Hội luận cùng tiến sỹ Âu Dương Thệ về 20 năm đổi mới

Đài RFA phỏng vấn tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang và tiến sỹ Âu Dương Thệ

Việt Hùng: Trong cuộc hội luận hôm nay, một trong những vấn đề chính là liên quan đến Tổng kết lý luận và 20 năm đổi mới qua bài góp ý của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Thưa các ông, quyền uy và quyền lực là một trong những điểm chính mà bài góp ý dài 27 trang của ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề cập đến. Trước khi bắt đầu câu chuyện thì chúng tôi xin được trích nguyên văn một câu mà ông Kiệt đã viết:

"Về nguyên tắc thì những đồng chí chính thức được vào Đảng và nhân dân giao phó trọng trách điều hành và quyết định những vấn đề lớn thuộc về vận mệnh quốc gia là những người được trao quyền lực và đang nắm quyền lực. Nhưng quyền uy thì không nhất thiết là thuộc người đang nắm giữ cương vị điều hành."

Vậy câu nói của ông Kiệt chúng ta nên hiểu như thế nào ạ? và cụ thể hơn là ông Võ Văn Kiệt muốn nói điều gì?

Trước tiên thì xin mời tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội.

TS Nguyễn Thanh Giang: Ông Kiệt có định nghĩa quyền lực và quyền uy. Ông Kiệt cho rằng những người có quyền lực là những người đang đương nhiệm và phải nắm được thứ nhất là văn hóa tư tưởng, thứ hai là quân đội, thứ ba là công an và thứ tư là tổ chức thì người đó mới có quyền lực. Còn những người quyền uy là những người tuy không còn tại chức nữa, nhưng theo tôi, tôi nghĩ rằng những người có quyền uy mà ông Kiệt muốn ám chỉ ở đây là sở dĩ họ có quyền uy vì họ vẫn còn có quyền lực. Vẫn nắm được tổ chức, vẫn nắm được quân đội, vẫn nắm được công an.

Trả lời câu hỏi ông Kiệt muốn ám chỉ vào ai thì vì tôi không hỏi ông Kiệt cho nên tôi không rõ, nhưng tôi đoán ra được và tôi cũng nghĩ rằng rất nhiều người trong Đảng và ngoài xã hội bây giờ nghĩ đến người mà ông Kiệt nói quyền uy đấy, có một số người, nhưng chủ yếu là nói về hai ông Lê Đức Anh và ông Đỗ Mười.

Thế thì vì sao mà các ông ấy vẫn có quyền uy. Thường những người có quyền uy là những người có tài trí thật sự, họ làm cho mọi người khâm phục. Họ không còn đương nhiệm nữa nhưng cái uy của họ vẫn còn là nhờ tài, đức của họ. Nhưng ở Việt Nam, mấy ông có quyền uy lại không phải là những người có tài, không phải là những người có đức mà chẳng qua họ vẫn nắm được quyền lực ở trong tay. Vấn đề cơ bản quyền lực trong tay của ông Lê Đức Anh  chính là do ông vẫn còn nắm được Tổng cục 2. Từ Tổng cục 2 đó ổng chi phối toàn bộ, kể cả những người đang còn có quyền hành trong tay, vẫn phải sợ ông ấy. Ông dùng Tổng cục 2 để sẵn sàng vu khống bất cứ ai kể cả những đặc đẳng công thần như ông Võ Nguyên Giáp và hàng loạt các ủy viên Bộ chính trị. Kể cả ông Nông Đức Mạnh, ông cũng sẵn sàng đưa vào tròng của ổng khi vu khống cho người ta là CIA. Thì đấy là ổng vẫn nắm được quyền lực, nắm được Tổng cục 2.

Vấn đề sống còn là phải nắm được Tổng cục 2 đó, cho nên mới có cuộc vật lộn giữa Lê Đức Anh và Lê Khả Phiêu. Vì muốn tranh giành quyền lực thông qua cách nắm trở lại Tổng cục 2 nên Lê Khả Phiêu mới dựng ra cơ quan A10  để trùm lên Tổng cục 2.

Và từ sự vật lộn đó thì Lê Khả Phiêu đã bị Lê Đức Anh quật ngã chính vì Lê Đức Anh vẫn nắm được Tổng cục 2.

Việt Hùng: Qua sự trình bày của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, thưa tiến sĩ Âu Dương Thệ có vẽ như tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đồng ý với ông Võ Văn Kiệt là vấn đề quyền lực không phải là vật cản lớn, mọi người vẫn phải chú trọng đến quyền uy. Từ bên ngoài thì ông có chia sẻ điều đó hay không ạ?

