Trung Quốc Khổng Lồ Mong Manh

Nhà thơ Trung Quốc Đỗ Phủ trong một lần chạy loạn, nhờ người bạn giúp đỡ, dựng được một túp lều tranh, nhưng rồi bị gió phá sập. Trong bài "Mao ốc vi thu phong sở phá ca", ông không chỉ đau đớn cho thân phận riêng mà còn chạnh lòng nghĩ đến cả những hàn sỹ trong thiên hạ:

"Ước gì có được ngôi nhà ngàn vạn gian
Cho kẻ sỹ trong thiên hạ ai nấy đều hân hoan
"

Một lần chạy loạn khác, ông ở thuê một căn nhà nhỏ, trong vườn có cây táo, ngày ngày bà lão hàng xóm thường chui qua rào nhặt táo cầm hơi. Khi rời căn nhà, trong bài thơ "Hựu trình Ngô lang", ông nhắn người chủ mới chớ rào kín lại, để bà già còn có thể sống qua ngày.

Người Trung Quốc đã trông xa, lại hay nghĩ gần. Việt Nam, là láng giềng của Trung Quốc, không thể không trông mong cùng Trung Quốc, suy gẫm về Trung Quốc.

I. NƯỚC TRUNG HOA VĨ ĐẠI

Với 9,6 triệu kilomet vuông, diện tích Trung Quốc bằng cả Châu Âu gồm 34 nước cộng lại. Từ tây sang đông, chiều ngang lãnh thổ xấp xỉ 5.200 km. Chiều dài bờ biển là 18.000 km, chiều dài biên giới trên lục địa là 17.000 km, giáp giới các nước: Bắc Triều Tiên, Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kirghizstan, Tadjikistan, Afganistan, Pakistan, Ấn Độ, Sikkim, Boutan, Nepal, Myanmar, Lào, Việt Nam.

Trung Quốc có số dân đông nhất thế giới và tỷ lệ tăng dân số cũng vào loại cao nhất thế giới. Năm 1949 toàn quốc có hơn 541 triệu, năm 1969 lên đến 806 triệu, năm 1979 gần một tỷ... và nay đã khoảng một tỷ rưỡi.

Từ tây sang đông có nhiều dãy núi cao trên dưới 4.000m: Altai, Thiên Sơn, Côn Luân, Karakorum, Hy Mã Lạp Sơn, Tần Lĩnh... Núi Qomolangma thuộc Hy Mã Lạp Sơn nằm ở biên giới Trung Quốc và Nepal cao nhất thế giới với 8.848 met.

Nhiều sông dài tựa "từ trên trời xuống" như: Trường Giang dài 6.300 km, chảy qua Thanh Hải, Tây Tạng, Vân Nam, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, An Huy, Giang Tô, Thượng Hải. Hoàng Hà dài 5.464 km, chảy qua Thanh Hải, Tứ Xuyên, Cam Túc, Ninh Hạ, Nội Mông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, Sơn Tây. Hắc Long Giang (Amua) dài 3.420 km, Chu Giang dài 2.197 km...

Ngoài hệ thống ngoại thủy thông ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương, hệ thống sông nội thủy của Trung Quốc hoặc mất hút trong hoang mạc, hoặc đổ váo các hồ nội địa. Hai hồ lớn nhất là: Động Đình rộng 2.820 km2 ở Hồ Nam và Thái Hồ rộng 2.425 km2 ở Giang Tô.

Trong lịch sử nền văn minh hơn 4.000 năm, Trung Quốc đã có những điểm son sáng chói với phát minh về giấy do Thái Luân, đầu thế kỷ thời Đông Hán; phát minh kỹ thuật in chữ do Tất Thắng (1012 - 1068); ngoài ra còn có các phát minh ra địa bàn, thuốc súng...

Trước công nguyên, Trung Quốc từng rạng danh với nhiều nhà tư tưởng lớn: Khổng Tử (551- 479), Mặc Tử (468 - 376), Mạnh Tử (372 - 289), Trang Tử (369 - 286), Tuân Tử (298 - 238), Hàn Phi (280 - 233)...

Tuy nhiên, lịch sử Trung Quốc cũng được hình dung qua vô vàn cuộc chiến đẫm máu trong Xuân Thu Chiến quốc, Tam Quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc... Từ cuối đời Mãn Thanh (1644 - 1911) cho đến đầu thời kỳ Dân Quốc (1911 -1949), xã hội Trung Quốc càng rơi vào rối loạn thảm thương. Do nóng lòng sử dụng biện pháp cực mạnh để ổn định và chấn hưng Trung Quốc, người ta đã du nhập chủ nghĩa Marx-Lenin và tiến hành cách mạng vô sản với chủ trương "chính quyền từ họng súng", Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949.

Trong dân gian vẫn còn truyền tụng tên nhiều vị vua nhân đức: thời cổ có vua Nghiêu, vua Thuấn; triều nhà Chu có vua Vũ; triều nhà Hán có hoàng đế Văn và hoàng đế Cảnh; triều nhà Đường có Đường Thái Tông; triều Thanh có hoàng đế Khang Hy và hoàng đế Càn Long, tuy nhiên, lịch sử Trung Quốc cũng từng nổi danh nhiều bạo chúa. Tần Thủy Hoàng đã bắt hơn 2 triệu người làm nô lệ (thời ấy, dân số Trung Quốc mới chừng 10 triệu). Rồi đốt sách, rồi tàn diệt nho sỹ. Vậy mà, thực hiện chuyên chính vô sản, Mao Trạch Đông còn ghê gớm hơn khi tuyên bố: "Tần Thủy Hoàng đáng kể gì. Ông ta chỉ giết có 460 nho sỹ, còn chúng ta thì thủ tiêu đến 46.000 tên trí thức. Có người cho chúng ta là kẻ độc tài thống trị, giống như Tần Thủy Hoàng. Chúng ta thừa nhận tất cả. Nó phù hợp với thực tế. Tiếc thay họ nói vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải gia tăng để bổ sung".

Rồi thảm họa mười năm Đại Cách mạng Văn hóa (bắt đầu ngày 16 tháng 5 năm 1966 và kéo dài đến 1976) với khoảng 7,73 triệu người bị diệt dưới nhiều hình thức. Rồi chết vì đói kém đi liền với chết vì lý do chính trị. Nạn đói khủng khiếp xẩy ra ngay sau chiến dịch Đại Nhẩy Vọt làm cho số người chết vì lý do không chính đáng cộng với số lượng trẻ em sơ sinh bị giảm đi từ năm 1959 đến năm 1961 được ước tính là khoảng 40 triệu.

Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng sa sút. Ở thời Càn Long (1711 - 1799) GDP của Trung Quốc bằng khoảng 51% tổng số trên thế giới. Khi Tôn Trung Sơn thành lập nước Cộng hòa Trung Hoa vào năm 1911, GDP của Trung Quốc vẫn còn khoảng 27% của tổng số thế giới. Năm 1949, khi đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền, tỷ lệ đó đã xuống đến 5, 7%.

