Nhìn nhận về đa cực hoá thế giới

Tư tưởng chính trị lớn của Khổng Tử trước hết được thể hiện ở lý tưởng về một thế giới đại đồng. Trong thiên Lễ Vận ( Kinh Lễ ) ông từng nói: “ Ðạo lớn được thực hành thì thiên hạ là của chung ”.. Vào thời Cận đại Trung Quốc, một nhà nho khác là Khang Hữu Vi cũng nói đến lý thuyết Ðại đồng của Khổng Tử và đề ra chủ trương thành lập một “ Công nghị Chính phủ ” cai quản cả thế giới ( Ðại đồng thư ).

 

Trả lời phỏng vấn tuần báo Times của Mỹ, tổng thống Pháp Jacques Chirac lại cho rằng: “ Thế giới chỉ có một lực lượng thống trị là một thế giới đầy nguy hiểm. Chúng tôi muốn một thế giới đa cực ”.

 

Trong hồi kết công trình đồ sộ của mình mang tiêu đề “ Thăng trầm quyền lực ”, nhà tương lai học Mỹ nổi tiếng Alvin Toffler đã rút ra 25 nhận định khái quát, trong đó, các nhận định 21, 22, 23, 7 và 1. được trình bầy như sau :

 

“ - Tập trung cao độ các nguồn quyền lực là nguy hiểm ( thí dụ như Hitle, Stalin … )

- Tập trung quyền lực quá ít cũng nguy hiểm tương đương. Vì không có một chính quyền vững mạnh mà Lyban đã từ một quốc gia nghèo biến thành một quốc gia hỗn loạn vô chính phủ …

- Nếu cả sự tập trung cao độ và sự tập trung quá ít quyền lực đều tạo ra sự khủng khiếp cho xã hội, thì bao nhiêu quyền lực được tập trung là quá nhiều ? Có cơ sở cho sự xét đoán không ? Cơ sở xét đoán cho sự tập trung quyền lực quá nhiều hay quá ít liên hệ trực tiếp tới sự khác biệt giữa “ mệnh lệnh cần thiết chung cho xã hội ” và “ mệnh lệnh bội dư ”.

- … có nhiều công cụ hay đòn bẩy quyền lực khác nhau. Tuy vậy, bạo lực, của cải và tri thức là yếu tố cơ bản nhất trong chúng. Hầu hết những nguồn quyền lực khác đều xuất phát từ đó.

- Quyền lực vốn có trong mọi hệ thống xã hội và trong mọi mối quan hệ của con người. Nó không phải là một vật dụng mà là một trạng thái của tất cả và bất kỳ mối quan hệ nào giữa con người. Do đó, nó tồn tại và trung tính, thực chất, nó không tốt, cũng không xấu ”.

Vậy thì, trong thực tế, ngày nay thế giới đang vận động theo những xu thế nào ?

 

“CHÂU ÂU CẦN CHIẾM MỘT CỰC RÕ RÀNG TRONG THẾ GIỚI ĐA CỰC ”

 

Ðấy là một phần trong câu trả lời phỏng vấn tuần báo Times của tổng thống Pháp đã trích dần trên kia

 

Các nước Tây Âu trước khi xẩy ra hai cuộc Ðại chiến Thế giới đã tương đối phát triển, sau tàn phá nặng nề cuả chiến tranh, tình hình kinh tế sa sút trầm trọng, địa vị quốc tế giảm, hào quang xưa không còn, Tây Âu dần dần trở thành đối tượng tranh giành của hai siêu cường Xô- Mỹ. Ðể đối phó với mối đe doạ từ Liên Xô, các nước Tây Au phải dựa vào Mỹ, trở thành đồng minh và ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, khối Warsava giải thể, nước Nga cũng dễ đối phó, nhu cầu dựa vào Mỹ chống Liên Xô nhằm bảo đảm an ninh quốc gia bản thân của các nước Âu Châu giảm đi. Ðể thoát khỏi sự khống chế của các siêu cường, đầu những năm 50, một số nước Tây Âu đã thành lập khối EEC, đi theo con đường phát triển độc lập. Qua nửa thế kỷ phát triển nhất thể hoá, thành viên mở rộng tới 15 nước, dân số đạt 380 triệu người, diện tích lên tới 30 triệu km2, kinh tế Nam - Bắc liên kết thành một dải với sức mạnh vượt trội hơn Nhật. Trong tổng lượng kinh tế thế giới 25.000 tỷ USD hiện nay, EU chiếm 9.000 tỷ ( 36% ), tương đương với Mỹ. Gần nửa số tiền đầu tư nước ngoài của Châu Âu là ở Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ thu được hơn một nửa tổng số thu nhập ở nước ngoài của họ ở Châu Âu. Khoảng 60% tổng số tiền đầu tư nước ngoài ( FDI ) ở Mỹ xuất phát từ Châu Âu.

 

Cùng với thực lực kinh tế của toàn EU mạnh lên, tiến trình nhất thể hoá phát triển, các nước Châu Âu đang hình thành một cực độc lập, phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong công việc quốc tế. Vừa nhất thể hoá, vừa không ngừng bành trướng, chủ trương mở rộng về phiá đông, bao gồm cả Nga nhằm hình thành một Ðại Châu Âu. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị Mỹ và một số nước cảnh báo : “ EU mở rộng về phiá đông cần được tiến hành trong phạm vi không ảnh hưởng tới sự đoàn kết cuả NATO ”, “ EU mở rộng sang phía đông sẽ làm suy yếu và chia rẽ NATO ”, “ Kết nạp nước Nga vào Ðại Châu Âu là một hành động nguy hiểm sẽ dẫn đến Liên minh Châu Âu tan rã ” …

 

Cục diện Chiến tranh Lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ từ sau Chiến tranh thế giới II. Trong giai đoạn này, sức mạnh phát huy tác dụng quyết định là ý thức hệ và chế độ xã hội chung. Chuẩn tắc về lợi ích dân tộc quốc gia vốn chiếm địa vị chi phối lâu dài trong lịch sử đã nhường vị trí cho chuẩn tắc về ý thức hệ. Nhưng, cùng với việc Chiến tranh Lạnh kết thúc, tất cả những điều này đã đi vào lịch sử. Khi không còn mối uy hiếp lớn của kẻ thù chung thì mối liên kết đồng minh không còn động lực xiết chặt nữa. Sau Chiến tranh Lạnh, lợi ích quốc gia dân tộc lại nổi lên dần dần thay thế lợi ích phe phái trước đây rồi trở thành mục đích cao nhất mà các nước trên thế giới theo đuổi. Nhân tố trước đây từng thúc đẩy mối quan hệ “ sát cánh bên nhau ” giữa các nước Phương Tây để đối phó với phe trục Phương Ðông đã chuyển hoá thành mối quan hệ “ mặt đối mặt ” giữa các nước Phương Tây, tức là từ quan hệ đồng minh sang quan hệ cạnh tranh. Mấy năm gần đây, mâu thuẫn và đấu tranh giữa các nước Phương Tây có xu thế tăng lên. Ngay sau khi George Bush lên làm tổng thống, giữa các nước Phương Tây đã xuất hiện tranh luận và bất đồng về các vấn đề : Mỹ cự tuyệt ký “ Nghị định thư Kyoto ”, rút khỏi “ Hiệp ước ABM ”, quyết định bố trí “ NMD ” … Cuộc chiến tranh Iraq mới đây có thể nói là cái mốc quan trọng đánh dấu mâu thuẫn Tây- Tây gay gắt chưa từng có. Thực ra, mâu thuẫn Mỹ - Pháp trong vấn đề Iraq chẳng qua chỉ là sự kéo dài của những thay đổi của cục diện quốc tế sau Chiến tranh Lạnh. Nó được chi phối bởi tính tất yếu của tiến trình lịch sử thế giới trong thời đại mới.

 

Tuy nhiên, do chưa hình thành được chiến lược an ninh thống nhất, EU không thể có tiếng nói đối ngoại chung. Cuộc chiến Iraq lần này cũng làm cho nội bộ EU bất đồng nghiêm trọng, đồng thời cho thấy không một nước Châu Âu nào có thể cân bằng nội lực tổng hợp với Mỹ. Huống hồ, giữa Châu Âu và Mỹ còn có rất nhiều lợi ích chung.

