VOA Phỏng vấn BS Nguyễn Đan Quế TS Nguyễn Thanh Giang và BS Phạm Hồng Sơn

 

Giới Thiệu: (VOA Oct 28 VN)

Trong thời gian gần đây nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Mỹ đã ra sức vận động để tổng thống Bush gặp gỡ các nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam khi ông đến Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Hà Nội vào tháng tới.

Nhân dịp này biên tập viên Duy Ái trong ban Việt ngữ chúng tôi đã tiếp xúc với một số nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam và ghi nhận một số ý kiến sau đây:

Phần 1 -

Duy Ái: Thưa quý thính giả, như tin chúng tôi đã loan hôm thứ Hai vừa qua thì hội ân xá quốc tế mới đây có đưa ra một bản phúc trình về nạn trấn áp và kiểm duyệt các hoạt động internet ở Việt Nam. Bản phúc trình công bố ngày 22/10 này cũng đề cập đến sự đàn áp của giới hữu trách Hà Nội đối với những người sử dụng mạng lưới thông tin toàn cầu để trao đổi thông tin và bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa về các vấn đề của đất nước.

Nhân dịp này chúng tôi đã tiếp xúc với một số các nhân vật tranh đấu cho dân chủ Việt Nam ở trong nước để tìm hiểu thêm và ghi nhận được một số chi tiết sau đây:

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế người đứng đầu một phong trào dân chủ của Việt Nam có tên là Cao Trào Nhân Bản đã cho biết như sau khi được hỏi về tình trạng sinh hoạt của ông sau khi ông được thả khỏi nhà giam.

Bs Nguyễn Đan Quế: Tôi ra tù về nhà tháng 2/2005. Điện thoại, internet đều bị cắt, công an mặc thường phục canh gác 24/24. Đi đâu công an bám sát, người thân bạn bè đến thăm bị công an gọi lên điều tra. Có lần tôi về nghỉ ở dưới quê công an yêu cầu tôi phải trở lại Sài Gòn ngay - tôi không chấp nhận, căn nhà liền bị cô lập bằng cách thiết lập đồn công an nằm ngay đối diện bên kia đường cổng ra vào. Nhưng thực tế thì phải nói là tôi bị tù tại gia đúng nghĩa 100% của từ này. Mặc dầu chính quyền chối là không có ký lệnh quản chế nhưng đã dùng mật lệnh. Các biện pháp này gia tăng sau khi tôi trả lời các cuộc phỏng vấn của VOA Online, chương trình Việt ngữ của đài VOA và RFA trình bày lộ đồ 9 điểm nhằm dân chủ hóa Việt Nam.

Duy Ái: Một nhà tranh đấu khác ở Việt Nam cũng được hội Ân xá quốc tế tiếp tục xem là tù nhân lương tâm mặc dù đã được thả khỏi nhà giam, đó là bác sĩ Phạm Hồng Sơn người đã bị cầm tù nhiều năm sau khi dịch và phổ biến trên internet một bài viết có tên "Dân Chủ Là Gì" được đăng trên trang nhà của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Bác sĩ Phạm Hồng Sơn cho biết rằng hiện nay việc đi lại của ông bị hạn chế rất nghiêm ngặt và ông rất khó có thể tiếp xúc với các nhân vật bất đồng chính kiến khác ở Hà Nội. Ông Phạm Hồng Sơn cho biết thêm như sau.

Bs Phạm Hồng Sơn: Tôi nghĩ vấn đề của tôi cũng chỉ là một trong nhiều vấn đề mà hiện nay ở Việt Nam đang gặp phải, đó là bất kỳ ai mà có sự thể hiện phê phán chính phủ hoặc phê phán chính sách của giới cầm quyền hiện nay, bày tỏ một cách khát khao để chuyển đổi thể chế chính trị từ độc đảng sang một thể chế đa nguyên đa đảng thì đều sẽ phải chịu đựng những khó khăn, nhũng nhiễu và đến cả có thể bị cầm tù và nhiều khó khăn khác mà họ có thể gặp phải.

Duy Ái: Một nhà tranh đấu khác đang sinh sống tại Hà Nội là tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cũng gặp phải những sự đàn áp và sách nhiễu tương tự như các ông Nguyễn Đan Quế và Phạm Hồng Sơn. Giáo sư Nguyễn Thanh Giang cho biết như sau.

