Trung Quốc chuyển biến
Trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành
Trung Ương khóa XV do tổng bí thư Giang Trạch Dân đọc tại Đại hội XVI Đảng
Cộng sản Trung Quốc ngày 8 tháng 11 năm 2002, chủ đề chính của Đại hội được
nêu là "Giương cao ngọn cờ vĩ đại lý luận Đặng Tiểu Bình, quán triệt toàn
diện tư tưởng quan trọng "ba đại diện", kế thừa quá khứ, mở ra tương lai,
tiến cùng thời đại, xây dựng toàn diện xã hội khá giả ...".
Xây dựng toàn diện xã hội khá giả nghĩa là : "... làm cho kinh tế phát triển hơn, dân chủ kiện toàn hơn, khoa học giáo dục tiến bộ hơn, văn hóa phồn vinh hơn, đời sống nhân dân sung túc hơn". Làm cho kinh tế phát triển hơn bằng cách : "... khuyến khích, ủng hộ và chỉ đạo kinh tế phi công hữu phát triển ", và thừa nhận : "Kinh tế phi công hữu với các hình thức như cá thể, tư doanh là bộ phận hợp thành quan trọng của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, có tác dụng quan trọng đối với huy động mạnh mẽ tính tích cực trên các mặt trận xã hội, tăng nhanh phát triển sức sản xuất" Dân chủ kiện toàn hơn theo phương thức : "làm phong phú hình thức dân chủ, mở rộng sự tham gia chính trị có thứ tự của công dân, đảm bảo nhân dân dựa vào pháp luật thực hiện bầu cử dân chủ, quyết sách dân chủ, quản lý dân chủ và giám sát dân chủ, được hưởng quyền lợi và tự do rộng rãi, tôn trọng và đảm bảo nhân quyền... Kiên trì và hoàn thiện chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Kiên trì phương châm "cùng tồn tại lâu dài, giám sát lẫn nhau, mạnh dạn học hỏi nhau, vinh nhục có nhau", tăng cường hợp tác cùng nhau làm việc với các đảng phái dân chủ ...". Văn hóa phồn vinh hơn theo định hướng : "phát triển văn hóa tiên tiến theo hướng hiện đại hóa, hướng ra thế giới, hướng tới tương lai". Để "tiến cùng thời đại", Trung Quốc chủ trương : "Chúng ta sẽ tiếp tục cải thiện và phát triển quan hệ với các nước phát triển, lấy lợi ích cơ bản của nhân dân các nước làm trọng, không suy tính khác biệt chế độ xã hội và ý thức hệ". Thấy rằng, muốn "xây dựng toàn diện xã hội khá giả" và "tiến cùng thời đại", Trung Quốc tuồng như đang phải tự thân "diễn biến hòa bình" mạnh mẽ. Đảng Cộng sản Trung Quốc - một chặng đường lịch sửTừ các cuộc nam tiến, tây tiến xuất phát từ thượng lưu Hoàng Hà qua Thương Thang, Chu Vũ Vương, Tần Thủy Hoàng ..., mỗi trang sử Trung Hoa đều đẫm máu những cuộc sát phạt kinh hoàng của chính các thế hệ con cháu tộc người Hoa Hạ. Khi đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời, Trung Hoa đã là một quốc gia rộng lớn kéo dài từ tây sang đông, từ bắc xuống nam, rộng 9,6 triệu km2 với 56 dân tộc sống xen nhau từ chân đỉnh Chu Mu Lung Ma đến Thái kế thừa truyền thống dân tộc, để tồn tại và phát triển được từ 50 đảng viên đến 64 triệu đảng viên, đảng Cộng sản Trung Quốc từng phải trải qua một chặng đường vật lộn đầy cam go, quyết liệt. Thành lập từ 1921, đại hội 2 họp từ 16 đến 23 tháng 7 năm 1922 tại Thượng Hải do chủ tịch Đảng Trần Độc Tú chủ trì đã xác định nhiệm vụ triệt để chống đế quốc, chống phong kiến và chỉ rõ cách mạng Trung Quốc phải chia làm hai bước. Kết quả là, sau chưa đầy ba thập kỷ, đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi vĩ đại, đánh bại chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Như vậy là, sau cách mạng Tân Hợi năm 1911 do Tôn Trung Sơn lãnh đạo lật đổ chế độ quân chủ, ngày 1 tháng 10 năm 1949 nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức khai sinh. Đến Đại hội 8 họp tại Bắc Kinh năm 1956, Trần Độc Tú ngày càng bị phê phán là hữu khuynh, chức chủ tịch Đảng được chuyển qua tay Mao Trạch Đông. Tháng 4 năm 1957 phong trào chỉnh phong trong Đảng được phát động, sau đó chuyển thành cuộc đấu tranh chống phái hữu rất quyết liệt. Hơn 55 vạn người, trong đó có Chu Dung Cơ bị quy là phái hữu, bị xử lý tàn tệ. Trong giai đoạn này, nhiều trí thức lớn, nhiều văn nghệ sỹ tài ba cũng bị đày đọa rất dã man. Điển hình là nhà lý luận, phê bình văn học nổi tiếng Hồ Phong. Ông vốn đã cùng Lỗ Tấn đấu tranh chống văn hóa "vây quét" của Quốc Dân Đảng từ 1933. Năm 1936 cùng Lỗ Tấn, Phùng Tuyết Phong nêu khẩu hiệu "Văn học đại chúng của chiến tranh cách mạng dân tộc". Ông bắt đầu bị Đảng phê phán từ 1954. Xuất phát là những quan điểm học thuật về văn học đơn thuần rồi bị nâng dần lên thành phản cách mạng. Ông bị giam ở ngục Tân Thành từ 1955 đến 1965. Sau 10 năm giam cầm mới được đưa ra xét xử rồi lại bị kết án tù thêm 14 năm. Năm 1988 ông được minh oan, tư tưởng văn nghệ Hồ Phong được đánh giá lại. Tiếc rằng ông đã mất ngày 8 tháng 6 năm 1985. Nữ văn sỹ Đinh Linh - ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, ủy viên thường vụ Hội Nhà Văn Trung Quốc - cũng bị quy vào "tập đoàn chống Đảng". Năm 1958 bị đưa đi lao động cải tạo ở Bắc Đại Hoang, năm 1970 bị hạ ngục ở Tân Thành cho mãi tới 1976 mới được tha và 1984 thì được khôi phục hoàn toàn danh dự. Rồi "Thôn ba nhà" bị quy kết là "Một cuộc tiến công lớn vào chủ nghĩa xã hội có mục đích, có kế hoạch, có tổ chức được dày công sắp đặt", là "Ngọn cỏ độc chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội". Đặng Thác, Ngô Hàm bị bức tử, Liêu Mạt Sa bị bỏ tù. Tháng 7 năm 1979 "vụ án" này cũng được bình phản, cả ba người đều được khôi phục danh dự hoàn toàn. Nói chung, từ sau năm 1959, những truy chụp, quy kết bừa bãi từ chiến dịch đấu tranh chống phái hữu chớm bắt đầu được sửa sai. Qua nhiều đợt xem xét, đến tháng 