Trả lời phỏng vấn RFA về việc thành lập Ủy ban Chống tham nhũng

ý kiến của ông Hoàng Minh Chính và Nguyễn Thanh Giang về Uỷ ban chống tham nhũng

29-10-2004

Trong những buổi họp Quốc Hội khó XI kỳ 6 đang diễn ra tại Hà Nội, vấn đề chống tham nhũng đang được đặt lên hàng đầu. Thủ tướng Việt Nam, ông Phan Văn Khải đã đưa ra đề nghị thành lập một Ủy ban chống tham nhũng. Thế nhưng Ủy ban chống tham nhũng này gồm những thành phần nào và hoạt động ra sao cho có hiệu quả? Việt Hùng có bài ghi nhận với ý kiến của một số nhà tranh đấu cho dân chủ ở trong nước.

Trong những ngày qua, cụm từ Ủy Ban chống tham nhũng được nhắc nhiều đến trong các đại biểu Quốc Hội cũng như chính phủ Việt Nam. Tới lúc này khi giới chức Việt Nam phải thừa nhận rằng tham nhũng là một quốc nạn thì việc thành lập một Ủy ban chống tham nhũng là điều không những chỉ các quan chức nhà nước mà những người dân thường cũng cảm thấy là bức xúc. Ông Hoàng Minh Chính, nhà lão thành cách mạng, một nhân vật nổi tiếng trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ từ Hà Nội lên tiếng:

 

 

"Thành lập Ủy Ban chống tham nhũng tôi hết sức hoan nghênh, bởi vì hiện nay ở Việt Nam theo Quốc Hội nói chống tham nhũng không có hiệu quả, lần tham nhũng này còn nặng hơn các lần tham nhũng trước, tức là tình hình tham nhũng ngày càng trầm trọng hơn.

Ý tưởng thành lập một ủy ban chống tham nhũng ở Việt Nam không có gì là mới mẻ vì vấn đề này từng đã có ý kiến từ nhiều năm nay. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, người từng đưa ra đề nghị này với đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam cho biết:

"...Tôi cho là cần thiết, nhưng bây giờ ông thủ tướng Phan Văn Khải hứa là sẽ làm thì rất muộn..."

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang.

Tôi cho là cần thiết, nhưng bây giờ ông thủ tướng Phan Văn Khải hứa là sẽ làm thì rất muộn, vì cách đây 6 - 7 năm tôi đã viết trong 2 cuốn sách của tôi là cuốn: "Khát Vọng & Ðời" và cuốn "Suy Tư Ước Vọng" đã có bài trong đó đề nghị thành lập một Ủy ban chống tham nhũng do một ủy viên Bộ chính trị phụ trách. Sau một năm phải tổng kết lại được nếu tham nhũng không giảm mà vẫn tăng thì phải cách chức ủy viên Bộ chính trị và Ủy ban đó. Nếu giảm đi, tôi đề nghị thưởng to, thưởng nhà lầu xe hơi hẳn hoi, nhưng họ không làm, nói mạnh như thế họ cho tô là chống đảng, chống này nọ ....

Mặc dầu vậy, bây giờ Bộ chính trị có một ông thủ tướng đề nghị thành lập ban đó và có thực tâm để cho Ủy ban đó hoạt động, tạo điều kiện cho Ban đó một cách khác quan thì cũng muộn rồi, những có cũng còn hơn là không...."

Vấn đề cần bàn lúc này ở chỗ, Ủy ban chống tham nhũng này sẽ gồm những thành phần nào và hoạt động ra sao ? Liệu mô hình cách đây 6 - 7 năm của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đưa ra với những người đứng đầu là Ủy viên Bộ Chính Trị có còn phù hợp hay không ? Ông Hoàng Minh Chính đưa ra cái nhìn của mình:

"...Tôi thấy cơ quan chống tham nhũng là do Quốc Hội đề cử ra toàn là những người của đảng viên cộng sản thì như vậy không thể chống được tham nhũng..."

Ông Hoàng Minh Chính

"Tôi thấy cơ quan chống tham nhũng là do Quốc Hội đề cử ra toàn là những người của đảng viên cộng sản thì như vậy không thể chống được tham nhũng. Tại sao như vậy, bởi vì trong nhân dân người ta nói chống tham nhũng tức là chống đảng. Tại sao lại cho là chống đảng, vì muốn chống tham nhũng phải có dân chủ, những người như đại tá Phạm Quế Dương và ông Trần Khuê thành lập hội giúp đảng và nhà nước chống tham nhũng thì lại bắt bỏ người ta thì làm sao chống."