 

Cùng với việc Mỹ - Anh giành thắng lợi nhanh chóng trong cuộc chiến Iraq, thái độ của Pháp và Ðức cũng đã thay đổi. Ngày 1 tháng 4 ngoại trưởng Pháp De Villepin nêu rõ : “ Pháp đứng về phía Anh và Mỹ trong cuộc chiến Iraq ”. Ngày 2 tháng 4, ngoại trưởng Ðức Fisher chia sẻ : “ Hy vọng chính quyền Saddam Hussein nhanh chóng sụp đổ ”. Hai nước Pháp và Ðức bắt đầu phải thay đổi thái độ nhằm khôi phục quan hệ với Mỹ. Nhưng Pháp và Ðức muốn Liên Hợp Quốc phát huy vai trò trọng tâm trong việc sắp xếp và tái thiết Iraq sau chiến tranh. Ðiều này trái với lập trưòng của Mỹ, muốn mình làm chủ trong tái thiết Iraq.

 

Sau thời gian dài tìm cách soạn thảo một chính sách đối ngoại chung, nhằm tạo sự khác biệt so với chính sách đối ngoại của Mỹ, các nước Châu Âu dường như đang đi đễn một kết luận chung rằng những lợi ích của họ chỉ có thể được đáp ứng đầy đủ thông qua một chính sách tương tự như chính sách của Washington. Vả chăng, các nước Châu Âu chắc cũng chưa thể quên ơn Mỹ trong hai cuộc thế chiến trong nửa đầu thế kỷ qua.

 

Sau chuyến thăm đầu tiên tới Châu Âu với tư cách tổng thống, George Bush đã rất điềm nhiên giải thích với các phóng viên Mỹ về cách ông đã khuất phục các nước Châu Âu khi bị yêu cầu thay đổi quyết định không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto về vấn đề môi trường: “ Tôi nói với họ rằng, tôi đánh giá cao quan điểm của họ nhưng tôi vẫn giữ nguyên lập trường của tôi ( không phê chuẩn ) bởi vì điều đó tốt cho nước Mỹ ”.

 

Vị thế của Châu Âu trong cán cân quốc tế còn được xác định qua câu nói cuả tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương: hiện nay thứ tự sắp xếp “ Ba khu vực lớn ” mà Mỹ quan tâm đã từ Châu Âu, Tây Nam A, Ðông A trước đây chuyển thành: “ thứ nhất Ðông A, thứ hai Tây Nam A, thứ ba Châu Âu ”. Châu A đứng đầu mối quan tâm của Mỹ về chiến lược. Mỹ cho rằng Châu Á “ dần dần trở thành khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất của cuộc đối kháng quân sự quy mô lớn ”. Mối quan tâm trước hết của Mỹ ở Châu A là “ vòng cung không ổn định từ Trung Ðông tới Ðông Bắc A, nơi có các cường quốc khu vực đang vươn lên, cũng có các cường quốc khu vực đang suy yếu”.

 

NATO PHƯƠNG ĐÔNG

 

Thập kỷ 1820, Châu A nói chung được coi gồm có Trung Quốc, Ân Ðộ, Ðông Nam A, Triều Tiên và Nhật Bản chiếm tới 58% thu nhập của thế giới. Nhưng Cách mạng Công nghiệp Châu Âu vào thế kỷ 19 và công nghiệp hoá của Mỹ vào thế kỷ 20 đã làm cho nền kinh tế toàn cầu thay đổi. Năm 1940, Tây Âu và bốn thuộc địa cũ của Anh gồm Mỹ, Canada, Australia, New Zeeland đã chiếm tới 56% thu nhập toàn cầu, trong khi phần của Châu Á giảm xuống chỉ còn 19% trong tổng số. Chiều hướng giảm sút này lại đảo ngược vào năm 1950, khi các nền kinh tế Châu Á bắt đầu tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ. Năm 1992, thu nhập của Châu Á đã chiếm 37% của thế giới. Nếu cứ tiếp tục tăng theo đà thì năm 2025, kinh tế Châu Á sẽ chiếm 57% kinh tế toàn cầu.

 

Ðến nửa cuối thế kỷ 20, từ 1950 đến 2000, có thể thấy trật tự khu vực Châu Á được xây dựng trên sự tan rã, suy sụp, sắp xếp lại và củng cố của cơ cấu thuộc địa do Anh chi phối trước đây. Do thực dân Anh là cường quốc biển nên hệ thống thuộc địa của nó bao gồm chủ yếu các nước và khu vực ven biển. Vì vậy trật tự Châu Á gắn liền với khái niệm Châu Á ven biển.

 

Châu Á ven biển có điều kiện thông thoáng mở cửa ra thế giới bên ngoài, được nối bằng một mạng lưới mậu dịch trải dài với các hải cảng và thành phố mậu dịch ven biển. Ơ đây. Nhật Bản là một bộ phận quan trọng của trật tự khu vực Châu Á, trong đó, Mỹ là số một và Nhật Bản là số hai.

 

Cho tới nay, Nhật Bản là nước thịnh vương nhất trong khu vực Châu Á. GDP của nước này gấp khoảng 3,5 GDP của Trung Quốc và gấp 12 lần GDP của Nga. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất trong khu vưc Ðông Nam Á. Tuy nhiên, dẫu sao Nhật Bản cũng khó có thể biến sự giầu có đáng kể của mình thành lợi thế quân sự có tính quyết định để đe doạ phần còn lại của Ðông Bắc Á. Tuy chắc chắn Nhật Bản có thể xây dựng được một đội quân chất lượng cao, trang bị tối tân, hiện đại vượt trội nhưng vẫn không đền bù nổi về mặt số lượng. Dân số Nhật Bản chỉ bằng một phần mười dân số Trung Quốc. Khoảng cách dân số này chắc sẽ càng mở rộng hơn trong tương lai.

 

Trước những điều có thể và không có thể, hạt nhân đối ngoại được lựa chọn của Tokyo sau Chiến tranh thế giới II là quan hệ Nhật - Mỹ. Sự lựa chọn này cũng rất phù hợp với chủ trương chiến lược của Mỹ hình thành một NATO Phương Ðông. Khung an ninh chiến lược của Nhật dựa trên cơ sở trục an ninh Mỹ - Nhật, trong đó, quan trọng nhất là hệ thống đảm bảo an ninh Mỹ - Nhật. Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, giành quyền chỉ đạo ở Châu Á- Thái Bình Dương, đồng thời cân bằng sự khống chế của Mỹ đối với Nhật Bản, Nhật Bản xác lập chiến lược ngoại giao đảm bảo một cơ chế an ninh ba đường tròn đồng tâm, trong đó, đường tròn gần tâm điểm là hệ thống an ninh Mỹ - Nhật, vòng tròn thứ hai là cơ chế an ninh Châu Á- Thái Bình Dương, đường tròn ngoài cùng là cơ chế an ninh Liên Hợp Quốc. Mặc dù trương cao tiêu đề kiên trì lấy quan hệ Nhật- Mỹ làm hạt nhân, Nhật Bản vẫn đang lặng lẽ chuyển dần sang hướng ngoaị giao cân bằng. Có nghĩa là Nhật Bản sẽ tự chủ hơn với Mỹ, phát huy vai trò độc lập hơn trong công việc quốc tế. Nhật Bản biết mình cần phải phát huy không chỉ giới hạn trên phương diện kinh tế, mà còn mở rộng sang cả các vấn đề chính trị toàn cầu.

 

Châu Á là địa bàn tốt nhất để Nhật Bản nâng cao tính tự chủ đối với Mỹ. Châu Á là khu vực tập trung lực lượng nước lớn, cũng là khu vực dồi dào sức sống và chứa đựng những mâu thuẫn phức tạp nhất trên thế giới. Nếu được các nước láng giềng Châu Á tin cậy và thiết lập quan hệ hợp tác tốt đẹp với các nước đó, Nhật Bản có thể cải thiện môi trường quốc tế xung quanh, loại bỏ những nhân tố địa chính trị bất lợi.

 

Ngày 6-6-2003, quốc hội Nhật Bản thông qua ba luật “ liên quan đến tình huống xung quanh ”. Ðó là : Luật về đối phó với tình huống bị tấn công vũ trang, Luật sửa đổi về đội phòng vệ, Luật sửa đổi về triệu tập hội nghị đảm bảo an ninh. Những luật này khi được thực thi thì chính phủ Nhật Bản có thể quyết định phương châm cơ bản đối phó, trao quyền cho Thủ tướng ban hành các chỉ thị và ra lệnh thực hiện cho chính quyền địa phương các cấp. Cụm từ “ tình huống xung quanh ” ở đây, theo một quan chức Nhật Bản, có thể được vận dụng như sau: a) Ðã xẩy ra tình huống tấn công. b) Dự đoán có thể bị tấn công. c) Sau dự đoán, quả nhiên bị tấn công.

