Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc
Ôn cũ để biết mới
 

“… Liệu có phải do hớ hênh hay thần phục mà ta đã gián tiếp công nhận trước quốc tế giành quyền cho Trung Quốc tham gia chia sẻ quyền lợi trên vùng biển Đông của ta không ?…”

Nhớ lại, ngoài dòng chữ gay gắt đã có lúc được tạc vào điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam xác định rằng Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất, ( Hiến pháp Việt Nam cũng đã từng khắc ghi như vậy, nhưng ngày 26 tháng 8 năm 1988 Quốc hội đã ra nghị quyết sửa bỏ điều đó), hiến pháp Việt Nam 1980, trong phần mở đầu, còn có đoạn ghi nguyên văn như sau : “Vừa trải qua 30 năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hòa bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Kampuchia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Kampuchia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình …”.

Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ thù hận, kể từ cuộc chiến tháng 2 năm 1979, ngày 30 tháng 8 năm 1990, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam họp bàn không chỉ để tìm đường nối lại quan hệ ngoại giao mà còn đề xuất với Trung Quốc chủ trương hợp tác bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chống đế quốc Mỹ. Ngày đó, bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao lập đề án trình bầy về triển vọng bất khả thi ý tưởng này vì phương hướng chiến lược của Trung Quốc vẫn là tranh thủ phương Tây để thực hiện “Bốn hiện đại”. Trong hội nghị, cố vấn Võ Chí Công cũng cảnh báo : Trung Quốc sẽ không nghe ta về hợp tác bảo vệ chủ nghĩa xã hội vì họ đang cần tranh thủ Phương Tây.

Mặc dầu vậy, sau cuộc họp cấp cao Trung- Việt tại Thành Đô, từ Trung Quốc về, Lê Đức Anh vẫn tuyên bố : “Mỹ và Phương Tây muốn nhân cơ hội này (Liên Xô và Đông Âu sụp đổ) để xóa cộng sản. Nó đã xóa ở Đông Âu. Nó tuyên bố sẽ xóa cộng sản trên toàn thế giới thì rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Dồng minh này là Trung Quốc”.

Ngày 5 tháng 11 năm 1991, tổng bí thư Đỗ Mười và thủ tướng Võ văn Kiệt thăm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để chính thức bình thường hóa bang giao và triển khai tư tưởng chỉ đạo của Lê Đức Anh. Trong khi Đỗ Mười lật đật trèo mấy bậc tam cấp hấp tấp ngước lên ôm chầm lấy Giang Trạch Dân thì ngay sau đó Trung Quốc khẳng định mối quan hệ đôi bên chỉ là “ thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu ” ( thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau ). Họ còn bộc bạch: Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc không được làm cho Mỹ và ASEAN lo ngại.

Thế đã là bỉ mặt lắm rồi, nhưng, trong thực tế, thậm chí có được như vậy không ?

1 - Miếng mồi thèm khát cận kề nhất

Đặt tên nước là Trung Hoa, các ông tổ nước này đã coi họ là trung tâm thiên hạ, vua nước họ là chúa tể thiên hạ, là con trời ( thiên tử ). Họ cho rằng chỉ người Trung Hoa mới có văn hóa, lễ nghĩa, còn người Di Địch thì kém cỏi, lạc hậu. Họ tuyên bố: Khắp dưới gầm trời, không đâu không là đất của vua, tất cả trên mặt đất không ai không là tôi của vua.


Nào phải chỉ vua chúa phong kiến, ngay cả “ lãnh tụ vĩ đại ” cộng sản Mao Trạch Đông cũng đầy tham vọng hợm hĩnh. Người ta có thể chia sẻ được đôi phần với viễn tượng lớn lao của ông ta tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1956 : “ Chúng ta phải trở thành quốc gia hàng đầu về phát triển văn hóa, khoa học kỹ thuật và công nghiệp … Không thể chấp nhận rằng sau một vài chục năm, chúng ta vẫn chưa trở thành cường quốc số một trên thế giới ”; nhưng hẳn không ai không sững sờ trước cái cuồng vọng : “ Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta ” (Tuyên bố của Mao tại Hội nghị Quân ủy Trung ương tháng 9 năm 1959).

Đấy là những phát biểu khi đã có quyền lực trong tay. Ngay thuở còn hàn vi, lãnh tụ đế chế cộng sản này đã tỏ ra gầm ghè với bọn đế quốc về những miếng mồi ngon mà Trung Quốc luôn coi là chư hầu của mình. Năm 1939, trong tập tài liệu mang tên : “ Cách mạng Trung Quốc và đảng Cộng sản Trung Quốc ”, Mao Trạch Đông đã viết : “ Các nước đế quốc, sau khi đánh bại Trung Quốc, đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lũ Thuận, Anh chiếm Miến Điện, Butan, Pháp chiếm An Nam … ”

Cho nên, ngay từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tháng 10 năm 1949, những người cầm quyền ở Bắc Kinh đã bắt tay đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu chiến lược của họ. Mặc dầu xã hội Trung Quốc còn lạc hậu, đời sống nhân dân còn khổ nghèo, từ cuối năm 1950 họ đã ra sức xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược và đẩy mạnh việc thực hiện hiện đại hóa về quân sự, về sản xuất và tích trữ vũ khí hạt nhân.

Là nước nhỏ hơn, có thể là ta đành ngoảnh mặt làm ngơ trước những mưu toan dù là cuồng dại của họ ; hiềm một nỗi, với chiến lược toàn cầu của mình, những người lãnh đạo Trung Quốc, trong khi coi Mỹ, hay Liên Xô, Nhật Bản là những đối tượng chủ yếu cần phải chiến thắng thì họ luôn luôn coi Việt Nam là một đối tượng phải được sử dụng làm tay sai hoặc cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược cuả họ.

Thôn tính cả thế giới có thể là mục tiêu xa vời, nhưng Đông Nam Á, với Trung Quốc chỉ là một sải chân. Trong cuộc hội đàm với đại biểu đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963, Mao Trạch Đông tuyên bố : “ Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam châu Á ”. Tháng 8 năm 1965, trong một cuộc họp ông ta lại bắt Bộ Chính tri đảng Cộng sản Trung Quốc phải quán triệt chủ trương : “ Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả Miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore … Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản … xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy … Sau khi giành được Đông Nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió đông sẽ thổi bạt gió tây ”.

Tệ hơn nữa, trong chủ trương thôn tính Đông Nam Á, Trung Quốc lại coi mảnh đất hình chũ S rộng 320. 000 kilomet vuông này chỉ là bàn đạp để đặt cái dẫm chân ban đầu. Trong cuộc gặp giữa đại biểu bốn đảng Cộng sản : Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Indonesia tại Quảng Đông tháng 9 năm 1963, thủ tướng Chu Ân Lai năn nỉ, dỗ dành : “ Nước chúng tôi thì lớn, nhưng không có đường ra, cho nên rất mong đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông Nam châu Á ”.

Trong những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, không phải không có những người muốn tình nguyện làm cái bàn đạp như vậy, thậm chí làm một đồ đệ trung thành của Bắc triều mẫu quốc. Ác thay, dẫu có thế đi nữa thì Trung Quốc cũng không hề muốn gia ân mưa móc để nuôi cho cái tiểu quốc đồ đệ này trở thành một thực thể béo tốt.

Một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố ngày 4 tháng 10 năm 1979, được in trong cuốn sách “ Sự thật về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc trong 30 năm qua ” dã đưa ra một nhận xét tổng quát : “ Trong 30 năm qua, những người lãnh đạo Trung Quốc coi Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đối với chiến lược cuả họ, luôn luôn tìm cách nắm Việt Nam. Muốn như vậy, nước Việt Nam phải là một nước không mạnh, bị chia cắt, không độc lập và lệ thuộc Trung Quốc. Trái lại, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giầu mạnh, có đường lối độc lập và tự chủ và đường lối quốc tế đúng đắn là một cản trở lớn cho chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, trước hết là cho chính sách bành trướng của họ ở Đông Nam Á ”.