TS Âu Dương Thệ: .Vâng, về những phân tích của ông Giang chúng tôi rất chia sẻ. Tức là ông Giang đã phân tích cho thấy là ông Kiệt trong thơ đã phân biệt rất rõ hai nhóm người đang có quyền rất lớn ở trong nước. Đó là những người quyền uy, là những người ở ngoài Bộ chính trị và những người quyền lực, người có quyền lực là những người ở trong Bộ chính trị. Và trong Bộ chính trị như ông Giang đã nói, không phải tất cả 14 người mà chỉ có một số những người có giữ những chức vụ quan trọng nhất nắm quyền lực mà thôi. Và những người có quyền uy như ông Giang đã nói chính hiện nay là ông Đỗ Mười và ông Lê Đức Anh.

Những chuyện đó tôi hoàn toàn chia sẻ với phân tích rất rõ ràng của ông Nguyễn Thanh Giang

Việt Hùng: Phải chăng là "Từ thực tiễn và lý luận 20 năm đổi mới" theo ông Võ Văn Kiệt thì Việt Nam đang đi chệch hướng. Từ thực tế thì Việt Nam có chệch hướng không và nếu chệch thì làm sao Việt Nam có thể hội nhập?

TS Âu Dương Thệ: Về câu hỏi đó thì chúng tôi xin nói như thế này, cụm từ „chệch hướng“ ở đây ông Kiệt dùng là nhắc lại thuật ngữ của nhóm bảo thủ trong Bộ chính trị hiện nay. Và những người này cũng chỉ lập lại ngôn ngữ của những người có quyền uy là Đỗ Mười và Lê Đức Anh suốt hơn chục năm vừa qua.

Nhóm bảo thủ trong Bộ chính trị hiện nay cũng đang dùng từ "chệch hướng" để hù dọa với mục tiêu là "độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết", như lời của ông Kiệt đã nói rất đúng. Mà chúng ta biết đại biểu của nhóm này hiện nay ở trong Bộ chính trị,  tuy ông Kiệt không nói tên ra nhưng ông Kiệt đã ám chỉ rất rõ khi ông ta nói là trong bản báo cáo, tức là“ bản báo cáo về Tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới“, đã được soạn thảo cho Đại hội 10 sắp tới. Ai cũng biết người đứng đầu ban soạn thảo văn kiện đại hội là ông Nguyễn Phú Trọng, ủy viên Bộ chính trị, bí thư thành ủy Hà Nội và kiêm Chủ tịch Hội đồng lí luận trung ương, ngoài ra chúng ta cũng cần kể tới một vài ủy viên Bộ chính trị đang rất có quyền lực là ông Nguyễn Khoa Điềm,Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa trung ương, Trần Đình Hoan, Trưởng banTổ chức trung ương, và ông Phạm Văn Trà, Bộ trưởng quốc phòng...

Riêng về ông Phạm Văn Trà thì tin mới nhất trong tuần qua cho biết đã dùng tiền đóng thuế của nhân dân để cho nhà xuất bản của Nhân Dân dưới quyền của Bộ quốc phòng in sách với đề tựa là Đại tướng Lê Đức Anh, trên 300 trang để ca tụng Lê Đức Anh. Người giới thiệu sách này lại chính là Đỗ Mười. Như vậy chúng ta thấy là cặp bài trùng đang bao biện sân khấu chính trị Việt Nam.

Ai cũng biết trong đại hội 9 trước đây chính ông Phạm Văn Trà và Trần Đình Hoan đã đổi cờ chạy theo nhóm Lê Đức Anh và Đỗ Mười để hạ Lê Khả Phiêu.

Không những chỉ có thế, ông Kiệt trong thơ còn tố cáo là những "độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tuỳ tiện qui kết và luận điệu gọi là chống diễn biến hòa bình của nhóm bảo thủ trong Bộ chính trị đã cố tình nặn ra những con ngáo ộp để lấy cớ bịt miệng báo chí và những người có quan niệm khác họ. Ở đây không ai khác là ông Nguyễn Khoa Điềm, ủy viên Bộ chính trị và Trưởng ban tư tưởng và văn hóa trung ương.

Trong khi chính ngay ông Kiệt cũng đã là nạn nhân trong vụ này. Chúng ta biết là trong thơ gần đây của ông Kiệt đã tố cáo ông Nguyễn Khoa Điềm về việc ông này đã không cho đăng một bài phỏng vấn của ông Kiệt chỉ vì ông Kiệt có quan niệm khác.