 

Hiểu theo những quy định mới này, có nghĩa Ðiều 9 trong “ Hiến pháp hoà bình ” Nhật Bản ban hành sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai về việc Nhật Bản từ bỏ sử dụng vũ trang sẽ bị xoá bỏ. Ðiều đó cho thấy Nhật Bản đang chuyển mình từ nước lớn kinh tế sang nước lớn chính trị và quân sự trên thế giới.

 

Người ta thường cho rằng, trước Thế chiến II, Nhật Bản là nhà nước “ chính trị quyền lực ” dựa vào sức mạnh quân sự. Sau chiến tranh, nước này chuyển sang nhà nước “ chính trị kim lực ”, dốc sức làm kinh tế. Ngày nay, Nhật Bản có xu hướng “ chính trị ngôn lực ”. “ Ngôn lực ” ở đây không phải là khả năng ngôn ngữ theo nghĩa hẹp, mà là năng lực thông tin, là khả năng đưa ra đề án, khả năng thể hiện, khả năng nghị luận và quyết định, khả năng tổ chức thực thi các vấn đề chính trị toàn cầu.

 

Trong thế kỷ qua, nền ngoại giao Nhật Bản đã trải qua ba giai đoạn điều chỉnh :

 

   - Lần thứ nhất xẩy ra dưới thời Minh Trị ( nửa sau thé kỷ 19 ) nhằm mục tiêu đưa Nhật Bản ‘ thoát khỏi Châu Á, gia nhập Châu Âu ” và trở thành trung tâm quân sự

   - Lần thứ hai vào sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, khi Nhật là nước thua trận. Ðường lối ngoại giao và an ninh thời kỳ này là dựa vào Mỹ, thực hiện nền ngoại giao với tư thế của kẻ chiến bại, lấy phát triển kinh tế làm trọng.

   - Lần thứ ba được điều chỉnh vào cuối thế kỷ 20, tức thời kỳ trước và sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Thời kỳ này thực lực kinh tế của Nhật Bản hùng hậu nên nền ngoại giao cũng được điều chỉnh để phục vụ cho mục tiêu trở thành nước lớn chính trị trên thế giới.

 

Tại cuộc họp Ðại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 49 tháng 9 năm 1994, ngoại trưởng Kono thay mặt chính phủ chính thức yêu cầu Nhật Bản trở thành uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an. Sự kiện này chứng tỏ Tokyo muốn phát huy vai trò trong việc thiết lập trật tự quốc tế mới. Trở thành uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an sẽ là cái mốc Nhật Bản chấm dứt nỗi nhục chiến bại, khẳng định thành tựu sau chiến tranh, thay đổi vị trí chính trị quốc tế, thực hiện bước nhẩy vọt từ cường quốc kinh tế sang cường quốc chính tri.

 

TRUNG QUỐC ĐẶT CHÂN TRONG HAI TAM GIÁC

 

Chỉ thị “ Hai chống, bốn không ” ( chống bá quyền, chống cường quyền ; không trung tâm, không hạt nhân, không kết đồng minh, không tạo thành nhóm ) của Ðặng Tiểu Bình vần được Giang Trạch Dân khẳng định: “ Kiên trì và coi đó là tư tưởng ngoại giao lâu dài của Trung Quốc ”. Ðiều đó chứng tỏ ngày nay Trung Quốc chưa có khả năng biểu hiện như một đối thủ bá quyền tiềm tàng vì nước này không đủ mạnh về kinh tế như Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc duy trì lâu dài được tốc độ tăng trưởng khá cao như mấy năm qua thì chỉ sau vài thập kỷ, nhân tố then chốt chi phối sự phân chia quyền lực ở Ðông Bắc Á chính là họ. Trung Quốc có khả năng sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nước giầu có nhất trong khu vực. Với tiềm năng dân số khổng lồ, thậm chí trong tương lai Trung Quốc còn có thể trở nên giầu mạnh hơn cả Mỹ.

 

Hãy thử phác hoạ bằng mấy phép tính đơn thuần. Hiện nay, dân số Nhật Bản bằng 1/10 và GNP bình quân đầu người gấp 40 lần Trung Quốc ( 32.350 USD ). Nếu Trung Quốc hiện đại hoá đến mức mới chỉ thành một Hồng Kông khổng lồ có GNP bình quân đầu người bằng Hàn Quốc hiện nay ( 8.600 USD ), thì Trung Quốc sẽ đã có một nền kinh tế lớn gấp 2,5 lần nền kinh tế Nhật Bản và lớn gấp 1,3 lần nền kinh tế Hoa Kỳ. Nếu đạt được GNP bình quân đầu người bằng 1/2 Nhật Bản thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn gấp 5 lần nền kinh tế Nhật Bản và 2,5 lần nền kinh tế Mỹ. Khi điều đó xẩy ra, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ sử dụng sự giầu có của mình để xây dựng một bộ máy quân sự hùng mạnh. Vì những lý do chiến lược không thể khác, Trung Quốc chắc chắn sẽ theo đuổi địa vị bá quyền khu vực, đúng như Mỹ đã làm ở Tây Bán Cầu trong thế kỷ 19. Bởi vì, một nước Trung Quốc thịnh vượng không thể là một cường quốc nguyên trạng mà phải bành trướng, với quyết tâm đạt được địa vị bá quyền khu vực. Ðiều đó không hẳn là do những cuồng vọng nguy hiểm mà ít ra là vì ngôi vị thống trị khu vực, bản thân nó, là cách tốt nhất để bất kỳ nước nào muốn tăng tối đa những triển vọng tồn tại của mình.

 

Ðể thực hiện ý đồ chiến lược, Trung Quốc đã đề ra “ chiến lược hai tam giác ” với việc xây dựng tam giác Trung-Nga-Ấn và tam giác Trung-Mỹ-Nhật.

 

   Tam giác Trung-Nga-Ấn nếu được thành lập thì cũng phù hợp với ý tưởng của ngoại trưởng Nga Evgheni Primakov đã nêu trong chuyến thăm Ân Ðộ tháng 12-1998. Năm 2001, lần đầu tiên học giả ba nước tiến hành cuộc hội thảo về đề tài hợp tác ba bên tại Moskva. Ðối với ý đồ chiến lược này, có ba ý kiến khác nhau : 1 ) “ tam giác ” có thể và cần thiết lập để tạo nên đối trọng địa chính trị thật sự đối với thế giới một cực của Mỹ. 2 ) “ tam giác ” có thể được thành lập nhưng chỉ trên cơ sở hợp đồng phi chính trị giữa các nền văn minh, không nhằm chống lại các nước thứ ba và dựa trên sự liên kết và hợp tác kinh tế. 3 ) “ tam giác ” không thể hình thành bởi vì tất cả các góc của nó về kinh tế, chính trị đều gắn bó với Mỹ và như vậy lực lượng thân Mỹ mạnh hơn lực lượng mong muốn chống bá quyền.

 

Hãy xét từng cặp trong tam giác này :

 

   Cặp Trung-Nga - Trong bộ ba ở tam giác này, quan hệ Trung-Nga là gắn kết và có sức sống hơn cả.. Trong năm 2000, thương mại giữa hai nước đạt 8 tỷ USD. Sang năm 2001, thương mại đó có xu hướng tăng, vượt qua 10 tỷ USD, không kể 3-4 tỷ buôn bán không chính thức ( tiểu ngạch ) giữa các khu vực biên giới. Các dự án dầu khí trị giá nhiều tỷ USD, hợp tác quân sự-kỹ thuật, hợp tác đầu tư … giữa hai nước là đầy triển vọng. Sự hợp tác kinh tế đó có cơ sở chính trị vững vàng. Hiệp ước thân thiện láng giềng và hữu nghị được Vladimir Putin và Giang Trạch Dân ký ở Moskva ngày 16-7-2001 đã khẳng định mặt chính trị và pháp lý về sự hợp tác chiến lược lâu dài giữa hai nước.

 

Quan hệ Trung- Nga không ngừng được cải thiện và phát triển. Năm 2002, thủ tướng Nga Kasianov và tổng thống V. Putin thăm Trung Quốc. Tháng 5-2003 chủ tịch Hồ Cẩm Ðào thăm Nga. Năm 2002, kim ngạch buôn bán hai nước đạt 12 tỷ USD, 4 tháng đầu năm 2003 kim ngạch buôn bán hai nước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2002. Dự kiến với đà phát triển này, kim ngạch buôn bán hai nước có thể đạt mục tiêu 20 tỷ USD/năm.

