Không được cho Trung Quốc can thiệp vào nội bộ ta qua việc sắp xếp nhân sự…

      Nếu Trung Quốc vào Cam Ranh, tôi là người đầu tiên xuống đường biểu tình phản đối, dù có nguy hiểm đến tính mệnh.

Giới thiệu: Thưa quý thính giả, chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sang Việt Nam gây nhiều chú ý vì là lúc Việt Nam đang chuẩn bị cho đại hội 10 với vấn đề hàng đầu là nhân sự, kế đó là các chính sách ngoại giao và kinh tế.

13 văn kiện mà hai bên sẽ ký liệu có thể nói hết được quan hệ hai nước đã ở tầm cao mới như Hà Nội đã từng tuyên bố trong chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hoa Kỳ vào tháng 6 hay không.

Đó là vấn đề mà Việt Hùng đặt ra trong cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhà phân tích và bình luận thời cuộc tại Việt Nam.

Mời quý vị theo dõi  RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang

Việt Hùng: Đánh giá và bình luận về chuyến đi của ông  Hồ Cẩm Đào, những người theo dõi thờicuộc thì cho rằng chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào đến Việt Nam trong bối cảnh chính trị mà Việt Nam đang cần rất nhiều trong sự hội nhập. Phải chăng rằng việc ông ông Hồ Cẩm Đào đến phần nào đã nói được điều đó hay chưa ạ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Ông Hồ Cẩm Đào vừa mới đến Việt Nam. Qua đài, báo chúng tôi có nghe công bố rằng chủ yếu chuyến đi này để khai triển mạnh mẽ hơn vấn đề giao thương về kinh tế. Tôi nghĩ rằng ngay trong giao thương kinh tế đối với Trung Quốc Việt Nam cũng phải tính toán rất cẩn thận. Không nên chỉ căn cứ vào số lượng mà phải căn cứ cả vào chất lượng giao thương. Ví dụ như đối với việc giao thương với Mỹ, kim ngạch của hai bên trao đổi chỉ tăng lên chậm, nhưng ở đây, phía Việt Nam được xuất siêu rất lớn. Vừa qua xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt đến cỡ hơn 4 tỷ đô la. Trong khi đó, trong giao thương với Trung Quốc ta lại bị thâm thủng nhiều, khoản nhập siêu trong năm vừa rồi vào khoảng 2 tỷ đô la. Rõ ràng Trung Quốc có lợi hơn ta. Về nội dung trao đổi kinh tế thì ta toàn bán cho họ những thứ mà họ có thể gia công chế biến để sinh lợi nhiều cho họ, như dầu thô, sản phẩm nông nghiệp, quặng mỏ v.v... Trong khi đó thì ta nhập của họ toàn những thứ mà tôi cho rằng nó không đóng góp gì nhiều trong phát triển kinh tế của ta, như công nghệ ximăng lò đứng, ôtô, xe máy công nghệ thấp …                           

Cho nên ngay trong quan hệ giao thương kinh tế đối với Trung Quốc là cũng phải tính toán cẩn thận chứ không nên đem thành tích kim ngạch trao đổi lớn và tăng nhanh để tuyên dương và để nói rằng đấy là cái lợi trông thấy của mối quan hệ với Trung Quốc

Việt Hùng: Đó là về kinh tế, thế còn về mặt chính trị thì sao ạ? Đó là câu hỏi mà dư luận cả trong và ngoài nước đều quan tâm.

TS Nguyễn Thanh Giang: Vấn đề chính trị, người ta đánh giá đường lối đối ngoại của ông Hồ Cẩm Đào có khác hơn của ông Giang Trạch Dân. Đối với những nước nhỏ xung quanh như Việt Nam thì ổng có vẽ mơn trớn hơn, có vẻ nhẹ nhàng hơn, nhưng ông ấy vốn là con người mà chất CS, chất XHCN còn nặng nề hơn ông Giang Trạch Dân. Ông Giang Trạch Dân chính là con người đã đưa ra thuyết 3 đại diện, 3 học tập, và chủ trương kết nạp tư sản, những doanh nhân vào đảng CS. Còn ông Hồ Cẩm Đào là con người có thể Mác xít hơn là ông Giang Trạch Dân.

Cho nên là chơi với Hồ Cẩm Đào, tức là chơi với Trung Quốc thì Việt Nam phải hết sức cảnh giác, đừng để cho ý thức hệ của Trung Quốc trùm lên Việt Nam quá nặng, đừng để cho họ gò ép chúng ta vào cái gọi là ý thức hệ đó. Bởi như thế nó sẽ hết sức tai hại.

Cần lưu ý thời điểm ông Hồ Cẩm Đào sang đây lại là thời điểm sắp diễn ra đại hội 10. Nếu ông ta sang với mục đích để điều khiển chúng ta, để can thiệp vào việc sắp xếp nhân sự của chúng ta thì đấy là sự can thiệp thô bạo vào nội bộ nước ta không chấp nhận được. Không được để cho Hồ Cẩm Đào, không được để cho bất cứ một người lãnh đạo Trung Quốc nào sang đây để chỉ huy chúng ta việc sắp xếp nhân sự cho đại hội 10 !

Điều thứ hai: có một số dư luận như ông Trần Đại Sơn đã viết ra để tố cáo, ông nói là mục đích của Hồ Cẩm Đào sang là muốn đánh đổi Hoàng Sa, Trường Sa gì đó lấy việc Trung Quốc vào Cam Ranh. Tôi cho rằng nếu có việc đó thì tôi kêu gọi đảng CSVN, chính phủ Việt Nam phải hết sức cảnh giác. Ông Trần Đại Sơn nói rằng nếu để cho Trung Quốc vào Cam Ranh tức là mất nước. Tôi rất đồng ý ý kiến này.

Nếu đảng này, những người lãnh đạo này vì bất cứ một lý do nào, ham tiền, ham chức hay ham gì nữa mà để cho Trung Quốc vào Cam Ranh thì như mọi người đều thấy, tuy tôi vốn là người rất mềm mỏng trong đấu tranh dân chủ,  tôi không hề cực đoan, nhưng nếu có việc ấy thật thì tôi phải là một trong những người đầu tiên xuống đường biểu tình phản đối. Không được cho Trung Quốc vào Cam Ranh.

Việt Hùng: Nhưng thưa tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, những dấu hiệu đó chỉ là những lời bàn và nó chưa có gì gọi là rõ ràng. Nhưng do đâu mà tiến sĩ lại có những phản ứng gay gắt như vậy trước một tin mà chưa có gì xác nhận được chuyện đó?

TS Nguyễn Thanh Giang: Các anh thấy rằng tôi nói "nếu" vì tôi không khẳng định, vì tôi cho rằng bí mật đó tôi chưa khai thác được ở đâu. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu mà không có lửa thì không đời nào có khói. Cho nên ông Trần Đại Sơn mới dám công bố, chính ông nói trên RFA, ông viết ra giấy nói rằng là chuyến này sẽ có việc bàn bạc để mặc cả. Người thì nói là trả giá cao hơn Mỹ gấp chục lần để được vào Cam Ranh. Tôi nói nếu nó có trả giá gấp hơn 100 lần cũng không được để cho Trung Quốc vào Cam Ranh.

Mỹ có thể vào Cam Ranh, vì sao? Nhiều người cho rằng Mỹ dầu sao cũng ở xa, lại nữa là về mức độ nguy hiểm từ mộng xâm lăng lãnh thổ thì đối với Mỹ nó cũng thấp hơn nhiều.

Còn với Trung Quốc thì ngay chỉ với những xẻo đất nhỏ nhoi ở biên giới Việt - Trung họ cũng thèm từng tý một, từng cột mốc, từng vạt đất bồi …  rồi là cướp nửa Thác Bản Giốc và Mục Nam quan của chúng ta. Tất cả những hiện tượng đã xảy ra cho thấy rằng họ thèm nhỏ giãi từng tấc lãnh thổ của chúng ta. Cho nên nếu cho họ vào Cam Ranh thì mất nước là nguy cơ trông thấy. Bởi thế tôi phải tỏ thái độ quyết liệt, nếu cái đó có thật, tôi nói là nếu có thật thì tôi tuyên bố, tôi sẽ là người đầu tiên xuống đường biểu tình, dù cho có nguy hiểm đến tính mệnh của tôi.