Năm 1978, nhờ Đặng Tiểu Bình phát lệnh mở cửa để tiếp xúc và học hỏi Phương Tây làm kinh tế thị trường với phương châm: "Mèo trắng, mèo đen miễn bắt được chuột", nền kinh tế Trung Quốc bỗng bật dậy với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 9,4 %, một tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới... Năm 2003 tổng thu nhập quốc gia (GNP) của Trung Quốc đứng hàng thứ sáu thế giới với 1325 tỷ đôla. Năm 2004 con số này đã lên tới 1650 tỷ đôla. Năm 1978, tổng số ngoại thương của Trung quốc chỉ ở mức 20 tỷ USD, năm 2004 đã đạt 1100 tỷ đôla (đứng thứ ba thế giới). Đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc không ngừng tăng: năm 2002 - 52,7 tỷ USD, năm 2003 - 53,5 tỷ USD, năm 2004 - 60,6 tỷ, năm 2005 - trên 60 tỷ. Nhờ đời sống khấm khá hơn, người Trung Quốc vốn tằn tiện đã tiết kiệm gửi ngân hàng nhiều hơn. Năm 2005, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố số tiền trong các tài khoản cá nhân lên tới 1,7 ngàn tỷ USD. Số tiền này tương đương với GDP của nước Pháp và gấp hơn 30 lần GDP của Việt Nam.

Sau hai thập niên cải cách kinh tế và tư nhân hóa, chỉ còn một phần ba nền kinh tế của Trung Quốc bị chính phủ kiểm soát trực tiếp qua các công ty quốc doanh (chủ yếu trong các lĩnh vực quốc phòng và dịch vụ công cộng). Được phép triển khai sản xuất bên ngoài các cơ sở của nhà nước, người Trung Hoa đã mở ra 125 triệu cơ sở làm ăn. Từ con số không ở năm 1978, số công ty tư nhân đã tăng lên đến 2.028.500 vào năm 2001, với tổng số vốn đăng ký là 1.800 tỷ nguyên. Thế giới gờn gợn nhận ra: Trung Quốc có thể cướp mất bất cứ công việc, hãng xưởng nào của gần như bất cứ xứ sở nào trong bất cứ ngành kỹ nghệ nào. Ngành công nghệ da giày của Indonesia vốn phát đạt hàng đầu nay bỗng hoàn toàn mất tiêu vào tay Trung Quốc. Cả thế giới đều lo sợ Trung Quốc độc chiếm thị trường may mặc. Hàng may mặc Trung Quốc đang tiến tới chiếm lĩnh 50% - 60% thị trường Hoa Kỳ và Canada. Tháng 5 năm ngoái, công ty Lenovo - một công ty khổng lồ chế tạo máy điện toán của Trung Quốc - đã thỏa thuận xong việc thương lượng để sở hữu phân xưởng sản xuất máy điện toán cá nhân của IBM, và như thế, biến Lenovo thành công ty chế tạo máy điện toán cá nhân lớn thúe ba trên thế giối. Sang tháng 6, một trong những công ty dầu lửa lớn của Trung Quốc CNOCC (Công ty Khai thác Dầu lửa Viễn duyên Trung Quốc) đã mặc cả giá cao với 18,5 tỷ USD để suýt nữa thì mua được Unocal, một công ty dầu lửa khổng lồ của Hoa Kỳ (việc này gây rúng động chính quyền Hoa Kỳ, do vậy Quốc hội Mỹ phải vội vã chặn đứng bằng quyền lập pháp để chấm dứt cuộc thương lượng).

Nhờ kinh tế phát triển, Trung Quốc đã xúc tiến nhiều chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng thật vĩ đại. Chỉ trong 2 năm 2003 - 2004 độ dài xa lộ tráng nhựa được xây cất mới lên đến 192.000 km. Con số này lớn hơn số tổng độ dài đường nhựa đã xây cất suốt những năm 1949 - 2002, (170.000 km). Chỉ riêng trong năm 2004, Thượng Hải đã xây một số nhà chọc trời bằng cả New York gộp lại. Đi dọc bờ biển, khách du lịch đôi khi choáng ngợp trước những xa lộ thênh thang, những nhà chọc trời chất ngất không kém gì các nước Âu Mỹ. Tháng 3 năm 2003 chính quyền Bắc Kinh cho xây cất một bệnh viện có đủ trang bị chữa bệnh hô hấp cấp tính (SARS) chỉ trong... 2 ngày.

Chẳng những thế, nếu như trước đây do sức ép của các rợ miền tây, khuynh hướng trường cửu của Trung Quốc là đông tiến: Đông Chu, rồi Đông Hán thì ngày nay, sức hấp dẫn mạnh mẽ của đất đai và nguyên liệu từ miền tây đang kéo ngược đường Trung Quốc quay sang tây tiến. Mở mang Tứ Xuyên và vùng Tây Vực ngày xưa, nhà nước Trung Quốc biểu lộ một cố gắng tăng cường sự phát triển ở phía tây, làm cân bằng với miền biển vốn đã được mở mang hơn.

Ở một hội nghị kinh doanh ở Trung Quốc tổ chức cuối năm ngoái, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phải lên tiếng trấn an: "Với sự toàn cầu hóa về kinh tế, Trung Quốc và Châu Á đang nhanh chóng trở thành cỗ máy tăng trưởng mới cho thế giới. Sự hợp tác kinh tế có lợi cho đôi bên và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước sẽ báo hiệu một tương lai tốt đẹp hơn cho nền kinh tế toàn cầu".

Hội nghị Trung ương 5 khóa XVI, ĐCS Trung Quốc đưa ra chủ trương xây dựng "xã hội hài hòa", trong đó có ba hòa: hòa bình quốc tế, hài hòa trong nước, hòa giải hai bờ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc nhân kỷ niệm 60 năm thành lập này tại New York, ngày 15 tháng 9 năm 2005, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đưa ra giải thích mới nhất đối với chủ trương xây dựng thế giới hài hòa của Trung Quốc. Bài phát biểu nêu 3 nội dung của chủ trương này là: thứ nhất, kiên trì tinh thần bao dung, cùng nhau xây dựng thế giới hài hòa; thứ hai, đề cao chủ nghĩa đa cực, thực hiện an ninh chung; thứ ba, xây dựng một "thế kỷ mà mọi người đều được hưởng phát triển".

II. THÁCH THỨC VÀ HIỂM HỌA

Tuyên bố chủ trương xây dựng xã hội ba hài hòa của đảng Cộng sản Trung Quốc liệu có khả năng trở thành hiện thực?

Muốn xét khả năng tồn tại và tiền đồ phát triển của một cá thể nói riêng hay một đất nước nói chung cần khảo sát 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đối với Trung Quốc, cả 3 yếu tố này đều tuồng như có bề không thuận. Dường như ở đây đang bị thiên nhiên oán giận, lòng người oán thán, thiên hạ hồ nghi.

1- Thiên nhiên oán giận

Trung Quốc có một địa thế không cân xứng. Bốn tỉnh phía tây: Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông và Thanh Hải chiếm gần nửa diện tích lãnh thổ (47%) nhưng có số người định cư sinh sống không đến 4% dân số quốc gia. Ở đây chủ yếu sinh tốn các dân tộc thiểu số như người Hồi Uighurs, người Tây Tạng và người Mông Cổ. Trong khi đó, tám thành phố: Hà Nam, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Giang Tô, Hà Bắc, Hồ Nam, An Huy, có dân cư chiếm gần nửa dân số nhưng chỉ có 16% diện tích lãnh thổ.