 

   Cặp Nga-Ấn - Sau khi Liên xô tan rã, thực hiện chính sách ngả theo Phương Tây, có một thời Moskva coi nhẹ quan hệ với New Delhi, nhưng mấy năm gần đây mối quan hệ này đã được phục hồi gần như trước. Ấn Ðộ đẫ đầu tư 1,7 tỷ USD vào khai thác dầu khí ở khu vực Sakhalin ở Viễn Ðông. Ấn Ðộ coi Nga là nguồn cung cấp chủ yếu công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực hạt nhân và vũ trụ. Quan hệ quân sự Nga-Ấn luôn luôn được coi là hòn đá tảng cũng được phục hồi và tăng tiến. Ấn Ðộ tiếp tục là nước nhập khẩu lớn nhất vũ khí trang bị từ Nga. Buôn bán vũ khí hai nước hàng năm đạt 1,5 tỷ USD. Hiện nay hai nước có tới hơn 300 hạng mục hợp tác kỹ thuật quân sự. Tờ báo “ Ðộc Lập ” của Nga vừa qua cho biết 45% vũ khí trang bị của lục quân, 75% của hải quân và 80% của không quân Ấn Ðộ do Nga cung cấp. Nga cũng là nước mạnh mẽ ủng hộ Ấn Ðộ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

 

   Cặp Ấn-Trung - Theo đánh giá của giới học giả Ấn Ðộ và thế giới, quan hệ Ấn -Trung là khâu lỏng lẻo nhất trong quan hệ tam giác Trung-Nga-Ân. Dẫu rằng, trong cuộc gặp gỡ với chủ tịch Hồ Cẩm Ðào tại Saint Petersburg ( Nga ), thủ tướng Ân Vajpayee từng nói: “ Nếu hai nước Trung Quốc và Ấn Ðộ chiếm tới 1/3 dân số thế giới mà xây dựng được quan hệ ổn định bền vững thì thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Châu Á ”, thì trong thực tế hiện nay, mối quan hệ này vẫn trắc trở, quanh co theo kiểu “ một bước tiến, hai bước lùi ” và “ hoà bình lạnh nhạt ”. Bắc Kinh vẫn không chấp nhận Sikkim là một phần lãnh thổ của Ấn Ðộ và cũng không ngừng khẳng định chủ quyền đối với bang Arunachal Pradesh. Trung Quốc vẫn phản đối kịch liệt việc Ấn Ðộ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ được cơ cấu lại. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng quan hệ đối tác chiến lược với Pakistan và quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với Mianma, Bangladesh và Sri Lanca nhằm cô lập New Delhi ở tiểu lục địa này và kiềm chế Ấn Ðộ ở mức chỉ là một cường quốc tiểu khu vực.

 

Tóm lại, mặc dù có thể kỳ vọng rằng ba nước Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nga cùng nắm tay nhau hợp tác thì liên minh này sẽ làm thay đổi lực lượng trên thế giới và là động lực thúc đẩy đa cực hoá thế giới nhưng thực tế cho thấy ba nước vẫn thiếu cơ sở thực chất để trở thành trục tam giác cố kết. Ngay cả khi tất cả các quan hệ song phương tốt đẹp cũng chưa chắc đã có được hợp tác ba phương tốt đẹp. Tờ “ Người hướng dẫn khoa học đạo Cơ đốc ” của Mỹ trong số mới đây nhận xét : Nếu đặt ba món vịt quay Bắc Kinh, cừu cary New Delhi và súp Nga lên bàn tiệc thì chưa hẳn hợp khẩu vị của quan khách. Trong ba món này hầu như người Phương Tây vẫn thích món súp Nga hơn cả.

 

Cho đến nay, tam giác Nga-Ấn Ðộ-Trung Quốc không phải là một khối hay liên minh chính trị-quân sự mà là một hệ thống đối tác mềm dẻo. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là đấu tranh chống các thách thức toàn cầu, chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan quốc tế đồng thời hiệp đồng kinh tế trong điều kiện toàn cầu hoá ngày càng sâu sắc.

 

   Tam giác Trung-Mỹ-Nhật - Xây dựng và tham gia tam giác Trung-Mỹ-Nhật, Trung Quốc kỳ vọng vào việc làm giảm bớt thế tấn công của Mỹ ở Châu Á bằng quyết tâm làm cho tam giác này trở thành tam giác đều. Trung Quốc cho rằng phương thức chủ yêú tạo ra tam giác đều là tăng cường quan hệ Trung-Mỹ để quan hệ này ngang bằng quan hệ Nhật-Mỹ. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 6 năm 1998, khi tổng thống B. Clinton tuyên bố “ ba không ”, mà chủ yếu là “ không công nhận Ðài Loan độc lập ”, Trung Quốc tin rằng đã có thời cơ mở ra triển vọng nâng quan hệ Trung-Mỹ lên ngang quan hệ Nhật-Mỹ.

 

Ðặc điểm chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Clinton là coi trọng quan hệ với Trung Quốc, đưa Trung Quốc vào Câu lạc bộ những quốc gia lớn, coi Trung Quốc là bạn chứ không phải thù. Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc thời kỳ này mang tính thực dụng, xây dựng quan hệ song phương trên tinh thần hợp tác vì đôi bên.

 

Quan hệ buôn bán đóng vai trò liên kết cơ bản trong quan hệ Trung-Mỹ. Quy mô buôn bán xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư song phương cũng tiếp tục mở rộng. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại Trung-Mỹ năm 1999 đạt 61,48 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 1998, trong đó Trung Quốc xuất khẩu 41,95 tỷ, tăng 10,5%, nhập khẩu 19,53 tỷ, tăng15,7%. Sáu tháng đầu năm năm 2000 kim ngạch buôn bán Trung-Mỹ đạt 34,22 tỷ, so với cùng kỳ năm trước tăng 26,3%, trong đó Trung Quốc xuất khẩu 23,61 tỷ, tăng 30,4%, nhập khẩu 10,61 tỷ, tăng17,9%, xuất siêu 13 tỷ. Tính đến cuối 1999, tổng cộng số hạng mục đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc là 28.628, kim ngạch đầu tư theo hợp đồng đạt 52,4 tỷ USD, vốn đầu tư thực tế là 25,8 tỷ. Mỹ thành nước đầu tư nhiều nhất vào Trung Quốc trong hai năm liền. Ngược lại, các công ty thương mại và phi thương mại Trung Quốc đặt tại Mỹ cũng tỏ rõ xu thế tăng trưởng. Tính đến cuối năm 1999, tổng cộng đã có 590 doanh nghiệp Trung Quốc đặt tại nước ngoài đã được phê chuẩn hoạt động đầu tư tại Mỹ.

 

Năm 2002, khi sang thăm Trung Quốc, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ từng nói : ngoài hợp tác chống khủng bố, Trung Quốc và Mỹ còn cần hợp tác năng lượng ( chủ yếu là dầu lửa ). Ðây là lĩnh vực hợp tác mới có nhiều triển vọng giữa hai nước trong tương lai.

 

Trung Quốc là nước sản xuất dầu lửa lớn thứ 5 trên thế giới. Ðến năm 2002 đã phát hiện trữ lượng 23 tỷ tấn, sản lượng dầu hàng năm 167 triệu tấn, nhưng mấy năm qua, mức tiêu dùng dầu lửa của Trung Quốc tăng lên đến mức chỉ còn sau Mỹ và Nhật Bản. Năm 2000, phải nhập 70 triệu tấn. Năm 2002, phải nhập 69,41 triệu tấn.

 

Với khả năng sức mạnh tiềm ẩn to lớn ( do quy mô kinh tế và dân số của nước này ), tận dụng lợi thế từ việc giao thương với Mỹ, nếu Trung Quốc vươn lên được với tư cách là một bá quyền thì Ðông Bắc Á sẽ rơi vào tình trạng đa cực mất cân bằng. Kịch bản này rõ ràng là nguy cơ đối với thế giới, đặc biệt là với Mỹ. Cho nên giới elit về chính sách đối ngoại của Mỹ đang hết sức cố ngăn chặn điều đó. Một trong những chủ trương chiến lược là song song với việc trở nên thịnh vượng, Trung Quốc cần phải được dân chủ hoá. Chỉ như thế thì những cuồng vọng và cách xử sự của họ mới trở nên ôn hoà hơn.

