Báo
Việt Weekly phỏng vấn chủ tịch Nguyễn Minh Triết và tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang
Việt Weekly
ngỏ ý muốn được phỏng vấn ông Nguyễn Minh Triết trong dịp ông ta công du Hoa Kỳ.
Phía tòa đại sứ Việt Nam tại Washington D.C. yêu cầu làm đơn xin và kèm theo
những câu hỏi hay đề tài muốn hỏi. Việt Weekly làm đúng thủ tục này và đã gởi
vào 15 câu hỏi, bao gồm 3 lãnh vực quan hệ Việt Mỹ, tình hình Việt Nam và quan
hệ với cộng đồng. Việc được tiếp xúc với ông Nguyễn Minh Triết để thực hiện cuộc
phỏng vấn đã không được xác nhận cho tới vào giờ chót, vào lúc gần trưa ngày 23
tháng 6, trước lúc ông lên đường trở lại Việt Nam. Khi được gặp, ông Triết giải
thích vì vấn đề thì giờ bị giới hạn của chuyến đi cho nên đã trả lời trước 12
trong 15 câu hỏi đã được đặt ra. Và đồng thời, trong thời gian ngắn ngủi của
buổi gặp mặt, ông cho phép phóng viên của Việt Weekly được đặt thêm một câu hỏi
trực tiếp và ông sẽ trả lời ngay tại chỗ. Sau đây, câu hỏi đầu tiên được trả
lời trực tiếp. Tiếp theo đó là 12 câu hỏi được trả lời qua văn bản soạn trước,
được trao cho phóng viên Việt Weekly trong dịp gặp mặt.
VW:
Hiện nay, sản phẩm báo chí từ phía Việt Nam được tự do phát hành tại hải ngoại,
trong khi đó sản phẩm báo chí của cộng đồng hải ngoại lại bị cấm phát hành tại
Việt Nam, ông nghĩ sao về vấn đề này?
NMT: Vấn đề báo chí rồi cũng sẽ thông thương thôi. Bởi vì, hiện tại, báo
chí nước ngoài tại Việt Nam cũng tương đối phong phú chứ không phải là không có
đâu. Nhưng mà cũng phải nói rằng có những bài báo, thậm chí có những tờ báo nữa,
thiếu thiện chí, cho nên, có khi cũng phải sàng lọc lại một tí. Cho nên tôi nghĩ
rằng về lâu về dài thì cái chuyện thông thương, báo trong nước ra ngoài, báo
ngoài nước về Việt Nam là chuyện bình thường.
VW: Ông nghĩ rằng thời gian để chuyện đó xảy ra là bao lâu? Vài năm hay
nhiều năm nữa?
NMT: Mọi chuyện không thể nói được, nhưng mà cái xu hướng nó là như thế.
Gia nhập vào WTO, mình đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới rồi. Không phải chỉ
hội nhập về kinh tế thôi đâu. Mọi việc có những cái bước đi theo đó thôi. Tôi
mong là quý anh em cũng vậy. Bởi vì có những thông tin, tôi nói thật là không
khách quan. Không khách quan mà đương nhiên là đưa về phổ biến trong nước thì nó
sẽ gây một cái tác hại không hay.
Tiếp theo đó, toàn văn bài phỏng vấn trên đã được đăng trên báo Việt Weekly ra
ngày 28 tháng 6 năm 2007
Trong chiều
hướng đem đến toàn cảnh bức tranh phản ảnh từ nhiều phía về chuyến đi lịch sử
này, Trần Nhật Phong cũng đã thực hiện cuộc phỏng vấn với tiến sĩ Nguyễn Thanh
Giang, người bất đồng chính kiến tại Việt Nam, để tìm hiểu quan điểm cũng như
đánh giá của ông về sự kiện lần này.
Bài trả lời
phỏng vấn sau đây cũng đã được đăng trên cùng số báo.
VW:
Thưa tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, ông đánh giá thế nào về chuyến đi của chủ tịch
nhà nước Nguyễn Minh Triết vừa qua?
NTG: Chuyến đi của ông Nguyễn Minh Triết vừa qua đã thể hiện một cách tốt
đẹp, mặc dù đã phải trải qua những trở ngại, những trắc trở, và mang đầy kịch
tính. Việc ông Triết đi Mỹ đã được dự định từ lâu theo lời mời dự kiến của Tổng
thống Bush. Nhưng trước đó ít lâu đã có những lực lượng chống phá chuyến đi này.