Núi non ở Trung Quốc chiếm khoảng 69% tổng diện tích, trong đó 58% núi cao trên 1.000m và 25% núi cao trên 3.000m.

Trung Quốc có nhiều sông ngòi, lưu lượng nước sông Trung Quốc tới 2.700 tỷ mét khối nhưng phân bố rất không đều giữa Bắc và Nam. 80% lưu lượng nước sông Trường Giang dồn về lưu vực phía nam, nơi có 40% diện tích đất trồng trọt. Ở phía bắc, cũng diện tích đất trồng trọt như vậy nhưng chỉ được 6,5% lưu lượng nước do sông Hoàng Hà cùng 2 sông nhỏ Hoài Hà và Hải Hà cung cấp. Kết quả là miền nam thường bị lũ lụt lớn, trong khi miền bắc, phía trên sông Trường Giang bị hạn hán triền miên. Ngoài Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc còn một công trình dẫn thủy nhập điền vô tiền khóang hậu dẫn nước chảy ngược từ nam lên bắc lãnh thổ. Đó là kênh Đại Vân Hà từ Hàng Châu lên Bắc Kinh dài 1.782km được đào từ đời nhà Tùy đến nhà Nguyên. Ngày nay Trung Quốc lại đang cho đào thêm một con kênh khác dài 1.300km từ đập nước Đơn Giang Khẩu (Danjiangkou) ở Hồ Bắc, xuyên qua 2 tinh Hồ Nam và Hà Bắc, dẫn về Bắc Kinh. Công trình này tốn khoảng 15 tỷ USD và có thể dẫn khoảng 13,4 tỷ mét khối nước. Khởi công từ 2002, công trình này sẽ đưa nước về Sơn Đông vào năm 2007 và đến Bắc Kinh vào năm 2010. Đập nước khổng lồ nhất thế giới, đập Tam Hiệp, sau 13 năm thi công, chi phí khoảng 100 tỷ USD cũng vừa hoàn thành. Con đập sừng sững có thể cho phép dâng nước lên cao 175 mét tạo thành một hồ chứa với diện tích mặt hồ rộng 54.000km2. Đập Sanxia này không chỉ có tác dụng dẫn nước từ nam lên bắc mà còn cung cấp 10% điện lực cho toàn Trung Quốc.

Tuy vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng hậu quả về môi sinh do đập Tam Hiệp gây ra sẽ rất kinh khủng. Trước mắt là đảo lộn dân sinh. Hơn một triệu dân phải rời bỏ quê hương bản quán. Hàng trăm thành phố chìm mất tăm dưới đáy nước, trong đó có Thạch Bảo Trại (Shibaozhai), một khối đá cao 30 mét, trên đó có một chùa gỗ cao 11m xây từ đời vua Càn Long; có miếu Hoàng Lăng (Huangling), theo truyền thuyết do Khổng Minh Gia Cát Lượng xây để tưởng niệm Vũ Vương có công chế ngự sông Trường Giang; có miếu Trương Phi, Bạch Đế Thành và Xích Bích là nơi cuộc thủy chiến xẩy ra năm 208 giữa liên minh Thục-Ngô với quân Tào.

Tưởng cũng nên nhớ lại, vào những năm của thập kỷ 50 thế kỷ trước, dưới sự trợ giúp của các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc dã xây dựng nhà máy thủy điện Tam Môn Hạp trên sông Hoàng Hà Đến nay, nhà máy này chỉ phát một lượng điện có công suất không hơn một nhà máy thủy điện trên một con sông trung bình, trong khi Hoàng Hà là con sông lớn thứ hai của Trung Quốc. Tệ hại hơn là, dự án này đã gây ra sự tích tụ bùn cát ở thượng nguồn và nâng đáy sông lên cao. Từ đây, chỉ cơn lũ nhẹ cũng có thể gây lụt lội lớn. Trận lụt năm 2003 với lưu lượng lên tới 3.700m3/giây là trận lụt lớn nhất trong lịch sử 50 năm qua ở Trung Quốc.

Về nước uống, các chuyên gia trong ngày thế giới về nước họp ở Bắc Kinh ngày 25 tháng 3 năm 2005 cho biết vấn đề này ở Trung Quốc còn trầm trọng hơn cả vấn đề ngập lụt. Vì công nghệ lạc hậu nên để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phục vụ sản xuất, Trung Quốc đang tiêu thụ 15% lượng nước ngọt thế giới, nhưng vì các nguồn nước đang cạn kiệt dần nên 190 triệu người Trung Quốc, chủ yếu ở nông thôn, đang sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm, 300 triệu người khác hoàn toàn không có khả năng đến với nguồn nước sạch. 43 tỷ 950 triệu tấn chất lỏng phế thải đổ ra không kiểm sóat được đã làm 40,9% lượng nước trong bẩy hệ thống sông chính và 75% số hồ nước bị ô nhiễm. Cuộc tranh chấp nguồn nước giữa các khu vực có trình độ phát triển khác nhau đang có nguy cơ dẫn tới xung đột khó giải quyết.

Vấn đề không khí sạch cũng sẽ là một vấn nạn kinh khủng. Trong 20 thành phố trên thế giối có hiện tượng mưa axit thì Trung Quốc chiếm tới 15.

Việc chặt cây, san lấp sông hồ bừa bãi cũng gây suy thoái sinh thái trầm trọng ở Trung Quốc. Ngày nay, hệ sinh thái Trung Quốc đang bên bờ sụp đổ. Do biến mất những đồng cỏ tại Cam Túc, Thanh Hải, Tân Cương và Nội Mông, những trận bão cát đã có đường tấn công vào các khu vực đồng bằng trung tâm.

Việc sử dụng tràn lan phân bón hóa học làm cho đất canh tác ngày càng giảm độ phì nhiêu, trong khi độ nhiễm mặn và thoái hóa đất đai nói chung đang làm giảm chất lượng của đất tai nhiều khu vực rộng lớn trong lãnh thổ. Ngày nay, hoang mạc đã phủ 38% tổng thể đất đai Trung Quốc. Hiện tượng sa mạc hóa đang là một hiểm họa kinh khủng.

Từ 1980 đến cuối thập kỷ 90, diện tích bị sa mạc hóa đã tăng từ 1.000 đến 2.460 kilomet vuông. Sa mạc hóa đang uy hiếp tận Bắc Kinh trong khi đất canh tác vốn đã quá ít so với dân số quá đông. Đã vậy, chỉ trong vòng vài năm, 100 triệu mẫu đất trồng trọt đã bị xóa sổ để chuyển vào các khu công nghiệp, khu đô thị và làm đường. Diện tích canh tác bình quân chỉ còn 1,2 mẫu (mẫu Trung Quốc bằng 1/15 ha) cho mỗi đầu người. Một phần ba số tỉnh chỉ có mức bình quân đất trồng trên đầu người chưa đầy một mẫu. Tại 666 huyện, con số này còn thấp hơn mức báo động của Liên Hợp Quốc (0,8 mẫu). Con số thấp hơn mức báo động nguy hiểm (0,5 mẫu) còn là thực trang tồi tệ ở 463 huyện khác.

