XÃ HỘI DÂN SỰ Ở VIỆT NAM

Thanh Phương:

Trong thời gian gần đây báo chí Việt Nam cũng đã bắt đầu nói nhiều đến cụm từ “xã hội dân sự” hay “xã hội công dân”. Định nghĩa một cách sơ lược thì xã hội dân sự là tập hợp của các tổ chức quần chúng, tổ chức ngành nghề, tổ chức cộng đồng, tôn giáo, tổ chức thiện nguyện v.v… và nói chung là những tổ chức hội đoàn không nằm dưới sự quản lý của nhà nước. Nếu theo định nghĩa này thì thoạt nhìn Việt Nam hiện nay cũng có rất nhiều tổ chức, nhiều hội đoàn. Nhưng thực tế đó chưa thể được xem là xã hội dân sự như nhận định của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội.

TS Nguyễn Thanh Giang:

Xã hội dân sự chính là một thiết chế cho người dân có thể làm chủ được xã hội. Và do đó nó là một thiết chế dân chủ. Nó giúp cho tiến trình dân chủ hóa xã hội phát triển được tốt đẹp.

Ở Việt Nam xã hội dân sự thực sự là chưa phát triển. Vì một xã hội dân sự là phải có được những tổ chức mà do chính bản thân những người dân họ thành lập ra, họ xây dựng nên, thông qua đấy họ đóng góp ý kiến của họ, họ tập hợp lực lượng của họ để đóng góp vào sự vận hành các cơ chế của xã hội. Nhưng ở Việt Nam tất cả những cái đó đều ở trong tay Đảng. Tất cả các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh Niên CS HCM, kể cả các hội nông dân, hội người cao tuổi v.v… Tất cả những cái đó thực ra chỉ là những cánh tay nối dài của Đảng. Chứ không phải là những tổ chức thực sự của người dân được thành lập nên.

Đối với công nhân thì đáng lẽ là phải có những công đoàn độc lập của chính những người công nhân ở các xí nghiệp, ở các nhà máy tự thành lập ra để họ đấu tranh cho quyền lợi của họ, để họ đưa được những sáng kiến của họ để họ đóng góp với nhà nước, với ông chủ doanh nghiệp của họ. Tiếc rằng ở Việt Nam không hề có cái đó.

Tuy nhiên, những năm gần đây thì xã hội công dân ở Việt Nam cũng đã tự phát và bằng mọi hình thức nó đã tự phá rào bung ra. Cũng đã có được một số các tổ chức xã hội, ví dụ như đối với trí thức thì gần đây cũng đã có thành lập được Viện Nghiên cứu Phát triển của ông Nguyễn Quang A. Thực ra viện này thì cũng chỉ là tổ chức nằm ở trong Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam thôi, cũng chỉ vẫn là Đảng nắm thôi. Nhưng nó cũng đã cố gắng nói lên được một chút nào tiếng nói hơi khác một chút, nó có vài đề xuất mơi mới một chút. Nhưng rồi vì vẫn nằm trong Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam của Đảng cho nên nó vẫn phải tự khuôn mình, tự co mình lại, uốn lưỡi làm sao để nói mà không bị thổi còi.

Ở các phường, các xã thì gần đây cũng đã có được những tổ chức về nghề nghiệp. Về văn nghệ thì có câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ ca trù …, rồi cũng có được những câu lạc bộ cây cảnh, võ thuật… thấy như là được tương đối tự do phát triển một tí.

Dẫu sao, chỉ những cái gì Đảng yên trí rằng nó không dính đến chính trị, nó không dính đến việc bàn thảo có đụng đến những chủ trương đường lối mà thực chất là sai lầm của Đảng thì Đảng lờ đi để cho nó được tồn tại, để cho nó được hoạt động. Về phía đó thì cũng thấy rằng là có sự manh mún, có sự hình thành một cách rất sơ lkhai xã hội dân sự ở Việt Nam.

