Bình luận về "Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới"
Đọc thông báo của Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành
Trung ưong Đảng khoá IX, những người ưu tư thời cuộc không chỉ thở phào nhẹ
nhõm mà thấy vui tin hơn được đôi phần. Người ta thường nói hài hước : đại
hội nào tất cũng thành công tốt đẹp, nhưng có lẽ Hội nghị lần thứ Tám này
đúng là đã có những điều đáng được ghi nhận. Về “ Đề án cải cách chính sách
tiền lưong, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công " cũng có việc
cần bàn nhưng ở đây chỉ bình luận đại sự hơn về chiến lược bảo vệ tổ quốc
trong tình hình mới.
Vì sao thở phào nhẹ nhõm ? Vì trong thông báo của Hội nghị không thấy cái không khí hừng hực một cách bối rối như trong diễn văn khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư nữa. Hừng hực với chủ trương : “ xem xét các mối đe doạ, các nguy cơ không chỉ từ bên ngoài mà cả từ bên trong ". (*) ( Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 8 ). Bối rối qua nhận định : “ cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc vẫn diễn ra gay go, quyết liệt dưới nhiều hình thức; tình hình thế giới, khu vực đã và đang trải qua những biến đổi sâu sắc, phức tạp, chứa đựng nhiều yếu tố khó lường ”. ( * ) Vì sao thấy vui tin hơn ? Vì trong diễn văn bế mạc Hội nghị này, Tổng Bí thư đã trình bày được mấy nhận thức rất đúng đắn : “ Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thì sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định; nắm chắc nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng ” ( ** ) ( Diễn văn bế mạc Hội nghị TW 8 của TBT Nông Đức Mạnh ). " Bảo vệ không chỉ là phòng ngừa mà trước hết phải chăm lo xây dựng, làm cho mình mạnh lên. Kết hợp chặt chẽ xây dựng và bảo vệ từ trong mỗi con người, mỗi cơ sở " ( ** ). Rõ ràng từ diễn văn khai mạc đến diễn văn bế mạc đã có sự đổi mới cần thiết, đã có bước tiến khá xa. Trung ương có lẽ đã thực sự động não, đã dám phát huy tinh thần trách nhiệm chứ không dễ dàng răm rắp tuân theo những dự thảo mà chắc đã được Bộ Chính trị thông qua trước đó. " Trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc thì sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định ” . Nhận định đúng đắn được như vậy nên trong 6 nhiệm vụ cơ bản mà Nghị quyết nêu lên cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới thì : một là, giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi; hai là, xây dựng Đảng; ba là, nỗ lực phát triển kinh tế; bốn là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. * * * Bàn về bảo vệ tổ quốc mà vấn đề “ tăng cường quốc phòng ” được xếp vào nhiệm vụ thứ 5 trong 6 nhiệm vụ cơ bản. Tư duy này đổi mới lắm, sáng tạo lắm. Nói đổi mới, sáng tạo là so với chính chúng ta. Sở dĩ có được như vậy lại chính là nhờ chúng ta đã biết quay trở về với truyền thống cha ông . Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ba lần đại thắng Nguyên – Mông mà lời trăng trối cuối cùng cho vua Trần Anh Tông vẫn là " Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước ”. Đào Tử Kỳ- sứ thần Đại Việt đã đè bẹp ý đồ hung hãn đe doạ tiến công đập nát thành Thăng Long của quân Nguyên bằng câu nói nổi tiếng : " Thành Thăng Long kia chỉ là vật nhỏ mọn đề phòng kẻ trộm cướp vặt, phá tan nó có khó gì. Còn như để chống lại kẻ thù từ bên ngoài đến chực ăn cướp nước chúng tôi đã có một thành vững vàng như núi không