Hà Nội ngày 6 tháng 6 năm 2005-06-17
Kính gửi ông Phan Văn Khải – Thủ tướng nước
CHXHCN Việt Nam
Đồng kính gửi ông George Bush – tổng thống Hợp
Chủng Quốc Hoa Kỳ
Tôi nhiệt liệt quan nghênh
cuộc hội kiến giữa thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống G. Bush
tại Washington vào tháng 6 năm 2005 này. Tôi cầu mong chuyến
viếng thăm này sẽ góp phần tích cực, mở ra một trang sử mới
trong mối bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Lịch sử đã từng ghi nhận
rõ ràng mối thiện cảm bang giao hữu hảo giữa hai đất nước chúng
ta: Việt Nam – Hoa Kỳ. Ngay sau khi lập quốc, đại diện chính phủ
đầu tiên của Hoa Kỳ tại Pháp T. Jefferson đã đặt vấn đề mua gạo
của Việt Nam. Năm 1892, tổng thống Hoa Kỳ thứ 7 Andrew Jackson
đã gửi quốc thư mở quan hệ buôn bán với triều Minh Mạng. Đáp
lại, năm 1873, nhà ngoại giao Bùi Viện, vâng mệnh vua Tự Đức đã
sang gặp tổng Thống Ulyses Grant cầu viện kháng Pháp...
Nhưng rồi, sự trớ trêu của
lịch sử cũng đã đẩy chúng ta vào cuộc chiến tương tàn suốt nhiều
năm cuối thế kỷ 20. Vết thương đau đớn đó chắc chắn còn nhức
buốt tâm can chúng ta không biết đến bao giờ. Không thể quên bài
học lịch sử cay đắng đó, nhưng ta cần nhìn lại nó mỗi ngày với
cái đầu càng tỉnh táo hơn, với tấm lòng càng nhân ái hơn để nhận
cho được đấy là những sai lầm vô cùng đáng tiếc của cả hai bên.
Từ đấy, hãy cùng thành khẩn sám hối, cùng quyết tâm sửa chữa,
cùng ra sức vượt qua và tìm mọi biện pháp tốt nhất để bù đấp
lại.
Tất cả những ai có suy
nghĩ tỉnh táo, khách quan đều có thể tin và đồng ý với Đại sứ
Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Adrew Young khi ông tuyên bố hồi tháng
1 năm 1977: “Một nước Việt Nam mạnh và độc lập là phù hợp với
lợi ích quốc gia Hoa Kỳ”. Chắc chắn, đấy cũng là nhận thức, là
ước mong của nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ. Đạo trời nhất
định cũng phù hộ điều đó. Điều quan trọng còn lại là: sứ mạng
đôn đốc thực thi và tích cực hiện thực hóa điều đó ngày nay đang
đè trên vai quý vị.
Hy vọng những đàm đạo chân
tình, thực sự biết người biết ta giữa quý vị sẽ dẫn đến việc Hoa
Kỳ tích cực ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, mở rộng hơn nữa mối
quan hệ khăng khít cả trong giao thương kinh tế, khoa học-công
nghệ, xã hội – chính trị và quân sự. Việc Hoa Kỳ sớm trở lại Cam
Ranh trên cơ sở thỏa thuận tốt đẹp giữa 2 bên không chỉ sẽ đáp
ứng nhu cầu tăng cường thế phòng thủ quân sự cho mỗi bên Việt
Nam và Hoa Kỳ mà còn góp phần ổn định tình hình chung trong khu
vực.
Hãy xích lại gần nhau
trong tình bằng hữu chân thành và thực sự tôn trọng lẫn nhau, vì
quyền lợi của cả hai nước chúng ta. Tuy nhiên, để có thể sát
cánh bên nhau trong tình bằng hữu, chúng ta không chỉ cần vượt
qua quá khứ lỗi lầm mà còn cần xích lại gần nhau hơn trong những
nhận thức về các giá trị chung của nhân loại.
Việt Nam cần đổi mới thật
sự, hay nói cho thẳng thắn hơn, cần thực sự thoát xác, rũ bỏ
dứt khoát ý thức hệ chính trị lạc hậu đã trở thành thâm căn cố
đế để đến với những ý niệm mới tiên tiến về tự do và dân chủ.
