Nhận thức cho đúng một số vấn đề thời đại

Tháng 10 năm 2000, tôi đã gửi đến Ban Soạn thảo Văn kiện, đến nhiều vị lãnh đạo Ðảng và một số tòa soạn báo bản góp ý viết rất công phu và nghiêm túc mang tiêu đề : “ Ðôi điều bàn luận về Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010 ”.

 

Nhận được bài viết, Tạp chí Cộng sản đã phúc đáp bằng một bức thư lịch sự và khá trân trọng. Vì đây là một niềm an ủi hiếm hoi và quý giá đối với tôi nên xin phép được chép ra ở đây :

 

Kính gửi : Ðồng chí Nguyễn Thanh Giang

Tạp chí Cộng sản đã nhận được bài : “ Ðôi điều bàn luận về chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2001- 2010 ” của đồng chí.

 Chúng tôi đã đọc, nhưng nội dung bài viết chưa đáp ứng yêu cầu, do đó không đăng ở tạp chí được.

Xin báo để đồng chí biết.

Nhân đây, tôi gửi lời kính chúc đồng chí và gia đình mạnh khoẻ.

Chân thành cảm ơn đồng chí.

 

T/l Ban biên tập

 Vụ trưởng trưởng Vụ Thư ký

                                                     

Nguyễn Xuân Thông

 

Tiếc rằng, đây là một ứng xử văn hoá duy nhất. Tất cả các nơi khác đều tảng lờ. Cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh bảo đấy là “ sự im lặng đáng sợ ”. Tôi bảo đấy là sự im lặng đáng xấu hổ, cần phải bị lên án.

 

Sự im lặng đó dễ làm tủi buồn và nản lòng những người tâm huyết . Tuy vậy, tôi đã phải gắng sức vượt qua chính mình và thực hiện lời khuyên của Tuân Tử : “ Nô mã thập giá tắc diệt cặp chi ”. Tôi tin nhân dân tôi sẽ có dịp trân trọng đón nhận những ý kiến này. Vả lại, tôi cũng từng biết, mặc dù không tiện trả lời về sự ghi nhận nhưng một số ý kiến nêu lên trước đây dường như có được tiếp thu để sửa dổi các văn kiện ở những vấn đề trọng đại. Thế tức là cũng có ích. Bởi vậy, tôi vẫn tiếp tục trăn trở và lại xin đệ trình bản góp ý này.

                             

Mở đầu văn kiện “ Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ”, trong phần “ Việt Nam trong thế kỷ XX và triển vọng phát triển trong thế kỷ XXI ”, các tác giả đã nêu lên một dự cảm đúng : “ Chúng ta chưa thể dự báo chính xác về toàn bộ tiến trình của thế kỷ mới. Tuy nhiên, thế kỷ XXI có thể sẽ có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc. đó là thế kỷ mà khoa học và công nghệ sẽ có những bước nhẩy vọt chưa từng thấy. Kinh tế tri thức sẽ chiếm vị trí ngày càng lớn trong quá trình phát triển. Toàn cầu hoá là một xu thế khách quan ngày càng có nhiều nước tham gia ”.

 

Văn kiện cũng đã khái quát đúng và nhấn mạnh ngay ở những dòng đầu : “ Thế kỷ XX để lại trong lịch sử loài người những dấu ấn cực kỳ sâu sắc. Ðó là thế kỷ kinh tế phát triển mạnh mẽ xen lẫn những cuộc khủng hoảng lớn của chủ nghĩa tư bản thế giới, thế kỷ của những tiến bộ vượt bậc về khoa học và công nghệ, tạo ra giá trị sản xuất vật chất tăng gấp 15 lần so với thế kỷ trước và lớn hơn cả toàn bộ giá trị của hai thiên niên kỷ trước cộng lại ”.