kẻ nào phá được, đó là sức mạnh của nhân dân chúng tôi ". Sau khi chiến thắng quân Nguyên, vua Trần Nhân Tông định xây lại thành Thăng Long cho thật nguy nga lộng lẫy. Trần Quốc Tuấn đã can ngăn và nói : " Việc sửa chữa thành không cần kíp lắm. việc cần kíp của triều đình phải làm ngay không chậm trễ được là uý lạo nhân dân ". Để sức mạnh bên trong đóng được vai trò quyết định, Nghị quyết nêu : " Nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hoá-xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, chú trọng nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ” (nhiệm vụ thứ ba ) ( *** ) ( Thông báo Hội nghị Trung ư ơ ng 8 ). Nhiệm vụ thứ tư là: “Phát huy sức mạnh khối đại doàn kết dân tộc, mở rộng dân chủ xã hội đi đôi với tăng cường trật tự, kỷ cương, thực hiện tốt chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng … ”. ( *** ) Bên cạnh hai nhiệm vụ trực tiếp, nhiệm vụ quan trọng hơn được nêu ở vị trí thứ hai là : "Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ Đảng, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị nội bộ … ” ( *** ). Hãy lưu ý, ở đây vấn đề “Xây dựng Đảng ” được nêu thành nhiệm vụ then chốt và đặt trước nhiệm vụ “ bảo vệ Đảng”. Chẳng những thế, trong diễn văn bế mạc, Tổng bí thư còn nhấn mạnh hơn : "nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng ” ( ** ) Hy vọng đây đã là sự xem xét, cân nhắc rất nghiêm túc. Còn nhớ, vào những năm 80, trên cơ sở nhận thức :" Có cải thiện được sự lãnh đạo của Đảng mới kiên trì được sự lãnh đạo của Đảng ”, tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang kiên quyết đưa “ cải thiện ” lên trước "kiên trì ". Tiếc rằng cánh cơ hội tả khuynh do vậy đã lật đổ ông. Quán triệt chủ trương “ Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt ” TBT Nông Đức Mạnh đã chỉ rõ một cách đúng đắn : “ Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, phát huy nhân tố mới tích cực, kiên quyết chống tha hoá, biến chất, buông lỏng nguyên tắc, xa rời quần chúng, chống quan liêu, tham nhũng …" ( ** ). Tuy nhiên, đến khi nêu mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ông TBT lại vẫn xác định thứ tự như sau: “ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa " (**). Thứ tự xác định này sẽ càng làm cơ sở vững chắc để người ta dứt khoát kiên trì cái khẩu lệnh : " Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân ”. Ai cũng biết khẩu lệnh này đã bị biến báo dưới thời Lê Duẩn. Khẩu lệnh nguyên gốc của Hồ Chủ tịch phải là " Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân ". Đúng thế ! “ Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh " kia mà ! E rằng, cứ cái khẩu lệnh ấy, cứ cái thứ tự xác định ấy, hẳn người ta sẽ không ghê tay khi cần diễn lại một " Thiên An Môn " ngay chính trên đất nước Việt Nam này !. Càng đáng tiếc hơn khi Nghị quyết quả quyết " kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội " ( *** ) mặc dù TBT vẫn nói " Đảng , Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn ” ( **) và Nghị quyết vẫn nêu nhiệm vụ thứ nhất là " Giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc …"(***), nhiệm vụ thứ sáu là : " … chủ động mở rộng hợp tác quốc tế theo tinh thần " Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế …” nhằm củng cố môi trường quốc tế thuận lợi để giữ vững hoà bình, ổn định chính trị-xã hội … " ( *** ). Không chịu đổi mới tư duy chính trị, cứ khăng