5 năm 1980, khoảng 54 vạn người đã được minh oan và cuối 1981 chỉ còn 96 người không được bình phản. Tại đại hội 8 Mao Trạch Đông đưa ra kết luận mới về mâu thuẫn chủ yếu trong nước, ra quyết định sách chiến lược lớn, phải chuyển trọng điểm công tác của Đảng và Nhà nước sang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau những chủ trương "Làm phái thúc đẩy cách mạng" và "Cổ vũ lòng hăng hái, cố gắng vươn lên hàng đầu, xây dựng chủ nghĩa xã hội nhiều, nhanh, tốt, rẻ", phong trào "Đại nhảy vọt" được phát động rầm rộ. Kết quả của "Đại nhảy vọt" là chỉ trong vòng 3 năm, 1959 - 1961, nhân họa cộng với thiên tai đã làm cho "số người chết không bình thường và số trẻ em xuất sinh giảm bớt" lên tới 40 triệu. Tổn thất kinh tế trực tiếp là 120 tỷ Nhân dân tệ. Chim sẻ bị diệt đuổi. Rừng cây bị chặt phá bừa bãi để làm nương rẫy. Hậu quả hủy diệt môi trường này, các thế hệ con cháu nước Trung Hoa đã và đang phải gánh chịu oan uổng bởi nạn sa mạc hóa khốc liệt một diện tích lớn của lãnh thổ. Trong Hội nghị Trung ương 8, khóa 8, Bành Đức Hoài gửi thư phê bình những ấu trĩ tả khuynh và liền bị Mao mở chiến dịch phản kích dưới chiêu bài chống chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh nhằm vào tập đoàn chống Đảng gổm Bành Đức Hoài, Hoàng Khắc Thành, Trương văn Thiên, Chu Tiểu Châu. Khi tổng kết kinh nghiệm phong trào "Đại nhẩy vọt", Mao Trạch Đông biến tấu rằng : "Một trong những bài học chủ yếu của "Đại nhẩy vọt" là không thực hiện cân đối tổng hợp. Cần đảo ngược thứ tự ưu tiên kinh tế quốc dân. Từ công nghiệp nặng - công nghiệp nhẹ - nông nghiệp phải đổi thành nông nghiệp - công nghiệp nhẹ - công nghiệp nặng" và kêu gọi cả nước tập trung lực lượng tăng cường mặt trận nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm cơ sở cho nền kinh tế quốc dân, toàn đảng, toàn dân ra sức phát triển sản xuất lương thực. Tháng 8 năm 1966, Mao Trạch Đông tung ra bài báo chữ to "Nã pháo vào Bộ Tư lệnh" tiếp tục hạ gục Lưu Thiếu Kỳ đồng thời phát động cuộc "Đại cách mạng văn hóa vô sản" kéo dài hơn 10 năm (1966 - 1976). Thực chất đây là một cuộc nội chiến làm cho trên 20 triệu người bị hạ sát hoặc hạ nhục, bao gồm cả chủ tịch nước, ủy viên Bộ Chính trị, nguyên soái, đại tướng ... Tổn thất về kinh tế là trên 500 tỷ Nhân dân tệ, đẩy nền kinh tế đến bờ vực thẳm của sự sụp đổ. Tại Hội nghị Trung ương 2 khóa 10 họp từ 8 đến 10 tháng 1 năm 1975 do Chu Ân Lai điều khiển, Đặng Tiểu Bình được bầu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương. Trước đó, ngày 5 tháng 1 đã công bố quyết định cử Đặng tiểu Bình giữ chức Phó Thủ tướng thứ nhất, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Tổng Tham mưu trưởng quân đội. Tháng 4 năm 1976 sau khi xảy ra "Sự kiện Thiên An Môn" nhân các hoạt động tưởng nhớ Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình bị tước hết mọi chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng chỉ sau một năm, ông lại được phục hồi hoàn toàn. Bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 họp từ 18 đến 22 tháng 12 năm 1978, ĐCSTQ có chuyển biến rõ rệt. Về kinh tế, chủ trương đưa ra những biện pháp lớn điều chỉnh quan hệ tỷ lệ kinh tế quốc dân vốn đã lâm vào tình trạng mất cân đối, cải cách thể chế quản lý kinh tế quá tập trung, thí điểm cải cách ở nông thôn, thực hiện khoán sản. Từ đây đã tiến tới khẳng định lấy khoán sản đến hộ và kết hợp thể chế kinh doanh kép làm chế độ cơ bản lâu dài của tổ chức kinh tế tập thể ở nông thôn. Đến Đại hội 14 thì hoàn toàn xác định mục tiêu cải cách thể chế kinh tế là thiết lập thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với nội dung : làm cho thị trường có vai trò cơ sở đối với phân phối tài nguyên dưới sự kiểm soát vĩ mô của nhà nước, chuyển đổi cơ chế kinh doanh của xí nghiệp, hình thành thể chế xí nghiệp hiện đại phù hợp yêu cầu kinh tế thị trường, trách nhiệm và quyền hạn rõ ràng, tách chức năng quản lý hành chính và kinh doanh. Về chính trị, Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 kiên quyết bác bỏ khẩu hiệu "lấy đấu tranh giai cấp làm then chốt", làm tiền đề tiến tới lên án "Đại cách mạng văn hóa", triệt để phủ định lý luận "tiếp tục cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản" và đề ra cương lĩnh cơ bản trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, nhấn mạnh trị nước bằng luật pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, thừa nhận công hữu hóa có thể và cần đa dạng hóa hình thức thực hiện ; thừa nhận kinh tế phi công hữu là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ; cho phép và khuyến khích các yếu tố sản xuất như vốn, kỹ thuật tham gia phân phối lợi ích. Những bức xúc đòi hỏi chuyển biến mạnh mẽ hơn nữaCó thể nói, cho đến đại hội XV, Trung Quốc đã ba lần giải phóng tư tưởng :