Trong cuốn Hồi ức và suy nghĩ, cựu thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ còn ghi lại như sau: “ Sau hơn hai năm bình thường hóa, quan hệ Việt Trung có nhiều mặt được thúc đẩy như trao đổi đoàn qua lại, mở cửa một số cửa khẩu buôn bán biên giới … Song mặt tiêu cực và hạn chế đang nổi lên … Đặc biệt từ đầu 1993, Trung Quốc dùng nhiều biện pháp tổng hợp để tăng sức ép và tạo thêm nhiều khó khăn cho ta, gây tình hình không ổn định cho ta cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm làm chậm đà phát triển kinh tế của ta và kìm hãm việc mở rộng quan hệ đối ngoại của ta … Xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta trên bộ và trên biển …Xâm canh, xâm cư, xây kè cống làm thay đổi dòng chảy các sông suối biên giới có lợi cho Trung Quốc … Gây mất ổn định chính trị kinh tế bên trong Việt Nam; nêu trở lại vấn đề người Hoa, đẩy số người Hoa đã bỏ về Trung Quốc từ những năm 78, 79 trở lại Việt Nam; thông qua Khmer đỏ dồn đuổi Việt Kiều ở Kampuchia về nước; gây sức ép với Hồng Kông đưa toàn bộ số thuyền nhân ở đó về Việt Nam trước 1997; để hàng lậu từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch bán hàng vào Việt Nam với giá rất rẻ gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ở nước ta…”.

Ở Việt Nam có khoảng 1 triệu 20 vạn người Hoa sinh sống. Gần một triệu người Hoa ở miền Nam, dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, từ năm 1956 đã được vào quốc tịch Việt Nam và được hưởng nhiều điều kiện dễ dàng trong làm ăn sinh sống. Năm 1955, đảng Lao động Việt Nam và đảng Cộng sản Trung Quốc đã thỏa thuận rằng người Hoa ở miền Bắc do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và sẽ dần dần chuyển thành công dân Việt Nam, nhưng sau này lãnh đạo Trung Quốc đã lật mặt coi tất cả người Hoa ở Viêt Nam là kiều dân Trung Quốc và đòi quyền lãnh đạo họ. Thông qua đó họ đã từng lập các tổ chức phản động và màng lưới gián điệp như : “ Hoa kiều Hòa bình Liên hiệp hội ”, “ Hoa kiều tiến bộ ”, “ Hoa kiều cứu vong hội ”, “ Đoàn thanh niên chủ nghĩa Marx- Lenin ”, “ Hội học sinh Hoa kiều yêu nước ”, “ Mặt trận thống nhất Hoa kiều ”… ngay trên lãnh thổ nước ta.

Ngày 30 tháng 3 năm 1973, ta bắt được một gián điệp Trung Quốc tên là Lê Xuân Thành tại xã Ngư Thủy, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Tên này sinh ngày 20 tháng 3 năm 1949 tại Quảng Đông, Trung Quốc. là công an Trung Quốc trú tại 165 đường Hồng Kỳ, khu Tuyên Vũ, thành phố Bắc Kinh. Trong người Thành có một văn kiện tuyệt mật của Quân ủy Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Văn kiện có đoạn ghi như sau : “ … Nước ta và nhân dân Việt Nam có mối hằn thù dân tộc hàng nghìn năm nay … Chúng ta không được coi họ là đồng chí chân chính của mình, đem tất cả vốn liếng của ta trao cho họ. Ngược lại, chúng ta phải tìm mọi cách làm cho nước họ ở trong tình trạng không mạnh, không yếu mới có thể buộc họ ở trong tình trạng hiện nay … Về bề ngoài chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình nhưng trong lòng, chúng ta phải tâm niệm họ có thể trở thành kẻ thù của chúng ta ”.