Việt Hùng: Nhưng thưa tiến sĩ, theo những tin tức ghi nhận từ Việt Nam thì trong chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào, Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký 13 văn kiện hợp tác. Tuy nhiên với dư luận, một trong những vấn đề rất nhạy cảm, đó là vấn đề phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ cũng như hai bên đồng ý hợp tác trong việc cùng kiểm soát vịnh Bắc Bộ.

TS Nguyễn Thanh Giang:Tôi nói giao thương kinh tế thì các anh cứ làm ăn với nhau, nhưng ngay trong kinh tế cũng đã phải cảnh giác hết sức với mấy cái anh Tàu này rồi. Còn các vấn đề biên cương, vấn đề biên giới, vấn đề chính trị phải càng hết sức cảnh giác  và càng xa ảnh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Kinh nghiệm của hiệp định biên giới và hải phận vừa rồi, đấy là nỗi cay đắng khôn cùng, cay đắng của toàn thể dân tộc. Chưa biết đến bao giờ mới giũ  ra được nỗi cay đắng này!

Dù cho lãnh đạo Việt Nam có giải thích đến thế nào thì những việc mất Thác Bản Giốc, mất cột mốc biên giới, mất Ải Nam Quan là cái thấy rõ lắm và việc diện tích vịnh Bắc Bộ mất hơn chục nghìn km2 so với hiệp ước Pháp Thanh cũng đã rõ lắm rồi. Những bài học nhãn tiền ấy khiến cho người dân Việt Nam ai cũng thấy rằng là anh bạn Trung Quốc rất khó tin. Chúng ta không thể không chơi với anh ấy, không thể không láng giềng hữu hảo với ảnh, nhưng phải hết sức cảnh giác anh ấy.

Tôi nghĩ rằng những dư luận xôn xao này khác đều có nguyên cớ của nó.

Việt Hùng: Khác với chuyến đi của ông Tổng thống Clinton trước đây đến Việt Nam, trong khi người dân thì mừng rỡ chào đón, ngược lại thì chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào thì trong khi các người lãnh đạo Việt Nam bày tỏ sự niềm nở và chào đón, trong khi dư luận của người dân thì cũng không có được mấy.. phải chăng là có sự khác nhau nào đó hay sao?

TS Nguyễn Thanh Giang: Vâng, nó khác nhau rõ. Đối với Trung Quốc, những người lãnh đạo đảng cũng như nhà nước phải tỏ ra niềm nở hơn. Tuy nhiên,  trong đám lãnh đạo này, tôi biết có người niềm nở thật lòng, cũng có người không.Song, tuy trong lòng không niềm nở và cũng có mối nghi kỵ như là nhân dân Việt Nam, như là đảng viên đảng CSVN, nhưng họ vẫn phải dè chừng phái bên kia...

Việt Hùng: Nhưng trong câu nói "bán anh em xa mua láng giềng gần" thì phải chăng nó có nói nói lên điều gì hay không?

TS Nguyễn Thanh Giang: Vâng, đó là cả một chủ trương của cha ông ta truyền lại dạy chúng ta phải bán anh em xa mua láng giềng gần, huống hồ đây là một anh láng giềng khổng lồ, mạnh mẽ thế, thì mình cũng phải tìm cách cầu thân với họ. Không được vênh vang, cũng không được làm mất lòng họ.

Nhưng, như tôi đã nói, cái gì thuộc về quyền lợi của dân tộc thì dứt khoát phải tìm mọi cách giữ lấy. Về cách giữ gìn đất đai tổ quốc, giữ gìn các quyền lợi của dân tộc không phải cứ lấy thịt mà đè người được. Gương của Trần Hưng Đạo còn đấy, 3 lần đánh tan tác quân Nguyên cơ mà, huống chi bây giờ chúng ta còn có bao nhiêu là bạn bè.