Ba lần giải phóng tư tưởng, lần nọ tiếp lần kia, từng bước từng bước xung phá thắng lợi những trói buộc của tư tưởng tả khuynh, đổi mới nhận thức toàn Đảng theo hướng thời đại. Sau mỗi lần như thế đảng viên và quần chúng trong xã hội Trung Quốc đều thấy được thoát khỏi một phần ách xiềng gông, trả lại một phần sức sống nội tại cho thân phận con người vốn bị đè nén, áp chế. Sau mỗi lần như thế, sức sản xuất lại được giải phóng để bước lên một nấc thang, đẩy nền kinh tế phát triển. Nhờ vậy, đến năm 2001, tổng giá trị sản phẩm quốc nội đã đạt 9.595,3 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1102 tỷ USD), gần gấp hai lần năm 1989, nâng tổng lượng kinh tế lên hàng thứ 6 trên thế giới. Kim ngạch ngoại thương đạt trên 500 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 46,8 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ tới 212,2 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người 1020 USD. Mức sống của dân chúng ở thành thị tăng 8,5 %, ở nông thôn tăng 4,2 % so với năm 2000. Tuy nhiên, xã hội Trung Quốc vẫn chất chứa rất nhiều bức bối bất ổn. Theo bài nói của ông Hồ Cẩm Đào có tiêu đề "Quán triệt toàn diện, thực hiện tinh thần của Trung ương, bảo đảm vững chắc sự ổn định chính trị và xã hội", hiện xã hội Trung Quốc đang bị đe doạ bởi 10 nguy cơ, trong đó có : 1 - Quan hệ căng thẳng giữa quần chúng với cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Đảng và Nhà nước tại một số địa phương ngày càng biểu hiện thành mâu thuẫn gay gắt hơn. Kết luận của 25 tổ điều tra khảo sát do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và một số phòng nghiên cứu thuộc trường Đảng địa phương tiến hành tại 250 thành phố, gần 700 thôn xã cho thấy có tới hơn 1/3 thành phố và hơn 1/2 nông thôn có biểu hiện không khí bạo động vũ trang và nổi loạn của nhân dân. Do cán bộ coi thường, chà đạp luật pháp, không thực hiện các quy định của Đảng và Chính phủ, áp chế dân chủ nên số cuộc biểu tình chống đối ngày càng tăng. Năm 1997 có 22 000 vụ công nhân biểu tình, xuống đường đập phá. Năm 1998 có 72 000 vụ. Năm 1999 có 12 200 vụ. Tình trạng nông dân nổi lên chống lại chính quyền dữ dội như vậy làm cho liên minh công - nông, một cơ sở giai cấp của Đảng bị lung lay. 2 - Tình trạng tham ô, đồi truỵ, đặc quyền, lạm dụng chức quyền của cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn chưa hề giảm đi, việc này đã làm cho cán bộ Đảng và quần chúng bất bình và kịch liệt lên án. Trưởng ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Úy Kiện Hành cho biết số tiền tham nhũng của cán bộ lãnh đạo lên tới 850 tỷ Nhân dân tệ, chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội. Số liệu của Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cũng cho biết tính đến tháng 3 năm 1999 có 7 230 cán bộ lãnh đạo và chuyên viên lấy tiền công quỹ rồi bỏ trốn ra nước ngoài mang theo số tiền tới 110 tỷ NDT, 2,1 tỷ USD. Tình trạng này không những không bị khống chế mà ngày càng gia tăng. Năm 1987 mới có trên 370 người với khoảng 210 triệu NDT, năm 1991 là 850 người với số tiền 1,2 tỷ NDT, năm 1995 có 3 900 ngưòi với số tiền 40 tỷ NDT, năm 1996 có 4730 người với số tiền 57 tỷ NDT, năm 1997 tới 5 840 người với số tiền 70 tỷ NDT. Trong 5 năm, từ tháng 10 năm 1992 đến tháng 6 năm 1997 có 731 000 vụ cán bộ lãnh đạo, đảng viên bị thi hành kỷ luật về tội tham nhũng. Không chỉ có đảng viên thường hay cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh mà hàng loạt cán bộ cao cấp như : ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng, Phó chủ tịch Quốc hội khóa IX Thành Khắc Kiệt, Phó Tỉnh trưởng Giang Tây Hồ Trường Thành, Phó Chủ tịch Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Từ Bích Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân tỉnh Quảng Đông Vũ Phi, Phó Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân Hà Bắc Khương Diện Vũ, Phó Chủ tịch tỉnh Hồ Bắc Mạnh Khánh Linh, Thứ trưởng Bộ Công an Lý Kỷ Châu, Cục trưởng Cục tình báo Bộ Tổng Tham mưu Cơ Thắng Đức ... Đáng chú ý là nạn thạm những không chỉ ngày càng trầm trọng về số lượng mà còn lây lan từ lĩnh vực kinh tế -tài chính sang lĩnh vực chính trị ; từ dùng quyền lực lấy tiền sang dùng tiền giành quyền lực. 3 - Khoảng cách chênh lệch về thu nhập kinh tế, phân hóa hai cực giàu nghèo hiện đã lớn và ngày càng tăng làm cho dân chúng bất bình. Khả năng điều tiết tình trạng này chưa thấy xuất hiện. Chênh lệch giữa nông thôn với thành thị, giữa người giàu với người nghèo đều ngày càng tăng. Hiện nay dân số thành thị là 480 triệu người nhưng chiếm trên 88% của cải vật chất xã hội. Trong khi đó, dân số nông thôn là 850 triệu người chỉ có chưa đầy 20% của cải vật chất xã hội. Số gia đình giàu có trong 20% dân số chiếm một nửa tổng thu nhập xã hội trong khi 20% dân số nghèo khó chỉ được hưởng 4,2% tổng thu nhập xã hội. Số liệu thống kê của ngành tổ chức nhân sự tới cuối tháng 6 năm 2002 cho biết hiện nay có trên 350 000 cán bộ đương chức từ cấp huyện trở lên và hơn 410 000 cán bộ từ cấp huyện trở lên đã nghỉ hưu (trong quân đội tính từ cấp trung đoàn trở lên) cùng với gia đình, người thân của họ, tổng cộng khoảng 2 triệu người nhưng chiếm tới trên 70% của cải vật chất xã hội. Vậy mà, 1,2 tỷ dân chỉ chiếm trên 20% của cải vật chất xã hội. Tầng lớp giàu có hiện nay ở Trung Quốc nói chung đều không làm giàu chân chính theo cách dựa vào công sức, tài năng chính đáng của mình mà "làm giàu lưu manh". Họ không từ một thủ đoạn nào như mua bán quyền lực, tham nhũng, biển thủ công quỹ, buôn lậu, trốn thuế, tàn phá môi trường sinh thái ... cốt sao vớ đầy túi tham, làm giàu bất chính. 