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, tác giả của một Ủy ban chống tham nhũng ngày nào cũng đồng ý với ông Hoàng Minh Chính và giải thích thêm:

"Vấn đề thành lập là thành lập như thế nào ? Xưa kia tôi nói là một ủy viên Bộ chính trị và các ủy viên trung ương đảng, thứ, bộ trưởng ... vì lúc đó tình hình khác bây giờ. Còn bây giờ tình hình đã bê bối quá sức rồi, hầu như vấy bùn hết cả rồi... cho nên bây giờ không thể thừa nhận được.

Bây giờ bày ra chỉ để ngu ngơ với nhau, viết một vài cái tổng kết ... rồi tiến thêm vài bước .... Vấn đề bây giờ, vấy bùn hết cả rồi cho nên thành phần nhân sự của Ủy ban lại hết sức quan trọng, không thể giao cho mấy ủy viên như trước nữa, bởi vì nhân dân họ bảo rằng, giao ủy ban chống tham nhũng cho mấy ông quan chức đó thì khác gì giao trứng cho ác !

Theo tôi, ban chống tham nhũng đó phải giao cho những người như đại tá Phạm Quế Dương, như học giả Trần Khuê. Nếu Ủy ban được thành lập với những người như thế, tôi không nói hay dùng từ "đối lập" thì nặng nề ra mà gây cho họ phải đối phó, tôi nói là phái có những ngưòi có con mắt khách quan.

Ðiều thứ 2, muốn chống tham nhũng thì phải chống cái cơ chế đẻ ra tham nhũng, tức là phải sửa đổi chính trị thì mới mong chống được tham nhũng."

"...Ngoài việc cải tổ cơ cấu chính trị, những thành phần nào tham gia vào cơ cấu chống tham nhũng, đặc biệt là người đứng đầu Ủy ban chống tham nhũng, một điều kiện tối cần thiết là tự do ngôn luận..."

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nếu như chỉ có thành phần và phương thức hoạt động đúng đắn của ủy ban tương lai này cũng chưa phải là quyết định nếu như không có những điều kiện khác đi cùng:

"Ngoài việc cải tổ cơ cấu chính trị, những thành phần nào tham gia vào cơ cấu chống tham nhũng, đặc biệt là người đứng đầu Ủy ban chống tham nhũng, một điều kiện tối cần thiết là tự do ngôn luận. Phải có tự do ngôn luận thì mới chống được tham nhũng, còn chừng nào tất cả các cơ quan ngôn luận, báo chí chỉ là tai sai cho những người lãnh đạo thì không đời nào chống được tham nhũng.

Có chăng thì là những con tép nhỏ và kích động cho ở dưới họ làm cái gọi là dân chủ cơ sở, để tố cáo lộn bậy nhau, trong khi đó ở trên trung ương tham nhũng biết bao nhiêu. Muốn trừng trị ai thì cho báo chí nói đến, còn không muốn trừng trị thì ở trên họp ban bệ cấm báo chí đề cập đến."

Với thể chế chính trị như hiện nay tại Việt Nam, một ủy ban không phụ thuộc vào chính phủ hay trực thuộc đảng quả là khó có cơ hội tồn tại chứ không nói đến chuyện hoạt động có hiệu quả. Ông Nguyễn Thanh Giang đưa ra cái nhìn của mình về một ủy ban chống tham nhũng trong tương lai:

"Tôi nói, nếu mà đảng thực tâm muốn chống tham nhũng, vấn đề sống còn của đảng. Nếu không chống được tham nhũng thì không những có tội với nhân dân, với đất nước mà còn là nguy cơ sụp đổ của đảng. Nếu thực sự muốn chống, thành lập ban chống tham nhũng, người cầm đầu và các thành viên tuy không phải là người của đảng, nhưng đảng phải để cho họ hoạt động có tính độc lập hoàn toàn, chứ còn nếu mà thành lập có tính chất như phi chính phủ, hội đoàn này nọ ..... thì không làm được.

Vấn đề này cần phải có một hội thảo để bàn về tư cách pháp nhân của tổ chức này, những điều lệ để cho người đứng đầu ít nhất cũng được làm như ông Bao Công của Trung Quốc thời xưa."