Nhiều người trong nước cho rằng, chỉ huy sự chống phá này là từ bên ngoài và
thông qua bàn tay nào đó ở bên trong thực hiện. Họ muốn phá thông qua những việc
diễn ra rất trớ trêu.
.Đây là
chuyến đi lịch sử, lần đầu tiên một vị lãnh đạo cao nhất của nước Việt Nam Cộng
Sản đến thăm nước Mỹ.
Thường các cuộc viếng thăm của nguyên thủ như thế này, cũng như các giao dịch
thông thường, đến với nhau, đều có quà. Như ông Clinton đến thăm Việt Nam, đã
đem món quà Hiệp ước Thương mại Việt-Mỹ. Khi tổng thống Bush sang thăm Việt Nam
đã đem món quà PNPR và xóa bỏ CPC. Nhưng khi mà Nguyễn Minh Triết chuẩn bị đi Mỹ,
người ta chuẩn bị “ món quà” rất là tồi tệ. Họ vung tay tát thẳng vào bộ mặt
nhân quyền của Mỹ muốn trưng ra ở Việt Nam thông qua việc tổ chức những cuộc bắt
bớ rất dã man, rất tàn bạo một loạt những người đấu tranh cho dân chủ và nhân
quyền. Họ bắt bớ đàn áp đến mức trở thành cực kỳ vô lý. Ngoài việc bắt bớ linh
mục Nguyễn Văn Lý, rồi luật sư Nguyễn Văn Đài, bắt cả sang những nữ luật sư trẻ
với bộ mặt rất khả ái như Lê thị Công Nhân. Tệ hơn nữa là, chuẩn bị sang nước
người ta mà lại mạt sát các quan chức của quốc hội Hoa Kỳ như bà dân biểu
Loretta Sanchez. Và, nếu tôi không có những phản ứng quyết liệt, người ta còn
chuẩn bị tung ra hàng loạt những bài báo để vỗ vào mặt ông Michael Marine, đại
sứ Hoa Kỳ. Bộ Chính trị thì đã quyết định là để cho ông Triết đi Hoa Kỳ vào
tháng Sáu và đến tháng Mười đi Trung Quốc. Rập một cái, sức ép từ đâu đã bắt ông
Triết phải bái kiến Bắc Triều trước khi sang Hoa Kỳ. Tất cả những điều đó đã tạo
thành khúc mắc lớn mà suýt nữa người ta cho rằng là Hoa Kỳ tự ái không mời nữa
và. ông Triết không thể đi Mỹ được. Dưới sự chỉ huy từ nước ngoài, các lực
lượng tả khuynh giáo điều cực đoan ở trong nước muốn ngăn chặn cuộc đi của ông
Triết. Nhưng cuối cùng, một điều rất hay ho là tổng thống Bush vẫn mời và Chủ
tịch Nguyễn Minh Triết đã sang Mỹ. Đấy là một thắng lợi. Nó đã thể hiện được ước
nguyện của toàn dân Việt Nam nói chung và kể cả những đảng viên đảng Cộng Sản
Việt Nam nói riêng, muốn Việt Nam xích lại với Hoa Kỳ. Thật vậy,:muốn nước Việt
Nam không những đạt được dân mạnh, nước giầu, xã hội công bằng, dân chủ văn minh
mà còn có thể bảo vệ được lãnh thổ và lãnh hải của mình thì phải đi theo công
thức của chúng tôi, tức là phải làm sao để tay phải nắm chắc được Hoa Kỳ và tay
trái nắm chắc được Trung Quốc, Nguyễn Minh Triết sang Hoa Kỳ chính là mở ra được
một giai đoạn mới để đi theo hướng tích cực, tiến bộ đó.
VW: Phía hải ngoại, có hai sự kiện mà dư luận rất chú ý. Thứ nhất ông
Nguyễn Minh Triết tuyên bố rằng Việt Nam không cần cải thiện nhân quyền. Thứ hai
ông Triết cho rằng Việt Nam chưa thích ứng với nền tự do báo chí giống như Hoa
Kỳ, để biện minh cho quyền kiểm soát báo chí của chính quyền trong nước. Ông
nghĩ sao về hai điều tuyên bố này?