Việt Hùng: Nói như vậy tức là tứ trụ ban tư tưởng, ban bí thư, an ninh và quốc phòng đều thuộc phe bảo thủ tả khuynh? Tại Việt Nam thì tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, trong một bối cảnh chính trị của Việt Nam như vậy thì tiến sĩ sẽ nói gì ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Trước hết tôi muốn quay lại định nghĩa thế nào là chệch hướng và ai đã chệch hướng, ai đã đúng hướng. Trong thời gian vừa qua, phải nói rằng chính ông Võ Văn Kiệt đã từng bị qui cho là chệch hướng, và chính vì ông chệch hướng mà ông ấy đúng. Song, tôi không đồng ý với ông khi ông định nghĩa thế nào là chệch hướng. Ông cho rằng sở dĩ chúng ta chệch hướng vì chúng ta cứ nói rằng chúng ta vận dụng chủ nghĩa Mác Lênin và coi đấy là kim chỉ nam cho hành động, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tất cả các đường lối chính sách của chúng ta nhưng chỉ vì chúng ta không hiểu được, không đọc được mật mã của nó, không hiểu được nội hàm của nó cho nên chúng ta mới chệch hướng.

Ông Võ Văn Kiệt nói như thế thì tôi thấy là ổng định nghĩa không đúng.

Ở Việt Nam, những cái gì vừa qua mà ông Kiệt từng bị qui là chệch hướng ?. Thí dụ như khi đưa ra chủ trương chuyển đổi nền  kinh tế thì ông Võ Văn Kiệt đề ra là phải thừa nhận một nền kinh tế có nhiều thành phần. Lúc ông Kiệt đòi phải thừa nhận một nền kinh tế nhiều thành phần thì ông ấy bị quy ngay là chệch hướng. Thực chất ông Kiệt đã đòi thoát ra khỏi đường lối Mác Lênin chứ còn kinh tế của Mác Lênin phải là kinh tế nhà nước làm chủ tuyệt đối và phải xóa bỏ hoàn toàn tư hữu. Đó là một ví dụ rất điển hình rất đau lòng của thế nào là chệch hướng. Chệch hướng là đúng hay không chệch hướng là đúng ?.

Tôi nói những ai ở Việt Nam đã từng chệch hướng thì nói chung đều đúng. Chệch hướng tức là chệch ra khỏi chủ nghĩa Mác Lênin, thì đều là đúng.

Một ví dụ điển hình khác, ví dụ như là vào thời gian khoảng những năm 70 thì ông bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú lúc bấy giờ là Kim Ngọc. Ông đã dám phá rào và ông đưa ra chủ trương khoán sản phẩm thay cho khoán việc . Ông ấy bị nhà Mác Lênin gạo cội là ông Trường Chinh lúc bấy giờ viết bài đăng suốt 3 trang đầy trên báo Nhân Dân đập ông Kim Ngọc tơi bời. Và rồì … sau đó ông Kim Ngọc bị truy bức cho đến chết.

Khoảng chục năm sau ông Đoàn Duy Thành lại đem lại bài học khoán sản phẩm của ông Kim Ngọc để làm ở Đồ Sơn, Nhưng ông Đoàn Duy Thành chỉ dám làm khoán chui.

Khi nền kinh tế đã suy sụp quá sức rồi thì ông Đoàn Duy Thành lẳng lặng làm khoán chui. Làm thành công rồi ông mới mời trung ương xuống xem xét. Từ đấy nó mới ra được chỉ thị 100 của chính phủ, và đến hội nghị trung ương 10 thì ra được nghị quyết 10 để tạo được một sự phá rào vượt khỏi đường lối thủ cựu mà thừa nhận một nền kinh tế thị trường. Tức là phá rào để thoát khỏi đường lối Mác Lê Nin. Tức là chệch hướng khỏi đường lối Mác Lênin thì mới là đúng và mới cứu được đất nước, mới cứu được dân tộc.

Cho nên chệch hướng ở Việt Nam … tôi nghĩ rằng phải hoan hô chệch hướng, chệch hướng muôn năm thì mới làm cho dân giàu nước mạnh được, mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa được.

Việt Hùng: Câu nói " hoan hô chệch hướng, chệch hướng muôn năm" của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội đã khép lại phần đầu cuộc hội luận chính trị trong và ngoài nước hôm nay.

