VỀ VIỆC CẮT GIẢM THỜI LƯỢNG BBC TIẾNG VIỆT

 

 

Nguyễn Hoàng: Thưa quí vị, một trong những nhà bất đồng chính kiến có tiếng tại Việt Nam dự kiến sẽ gởi thư tới ban lãnh đạo đài BBC phản ảnh về quan điểm không đồng tình của ông đối với kế hoạch giảm thời lượng phát sóng ngắn của BBC tiếng Việt. Lá thư được viết từ Hà Nội của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang kêu gọi giới lãnh đạo BBC cân nhắc lại quyết định mà ông gọi là sự thay đổi theo chiều hướng xấu

Khách mời của chương trình Việt Nam Ngày Nay tuần này là Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội, nhà văn Vũ Thư Hiên từ Paris và nhà báo Lê Thụy từ California

Về lá thư của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội có nội dung gì ? Tôi đã đặt câu hỏi này với ông

TS Nguyễn Thanh Giang: Tin thời lượng phát tiếng Việt của đài BBC có thể cắt giảm đi ngắn hơn tôi mới được biết cách đây 3, 4 ngày. Trong 3, 4 ngày qua tôi đi trao đổi thông tin này với những người tạm coi là  những chiến sĩ dân chủ bất đồng chính kiến ở Hà Nội thì hầu hết không ai biết cả, tôi coi như là người biết sớm, ngoài ra hầu hết những người tôi hỏi đều không biết.

Ai cũng cảm thấy đường đột, sững sờ và tỏ ra không tin, khi tôi nói đó là sự thật thì họ tỏ thái độ như là bức xúc lắm, như là nuối tiếc lắm và như là oán trách rằng việc này nếu được thực thi là một sai lầm,  một thiệt thòi cho Việt Nam

Không phải chỉ đối với những người quan tâm đến công cuộc dân chủ hóa đất nước đã từng dấn thân mà chiều nay tôi đến dự một seminar ở Viện Nghiên Cứu Phát Triển của anh Nguyễn Quang A, tôi gặp nhiều vị chức sắc tạm gọi là “ á dân chủ ” hoặc là ngay cả những người còn có chức sắc trong bộ máy nhà nước Việt Nam, khi tôi trao đổi thông tin đó thì tất cả mọi người đều ngạc nhiên và nghĩ đó là chủ trương họ không thể tán đồng được

Nguyễn Hoàng: Thưa ông, trở lại câu hỏi của tôi là được biết ông dự định viết 1 lá thư gởi ban giám đốc BBC bày tỏ bức xúc của cá nhân ông, ông có thể giải thích cho quí thính giả trong lá thư đó ông nói điều gì được không ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Lẽ ra bức thư đó tôi đã gởi vì tôi đã viết xong hôm qua nhưng không may  máy scan của tôi hỏng nên bây giờ tôi đi scan nhờ. Trong vòng hôm nay hoặc ngày mai tôi sẽ gởi thư đó đến ban giám đốc đài phát thanh BBC để phản ảnh tâm trạng của chính tôi như là vừa rồi tôi đã trình bầy.

Thứ hai tôi khẳng định không chỉ qua tôi mà qua thăm dò nói chung thì tôi thấy đài BBC đối với người Việt Nam nếu không muốn nói là một đài được đón nghe nhiều nhất thì cũng ít nhất là một trong những đài phát thanh nước ngoài mà người Việt Nam đón nghe nhiều nhất, trông chờ và tin vào đài đó . BBC trong suốt những năm qua, vào thời chiến tranh đã đưa những thông tin rất nhanh nhạy và đáng tin cậy. Ngày nay, trong thời kỳ xây dựng dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ văn minh thì thông qua thông tấn, đài BBC cũng đã truyền đạt được những điều cần thiết để giúp cho người Việt Nam có thể thu lượm những kiến thức giúp ích rất nhiều cho công cuộc xây dựng một đất nước văn minh, một xã hội hiện đại. Chẳng những thế, đối với những người quan tâm đến công cuộc dân chủ hóa đất nước thì càng đặc biệt thiết tha đối với đài BBC. Cho rằng BBC như là một cứu cánh của họ, như là sự hỗ trợ hết sức đắc lực, là chỗ dựa rất tin cậy và cần thiết đối với những người đang dấn thân đấu tranh cho công cuộc dân chủ hóa đất nước

Cho nên khi nghe tin, anh em chúng tôi cho rằng nếu chủ trương này được thực thi thật thì đấy là tỏ ra một sự vô trách nhiệm của những ai đó đối với đất nước Việt Nam cũng như đối với công cuộc dân chủ hóa của một trong những đất nước còn xót lại trên thế giới trong chế độ cộng sản

Nguyễn Hoàng: Chúng ta sẽ trở lại với ông Nguyễn Thanh Giang lát nữa đây nhưng hiện trên đầu giây là nhà văn Vũ Thư Hiên tại Paris.