4 - Ý thức hệ của các thế lực tôn giáo có lúc, có nơi uy hiếp được cả ý thức hệ chính trị, làm thay đổi tư tưởng quần chúng nhân dân. Một báo cáo của Bộ Công an cho chủ tịch Giang Trạch Dân biết hiện Trung Quốc có khoảng 200 000 tổ chức đoàn thể quần chúng mang đủ loại mầu sắc, trong đó không ít tổ chức kiểu như Pháp Luân công, Trung Hoa Dưỡng trí công ... Pháp Luân công do Lý Hồng Chi khởi xướng. Lý thuyết của giáo phái này không có gì cao siêu, thâm thúy, chỉ kết đọng trong 3 chữ : Chân, Thiện, Nhẫn (Chân thực, Lương thiện, Nhẫn nại). Vậy mà chỉ trong vòng 7 năm, từ ngày thành lập đến khi bị đàn áp vào tháng 7 năm 1999 đã lôi cuốn được gần trăm triệu đệ tử rải khắp 39 tỉnh, thành phố, khu tự trị ... Chỉ trong một đêm huy động được 10 000 người biểu tình bao vây Trung Nam Hải. Trong số đệ tử trung thành của Pháp Luân Công có tới 70 000 trí thức, 120 000 đảng viên Cộng sản, cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng, Nhà nước. (Trong khi đó, ĐCS Trung Quốc với đầy đủ lý thuyết, lý luận, với sự mời gọi của bao nhiêu quyền lợi tinh thần, vật chất, qua suốt hơn 80 năm cũng chỉ kết nạp được 65 triệu đảng viên) 5 - Có khá nhiều tổ chức Đảng ở các địa phương, các cơ quan và trường học đã rơi vào tình trạng tê liệt hoặc hữu danh vô thực, đội ngũ cán bộ đã mất đi ý chí đấu tranh cách mạng và lý tưởng cách mạng, bởi vậy không thể phát huy được vai trò tác dụng trong các sự kiện chính trị nổi bật mà thậm chí còn sang đứng vào phe thù địch. Tại các tổ chức đảng ở cơ sở thì có một số nơi chi bộ, đảng ủy là của gia đình, dòng họ ; một số tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn mang màu sắc tôn giáo nhưng lại nấp dưới danh nghĩa "chuyên chính vô sản" để đàn áp, ức hiếp quần chúng ; việc kết nạp đảng viên và tổ chức ban lãnh đạo tại nhiều cơ sở mang tính bè phái, lôi kéo ngừơi nhà, người thân vào để củng cố địa vị cá nhân chứ không chú ý đến tầng lớp trí thức, đến các phần tử tiên tiến. Ở bên trên thì, cũng theo ông Hồ Cẩm Đào, có một số cán bộ cấp cao có thái độ bi quan đối với tiền đồ của đất nước, suy tính thiệt hơn, thậm chí còn có kế hoạch chuẩn bị "lót ổ" cho tương lai một khi có biến động chính trị xảy ra. Tạp chí Động Hướng số tháng 5 năm 2000 dẫn số liệu thống kê của ủy ban Kỷ luật Trung ương đầu tháng 4 cho biết có khoảng hơn 230 cán bộ cấp tỉnh, cấp cục đã làm hộ chiếu bằng những con đường không bình thường cho người thân, con cái sang các nước Mỹ, Châu Âu, Úc ... định cư và nhập quốc tịch ; có 25 cán bộ cấp tỉnh, cấp cục đã có hộ chiếu của nước ngoài để sẵn sàng trốn chạy khi chính quyền sụp đổ. Bức bối cả trong lòng lãnh đạoTheo một số nhà nghiên cứu, hiện nay Trung Quốc có 4 mâu thuẫn chủ yếu như sau :
Riêng về nội bộ Đảng, tại Hội nghị Bắc Đới Hà tháng 8 năm 2000, ông Hồ Cẩm Đào đã phải nói tới 10 điểm yếu của đảng viên CSTQ hiện nay là :
Sự thực là, để đề phòng những hiểm họa xuất hiện ngày càng nguy hiểm như hiện nay, trong thập kỷ 80, tổng bí thư Hồ Diệu Bang đã phải lưu tâm rất nhiều đến vấn đề chỉnh đốn Đảng. Đương đầu trước hai vấn đề "kiên trì sự lãnh đạo của Đảng" và "cải thiện sự lãnh đạo của Đảng", ông quả quyết phải đưa "cải thiện" lên trước "kiên trì". Ông nói : "Có cải thiện được sự lãnh đạo của Đảng mới kiên trì được sự lãnh đạo của Đảng". Quan điểm của ông bị một số cán bộ cao cấp, nhất là các lão thành bác bỏ vì cho rằng "Chỉ có kiên trì sự lãnh đạo của Đảng thì mới có thể còn nói đến cải thiện Đảng". Do chủ trương cấp tiến này mà Hồ Diệu Bang bị mất chức Tổng Bí thư. Thực tế Trung Quốc cho thấy cải cách thể chế chính trị dù theo đúng yêu cầu xã hội vẫn có nguy cơ uy hiếp vị trí lãnh đạo của Đảng. Hai phương án cải cách lớn được Hội nghị Trung ương 3 khóa 15 chủ trương là : thực hiện bầu cử dân chủ cấp thôn và cải cách lưu thông lương thực thực phẩm và bông. Phương án cải cách thể chế chính trị bầu cử dân chủ cấp thôn đã được tiến hành thí điểm ở một số tỉnh như Quảng Đông, Phúc Kiến, Liêu Ninh ... Kết quả là, những người được bầu vào Hội đồng cấp thôn hầu hết đều là người không nằm trong dự kiến vì đa số là người ngoài Đảng. Tuy nhiên, nếu chỉ lo bảo vệ Đảng, quá cứng nhắc, trì trệ thì cũng dễ bị đào thải. Trường hợp của Hoa Quốc Phong là một ví dụ : Sau khi diệt trừ được "bè lũ bốn tên", uy tín trong Đảng, trong nhân dân của Hoa Quốc Phong lên rất cao. Đi đâu cũng thấy tung hô : "Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng do chủ tịch Hoa Quốc Phong đứng đầu". Vào thời gian ấy, tuy điều kiện để nhân dân yêu cầu lãnh đạo tiến hành cải cách chính trị chưa có là bao nhưng họ cũng đã đòi hỏi lãnh đạo không thể làm ngơ trước những vấn đề xã hội gay gắt. Hồ Diệu Bang và Đặng Tiểu Bình nắm được thực trạng đó đã đưa ra những chủ trương phù hợp ý dân như : sửa sai cho những người trước đây bị quy là phái hữu, khôi phục danh dự và quyền lợi cho những người bị kết án oan, án giả, đưa các trí thức đang bị cải tạo ở nông thôn về thành thị ... Trong khi đó, Hoa Quốc Phong vẫn sơ cứng và duy ý chí, vẫn giương cao ngọn cờ "Nắm vững cương lĩnh đấu tranh giai cấp" và chủ trương "Hai phàm là" trong xây dựng kinh tế một cách nóng vội. Kết quả : Hoa Quốc Phong bị hạ bệ, Đặng Tiểu Bình được suy tôn. Vấn đề tham nhũng không chỉ gây phẫn nộ trong nhân dân mà còn gây bức bối trong lòng các vị lãnh đạo có chút lương tri. Tại Hội nghị của các tổ chức đảng phái dân chủ thảo luận về tham nhũng tổ chức ngày 28 tháng 4 năm 2000, Lý Thụy Hoàn, ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, chủ tịch Hội Nghị Chính Trị Hiệp Thương Toàn Quốc (gọi tắt là Chính Hiệp, tương đương với Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc của Việt Nam) nói : "Tiêu điểm của tham nhũng hiện nay ở đâu ? Dư luận đông đảo quần chúng nhân dân đều rõ rằng tham nhũng nẩy sinh ngay trong thể chế chính trị của chúng ta. Điều đó phản ánh một thực tế xã hội hiện nay. Vì sao chúng