễn ra ngay từ trước Công nguyên ; sau đó, với Nhật Bản và thế giới Phương Tây từ khoảng thế kỷ 15. Năm Giáp Dần (1614), đời Chúa Sãi đã có người Bồ Đào Nha tên là Jean de la Croix đến lập lò đúc súng ở Thuận Hóa. Các doanh nhân Bồ Đào Nha có lẽ cũng là những người châu Ấu đầu tiên sang buôn bán ở Hội An và Phố Hiến. Đến năm 1637, đời vua Lê Thần Tông khi chúa Trịnh Tráng cho người Hà Lan đến mở cửa hiệu thì Phố Hiến đã trở thành nơi buôn bán sầm uất nổi tiếng với câu ca "thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Khu phố trung tâm thương mại lớn đầu tiên của nước ta lúc bấy giờ có tới 2000 nóc nhà. Noi gương Nhật Bản thời Minh Trị thiên hoàng, nhờ mở cửa để phương Tây vào buôn bán, đầu tư nên chỉ sau 40 năm đã trở nên cường thịnh, đủ sức đánh tan cả hạm đội Nga hùng mạnh vào năm 1905, các nhà nho yêu nước cấp tiến đầu thế kỷ 20 như Nguyễn Trường Tộ, Phan Chu Trinh.... đã dấy lên phong trào Duy tân với khẩu hiệu : "Duy tân dĩ trí nhân, duy tân dĩ phú dân, duy tân dĩ cường quốc" (Duy tân để khôn người, duy tân để dân giàu, duy tân để nước mạnh) Những tiền đề và truyền thống hội nhập quốc tế tốt đẹp như vậy không phải nước nào cũng từng có. Ngày nay, yếu tố mới của thời đại càng câu thúc mạnh mẽ hơn. Bởi vì, như Marx đã phán đoán "Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh". Chẳng những thế, Marx còn khẳng định : "Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp tư sản là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục". Cho nên, tại Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương khóa VII, Tổng bí thư Đỗ Mười cũng đã phải phát biểu "Trong thời đại ngày nay, bất cứ nước nào, dù phát triển đến đâu, cũng không thể tự khép kín được. Với điểm xuất phát rất thấp như nước ta, tranh thủ nguồn lực bên ngoài là rất quan trọng. Phải có chính sách khôn khéo, cách làm có kết quả để mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài nhằm khai thác tốt nhất tiềm lực và lợi thế bên trong" Tuy vậy, trong lịch sử cận - hiện đại, thực tế cho thấy, chúng ta đã đi những bước ngập ngừng và khá chậm chạp trên tiến trình hội nhập quốc tế. Năm 1977, tức là sau 32 năm Liên hiệp quốc ra đời và đã có nhiều đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh và phát triển quốc tế, ta mới bắt đầu gia nhập tổ chức này. Trong bản danh sách thành viên gia nhập Liên hiệp quốc ta đứng sau nhiều nước kém phát triển ở Châu á, châu Phi. Ngay cả đối với Tổ chức hợp tác phát triển khu vực ASEAN rất gần gụi, ta cũng loay hoay mãi để khi được kết nạp chính thức vào ngày 28 tháng 7 năm 1995 thì bị xếp ở vị trí thứ 7 trong thứ tự 10 thành viên của tổ chức này. Dẫu sao, nhờ đổi mới nhận thức, chỉ trong thập kỷ qua, tiến trình hội nhập quốc tế của ta đã có bước chuyển biến quan trọng và đạt được những tiến bộ vượt bực. Nếu đánh giá tốc độ hội nhập quốc tế bằng cách sử dụng hiệu số giữa mức gia tăng bình quân hàng năm của thương mại với mức gia tăng bình quân hàng năm của tổng sản phẩm thì từ 1986 đến 1995 tốc độ hội nhập trung bình của thế giới vào khoảng 2, 8%, trong khi đó, tốc độ hội nhập quốc tế của Việt Nam là 55, 1% ở thời kỳ 1991-1995. Tháng 11 năm 1998, ta chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Kinh tế Châu á - Thái Bình Dương (APEC), và tháng 12 năm 1994 cũng đã đệ đơn gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Nhờ hội nhập quốc tế, nền kinh tế của ta rõ ràng khởi sắc. Từ chỗ trì trệ tối tăm, vượt qua được khủng hoảng, vươn lên đạt nhịp độ tăng trưởng cao hơn hẳn trước. Bộ mặt đất nước bắt đầu có