Thưa ông, ban lãnh đạo BBC có đưa ra biện luận là thống kê (đây chỉ là thống kê của BBC thực hiện chớ không phải là thống kê của cơ quan độc lập nào) lượng người nghe đài sóng ngắn tại Việt Nam nói chung giảm và các phương tiện truyền thông khác như internet hay ti vi hiện tại thì càng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân. Là người sống ở Paris chắc là ông không nghe BBC qua sóng ngắn vì sóng ngắn chỉ phát về cho những đài bắt được tại Việt Nam và vùng Châu Á, việc dự định cắt giảm giờ phát thanh sóng ngắn của BBC chắc cũng không ảnh hưởng gì đến cá nhân ông, đúng không ạ?

Nhà văn Vũ Thư Hiên: Tôi có ý nghĩ khi nghe tin có sự cắt giảm thời lượng phát thanh của đài BBC thì tôi thấy trước hết BBC là đài của nước Anh, vì vậy cho nên là quan điểm của chính người Anh muốn cắt giảm hay muốn tăng thì phụ thuộc vào ý muốn của họ muốn tuyên truyền về quan điểm, đường lối hay cách nhận định của nước Anh trước những vấn đề quốc tế thì đó là việc của người Anh và tôi nghĩ rằng nếu người Anh cảm thấy không cần thiết nữa thì họ sẽ bỏ, cũng như là một số nơi đã bỏ đài này hoặc đài khác.

Còn đứng về phía người nghe đài thì tôi thấy sự cắt giảm làm cho người Việt Nam thấy hơi sửng sốt vì không phải cá nhân tôi mà tất cả những người tôi gặp ở Việt Nam sang thì thường những tin tức họ nhận được để thêm vào những nhận định cá nhân của từng người nghe thì người ta trông chờ ở đài BBC rất nhiều vì không phải bây giờ mà từ nhiều năm rồi như Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang vừa rồi nói . Tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang

Nguyễn Hoàng: Xin cảm ơn nhà văn Vũ Thư Hiên từ Paris và trên đầu dây hiện tại chúng tôi cũng đã nối máy được với ký giả Lê Thụy của báo Người Việt tại California . Thưa ông Lê Thụy, hôm nay ít nhất 2 vị khách mời là nhà văn Vũ Thư Hiên và Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang đều tỏ ra bức xúc và có phần nuối tiếc về kế hoạch thay đổi của BBC và theo đó là có khả năng sẽ cắt giảm đa số thời lượng phát thanh sóng ngắn của chương trình tiếng Việt của đài BBC, cá nhân tôi thì khó tìm được người nào ủng hộ việc cắt giảm việc phát thanh này nhưng ký giả Lê Thụy tại California chắc cũng nghe vài ý kiến nào đó ủng hộ việc cắt giảm này vì tại Hoa Kỳ theo tôi hiểu không phải ai cũng ưa đài BBC, đúng không ạ ?

Nhà báo Lê Thụy: Thưa điều đó cũng không đúng vì bên này thì chúng tôi nghe tiếp vận đài BBC hầu như mỗi ngày, mỗi sáng. Nói có người chống thì đương nhiên không ai có thể toàn vẹn cho tất cả, nhưng đa số theo tôi hiểu và thăm dò khắp nơi thì họ vẫn thích nghe đài BBC không phải bây giờ mà rất lâu từ khi mà chúng tôi còn ở trong nước trước 1975 chúng tôi vẫn coi đây là nguồn tin khá chính xác và mau lẹ. Bây giờ chúng tôi lại càng cần nghe hơn nữa vì Việt Nam hiện nay là một quốc gia bưng bít và chúng tôi cần đài BBC vì những tin rất là lanh lẹ và chúng tôi biết được cuộc tranh đấu dân chủ, thành ra chúng tôi quen nghe rồi . Không phải là riêng vùng California của chúng tôi mà đài BBC được tiếp vận qua cả Texas, thành ra đó là điều rất là cần thiết đối với chúng tôi để biết thực sự nguồn tin ra sao, mặc dù chúng tôi là nhà báo và ở xứ Mỹ này anh cũng biết là xứ của thông tin