 

Tuy nhiên, xét về thực lực kinh tế, tổng giá trị sản phẩm quốc dân Trung Quốc đến năm 2020 cũng chỉ đạt 4.000 tỷ USD, đến giữa thế kỷ 21 cũng chỉ đạt mức của quốc gia phát triển trung bình. Một số học giả còn cho rằng nền kinh tế Trung Quốc rồi sẽ bị suy thoái do những khoản nợ ngân hàng khó đòi quá lớn, ngành tài chính còn nhiều bất cập …

 

Xét về mặt quân sự, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ bằng số lẻ của ngân sách quốc phòng Mỹ. Hàng năm, chi phí quốc phòng của Mỹ đạt trên 300 tỷ USD ( bình quân 1000 USD/người ), trong khi Trung Quốc chỉ có 20 tỷ USD ( bình quân 10 USD/người ).

 

Cho nên chỉ thị “ Hai chống, bốn không ” của Ðặng Tiểu Bình có thể vẫn còn được Hồ Cẩm Ðào tuân thủ. Vấn đề quan hệ giữa “ náu mình chờ đợi ” và “ phát huy vai trò ” trong đường lối đối ngoại của Trung Quốc vẫn cứ còn được các nhà chính trị Trung Quốc bàn thảo, suy tính đắn đo. Trong giới học thuật, có quan điểm nhấn mạnh “ phát huy vai trò ” nhưng lại đặt trọng điểm vào “ náu mình chờ thời ”. Một quan điểm khác nhấn mạnh “ phát huy vai trò ” trong khi vẫn thừa nhận chiến lươc “ náu mình chờ thời ”. Lại có quan điểm “ phát huy vai trò ” ở các nước lân bang nhưng “ náu mình chờ thời ”  ở các khu vực khác. Ða số ý kiến cho rằng Trung Quốc về chiến lược cần “ náu mình chờ thời ”, về chiến thuật phải       “ phát huy vai trò ”. “ Náu mình chờ thời ” là chiến lược, “ Phát huy vai trò ” là sách lược.

 

NƯỚC NGA LẠI TRỖI DẬY

 

Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga dường như đã vứt bỏ mô hình xã hội chủ nghĩa để thiết lập chế độ tư bản theo mô hình Âu-Mỹ với niềm hy vọng trông đợi vào sự ủng hộ và viện trợ của Mỹ và Liên minh Châu Âu. Nhưng Âu-Mỹ ủng hộ Nga chủ yếu xuất phát từ ý đồ chính trị. Họ muốn nước Nga thoát khỏi bần hàn nhưng lại không muốn Nga khôi phục địa vị nước lớn với nguy cơ trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt của mình.

 

Mối e ngại của Mỹ đối với Nga xoay quanh những vấn đề sau : a ) Chủ nghĩa Cộng sản đã biến mất nhưng những người cộng sản vẫn nắm chính quyền chủ chốt trong rất nhiều ngành quan trọng, tư tưởng cộng sản vẫn bám rễ sâu. b ) Trên trường quốc tế, Nga vẫn có ảnh hưởng rất lớn. c ) Nga vẫn là một cường quốc quân sự và hạt nhân. Do những nghi ngại đó, sự ủng hộ chính trị của Phương Tây là mạnh mẽ, trong khi viện trợ kinh tế lại chần chừ. Kinh tế Nga tụt dốc liên tục, nhiều tài sản nhà nước bị thất thoát, nguồn vốn nước ngoài giảm mạnh, số người thất nghiệp tăng nhanh, chênh lệch giầu nghèo càng lớn … Một hiện trạng buồn thảm là nền kinh tế Liên bang chỉ là một chú lùn với sản phẩm quốc dân tính theo đầu người thấp hơn ba lần so với Bỉ. Về quân sự, giờ đây, quân đội Nga cũng chỉ còn là cái bóng của chính mình.

 

Một vài nhân vật đầu sỏ chính trị không có đạo đức đã tập trung phần lớn nguồn vốn của đất nước vào trong tay và đưa ra những đồng tiền vàng cám dỗ các nhà lãnh đạo quyền thế. Các tỉnh trưởng một mặt đe doạ và mặc cả với Kremli một mặt thẳng tay khai thác những khu vực của họ giống như các lãnh địa phong kiến. Một Duma ( Hạ nghị viện Nga ) hung hăng và phá rối do những người Cộng sản chi phối, ngăn cản bất cứ nỗ lực cải cách nào. Trong khi đó, Yeltsin lúc thì lưỡng lự, lúc thì cuồng nộ, đã nuôi dưỡng những bè phái cận thần tranh giành nhau vì những lợi quyền kinh tế riêng tư.

 

Những năm hỗn loạn dưới quyền Boris Yeltsin dường như đã chấm. dứt vào ngày 1 tháng 1 năm 2000, khi Yeltsin rút lui và chỉ định Vladimir Putin làm tổng thống. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong số những mục tiêu đã được tuyên bố của Putin khi lên nắm quyền là đập tan quyền lực của các nhà đầu sỏ chính trị, những người mà nhiều người Nga đã coi là các thế lực đen tối trực tiếp hay gián tiếp thao túng đất nước này trong thực tế.

 

Dưới quyền của vị Tổng thống trẻ năng động và chín chắn, hệ thống chính trị và nền kinh tế Nga cuối cùng có vẻ đã ổn định. Kinh tế tăng trưởng liên tục trong mấy năm liền : năm 1999- 5%, năm 2000- 9%, năm 2001 và 2002- 5%. Ðất nước này đã thay đổi mạnh mẽ và vững vàng qua những cải cách ngoạn mục đối với bộ luật thuế, bộ máy tư pháp và cơ cấu liên bang. Putin đã kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật của Nga tiến hành một “ cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống thủ đoạn làm tiền, sự lạm dụng trong lĩnh vực hành chính, và tham nhũng ”. Chính quyền của ông đã thể hiện một sự hiểu biết tinh thông về những nguyên nhân của tham nhũng và thông qua luật pháp để tìm cách giảm bớt tệ nạn này.

 

Trong mối hoà khí với Phương Tây, Moskva hiện đang gấp rút trong lộ trình gia nhập NATO và tổ chức thương mại thế giới WTO. Nền kinh tế qua ba năm liền tăng trưởng lại có cả một cuộc bùng nổ thị trường chứng khoán hấp dẫn đến mức ngay đến những nhà đầu tư nước ngoài đã chạy khỏi nước này sau cuộc khủng hoảng tài chính 1998 hiện cũng đang dần dần trở lại.

 

Không chỉ Phương Tây mà chính nhân dân Nga hoan nghênh đường lối đối ngoại hoàn toàn đổi mới của V. Putin. Tổng thống đã lặng lẽ chấp nhận việc Mỹ huỷ bỏ Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo và đồng ý với Washington cắt giảm 2/3 các kho vũ khí hạt nhân. Ông đã đẩy mạnh sự tham gia của Nga vào các hoạt động của NATO và dịu giọng chống đối việc mở rộng NATO sang Baltic. Sau sự kiện 11 tháng 9 Putin đã nhanh chóng bầy tỏ tình đoàn kết với Mỹ. Ông dốc lòng chia sẻ : nước Nga “ có lỗi là không thu được những tin tình báo kịp thời để thông báo cho Mỹ đề phòng cuộc tấn công của bọn khủng bố ngày 11-9 ”. Ông không phản đối việc Mỹ đóng quân tạm thời ở các nước Xô-Viết trước đây thuộc Trung Á. Sự thực là Nga và Mỹ đã trở thành đồng minh trong cuộc chiến chống Taliban và Bin Laden. Bước nhảy vọt ở cấp cao cho phép chuyển hoá quan hệ Nga-Mỹ một cách triêt để từ khi Mỹ nhận được sự ủng hộ của Nga trong chiến dịch chống khủng bố ở Afganishtan. Tổng thống Putin được giới báo chí Mỹ bình luận là “ Vị Tổng thống Nga từng là KGB trước đây, nay đã trở thành “ đồng chí”  của tổng thống Bush. Tình cảm riêng tư giữa cá nhân hai người cũng tăng lên nên rất nhiều bất đồng lớn đã được giải quyết ”. Trong quan hệ Nga-Mỹ, Mỹ không còn công khai coi Nga là “ đối thủ răn đe chiến lược ” mà là người “ đồng hành và bạn bè quan trọng trong Liên minh chống khủng bố ”. Chính phủ Bush thậm chí còn cho rằng Nga là đối tượng mà Mỹ có thể “ xây dựng ” và “ kết giao bạn bè ”. Trong chuyến thăm Mỹ cuối tháng 9 vừa qua của tổng thống Putin, Nga đã nhận được sự ủng hộ kế hoạch chống lại lực lượng ly khai Cheshnia, điều mà Châu Âu từ chối, khi G. Bush tuyên bố : “ Tôi tôn trọng quan điểm của tổng thống Putin về một nước Nga hoà bình trong phần lãnh thổ của mình, với các nước láng giềng khác và với toàn thế giới ”. Ðối lại, tổng thống Nga V.Putin khẳng định rằng : nền kinh tế và đồng đôla Mỹ mang tính toàn cầu. Việc phát triển kinh tế của Châu Âu và Nga tuỳ thuộc vào sự phát triển kinh tế của Mỹ. Chính vì vậy, Mỹ là đối tác kinh tế lớn nhất của Nga.