Trong buổi phát thanh tới phần hội luận sẽ tiếp tục bàn đến vấn đề quyền lực, quyền uy và quyền lợi riêng trong xu hướng tả khuynh đã và đang ảnh hưởng đến chính trường Việt Nam trên con đường hội nhập ra sao?

Mời quý vị nhớ đón nghe.

RFA - Thưa qúy thính giả, liên quan đến vấn đề quyền lực, quyền uy và quyền lợi riêng hiện đang bao phủ lên chính trường Việt Nam mà cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lên tiếng cảnh báo trong bài”Tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới” gởi Bộ chính trị mới đây. Vậy quyền lực, quyền uy và quyền lợi sẽ đưa Việt Nam về đâu. Nhất là hiện nay theo đánh giá thì Việt Nam cần phải thay đổi nhiều trong tiến trình hội nhập.

Mời quý thính giả theo dõi phần 2 cuộc hội luận chính trị trong - ngoài nước với sự tham gia của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội và tiến sĩ Âu Dương Thệ từ Đức.

Việt Hùng: Để tiếp tục cuộc hội luận, trở lại câu hỏi mà chúng tôi đặt ra với tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội, trong một bối cảnh tứ trụ: Ban tư tưởng Văn hóa trung ương, Ban Bí thư, Quốc phòng và An ninh, trong một bối cảnh Việt Nam chuẩn bị bước vào đại hội đảng lần thứ 10:

TS Nguyễn Thanh Giang: Lâu nay người ta hy vọng rằng đại hội 10 này phải là một đại hội  thấm nhiếm được tình hình mới, được nguyện vọng của nhân dân và đại đa số đảng viên cũng như phải nhìn nhận được để nắm bắt lấy không khí mới, trào lưu mới của thế giới từ đó tìm mọi cách thoát dần ra khỏi chủ nghĩa Mác Lênin, đi chệch hướng ra khỏi chủ nghĩa Mác Lênin đặng giải quyết tốt được những vấn đề của thời đại, của dân tộc.

Nhưng cho đến hội nghị trung ương 12 vừa rồi thì người ta rất thất vọng vì những nghị quyết, những ý kiến khống chế ở trong hội nghị trung ương 12 vẫn rất bảo thủ, rất lạc hậu. Vẫn coi đảng là đảng tiền phong của giai cấp công nhân, và vẫn lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm kim chỉ nam cho mọi hành động làm người ta bất mãn.

Sở dĩ như vậy là do có sự điều hành từ bàn tay vô hình của những thế lực bảo thủ mà trong đó người ta nghĩ nhiều đến Lê Đức Anh, đến Đỗ Mưới. Những tay chân của các vị này phải tùng phục một phần là do hàm ơn, một phần là do sợ, vì họ vẫn nắm được Tổng cục 2, vẫn bị bọn tay sai của tình báo Hoa Nam uy hiếp. Trong các vị uỷ viên trung ương ngồi họp có người thực lòng muốn trả ơn hai vị kia, có người vẫn còn lú lẫn, có người không lú lẫn nữa nhưng vẫn sợ các quyền uy kia. Cho nên vẫn lập lại những điều sai lầm và vẫn phải nói theo cái gọi là XHCN.

Việt Hùng: Từ quyền lực đến quyền uy để rồi trở thành quyền lợi riêng. Phải chăng điều ông Kiệt cảnh báo, chúng tôi xin được đọc nguyên văn trong câu của ông Kiệt viết:

Chúng ta sẽ lựa chọn như thế nào đây, giữa một bên là lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc, lợi ích của Đảng và một bên là nể nang và thoả mãn những ý kiến riêng của một thiểu số, mà ở đó lợi ích rất có thể chỉ là lợi ích của quyền uy, sự lo sợ chỉ là sự lo sợ mất quyền uy, ẩn náu sau những sự hù doạ mất Đảng, mất Chủ nghĩa xã hội.

Câu hỏi chúng tôi xin được đặt ra ở đây là quyền lợi riêng được hiểu như là tiền bạc hay là ngoài ra lại còn có thể hiểu là để xây dựng cơ sở chính trị cho phe nhóm, cho người thân và cho con cái sau này?