Nguyễn Hoàng: Trở lại với Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội là ban lãnh đạo của BBC họ biện luận là họ phải chạy đua với các đối thủ trong làng truyền thanh cho nên họ cũng phải mở rộng ra và đi kịp với thời đại trong kỷ nguyên truyền thông mới tức là phải có internet, video , v.v...  Giả sử như Tiến Sĩ có dịp gặp ông giám đốc đài  BBC để thuyết phục một điều gì đó thì Tiến Sĩ muốn nói ông ấy điều gì ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi nói là nếu có thay đổi phải đổi ngược lại, nghĩa là phải tăng thời lượng lên cho buổi phát thanh, bây giờ biện luận nói rằng nguời ta không thích nghe sóng ngắn mà thích nghe computer thì điều đó là đoán nhận rất sai lạc; ngay tôi có computer nhưng tôi hầu như không nghe cũng như không có thời giờ , tôi mở computer để làm những việc khác, không có thời giờ mở đài BBC trên computer để nghe. Đó là đối với tôi chứ còn nhân dân Việt Nam bây giờ đến 70% là nông dân nên họ ít có computer để nghe BBC qua computer, họ đều nghe qua đài phát thanh hết, cho nên ý của tôi nếu không tăng thêm thời lượng thì ít nhất là nên duy trì thời lượng như từ trước đến giờ

Nguyễn Hoàng: Xin cám ơn TS Nguyễn Thanh Giang, riêng nhà văn Vũ Thư Hiên có chia sẻ quan điểm này hay không ?

Nhà văn Vũ Thư Hiên: Tôi không đứng về phía cắt giảm thời lượng mà nếu như có thể tăng thêm thì tốt hơn đối với các thính giả Việt Nam vì thời giờ đối với người nghe ở Việt Nam như là TS Nguyễn Thanh Giang vừa mới phân tích thì tôi thấy rất đúng vì làm sao người Việt Nam có nhiều internet liên hệ với thế giới được nhiều như các nước khác, vì thế chủ yếu người Việt Nam hiện nay vẫn dùng đài để tiếp cận được những thông tin của thế giới . Nay thì thấy multi-media tràn ngập trên thế giới, vậy thì BBC có làm cũng giống trang web khác thôi, chẳng qua nếu làm tốt thì người ta vào nhiều chớ không phải đó là xu thế thời đại phải đi vào cái đó thì không đúng, và nếu câu hỏi được đặt ra là nếu giảm thì giảm bao nhiêu, 1, 2 phút hay giảm 1/2 hay giảm 3/4 thì tôi không được rõ chỉ nghe nói là có cắt giảm chớ cắt giảm bao nhiêu thì chúng tôi không biết, nếu nói là bỏ đi là một chủ trương đáng tiếc, một chủ trương không nhìn rõ các tình hình của không phải riêng Việt Nam mà của thế giới, tôi nói đây là cắt với nhiều chương trình phát sóng khác bằng các ngôn ngữ khác người ta cũng nghĩ như vậy thôi

Các anh muốn làm việc đó cho thế giới, cho Việt Nam thì tăng thời lượng lên hoặc là nâng cao chất lượng lên chứ không thể lấy cái web mà thay thế cho cái hiện nay người ta đã quen dùng, tôi không nói đến những vùng sâu, vùng xa mà ngay tại thành phố Hà Nội hay Sài Gòn những người vẫn thường nghe BBC hàng ngày sẽ hẵng hụt khi tự nhiên nó bị cắt giảm, tại sao lại không tăng buổi phát lên để có nhiều buổi phát hơn cho những người không nghe được ở buổi đã phát; cái đó là cái tôi muốn biết

Vấn đề có nên bỏ phát thanh để chuyển sang web không thì tôi cho chủ trương dùng web thay thế thì đó là chủ trương không đúng

Nguyễn Hoàng: Cảm ơn nhà văn Vũ Thư Hiên và cũng câu hỏi này xin được nhường lời cho ký giả Lê Thụy, báo Người Việt tại California

Nhà báo Lê Thụy: Tôi có được biết thông tin này cách đây hơn 1 tháng thành ra tôi có ký một số kiến nghị yêu cầu đài BBC cố duy trì lại cái đó, bởi vì nếu cắt giảm đi là sự thụt lùi mà tôi nghĩ thời buổi này chỉ tăng thôi để phát triển nói về tiếng nói của nước Anh, quan niệm và lập trường của nước Anh. Bây giờ mà cắt đi thì chúng tôi không thể nào biết được bởi vì các đài phát thanh quốc tế phát về Hoa Kỳ rất là nhiều như là đài Úc chúng tôi cũng có nghe phát bằng tiếng Việt, đài RFI phát từ Paris cũng bằng tiếng Việt tiếp tục phát, nhưng chúng tôi vẫn thường nghe đài BBC nhiều hơn

Nguyễn Hoàng: Thưa ký giả, tại California theo tôi hiểu thì có cả đài VOA và Radio Free Asian tức là Đài Á Châu Tự Do thì trong trường hợp gọi là xấu nhất là  BBC bị cắt giảm đa phần thời lượng thì VOA và RFA có thay thế được những thông tin mà BBC đăng tải không ?