 

Những người Cộng sản rơi rớt lạc lõng ở Nga đã hoàn toàn thất bại, phong trào hướng Tây Phưong ngày càng áp đảo. Trong khoảng thời gian từ tháng 5-1999 ( sau cuộc khủng hoảng Cosovo ) đến cuối 9-2001, kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu Công luận Nga VCIOM cho thấy số người Nga cho rằng Mỹ “ căn bản là tốt ” hay “ rất tốt ” tăng gấp đôi, từ 32% lên 70%.

 

Kết giao với Mỹ không phải để mãi mãi lệ thuộc vào Mỹ mà đấy chính là con đường ngắn nhất để Nga lại trỗi đậy như một trong mấy cực đối trọng lớn nhất trên thế giới. Dầu lửa có lẽ đang được Nga sử dụng như vũ khí chiến thuật, chiến lược lợi hại nhất trong cạnh tranh với các đối tác lớn. Nga nhanh chóng vươn lên với tư cách cường quốc dầu lửa mới. Cuối tháng 10-2002 sản lượng dầu của Nga đạt 7,97 triệu thùng/ngày, vượt Arập Xeut. Nga nắm 12% trữ lượng dầu mỏ thế giới, mỗi năm xuất khẩu gần 200 triệu tấn dầu, đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt và thứ hai về dầu lửa.Xuất khẩu năng lượng chiếm 20% GDP, khoảng 50%-60% thu nhập ngoại tệ của nước Nga. Gần 90% mức tăng trưởng kinh tế của Nga trong thời kỳ 1999-2001 nhờ tác động của xuất khẩu dầu lửa.

 

Tháng 5-2002, “ Tuyên bố đối thoại năng lượng ” Nga-Mỹ đã được ký kết nhân chuyến thăm Nga của tổng thống Bush. Hợp tác năng lượng Nga-Mỹ vừa khởi động nhưng triển vong tương lai rất sáng sủa đối với Nga. Nhiều nhà phân tích cho rằng quan hệ hợp tác đó sẽ làm thay đổi sâu sắc bản đồ địa chính trị dầu lửa quốc tế.

 

Trong một buổi hội đàm cuối tháng 9-2003 tại Trại David, Putin đã khôn khéo “nhắc nhẹ ” Bush: “ Thật khó khăn khi nhận định về giá năng lượng vào thời điểm này. Giá nhiên liệu trên thị trường năng lượng thế giới sẽ còn tăng cao tới mức nào nếu như chúng ta không có một cuộc đối thoại như ngày hôm nay ”. Lời cảnh cáo đó hẳn phải nhập tâm tổng thống Bush khi trong thực tế, theo Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, nếu giá dầu tăng gấp hai lần thì tổng sản phẩm quốc nội Mỹ giảm khoảng 2,5%. Nếu mỗi thùng dầu tăng giá 10USD thì hàng năm Mỹ sẽ thiệt hại 50 tỷ USD và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm.

 

Nga triển khai toàn diện hoạt động ngoại giao năng lượng, với tư tưởng tổng thể “ Ðột phá Bắc Mỹ, ổn định Tây Âu, giành giật Caspi, mở mang phương Ðông, thách thức OPEC ”. Dầu lửa quả đã trao cho Nga một con bài chính trị hết sức lớn. Có thể nói, sau khi mất cân bằng chiến lược hạt nhân với Mỹ, năng lượng đang trở thành “ vũ khí chiến lược ” để Nga bảo vệ vị trí nước lớn của mình.

                                                                                                                                                     

“NHẤT SIÊU ĐA CƯỜNG”

 

Năm 1796, trong diễn văn mãn chức của George Washington - vị tổng thống đầu tiên của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ - , điều căn dặn thống thiết nhất mà ông bầy tỏ là : ? Khi mở rộng quan hệ thương mại với các nước khác, nguyên tắc lớn chi phối mọi hoạt động của chúng ta là càng ít có quan hệ chính trị với các nước bao nhiêu càng tốt. Từ trước tới nay, chúng ta đã từng có bao nhiêu lời hứa hẹn, vậy hãy để những lời hứa ấy được giữ đúng bằng một niềm tin trọn vẹn. Chúng ta hãy nên ngừng lại ở đây ”. Một thế kỷ sau đó, chủ nghĩa biệt lập vẫn luôn là nét cơ bản trong đường lối đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, dần dà về sau, đặc biệt là với trào lưu toàn cầu hoá, nước Mỹ đang bị chi phối bởi hai luồng tư tưởng trái ngược nhau : chủ nghĩa cô lập truyền thống và chủ nghĩa bá quyền toàn cầu. Sau chiến tranh lạnh, một số nhà chiến lược và quyết sách ở Mỹ đưa ra chủ trương “ giảm bớt trách nhiệm quốc tế và gánh nặng tài chính ”, thực hiện chiến lược “ co lại ” mà dư luận gọi là “ chủ nghĩa cô lập mới ”. Chủ nghĩa này mâu thuẫn với chủ nghĩa bá quyền toàn cầu, tức trào lưu toàn cầu hoá hiện nay mà Mỹ là nước đứng hàng đầu và giữ vai trò lãnh đạo. Bước vào thế kỷ 21, người Mỹ nói chung tồn tại tâm lý rất mâu thuẫn. Một mặt, muốn giữ chắc vị thế bá chủ thế giới, mặt khác lại không muốn trả giá quá cao cho sứ mệnh này. Làm sao tìm được trạng thái cân bằng tốt nhất giữa các chủ nghĩa như giữa chủ nghĩa tự cô lập và chủ nghĩa can dự; giữa chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa thực dụng. Ðặc trưng nổi bật trong đường lối ngoại giao thời kỳ đầu của chính quyền B. Clinton là chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa can thiệp. Nhưng tới nhiệm kỳ hai, khuynh hướng chính sách đối ngoại đã có phần nghiêng về chủ nghĩa thực dụng. Từ khi G. Bush lên cầm quyền, chính sách ngoại giao của Mỹ lại có xu hướng nghiêng về chủ nghĩa quốc tế. Ưu tiên số một hiện nay của Mỹ là chống khủng bố quốc tế, nhổ tận gốc các tổ chức khủng bố toàn cầu đe doạ an ninh nước Mỹ. Tiếp đó là tiến hành cuộc đấu tranh chống các “ trục ma quỷ ” mà có lần Iran, Iraq và Bắc Triều Tiên đã được điểm danh.

 

Ngay sau khi lên nắm quyền, Bush đã đưa những nhân vật cứng rắn như Cheney, Rumsfeld, Wolfowitz … giữ những chức vụ chủ chốt trong chính phủ. Những nhân vật này khi nắm quyền đã liên tiếp đưa ra những chính sách và kiến nghị về thực hiện chủ nghĩa đơn cực và bá quyền. Những chính sách này bao hàm các phương châm sau :

 

    1 - Hết sức coi trọng thực lực, nhất là thực lực quân sự, tăng chi phí quốc phòng, dùng chiếc “ gậy quân sự với sức mạnh ưu thế tuyệt đối của Mỹ ” để cải tạo thế giới. Trên cơ sở nhận thức rằng tình hình quan hệ quốc tế đã trở nên rất rối rắm, “ mọi người đều phản đối lẫn nhau ”, lương tri và luật pháp quốc tế không còn tác dụng nữa … Bởi vậy, Hoa Kỳ bắt buộc phải dùng sức mạnh quân sự.