ta lại lảng tránh, lại phủ nhận ?... Phải thấy rằng cơ chế hiện nay của đảng Cộng sản là không thể ngăn chặn, hạn chế, kiểm soát nổi tham nhũng nẩy sinh và lan tràn. Điều này cũng chứng tỏ rằng thể chế chính trị hiện hành của chúng ta là thất bại, mà vẫn chưa thể hình thành được một cơ chế mới phù hợp. ĐCS là người đầy tớ của dân, vì sao chúng ta lại không thể xây dựng được một cơ chế để nhân dân giám sát ĐCS theo luật pháp ?". Thủ tướng Chu Dung Cơ còn mạnh mẽ hơn khi ông nói : "... mọi người đến để ca ngợi công đức của đảng Cộng sản. Từ lâu nay việc làm này đã thành quy luật, thói quen. Nói thực lòng, điều tôi nghe cũng như điều mọi người nói đều không phải xuất phát từ đáy lòng mình và mọi người đều cảm thấy hổ thẹn với lương tâm, càng hổ thẹn với chức vụ của chúng ta hiện nay. Tôi xin đề nghị kể từ nay trở đi chúng ta nên sửa lại, thay đổi cách làm này có được không ?... Chế độ chính trị hiện hành, thể chế chính trị hiện nay thực sự có rất nhiều tật bệnh nghiêm trọng, điển hình nhất là những cái hình thức chủ nghĩa quá nhiều, những điều trống rỗng, giả tạo, không thực chất quá nhiều, những điều thuyết giáo cũ rích, những cái lỗi thời quá nhiều. Vậy mà ý kiến của quần chúng nhân dân, của các vị đại biểu ngồi đây, của giới công thương, các nhân sỹ ngoài Đảng đối với chính phủ, với chính quyền, rồi những ai oán, những lời chỉ trích, lên án, thậm chí phản đối của mọi người đối với Đảng, với Chính phủ sao mà lại ít thế ? ĐCS vẫn tự cho mình là một đảng tiên phong, đại biểu cho lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân; ĐCS là người chân thật nhất, cầu thị nhất ; tấm lòng của ĐCS luôn rộng mở. Nếu những điều trên do quần chúng nhân dân nói ra, do các đảng phái dân chủ đánh giá thì mới chân thực, nếu không thì còn có ý nghĩa gì cơ chứ ! Tôi nhận thức rằng giờ đây ĐCS phải tự lột xác mình, phải cải cách chính mình. Đây là một quá trình cực kỳ khó khăn, rất đau đớn và có lẽ không thể làm nổi ... Hiện trong tay tôi có số liệu về kết quả thăm dò dư luận cho thấy, ở rất nhiều địa phương, các ngành trong Chính phủ, uy tín của cán bộ lãnh đạo là đảng viên Cộng sản kém rất xa so với những nhân sỹ đảng Dân chủ và không đảng phái" (Lời phát biểu cũng trong hội nghị trên). Từ lâu, nhà cải tổ tài ba Đặng Tiểu Bình cũng đã ý thức được tính phi chính thức tồn tại trong nền chính trị Trung Quốc thể hiện ở chỗ không phân biệt chức năng của Đảng với chính quyền, lấy Đảng thay chính quyền ... nên cuối năm 1978, khi kiểm điểm lại Đại Cách Mạng Văn Hóa ông chỉ rõ và luôn luôn nhấn mạnh "Phải chế độ hóa, pháp luật hóa nền dân chủ. Chế độ và quy định của pháp luật không vì thay đổi người lãnh đạo mà thay đổi theo, không vì quan điểm riêng và ý kiến của người lãnh đạo mà thay đổi theo". Vào các năm 1978, 1981, 1985, đã ba lần ông Đặng Tiểu Bình còn nêu ra rằng "Chúng ta phải tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống chế độ đa đảng, có phải cứ đa đảng là tư bản chủ nghĩa không ? Xem ra chế độ đa đảng đều đã thành công ở các nước lớn, nước vừa và nước nhỏ, ở các nước đó ít có động loạn chính trị. Ý kiến cá nhân tôi cho rằng cải cách thể chế chính trị chính là liên quan tới vấn đề một đảng tốt hay đa đảng tốt ? Có thể nhiều ý kiến trong Đảng, trong xã hội đều tán thành chế độ đa đảng tốt hơn chế độ một đảng. Thực tế là, tính ưu việt của chế độ đa đảng thể hiện khá thành công ở nhiều nước về các mặt chính trị, kinh tế và tiến bộ xã hội". Tại Bắc Kinh và Thượng Hải, cựu TBT Giang Trạch Dân cũng đã nhiều lần nói trong hội nghị nội bộ rằng ĐCS có thể suy nghĩ tới việc chuyển đổi thành đảng Dân Chủ Xã Hội. TBT Hồ Cẩm Đào trước đây cũng đã từng có lần nói như vậy. Thuyết "Ba đại diện" - Giải phóng tư tưởng lần thứ tưNhằm uốn nắn lại tác phong không lành mạnh và những biểu hiện tiêu cực, nhất là nạn tham nhũng đang hoành hành làm giảm uy tín của ĐCS Trung Quốc, năm 1995 TBT Giang Trạch Dân đưa ra tư tưởng "Ba chú trọng" gồm : Chú trọng học tập, chú trọng chính trị, chú trọng liêm khiết. Một phong trào học tập đã được tổ chức rộng rãi trong cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên kết quả đạt được không khả quan, cơ chế vận hành vẫn trục trặc, nạn tham nhũng vẫn hoành hành và không suy giảm. Sự thực là, ở Trung Quốc ngày nay không chỉ có những vấn đề tiêu cực, vấn đề tha hóa biến chất trong tư tưởng, sinh hoạt của đảng viên, vấn đề tham nhũng ... mà phải thấy Trung Quốc ngày nay đang trong giai đoạn chuyển ngoặt lịch sử. Sau hơn 20 năm phát triển kinh tế nhanh chóng, tình hình kinh tế - xã hội Trung Quốc đã có sự thay đổi to lớn. Cùng với việc phát triển nhanh chóng chế độ phi công hữu và đa dạng hóa hình thức kinh tế phi công hữu, cơ cấu chính trị - xã hội Trung Quốc cũng thay đổi rõ rệt ; phương thức phân phối và hình thức làm việc của người lao động không còn như trước nữa. Bởi vậy, ngày 19 tháng 2 năm 2000, TBT Giang Trạch Dân đã đưa ra thuyết "Ba đại diện" :