Thanh Phương:

Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn cũng cho rằng ở Việt Nam hiện nay chưa có một xã hội dân sự thật sự bởi vì hệ thống pháp lý chưa hoàn hảo.

LS Lê Công Định:

Tôi thì không nghĩ là ở Việt Nam đã có xã hội dân sự rồi. Mặc dầu những yếu tố cơ bản nhất để có một xã hội dân sự là đạt phôi thai. Chẳng hạn như có những hội đoàn, những tổ chức đã bắt đầu được hình thành mà với sự đóng góp của những cá nhân. Và từng cá nhân một, từng hội đoàn một họ đã bắt đầu có những tiếng nói có thể ảnh hưởng đến chính sách. Và nhà nước cũng đã bắt đầu có sự tôn trọng những tiếng nói như vậy.

Nó cho thấy rằng có sự tương tác giữa nhà nước và công dân. Đó là những yếu tố cơ bản mà tôi nghĩ rằng có thể tạo thành một xã hội dân sự hay gọi là xã hội công dân.

Trên hết, muốn có một xã hội công dân thì đòi hỏi là hệ thống pháp lý nó phải rất hoàn hảo. Từ hệ thống pháp lý hoàn hảo đó thì những người dân, vài tổ chức ngoài nhà nước họ mới ý thức được những quyền và nghĩa vụ của họ để họ thực thi cho đúng pháp luật. Điều đó thì ở Việt Nam chưa thể đạt được và thậm chí là trong một tương lai gần cũng không thể có.

Do đó quan điểm của tôi là một xã hội dân sự hay xã hội công dân thì chưa thành hình ở Việt Nam được.

Thanh Phương:

Như vậy, Việt Nam phải có một khuông khổ pháp lý như thế nào để xã hội dân sự có thể phát triển được? Luật sư Lê Công Định giải thích:

LS Lê Công Định:

Ở đây mình không đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý nó phải rất hoàn hảo giống như những nước phương Tây đã phát triển lâu đời như Hoa Kỳ, Anh Quốc hay Pháp chẳng hạn, không thể đòi hỏi như vậy. Nhưng ít nhất nó có một hệ thống pháp lý mà ở trong đó quyền của những cá nhân và những tổ chức được bảo đảm và được tôn trọng thật sự. Và người dân cũng như những tổ chức, hội đoàn họ ý thức được nghĩa vụ mà họ phải tuân thủ. Nhưng ở Việt Nam chúng ta hiện tại thì hoàn toàn không có những điều đó.

Có thể có những đạo luật, những quy định mà trong đó ấn định nghĩa vụ của người dân và tổ chức. Nhưng ngược lại quyền lợi của họ thì chưa chắc được tôn trọng một cách đúng mức. Do đó tôi không nghĩ rằng là trong một tương lai gần thì những điều đó sẽ được thay đổi. Bởi vì cho đến giờ thì việc tôn trọng những quyền được ấn định trong hiến pháp hay trong luật pháp thì nó vẫn còn nơi này nơi kia có sự vi phạm thậm chí có sự lạm dụng từ phía các quan chức nhà nước. Do đó tôi nghĩ rằng một hệ thống pháp lý nhưng đặt nền tảng cho một xã hội công dân ở Việt Nam thậm chí còn chưa có thì đừng nói đến việc nó sẽ phát triển đủ để tạo ra một xã hội công dân trong nay mai.

Thanh Phương:

Ở Việt Nam, một việc thảo luận về việc lập hội cũng đã được đưa ra thảo luận từ lâu và đã được sửa đổi nhiều lần. Nếu luật này được thông qua thì việc hình thành xã hội dân sự có sẽ dễ dàng hơn hay không? Luật sư Lê Công Định trả lời.

