VOA:

Các nhân vật bất đồng chính kiến VN

nghĩ gì về chuyến đi của tổng thống Bush?

Theo tin của các hãng thông tấn AFP và DPA, hầu hết các nhân vật tranh đấu được thế giới biết đến qua những hoạt động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đã bị giới hữu trách Hà Nội liên tục sách nhiễu và đàn áp trong nhiều tuần lễ. Một tù nhân lương tâm được thả khỏi nhà giam nhân dịp đặc xá ngày 2/9 là bác sĩ Phạm Hồng Sơn thậm chí còn bị công an đánh đập thô bạo hôm thứ sáu vừa qua.

Một cuộc biểu tình mà những người phần lớn là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo dự định thực hiện ở Sài Gòn ngày thứ hai đã bị công an dùng vũ lực dẹp tan ngay từ ngày Chủ Nhật. Nhiều nhân vật bất đồng chính kiến đã tỏ ý bất mãn trước điều mà họ cho là sự làm ngơ của tổng thống Bush trước tình trạng đàn áp ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhà tranh đấu nổi tiếng ở Hà Nội đã đánh giá như sau về chuyến đi Việt Nam của tổng thống Bush:

"Hội nghị APEC ở Việt Nam vừa rồi tổ chức phải nói là đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên đấy là mặt dương - mặt tốt. Còn mặt ở phía sau là mặt không tốt, tức là trong khi diễn ra cuộc trao đổi về các vấn đề kinh tế để giúp cho dân giàu nước mạnh về mặt kinh tế thì thấy ai cũng hồ hỡi phấn khởi. Nhưng còn một vấn đề nhân quyền, dân chủ mà tôi thấy bà Rice cũng nói đến, ông Bush cũng nói đến nhưng chỉ nói chung chung như thế. Nói với những khẩu hiệu, mỹ từ thôi còn thực tế thì không được xem xét đến cụ thể.

Trong khi diễn ra hội nghị thì chính quyền CS đã làm một việc rất là tệ hại và dã man. Tức là nhốt tất cả các nhà dân chủ Việt Nam ở trong nhà. Thậm chí có người còn bị khóa cổng lại để nhốt ở trong nhà như Lê Thị Công Nhân, gia đình Phạm Hồng Sơn, rồi cả Phạm Hồng Sơn còn bị đánh đập nữa.

Tôi cho đấy là mặt hết sức xấu ở phía sau hội nghị APEC. Sở dĩ có tình hình đó là thế giới quên mất một việc là ý nghĩa chính trị của hội nghị đó và lao vào việc làm ăn kinh tế mà quên mất phần nhân bản bên trong. Tức là muốn làm gì thì làm, muốn giàu mạnh gì thì giàu mạnh nhưng phải bảo đảm được cho quyền sống của con người. Thời gian vừa qua thì không có cái đó.

Ông Bush nếu say mê quá với việc làm kinh tế mà không quan tâm gì đến những hiện trạng đó, và  không để tâm đến các vấn đề dân chủ nhân quyền là những giá trị cơ bản của nhân loại cần phải được bảo vệ mà tôi thấy lâu nay nước Mỹ rất trân trọng cái đó. Không nhìn đến những tệ hại đó và không có sự thăm hỏi nào đối với các người đang đấu tranh cho dân chủ tự và nhân quyền cho Việt Nam thì đấy là một thiếu sót rất đáng chê trách của ông Bush.

VOA: Giáo sư Đoàn Viết Hoạt là một trong những nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam nổi tiếng hiện đang cư ngụ trong vùng ngoại ô thủ đô Washington. Ông nhận định như sau về những diễn tiến mới đây trong mối quan hệ Việt-Mỹ:

Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ vẫn chưa sử dụng được cái thế của mình. Bởi vì việc Việt Nam thân thiện với Hoa Kỳ là nhu cầu của Việt Nam. Trong khi đối với Mỹ tất nhiên cũng có nhu cầu gần với Việt Nam. Nhưng theo tôi nghĩ Hoa Kỳ đứng ở một vị thế có thể đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong các lãnh vực quyền tự do của người dân. Điều đó là một điều rất đáng tiếc.

Riêng đối với cá nhân chúng tôi thì chúng tôi nghĩ rằng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam vẫn còn rất trầm trọng. Đặc biệt ngay tiền APEC thì các nhà đấu tranh dân chủ, các nhà đối kháng đã bị đàn áp và đặc biệt là toàn bộ phái đoàn của TT Bush đã đặt vấn đề thăm viếng hay gặp gỡ những người đối kháng ngay tại Hà Nội.

Chúng tôi thấy đấy là điều mà Hoa Kỳ cũng chưa thực sự tích cực hỗ trợ cho phong trào dân chủ.

VOA: Ông Hà Sĩ Phu là một nhân vật đối kháng được nhiều người biết tới từ hơn 20 năm nay. Từ Đà Lạt ông Hà Sĩ Phu nói rằng ông không thất vọng về chuyến viếng thăm của TT Bush tới Việt Nam, ông giải thích như sau:

Đối với một những nước còn thật CS như Cuba, Bắc Triều Tiên thì rõ ràng đối với Mỹ vẫn còn mối quan hệ rất thù địch. Thế những đối với những nước CS giả vờ như Việt Nam thì không phải là thù của Mỹ, mà tôi nghĩ là vì quyền lợi của Mỹ và vì những cái gọi là bàn cờ quốc tế của Mỹ (tôi nghĩ rằng) thì chủ nghĩa CS của Việt Nam là lý tưởng đối với Mỹ. Không những là Mỹ không chống CSVN mà tôi nghĩ Việt Nam có là CS thì mới tốt đối với Mỹ. Bởi vì một nước mà muốn nắm được một nước khác, muốn khai thác tài nguyên, khai thác quyền lợi của nước khác, nếu nước ấy là một nước độc tài, thậm chí là một nước CS thì thật là tuyệt vời. Bởi vì trong trường hợp đó thì nước lớn chỉ cần làm sao mua chuộc được bộ máy lãnh đạo của nước nhỏ kia là đủ. Bởi vì nhân dân ở những nước CS, hay nhân dân ở những nước độc tài thì là số không.