Ông khẳng định "Đây là tổng kết toàn diện và khoa học quá trình phấn đấu trong thực tiễn trải qua của Đảng 80 năm qua; phân tích sâu sắc bài học kinh nghiệm hưng thịnh, suy vong, thành công, thất bại của một số chính đảng các nước. Căn cứ vào tình hình mới phát triển ở trong và ngoài nước, nhiệm vụ mới xây dựng hiện đại hóa; qua điều tra, nghiên cứu, xem xét, đánh giá sâu rộng, lâu dài của tập thể Trung ương, đồng thời trên cơ sở nghiên cứu, đọc kỹ lại một số trước tác của chủ nghĩa Mác và một số văn kiện lịch sử của Đảng ta mới đưa ra được văn kiện mang tính khoa học, tính chiến lược, tính cương lĩnh như vậy". Tuy nhiên, phái tả khuynh, bảo thủ thì phê phán, phản đối, thậm chí lên án gay gắt. Ông Đặng Lực Quần cho rằng cái này không có gì mới về lý luận mà là sửa đổi lý luận, thay đổi căn bản học thuyết xây dựng Đảng, thay đổi tính chất của Đảng, vi phạm nghiêm trọng điều lệ Đảng và nguyên tắc tổ chức Đảng. Có đảng viên cho rằng đã nẩy nòi một Gorbachov trong ĐCS Trung Quốc. Có người bảo đã thấy bóng dáng Lý Đăng Huy trong nội bộ, sẵn sàng bán rẻ ĐCS Trung Quốc. Một số lão thành cách mạng viết trong "Vạn ngôn thư" rằng ở Trung ương Đảng đã xuất hiện chủ nghĩa xét lại. Đảng đã thay màu đổi sắc, nhân dân sẽ bị hại. Thư nêu rõ ĐCS do Giang Trạch Dân lãnh đạo phản động hơn phái phản động trong Quốc Dân đảng mà trước đây đã bị ĐCS đánh bại. ĐCS đã trở thành hòn đá cản đường tiến lên của lịch sử Trung Quốc mà người có tội lớn nhất làm đảo lộn quốc gia là Giang Trạch Dân. Thư còn viết, mười năm trước đây, Giang Trạch Dân từng tuyên bố ngăn chặn nguy cơ diễn biến hoà bình, nhưng ngày nay mối nguy cơ diễn biến hòa bình đã thực sự đến với Trung Quốc ; rõ rệt và nguy hiểm nhất là sự thay đổi tính chất của Đảng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng thay đổi về tư tưởng và lý luận, trở thành người đại diện chính trị cho các chủ doanh nghiệp chiếm chưa đầy 3% dân số Trung Quốc. Phái cấp tiến thì cho rằng đây là công cuộc giải phóng tư tưởng lần thứ tư của ĐCS Trung Quốc. Trong điều kiện lịch sử mới, lý luận sáng tạo quý giá này có một ý nghĩa vô cùng to lớn và sâu rộng trong việc mở rộng cơ sở của ĐCS, nâng cao ảnh hưởng xã hội của ĐCS, đồng thời củng cố hơn nữa quyền lãnh đạo của ĐCS. Thực ra trước đây trong chuyến tuần du Phương Nam năm 1992, Đăng Tiểu Bình cũng đã từng đưa ra thuyết "Ba có lợi" : Có lợi cho việc nâng cao đời sống của nhân dân. Có lợi cho việc nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. Có lợi cho việc phát triển sức sản xuất. Phải chăng tiền đề của thuyết "Ba đại diện" đã có từ đấy ? Ông Giang Trạch Dân giải thích nội dung "Ba đại diện" như sau :
Cùng với thuyết "Ba đại diện", sau khi đưa ra tư tưởng "Ba chú trọng", TBT Giang Trạch Dân còn đưa ra tư tưởng "Lấy đức trị nước" và nhấn mạnh : "Lấy đức trị nước" và "Dùng luật trị nước" là hai tư tưỏng quán xuyến trong công tác chính trị tư tưởng hiện nay của Đảng và Nhà nước mà cán bộ đảng viên phải quán triệt. Ông giải thích "Pháp luật và đạo đức là bộ phận hợp thành của thượng tầng kiến trúc, đều là biện pháp quan trọng bảo vệ trật tự xã hội và quy phạm tư tưởng hành vi của con người, chúng có mối quan hệ với nhau, bổ sung cho nhau. Pháp trị dùng biện pháp mang tính quyền uy và tính cưỡng chế để quy phạm hành vi của các thành viên trong xã hội. Đức trị lấy sự thuyết phục và hướng dẫn nâng cao nhận thức tư tưởng và giác ngộ đạo đức". Thực ra, "Dùng luật trị nước" của Giang Trạch Dân chẳng qua cũng chỉ luẩn quẩn trong vành đai "Lập pháp mang màu sắc Trung Quốc". Ở đây, luật pháp chỉ là sự thể hiện phương châm, định hình hóa chính sách của Đảng và Nhà nước, là sử dụng hình thức pháp luật để cố định phương châm chính sách của Đảng và Nhà nước. Tức là, pháp luật phải tuân theo và phục vụ chủ trương, chính sách của Đảng. Về vấn đề "Lấy đức trị nước", ông nói : "Lấy đức trị nước là phải lấy chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình làm tư tưởng chỉ đạo ; tích cực xây dựng hệ thống tư tưởng đạo đức xã hội chủ nghĩa phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và làm cho tư tưởng này quy phạm được đông đảo nhân dân tán thành và tự giác tuân thủ". Nhớ lại Tần Thủy Hoàng, người đã có công đánh đông dẹp bắc, hợp nhất Sở, Tề ... minh định giang sơn thành một Trung Hoa vĩ đại tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, vì quá lạm dụng pháp gia Hàn Phi nên triều đại chỉ trị vì được 14 năm trong khi vì biết đề cao "đức trị" và "lễ trị" của Nho gia nên nhà Hán tồn tại được 409 năm, nhà Đường 289 năm, nhà Tống 319 năm, nhà Minh 276 năm, nhà Thanh 267 năm. Dù sao chăng nữa, các triều đình Trung Nam Hải tự cổ chí kim vốn vẫn sử dụng thành thạo pháp gia làm bửu bối để cướp chính quyền và củng cố chính quyền nhưng, để "an dân", họ thường thực hiện xảo thuật "âm Pháp-dương Nho" (bí mật dùng Pháp gia, công khai đề xướng Nho gia). Tào Tháo thời Tam Quốc quyền mưu vạn biến song lại luôn luôn xưng tụng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là một ví dụ sinh động. Ngày nay Đảng Cộng sản Trung Quốc đại biểu cho ai ?Ông Bao Tong, phụ tá thân cận nhất của tổng bí thư Triệu Tử Dương trước đây, là một trong những người lên án thuyết "Ba đại diện" quyết liệt. Ông nói : "Có bao nhiêu công nhân mất việc làm và bao nhiêu nhà máy đóng cửa vào tháng trước ? Bao nhiêu công nhân bị buộc phải nghỉ hưu sớm bởi "Ba đại diện" ? Có bao nhiêu vụ tai nạn khai thác mỏ xảy ra trên toàn quốc ? Có bao nhiêu cuộc phản đối có tổ chức của những người công nhân ? Ai đã đưa những người tổ chức phản đối đó vào tù và ai đã làm câm lặng những tiếng khóc than của vợ và con cái họ ? ... rõ ràng là "Ba đại diện", những người đại diện cho lợi ích của đa số dân chúng, không quan tâm tới người công nhân ... sau 50 năm hưởng "tự do", người công nhân không chỉ mất quyền tổ chức công đoàn độc lập mà còn mất quyền phản đối và đình công. Ngày nay, nếu công nhân muốn