LS Lê Công Định:

Chỉ riêng việc mà cho đến nay không có một luật cụ thể về việc lập hội cũng như bản dự thảo mà đã được tranh cải, sửa tới sửa lui nhiều lần cho thấy rằng rõ ràng ở đây có một cái gì đó mà nhà nước vẫn còn rất là e dè hoặc thậm chí lúng túng trong việc sẵn sàng trao cho những hiệp hội, những đoàn thể ở trong xã hội những quyền cố định, những quyền mà nhà nước phải tôn trọng. Do đó tôi nghĩ rằng ngay cả khi trong tương lai mà có một đạo luật cụ thể về vấn đề lập hội thì chúng ta cần phải xem xét rất cẩn thận nội dung của nó, bởi vì những quy định để hình thành lên hiệp hội, rồi những cơ sở những khả năng mà người ta có thể rút lại giấy phép của những hội đó như thế nào… những việc đó chúng ta cũng phải xem xét trước khi có thể kết luận rằng là một xã hội công dân, một xã hội dân sự đã hình thành từ một đạo luật về vấn đề lập hội chẳng hạn.

Do đó là tôi thì không quá lạc quan khi nghĩ rằng sau khi có một đạo luật về hiệp hội thì chúng ta sẽ có ngay một xã hội công dân.

Thanh Phương:

Nói về khuôn khổ pháp lý thì lý do chính khiến cho xã hội dân sự không thể nảy nở ở Việt Nam đó là thiếu tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, như nhận định của ông Nguyễn Thanh Giang.

TS Nguyễn Thanh Giang:

Thực ra nếu một xã hội muốn là xã hội dân chủ thì phải để cho xã hội dân sự nó phát triển. Xã hội dân sự phát triển chính là để làm cho tai của Đảng được rộng ra, được thính hơn để nghe được dư luận của xã hội, nghe được ý kiến đóng góp của công dân. Và xã hội dân sự cũng là cái chỗ để cho nhân dân được tập luyện, được tự dạy nhau, tự lãnh đạo nhau rồi từ đấy đóng góp công sức, đóng góp những trí tuệ xứng đáng của mình cho sự lãnh đạo của Đảng.

Thế nhưng, muốn cho xã hội dân sự phát triển thì đồng thời cũng phải có tự do ngôn luận và tự do tư tưởng. Song, cả hai yếu tố tự do ngôn luận, tự do tư tưởng ở Việt Nam bây giờ đều rất kém. Đảng đều rất không ưa cái đó và đều khống chế những cái đó quá ngặt nghèo. Cho nên xã hội dân sự không có thể hình thành được như cần thiết và mong muốn.

Mặc dù những trí tuệ của người dân Việt Nam để có thể đóng góp cho Đảng thì rất dồi dào nhưng Đảng không muốn lắng nghe. Đảng không muốn lắng nghe ngay cả những ý kiến không phải là chống đối Đảng mà chỉ khác chút ít là Đảng đã không muốn nghe rồi ! Nếu khác nhiều mà lại dám nói một cách kiên cường thì bị quy là phản động, bị quy là gián điệp ngay.

Về vấn đề phản biện thì Đảng chỉ cho phản biện những vấn đề râu ria thôi. Những phản biện nào mà chỉ để là phụ họa cho những cái gọi là chủ trương đường lối, chính sách của Đảng thì Đảng để cho nói, để cho phản ánh lên. Rồi Đảng cứ lẳng lặng tiếp thu để làm cho mìmh mạnh lên. Với những ý kiến khác hẳn, dù là rất đúng đắn nếu không bị bỏ lờ đi thì sẽ bị trù dập khốn khổ. Cho nên nó sinh ra những chuyện hết sức đáng phàn nàn. Không chỉ những cái thuộc vấn đề chính trị, vấn đề đường lối mà ngay cả vấn đề khoa học, vấn đề kinh tế cũng thế. Do phản biện xã hội không được tôn trọng, không được tổ chức cho nó đóng được vai trò cần phải có đối với Đảng, từ đấy đã từng nẩy sinh những lãng phí cực kỳ tai hại cho đất nước.