 

Có được những thành tựu vĩ đại đó là nhờ sự ra đời và phát triển không ngừng của chủ nghĩa tư bản. Trong lịch sử của mình, chủ nghĩa tư bản ít nhất đã tạo ra ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Cuộc cách mạng thứ nhất bùng nổ ở Anh nhờ phát minh ra máy hơi nước của James Watt năm 1776 và đã được áp dụng rộng rãi, trước hết vào các máy dệt và xe lửa...Nhờ phát minh ra điện của Edison, cuộc cách mạng thứ hai đã nẩy sinh với sự khai trương nhà máy điện đầu tiên ở Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho sự sáng chế những thiết bị công nghiệp lớn kéo theo phương thức lao động dây chuyền. Từ nửa sau thế kỷ XX, cách mạng khoa học kỹ thuật càng phát triển rầm rộ. Nhiều ngành năng lượng mới, vật liệu mới ra đời cho phép đổi mới và chế tạo những máy móc tinh vi, hiện đại, trong đó có các tên lửa cực mạnh mở ra kỷ nguyên vũ trụ. Cách mạng sinh học đã dẫn đến công nghệ gien, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh và công nghệ enzim, mà quê hương của chúng đều từ tư bản. Từ chiếc máy tính điện tử ra đời năm 1946 và robot đầu tiên chế tạo tại Mỹ vào năm 1961 đến đường cáp quang khổng lồ xuyên dưới đáy Ðại Tây Dương vận hành lần đầu tiên vào ngày 14 tháng 12 năm 1988 nối liền nước Mỹ với Châu Âu, kỷ nguyên tin học đang đưa thế giới vào một nền văn minh mới sán lạn .

 

Những đóng góp xuất sắc của phe xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực phục vụ nhân sinh rất hiếm hoi, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu quân sự với tên lửa vượt đại dương, vệ tinh nhân tạo đầu tiên mang tên Liên Xô: “ Sputnik ” và chuyến bay vũ trụ của Gagarin ...

 

Nhờ làm chủ khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất năng suất cao, các nước tư bản đã tạo ra lượng sản phẩm xã hội vượt trội hơn hẳn phe xã hội chủ nghĩa. Vào những năm cuối của thiên niên kỷ, Hoa Kỳ chỉ với số dân 270 triệu đã tạo ra một lượng GDP lớn hơn Trung Quốc có số dân 1 tỷ 265 triệu tới 80 lần. 126,5 triệu người Nhật Bản cũng sản xuất ra lượng GDP gấp 40 lần Trung Quốc. Chính vì vậy, thu nhập bình quân đầu người của Hoa Kỳ gấp 38 lần, của Nhật Bản gấp 39 lần Trung Quốc. ( Số liệu năm 1998 ).

 

Học thuyết của Marx dù bị chỉ trích là dựa trên thuyết kinh tế định mệnh vẫn không thể đưa các nước xã hội chủ nghĩa tiến lên giầu mạnh vì quá nhấn mạnh đấu tranh giai cấp mà xem nhẹ khoa học kỹ thuật. Chính Marx đã nói: “ Tiến bộ của tri thức chỉ là một mặt, một dạng thức biểu hiện của sự phát triển lực lượng sản xuất của con người, còn lực lượng sản xuất vĩ đại nhất chính là giai cấp cách mạng ”

 