tổ chức công đoàn độc lập thì hành động của họ sẽ bị dán nhãn "chia rẽ tầng lớp lao động" và sẽ bị bãi bỏ; nếu công nhân phản kháng hoặc đình công, thì sẽ bị coi là "bạo loạn" và bị đàn áp". Ông Bao Tong đã tố cáo đúng một thực trạng của công nhân Trung Quốc hiện nay. ĐCS ra đời được là nhờ giai cấp công nhân. Năm 1924, trước khi ĐCS Trung Quốc và Quốc Dân đảng hợp nhất, ĐCS Trung Quốc chỉ là một đảng nhỏ với 400 đảng viên. Sau một số cuộc đình công lớn, chính các phong trào công nhân đã đưa ĐCS Trung Quốc lên đỉnh chót vót vũ đài chính trị nước này. Bởi vậy, trước nghịch cảnh trớ trêu ấy ai mà không thể không lên án. Tuy nhiên, có thể là không thỏa đáng lắm khi ông Bao Tong quy kết hoàn toàn tình trạng đáng phàn nàn đó cho "Ba đại biểu". Ở Trung Quốc khi chưa có "Ba đại biểu" và ở Việt Nam không có "Ba đại biểu" thì nỗi oan nghiệt kia cũng đã và vẫn xảy ra. Về lý luận, vấn đề ở chỗ, bây giờ ĐCS Trung Quốc đại biểu cho ai ? Trong cổ điển, ĐCS nói chung và ĐCS Trung Quốc nói riêng phải là đại biểu của giai cấp công nhân và là đội tiền phong của giai cấp này. Thuyết "Ba đại biểu" không nói đến giai cấp công nhân nữa mà nói ĐCS Trung Quốc đại biểu cho yêu cầu phát triển sức sản xuất tiên tiến. Vậy ngày nay những ai đại biểu cho sức sản xuất tiên tiến ? Giai cấp công nhân có còn là đại biểu duy nhất, thậm chí còn có thể đại biểu cho sức sản xuất tiên tiến nũa không ? Ông Giang Trạch Dân giải thích rằng : "Giai cấp công nhân, trong đó bao gồm cả trí thức, đông đảo nông dân vẫn luôn luôn là lực lượng căn bản thúc đẩy lực lượng sản xuất tiên tiến phát triển và xã hội tiến bộ toàn diện. Các tầng lớp xã hội như những người lập nghiệp và nhân viên kỹ thuật trong các xí nghiệp khoa học kỹ thuật dân doanh, những nhân viên kỹ thuật trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hộ cá thể, chủ doanh nghiệp tư nhân, những người làm việc trong tổ chức môi giới trung gian, viên chức tự do xuất hiện trong biến đổi xã hội đều là những người xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc". Những người có đầu óc suy xét bình thường đều dễ dàng nhận ra tính chất ngụy biện ghê gớm của thuyết lý trên đây. Cái sự úm ba la này khiến người thực sự cầu thị không thể nào hiểu nổi, do đó, không thể thừa nhận. Ngoài ra, còn một vấn đề nữa không kém gay cấn : Một Đảng còn mang danh Cộng sản như ĐCS Trung Quốc có được phép kết nạp chủ doanh nghiệp, tức là những nhà tư bản làm đảng viên không ? Kết nạp tư sản có làm đảng Cộng sản đổi màu không ? Đầu thập kỷ 1950, sau khi ĐCS Trung Quốc giành được chính quyền, kinh tế tư doanh dần dần bị triệt hạ. Bắt đầu là tịch thu đại quy mô tư bản quan liêu. Đến trận càn năm 1956, sau khi sáp nhập cưỡng bức tất cả các xí nghiệp nhỏ, cuộc "Cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư bản chủ nghĩa ở thành thị và nông thôn" coi như đã hoàn thành cơ bản. Sang năm 1957 kinh tế tư doanh chỉ còn sót lại trong 0,1% GDP của Trung Quốc. Và, cuộc truy kích cuối cùng của "Đại Cách mạng Văn hóa" coi như đã tận diệt được kinh tế tư doanh. Ba mươi năm sau, từ những năm 80, nhờ tiến trình cải cách mở cửa, ĐCS dần dần chấp nhận lại sự tồn tại của kinh tế tư doanh. Cuối năm 1988 toàn bộ đại lục Trung Quốc có hơn 10 triệu xí nghiệp cá thể và 200 000 xí nghiệp tư doanh với tổng số công nhân làm thuê là 24,8 triệu người. Năm 1989, sau đợt phản kích vu hồi kinh tế tư doanh, lên án kinh tế tư doanh là nọc độc của "diễn biến hòa bình", hàng loạt các "đại khoản" phải lũ lượt đóng gói ôm tiền chạy sang Đài Loan, Hồng Kông ... Nhờ chuyến tuần du Phương Nam của Đặng Tiểu Bình, kinh tế tư doanh mới một lần nữa lại được tái sinh. Trong lần tái sinh này, đặc biệt là sau năm 1992, tự do hóa tư sản dần dần chiếm thế thượng phong. Trên sách báo, tạp chí Trung Quốc hầu như không còn bài phê phán tự do hóa tư sản. Kinh tế tư doanh phát triển rất nhanh. Đến cuối năm 1999 đã có gần 32 triệu hộ kinh tế cá thể với 64,2 triệu người tham gia ; có 1,5 triệu xí nghiệp tư nhân với 20, 21 triệu người làm thuê. Số vốn đăng ký kinh doanh của các thành phần kinh tế tư nhân lên tới 1028,7 tỷ Nhân dân tệ. Kinh tế tư nhân đã đóng góp phần rất đáng kể trong nền kinh tế quốc gia. Tiền nạp thuế và lợi nhuận cho Nhà nước chiếm 40% tổng thu ngân sách. Giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lớn công nhân viên bị sa thải từ các xí nghiệp quốc doanh. Không chỉ kinh tế mà cả cơ cấu chính trị- xã hội cũng ngày càng thay đổi rõ rệt. Vào khoảng năm 2000, số chủ xí nghiệp tư doanh tham gia Hội Ðồng Nhân Dân từ cấp huyện trở lên đã có 5401 người, ủy viên Hội Nghị Chính Trị Hiệp Thương từ cấp huyện trở lên là 8558 người, ủy viên Ban chấp hành Đoàn Thanh niên từ cấp huyện trở lên là 1357 người, ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ từ cấp huyện trở lên là 1430 người. Ở nhiều vùng, đã xuất hiện các tổ chức của chủ xí nghiệp tư nhân như "Thương hội xí nghiệp tư doanh"," Công hội xí nghiệp dân doanh", "Thương hội Thanh niên"," Câu lạc bộ xí nghiệp dân chủ", "Câu lạc bộ nhân vật nổi tiếng", "Hiệp hội thương nhân nước ngoài đầu tư" ... Các lão thành cách mạng và thế lực bảo thủ hoảng hốt lo sợ. "Vạn ngôn thư" viết : "Sự hình thành giai cấp tư sản là uy hiếp tiềm ẩn đối với chuyên chính vô sản của nước ta. Khi điều kiện chưa đầy đủ, giai cấp tư sản sẽ can dự vào cuộc đấu tranh trong nội bộ ĐCS, đả kích phái chính thống đi theo con đường XHCN, ủng hộ phái cải cách