dáng dấp công nghiệp và hiện đại. Mở rộng thương mại và khuyến khích đầu tư dường như đã tạo ra được cú hích mạnh, làm sống động lại nền kinh tế đất nước, làm cho con người trở nên năng động khẩn trương trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Suốt bao nhiêu năm làm ăn với Comecon, trong vòng tay của khối SEV nhưng cho đến 1986, kim ngạch xuất khẩu của ta chỉ ở mức 439 triệu rúp + 350 triệu USD, tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm đến thời kỳ 1986-1990 cũng chỉ là 1370 triệu rúp - đô la ; vậy mà, thoắt một cái, năm 1997 đã đạt 9 tỷ USD và năm 1999 này dự kiến xuất khẩu có thể đạt 11, 2 tỷ USD (đến hết tháng 11/99 đã đạt 10, 2 tỷ) Cuối năm 1987 ta mới ban hành Luật Đầu tư nước ngoài thì cuối 1997, vào thời kỳ hoàng kim, đã thu hút được 2300 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 32 tỷ USD, trong đó vốn đã thực hiện vào khoảng 14 tỷ. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI từng chứng tỏ được vị trí quan trọng thật sự trong nền kinh tế nước ta. Nó đóng góp tới gần 9% GDP, 35% tổng giá trị sản lượng công nghiệp, trên 22% kim ngạch xuất khẩu. Nếu kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI năm 1991 mới chỉ đạt 52 triệu USD thì 7 năm sau, đã tăng 40 lần để đạt được con số 1 tỷ 982 triệu USD. Vậy thì, sao vẫn lại cứ tiếp tục chần chừ, ngần ngại ?!. Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sau đằng đẵng 3 năm, qua 8 vòng đàm phán đã được ký tắt, thế mà còn bị gác lại. Làm sao hiểu nổi khi một việc hệ trọng đến mức Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII phải dành cho một mục riêng mang tiêu đề "Tích cực và chủ động thâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế", trong đó xác định rõ : "Tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và WTO, có kế hoạch cụ thể để chủ động thực hiện các cam kết trong khuôn khổ AFTA" mà rồi đến phút cần quyết định để không lỡ thời cơ lại có thể trục trặc như vậy được ?! Trong suốt 3 năm trời, qua 8 vòng đàm phán chắc là gay go, căng thẳng, lẽ nào Bộ Chính trị không chỉ đạo trực tiếp, Trung ương không được nghe báo cáo đủ 8 lần hoặc chí ít vài bốn lần. Hãn hữu lắm, nếu Bộ chính trị và Trung ương không có thời giờ theo dõi, chỉ đạo suốt quá trình thì đến bước tối hậu trước khi quyết định ký tắt, tất cả nhất định đã phải được "đâu vào đó" rồi chứ ! Sao lại đến nông nỗi này ? Mà, khi đã khúc mắc đến nông nỗi ấy thì toàn thể Ban Chấp hành Trung ương phải được báo cáo tường tận để bàn bạc nghiêm túc cho ra nhẽ. BCHTW vẫn thấy lấn cấn thì xin thêm ý kiến của Quốc hội. Quốc hội cũng còn phân vân thì trưng cầu ý kiến toàn dân. Vấn đề không chỉ ta biết mà Mỹ cũng biết thì việc gì mà phải bí mật với nhân dân mình. Phải chăng, hơn bao giờ hết, lúc này cần nhắc nhau ôn lại lời Bác Hồ : "Dễ trăm lần : không dân cũng chịu, khó vạn lần : dân liệu cũng xong" Người viết bài này, với ý thức công dân nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm không thể thiếu đối với nhân dân, với tổ quốc mình, rất muốn được lật qua lật lại, được bàn bạc cặn kẽ về những điều hơn lẽ thiệt, về sự nên hay không nên trong ký kết Hiệp định Thương Mại Việt Nam Hoa Kỳ nhưng bất lực vì "khung cảnh bí mật" của nó. Bài viết đành chỉ dừng ở mức lý luận chung chung và ước định sơ sài bởi lẽ đó. Thận trọng bao giờ cũng là một đức tính cần thiết, nhưng liệu ở đây có phải là sự thận trọng tỉnh táo và hợp lý không ? Hay chỉ là sự thận trọng bị lợi dụng, thị thao túng. Sau chiến thắng 1975, tưởng rằng đất nước sẽ vĩnh viễn sạch bóng quân thù. Trớ trêu thay, ta vẫn còn phải đánh giặc, thậm chí cả những cuộc chiến đẫm máu. Thế rồi, cho đến ngày nay, liệu còn kẻ thù không kẻ thù của ta là ai ? là cái gì ? nó ở đâu ? Chúng ta luôn luôn nhắc nhở nhau cảnh giác trước âm mưu "diễn biến hòa bình", nhưng, sẽ nguy hiểm hơn bội phần nếu chúng ta mất cảnh giác trước thủ đoạn xảo quyệt của kẻ nào đó đang ra sức tô mạc "diễn biến hòa bình" thành một con ngáo ộp không có thật để hù dọa rồi khoái chí mở cờ trong bụng, nhìn ta ngây ngô tự cô lập mình, tự dựng rào sắt trước thế giới tiên tiến, chỉ để lại một lối hẹp đủ chui lọt vào ống tay áo họ. Ôi ! Trở lại kiếp nô lệ này mới thực sự cay đắng. Hơn bất kỳ nỗi cay đắng nào ! Bởi vậy, hãy tỉnh táo, đừng chần chừ mà phải khẩn trương thực hiện chủ trương của Đại hội VIII : "Giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Dựa vào nguồn lực trong nước là chính đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài... Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả" Không thể không thận trọng, không thể mất cảnh giác nhưng hoàn toàn có thể và phải tự tin. Trong thế giới toàn cầu hóa, tất cả các quốc gia đều tuỳ thuộc lẫn nhau trong mối tương quan hai chiều ở mức độ này hay mức độ khác. Ngày nay, không phải cứ nước giàu làm chủ và hoàn toàn sai khiến được nước nghèo như tôi tớ, không phải nước lớn thả sức áp chế được nước nhỏ. Huống chi, ta cũng có nhiều thế mạnh của một quốc gia 79 triệu dân với 4000 năm lịch sử, có vị trí địa lý chiến lược, có tài nguyên phong phú. Mới chỉ mươi năm, nhờ đổi mới, nhờ sự kích thích của hội nhập, ta đã tạo được 10 mặt hàng chủ yếu khả dĩ chiếm lĩnh được thị trường thế giới. Trong đó : gạo đứng thứ hai, cà phê, hạt điều, cao su đều có thứ bậc cao trong hàng xuất khẩu trên thế giới. Bên cạnh đó là dầu thô, hàng may mặc, hải sản, than đá, giầy dép, lạc nhân, chè, thiếc v.v... ở một số lĩnh vực nhất định và trên phương diện nào đó, các nước khác tất cũng phải phụ thuộc vào ta. Ngày nay, độc lập dân tộc không thể chỉ được bảo đảm bằng ý niệm đơn giản "Nam quốc sơn hà, nam đế cư" mà chủ yếu phải là khả năng quốc gia đó có bảo vệ được chủ quyền của mình trước những tác động ngày càng sâu rộng của xu thế toàn cầu hóa hay không. Nước ta tuy còn nghèo, nền kinh tế còn èo uột, vốn thiếu, sức cạnh tranh của hầu hết các mặt hàng kém, nhưng khi bước vào nền kinh tế thông tin, kinh tế trí tuệ, ta sẽ có lợi thế nếu tận dụng được tiềm năng chất xám vô cùng quý giá trong tư chất con người Việt Nam. Điều này, không chỉ những người Việt Nam tự tôn mà rất nhiều người nước ngoài cũng đã từng nói. Xin nêu thêm một dẫn chứng nhỏ. Tin học vốn là một lĩnh vực còn bỡ ngỡ đối với ta. Vậy mà, tại kỳ thi tin học quốc tế thứ 11 tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỹ tháng 10-1999, đội tuyển nước ta đã giành vị trí thứ nhất, trên tất cả 60 đội tham gia. Trong đó có cả các cường quốc tin học như Nga, Trung Quốc... Bốn em trong đội tuyển đi thi thì 3 đoạt huy chương vàng, một đoạt huy chương bạc. Đừng cam tâm dầm chân trong vũng hẹp, bởi như vậy chính là đánh mất chủ quyền một cách hổ nhục. Hãy "giương cánh buồm to như mảnh hồn làng" mà "phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trùng khơi" vào cái biển toàn cầu hóa đầy sóng gió. Chỉ cần chọn cho được những người thực sự tài đức ra đứng mũi chịu sào và phát huy cho được tiềm năng to lớn của dân tộc bằng một cơ chế dân chủ thật sự thì từ đấy buồm sẽ thêm no gió toàn cầu ; từ đấy, tổ quốc ta sẽ như một con rồng bay lên. Hà Nội 5 tháng 12 năm 1999 Nguyễn
Thanh Giang
|