TS Âu Dương Thệ: Nếu chúng ta theo dõi thì chúng ta thấy rằng là không phải chỉ ông Kiệt mới nói tới những vấn đề có quyền uy và những người có quyền lực đang lợi dụng quyền hành để làm lợi riêng. Hồi tháng 5 vừa qua chính cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng đã công khai trên báo chí ở trong nước rằng những tệ trạng lạm dụng quyền lực và quyền uy để tham nhũng, mua quan bán chức để làm lợi riêng. Nham nhũng, chạy chọt để thăng quán tiến chức theo lời ông Phiêu lúc đó là chạy cả vào Bộ chính trị, và chính ông Phiêu cũng đã được mời mọc khi ông ta làm Tổng bí thư.

Vẫn theo lời ông Phiêu thì nạn tham nhũng hiện nay còn tệ hại và trắng trợn hơn nhiều. Chính vì thế mà trong nước thường nói là một số đại gia dùng danh từ gọi là "quyền uy, quyền lực" để làm giàu không chỉ cho bản thân mà cho cả thân nhân và vây cánh. Mục tiêu là củng cố quyền hành. Chính vì thế tướng Phiêu đã nói hiện nay đang có những người dùng quyền để kiếm tiền bạc và của cải và sau đó họ dùng tiền bạc để mua quyền, để củng cố địa vị, đúng như câu hỏi ông đã nêu ra.

Thành thử những báo động của ông Kiệt về sự lạm quyền hành để làm lợi riêng cho một số người có quyền uy và quyền lực của chế độ độc tài đã thực sự chia sẻ của nhân dân và nhiều cán bộ đảng viên có tâm huyết.

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi cho rằng có sự kết hợp huyền bí giữa quyền uy với những kẻ đang nắm quyền, hai thế lực đó đang câu kết với nhau để duy trì cho được quyền lực. Duy trì được quyền lực thì duy trì được tham nhũng, mà duy trì được tham nhũng thì không những có kinh tế, có tiền bạc, có nhà cửa ruộng đất mà còn có chức tước. Ta thấy bây giờ từ quyền lực, quyền thế nó đẻ ra những địa chủ cộng sản mới còn ghê gớm tàn bạo hơn và giàu có hơn , « vĩ đại «  hơn những địa chủ ngày xưa rất nhiều. Địa chủ cộng sản bây giờ nó có không phải chỉ hàng chục, hàng trăm mà có những tên có tới hàng nghìn hécta đất.

Cấu kết giữa quyền lực và quyền uy để  duy trì cho được cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN thì mới tạo điều kiện cho nó có thể tiếp tục tham nhũng, tham nhũng ghê gớm lắm. Lại cũng từ tham nhũng họ còn lấy được tiền để mua quan bán tước. Bây giờ ở Việt Nam chuyện mua quan bán tước nghe nói đến hàng tỷ đồng một chức vị.

Việt Hùng: Để thay cho lời kết trong cuộc hội luận Tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới, câu hỏi cuối cùng chúng tôi xin được đặt ra  là từ quyền lực, quyền uy, quyền lợi rồi lại tả khuynh. Thưa ông nếu không phải tả khuynh thì những người chỉ trích của ông Kiệt là phải chăng muốn nhắm đến các đồng nghiệp cũ hay là vì ông Kiệt thấy họ không thực hiện đúng ý mình rồi lên tiếng chỉ trích?

TS Âu Dương Thệ: Theo chúng tôi nghĩ thì trong bài này của ông Kiệt, ông muốn tập trung đánh vào một số người đồng liêu của ông khi cùng với ông ở trong Bộ chính trị vào những năm 1980-1990. Chúng ta nhớ trong thời gian đó thì đại biểu lớn nhất có lẽ phải kể tới là ông Đỗ Mười trong nhóm tả khuynh đó.

Vì suốt trong thời gian từ năm 1975, với nhiều chức vụ khác nhau từ trưởng ban cải tạo tư sản mại bản, rồi phó thủ tướng phụ trách công nghiệp nặng và xí nghiệp quốc doanh từ cuối thập niên 70 đến 80. Và sau đó làm thủ tướng và tổng bí thư.

Suốt trong thời gian này thì chúng ta đã thấy là người đầu tàu của nhóm tả khuynh là ông Đỗ Mười. Chính trong thời gian này, như ông Kiệt đã kể ra là với tính sách tả khuynh và do trình độ học vấn thấp kém như ông Đỗ Mười đã gây ra những sai lầm cho đất nước và tội ác đối với nhân dân. Nhưng cho tới nay thì ông Đỗ Mười vẫn là người có quyền uy rất lớn và hiện nay đang đứng đàng sau giựt giây đám bảo thủ, chuẩn bị đưa người vào chức vụ trong đại 10 sắp tới.