Với diện tích đất canh tác như trên, Trung Quốc chỉ cần 100 triệu người là đủ, thay vì 600 triệu hiện có. Thời gian qua, 100 triệu nông dân đã tràn vào thành phố kiếm công ăn việc làm, để lại 400 triệu người vẫn chịu cảnh vất vưởng tại quê nhà. Trong khi đó, đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp không những không tăng mà còn giảm đi. Số liệu về đầu tư cho nông nghiệp những năm gần đây như sau: năm 2001 - 58,2 tỷ nhân dân tệ, năm 2002 - 56,6 tỷ, năm 2003 - 54,7 tỷ, chỉ chiếm khoảng 5% GDP.

Chưa bao giờ, sự xung đột giữa thiên nhiên với con người ở Trung Quốc lại căng thẳng như ngày nay.

Viện sỹ Viện Công trình Trung Quốc Chu Cán Trĩ chỉ ra ba vấn đề chủ yếu tồn tại trong phát triển thành thị hóa ở Trung Quốc là:

1 - Lãng phí tài nguyên đất đai.
2 - Lãng phí tài nguyên môi trường.
3 - Lãng phí tài nguyên năng lượng.
4 - Lãng phí tài nguyên nước.

Hiệu quả đầu tư của Trung Quốc rất thấp, tại thành thị chỉ bằng một phần tư các nước công nghiệp khác. Đó là chưa kể đối với các loại công trình làm để "Chào mừng Đại hội Đảng", chào mừng các ngày lễ kỷ niệm...

Mức tiêu thụ năng lượng và nguyên vật liệu cho cùng một đơn vị sản phẩm của Trung Quốc cao gấp 9 lần so với Nhật Bản, 5 lần so với Châu Âu, 2,5 lần so với Mỹ. Trung Quốc đóng góp được khoảng 5% tổng sản lượng GDP cho thế giới nhưng để đạt kết quả ấy, họ tiêu thụ 12% năng lượng của thế giới, 25 đến 27% lượng thép và nhôm và hơn 40% lượng xi-măng của thế giới.

Tiềm năng nguyên và nhiên liệu Trung Quốc nói chung không lớn, trong khi 2/3 trong số 8.000 hầm mỏ lớn đã bị khai thác sắp cạn kiệt. Quặng mỏ bị tiêu phí ở mức cao chưa từng thấy (trung bình cao gấp 4 lần tính bình quân đầu người so với các nước tiên tiến) Nguồn điện lực Trung Quốc phụ thuộc chủ yếu vào than (67%), dầu (23%), thủy điện và khí đốt (10%).

Những cải cách kinh tế theo hướng thị trường của Trung Quốc đã dẫn đến sự gia tăng theo cấp số nhân về nhu cầu đối với năng lượng trong khi giếng dầu Đại Khánh cạn dần mà trữ lượng dầu ở Tân Cương, ở các biển Hoa Đông và Hoa Nam đều không đáng kể.

Trung Quốc bắt đầu phải nhập khẩu dầu thô từ 1993 và hiện đã trở thành quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Từ 1993 đến 2002, nhu cầu về dầu lửa của Trung Quốc đã tăng gần 90% trong khi sản xuất trong nước tăng chưa đến 15%... Đến năm 2004, với nền kinh tế vẫn giữ mức tăng trưởng 9,5%/năm và là thị trường ôtô lớn thứ ba thế giới cộng với 5 triệu phương tiện đi lại khác, nhu cầu dầu lửa Trung Quốc đã tăng lên 6 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc tiếp tục tăng dữ dội còn vì hiệu quả sử dụng năng lượng ở nước này hết sức kém. Dự tính, đến năm 2030, số dầu thô nhập khẩu sẽ tăng đến 10 triệu thùng/ngày. 80% lượng đó sẽ phải nhập khẩu.

Than vẫn còn là nguồn nhiên liệu quan trọng để sản xuất điện nhưng kỹ thuật khai thác và công nghệ sử dụng than còn rất lạc hậu. Trong 9 tháng đầu năm 2004, các tai nạn hầm mỏ ở Trung Quốc đã làm hơn 4.000 công nhân thiệt mạng (Con số này gấp 3 lần số lính Mỹ chết trận tại Iraq). Các nhà bảo hiểm xã hội Trung Quốc cho biết bình quân Trung Quốc đang phải đổi 4,17 mạng người để sản xuất được một triệu tấn than. Con số thảm thương này cao gấp 10 lần Ấn Độ, 30 lần ở Cộng hòa Nam Phi và 100 lần so với Hoa Kỳ.

Với những sách lược phát triển như đang thực thi, phải gần nửa thế kỷ nữa (2050) Trung Quốc mới có thể tự coi mình là một quốc gia phát triển ở tầm cỡ trung bình. Trên lộ trình này, Trung Quốc còn phải đương đầu và phải giải quyết suôn sẻ được 3 khó khăn sống còn: khan hiếm nguyên liệu, ô nhiễm môi trường và sự khập khiễng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Để giải quyết những khó khăn này, Trung Quốc đang tiến hành 3 sách lược, còn gọi là 3 vượt thóat.Trong đó, sách lược thứ nhất là vượt thoát khỏi mẫu hình công nghiệp hóa cổ điển để đi theo mẫu hình mới. Mẫu hình công nghiệp hóa cổ điển dựa trên sự tranh chấp để chiếm đoạt nguyên, nhiên liệu bằng những cuộc chiến tranh đẫm máu sẽ gây tai họa không những cho các quốc gia láng giềng mà cả cho chính Trung Quốc.

2 - Lòng người oán thán

Quá trình phát triển thành thị hóa hiện nay ở Trung Quốc không những thể hiện nhiều non yếu đang gây nên "bốn lãng phí": lãng phí tài nguyên đất dai, lãng phí tài nguyên môi trường, lãng phí tài nguyên năng lượng, lãng phí tài nguyên nước mà còn đang tạo nên "ba cái mất cân bằng": một là, khoảng cách chênh lệch giầu nghèo quá lớn; hai là, khoảng cách chênh lệch về kinh tế giữa thành thị và nông thôn quá lớn; ba là, khoảng cách chênh lệch giữa khu vực nội địa và khu vực duyên hải quá lớn.

Trong con mắt các nhà quan sát quốc tế, hiện nay có hai Trung Quốc đối nghịch nhau:

- Một Trung Quốc có quy mô kinh tế đứng thứ ba thế giới với dự trữ ngoại tệ lên tới 500 tỷ USD. Trung Quốc này tuồng như đang rầm rập đi tới cho phép tập đoàn máy tính Liên Tưởng (Lenovo) gây chấn động thế giới qua vụ mua lại công nghệ máy tính cá nhân của hãng IBM của Mỹ; cho phép đồng tiền Trung Quốc có giá trị đến mức nhiều người nước ngoài đang mua vào để dự trữ; cho phép hấp dẫn hầu hết các công ty lớn xuyên quốc gia trên thế giới đến đặt trụ sở hoặc chi nhánh ở đây.

Nhờ dám tự do hóa nền kinh tế, Trung Quốc đi từ kỹ nghệ xuất siêu sản phẩm có chất lượng kém để chuyển sang sản xuất các mặt hàng tinh vi có chất lượng cao. Trong khu vực kinh tế tư nhân, Trung Quốc đã thu hút được 500 tỷ USD tiền "ngoại quốc đầu tư trực tiếp" (FDI). (Tỷ lệ FDI ở Nhật Bản hiện nay là 1,1% của GDP, trong khi tỷ lệ này của Trung Quốc lên tới 40%). Trung Quốc ngày nay đã trở thành bộ máy xuất cảng khổng lồ. Từ năm 1990 đến năm 2003, tổng số xuất cảng của Trung Quốc tăng gấp 8 lần, với giá trị trên 380 tỷ USD. Hiện nay xuất siêu sản phẩm điện tử lên đến 30% tổng số xuất cảng của toàn vùng Châu Á.

