HỘI LUẬN CÙNG TIẾN SỸ ÂU DƯƠNG THỆ

RFA - Thưa qúy thính giả, liên quan đến vấn đề quyền lực, quyền uy và quyền lợi riêng hiện đang bao phủ lên chính trường Việt Nam mà cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lên tiếng cảnh báo trong bài”Tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới” gởi Bộ chính trị mới đây. Vậy quyền lực, quyền uy và quyền lợi sẽ đưa Việt Nam về đâu. Nhất là hiện nay theo đánh giá thì Việt Nam cần phải thay đổi nhiều trong tiến trình hội nhập.

Mời quý thính giả theo dõi phần 2 cuộc hội luận chính trị trong - ngoài nước với sự tham gia của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội và tiến sĩ Âu Dương Thệ từ Đức.

Cuộc hội luận do Việt Hùng điều họp:

Việt Hùng: Để tiếp tục cuộc hội luận, trở lại câu hỏi mà chúng tôi đặt ra với tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội, trong một bối cảnh tứ trụ: Ban tư tưởng Văn hóa trung ương, Ban Bí thư, Quốc phòng và An ninh, trong một bối cảnh Việt Nam chuẩn bị bước vào đại hội đảng lần thứ 10:

TS Nguyễn Thanh Giang: Lâu nay người ta hy vọng rằng đại hội 10 này phải là một đại hội  thấm nhiếm được tình hình mới, được nguyện vọng của nhân dân và đại đa số đảng viên cũng như phải nhìn nhận được để nắm bắt lấy không khí mới, trào lưu mới của thế giới từ đó tìm mọi cách thoát dần ra khỏi chủ nghĩa Mác Lênin, đi chệch hướng ra khỏi chủ nghĩa Mác Lênin đặng giải quyết tốt được những vấn đề của thời đại, của dân tộc.

Nhưng cho đến hội nghị trung ương 12 vừa rồi thì người ta rất thất vọng vì những nghị quyết, những  ý kiến khống chế ở trong hội nghị trung ương 12 vẫn rất bảo thủ, rất lạc hậu. Vẫn coi đảng là đảng tiền phong của giai cấp công nhân, và vẫn lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm kim chỉ nam cho mọi hành động làm người ta bất mãn.

Sở dĩ như vậy là do có sự điều hành từ bàn tay vô hình của những thế lực bảo thủ mà trong đó người ta nghĩ nhiều đến Lê Đức Anh, đến Đỗ Mưới. Những tay chân của các vị này phải tùng phục một phần là do hàm ơn, một phần là do sợ, vì họ vẫn nắm được Tổng cục 2, vẫn bị bọn tay sai của tình báo Hoa Nam uy hiếp. Trong các vị uỷ viên trung ương ngồi họp có người thực lòng muốn trả ơn hai vị kia, có người vẫn còn lú lẫn, có người không lú lẫn nữa nhưng vẫn sợ các quyền uy kia. Cho nên vẫn lập lại những điều sai lầm và vẫn phải nói theo cái gọi là XHCN.

Việt Hùng: Từ quyền lực đến quyền uy để rồi trở thành quyền lợi riêng. Phải chăng điều ông Kiệt cảnh báo, chúng tôi xin được đọc nguyên văn trong câu của ông Kiệt viết:

Chúng ta sẽ lựa chọn như thế nào đây, giữa một bên là lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc, lợi ích của Đảng và một bên là nể nang và thoả mãn những ý kiến riêng của một thiểu số, mà ở đó lợi ích rất có thể chỉ là lợi ích của quyền uy, sự lo sợ chỉ là sự lo sợ mất quyền uy, ẩn náu sau những sự hù doạ mất Đảng, mất Chủ nghĩa xã hội.

Câu hỏi chúng tôi xin được đặt ra ở đây là quyền lợi riêng được hiểu như là tiền bạc hay là ngoài ra lại còn có thể hiểu là để xây dựng cơ sở chính trị cho phe nhóm, cho người thân và cho con cái sau này?

TS Âu Dương Thệ: Nếu chúng ta theo dõi thì chúng ta thấy rằng là không phải chỉ ông Kiệt mới nói tới những vấn đề có quyền uy và những người có quyền lực đang lợi dụng quyền hành để làm lợi riêng. Hồi tháng 5 vừa qua chính cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng đã công khai trên báo chí ở trong nước rằng những tệ trạng lạm dụng quyền lực và quyền uy để tham nhũng, mua quan bán chức để làm lợi riêng. Nham nhũng, chạy chọt để thăng quán tiến chức theo lời ông Phiêu lúc đó là chạy cả vào Bộ chính trị, và chính ông Phiêu cũng đã được mời mọc khi ông ta làm Tổng bí thư.

