02 Tháng 10 2008 - Cập nhật 17h17 GMT Quốc Phương BBC Việt Ngữ
Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc ngày hôm 02/10 dự kiến bế mạc vào ngày 4/10 tới đây, về mặt hình thức được cho là một hội nghị giữa kỳ thông thường.
Hội nghị này, tuy nhiên, được nhóm họp trong bối cảnh Việt Nam đang gặp khủng hoảng kinh tế, đang đối đầu các nguy cơ bẩt ổn xã hội và chia rẽ nội bộ sâu sắc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh và đề nghị 279 uỷ viên chính thức và dự khuyết phân tích, làm rõ 'những nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, điều hành và quản lý để rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực'
Nhà quan sát chính trị Việt Nam ở trong nước, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, cho rằng từ ngữ 'nguyên nhân chủ quan' mà ông Nông Đức Mạnh sử dụng ở đây gián tiếp nhắm vào cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Giang đồng thời cho rằng nội bộ Trung ương Đảng, đang có những bất đồng về đường lối lãnh đạo cũng như nhân sự cao cấp.
Tiến sĩ Giang nói: "Vừa qua, trong một số cuộc làm việc ở tầng chóp đỉnh của ĐCS Việt Nam đã nổ ra những cuộc tranh cãi gay gắt, thậm chí nặng lời với nhau, biểu hiện sự phân hoá."
"Hiện bây giờ đang rất gay gắt. Ông Nguyễn Tấn Dũng đang bị phái bảo thủ tấn công và thế của ông có khả năng hơi chông chênh."
Một ngày trước phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 8, trong một diễn biến liên quan, thu hút sự chú ý của dư luận, Thủ tướng Dũng đã tiếp phái đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Động thái này được cho là một bước đi của cả hai phía Nhà nước và Giáo hội, thăm dò hướng giải quyết xung đột đối đầu gay gắt gần một năm qua giữa Giáo hội công giáo với Chính quyền.
Giải pháp tình thế
Các tin tức cho hay hiện hai bên chưa có tiến triển đáng kể nào trong việc đưa ra giải pháp cho xung đột.
Nhưng tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa trấn an khối Công giáo về chủ trương quan hệ tốt đẹp ổn định của Nhà nước với các các tôn giáo, trong đó có tôn giáo.
Mặt khác, ông Dũng cũng tái khẳng định việc Nhà nước không xem xét trao trả lại các khu vực đất đai ở các địa điểm tranh chấp cho nhà thờ.
Đồng thời, người đứng đầu chính phủ từng thăm viếng Giáo hoàng tại Vatican một năm về trước, cũng có lời lẽ phê bình, chỉ trích đích danh Tổng giám mục Hà Nội, ông Ngô Quang Kiệt, trong các vụ việc gần đây.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cho rằng Thủ tướng Dũng thuộc phái chủ hoà nhưng buộc phải tỏ ra cứng rắn trước các áp lực trong Trung ương Đảng.
"Gần đây người ta tấn công ông Dũng và uy hiếp ông Dũng. Cho nên buộc ông Dũng đôi khi phải có những tuyên bố cứng rắn. Và ông phải dùng cái đó như 'cái khiên' để đỡ, cho người ta khỏi đánh gục ông."
Tiến sĩ Giang nhận định: "Thực lòng Nguyễn Tấn Dũng không phải như thế. Giữ cho mình đứng để có thời cơ thực hiện đường lối cách tân của mình, thì phải giơ cái khiến chắn ấy ra nhất thời."
Còn từ Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Tương Lai, từng cố vấn các vấn đề xã hội cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đánh giá rằng "Ông không nghĩ Hội nghị Trung ương giữa kỳ này có thể bàn thảo gì về thay đổi nhân sự"
Ông nói "Vấn đề bây giờ là dồn sức để giải quyết các khó khăn trước mắt."
"Ví dụ như tình hình đời sống, kinh tế khó khăn của người dân, tình hình khủng hoảng kinh tế, lạm phát trong nước, thiên tai, ảnh hưởng của cơn bão tài chính toàn cầu. Vấn đề là phải chờ đợi xem sẽ vượt qua các khó khăn đó như thế nào."
Một số ý kiến khác cho rằng rằng Hội nghị Trung ương 8 lần này vẫn giới hạn trong khuôn khổ một hội nghị giữa kỳ.
Một mục tiêu chính của Hội nghị là tạm thời trấn án dư luận trước những thành tích kinh tế nghèo nàn, các diễn biến bất đồng trong chính sách đối nội, đối ngoại và các nguy cơ bất ổn xã hội sâu sắc, kéo dài.
Hội nghị do đó chỉ được coi là một trong các bước trù bị có tính giải pháp tình thế cho những thay đổi và tái sắp xếp về cán cân nhân sự, đường hướng lãnh đạo chiến lược... mà Trung ương Đảng chưa thể giải quyết thấu đáo, rõ ràng trong thời điểm hiện nay.
|