Chủ trương đó xuyên suốt cho đến tận ngày nay, khi mà họ tìm mọi thủ đoạn chen chân vào WTO trước ta, khi mà ngay cả Kampuchia cũng đã vào WTO thì thông qua Cơ quan Tình báo Hoa hải ngoại họ lại răn dạy ta : “ Việt Nam không nên sốt sắng gia nhập WTO, vì nếu xem việc gia nhập WTO là một mục tiêu ưu tiên thì sẽ đồng nghĩa với sự đổi mầu của xu hướng chính trị ngày một gia tăng do những điếu kiện gia nhập WTO đưa ra về mặt cải cách ”.

Vậy mà, với Trung Quốc, đôi khi lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tỏ ra trung thành một cách rất ngây thơ.

Năm 1959, trong cuộc gặp mặt một số đảng Cộng sản tại Bucarest nhân đại hội đảng Cộng sản Roumanie, tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Khrousev kịch liệt lên án Mao Trạch Đông và đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng đã đi chệch chủ nghĩa Marx- Lenin, chống lại phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và yêu cầu các đảng có mặt khai trừ đảng Cộng sản Trung Quốc ra khỏi phong trào. Tất cả các đảng có mặt trong buổi đó ( kể cả Triều Tiên và Albanie ) đều tán thành Khrousev, riêng Lê Duẩn, thay mặt Đảng ta không đồng ý.

Trong hội nghị Bộ Chính trị Trung ương khóa 2 tại Việt Bắc năm 1954, dự kiến chủ trương chấp thuận lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tập kết tạm thời quân đội ta và Pháp trong hiệp định Genève bị anh em Khu 5 và Nam Bộ phản đối. Trong khi ngay cả Hồ chủ tịch cũng lúng túng chưa phân giải được thì tất cả đều đành buông xuôi khi các ông Trường Chinh, Tố Hữu đưa ra lời phán: “ Vĩ tuyến 17 là ý kiến của Liên Xô và Trung Quốc, hai bộ óc vĩ đại sáng suốt nhất của thời đại, chúng ta nên chấp nhận thôi ”.

Và, đây là lời kể của cụ Nguyễn Văn Trấn trong cuốn Viết cho Mẹ và Quốc hội: “ Có lần anh chị em Nam Bộ biểu tôi đến gặp ông già Tôn ( chủ tịch Tôn Đức Thắng ) mà hỏi, tại sao ổng để cho cải cách ruộng đất giết người như vậy ? Bác Tôn đang ngồi, nghe tôi hỏi, liền đứng dậy bước ra khỏi ghế, vừa đi vừa nói : “ Đụ mẹ, tao cũng sợ nó, mầy biểu tao còn dám nói cái gì ? ”. Quả thật, lúc cải cách ruộng đất còn nghe theo chệc ( >i?Tàu ) mà phóng tay phát động, ai mà có ý kiến với nó thì sẽ bị quy là có tư tưởng địa chủ. Cho nên, Trường Chinh, con có hiếu, không nỡ để cho cha mình bị bắt quỳ gối ở sân đình, liền đem cha đi giấu ở phố Hàng Mắm, rồi về ngồi trên chóp bu của Dảng mà nín thinh, mang mối sợ. Thiên thần của cải cách ruộng đất sẽ quy mình chưa từ bỏ tư tưởng địa chủ của thành phần xuất thân … Vậy thì lỗi là ở cách làm của người mà Đảng đã cho quyền làm, mà vì ngu đần nên cố vấn Trung Quốc dạy cho làm bậy ”.

Không phải chỉ trong cải cách ruộng đất ta đã dại dột vâng lệnh Trung Quốc giết hại hàng vạn đồng bào, đồng chí mình mà mãi về sau này cái tư tưởng nô lệ, cái tư cách đồ đệ trung thành vẫn cứ còn tồn tại dai dẳng mãi. Giữa cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng ngày 5 tháng 8 năm 1991, Hồng Hà, bí thư trung ương Đảng, phụ trách đối ngoại, chỉ thị : “ Từ nay, trong quan hệ với Trung Quốc, các ngành cứ tập trung ở chỗ anh Trương Đức Duy ( đại sứ Trung Quốc ), không cần qua sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh ”.