Người Trung Quốc giầu nhất hiện nay là Wong Kwong Yu, chủ mạng lưới phân phối đồ dùng điện và là nhà đầu tư lớn nhất của thị trường bất động sản. Tài sản của ông trị giá tới 1,7 tỷ USD.

- Một Trung Quốc có chỉ số chênh lệch giầu nghèo đã ở mức báo động (chỉ số GINI lên tới 0,5). Trong nước Trung Quốc này ở nông thôn, nông dân bị mất ruộng đất, ở thành thị, công nhân bị sa thải sống lay lắt trong đói nghèo. Tại đây, nạn tham nhũng tệ hại đến mức không có khả năng ngăn chặn nổi. Tại đây, số công nhân chết vì tai nạn hầm mỏ thảm thương nhất thế giới.

Đằng sau những ngôi nhà chọc trời và những xa lộ cao tốc nườm nượp xe cộ lởn vởn biết bao nhiêu hồn ma bóng quỷ trừng mắt, nhe nanh uy hiếp sự ổn định và hài hòa của xã hội.

Trong buổi họp báo ngày 19 tháng 12 năm 2003 tại Washington, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói rằng số người thất nghiệp ở thành thị có tới 24 triệu và 100 triệu nhân công từ nông thôn kéo lên các thành phố tìm kiếm việc làm. Một số cơ sở quốc doanh đã sa thải 45 triệu nhân công. Số người thất nghiệp ở các vùng ngoài các đô thị tới 200 triệu.

Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho biết tài sản của 85% dân số Trung Quốc chiếm chưa đến 15% tài sản đất nước. Ngược lại giới elit kinh tế và các thủ trưởng của nhà nước đảng trị kiểm soát 85% tài sản đất nước. Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc thì: trong khi những người giầu nhất chiếm 20% tổng dân số chiếm tới trên một nửa số lợi tức thì số người nghèo nhất cũng chiếm 20% trong tổng số 1,3 tỷ dân lại chỉ được hưởng 4,7% tổng số lợi tức. Cho nên, số người nghèo đói tới 29 triệu. Số người nghèo khổ khoảng 56 triệu. 86 triệu người có thu nhập hàng năm dưới 850 nhân dân tệ. (100 USD).

Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc không hoàn toàn là nền kinh tế thị trường theo phương thức Âu -Mỹ mà là một nền kinh tế kích thích làm giầu trong đó quyền lực đóng vai trò phân phối tài nguyên và phần thưởng. Quyền lực bị Đảng khống chế tuyệt đối và đứng trên hẳn pháp luật để tùy tiện ban phát. Do đó, các ông chủ mới chỉ cần mua chuộc cán bộ bằng hối lộ là họ có thể thao túng vơ vét tài sản nhà nước mà không bị pháp luật khống chế. Họ là những chủ doanh nghiệp kếch xù nhưng hoàn toàn vô trách nhiệm. Vụ án buôn lậu hơn 6 tỷ USD ở Hạ Môn - Phúc Kiến của Lại Xương Tinh, ông chủ của tập đoàn Viễn Hoa cho thấy rất rõ. Họ Lại tung tiền mua chuộc và làm đê mê hầu hết các cán bộ cao cấp tỉnh, từ cục trưởng hải quan, tỉnh trưởng, thẩm phán, cục trưởng công an... bằng những đêm hoan lạc cuối tuần với mỹ nữ ở lâu đài "Hồng Lâu Mộng" do họ Lại xây cất.

Trong Đại hội vừa qua có 14 ông chủ như vậy được đưa vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đó là các ông: Trương Thụy Mẫn (Zang Rui Min), chủ nhân tập đoàn Hải Nhĩ (Hai Er) - một tập đoàn lớn thứ 6 trên thế giới về điện gia dụng với số thương vụ 8,8 tỷ USD. Ngoài ra là các ông chủ bự thuộc các lĩnh vực ngân hàng và dầu khí như: Lưu Minh Khương, Thương Phúc Lâm, Lý Nghị Trung, Mã Phú Lâm, Trúc Diên Phong...

Không chỉ có hố ngăn cách giầu nghèo, xã hội Trung Quốc ngày nay còn nứt toác ra thành hai mảng: thành thị và nông thôn.

Trong khoảng 18 năm, thu nhập của người ở thành thị tăng gần 2 lần nhanh hơn thu nhập của người ở nông thôn. Sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị do đó càng mở rộng. Năm 1986 chênh lệch thu nhập của người dân thành thị đối với người dân ở nông thôn là 1,9 lần. Con số đó tăng lên 2,3 vào năm 1992; 2,5 vào năm 1998 và 3,2 vào năm 2004. Đây là mức chênh lệch cao nhất thế giới giữa thành thị và nông thôn. Thu nhập một năm của nông dân nhiều khi không đủ chi phí cho một lần vào bệnh viện chữa bệnh. Thứ trưởng bộ Y tế Chu Khánh Sinh xác nhận: 50% nông dân vì thu nhập thấp mà không dám đi chữa bệnh ở bệnh viện.

Báo Nhân Dân Bắc Kinh cho biết trong năm 2003 thành thị Trung Quốc có khoảng 236.000 triệu phú đôla không kể tài sản về địa ốc. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ước tính có khoảng 200 triệu người tại các thành phố lớn có nhà cửa khang trang, có tiền đi du lịch, cho con cái học hành chu tất. Hầu hết đây là những người làm trong các ngành dịch vụ, trong các công ty tư nhân hoặc các đặc khu kinh tế. Họ bơi trong làn sóng của tăng trưởng kinh tế, của lối sống thích tiêu xài và chăm lo cho tương lai con cái.

Tuy nhiên, trong các thành phố lớn Trung Quốc, nói chung người ta thấy có phẩm trật 4 giai cấp. Chóp dỉnh là một ít thuộc tầng lớp trưởng giả thượng hạng gồm các doanh gia thành công nhất. Kế đó là giai cấp trung lưu với các doanh gia nhỏ hơn, các quản trị viên, các chuyên gia và các công nhân cổ trắng làm việc cho công ty nước ngoài hay công ty tư doanh lớn. Dưới hai giai cấp phồn vinh ấy là giai cấp lao động gồm đại da số nhân dân lao động. Dưới đáy xã hội thành thị Trung Quốc là giai cấp hạ đẳng có lợi tức chỉ đủ sống vất vưởng. Tình trạng công nhân công ty quốc doanh không công ăn việc làm đã góp phần mở rộng giai cấp này. Sự phân tầng xã hội và sự đa dạng hóa các quyền lợi giai cấp chuyển thể nhà nước thành đấu trường, ở đó những xung khắc quyền lợi được giải quyết bằng đấu tranh.