Ts Nguyễn Thanh Giang: Bị giam có tất cả 66 ngày nhưng từ những năm 1999. Suốt từ ấy cho đến nay thì tôi vẫn liên tục bị công an giám sát theo dõi ở xung quanh nhà. Và từ ngày tôi được thả ra đến bây giờ thì cũng đã 3, 4  lần tôi bị khám nhà, bị lục soát lấy các tài liệu, máy photocopy và computer v.v... và cũng đã bị triệu tập đến 4, 5 lần lên để mà thẩm vấn. Ngoài ra thì điện thoại để bàn cũng như mobile của tôi hiện giờ đều bị cắt mà đã lâu không được nối lại.

Duy Ái: Mặc dầu vậy nhà vật lý địa cầu nỗi tiếng của Việt Nam này cũng ghi nhận điều mà ông gọi là có tiến bộ so với thời gian trước, xét theo mức độ đàn áp của chính phủ Hà Nội đối với các nhà vận động cho dân chủ và nhân quyền.

Ts Nguyễn Thanh Giang: Phải công tâm mà nói rằng mức độ dân chủ hóa ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có tiến triển khá tốt so với những năm trước. So với năm 1999 khi tôi phát biểu rất ôn hòa và phải nói là nói những lời mềm mỏng, lễ phép thế mà rồi tôi cũng bị tống vào tù. Ngày nay thì có rất nhiều người phát biểu rất là mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhưng mức độ đàn áp cũng thấp hơn. Điều đó không phải là do đảng CSVN đã ôn dịu hơn mà chính là vì xu thế đòi hỏi dân chủ của không chỉ người dân Việt Nam nói chung mà còn ngay trong các đảng viên đảng CS, và ngay trong lòng đảng CS cũng thấy bức xúc vì không có dân chủ thì không thể giải quyết những vấn đề tệ hại và bức bối của xã hội Việt Nam như các vấn đề tham nhũng, lãng phí, vấn đề thái độ của các ông quan ở các địa phương đối xử tồi tệ với những người dân.

Duy Ái: Bác sĩ Phạm Hồng Sơn cũng tán đồng nhận xét của giáo sư Nguyễn Thanh Giang và ông cho biết thêm như sau.

Bs Phạm Hồng Sơn: Tất cả chuyện đó theo tôi là nó xuất phát từ chính sự nhận thức của người dân chứ không phải do mong muốn của nhà cầm quyền. Vì nếu nói về quyền con người thì những quyền cơ bản nhất như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền hội họp, hay quyền tự do về chính trị, tôn giáo thì hiện nay mà nói thì, ngay gần đây thôi tôi theo dõi thì nhà cầm quyền vẫn đưa ra những chỉ thị có thể nói là mang tính chất pháp luật và hạn chế những quyền cơ bản đó. Ngay vừa rồi chúng tôi có thể thấy có một số tờ báo đã bị đình bản và một số tờ báo đã bị khiển trách chỉ vì họ đưa những tin mà theo như giới thông tin truyền thông mang lại thì mình thấy tin đó là do chính phủ chỉ định là không được đưa.

Duy Ái: Trong lúc tỏ ý bất mản đối với tình trạng thiếu dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam hiện nay, bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng cho thấy sự phấn khởi và sự lạc quan của ông đối với triển vọng dân chủ hóa đất nước qua lời phát biểu sau đây.

Bs Nguyễn Đan Quế: Đến nay chính quyền Hà Nội vẫn tìm cách duy trì độc tài đảng trị bằng lừa dối dân chúng Việt Nam và dư luận quốc tế với những mánh lới bịp bợm và những nhượng bộ dân chủ giả hiệu trong khi đó nhắm triệt tiêu những thành phần đối lập chủ chốt. Để chống lại khủng bố đàn áp và đưa phong trào dân chủ tiếp tục tiến lên, quần chúng đã nhanh chóng trả lời bộ chính trị đảng CSVN bằng sự ra đời hàng loạt những tổ chức với mục tiêu chung là tranh thủ dân chủ cho Việt Nam như quý đài vừa nêu tên, Khối 8406, đảng Dân Chủ XXI, đảng Thăng Tiến, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam và Công Đoàn Tự Do.

Chúng tôi tin có phần chắc là nhiều tổ chức, đoàn thể, hội đoàn, phong trào, đảng phái sẽ tiếp tục ra đời trong những ngày tới bất chấp mọi trấn áp có thể xảy ra. Đây là tiến trình tất yếu, đúng hướng và tích cực của phong trào dân chủ Việt Nam.

Chúng tôi ước mong đồng bào trong và ngoài nước ủng hộ mạnh mẽ. Được vậy, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, độc tài sẽ đi xuống trong khi sức mạnh quần chúng đi lên. Khi sức mạnh quần chúng bắt đầu thắng thế, chính lúc đó bộ chính trị đảng CSVN phải chấp nhận và nghiêm chỉnh thực hiện lộ đồ 9 điểm nhằm dân chủ hóa Việt Nam mà chúng tôi có hân hạnh trình bày trên làn sóng đài VOA ngày 26/3/2005.

Duy Ái: Xin quý vị đón nghe phần thứ nhì nói về một số ý kiến mà các nhà dân chủ Việt Nam dự định trình bày với tổng thống Bush trong trường hợp họ có dịp gặp gỡ nhà lãnh đạo Hoa Kỳ khi ông đến thăm Việt Nam vào tháng tới.

Phần 2 -

Duy Ái: Thưa quý thính giả, trong chương trình phanh tối thứ Bảy vừa qua chúng tôi đã gởi tới quý vị phần đầu của bài tường thuật về những ý kiến của các ông Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Thanh Giang và Phạm Hồng Sơn về tình hình dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Hôm nay chúng tôi xin mở đầu phần thứ nhì và là phần cuối của bài tường thuật này với câu trả lời của bác sĩ Nguyễn Đan Quế đối với câu hỏi là ông sẽ trình bày những gì với tổng thống Bush trong trường hợp ông có dịp gặp gỡ nhà lãnh đạo Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây tại Việt Nam.

Bs Nguyễn Đan Quế: Nếu có cơ hội để gặp tổng thống Bush tôi sẽ nhắc lại những điểm chính trong lá thư riêng gởi cho ông do bào huynh của tôi là bác sĩ Nguyễn Quốc Quân chuyển đến tận tay tổng thống trong dịp bác sĩ Quân được diện kiến tổng thống ngày 23/8/2006. Trong thơ, sau khi nêu lên Hoa Kỳ vẫn có truyền thống lâu dài cao đẹp ủng hộ và cổ súy những phong trào tranh đấu cho tự do nhân quyền trên khắp thế giới. Tôi tin tưởng tổng thống sẽ không bỏ lỡ cơ hội nói cho nhà cầm quyền Hà Nội biết là nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ cho một thể chế chính trị cởi mở hơn ở Việt Nam và phát triển kinh tế phải đi đôi với thay đổi về chính trị nếu không sẽ dẫn đến rối loạn và bất ổn.

Tôi cũng có trình bày với tổng thống là nhân dân Việt Nam ủng hộ giao thương với Mỹ và thế giới bên ngoài với điều kiện không giúp làm củng cố chế độ độc tài. Mỹ và thế giới hãy giao thương trực tiếp với nhân dân Việt Nam để giúp phát triển lãnh vực tư nhân.

Trong chiều hướng đó tôi có yêu cầu tổng thống làm áp lực đòi nhà cầm quyền CS:

-Thứ nhất: Triệt để thi hành nền kinh tế thị trường càng sớm càng tốt.

-Thứ hai: Phải tôn trọng những nhân quyền căn bản của người dân như: tự do thông tin, tự do phát biểu, tự do lập hội v.v...

-Thứ ba: Phải thả hết tù nhân tôn giáo và chính trị:

-Thứ tư: Phải đưa ra một thời biểu rõ ràng nhằm dân chủ hóa Việt Nam đặc biệt là tổ chức bầu cử tự do, công bằng với dự giám sát của quốc tế.

-Điểm nổi bật hơn hết tôi muốn nhấn mạnh với tổng thống là dân tộc Việt Nam ý thức rất rõ cuộc đấu tranh giành dân chủ tự do phải do chính người Việt Nam tiến hành nhưng hậu thuẩn quốc tế nhất là của Hoa Kỳ rất quan trọng để đi đến thành công.

Duy Ái: Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một nhà hoạt động nhân quyền thuộc thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay cũng cho biết một số ý định như sau.

Bs Phạm Hồng Sơn: Trước tiên tôi muốn nói rằng, tôi cũng không hẳn chắc chắn là có được mời vào cuộc họp đó nếu như cuộc họp đó có thể xảy ra hay không, đó là hoàn toàn do ban tổ chức. Nếu trường hợp tôi được tham dự vào cuộc họp đó thì trước tiên tôi nghĩ rằng đấy là một cơ hội rất tốt cho những người Việt Nam hiện nay có tư tưởng tự do, có những tư tưởng thúc đẩy cho một xã hội cởi mở hơn có cơ hội để trao đổi, gặp gỡ, cũng như lưu ý tổng thống, đại diện cho nền dân chủ nhất thế giới hiện nay. Đấy là một trong những cơ hội để chúng ta có thể gặp gỡ, trao đổi và có thể đóng góp vào để cho tiến trình dân chủ hóa trên toàn cầu nói chung và đặc biệt ở đất nước Việt Nam sẽ có những bước phát triển tốt hơn. Để giúp cho quyền con người sống trên dãi đất Việt Nam đó được cải thiện để có thể theo kịp được sự tiến bộ chung trên toàn cầu hiện nay.

Duy Ái: Về phần mình thì tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cho biết ông dự định trình bày một số ý kiến sau đây trong trường hợp ông được tiếp kiến tổng thống Bush khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên đến Việt Nam.

Ts Nguyễn Thanh Giang: Nếu được tiếp tổng thống Hoa Kỳ thì đấy là một vinh hạnh lớn. Việt Nam và Hoa Kỳ tôi cho là nên và cần kết giao bằng hữu. Việt Nam muốn xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh thì không thể không dựa vào một thế giới tiên tiến và đặc biệt là Hoa Kỳ. Hoa Kỳ muốn có một Đông Nam Á ổn định và phát triển bền vững để duy trì vị thế của mình ở đây thì không thể không dựa vào Việt Nam.

Song tôi nghĩ là muốn trở thành bằng hữu thì phải thống nhất được với nhau trên những giá trị cơ bản chung. Một trong những giá trị cơ bản mà Hoa Kỳ quan tâm nhất là vấn đề nhân quyền và dân chủ. Cho nên trong buổi tiếp xúc giữa tổng thống Bush với chúng tôi, tôi nghĩ không thể không bàn thảo đến vấn đề tự do, dân chủ và nhân quyền. Sự phát triển mối bang giao thân hữu của Việt Nam - Hoa Kỳ thì tôi cho rằng có rất nhiều cơ sở thuận lợi để phát triển tốt đẹp, song cũng không phải sẽ không gặp những trở ngại và khó khăn.

Một trong những khó khăn lớn nhất là lý do Việt Nam phải đu giữa hai cái giây Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đấy là điều tế nhị mà tôi cho rằng Hoa Kỳ không thể không khéo léo uyển chuyển để chiếm được phần ưu thế.

Ngoài ra nếu có thời gian thì tôi cũng muốn được chia sẻ với tổng thống Hoa Kỳ về sứ mệnh chống khủng bố rất nặng nề mà cường quốc số một của thế giới đang phải đảm trách. Tôi cũng muốn phát biểu về những nhìn nhận của tôi đối với các cuộc chiến Afghanistan và Iraq cũng như về thái độ đối xử với các nước đang muốn đùa giỡn với hiểm họa hạt nhân như Bắc Triều Tiên và Iran.

Duy Ái: Khi được hỏi là ông có nhận xét như thế nào đối với các hoạt động dân chủ nhân quyền ở Việt Nam hiện nay, giáo sư Nguyễn Thanh Giang đã tỏ ý rất phấn khởi trước những hoạt động tranh đấu đang nỡ rộ trên khắp nước.

Ts Nguyễn Thanh Giang: Trào lưu dân chủ hóa là một trào lưu đang phát triển rầm rộ ở Việt Nam và đặc biệt chúng tôi hết sức vui mừng là thời gian gần đây ngoài trào lưu chung của nhân dân nói chung và kể cả của những đảng viên đảng CSVN thì có xuất hiện những chiến sĩ rất anh dũng đấu tranh cho dân chủ là những anh em trẻ như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Đỗ Nam Hải, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Chính Kết v.v... Cả một lực lượng rất đông đảo hùng hậu như vậy và sẵn sàng xả thân, dấn thân mạnh mẽ cho nền dân chủ của nước nhà như vậy thì điều đó làm cho chúng tôi rất nức lòng và nghĩ rằng tiến trình dân chủ hóa đất nước không thể đảo ngược được và tôi mong rằng đảng CSVN hãy thật sự cầu thị, hãy lắng nghe những ý kiến, phát biểu đó và phải có một thái độ đúng đắn, không được đàn áp tàn bạo vì đàn áp tàn bạo bây giờ như là một sự uống thuốc độc.

Duy Ái: Thưa quý thính giả, quý vị vừa nghe ý kiến của một số các nhân vật tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam ở trong nước giữa lúc cộng đồng người Việt ở Mỹ đang ra sức hối thúc tổng thống Bush tìm cách gặp gỡ các nhân vật bất đồng chính kiến Việt Nam khi ông đến dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hà Nội vào tháng 11 tới đây.

Chúng tôi xin được thay mặt cho ban Việt ngữ đài VOA để cám ơn bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bác sĩ Phạm Hồng Sơn và tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã có nhã ý dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.