Trả lời phỏng vấn RFI về bài

“ Đóng góp ý kiến về Báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới ”

của ông Võ văn Kiệt

Trong thời gian qua, trên mạng Internet, lại có thêm một bài viết của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt được lưu hành rộng rãi. Bài viết có tựa đề : Đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới. Trong bài đóng góp này, cựu thủ tướng Việt Nam đã đặt lại nhiều vấn đề về chủ nghĩa Mác Lênin, về vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước và đặc biệt ông đã lên án xu hướng tả khuynh trong Đảng Cộng Sản Việt Nam  Trong Câu lạc bộ báo chí của đài RFI ngày hôm nay, chúng tôi mới quý vị nghe nhận định của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội về bài viết nói trên của ông Võ Văn Kiệt.

 

Thanh Phương ( RFI ) : Kính thưa tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, chúng tôi xin cám ơn ông đã nhận lời tham gia vào Câu lạc bộ báo chí hôm nay. Trước hết xin ông cho một nhận xét chung về bài viết mới của ông Võ Văn Kiệt ?

 

TS Nguyễn Thanh Giang : Bản '' Đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới'' của ông Võ Văn Kiệt là một bài viết hay. Tôi nghĩ rằng không thể đòi hỏi bộc trực, thẳng thắn hơn, vì ông vốn là uỷ viên Bộ Chính trị, lại đảm trách cương vị Thủ tướng Chính phủ, nên ông phải chịu trách nhiệm lớn với những thành bại, đúng sai của Đảng, đặc biệt là trong quá khứ. Không những ông đã bàn bạc được đến những vấn đề căn bản cốt lõi về đường lối, về những chủ trương lớn đáng phải quan tâm mà còn có chỗ như ông dốc bầu tâm sự.

 

Đoạn dốc bầu tâm sự rõ nhất là khi ông bàn về Quan hệ giữa quyền lực và dân chủ, giữa lợi ích chung và quyền uy riêng.  Ông đã chỉ ra rằng : '' Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai hoạ lớn khiến cho đất nước Việt Nam cứ ngợp ngụa mãi, không thoát được ra khỏi vũng lầy của sai lầm quá khứ  là Đảng luôn luôn bị xu hướng  tả khuynh chế ngự.''

 

TP : Nhưng mà trong bài đóng góp này, ông Võ văn Kiệt  đã nhận định : ''Hiện nay xu hướng bảo thủ trì trệ về số lượng thì không nhiều và tự nó khó có thể là một nguy cơ. Đối trọng với xu hướng đó, những bộ óc có xu hướng đổi mới đúng đắn, muốn bứt phá khỏi những gánh nặng cũ, là một lực lượng không nhỏ ''. Theo đánh giá của ông, liệu trong đại hội X sắp tới xu hướng tả khuynh có thể bị  còn chế ngự không ?

 

TS NTG : Rất nhiều người thắc mắc rằng khi tiếp xúc với một số cán bộ lãnh đạo ở tầng chót vót của Đảng, một số uỷ viên trung ương Đảng, thậm chí ủy viên Bộ chính trị , thì  thấy rằng họ có nhận thức không xa chúng ta lắm nhưng tuồng như có một thế lực bí ẩn nào đó điều hành cái Đảng này ghê gớm lắm. Trong bài viết của mình, cựu thủ tướng Võ văn Kiệt đã chỉ ra sự tồn tại hai thứ quyền lực và quyền uy. Quyền lực chỉ có thể tồn tại ở đương chức đương quyền, nhưng có những kẻ không còn quyền lực nhưng quyền uy thì vẫn lớn lắm. Ông Kiệt nhận xét rằng : ''Đọc các văn bản, thấy toát lên một điều là những người viết có ý bứt phá nhưng vẫn bị ám ảnh bởi quyền uy''.

Ông Kiệt còn phàn nàn rằng : '' Rất nhiều đồng chí trong Đảng ta dã mắc những sai lầm tả khuynh nghiêm trọng nhưng không bị kỷ luật, vẫn được giữ nguyên quyền uy bởi được đánh giá kiên định lập trường cách mạng. Ngược lại, những việc gì mạnh dạn đổi mới, không bằng lòng với cải cách đã đạt được thì lại rất dễ bị quy chụp là mất lập trường, chệch hướng, xa rời chủ nghĩa xã hội, ăn phải bả của tư bản''. Đây chính là đoạn dốc bầu tâm sự thảm thiết nhất của cựu thủ tướng Võ văn Kiệt. Người ta còn nhớ cách đây mươi năm, bức thư gửi Bộ Chính trị của thủ tướng Võ văn Kiệt lúc bấy giờ đã gây ra vụ án làm cho các ông Lê Hồng Hà, Hà Sỹ Phu bị vào tù. Thật ra mục tiêu truy kích cuối cùng lúc bấy giờ là Võ văn Kiệt - người đã viết thư và chuyển thư ra ngoài - chứ không phải mấy ngườì tổ chức tán phát ở chặng sau.