Sau khi nhận lệnh Trung Quốc phải uốn lưỡi, không được nói đến tội diệt chủng ở Kampuchia nữa, Lê Đức Anh ra chỉ thị “ Phải dứt khóat thôi vấn đề diệt chủng ”. Và, tổng bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh thêm : “ Nếu nói vấn đề diệt chủng tức là đồng minh với Mỹ, chống Trung Quốc ”.

Thảm thương hơn, sau khi đã cam kết từ nay không nói đến vấn đề diệt chủng nữa, Hồng Hà còn tiếp tục xin ý kiến Từ Đôn Tín : “ Tôi muốn hỏi đồng chí, ngoài vấn đề diệt chủng, còn 2 vấn đề gai góc là vấn đề quân đội các bên Kampuchia và vai trò Liên Hiệp Quốc thì phương hướng giải quyết nên thế nào ? ”. Quá là bầy tôi nô lệ rạp mình xin chỉ giáo của quan thầy. Thật là nhục cho quốc thể.

Cho đến tận bây giờ, hình như những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn không thấy được rằng ưu tiên số một của Trung Quốc không phải là cái lý tưởng cộng sản hay xã hội chủ nghĩa mà là quyền lợi dân tộc với mưu đồ bá quyền của họ. Không phải chỉ với Việt Nam, tại Đông Nam Á, khi Trung Quốc muốn chống hay gây sức ép với chính quyền tư sản các nước này thì họ lập ra hoặc giúp đỡ lập ra các đảng Cộng sản Maoism như ở Thái Lan, Mianmar, Malaysia …, nhưng khi họ thấy cần tranh thủ các chính quyền tư sản ở đó thì họ không ngần ngại thẳng tay bóp chết những đứa con khốn khổ ấy. Sau vụ Thiên An Môn, để xoa dịu phản ứng của Mỹ và Phương Tây họ buộc Trần Bình, tổng bí thư đảng Cộng sản Malaysia, một người gốc Hoa, cam kết đầu hàng chính quyền, giải tán đảng Cộng sản Malaysia..

Trường hợp Khmer đỏ sau này cũng vậy. Bài báo có tiêu đề : “ Trung Quốc giết Polpot để đe dọa những chỉ huy Khmer đỏ còn lại buộc trở về với Hunsen ” trên tờ “ Ý thức Khmer ” ra ngày 17 tháng 10 năm 2000 viết : “ Sau khi đi gặp sứ quán Trung Quốc tại Bangkok, Polpot chết không phải do bệnh tật, cũng không phải do Hunsen mà chết do thuốc độc của Trung Quốc ( ? ), bởi vì Trung Quốc vận động các chỉ huy Khmer đỏ trở về với chế độ của thủ tướng Hunsen không được nên đã giết Polpot để đe dọa những chỉ huy Khmer đỏ khác … Sở dĩ Trung Quốc muốn các chỉ huy Khmer đỏ trở về với Hunsen vì Trung Quốc đã chọn Hunsen làm con bài có lợi về chính trị cho họ sau khi Ponpot không còn ý nghĩa đối với họ nữa ”.

2 - Kháng chiến chống Mỹ - Ân và oán Việt Nam-Trung Quốc

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động đia cầu, với sự giúp đỡ nhiệt thành của hệ thống xã hội chủ nghĩa, Việt Nam rất có khả năng dấn tới thống nhất đất nước. Tại hội nghị Genève 1954, lập trường của Việt Nam là đi tới một giải pháp hoàn chỉnh đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương., đi đôi với với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Kampuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Tuy nhiên, khi đó, trong hoàn cảnh Tưởng Giới Thạch còn là đại diện Trung Quốc giữ vị thế một trong năm ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ đang thù địch với Trung Quốc và Pháp chưa có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, những người lãnh đạo Trung Hoa cộng sản muốn lợi dụng hội nghị Genève năm 1954 về Triều Tiên và Đông Dương làm một cơ hội để họ được cùng ngang vai với các nước lớn bàn bạc và giải quyết các vấn đề quốc tế lớn, bắt đầu từ vấn đề Việt Nam. Họ muốn chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương bằng giải pháp theo kiểu Triều Tiên, nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị. Ngày 24 tháng 8 năm 1953, chính thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố : đình chiến ở Triều Tiên có thể dùng làm mẫu mực cho những cuộc xung đột khác. Với giải pháp như vậy, họ hy vọng tạo được một khu đệm ở Đông Nam châu Á, vừa bảo đảm được an ninh cho biên giới phía nam của Trung Quốc mà vần kìm chế khả năng trở thành cường quốc đối với Việt Nam.