đi con đường tư bản chủ nghĩa trong Đảng. Một khi điều kiện chín muồi, dưới sự ủng hộ và phối hợp của giai cấp tư sản quốc tế, chúng sẽ "bắt gọn" toàn bộ ĐCS. Vì thế trong 10 năm từ nay về sau, giai cấp tư sản phải là đối tượng chủ yếu mà công tác an ninh chính trị trong nước phải chú ý tới". Bất chấp lý lẽ nào, thực tế hình thành và đang trở nên hùng hậu của giai cấp trung sản ở Trung Quốc đòi hỏi những quyền lợi chính trị chính đáng buộc ĐCS Trung Quốc phải tính tới việc đưa chủ doanh nghiệp tư nhân - các nhà tư bản thời nay vào ĐCS. Số liệu thăm dò dư luận của Trung Quốc giữa tháng 3 năm 2002 cho thấy có hơn 100 chủ doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Hà Nam bày tỏ nguyện vọng gia nhập ĐCS Trung Quốc, 73% chủ doanh nghiệp tư nhân ở Thành Đô, Tứ Xuyên cũng muốn xin gia nhập Đảng. Chủ trương kết nạp tư sản mới vào ĐCS gặp nhiều phản ứng quyết liệt. Chính TBT Giang Trạch Dân trong Hội Nghị Công tác Tổ chức Toàn quốc ngày 21 tháng 8 năm 1989 từng nói : "Chủ doanh nghiệp tư doanh không được gia nhập ĐCS. Đảng của chúng ta là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nếu để cho những người không muốn từ bỏ ý thức bóc lột, dựa vào bóc lột để sinh sống, gia nhập Đảng thì ĐCS Trung Quốc sẽ trở thành một đảng như thế nào ?". Giáo sư trường đại học Chiết Giang Quản Mẫn Chính "khẳng định đây là giai cấp tư sản mới. Quan hệ giữa họ với chúng ta phải được xem là mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân, nhưng họ không bao giờ có thể trở thành người lao động gương mẫu, càng không thể vào Đảng, ĐCS không thể trở thành đảng toàn dân". Nhiều ý kiến khác thì cho rằng kết nạp nhà tư bản vào ĐCS có nghĩa là ĐCS thừa nhận tính hợp pháp của bóc lột. Vậy thì lý tưởng Cộng sản, tinh thần vì nhân dân phục vụ sẽ biến thành lời nói rỗng tuếch. Nếu bất kỳ giai cấp nào cũng có thể gia nhập ĐCS thì Đảng không còn là đảng của giai cấp công nhân nữa, bản thân Đảng cũng không cần thiết phải tồn tại. Nếu ĐCS tự động từ bỏ trận địa của mình, cho các nhà tư bản đưa sói vào nhà, tạo nên sự đa nguyên hóa thành phần của Đảng, có nghĩa là đa nguyên hóa chính trị, khiến Đảng sẽ bị tan rã. Tuy nhiên, những đầu óc tỉnh táo, sáng suốt hơn lại cho rằng một đảng cầm quyền nếu không biết thu hút những phần tử ưu tú trong các tầng lớp xã hội tập trung vào trong đảng thì khả năng và cơ sở cầm quyền của đảng sẽ không những không thể nâng cao và củng cố mà còn bị suy yếu rõ rệt. Thời gian qua, nhiều xí nghiệp quốc doanh phá sản, công nhân mất việc làm, tổ chức cơ sở Đảng trong các xí nghiệp này bị tan rã. Trái lại, xí nghiệp tư nhân ngày càng tăng và phát triển, đồng thời trở thành nơi tiếp nhận công nhân bị mất việc trong xí nghiệp quốc doanh vào làm, nhưng tới nay các xí nghiệp tư doanh không có cơ sở đảng, vì vậy Đảng đang bị teo đi và mất dần các tổ chức của mình cũng như quyền lãnh đạo cơ sơ ở nhà máy và trong thành phố. Việc thu hút những phần tử tiên tiến trong các tầng lớp xã hội vào Đảng không phải là đưa các loại thế giới quan, ý thức hệ phi chủ nghĩa Mác vào trong Đảng, mà phải dùng cương lĩnh, đường lối và phương châm để thống nhất ý chí của những phần tử ưu tú. Ngay cả hãng tin Reuters cũng bình luận rằng chủ trương kết nạp chủ xí nghiệp tư doanh vào ĐCS là một cố gắng đáng kinh ngạc. ĐCS Trung Quốc muốn thông qua việc thu hút các nhà tư bản nhằm bảo đảm quyền khống chế của Đảng đối với quốc gia đang thay đổi nhanh chóng này. Trung Quốc đang chuyển biến và có thể còn chuyển biến mạnh mẽ hơn để "tiến cùng thời đại". Sau những bài học tả khuynh cay đắng khi Mao Trạch Đông tiến hành "Đại nhảy vọt", "Đại Cách mạng Văn hóa", "Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội Nhiều, Nhanh, Tổt, Rẻ" ... ; hay của Hoa Quốc Phong với "Hai Phàm Là" vv..., cuộc đấu tranh thắng lợi chống tả khuynh, giáo điều của những người lãnh đạo sáng suốt dần dần đã khống chế được đường lối lãnh đạo. Được vậy là do những người cấp tiến tài ba này hết sức uyển chuyển, đôi khi họ biết khôn khéo vận dụng cả thuật "âm Hữu, dương Tả". Họ đều là những người có học, có bằng cấp (Đặng Tiểu Bình từng tu nghiệp ở Pháp, Giang Trạch Dân tu nghiệp ở Liên Xô). Đặc biệt, họ đều là những người rất có bản lĩnh, đi lên bằng chính cái đầu cứng cỏi của mình. Đặng Tiểu Bình 4 lần bị khai trừ Đảng, Chu Dung Cơ bị đưa đi cải tạo lao động từ 1970 đến 1975. Lý Thụy Hoàn bị bức hại trong "Đại Cách mạng Văn hóa" từ 1966 đến 1971, Hồ Cẩm Đào cũng bị đưa đi lao động tại Cam Túc vào năm 1968 trong "Đại Cách mạng Văn hóa" ... Một bài học lịch sử cần được rút ra ở đây là, nguy cơ hiểm họa của đất nước lại chính là có thể gây nên do những người lãnh đạo được "quan thầy" dựng lên như Hoa Quốc Phong, Lâm Bưu, Vương Hồng Văn ... Những người này vì chỉ là những cục đất nặn ra rồi được sơn son thiếp vàng. Họ không có cái đầu riêng. Họ vừa phải nghĩ theo cái đầu của "quan thầy", vừa phải vâng dạ để trả nghĩa "quan thầy", mà, "quan thầy" thì thường sơ cứng, lẩm cẩm, bảo thủ, lạc hậu. Những "quan thầy" ấy hoặc vì đã thoát ly, không tiếp thu nổi thực tế mới, hoặc vì ngoan cố cương quyết quay lưng với thực tế để bảo vệ cho được những gì khi xưa đã chót sai lầm. Khôn khéo giã biệt quá khứ nặng nề, lạc lõng để "tiến cùng thời đại", "hướng tới tương lai", nước Trung Hoa hùng vĩ của Lý Bạch đang :
Mừng chăng cho nhân dân Trung Quốc ? Khắc khoải trông chờ sao cho Việt Nam yêu thương. Hà Nội, tháng 3 năm 2003
|