khăng bảo thủ, nhất thiết gắn nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc với bảo vệ chủ nghĩa xã hội thì không thể nào hội nhập thực sự với cộng đồng quốc tế tiên tiến được, không thể nào tạo được môi trường quốc tế thuận lợi, không thể trở thành đối tác thực sự tin cậy của đại đa số các quốc gia trong cộng đồng quốc tế được. Gắn bảo vệ tổ quốc với bảo vệ chủ nghĩa xã hội tức là coi tất cả những ai chống chủ nghĩa xã hội, những ai nói đến cái sai, cái xấu của CNXH đều là kẻ thù, là phản động, là phản bội tổ quốc, là bọn xâm lăng ... ! Bộ luật hình sự nước ta từng quy kết hành động tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội là một tội nặng. Chính vì vậy mà lúc nào ta cũng có kẻ thù, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Kẻ thù là bọn đế quốc Phương Tây, bọn bá quyền Châu á. Kẻ thù là người Việt Nam ở nước ngoài. Kẻ thù là người trong nước đã từng đi theo địch. Kẻ thù là đồng chí, đồng đội đã cùng ta nằm gai nếm mật suốt đằng đẵng những trường kỳ kháng chiến ! Lạ nhất là gần đây sao bỗng nhiên trong nước mình xuất hiện nhiều gián điệp đến thế. Gián điệp trẻ. Gián điệp già. Gián điệp nhận giải thưởng của tổ chức quốc tế về nhân quyền. Gián điệp được thuê chỉ 150 đôla ! Càng ngạc nhiên hơn, tại sao chủ nghĩa xã hội đã là ước nguyện tuyệt vời, là sự lựa chọn tuyệt đối của toàn thể nhân dân Viêt Nam; tại sao có sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt, có chế độ chính trị ưu việt hn các nước tiên tiến Phưng Tây mà lắm người sẵn sàng theo địch để trở thành kẻ phản bội đến thế ? Hèn chi mà ta phải cấp báo khẩn trưng " xem xét các mối đe doạ, các nguy cơ không chỉ từ bên ngoài mà cả từ bên trong" ! (*). Thậm chí ông uỷ viên Bộ Chính trị, trưởng ban Tư tưởng- Văn hoá trung ương Đảng còn coi kẻ thù bên trong nguy hiểm và đáng phải tiêu diệt hn kẻ thù bên ngoài ! Thế thì bảo vệ Tổ quốc là gì ? Chẳng lẽ lại là phải đánh mạnh từ bên trong đánh ra hay sao ? ! Hãy nhớ lại, khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đang vô cùng trứng nước, năm bẩy ngoại bang, kẻ thì lăm le nhòm ngó, bọn thì đã hiện diện trên đất mình; rồi Việt Quốc, rồi Việt Cách … nhưng Hồ chủ tịch và những người lãnh đạo lúc ấy cũng không đến nỗi bối rối, hốt hoảng và biểu hiện sát khí đằng đằng như những ngày gần đây. " Bảo vệ không chỉ là phòng ngừa …" " Bảo vệ không chỉ là phòng ngừa mà trước hết phải chăm lo xây dựng, làm cho mình mạnh lên. Kết hợp chặt chẽ xây dựng và bảo vệ từ trong mỗi con người, mỗi cơ sở" (**) . Nói như vậy là đã có chút gì biểu hiện tư duy đổi mới. Yêu cầu thường xuyên đổi mới tư duy chính trị nói chung và tư duy quốc phòng nói riêng càng thật sự bức thiết trong tình hình quốc tế đang biến động. Ngay đối với Mỹ người ta cũng thấy rằng tư tưởng chỉ đạo chiến lược an ninh quốc gia năm 2001 khác rất xa năm 1997. Tư tưởng chỉ đạo chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ năm 1997 nằm trong “ chiến lược tiếp xúc”. Chiến lược này giả định Mỹ sẽ tiếp tục phát huy “ vai trò lãnh đạo mạnh mẽ ” trong cộng đồng quốc tế, dùng ảnh hưởng toàn diện của mình để tạo dựng môi trường an ninh quốc gia. Từ “ chiến lược tiếp xúc ”, Mỹ đã chuyển sang " chiến lược chủ nghĩa hiện thực mới ". Tuy mục tiêu không thay đổi nhưng trọng tâm của “chiến lược tiếp xúc ” đặt vào chủ trương thay đổi môi trường bên ngoài, trong khi chỗ dựa của chiến lược hiện nay đặt vào sức mạnh của bản thân nước Mỹ. Thông qua sự điều chỉnh quốc phòng, lấy sự thay đổi lý luận quốc phòng và thành tựu cách mạng vượt bậc về trang bị và kỹ thuật quân sự để đảm bảo ưu thế chiến lược và an ninh tuyệt đối. Chúng ta thì sao ? Không kể cái buổi ấu trĩ ngông cuồng dưng cao khẩu hiệu " Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại ", hè nhau tiến lên tiêu diệt chủ nghĩa tư bản. Xung phong tự nhận thế giới " chọn ta làm điểm tựa " rồi cứ thế thúc cả dân tộc quyết tử xốc tới " Ta vì ta ba chục triệu con người. Cũng vì ba ngàn triệu trên đời ” ! Đáng phàn nàn hơn là, mãi đến sau này, khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, chiến tranh lạnh đã kết thúc, Mỹ và phương Tây cho rằng cơ bản không còn đối thủ ý thức hệ nữa; không coi ý thức hệ là nguồn gốc của mối đe doạ hoặc để xác định đối tượng nào đó liệu có phải đối tượng chủ yếu đưa tới mối đe doạ từ bên ngoài hay không thì đâu đó ở ta vẫn có tư tưởng muốn “ xông lên trên tuyến đầu chống Mỹ ”. Năm 1989, khi đặt vấn đề bình thường hoá trở lại mối quan hệ với Trung Quốc thì xuất phát điểm căn bản không phải vì quyền lợi dân tộc, cũng không phải vì thấy cần nghiêm khắc sửa sai trong đường lối đối ngoại của ta, mà vì, " phải bằng mọi giá bắt tay ngay với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, để chống Mỹ và các thế lực đế quốc khác " ! ( Trích " Hồi ức và suy nghĩ" của nguyên thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ ). Vẫn theo tinh thần đó, khi Mỹ đánh Irak, mấy ông tướng của ta ông thì phán đoán Mỹ sẽ chết thảm chết hại theo đủ các kiểu, ông thì mong Mỹ sẽ sa lầy ở Irak như ở Việt Nam. Đến khi Saddam Hussein đã bỏ dân, bỏ nước tháo chạy đê hèn thì có ông, không biết vì tình giai cấp hay tình đồng chí, vẫn tỏ tình keo sơn thắm thiết, vẫn ngỏ lời tuyên dương và muốn toàn thế giới phải biết ơn Saddam Hussein vì hắn đã cầm cự được những 20 ngày chứ không để thua trong 72 tiếng đồng hồ ! Trong khi đó báo Tin tức ngày 4 tháng 4 năm 2003 đưa tin về lời tuyên bố của tổng thống V. Putin: Vì những lý do chính trị và kinh tế, Nga không muốn để Mỹ thất bại. Về khía cạnh kinh tế, nếu nền kinh tế Mỹ suy sụp thì cũng kéo theo các nền kinh tế khác, tất nhiên trong đó có cả Nga. Nga không đứng về phía Irak dù giới quân sự và chính trị có mong muốn. Nga cũng không ủng hộ một cuộc chiến tranh phòng ngừa dù Mỹ và Anh muốn. Nga đã chọn phương án bảo toàn được mình là yêu cầu mọi quyết dịnh quốc tế phải được giải quyết trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Gần đây trước tình hình thường xuyên diễn ra những cuộc đánh bom cảm tử của bọn Hồi giáo cực đoan và mấy tên đầy tớ trung thành thoi thóp của Saddam Hussein …, đây đó lại nhen nhóm nỗi trông mong Mỹ sẽ sa lầy. Thật là hoang tưởng. Dù có ngửa mặt cầu thánh Alla từng đêm thì chắc chắn tình hình đó cũng không thể xẩy ra. Rồi đây, thông qua tuyển cử dân chủ, nhân dân Irak sẽ bầu chọn được cho mình những ngườì lãnh đạo xứng đáng. Đất nước Irak sẽ vĩnh viễn thoát khỏi chế độ chuyên chế độc tài với đầy rẫy những quan chức tham nhũng, bạo tàn, đứng đầu là Saddam Hussein. Tên này ngay khi còn đầy ắp quyền uy đã phải sống chui, sống lủi. Hắn không bao giờ dám ngủ hai đêm liền trên cùng một chiếc giường. Bởi vì, dưới quyền cai trị của hắn, một đất nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ hàng đầu thế giới, bỗng nhiên suy sụp. Đời sống nhân dân ngày