Thanh Phương:

Trong bài phỏng vấn được đăng trên tờ Pháp luật tp HCM vào đầu tháng này tiến sĩ Lê Bạch Dương, viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cũng nhìn nhận là pháp luật ở Việt Nam chưa hoàn thiện cho nên gây khó khăn cho sự ra đời của các tổ chức xã hội dân sự. Ông Lê Bạch Dương nói, xin trích:

“Luật pháp của chúng ta vẫn thể hiện tư duy nhà nước muốn quản lý chặc xã hội dân sự. Tôi cho rằng điều này sai về mặt phương pháp luận và trong thực tế là không thể làm được”.

Theo tiến sĩ Lê Bạch Dương có nhiều lĩnh vực mà nhà nước không thể làm tốt bằng các tổ chức của xã hội dân sự, thậm chí là không nên, không cần làm. Ông Lê Bạch Dương nhấn mạnh rằng trong những dự án lớn không phải lúc nào nhà nước hay các chuyên gia đều nắm được hết những tác động nhiều mặt của các dự án đó lên môi trường, lên cộng đồng. Cũng như không phải lúc nào cũng tính đúng hiệu quả kinh tế của những dự án đó. Cho nên theo ông, cần phải có những tổ chức trung lập, khách quan cung cấp thông tin luận cứ mang tính phản biện, cảnh tỉnh đối với nhà nước.

Về phần TS Nguyễn Thanh Giang thì nhắc lại rằng chính vì Việt Nam chưa có xã hội dân sự cho nên nhiều chính sách sai lầm đã gây biết bao lãng phí, thiệt hại cho nền kinh tế của đất nước.

TS Nguyễn Thanh Giang:

Tôi nói ví dụ như cho đến bây giờ tôi vẫn cứ ray rức mãi về những chuyện cách đây trên dưới chục năm rồi, tôi và rất nhiều các nhà trí thức đã phản biện Đảng về chuyện không nên xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Dung Quất mà phải làm ở chỗ gần đó, dễ làm, như chọn địa điểm Bà Rịa, Vũng Tàu chẳng hạn. Nhưng Đảng không nghe, cứ khăng khăng làm ở Dung Quất cho nên suốt bao nhiêu năm nay lãng phí hàng nghìn nghìn tỷ đồng so với việc nếu mà đảng nghe chúng tôi mà đặt nhà máy lọc dầu đầu tiên không phải ở Dung Quốc mà phía Bà Rịa, Vũng Tàu.

Bây giờ tai hại quá chừng, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền cho việc nhập xăng dầu và mua xăng dầu đắt. Xây nhà máy lọc dầu đầu tiên hợp lý thi ta đã có xăng dầu từ lâu rồi và chỉ khoản tiền lãi thu được từ đấy cũng có thể đóng góp lớn vào việc xây dưng nhà máy thứ hai có thể đặt ở Dung Quất.

Thí dụ thứ 2 nữa là đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có ý kiến phản biện rất là đúng đắn, mạnh mẽ là chưa có nên làm đường xuyên Việt HCM mà tiền của hãy để tập trung vào hoàn thiện thêm đường 1 và làm thêm các đường xương cá. Thế mà cứ đổ tiền, của ra làm đường mòn HCM với chủ trương sai lầm là chính trị hóa vấn đề kinh tế, vấn đề khoa học kỷ thuật cho nên sai trái là bây giờ đường mòn HCM làm ra thì để đấy, hầu như ít có người sử dụng mà trong khi đó hàng năm đang phải bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để sửa sạt lở, ùn tắc. Chưa kể từ đây gây nạn tàn phá môi trường rất nghiêm trọng.

Tôi nói mấy ví dụ nhỏ như vậy để thấy ngăn cấm xã hội dân sự phát triển, không để cho những ý kiến phản biện xã hội được đóng góp tích cực cho nên đã gây ra rất nhiều tai hại cực kỳ lớn, chính vì vậy mà nước ta cứ nghèo khổ và tụt hậu mãi.

RFI, 22h30 ngày 10 tháng 11 năm 2008