Dẫu sao, dù là người ở giai cấp hạ đẳng ở thành thị cũng không đến nỗi khốn khổ như người ở nông thôn. Hai dân biểu Quốc hội ở tỉnh An Huy, Trần Quế Khanh và Xuân Đào phải công khai lên tiếng: "Nông dân ngày nay bị áp bức còn nặng nề hơn cả ở thời kỳ Quốc Dân Đảng và quân phiệt Nhật thống trị". Một cán bộ cơ sở nông thôn là Lý Xương Bình đã viết thư lên thủ tướng với tiêu đề: "Tôi xin nói 3 điều chân tình nhất với thủ tướng" trong đó viết rất ngắn gọn là: "Nông dân thực sự nghèo, nông dân thực sự khổ, nông dân thực sự đang có nguy cơ".

Hàng năm, số người từ quê lên tỉnh kiếm sống tăng từ 6 đến 8 triệu. Tuổi trung bình của họ là 28,6 tuổi và trình độ học vấn chỉ ở mức nghĩa vụ giáo dục. Họ rất khó kiếm việc tốt mà chỉ những việc nặng nhọc, dơ dúa và nguy hiểm mà dân thành thị chê thì mới đến tay họ. Tại các xưởng gia công, những công trường xây dựng, họ phải làm việc một ngày 11 tiếng, một tháng 26 ngày với đồng lương tối đa chỉ bằng ½ lương của công nhân thành thị. Theo một kết quả điều tra của một cơ quan nhà nước, trong năm qua, tại các đô thị trên toàn quốc có khoảng 700.000 người bị tai nạn lao động, trong đó có 6.000 người bị thiệt mạng. 95% tai họa này rơi vào đầu những người lao động từ nông thôn lên.

Không chỉ có khe nứt toác giữa thành thị với nông thôn, ngay giữa các thành thị cũng có phân hóa dữ dội. Tỉnh giầu nhất là Thượng Hải với thu nhập đầu người 38.000 nhân dân tệ/năm (4.600 USD), hơn cả Bắc Kinh (2467 USD), trong khi tỉnh nghèo nhất là Quý Châu chỉ có 2.900 nhân dân tệ (350 USD). Sự chênh lệch giữa 2 tỉnh giầu và nghèo này lên tới 13 lần.. Những tỉnh duyên hải như Liêu Ninh, Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông, Giang Tô, Thượng Hải, Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông đều có thu nhập trên 10.000 nhân dân tệ (1.200 USD), trong khi 3 tỉnh Cam Túc, Quý Châu và Tây Tạng có thu nhập dưới 5.000 nhân dân tệ (600 USD).

Sự bần cùng hóa ở nông thôn, nạn quan chức tham nhũng không khống chế nổi và sự chênh lệch giầu nghèo ngày càng tăng dẫn đến những xung đột xã hội ngày càng gay gắt, làm cho quan hệ giữa chính quyền và dân chúng ngày càng căng thẳng, từ đó đe dọa an ninh và ổn định xã hội.

Tháng 1 năm 2004 tại khu vực Vạn Châu, thành phố Trùng Khánh và tai huyện Hán Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên đã lần lượt xẩy ra 2 vụ xung đột nghiêm trọng giữa nhân dân với cảnh sát và chính quyền trên quy mô lỡn và nghiêm trọng chưa từng có kể từ khi dựng nước đến nay.

Vụ ở Vạn Châu bắt nguồn từ một nguyên nhân rất nhỏ: một quan chức tự xưng là lãnh đạo của thành phố đã hành hung, đánh đập một công nhân qua đường, từ đó làm cho hàng chục vạn quần chúng căm giận kéo tới biểu tình trước trụ sở chính quyền thành phố. Quần chúng xông vào đập phá trụ sở chính quyền, phá hủy xe ôtô của các quan chức, xô xát với cảnh sát chống bạo động trong thời gian dài.

Vụ ở Hán Nguyên xuất phát từ nguyên nhân chính quyền trưng thu đất của nông dân để xây dựng nhà máy thủy điện. Nông dân lũ lượt xuống đường biểu tình, bao vây tỉnh ủy, bắt giam bí thư tỉnh ủy Trương Học Trung (Zang Xuezhong). Sức phản kháng mãnh liệt đến mức nhà nước phải đưa hơn một vạn cảnh sát vũ trang đến đàn áp làm nhiều người chết và bị thương. Tuy nhiên, cuối cùng nhà nước cũng phải nhượng bộ, ra lệnh ngừng xây dựng nhà máy, trả lại đất cho nông dân.

Trong năm vừa qua đã có hơn 3,5 triệu người dân Trung Quốc xuống đường biểu tình, chống lại việc trưng dụng đất đai và làm bẩn nguồn nước uống do phế thải công nghiệp.

Sau gần 30 năm cải cách mở cửa, tình trạng tham nhũng hoành hành trong xã hội Trung Quốc dữ dội đến mức làm cho Trung Quốc quay trở lại cách đây 200 năm của Châu Âu và lặp lại vết xe tham nhũng thối nát của chính quyền Tưởng Giới Thạch cách đây gần 60 năm. Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc suốt hơn ¼ thế kỷ qua chỉ là một quá trình công nghiệp hóa theo mô thức giai đoạn tiền khởi của chủ nghĩa tư bản, đã từng diễn ra ở Tây Âu trong các thế kỷ 18-19. Quá trình này chỉ độc đáo ở chỗ nó diễn ra dưới sự thống lãnh của một nhà nước-đảng toàn trị nhân danh chủ nghĩa Mác-Lênin. Chính quyền địa phương ở nhiều tỉnh, khu tự trị đã từ bỏ chức năng quản lý hành chính để chạy theo kinh doanh trở thành những ông chủ ở địa phương thông qua những hành vi như bán đất đai, thu hút thương nhân nước ngoài tới đầu tư kinh doanh để làm giầu cho bản thân và tập đoàn của mình. Trong khi đó, sự phát triển kinh tế của địa phương không theo quy hoạch, tiến hành một cách mù quáng, gây ra tình trạng xây dựng chồng chéo, hiệu quả thấp, lãng phí lớn. Quan chức địa phương câu kết, thông đồng với thương nhân dưới danh nghĩa xây dựng các khu công nghiệp phát triển, lấy đất đai của dân, di dân, nhưng đền bù với giá rẻ mạt để lấy tiền đút vào túi của mình. Các luật sư, cơ quan công an, tòa án cũng hùa theo "tư bản đỏ", đổi trắng thay đen, bức hiếp dân lành. Các doanh nghiệp nhà nước vì làm ăn quá thua lỗ bị xử lý bằng cách "nhỏ và vừa thì bán đi, lớn thì cổ phần hóa". Một phần trong số những doanh nghiệp nhỏ và vừa được bán cho tư nhân, chuyển thành các doanh nghiệp tư nhân. Đối với một số doanh nghiệp nhỏ và vừa còn lại, quyền sở hữu một số lượng lớn cổ phiếu của mỗi xí nghiệp được nhượng cho ban giám đốc. Những thủ đoạn muôn hình muôn vẻ mà các nhà diều hành các doanh nghiệp nhà nước đã làm để chỉ "nhất dạ chi gian" có trong tay một số lượng cổ phiếu trị giá nhiều chục triệu nguyên, hình thành một cộng đồng các tân tài phiệt quái đản. Chính phủ và nhân dân phải gánh chịu những tổn thất do bán tài sản công hữu rẻ mạt cho tư nhân, còn những kẻ mua được xí nghiệp công hữu với giá hời, bán lại với giá cao thì nhanh chóng phất lên giầu có nghễu nghện.