Lợi dụng vị thế là nước viện trợ quân sự chủ yếu và nắm con đường vận chuyển duy nhất chi viện cho Việt Nam, đồng thời lợi dụng tình trạng Pháp không muốn nói chuyện với Việt Nam trên thế yếu, những người lãnh đạo Trung Quốc đã tự cho phép đứng ra đàm phán trực tiếp với Pháp để thỏa thuận những điểm cơ bản cho một giải pháp về vấn đề Đông Dương.

Ngày 17 tháng 6 năm 1954 thủ tướng Chu Ân Lai gặp trưởng đoàn đại biểu Pháp G. Bideau, đưa ra điều khoản chấp nhận Việt Nam có 2 chính quyền : chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và chính phủ Bảo Đại. Ngày 23 tháng 6 năm 1954, thủ tướng Chu Ân Lai lại thỏa thuận với thủ tướng Pháp Mandesh France về việc chia cắt Việt Nam thành hai miền và sẵn sàng nhìn nhận Đông Dương nằm trong khối Liên Hiệp Pháp.

Tại cuộc hop ngày 10 tháng 7 năm 1954, trong khi Viêt Nam vẫn kiên trì đòi lấy vĩ tuyến 13 làm giới tuyến quân sự tạm thời và thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà là 6 tháng thì Trung Quốc đưa ra phương án lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến giữa hai miền Nam, Bắc Việt Nam, đồng thời ép Việt Nam nhân nhượng nhiều hơn nữa, thậm chí muốn chúng ta bỏ cả thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và đường số 5 ( đường nối liền Hà Nội với Hải Phòng )… Điện văn ngày 30 tháng 5 năm 1954 của thủ tướng Chu Ân Lai gửi Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, sao gửi Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam viết : “ Đánh giá ( phương án vĩ tuyến 16 ) khó có thể thỏa thuận, nếu không được thì sẽ lấy Hải Phòng làm cửa bể tự do, ở gần đấy cho Pháp đóng một số quân nhất định, nếu không được nữa thì đem đường số 5 và Hà Nội, Hải Phòng làm khu cộng quản và phi quân sự ”.

Thật ra, sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ không có khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dưong, nhưng khi Pháp đã cùng với Trung Quốc thỏa thuận được một giải pháp chung về Đông Dưong và Ngô Đình Diệm đã làm thủ tướng chính phủ Sầi Gòn thì đấy là một cơ hội, một gợi ý tích cực về một khả năng khác cho Mỹ.

Ngay sau hiệp định Genève, Trung Quốc nhanh chóng muốn công nhận chính quyền Sài Gòn. Trong bữa ăn tối ngày 22 tháng 7 năm 1954, thủ tướng Chu Ân Lai đã gợi ý việc đặt một công sứ quán của Sài Gòn ở Bắc Kinh.

Tháng 11 năm 1956, chủ tịch Mao Trach Đông nói với những người lãnh đạo Việt Nam : “ Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ … Nếu 10 năm chưa đủ được thì phải 100 năm ”.

Tháng 7 năm 1957, Mao Trạch Đông lại nhắc lại : “ Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có. Phải giữ vĩ tuyến 17 … Thời gian có lẽ dài dấy. Tôi mong thời gian dài thì sẽ tốt ”.