NTG: Tôi không hiểu tâm trạng của ông Nguyễn Minh Triết khi phát biểu như
vậy, ông có được bình tĩnh không? Có được đĩnh đạc không? Không thể nói rằng
Việt Nam không cần cải thiện nhân quyền vì ngay cả Mỹ nếu nói thế cũng không
đúng . Nếu mà đúng nguyên câu nói của ông Triết là Việt Nam không cần cải thiện
nhân quyền, thì dù bất kể nói ở đâu, nói với người dân Việt Nam cũng không được,
nói với quốc hội Hoa Kỳ lại càng không được. Ở tại cái nơi mà người ta đang xem
dân chủ nhân quyền là điều kiện để liên minh liên kết, phát biểu như vậy, tôi
cho là không đúng, không thể chấp nhận được, và sai về cơ bản. Mục tiêu dân chủ
nhân quyền là mục tiêu lý tưởng của nhân loại. Cả ông Marx cũng thừa nhận đấy là
lý tưởng mà nhân loại cần đi tới. Cho đến thời đại ngày nay, muốn xã hội phát
triển thì dân chủ, nhân quyền phải luôn luôn được cải thiện, không bao giờ ngưng.
Đó là lý tưởng phải đạt được mà mỗi ngày, càng xích đến gần hơn chứ không bao
giờ được xem là thỏa mãn, là, chúng tôi đã có dân chủ và nhân quyền đủ rồi. Nếu
Nguyễn Minh Triết nói như vậy, tôi khẳng định, rằng ông đã nói trong tâm trạng
không được bình ổn và không đứng đắn. Dẫu Việt Nam có nhân quyền dân chủ khá hơn,
cũng không thể nói là Việt Nam không cần cải thiện dân chủ và nhân quyền, huống
hồ gì vấn đề dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam bây giờ đang còn ở mức thấp,
đang thật sự quá thiếu thốn và quá bê trễ so với mặt bằng chung của nhân loại
VW: Là người đã sinh trưởng và sống qua nhiều giai đoạn thăng trầm của
đất nước Việt Nam, là một nhà trí thức của Việt Nam và là cây cổ thụ của các nhà
bất đồng chính kiến ở Việt Nam, ông đánh giá thế nào về tình hình Việt Nam hiện
nay?
NTG: Tôi cho là sau đổi mới, Việt Nam cũng có những đổi mới và phát triển
tốt về các vấn đề kinh tế. Trong thời gian tương đối dài 5,7 năm qua, nền kinh
tế tiến triển một cách tương đối ổn định, tốc độ chưa cao chưa xứng tầm với tiềm
năng của dân tộc, nhưng nói chung về kinh tế có ổn định và tăng tiến. Đời sống
của nhân dân, của đất nước đương nhiên đã tốt hơn nhưng vẫn còn nhiều khuyết
tật. Trong đó, các vấn đề như phân hóa giàu nghèo, như tham ô lãng phí, tệ nạn
xã hội, còn rất nhiều vấn đề không thể an tâm được, không thể hài lòng được.
Kinh tế khá lên đôi phần, tuy nhiên về mặt chính trị, về mặt tư tưởng vẫn còn
rất kém. Về mặt văn hóa, về mặt giáo dục rất kém so với mặt bằng chung của nhân
loại, càng kém một cách rất đáng xấu hổ so với tư chất của dân tộc và tiềm năng
của dân tộc. Đặt biệt là, vấn đề dân chủ và nhân quyền thì càng đáng phàn nàn.
VW: Trong chuyến đi của ông Triết qua Mỹ, ông mời gọi các chất xám ở hải
ngoại và đầu tư. Ông Triết cũng gặp phải sự chống đối của đồng bào tại hải ngoại
về chủ trương của đảng Cộng Sản. Cá nhân ông nghĩ thế nào về lời mời gọi của ông
Nguyễn Minh Triết?
NTG: Về câu nói, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đặt biệt là ở Mỹ như là
khúc ruột của quê hương Việt Nam, của tổ quốc Việt Nam, tôi cho về nguyên lý là
đúng, đối với tấm lòng của người mẹ Việt Nam là đúng. Nhưng có một số bà con ở
bên đấy nghe không thuận tai vì họ có ấn tượng không tốt đẹp với người Cộng sản.