Dân chủ hóa kinh tế đã đem lại những thành quả rất ngoạn mục
nhưng sự trì trệ tệ hại trong dân chủ hóa chính trị đang đẩy xã
hội Việt Nam vào trạng thái phát triển rất không lành mạnh với
một xã hội đầy những tệ đoan, trong đó tham nhũng và bất công
đang trở thành những nguy cơ lớn dẫn đến khủng hoảng nghiêm
trọng, đến sụp đổ và hiểm họa khôn tường.
Không thể để cho những tư
duy chính trị lạc hậu níu kéo, không thể đển sự bao biện quyền
lợi của tập đoàn quyền lực nào đó ngụy biện nhằm chống lại yêu
cầu dân chủ hóa đã trỏ thành rất bức thiết của nhân dân, của xã
hội. Không thể mãi hù dọa nhân dân về nguy cơ rối loạn của dân
chủ hóa. Mẫu hình dân chủ Việt Nam có thể khác Hoa Kỳ và các
nước khác nhưng những yêu cầu dân chủ, tự do, nhân quyền tối
thiểu sau đây phải được thực thi ngay:
1-
Thực sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí
của nhân dân. Bước khởi đầu tối thiểu, ngay trong năm 2005 này
cho phép 1 tờ báo tư nhân được chính thức đăng ký phát hành
trong toàn quốc. Sau khi Nhà nước ban bố chủ trương, nếu chưa ai
kịp đứng ra đăng ký thì tạm thời, tôi và đại tá Phạm Quế Dương,
nguyên chủ nhiệm Tạp chí Lịch sự Quân sự, sẽ xin đảm trách việc
tổ chức phát hành tờ báo đầu tiên này.
2-
Sửa đổi ngay Luật bầu cử Quốc hội, xóa bỏ tình trạng dân
chủ giả hiệu Đảng cử dân bầu, tạo điều kiện cho cuộc bầu cử diễn
ra vào năm 2007 là cuộc bầu cử thực sự tự do dân chủ, có sự giám
sát của quốc tế.
3-
Thả ngay tất cả những tù nhân lương tâm, trong đó có
những người bị kết tội gián điệp một cách hết sức oan ức như cựu
chiến binh Nguyễn Khắc Toàn, ký giả Nguyễn Vũ Bình, bác sỹ Phạm
Hồng Sơn... (Tôi nhớ rằng Tổng thống G Bush đã từng tuyên bố
trong diễn văn nhậm chức lần thứ 2: “Tất cả những người sống
trong sự đàn áp và vô vọng có thể biết rằng Hoa Kỳ sẽ không làm
ngơ hay biện hộ cho những kẻ đàn áp quý vị. Khi quý vị đứng lên
vì tự do cho mình. Chúng tôi sẽ đứng cùng quý vị”).
Nỗi trong đợi thì vô cùng
nhiều, trước mắt chỉ xin dè dặt nêu một vài đề nghị hết sức bức
thiết mà nếu được quý vị quan tâm với tinh thần trách nhiệm cao
cả thì hoàn toàn có thể trở thành hiện thực ngay được.
Tôi xin được bày tỏ lòng
tin cậy vào Tổng thống G Bush, người đã thành kíh nhắc lại lời
Abraham Lincoln: “Những người từ chối sự tự do cho người khác,
không xứng đáng được hưởng tư do cho chính họ; và, dưới sự cai
quản của thượng đế anh minh, không thể cầm giữ nó được lâu”. Tôi
xin được bày tỏ lòng tin vào Thủ tướng Phan Văn Khải, người từng
có công lớn trong sự nghiệp tự do hóa kinh tế Việt Nam. Nay thủ
tướng đã ngoại 70 và có thể sắp hưu trí. Mong rằng Thủ tướng hãy
vì đất nước, vì nhân dân đề cao hơn nữa bản lĩnh cao cường của
mình, bất chấp mọi uy hiếp của các thế lực đen tối, vượt lên
bằng được những quyết định sáng suốt, táo bạo cần thiết trong
chuyến công du lịch sự này.
Trân trọng,
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6- Khu tập thể Địa Vật Lý Máy bay
Trung Văn - Từ Liêm - Hà Nội
Điện thoại: 5 534370
|