    2 - Xây dựng “ bá quyền từ bi toàn cầu ”, thực hiện “ nền hoà bình dưới sự thống trị của Mỹ ”. Cho rằng chỉ có Mỹ mới có đủ khả năng quản lý một thế giới phức tạp như hiện nay, vì vậy phải thực hiện địa vị bá quyền của Mỹ. William Christopher- người được xem là lãnh tụ phái bảo thủ- nói: “ Nếu không có sự lãnh đạo của Mỹ thì thế giới sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Nước Mỹ chẳng những phải đối phó với những mối đe doạ và thách thức mà còn phải tạo ra một trật tự thế giới mới. Và, Mỹ có khả năng sắp xếp thứ tự này theo ý định của mình ”.

    3 - Ra sức đẩy nhanh tiến trình xuất khẩu dân chủ và các giá trị Mỹ bằng mọi biện pháp, kể cả vũ lực quân sự.

 

Ngân sách quân sự hàng năm của Mỹ bằng 40% chi phí quân sự toàn cầu, nhiều hơn tổng ngân sách quân sự của 20 nước lớn tiếp theo. Năm 2003, ngân sách quốc phòng do Lầu Năm Góc kiểm soát là 364 tỷ USD, cộng thêm 37,7 tỷ ngân sách an ninh lãnh thổ đơn lẻ, thực tế lên tới 401,7 tỷ USD. Dự toán ngân sách quân sự năm 2004 do chính quyền Bush đệ trình Quốc hội ngày 3-2-2003 là 420 tỷ USD. Năm 2009 sẽ lên tới 600 tỷ. Hiện nay, Lầu Năm góc có gần một trăm nghìn quân đóng ở Châu Âu và Viễn Ðông, và trên hai trăm nghìn quân ở các khu vực Trung Ðông và Trung Á. Số quân này luôn được hỗ trợ bằng lực lượng không quân và hải quân với các trang bị hết sức tối tân. Ưu thế trang bị vũ khí quân sự của Mỹ thể hiện ở các mặt sau: Phát triển mạnh mẽ tin học hoá chiến trường; phát triển vũ khí tấn công vòng ngoài và vũ khí trí năng tự điều khiển sau khi phóng; phát triển hệ thống vũ khí không gian ( bao gồm hệ thống chi viện và tác chiến ); phát triển hệ thống vũ khí không gây chết người mà chỉ mất khả năng chiến đấu; phát triển vũ khí cơ lý sát thương mới... Ưu thế quân sự vượt trội như là tuyệt đối của Mỹ cho phép có thể thay đổi hẳn bản chất của đối đầu quân sự. Không cần tiến hành chiến tranh “ giáp mặt ” mà là chiến tranh “ đơn phương ”. Ơ đây, hầu như chỉ thấy lực lượng quân sự Mỹ hoàn toàn áp đảo và khống chế nhanh chóng các mục tiêu quân sự, kinh tế và chính trị của đối phương ( Iraq, Nam Tư, Afganistan ).

 

Về đường lối đơn phưong hành động, George Bush tuyên bố: Mỹ sẽ cùng những đồng minh giải quyết nhiệm vụ quốc tế ở những nơi nào có thể, nhưng sẵn sàng hành động đơn phương ở những nơi nào cần thiết. Chủ nghĩa đơn phương được coi là điểm xuất phát trong nền ngoại giao của chính quyền Bush. Ðường lối cứng rắn này được thể hiện qua những chủ trương hành động đã thấy:

 

Một là, từ chối “ ràng buộc ” đa phương để đảm bảo tự do hành động của Mỹ ( rút khỏi Nghị định thư Kyoto; từ chối thi hành “ Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện; rút khỏi hiệp ước chống tên lửa đạn đạo ”; rút khỏi “ công ước cấm    mìn ” ).

 

Hai là, nhấn mạnh an ninh tuyệt đối đơn phương, tự ý phát triển Hệ thống phòng ngự tên lửa TDM.

 

Ba là, lựa chọn “ chiến lược rút khỏi các tổ chức ” hoặc nhấn mạnh hơn hành động trừng phạt.

 

Bốn là, điều chỉnh lớn các chính sách đối với Nga và Trung Quốc.

 

Một giáo sư môn quan hệ quốc tế tại đại học Boston nói: “ Dù muốn hay không, chúng ta cũng đã trở thành đế quốc Mỹ rồi ”, vần đề ngày nay không phải là Mỹ có trở thành “ nhà nước bá quyền toàn cầu không, mà là nhà nước bá quyền như thế nào ?”. Thực tế cho thấy, dù có chăng tư tưởng bá quyền nhưng văn hoá chiến lược của Mỹ cơ bản vẫn giữ nguyên tắc “ kẻ cướp cũng có lý ”. Tình hình đó khác rất xa chủ nghĩa quân phiệt Ðức, Nhật đầu thế kỷ 20. Văn hoá chiến lược thế kỷ 20 là văn hoá chiến tranh thể hiện vai trò của nó với sự tôn sùng niềm tin chiến lược của Clausewitz sử dụng bạo lực không hạn chế để thực hiện lợi ích quốc gia. Cuối thế kỷ 20, qua hai lần tỉnh ngộ, tư tưởng đế quốc, quân phiệt, sôvanh và vũ lực trên hết trong các nước lớn suy giảm, người ta không còn nhắc đến niềm tin chiến lược Clausewitz nữa. Cho đến nay chưa có dấu hiệu rõ rệt chứng tỏ Mỹ sẽ lợi dụng ưu thế siêu cường, thực hiện chính sách điên cuồng mở rộng chiến tranh quy mô lớn.

 

Mười năm sau chiến tranh lạnh, Mỹ ngày càng chiếm ưu thế trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá. Mỹ vẫn phát huy vai trò mang tính quyết định đối với sự phát triển toàn cầu . Khác với đế quốc La Mã và đại đế quốc Anh, nước Mỹ ngày nay đang phấn đấu làm một “ Ðế quốc Dân chủ ”, hay “ Ðế quốc Tự do ”.

 

Dẫu thế nào đi nữa, trong các cường quốc của thế giới, Mỹ đang là một siêu cường. Trong các cực của hoàn cầu, Mỹ là một siêu cực.

 

Kết thúc mục này, sau hơn chục trang đã khá dài dòng, để độc giả được nghỉ ngơi theo Pavlov, xin được chen vào một liên tưởng vui vui giữa xã hội với tự nhiên.

 

Người xưa tưởng rằng từ trường Trái Ðất ở đâu cũng giống nhau và địa bàn ở đâu cũng chỉ đúng hướng bắc. Về sau người ta mới biết từ trường Trái Ðất giống như từ trường của một lưỡng cực từ khổng lồ không nằm trùng mà lệch với trục quay Trái Ðất một góc chừng 11 độ. Phân tích Fourier còn cho thấy đây là trường tổng hợp của một số lưỡng cực từ phụ khác nữa. Chính vì thế, trên bản đồ thành phần thẳng đứng của Ðịa từ trường, thấy có một dị thường chính vượt trội hơn hết ở đông bắc Châu A; ngoài ra, còn có các dị thường lớn ở Canada và nam Châu Uc...

 

VIỆT NAM NÊN ÐỨNG TRONG CỰC NÀO CỦA THẾ GIỚI?

 

Tư duy về các vấn đề địa chính trị, đôi khi tôi hay liên tưởng đến bản đồ dị thường của địa từ trường. Bất cứ một điểm nào trên mặt đất, nếu không phụ thuộc vào một dị thường này thì cũng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dị thường khác. Khái niệm trường từ bình thường chỉ là một ước lệ khi ta chọn đến bậc nào trong hàm khai triển Fourier. Ta từng tham gia Phong trào Không Liên kêt quốc tế nhưng chính lúc đó ta là đồng minh khăng khít của Liên Xô, Trung Quốc, có chung mục tiêu đấu tranh cho Chủ nghĩa Xã hội đẩy lùi và tiến lên tiêu diệt Chủ nghia Tư bản. Ta thường dương cao khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do ” nhưng từ lâu ta đã trở thành nô lệ đến như mù quáng cho một hệ tư tưởng mang nhiều khuyết tật: chủ nghĩa Mác-Lênin. Ðể giành độc lập dân tộc ta đã phải viện cầu sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc nhưng rồi tự khi nào chẳng biết, ta đã tự biến mình thành đệ tử của họ, thậm chí có lúc thành tay sai của họ. Giật mình tỉnh lại, ta thấy xót xa cay đắng nhưng hình như đâu đó vẫn là tâm trạng tiếc nuối vẩn vơ chứ chưa biết phán xử bằng lý trí thật sáng suốt, thật tỉnh táo để phản tỉnh, để sám hối, để tự thấy phải cách mạng triệt để tư tưởng cũ, lý luận cũ, nhận thức sai lầm cũ.