Với chủ trương “ Tọa sơn quan hổ đấu ” của Mao Trạch Đông, Trung Quốc quyết tâm “ Đánh Liên Xô đến người Tây Âu cuối cùng ” và “ Đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng ”. Ngày 23 tháng 6 năm 1965, Chu Ân Lai nói với tổng thống Ai Cập Nadser Arafadh : “ Mỹ càng đưa nhiều quân vào Việt Nam thì chúng tôi càng vui lòng , chúng tôi biết rằng chúng tôi nắm chúng trong tay, chúng tôi có thể lấy máu chúng. Nếu Ngài muốn giúp đỡ người Việt Nam thì cần khuyến khích Mỹ ném càng nhiều lính Mỹ vào Việt Nam càng tốt ”.

Bàn về nguyên nhân cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta, trong cuốn Cuộc cách mạng của chúng ta, ông Hoàng Tùng, nguyên bí thư trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã viết : “ Nguyên nhân cuộc đụng đầu ở Việt Nam là quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Năm 1953, Stalin qua đời, Mao cho rằng cơ hội đã đến để đưa chủ nghĩa Mao thành ngọn cờ lãnh đạo cách mạng thế giới … Không có sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô, Việt Nam khó thắng được Mỹ. Nhưng một mặt khác, lại phải thấy rằng, không có sự can thiệp và tác động của hai nước đó, khả năng Mỹ nhẩy vào Việt Nam không phải là một tất yếu ”.

Tháng 4 năm 1965, họ hai lần bác bỏ đề nghị của Liên Xô về vấn đề thống nhất hành động để bảo đảm an ninh của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chính vì thế, họ đã bác bỏ đề nghị của Liên Xô lập cầu hàng không qua Trung Quốc, lập các sân bay trên đất Trung Quốc để bảo vệ Việt Nam.

Tháng 2 năm 1966, Mao Trạch Đông bác bỏ việc thành lập Mặt trận Quốc tế thống nhất ủng hộ Việt Nam đã được nêu lên trong cuộc hội đàm cấp cao Việt – Trung trước đó.

Tháng 3 năm 1966, chủ tịch Mao Trạch Đông lại bác bỏ đề nghị của đảng Cộng sản Nhật Bản thành lập Mặt trận Quốc tế Thống nhất ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

Cuối năm 1971, ông Sihanouk đề nghị triệu tập hội nghị cấp cao lần thứ hai của nhân dân các nước Đông Dương để đẩy mạnh công cuộc chống Mỹ thì Trung Quốc lại gợi ý triệu tập 5 nước 6 bên gồm : hai miền Nam, Bắc Việt Nam, Lào, Kampuchia, Trung Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Mục đích của họ là lái chệch mục tiêu sang chống Nhật, đồng thời tập hợp lực lượng dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh để họ có thêm thế đi vào đàm phán với Mỹ.

Sau khi có Hiệp định Paris 1973, Trung Quốc vẫn muốn duy trì nguyên trạng tình hình ở Đông Dương. Ngày 1 tháng 2 năm 1975, đi thăm Trung Quốc về, thượng nghị sỹ Mỹ K. Mansfield báo cáo trước Quốc hội Hoa Kỳ : Trung Quốc tán thành để hai nước Việt Nam tiếp tục tồn tại.

Khi chế độ Ngô Đình Diệm bị sụp đổ thì họ bật đèn xanh cho Mỹ ném bom Miền Bắc Việt Nam, đồng thời đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến tại Miền Nam Việt Nam. Khi Việt Nam muốn ngồi thương lượng với Mỹ để phối hợp ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại thì họ ngăn cản. Khi Việt Nam đang trên đà đi tới thắng lợi hoàn toàn thì họ bắt tay với chính quyền Nickson, dùng xương máu của nhân dân Việt Nam đưa nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lên địa vị “ siêu cường thứ ba ” và đổi chác lấy việc giải quyết vấn đề Đài Loan.

Khi Mỹ đã rút khỏi Miền Nam thì cuối 1978, đầu 1979 lãnh đạo Bắc Kinh lại tính chuyện tấn công quân sự nước ta từ hai hướng.