Không chỉ là bà đỡ cho các phát minh sáng chế và thúc đẩy khoa học kỹ thuật và công nghệ tiến tới mà về mặt kinh tế xã hội, chủ nghiã tư bản cũng luôn luôn đổi mới, luôn luôn tự mình vượt lên để không ngừng phát triển. Từ cơ chế thị trường tự do tự điều tiết của kinh tế học Tân cổ điển đến lý thuyết kinh tế tư bản chủ nghiã có điều tiết của John Maynard Keynes ..., rồi kinh tế thị trường xã hội của Muller Armack. Kinh tế thị trường xã hội không phải là sự kết hợp kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản với nền kinh tế có kế hoạch của chủ nghĩa xã hội mà là một nền kinh tế thị trường có mục tiêu, kết hợp nguyên tắc tự do với nguyên tắc công bằng xã hội trên thị trường. Mục tiêu của nền kinh tế thị trường xã hội là, một mặt nhằm khuyến khích và động viên những động lực, sáng kiến cá nhân để đảm bảo lợi ích của nền kinh tế, mặt khác cố gắng loại trừ những hiện tượng tiêu cực khi có điều kiện như giảm bớt sự nghèo khổ của một số tầng lớp dân cư, lạm phát và thất nghiệp. Một số nhà lý luận của trường phái thể chế mới như D. Bell cho rằng dựa vào những tiến bộ khoa học kỹ thuật mạnh mẽ, chủ nghĩa tư bản đã biến đổi về bản chất, đã trở thành xã hội hậu công nghiệp rồi. Xã hội hậu công nghiệp không phải là chủ nghĩa xã hội nhưng cũng không còn là chủ nghĩa tư bản nữa. Trong xã hội này, chế độ tư hữu đang mất dần tác dụng, xu hướng cách biệt hoá và phi nhân cách hoá đang được khắc phục, mâu thuẫn xã hội được loại trừ. Chủ nghĩa tư bản cổ điển ra đời cách đây ba bốn trăm năm với những tư tưỏng nhân văn, giương cao khẩu hiệu “ giải phóng con người ” đã đi qua bao bước thăng trầm, tha hoá để tiến vào chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày nay và trở về với tư tưởng lấy bản chất con người làm giá trị gốc rễ

 

Một số nhà kinh tế học như M. Schnizer và J Nordyke đã đề nghị : “ Các nước trên thế giới không thể xếp gọn vào những ô phân loại cứng nhắc mang tên “ chủ nghĩa tư bản ”, “ chủ nghĩa xã hội ” hoặc “ chủ nghĩa cộng sản ”. Thay vào đó, tốt hơn là nên nghĩ đến một thứ phổ hệ với những bậc thang hệ thống kinh tế xếp hạng từ những nước dựa trên cơ chế thị trường tự do nhất đến những nước dựa trên kế hoạch chỉ huy từ trung ương sít sao nhất ?. Tại đại hội XXX của mình, đảng Cộng sản Pháp tuy vẫn coi chủ nghĩa cộng sản như một giá trị lý tưởng thì cũng đã từ bỏ khái niệm xã hội chủ nghĩa để thay bằng một khái niệm khác: Vượt qua chủ nghĩa tư bản .

 

Trước thực tế rõ rành, chủ nghĩa tư bản không những giẫy mãi không chết mà còn phát triển không ngừng, trong khi chủ nghĩa xã hội tồn tại mới hơn nửa thế kỷ đã lăn ra chết yểu, tiếc rằng, dự thảo báo cáo chính trị Ðại hội IX vẫn khăng khăng: “ Tính chất thời đại vẫn không thay đổi ” !

 

Nếu quả có vậy thì nhận định đó mâu thuẫn chính ngay với phán đoán sau đây cũng của văn kiện: “ Trong khoảng 10-15 năm tới ít có khả năng xẩy ra chiến tranh thế giới thứ ba, chiến tranh tổng lực dùng vũ khí hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt khác. Hoà bình và hợp tác vẫn là một xu thế lớn phản ánh đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc”.

 

Chiến lược toàn cầu hoá về kinh tế đang thúc đẩy và củng cố xu thế hoà bình và hợp tác. Một vài lò lửa chiến tranh âm ỷ và có nguy cơ bùng nổ dưới dạng toàn cầu hoá chủ yếu lại nằm ở Bắc Triều Tiên và giữa Trung Quốc với Ðài Loan....chứ không phải ở những nơi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc tột cùng của nó. Chẳng phải ngày nay, mà ngay từ nửa sau thế kỷ XX, nguyên nhân và tính chất của các cuộc chiến tranh hầu như đã khác hẳn trước đó. Dễ dàng rút ra được những kết luận cần thiết khi xét lại các cuộc chiến biên giới Liên Xô - Trung Quốc, cuộc nội chiến kéo dài 4 năm nẩy sinh từ nội tình Liên bang Nam Tư, cuộc tàn sát đẫm máu của Khmer Cộng sản, cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc -Việt Nam ... Nếu số người chết trong các cuộc chiến ở Iraq, ở Nam Tư chỉ tính hàng trăm thì số người chết trong Cách mạng Văn hoá, chết ở quảng trường Thiên An Môn, chết do Khmer Ðỏ tự tiêu diệt đồng bào mình ... đều tới hàng vạn, hàng triệu! Không kể 10 triệu nông dân của 1.100 000 hộ bị quy là kulak, bị tước đoạt tài sản, đầy vào các hoang nguyên và sa mạc, 8 triệu người bị giam giữ, 2 triệu người chết trong tù, theo Uỷ ban Tái xét Hồ sơ KGB, trong những năm cầm quyền của Stalin, có 3.778 234 người bị kết án phản cách mạng, trong đó 786 098 người bị xử tử !