 

Sống trên đời, tốt nhất sao cho rất ít kẻ thù và nhất định phải có bạn. Phải biết chọn bạn mà chơi. Cha ông ta đã dạy: Làm tớ kẻ khôn còn hơn làm thầy thằng dại. Bạn mà ta từng tôn lên làm thầy, người thì chưa tồn tại được nổi một thế kỷ đã sụp đổ tan tành, người thì kềnh càng, vĩ đại nhưng mãi vẫn khổ nghèo, thua kém. Ấy thế mà có ai đó biết trăn trở cật vấn: “ Tại sao ta không là bạn thân của Mỹ, là đồng minh tín cẩn của Mỹ ” thì bị phê phán ngay là có tư tưởng thân Phương Tây, là lẫn lộn bạn thù.

 

Vì sao có tư tưởng thân Phương Tây là đáng chê ? Vì sao Mỹ cứ phải là kẻ thù của chúng ta ?. ( Nói rằng vì Mỹ đã đánh ta cũng không đúng vì Tàu ngày xưa và Trung Quốc ngày nay cũng đã từng tàn sát dân ta qua những cuộc chiến rất đẫm máu ).

 

Sự thật là, chúng ta đã không may và tự mình cũng đã bỏ lỡ rất nhiều dịp để có thể và cần thiết được là bạn tốt, là đồng minh tín cẩn của Hoa Kỳ.

 

Ngay sau khi tuyên bố độc lập, chính phủ Hoa Kỳ đầu tiên đã muốn mở giao thương với Việt Nam. Tháng 7 năm 1787, đại diện Mỹ ở Pháp là T. Jefferson đã viết thư về nước đặt vấn đề nhập giống lúa của Việt Nam : “ Lúa cạn Ðằng Trong ( tức Việt Nam ) nổi tiếng là trắng thơm và sinh sản tốt. Dường như nó kết hợp được những chất lượng tốt của hai giống lúa mà chúng ta biết. Nếu có thể thay thế được, thì thật là đại phúc ”. Trong một bức thư gửi cho một quan chức khác của Hoa Kỳ, T. Jefferson có kể rằng đã gặp Hoàng tử Cảnh ( con trai Nguyễn Anh ) khi ông này du học ở Paris. Mười năm sau, một thương thuyền Hoa Kỳ ghé một cảng ở Ðàng Trong, nhưng phải ba chục năm sau đó nữa, một thương thuyền Mỹ khác mới chở về một số lụa, đường và thóc giống. Tiếc rằng về đến nơi, thóc đã bị mọt. Khi ấy lại đúng thời kỳ ở Việt Nam có trào lưu bài ngoại nên giao thương tắc nghẽn.

 

Ðầu năm 1873, sau khi chiếm được Nam Kỳ, Pháp lăm le chiếm nốt Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Trong hoang mang lo sợ, vua Nguyễn Anh đã cử nhà ngoại giao Bùi Viện sang Hoa Kỳ gặp tổng thống Ulysses S. Grant để cầu viện. Ngay lần gặp thứ nhất chính phủ Hoa Kỳ đã muốn nhận lời nhưng vì Bùi Viện không có quốc thư nên không ký được hiệp định. Lần gặp thứ hai không may lại đúng vào giai đoạn sau Nội chiến với rất nhiều vấn đề nội bộ nan giải của mình nên Hoa Kỳ không thể đưa được quân ra nước ngoài.

 

Trước cách mạng Tháng Tám, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cùng một phi công Mỹ tên là Show đi bộ sang Trung Quốc gặp viên tướng Mỹ của phe đồng minh tên là Shannon để bàn việc hợp tác chống Nhật. Mỹ đã nhận lời và gửi một số súng ống thuốc men cho máy bay thả xuống khu du kích của ta. Cũng trong thời gian này, ta đã thành lập đại đội Việt-Mỹ chống Nhật do thiếu tướng Thomas, người Mỹ chỉ huy.

 

Tiếc rằng, những năm sau này, do quan điểm lập trường giai cấp cứng nhắc, ta đã bỏ lỡ nhiều dịp tốt để có thể trở nên hữu hảo với Hoa Kỳ.

 

Năm 1977, khi tổng thống Jimmy Carter lên cầm quyền, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Andrew Young từng tuyên bố “ Chúng tôi coi Việt Nam như một Nam Tư ở Châu A; không phải là bộ phận của Trung Quốc hay của Liên Xô, mà là một nước độc lập. Một nước Việt Nam mạnh và độc lập là phù hợp với lọi ích quốc gia của Mỹ ”. Ngày 6-1-1977, thông qua Liên Xô, Mỹ đưa ra một kế hoạch ba bước về bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ: 1) Việt Nam cho biết tin về những người Mỹ mất tích trong chiến tranh. 2) Mỹ chấp nhận Việt Nam vào Liên Hợp Quốc và sẵn sàng lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, cũng như bắt đầu buôn bán với Việt Nam. 3) Mỹ có thể đóng góp khôi phục lại Việt Nam bằng cách phát triển buôn bán, cung cấp thiết bị và các hình thức hợp tác kinh tế khác.

 

Theo cựu thử trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ, trong cuốn “ Hồi ức và suy nghĩ “ thì: “ Trong đàm phán ngày 3-4 tháng 5-1977, lập trường của Mỹ là hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ngay và vô điều kiện, còn những vấn đề khác giữa hai bên để lại giải quyêt sau; Mỹ sẽ không cản Việt Nam vào Liên Hợp Quốc. Riêng về điều 21 (của hiệp định Paris về Việt Nam), Mỹ có khó khăn về pháp luật nên không thực hiện được, hứa sẽ thực hiện khi đã có quan hệ, bỏ cấm vận và xét viện trợ nhân đạo. Theo chỉ thị đã nhận trước lúc ra đi, ta cương quyết đòi phải giải quyết cả gói 3 vấn đề … Trở ngại lớn nhất cho việc bình thường hoá quan hệ là việc ta đòi Mỹ viện trợ 3,2 tỷ đôla cho ta vì quốc hội Mỹ lúc đó dứt khoát không chấp nhận viện trợ làm điều kiện cho việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam … Rõ ràng năm 1977, chính quyền Carter thực sự muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và năm 1977 đã có khả năng thực tế để ta bình thường hoá quan hệ với Mỹ, nhưng ta đã bỏ qua … Cho đến khi Ðặng Tiẻu Bình tuyên bố “ Trung Quốc là NATO Phương Ðông ” và “ Việt Nam là Cuba Phương Ðông ” ( 19-5-1978 ) và Brezínski đi thăm TQ ( 20-5-1978 ) thì chính quyền Carter đã chọn con đường bình thường hoá với TQ và gác sang bên việc bình thường hoá quan hệ với VN ”. Ðến khi ta tấn công Campuchia thì các cuộc nói chuyện giữa Mỹ với Việt Nam về bình thường hoá quan hệ thật sự chấm. dứt !

 

Cựu thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ còn kể lại rằng, trong buổi gặp chiều 8-8-1990, cố vấn Phạm văn Ðồng đã căn dặn : “ Cần tận dụng cơ hội mới này trong khi ta còn sử dụng được. Phải dám chơi với Liên Hợp Quốc, với Hội đồng Bảo an, với Mỹ và Phương Tây. Cần tranh thủ nhân tố Mỹ trong tình hình mới ”.

 

Tiéc rằng những người có đấu óc tỉnh táo trong xét đoán sự cần thiết thiết lập bang giao hữu hảo Việt-Mỹ hoặc quá ít, hoặc đều bị các thế lực bảo thủ cực đoan khống chế, hãm hại.

 

Cách đây non thế kỷ, nhà chí sỹ Phan Châu Trinh cũng đã từng than thở :

 

Học thế ấy ngưòi ra thế ấy

Quả cùng nhơn khác bấy nhiêu đâu ?

Nhơn này ta tạo đã lâu

Tạo nhơn nay phải lấy Âu làm thầy

Huống chi ta ở dưới tay người Pháp

Sáu mươi năm thấm thoắt đã qua

Lỗi lầm cũng nửa bởi ta

Cạn suy, vụng tính hoá ra lỡ làng.

 

Hãy sáng suốt cải tạo triệt để thế giới quan sai lầm cũ. Hãy đổi mới thực sự quan hệ đối ngoại để có chung thế đứng siêu cường. Từ đấy không chỉ có thể xây dựng nhanh chóng một nước Việt Nam giầu mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà còn ngăn chặn được âm mưu lấn đất, lấn biển và thôn tính Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta.

 

Hà Nội 15 tháng 10 năm 2003