Nhà báo Lê Thụy: Dạ thưa hoàn toàn không, vì đài VOA là nói về lập trường của chính phủ Hoa Kỳ nhiều hơn, không chú ý đến vấn đề dư luận, ngôn luận hay các cuộc tranh đấu cho dân chủ tự do ở Việt Nam bao nhiêu cả; còn đài Á Châu Tự Do thì cũng đang chen với đài VOA vì đều là ngân sách của chính phủ Hoa Kỳ cả. Riêng về đài BBC chúng tôi vẫn cho là nguồn tin độc lập mà có lẽ không đài nào thay thế được, thành ra chúng tôi vẫn lắng nghe đài BBC thường xuyên bởi từ đó chúng tôi có được rất nhiều nguồn tin từ các nhà tranh đấu dân chủ cho tự do nhân quyền ở trong nước. Thành ra nếu BBC đi ngược lại thì chúng tôi không hiểu là giảm bớt thời lượng phát thanh là sự thụt lùi chớ đâu phải phát triển đâu ! Bảo rằng chuyển sang computer thì bên này ít người vào computer để nghe mà người ta muốn nghe trực tiếp nhanh nhạy hơn vô computer, thành ra chúng tôi thấy đài BBC cắt giảm thời lượng phát thanh là sự thụt lùi đáng sợ bởi vì bên này tôi thấy đài BBC thời vụ, thế giới vụ qua truyền hình cũng ít người xem bởi vì họ chờ thời gian nọ kia, họ không có thời gian để đón nghe

Đài BBC khi phát bên này đúng vào lúc buổi sáng khi tất cả mọi người Việt Nam đã thức dậy vì bên Việt Nam tối thì bên chúng tôi là sáng, giờ đó chúng tôi đã dậy rồi và lắng nghe dễ dàng hơn, còn chờ mở computer thì thật ra ít người làm công việc đó vì computer họ xử dụng cho các mục đích khác

Nguyễn Hoàng: Trở lại với TS Nguyễn Thanh Giang thì khi đài RFI có kế hoạch cắt giảm thời lượng phát thanh hay gì đó liên quan đến ban Việt Ngữ đài Pháp đó thì hình như ông cũng đặt tên của mình tham gia vào thỉnh nguyện thư để yêu cầu chính phủ Pháp thay đổi quyết định này đúng không ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Lúc bấy giờ không những là tôi ký tên chung vào một kiến nghị mà tôi đã nhờ đài RFI chuyển bức thư của tôi đến tổng thống Pháp nói lên lập trường, ý kiến của tôi là phải duy trì và tôi xác định nghĩa vụ của đài phát thanh RFI cũng như những yêu cầu RFI đối với đất nước Việt Nam. Đối với nhân dân Việt Nam, chính phủ Pháp thuộc về một trong những cái nôi, là chỗ đã phát sinh ra tuyên ngôn nhân quyền thế giới và tôi đã nhắc lại nghĩa vụ truyền thống ấy của chính phủ Pháp.

Nay nếu thấy cần thì tôi cũng có thể lên tiếng thẳng và tôi không những đề nghị với giám đốc đài BBC mà tôi cũng có thể có thỉnh nguyện thư đối với thủ tướng nước Anh

Về ý kiến của nhà văn Vũ Thư Hiên nói rằng chuyện muốn cắt giảm hay không cắt giảm là chuyện của chính phủ Anh, của  nưóc Anh thì đúng là như thế, chuyện của người ta thì người ta có sự sắp xếp, cân nhắc nhiệm vụ quốc gia của họ, đối xử với phần tiếng Việt của đài BBC như thế nào là quyền của họ, tất nhiên là như vậy Nhưng, là người dân Việt Nam đồng thời cũng là một công dân của thế giới tôi muốn kiến nghị với chính phủ Anh không nên chỉ sống cho nhân dân Anh mà cũng phải có trách nhiệm nhất định đối với những công dân trên toàn cầu, đối với lý tưởng chiến đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền trên toàn cầu. Huống chi đối với Việt Nam là một quốc gia đặc biệt hơn nhiều quốc gia khác, đó là một trong quốc gia còn duy trì chế độ chính trị có thể xem là lạc hậu trên thế giới này.

Như vậy nhiệm vụ của đài phát thanh BBC là phải tự ý thức được nghĩa vụ quốc tế của mình. Nước Anh phải có nghĩa vụ đối với tinh thần truyền bá tư tưởng tự do và dân chủ tiên tiến phương tây đối với toàn cầu đặc biệt nhiệm vụ đó càng nặng nề hơn đối với 4 nước cộng sản còn sót lại như là Việt Nam chúng tôi

Nguyễn Hoàng: Xin cảm ơn TS Nguyễn Thanh Giang