Vẫn theo lời ông Phiêu thì nạn tham nhũng hiện nay còn tệ hại và trắng trợn hơn nhiều. Chính vì thế mà trong nước thường nói là một số đại gia dùng danh từ gọi là "quyền uy, quyền lực" để làm giàu không chỉ cho bản thân mà cho cả thân nhân và vây cánh. Mục tiêu là củng cố quyền hành. Chính vì thế tướng Phiêu đã nói hiện nay đang có những người dùng quyền để kiếm tiền bạc và của cải và sau đó họ dùng tiền bạc để mua quyền, để củng cố địa vị, đúng như câu hỏi ông đã nêu ra.

Thành thử những báo động của ông Kiệt về sự lạm quyền hành để làm lợi riêng cho một số người có quyền uy và quyền lực của chế độ độc tài đã thực sự chia sẻ của nhân dân và nhiều cán bộ đảng viên có tâm huyết.

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi cho rằng có sự kết hợp huyền bí giữa quyền uy với những kẻ đang nắm quyền , hai thế lực đó đang câu kết với nhau để duy trì cho được quyền lực. Duy trì được quyền lực thì duy trì được tham nhũng, mà duy trì được tham nhũng thì không những  có kinh tế, có tiền bạc, có nhà cửa ruộng đất mà còn có chức tước. Ta thấy bây giờ từ quyền lực, quyền thế nó đẻ ra những địa chủ cộng sản mới  còn ghê gớm tàn bạo hơn và giàu có hơn , « vĩ đại «   hơn những địa chủ ngày xưa rất nhiều. Địa chủ cộng sản bây giờ nó có không phải chỉ hàng chục, hàng trăm mà có những tên có tới hàng nghìn hécta đất.

Cấu kết giữa quyền lực và quyền uy để  duy trì cho được cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN thì mới tạo điều kiện cho nó có thể tiếp tục tham nhũng, tham nhũng ghê gớm lắm. Lại cũng từ tham nhũng họ còn lấy được tiền để mua quan bán tước. Bây giờ ở Việt Nam chuyện mua quan bán tước nghe nói đến hàng tỷ đồng một chức tước.

Việt Hùng: Để thay cho lời kết trong cuộc hội luận Tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới, câu hỏi cuối cùng chúng tôi xin được đặt ra  là từ quyền lực, quyền uy, quyền lợi rồi lại tả khuynh. Thưa ông nếu không phải tả khuynh thì những người chỉ trích của ông Kiệt là phải chăng muốn nhắm đến các đồng nghiệp cũ hay là vì ông Kiệt thấy họ không thực hiện đúng ý mình rồi lên tiếng chỉ trích?

TS Âu Dương Thệ: Theo chúng tôi nghĩ thì trong bài này của ông Kiệt, ông muốn tập trung đánh vào một số người đồng liêu của ông khi cùng với ông ở trong Bộ chính trị vào những năm 1980-1990. Chúng ta nhớ trong thời gian đó thì đại biểu lớn nhất có lẽ phải kể tới là ông Đỗ Mười trong nhóm tả khuynh đó.

Vì suốt trong thời gian từ năm 1975, với nhiều chức vụ khác nhau từ trưởng ban cải tạo tư sản mại bản, rồi phó thủ tướng phụ trách công nghiệp nặng và xí nghiệp quốc doanh từ cuối thập niên 70 đến 80. Và sau đó làm thủ tướng và tổng bí thư.

Suốt trong thời gian này thì chúng ta đã thấy là người đầu tàu của nhóm tả khuynh là ông Đỗ Mười. Chính trong thời gian này, như ông Kiệt đã kể ra là với tính sách tả khuynh và do trình độ học vấn thấp kém như ông Đỗ Mười đã gây ra những sai lầm cho đất nước và tội ác đối với nhân dân. Nhưng cho tới nay thì ông Đỗ Mười vẫn là người có quyền uy rất lớn và hiện nay đang đứng đàng sau giựt giây đám bảo thủ, chuẩn bị đưa người vào chức vụ trong đại 10 sắp tới.