Ở phía Tây –Nam, theo kế hoạch của Bắc Kinh, sau khi tập trung 19 sư đoàn bộ binh ( trong tổng số 23 sư đoàn bộ binh ) đến sát biên giới Việt Nam, ngày 22 tháng 12 năm 1978, bè lũ Polpot Iengsary đã sử dụng những sư đoàn tinh nhuệ nhất của chúng, có xe tăng và pháo binh yểm trợ, đánh vào khu vực Bến Sỏi thuộc tỉnh Tây Ninh ( cách Sài Gòn hơn 100 km ) với ý đồ đánh chiếm chớp nhoáng thị xã Tây Ninh, mở đường tiến sâu vào Miền Nam Việt Nam, đồng thời làm yếu Việt Nam để quân Trung Quốc dễ dàng chiến thắng từ phía bắc.

Ở phía băc, những người cầm quyền Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân gồm nhiều quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập, nhiều binh chủng kỹ thuật với gần 800 xe tăng và xe bọc thép, hàng ngàn khẩu pháo, hàng trăm máy bay các loại của hầu khắp các quân khu của Trung Quốc, điên cuồng phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1979 trên toàn tuyến biên giới. Quân Trung Quốc đi đến đâu là tàn sát dân thường, kể cả phụ nữ, trẻ sơ sinh, người già, phá hủy triệt để các bản làng, chùa chiền, nhà thờ, trường học, vườn trẻ, bệnh viện, nông trường, lâm trường …( theo văn kiện trên của Bộ Ngoại giao CHXHCNVN ).


Mấy năm gần đây, các cơ quan truyền thông tích cực biểu dương thành tích thương mại hai chiều Việt –Trung với con số 7,2 tỷ USD đạt được trong năm 2004. Tính đến tháng 5 năm 2005, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 675,6 triệu USD vào 328 dự án ở Việt Nam, đứng thứ 15 trong số các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, báo cáo của EIU ( Economist Intelligence Unit, thuộc tạp chí The Economist ) lại chỉ ra chi tiết là mức đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam tương đối thấp. Trong cam kết bốn tỷ USD đầu tư nước ngoài ( FDI ) ở Việt Nam cho năm 2005, các công ty Trung Quốc chỉ chiếm vỏn vẹn 65 triệu USD. Vì thế, báo cáo nói mối quan tâm của Trung Quốc ở Việt Nam vẫn chỉ là tập trung vào các vấn đề an ninh và ngoại giao chính trị, chứ không phải kinh tế.

Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân chuyến thăm Hà Nội từ 31 tháng 10 đến 2 tháng 11 năm 2005 của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào có đoạn viết : “Hai bên đánh giá cao “ Thỏa thuận công tác địa chấn biển liên hợp ba bên tại khu vực thỏa thuận ở biển Đông ” do công ty dầu khí 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Philipine ký tháng 3 năm nay, cho rằng việc ký kết Thoả thuận này là đóng góp quan trọng thực hiện “ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông ” ( DOC ) , có ảnh hưởng tích cực đối với việc thúc đẩy hợp tác cùng phát triển và ổn định tình hình trên biển, tăng cường tình hữu nghị láng giềng và sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước liên quan. Hai bên đồng ý tích cực ủng hộ các công ty liên quan, bảo đảm thực hiện Thỏa thuận một cách nghiêm chỉnh, làm cho việc hợp tác sớm đạt được kết quả cụ thể. Hai bên đồng ý tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hòa bình, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được; trong quá trình đó, hai bên sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề hợp tác cùng phát triển để tìm được mô hình và khu vực hợp tác cùng phát triển …” .

Liệu có phải do hớ hênh hay thần phục mà ta đã gián tiếp công nhận trước quốc tế giành quyền cho Trung Quốc tham gia chia sẻ quyền lợi trên vùng biển Đông của ta không ?

Tháng tư vừa qua, hai nước đã cùng tiến hành tuần tra ở vịnh Bắc Bộ. Đây là lần đâu tiên hải quân Trung Quốc phối hợp hoạt động với một đối tác nước ngoài . Họ được công khai xâm nhập lãnh hải nước ta về quân sự.

Hà Nội, 25 tháng 7 năm 2006
Nguyễn Thanh Giang
Nhà số 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại : 5 534370