Tình trạng vô luật lệ đang uy hiếp Trung Quốc. Con số hàng năm các tội ác có báo cáo, tính theo tỷ lệ 100.000 người, bùng nổ từ 5,5 trong năm trong năm 1978 tới 28,8 năm 2000. Mức độ tội phạm có bạo lực thậm chí tăng nhanh hơn. Trên cả nước, các cơ quan thi hành luật pháp không thể đối phó vì thiếu nhân lực, thiếu ngân khoản và thiếu trang bị. Tại một số địa phương có phạm nhân đông và có nhiều súng nhiều viên chức nhà nước đã bị hạ sát. Trong năm 2001, 443 viên chức bị giết trong lúc thi hành nhiệm vụ. Một số cơ quan công an địa phương là đối tượng xâm nhập của người phạm pháp hoặc bị hối lộ mà biến thành tay trong cho các băng đảng hoành hành trên các đường phố và phạm pháp mà không bị trừng phạt. Các cơ quan điều tra đã khám phá ra gần 320.000 bộ đồng phục, huy hiệu, xe và vũ khí của công an, và phát hiện được 10.000 công an dởm.

Trung Quốc cũng là một đế chế với nhiều sắc tộc: phía tây là bộ lạc Uighurs, dòng dõi người Thổ hồi giáo, hiện sinh sống trong khu tự tri Tân Cương. Tại đây, chính phủ có cả một lực lượng quân đội hùng hậu nhưng vẫn không chế ngự được các vụ bạo loạn. Ở Tây Tạng, mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo vẫn âm ỉ, nung nấu một ý chí chống đối còn quyết liệt hơn.

3 - Thiên hạ hồ nghi

Trong bài viết đăng trên trang web của nhóm " Phân tích Châu Á ", tiến sỹ Subhash Kapila, Ấn Độ, cho rằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đang gây ra mối lo ngại và sự cảnh giác không thể không có đối với các cường quốc trên thế giới và các nước khác, đặc biệt là các nước láng giềng. Sau khi trở thành nhà nước cộng sản năm 1949, Trung Quốc luôn tìm kiếm cơ hội khuynh đảo cán cân quyền lực khu vực và toàn cầu. Kể từ khi phải căng lực lượng quân đội trong cuộc chiến tranh Triều Tiên đầu thập niên 1950, rồi cuộc chiến tranh với Việt Nam năm 1979, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đối đầu với các nước. Người ta không thể không e ngại trước hiện tượng, gần đây, Trung Quốc ra sức đẩy mạnh việc nâng cấp, hiện đại hóa quân đội và chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Napoléon từng có câu nói nổi tiếng: Khi Trung Quốc thức giấc, thế giới sẽ run sợ.

Trong bài viết ngày 15 tháng 5 vừa qua mang tiêu đề "Sự lớn mạnh của Trung Quốc gây bất ổn", John Mearsheimer, giáo sư chính trị trường Đại học Tổng hợp Chicago cũng khẳng định: "Trung Quốc có thể phát triển trong hòa bình? Câu trả lời của tôi là không! Nếu trong vài thập niên tới Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng kinh tế với tốc độ đáng kể như hiện nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc rồi sẽ dấn mình vào một cuộc chạy đua về an ninh ngày càng căng thẳng, tiềm ẩn một nguy cơ dẫn đến chiến tranh.

Hầu hết các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, kể cả Ấn Đọ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Nga và Việt Nam, rồi sẽ bắt tay với Hoa Kỳ để ngăn chặn thế lực của Trung Quốc... Một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh rồi đây cũng sẽ có những nỗ lực để đẩy thế lực Mỹ ra khỏi Á Châu, chẳng khác gì cung cách mà Hoa Kỳ dã đẩy các thế lực Âu Châu ra khỏi vùng Tây Bán Cầu trước đây. Một "Học thuyết Monroe" kiểu Trung Quốc rồi sẽ ra đời giống như Nhật Bản đã làm trong thập niên 1930... Hoa Kỳ sẽ phản ứng thế nào nếu Trung Quốc muốn trở thành một thế lực thống trị Á Châu. Chắc chắn là Hoa Kỳ không bao giờ chấp nhận có những thế lực đối đầu ngang tầm với mình.

Như đã được chứng minh trong thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã biểu lộ quyết tâm giữ vững vị trí thế lực bá quyền duy nhất trên thế giới... Những quốc gia láng giềng của Trung Quốc chắc chắn cũng đều lo sợ sự trỗi dậy đó và rồi họ cũng sẽ làm bất cứ những gì có thể làm được để ngăn chăn Trung Quốc trở thành một thế lực bá quyền khu vực... Cuối cùng thì rồi họ cũng sẽ đứng vào trong một lực lượng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo để canh chừng và kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc, chẳng khác gì Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, và ngay cả Trung Quốc đã liên kết lực lượng với Hoa Kỳ để ngăn chặn thế lực của Liên Bang Xô Viết trong thời chiến tranh lạnh vừa qua".

Quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc chẳng những không được cải thiện bền chắc mà gần đây càng trở nên xấu đi. Năm 2005, người Trung Quốc bùng phát bạo động nhằm vào những lợi ích của Nhật Bản tại Trung Quốc và xúc tiến những trao đổi ngoại giao gay gắt do việc Nhật Bản không chịu xin lỗi về những hành dộng tàn ác mà họ gây ra tại Trung Quốc trong thế kỷ trước. Tinh thần dân tộc chủ nghĩa tiếp tục đấy lên lòng thù hận giữa đôi bên chưa biết bao giờ mới hóa giải nổi.

Mối quan hệ gay cấn Trung Quốc - Nhật Bản càng tăng cao khi Trung Quốc tìm cách chiếm đoạt các nguồn năng lượng ở các vùng biển Đông-Bắc Á. Đối với Nhật Bản, Đài Loan là một khu vực địa chiến lược bởi gần 80% nhu cầu nhập khẩu năng lượng của Tokyo phải quá cảnh qua eo biển Đài Loan để đến Nhật Bản. Nhật Bản nhận thấy Okinawa rất gần Đài Loan, nếu tình hình eo biển Đài Loan tiếp tục căng thẳng, sự cạnh tranh Trung Quốc - Nhật Bản sẽ tăng theo. Đề cập đến vấn đề Đài Loan, ông Taro Aso, ngọai trưởng Nhật, ngày 9 tháng 3 năm 2006, nói trước một Ủy ban của Hạ viện rằng: "Nền dân chủ của Đài Loan được công nhận là khá chín muồi và các chính sách kinh tế tự do đang bám rễ sâu ở đó, do vậy, họ là một quốc gia tôn trọng luật pháp. Trên nhiều phương diện, đó là một nước đang chia sẻ những giá trị với Nhật Bản".

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Nam Á còn hàm chứa một thách thức lớn là chống lại Ấn Độ. Trung Quốc và Ấn Độ vốn từ lâu có sự nghi ngờ lẫn nhau trong quan hệ với Mỹ. Cho rằng Mỹ đang giúp Ấn Độ trở thành một cường quốc nhằm kìm chế Trung Quốc, Trung Quốc phản ứng gay gắt trước thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Ấn hồi tháng 6 năm 2005.