Chúng ta cần lưu ý nữa là trong lá thư lần thứ hai của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gởi Bộ chính trị vào tháng 7 vừa qua, ông Kiệt còn tố cáo rõ ràng hơn về những lộng quyền của nhóm bảo thủ, biến Bộ chính trị thành một cánh tay dài của những người có quyền uy. Vì thế họ đã chà đạp cả điều lệ đảng trong những năm qua.

Thành thử chúng tôi hy vọng là trong những ngày tới sẽ được nghe những lời phân tích rất sâu sắc và rõ ràng của những vị ở trong nước am tường việc này và chúng tôi nghĩ tới cả tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang.

TS Nguyễn Thanh Giang: Như lần trước tôi đã nói ông Võ Văn Kiệt không phải là người hữu khuynh, mà ông ấy chỉ đôi lần muốn chống lại tả khuynh để vượt ra khỏi sai lầm quá sức,sai lầm không thể tưởng tượng được của việc vận dụng một cách cứng nhắc chủ nghĩa Mác Lênin vào việc xây dựng xã hội ở Việt Nam.

Lúc nãy TS Âu Dương Thệ có nói người khống chế tả khuynh  thời ông Kiệt còn làm là ông Đỗ Mười thì tôi có một suy đoán như thế này. Thực ra ông Đỗ Mười là một con người không có chính kiến. Do trình độ học vấn của ổng thấp thành ra ổng không có chính kiến gì.

Tôi có cảm giác ngay khi ông thủ tướng Võ Văn Kiệt hơi chệch hướng một chút thì đã có lúc ông Đỗ Mười cũng hơi ngả về phe Võ Văn Kiệt đấy, chứ không phải không. Nhưng ông ấy bị mấy đòn khống chế làm cho Đỗ Mười phải sợ và buộc phải thần phục Lê Đức Anh. Lúc bấy giờ ai cũng ngạc nhiên  việc báo Nhân Dân đăng công khai rằng Đỗ Mười đã nhận hơn 1 triệu đô la của tư bản Hàn quốc.

Đòn ấy đánh gục Đỗ Mười, làm cho Đỗ Mười không dám nho nhe ngả sang phía Võ Văn Kiệt nữa. Làm sao báo Nhân Dân lại dám đăng chuyện  Tổng bí thư Đỗ Mười nhận hơn 1 triệu đô la của tư bản Hàn quốc? Đấy phải là đòn của Lê Đức Anh. Chỉ có chỉ thị của Lê Đức Anh, chỉ có chỉ thị của Tổng cục 2 thì báo Nhân Dân mới dám làm việc đó.

Từ những vụ việc như thế, Lê Đức Anh kéo hẳn Đỗ Mười vào và đánh gục Võ Văn Kiệt. Nếu ông Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ mà cựa quậy một chút nữa thì số phận của Võ Văn Kiệt có thể giống như Triệu Tử Dương, có thể giống như Lưu Thiếu Kỳ. Ông Võ Văn Kiệt thực ra vì cùng nhào luyện trong hệ thống tư tưởng này cho nên ổng cũng không phải là con người xuất sắc gì. Nếu có bầu cử tự do thì kể cả thời ấy, kể cả bây giờ chúng ta đều có thể chọn ra được những người lãnh đạo đất nước này tài giỏi gấp nhiều lần, đạo đức, tư cách gấp nhiều lần không chỉ Lê Đức Anh, Đỗ Mười mà kể cả Võ Văn Kiệt.

Dẫu sao, giá thời đó Võ Văn Kiệt khống chế được đảng và … ngay cả bây giờ, nếu Võ Văn Kiệt sau loạt bài vừa rồi mà có ý muốn ra tái ứng cử tổng bí thư hay thủ tướng thì một con người như Võ văn Kiệt bây giờ nắm giữ được vai trò tổng bí thư hay thủ tướng thì tôi cho vẫn là một trong những phương án tối ưu nhất trong hoàn cảnh chưa thể tìm một con đường nào khác tốt hơn. Có lẽ tốt hơn tất cả các gương mặt khác trong Bộ Chính trị và trong Trung ương hiện nay rất nhiều.

Việt Hùng: Qua sự trình bày của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và tiến sĩ Âu Dương Thệ đã chấm dứt phần hội luận hôm nay liên quan đến quyền lực, quyền uy và quyền lợi nhân bài góp ý của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt « Tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới ».

Thay mặt quý thính giả của đài xin cám ơn sự tham dự của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội và tiến sĩ Âu Dương Thệ từ Cộng hòa liên bang Đức.