Chúng ta cần lưu ý nữa là trong lá thư lần thứ hai của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gởi Bộ chính trị vào tháng 7 vừa qua, ông Kiệt còn tố cáo rõ ràng hơn về những lộng quyền của nhóm bảo thủ, biến Bộ chính trị thành một cánh tay dài của những người có quyền uy. Vì thế họ đã chà đạp cả điều lệ đảng trong những năm qua.

Thành thử chúng tôi hy vọng là trong những ngày tới sẽ được nghe những lời phân tích rất sâu sắc và rõ ràng của những vị ở trong nước am tường việc này và chúng tôi nghĩ tới cả tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang.

TS Nguyễn Thanh Giang: Như lần trước tôi đã nói ông Võ Văn Kiệt không phải là người hữu khuynh, mà ông ấy chỉ đôi lần muốn chống lại tả khuynh để vượt ra khỏi sai lầm quá sức,sai lầm không thể tưởng tượng được của việc vận dụng một cách cứng nhắc chủ nghĩa Mác Lênin vào việc xây dựng xã hội ở Việt Nam.

Lúc nãy TS Âu Dương Thệ có nói người khống chế tả khuynh  thời ông Kiệt còn làm là ông Đỗ Mười thì tôi có một suy đoán như thế này. Thực ra ông Đỗ Mười là một con người không có chính kiến. Do trình độ học vấn của ổng thấp thành ra ổng không có chính kiến gì.

Tôi có cảm giác ngay khi ông thủ tướng Võ Văn Kiệt hơi chệch hướng một chút thì đã có lúc ông Đỗ Mười cũng hơi ngả về phe Võ Văn Kiệt đấy, chứ không phải không. Nhưng ông ấy bị mấy đòn khống chế làm cho Đỗ Mười phải sợ và buộc phải thần phục Lê Đức Anh. Lúc bấy giờ ai cũng ngạc nhiên  việc báo Nhân Dân đăng công khai rằng Đỗ Mười đã nhận hơn 1 triệu đô la của tư bản Hàn quốc.

Những đòn như thế đánh gục Đỗ Mười, làm cho Đỗ Mười không dám nho nhe ngả sang phía Võ Văn Kiệt nữa. Làm sao mà báo Nhân Dân lại dám đăng chuyện  Tổng bí thư Đỗ Mười nhận hơn 1 triệu đô la của tư bản Hàn quốc? Đấy phải là cái đòn của Lê Đức Anh. Chỉ có chỉ thị của Lê Đức Anh, chỉ có chỉ thị của Tổng cục 2 thì báo Nhân Dân mới dám làm việc đó.

Từ những vụ việc như thế, Lê Đức Anh kéo hẳn Đỗ Mười vào vòng tay mình và đánh gục Võ Văn Kiệt. Nếu ông Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ mà cựa quậy một chút nữa thì số phận của Võ Văn Kiệt có thể giống như Triệu Tử Dương, có thể giống như Lưu Thiếu Kỳ. Ông Võ Văn Kiệt thực ra vì cùng nhào luyện trong hệ thống tư tưởng này cho nên ổng cũng không phải là con người xuất sắc gì. Nếu có bầu cử tự do thì kể cả thời ấy, kể cả bây giờ chúng ta đều có thể chọn ra được những người lãnh đạo đất nước này tài giỏi gấp nhiều lần, đạo đức, tư cách gấp nhiều lần không chỉ Lê Đức Anh, Đỗ Mười mà kể cả Võ Văn Kiệt.

Dẫu sao, giá thời đó Võ Văn Kiệt khống chế được đảng và … ngay cả bây giờ, nếu Võ Văn Kiệt sau loạt bài vừa rồi mà có ý muốn ra tái ứng cử tổng bí thư hay thủ tướng thì một con người như Võ văn Kiệt bây giờ nắm giữ được vai trò tổng bí thư hay thủ tướng tôi cho vẫn là một trong những phương án tối ưu nhất trong hoàn cảnh chưa thể tìm một con đường nào khác tốt hơn. Có lẽ tốt hơn tất cả các gương mặt khác trong Bộ Chính trị và trong Trung ương hiện nay rất nhiều.

Việt Hùng: Qua sự trình bày của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và tiến sĩ Âu Dương Thệ đã chấm dứt phần hội luận hôm nay liên quan đến quyền lực, quyền uy và quyền lợi nhân bài góp ý của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt « Tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới ».

Thay mặt quý thính giả của đài xin cám ơn sự tham dự của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội và tiến sĩ Âu Dương Thệ từ Cộng hòa liên bang Đức.