càng sa sút, khổ sở; trong khi hắn ăn cướp của nhân dân để có gia sơn nhiều tỷ đôla, cùng hàng chục cung điện nguy nga với trang trí nội thất bằng vàng vô cùng lộng lẫy. Sau khi Mỹ đánh Irak, ở nước ta, đâu đó thấy rậm rịch cuống cuồng mở hội thảo bàn chuyện nếu Việt Nam phải đánh Mỹ lần nữa thì binh chủng nọ, binh chủng kia sẽ đánh như thế nào ? Tôi hết sức ngạc nhiên, muốn nhắn bảo họ : sao cứ bàn toàn chuyện gở làm gì ! sao bỗng nhiên cứ " tự mình buộc lấy mình vào trong " làm gì ! Không biết từ một não trạng ra sao mà gần đây người ta rất hay hoảng hốt. Thấy Mỹ đánh Irak là nghĩ ngay Mỹ sắp đánh Việt Nam. Thấy mấy ông Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Nguyễn Vũ Bình … mới nộp đơn xin thành lập Hội Nhân dân Việt Nam ủng hộ Nhà nước chống tham nhũng đã vội run sợ suy diễn : Họ sắp thành lập Đảng đối lập đấy. Rồi cứ thế mà làm loạn cả lên. Trong nước thì trấn áp, tù đầy, đối với nước ngoài thì ra rả công kích, lên án, chửi rủa ... Bé cứ xé ra to. Đẩy bạn thân thành sơ. đẩy bạn sơ và người bất đồng chính kiến thành thù. Chọc cho kẻ thù điên cuồng lồng lộn lên ! Còn đâu cái sách lược “ Thêm bạn bớt thù " khôn khéo, sáng suốt, đã từng giúp chúng ta vượt qua thế uy hiếp cực kỳ nguy hiểm những ngày đầu cách mạng ! Đề tựa cho cuốn binh thư nổi tiếng “ Vạn kiếp tông bí truyền thư ” của Đại vương Trần Quốc Tuấn, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư viết " Phàm người giỏi cầm quân thì không cần bầy trận, người giỏi bầy trận thì không cần phi đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết ". Với chúng ta ngày nay, muốn bảo vệ tổ quốc, thượng sách là hãy làm sao để dứt khoát ta không phải đánh Mỹ, ít nhất trong dăm bẩy thập kỷ tới. Sẽ không cần đánh, thậm chí không cần bầy trận nếu ta thực sự “ là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế ” ( *** ), nếu ta khôn ngoan thực hiện được phương châm " giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi ". Hãy hiểu, nói và làm được như tổng thống Nga Vladimir Putin : “Thái độ đối với Nga thay đổi tuỳ theo thay đổi ở chính nước Nga. Nhiều điều phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta … Tuỳ theo mức độ dân chủ hoá đất nước, mức độ củng cố nền kinh tế của chúng ta và giải quyết các vấn đề xã hội mà chúng ta ngày càng hội nhập nhiều hơn với cộng đồng quốc tế … ” ( Tuần báo Itoghi số 23 năm 2003 ). Tuy nhiên, " bảo vệ không chỉ là phòng ngừa " không có nghĩa là không cần phòng ngừa, đặc biệt là trong tình hình bên ta luôn tồn tại những anh bạn láng giềng tham lam và trong óc họ vẫn lởn vởn hình ảnh ta xưa từng là chư hầu. Tinh thần hoà hiếu phải được tôn trọng đúng mực thông qua đối sách “ Bán anh em xa, mua láng giềng gần" nhưng không thể không quan tâm phòng ngừa. Ở đây thế phòng ngừa không thể chỉ được tạo bằng nội lực mà phải bằng cả sức mạnh răn đe thu phục được từ xa. Hy vọng chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới của bộ trưởng Quốc phòng- đại tướng Phạm văn Trà sẽ giải quyết thật tốt yêu cầu huy động sức mạnh từ bên ngoài cho quốc phòng nước ta. Chúng ta từng phải bảo vệ tổ quốc bằng muôn vàn khổ ải, gian nan, ngập tràn núi xưng, sông máu. Hy vọng từ đây chúng ta sẽ có thể bảo vệ vững vàng tổ quốc trong phồn vinh, hạnh phúc với tình hoà hiếu đẹp đẽ cùng cộng đồng nhân loại tiên tiến. Hà Nội 9 tháng 8 năm 2003 Nguyễn Thanh Giang Nhà A13P9 - Tập thể Phòng không Hoà Mục
|