 

Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX là nước sa lầy vào chiến tranh triền miên lâu dài và đau khổ nhất hoàn cầu. Bốn cuộc chiến, hết đánh Pháp, đánh Nhật, đánh Mỹ lại đánh Khmer Cộng sản và đánh Trung Quốc, đằng đẵng suốt 40 năm. Hơn 1 triệu chiến sỹ hy sinh, gần 600.000 thương bệnh binh, hơn 300.000 người mất tích, hơn 2 triệu dân thường bị chết, hơn 2 triệu người lớn và trẻ em bị tàn tật vì bom đạn ... Ðấy là yêu cầu bức thiết của giải phóng dân tộc hay là hậu quả của ngọn trào “ đấu tranh giai cấp ” ? Ðấy là “ Ta vì ta ba chục triệu con người ? ” hay “ vì ba ngàn triệu trên đời ? ” (thơ Tố Hữu). Cái phần xương máu tơi bời mà ta đổ ra “ vì ba ngàn triệu trên đời ” có đóng góp được chút gì cho Liên Xô và cả hệ thống xã hội chủ nghĩa Ðông Âu thoát cảnh sụp đổ tan tành không ?

 

Vậy mà, tại sao vẫn phải giương cao ngọn cờ đấu tranh giai cấp một cách hết sức mơ hồ và nguy hiểm. Bài học của sự tàn sát nội bộ và phá hoại cấu trúc xã hội rất đau lòng do cải cách ruộng đất, do cải tạo công thương nghiệp ... gây ra chưa đủ cảnh tỉnh để sám hối hay sao ? Tại sao đã nhận định “ Ngày nay, lợi ích giai cấp thống nhất với lợi ích dân tộc” mà dự thảo vẫn vạch ra : “ cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa diễn ra trong những điều kiện mới, với những nội dung mới và những hình thức mới, gắn với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc? ”

 

Lợi ích giai cấp đã thống nhất với lợi ích dân tộc thì cuộc đấu tranh giữa hai con đường XHCN và TBCN ở trong nước có còn là đấu tranh giai cấp nữa không ? Giai cấp nào muốn theo con đường XHCN, giai cấp nàp muốn theo TBCN ?

 

Mấy thập niên gần đây và, hiện nay, ai cũng biết vấn đề độc lập dân tộc nóng bỏng nhất, phức tạp nhất lại là vấn đề bảo vệ chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vấn đề ranh giới lãnh thổ phía bắc, vấn đề xâm hại kinh tế thông qua việc tuồn hàng giả, hàng lậu, bạc giả qua biên giới ... Vậy cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc ở đây mang ý nghĩa giai cấp ở chỗ nào để có thể nói “ cuộc đấu tranh giai cấp .... gắn với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc ”

 