Những người Cộng sản Việt Nam đã từng có những sai lầm, ví dụ như sau chiến
thắng 30 tháng Tư, đáng lẽ phải xúc tiến ngay hòa hợp hòa giải dân tộc, phải xem
đây là lịch sử trớ trêu, phải tiến tới là Nam Bắc không còn phân tranh nữa, đoàn
tụ lại với nhau, xem như anh em một nhà, họ lại đưa ra những chính sách rất sai
lầm như là bỏ tù hàng loạt, đưa đi cải tạo hàng loạt, tạo những bức bối để bà
con phải vượt biển rồi chết thê thảm trên đường ly hương. Dĩ nhiên, đó là những
việc hết sức đau xót còn ngâm mãi trong lòng bà con người Việt ở nước ngoài một
nỗi hận thù đối với người Cộng Sản Việt Nam. Mối hận thù ấy có nguyên cớ đúng
của nó, tức là xuất phát từ cái sai của chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng tôi nghĩ rằng,
đối với trách nhiệm dân tộc, người Việt Nam ở bất cứ phương trời nào, đối với tổ
quốc Việt Nam, đối với dân tộc Việt Nam đều phải hướng tới hòa hợp hòa giải. Hãy
cố gắng quên đi những mối thù đó, những ân hận đó, những tiếc nuối đó, để nghĩ
về dân tộc. Bà con Việt Nam bên ngoài phải luôn luôn tự khẳng định mình là máu
Việt Nam, là xương thịt của Việt Nam luôn luôn phải hướng về đất nước. Đồng
thời, những người trong nước phải nhìn thấy, phải mở cả tấm lòng của mình ra đối
xử với người Việt ở nước ngoài thật sự với tình tương kính, không thể với thái
độ kẻ cả, là người chiến thắng đối với kẻ chiến bại. Cũng không nên chỉ nghĩ tới
khai thác người Việt ở nước ngoài, mà phải thật sự thương yêu người Việt ở nước
ngoài như người dân ở trong nước, thật sự quí trọng họ.
Tôi may mắn là một trong vài nhà khoa học được dịp sang Mỹ sớm nhất, từ năm
1989. Tôi đã được mời sang Mỹ dự hội nghị khoa học Địa chất Quốc tế lần thứ 28
tại Washington. Tôi là người ở xứ sở của Đảng Cộng sản đầu tiên sang tiếp xúc
với các khoa học Mỹ và bà con Việt Nam. Tôi có nhìn nhận một số vấn đề, cho nên
khi về, tôi đã viết thư cho ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ. Tôi đã đề
xuất nhiều việc, Cách nay đã gần 20 năm. tôi đã đặt vấn đề là đừng xem những
người Việt Nam bỏ nước ra đi là những người có tội, những người bỏ tổ quốc là
những người phản động. Phải xem sự kiện một bộ phận dân tộc bỏ đất nước để ra đi
là một cái họa, nhưng trong cái họa ấy lại ẩn tàng cái phúc. Nếu cái phúc mà
mình không biết sử dụng, không biết nâng niu, đôi khi cái phúc lại là mầm chứa
của cái họa. Nếu là cái họa, chúng ta nhìn bằng cặp mắt nhân ái, cư xử bằng bàn
tay nhân ái thì cái họa sẽ biến thành cái phúc. Đấy sẽ là vốn liếng quý của đất
nước, của dân tộc. Bà con mình tản mạn ở các nước có khoa học tiền tiến, có nền
tư tưởng tiền tiến, đấy là tiềm năng của đất nước, đấy là cái phúc của dân tộc.
Tôi đã đặt vấn đề với ông Phạm Văn Đồng. Tôi cũng nói mình là quê hương, mình là
số đông, mình phải có con mắt bao dung và phải có tinh thần trách nhiệm đối với
họ. Lúc bấy giờ,ai cũng nhắc đến trong số người bỏ nước ra đi, đã có đến 300,000
trí thức và khoa học giỏi nhưng chỉ nghĩ đến khai thác, sử dụng số này. Tôi nói
rằng, tại sao ta là quê hương, là tổ quốc mà chỉ muốn khai thác họ, bòn rút họ.
Tôi đã nói là phải bảo vệ họ, còn nghĩ đến họ là đồng bào, là con dân thì phải
chăm sóc họ và phải nuôi nấng trong lòng họ ý thức dân tộc. Tôi đã lo lắng gần
20 năm trước là bà con mình làm sao giữ lấy nền văn hóa của dân tộc ở trên đất
Mỹ, dậy dỗ con cái nói tiếng Việt. Tôi là người đầu tiên viết giấy gởi cho đảng
và nhà nước, đặt vấn đề phải thừa nhận hai quốc tịch cho những người Việt Nam ở
nước ngoài. Bây giờ ai cũng thấy có thể chấp nhận được,.nhưng lúc bấy giờ, người
ta cho tôi là kẻ phản động, ăn phải bả tư sản, ăn phải bả của Mỹ, ăn phải bả của
“ngụy quân ngụy quyền” v.v...