Từ năm 1999, Trung Quốc liên tục tăng cường các hoạt dộng tuần tra khiêu khích, thu thập tin tức tình báo tại khu vực dọc biên giới Trung - Ấn nhằm mục đích thử phản ứng của Ấn Độ. Việc xây dựng tuyến đường sắt dài 1.118 km từ Thanh Hải đến Tây Tạng và nhiều công trình quân sự khác cho thấy Trung Quốc "có ý đồ sử dụng sức mạnh quân sự hoặc qua đó gây sức ép trên bàn đàm phán để nhanh chóng đạt được mục đích riêng".

Trung Quốc đã dứt khóat bác bỏ đề nghị của Ấn Độ về việc đưa ra thời gian biểu cụ thể cho các cuộc đàm phán biên giới. Ý đồ của Bắc Kinh là tìm cách trì hoãn thực hiện các thỏa thuận như đã hứa với Ấn Độ sau khi đã có được các cam kết bằng văn bản từ phía Ấn Độ về vấn đề Tây Tạng. Trong khi, nhằm duy trì một thế giới đơn cực, Washington hỗ trợ để hình thành một Châu Á đa cực, trong đó Ấn Độ và Nhật Bản là đối trọng của Trung Quốc thì Bắc Kinh muốn hình thành một Châu Á - Thái Bình Dương đơn cực tập trung cho Trung Quốc, trong một thế giới đa cực. (Mỹ, EU, Nga, Trung Quốc). Ngược lại với Bắc Kinh và Washington, New Delhi muốn tồn tai đa cực cả trong khu vực lẫn trên phạm vi toàn cầu. Một số người Ấn Độ vẫn lo ngại về ý đồ bá chủ khu vực của Trung Quốc. Họ cảnh giác trước mối quan hệ an ninh thân thiện giữa Trung Quốc và Pakistan. Trong những năm qua, Trung Quốc cung cấp cho Pakisstan nhiều chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và vũ khí thông thường. Nhiều nguồn tin cho biết Bắc Kinh đang xây dựng nhiều sân bay quân sự ở tây nam Trung Quốc, gần Ấn Độ. Đối lại, ngoài kho vũ khí hạt nhân, Ấn Độ cũng xây dựng một đội quân với quân số đến 1,3 triệu binh sỹ.

Ngay cả Nga là nước hiện được Trung Quốc chọn làm đối tác chiến lược cũng không thể không tiến hành một số biện pháp nhằm hạn chế Trung Quốc khi cần thiết. Chủ nghĩa đơn cực của Mỹ, đặc biệt là với các chính sách chủ nghĩa thực dân mới, đã gắn kết Trung Quốc với Nga trong một hợp đồng chiến lựoc dựa trên sự tụ hội, cùng chia sẻ về những lợi ích quốc gia. Tuy nhiên hợp đồng chiến lược giữa hai nước này cũng không được suôn sẻ. Vả chăng, Trung Quốc không có sự lựa chọn nào thích đáng hơn trong chính sách đối ngoại tại khu vực Thái Bình Dương và một vài nơi khác, trái lại Nga, một cường quốc ở Châu Âu, lại có những lựa chọn về chính sách đối ngoại với EU.

Tháng 3 năm 2005, Trung Quốc đã thông qua đạo luật cho phép dùng vũ lực chống lại Đài Loan nếu quốc đảo này chính thức tuyên bố độc lập. Trung Quốc bố trí khoảng 750 tên lửa đạn đạo hướng vào Đài Loan nhằm đe dọa đảo quốc này.

Gần đây, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc còn thêm mối lo ngại rằng đường lối ủng hộ Mỹ trong công cuộc chống khủng bố có thể làm xói lở ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng Trung Á nếu kéo dài sụ hiện diện quân đội Mỹ ở đây. Có thể, trong tương lai, biên giới phía tây Trung Quốc cũng trở nên bất ổn định và dễ bị đe dọa.

Môi trường an ninh bên ngoài của Trung Quốc rất dễ bị nhiễu động bởi nhiều yếu tố. Chinh Yu, một nhà ngoại giao Trung Quốc dã điểm qua như sau:

  1. Xung quanh Trung Quốc là hai cường quốc quân sự mạnh: Nga và Ấn Độ; hai nền kinh tế lớn: Nhật Bản và Hàn Quốc; và những thị trường đang nổi lên cho tất cả các cường quốc chủ chốt có thể cạnh tranh: Ấn Độ, ASEAN.

  2. Trung Quốc bị bao vây bởi các liên minh quân sự của Mỹ và sự hiện diện vể mặt quân sự của Washington tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philipine.

  3. Các điểm nóng xung đột khu vực tồn tại xung quanh Trung Quốc tại bán đảo Triều Tiên, Cashmir và Afganistan.

  4. Trung Quốc phải đối măt với phong trào ủng hộ dộc lập tại Đài Loan, Tây Tạng.

Các cuộc tập trận giữa Nga và Trung Quốc trong mùa hè vừa qua là sự nhắc nhở cho người Đông Á và Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đang tập trung xây dựng nhanh chóng lực lượng quân sự. Bắt đầu từ 1996, ngoại trừ năm 2003, chi phí quốc phòng hàng năm của Trung Quốc đều tăng ở mức trên 10%, tập trung chủ yếu cho vũ khí chiến lược. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành đầu tư cho quân sự với quy mô lớn, bao gồm phát triển khả năng tác chiến không đối xứng; nhất là khả năng chiến tranh diện tử, chiến tranh trên mạng và chiến tranh trong khoảng không vũ trụ, cũng như khai thác phát triển sân chơi vũ khí chiến lược tiên tiến như tầu ngầm, vũ khí hạt nhân chiến lược, máy bay chiến thuật không người lái. Lực lượng Quân đội Nhân dân Giải phóng quân Trung Quốc hiện có 2,3 triệu quân, không kể 1,5 triệu quân thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chính thức công bố là 22 tỷ USD, nhưng theo tính toán của cơ quan tình báo quân sự Mỹ thì ngân sách này đã đạt 75 tỷ USD trong năm 2005 và sẽ lên tới 100 tỷ USD vào năm 2009. Tuy nhiên, sau "chiến tích" thảm bại trong cuộc chiến biên giới Việt - Trung và sau vụ thảm sát sinh viên ở Thiên An Môn, uy tín của lục quân Trung Quốc rất không đáng kể. Vả chăng, từ rất nhiều năm nay Trung Quốc chưa hề trải qua một cuộc chiến thực sự có tầm cỡ nào.

Mặc dù với những thành tựu kinh tế làm lóa mắt trong ít năm gần đây, người ta vẫn xếp Trung Quốc - một trong những nền văn minh sớm nhất nhân loại, nước có số dân đông nhất thế giới - đứng thứ 54 trong bảng toàn cầu hóa trên tạp chí "Foreign Policy" công bố hàng năm tại Hoa Kỳ. Vị trí này chẳng có gì vẻ vang bởi nó chỉ được liệt vào giữa Peru và Venezuela; trong khi vị trí đầu tiên thuộc về Singapore (sắc tộc Trung Hoa), thứ nhì là Irland, thứ ba - Thụy Sỹ, thứ tư - Hoa kỳ.

Hà Nội 25 tháng 6 năm 2006
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 - Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn - Từ Liêm - Hà Nội
Điện thoại: 5 534370.