Dự thảo đã vạch ra đúng đắn “ Nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới là tiếp tục tạo môi trường hoà bình và điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tíên bộ xã hội ”. Nhiệm vụ đối ngoại này chỉ có thể thực hiện được khi biết coi trọng mối quan hệ với các cộng đồng tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là với Mỹ. Quan hệ đối ngoại chủ yếu phải nhằm góp phần tạo điều kiện cho khoa học, giáo dục ... phát triển nhanh trong trào lưu tiên tiến, hiện đại. Tiếc rằng do nhận thức xơ cứng, do còn bị ám ảnh nặng nề bởi nhãn quan “ hai phe, bốn mâu thuẫn ”, khi nêu các chủ trương cụ thể về đối ngoại, dự thảo lại chỉ nhấn mạnh: “ Coi trọng và ra sức phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa ( chỉ còn vài bốn nước và đều nghèo nàn, lạc hậu, thậm chí đói khổ ! ) và các nước láng giềng.... Tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước độc lập dân tộc, các nước đang phát triển ở châu A, châu Phi, Trung Ðông và Mỹ La Tinh, với Phong trào Không liên kết...”. Trong cả phần cụ thể hoá đường lối này không những không thấy đả động gì đến Hoa Kỳ, mà ngay cả Châu Âu ! Ðường lối đấu tranh giai cấp vẫn còn chi phối nặng nề đến mức người đọc như vẫn nghe văng vẳng đâu đây khẩu hiệu “ Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại ” và những chủ trương đối ngoại lớn này vẫn chỉ chủ yếu phục vụ mục tiêu lập chiến tuyến đấu tranh chứ không phải vì nước giầu dân mạnh của tổ quốc mình.

 

Về đối nội, trong khi từ thực tế đã phải khẳng định rằng: “ Ðộng lực chủ yếu để phát triển đất nước là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của đại đoàn kết dân tộc ” thì dự thảo vẫn khiên cưỡng gán ghép việc “ thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa .... ” “ nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp ”.

 

Ðể xác định mâu thuẫn cơ bản ở nước ta hiện nay, tôi thấy có thể tham khảo ý kiến tổng bí thư Lê Khả Phiêu trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10 vừa qua:  “ Gay gắt nhất là mâu thuẫn giữa nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, trình độ văn hoá thấp, số người thất nghiệp đông, tệ nạn xã hội còn nhiều với yêu cầu phát triển khoa học-công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất vững chắc với tốc độ cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao được toàn diện đời sống tinh thần, vật chất, văn hoá của nhân dân.”

 

Tư tưởng sùng đấu tranh giai cấp từng đã bị cố chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán: “ Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng ”. Trong tiểu luận viết cách đây mấy năm mang tiêu đề “ Thử bàn về giai cấp công nhân Việt Nam ”, tôi đã chứng minh hoàn toàn khách quan và khá thuyết phục rằng ở nước ta chưa hề có giai cấp công nhân trong lịch sử và, ngày nay cũng không hề tồn tại thực thể ấy. Dựa trên những phân tích rằng, do xã hội còn lạc hậu, kinh tế chưa phát triển nên sự phân hoá giai cấp chưa rõ rệt, mâu thuẫn không gay gắt, Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ, ở Việt Nam ” cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở Phương Tây ”. Nên nhớ rằng thiên kiến về đấu tranh giai cấp trong chủ nghĩa Marx có nguồn gốc lịch sử của nó. Khi Marx và Engels viết “ Tuyên ngôn của đảng Cộng sản ”, ở châu Âu, vấn đề dân tộc cơ bản đã được giải quyết trong quá trình cách mạng tư sản, không còn áp bức dân tộc. Nổi lên trước mắt các ông lúc bấy giờ, đối kháng giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đang trở nên rất gay gắt và quyết liệt. Vì vậy, các ông mới nói nhiều đến đấu tranh giai cấp và giải phóng giai cấp vô sản đến như vậy.

                                        

Nước ta còn quá nghèo và tụt hậu rất xa so với thế giới. Cần vạch ra cho được đưòng lối đúng để hoà nhập được vào trào lưu tiên tiến mà rảo bước tiến lên mới mong nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này. Muốn vậy, phải thảo luận rộng rãi , thẳng thắn để nhận thức cho đúng những vấn đề thời đại. Mấy thiển ý này chắc chắn là không đầy đủ và còn phải được bàn thảo nhiều.