VW: Một nhà bất đồng chính kiến khác là ông Hoàng Minh Chính cũng khẳng
định rằng, nếu có thể được ông sẵn sàng bắt tay với khối cộng sản cấp tiến, điển
hình như Nguyễn Minh Triết hay Nguyễn Tấn Dũng để xây dựng đất nước tốt đẹp hơn.
Oâng nghĩ như thế nào về lời phát biểu của ông Hoàng Minh Chính?
NTG: Tôi nghĩ rằng bất cứ ở đâu cũng có người tốt, người không tốt. Trong
một con người cũng có thời điểm tốt, thời điểm không tốt. Trong đội ngũ chung
của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có những người tốt, có
những người không tốt, có những người sáng suốt có những người không sáng suốt,
cũng có người tả, cũng có người hữu. Gần đây, đã có những người dám bộc lộ ra,
ví dụ như ông Võ Văn Kiệt đã bộc lộ từ lâu một xu hướng cấp tiến. Bây giờ, những
người như ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết bằng hành động, bằng lời nói
mới chỉ có mức độ nhưng,.bằng hành động, đã vượt qua những khó khăn trở ngại,
gây ra bởi bọn bên ngoài kết hợp với nhóm bảo thủ cực đoan ở bên trong muốn ngăn
chặn ông Triết nhưng ông vẫn vượt qua để đi Mỹ, tức là ông đã có xu hướng tích
cực, tiến bộ. Cho nên, phải luôn luôn nhìn vào lực lượng ấy và phải làm hậu
thuẫn cho những lực lượng cấp tiến, những lực lượng tiến bộ đang lái đất nước
Việt Nam đi đúng vào hướng tiến bộ của nhân loại. Phải ủng hộ họ, củng cố cho
họ, vì bản thân họ cũng gặp những khó khăn. Bà con ở nước ngoài phải nhìn thấy
họ có những khó khăn, những người lãnh đạo Việt Nam trong bộ chính trị cũng gặp
những khó khăn, họ phải vượt qua được sức uy hiếp của những thần uy đen tối. Tuy
rằng sau đại hội X các thế lực đen tối đã giảm sút, nhưng chúng vẫn hoành hành
vẫn khống chế rất nhiều. Cho nên phải làm sao chung lưng cùng họ để họ đứng lên
vững vàng hơn nữa, để chiến thắng được những thế lực bảo thủ, thế lực cực đoan
và thế lực cộng sản cuồng tín để hướng tới chiều hướng tốt đẹp và đưa đất nước
đi theo hướng mỗi ngày một tốt hơn.
VW: Ông có ủng hộ quyền tự do ngôn luật tuyệt đối hay không và có sẵn
sàng tranh đấu cho điều này?
NTG: Tôi không những ủng hộ mà tôi là người tích cực vận động cho điều
đó. Bản thân tôi bằng một năng lực tối thiểu và bằng sự dũng cảm tối đa mà tôi
có thể thể hiện được, mặc dù tôi không phải là người dũng cảm lắm, tôi đã vượt
qua những nỗi sợ hãi để thực hiện điều đó. Tôi dành quyền tự do ngôn luận và tự
do phát biểu ý kiến. Tôi luôn luôn kêu gọi những người lãnh đạo Đảng Cộng sản
Việt Nam, hãy noi gương một người không đâu xa lạ, noi gương ông lãnh tụ cao
nhất của họ tức là ông Nguyễn Ái Quốc, ngày xưa ông đã kêu gọi tự do ngôn luận
tự do báo chí. Bây giờ họ phải làm theo lời kêu gọi của ông ta, làm theo ước
nguyện của nhân dân Việt Nam là phải có tự do ngôn luận tự do báo chí và phải có
một sự cải tổ chính trị, làm sao cho nền chính trị đáp ứng được với nền kinh tế
thị trường, tức là nền chính trị mang lại sự phản ảnh của xã hội hóa. Có nền tự
do báo chí, người dân mới tham gia tích cực vào sứ mệnh làm chủ đất nước và đất
nước mới phát triển được.
VW: Cám ơn tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang.
NTG: Cám ơn quí vị, mong rằng tiếng nói của quí vị mỗi ngày một mạnh mẽ
và rộng rải hơn để cải thiện nhận thức của bà con trong nước cũng như nước
ngoài, đặng góp phần tích cực hơn trong công cuộc dân chủ hóa đất nước Việt Nam.
ª
|