 

TP : Trong bài đóng góp, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã nêu lên một số vấn đề rất cơ bản đối với Việt Nam hiện nay, đặc biệt là về chủ thuyết, trong đó ông đã đặt lại vấn đề về vai trò của giai cấp công nhân. Cho tới nay, Đảng Cộng Sản vẫn được định nghĩa như là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Thực tế là như thế nào, thưa ông ?

 

TS NTG : Ông Kiệt có nêu một câu hỏi : '' Về giai cấp công nhân Việt Nam, chúng ta thường nói như một công thức rằng ĐCS là đội tiền phong của giai cấp công nhân. Nhưng cho đến nay, khái niệm giai cấp công nhân được xác định như thế nào ?'' Ông Kiệt đã trả lời : '' Ngày nay không còn có thể tiếp tục nói chung chung về giai cấp công nhân VN. Hiểu về một giai cấp không rõ thì khó thấy, khó biết được đội tiền phong cuả giai cấp đó là gì và phải làm gì''.

 

Về vấn đề này, trong tiểu luận ''Thử bàn về giai cấp công nhân VN'' viết cách đây gần chục năm, tôi đã từng khẳng định ở VN chưa hề có một giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng như quan niệm của Marx- Lenine. Ông Võ Văn Kiệt cũng thấy thế và ông nói : ''Đảng dường như không phải là của giai cấp công nhân hiện nay. Giai cấp công nhân không biết và không có quyền được biết đội tiền phong của mình đang làm gì''.

 

TP : Riêng về đường lối kinh tế, trong bản góp ý của cựu thủ tướng Võ văn Kiệt, ông cũng đã đề cập đến vai trò của kinh tế Nhà nước như thế nào ? Theo ông Kiệt, không thể nào để cho kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo như Đảng mong muốn. Còn ý kiến của ông thế nào ?

 

TS NTG : Về thái độ đối xử của Đảng đối với các thành phần kinh tế, ông Kiệt cho rằng : ''Nếu đã quy định trước cái gì là chủ đạo thì sao có thể nói được rằng mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng? Kinh tế nhà nước hiện nay rất yếu kém, nhiều khuyết tật. Một nền kinh tế nhiều thành phần mà thành phần nhiều khuyết tật nhất, kém hiệu quả nhất thì sao lại có thể là chủ đạo ?''

 

Nhìn vào nông thôn và nông nghiệp, ông Kiệt cũng có những bức xúc về vấn đề sở hữu đất đai còn rất nhập nhằng, do đó trong nông nghiệp vẫn chất chứa tiềm tàng những khả năng bùng nổ, rối loạn trong quan hệ xã hội và chính trị. Tôi cho rằng đây là hậu quả đen tối, và nguy hiểm nhất của đường lối nhập nhằng, mù mờ, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dựa vào đó, người ta nhất định không chịu thừa nhận sở hữu tư nhân về đất dai, cố tình để lại một kẽ hở lớn cho bọn quyền thế lợi dụng cướp bóc, tước đoạt đất đai hay thiết kế những vụ tham nhũng hết sức lớn.

 

TP : Vừa rồi ông đã  trình bày những vấn đề rất tâm đắc trong bài đóng góp của ông Võ Văn Kiệt. Nhưng theo ông, trong bài này còn đó những điều gì chưa thật sự thỏa đáng, tức là,  lẻ ra ông Kiệt phải nói mạnh dạn hơn nữa ?

 

TS NTG : Tôi rõ ràng có ý khen bài đóng góp của ông Võ Văn Kiệt vì cho tới nay, đây là bài viết thuộc loại mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất khi nói về đường lối và ý thức. Tuy nhiên, một trong những điểm đáng chê, đó là ông Kiệt vẫn cho rằng, thất bại trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta chẳng qua là do ta chưa đọc được những  mã số của nó, chưa xác định được đúng những nội hàm của nó. Đáng lẽ phải thẳng thắng nhìn nhận rằng, thất bại là do chúng ta đã vận dụng một thứ chủ nghĩa mà trong bản thân nó đã chất chứa rất nhiều sai lầm tai hại.

 

TP : Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang