Trả lời phỏng vấn Đài RFA về bài nói của tiến sỹ Lê Đăng Doanh ( 6-3-2005 )Vào ngày 2 tháng 11 năm ngoái, năm 2004, trong khuôn khổ chương trình K X- 10, một chương trình chuẩn bị cho Đại Hội 10 Đảng Cộng Sản Việt Nam, trong một cuộc họp kín, lãnh đạo Trung Ương đã có một bản báo cáo hay nói đúng hơn là một bài thuyết trình dài 32 trang nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam do chính tác giả Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trình bày. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, một chuyên gia kinh tế hàng đầu của chính phủ Việt Nam, từng giữ vai trò cố vấn cho cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Nguyễn Duy Trinh, và các cựu Tổng Bí Thư như ông Nguyễn Văn Linh và ông Đỗ Mười. Chức vụ cuối cùng trước khi về nghỉ hưu là cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư. Để tìm hiểu thêm về tài liệu mà Bộ Chính Trị coi là "tối mật" này, Việt Hùng đã hỏi chuyện Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và được ông cho biết nội dung chính của bản báo cáo như sau: Ts. Nguyễn Thanh Giang: Sở dĩ có buổi nói chuyện đó là do ông Trần Ðình Hoan, Ủy viên BCT Ban chấp hành TW Ðảng, Trưởng ban Tổ chức TW có viết thư đề nghị ông Lê Ðăng Doanh trình bày để cho những người chuẩn bị cho các văn kiện ÐH 10 sắp tới nghe. Bài nói chuyện của ông Lê Ðăng Doanh gồm có 3 phần:
- Tóm tắt tình hình về thực trạng của
Việt Nam Việt Hùng: Thưa Tiến sĩ, bài nói chuyện của Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh cho đến nay dư luận cả ở trong và ngoài nước có thể nói là chưa biết đến. Trong phần nhận định về tình hình và thực trạng của VN, Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh đã đề cập đến những vấn đề gì? Ts. Nguyễn Thanh Giang: Khi nhìn nhận về nền kinh tế VN, Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh ghi nhận rằng, đã có rất nhiều tiến bộ, đặc biệt là trong những năm "đổi mới" kể từ sau ÐH VI. Từ chỗ nhập khẩu từ chiếc xe máy cho đến bánh xà phòng, rồi cho đến vươn lên được 5 năm xuất khẩu được 2 tỷ đô-la. Sau chỉ vài năm tăng lên 5 lần, tức là được 2 tỷ đô-la, rồi năm qua 2004 được 25 tỷ đô-la. Tuy nhiên cho đến nay, đất nước VN vẫn là một đất nước quá nghèo và vẫn còn tụt hậu còn xa so với thế giới. Việt Hùng: Với đà phát triển của VN trong năm ngoái 2004 mà VN trình làng với thế giới là trên 7%, vậy nguyên do nào mà trong bài nói chuyện Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh lại nói đến vấn đề tụt hậu của nền kinh tế VN? Ts. Nguyễn Thanh Giang: Nói xuất khẩu trong năm qua đạt 25 tỷ đô-la thì thấy rõ bằng 5 bằng 10 năm trước thật, nhưng thực tế nếu so với mấy nước trong khu vực như Thái Lan, như mấy nước Trung Á đã không là cái đinh gì rồi. Những quốc gia này đã xuất khẩu hơn trăm tỷ, vài trăn tỷ đô-la. Nói mức tăng trưởng cao thì mấy nước Trung Á tăng trưởng cao hơn nhiều. Trong 15 năm qua thì Kazactan mỗi năm tăng 10%. Nền kinh tế Singapo so với VN tăng ở mức chót vót, mà đã tăng trưởng cao thì nhích thêm 0,5% cũng chật vật lắm. Vậy mà trong năm qua Singapor cũng đã tăng 11%. Thế rồi nói GDP đạt trên 40 tỷ đô-la đã thấy vĩ đại so với ngày xưa, nhưng với con số ấy thì nền kinh tế VN cũng mới chỉ bằng 0,36% nền kinh tế toàn cầu thôi. Nói rằng tuy GDP bình quân chỉ 500 USD nhưng do giá cả hàng hoá rẻ, giá nhân công rẻ nên tính theo sức mua tương đương PPP ở VN khá cao cũng khụng đúng. Tính theo sức mua tương đương thì ta xép thứ 130/175 nước. Nếu xếp theo tỷ giá nữa thì ta xếp thứ 149/203 nền kinh tế. Sau ngàn ấy năm "Đổi mới" oanh liệt lắm ta chỉ mới lẹt đẹt được đến như vậy. Chỉ số phát triển con người có thể cao hơn chỉ số kinh tế nhưng cũng chỉ đạt trung bình. Năm 2003 xếp thứ 109/175, năm 2004 xếp thứ 112/177 nước. Vì trì trệ quá lâu rồi, tăm tối quá lâu rồi nên khi mở cửa ra cho ánh sáng bừng lên một chút đã thấy như đổi đời. Thực ra ta tiến còn chậm lắm. Chậm so với nhu cầu bản thân đất nước, chậm so với thiên hạ cho nên thực tế cho thấy là mình vẫn ngày càng tụt hậu. Chưa dám so với các nước tiên tiến, hay chỉ so với mấy nước Châu Á: Thái Lan năm 1950, thu nhập bình quân đầu người năm 1950 ta bằng 80,5% ; năm 1999 = 20%. Hàn Quốc 1950 = 85,5%; 1999 = 11%; Trung Quốc, năm 1950 ta giàu có hơn họ, ta gấp rưỡi họ nay = 20%. Việt Hùng: Mới đây ông Phan Văn Khải có tuyên bố, trong năm 2005 VN sẽ phấn đấu trở thành thành viên của WTO trong năm nay, năm 2005 và quyết tâm trở thành thành viên của OECD, trong bài nói chuyện của Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh có đề cập đến? Ts. Nguyễn Thanh Giang: Việt Nam là một nước nhỏ nhưng diện tích cũng đến 330.990 cây số vuông, dân số 81,3 triệu người. Về qui mô quốc gia ta xếp vào hàng thứ 13, 14 gì đó trên thế giới. theo ông Lê Ðăng Doanh, để trở thành thành viên của OECD mức thu nhập đầu người phải đạt 10 000 đô-la/năm. Nay ta mới đạt 530 đô-la/đầu người/năm, cứ đà này 10 năm nữa sẽ được 1060 đô-la/năm. 20 năm nữa được 2120 đô-la/năm. Nếu không có cách mạng, không có phương sách nào khác thì lộ trình ra nhập OECD phải tính bằng thế kỷ. Việt Hùng: Qua sự trình bày của Tiến sĩ về bài nói chuyện của Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh thì kinh tế VN tụt hậu, tiến rất chậm ...., nhưng có ý kiến lại nói rằng, kinh tế VN phát triển chậm nhưng chậm chắc? Ts. Nguyễn Thanh Giang: Nó tồn tại được là do những nguồn sau đây: bán tài nguyên đất nước, bán khoáng sản, bán dầu khí, bán thủy hải sản, bán sức lao động của công nhân & nông dân ra nước ngoài, rồi đi vay, đi xin và trông chờ vào khoản tiền hơn 3 tỷ của người Việt ở nước ngoài gửi về. Bán tống bán tháo tài nguyên khoáng sản dưới dạng thô là coi như đổ của đi, làm cạn kiệt tài sản quốc gia của con cháu sau này. Con người VN thông minh, cần cù, tài hoa, khéo tay đến mức cày thầy cô giáo, các chuyên gia nước ngoài nào cũng phải khen, nhưng xuất khẩu từ các nước thì lao động VN lại chỉ được giá rẻ mạt vì trong tất cả lao động xuất khẩu, lao động VN thuộc loại ít được đào tạo nhất. Ðánh giá về độ ổn định tài chính và khả năng tin cậy về tín dụng thì ta được xếp vào loại B+, hơn Bắc Triều Tiên. Ðộ sâu tài chính, tức là tổng số tiết kiệm của ngân hàng trên GDP của ta khoảng 44%, tổng sản lượng tính dụng trên GDP khoảng 48% trong khi Trung Quốc (TQ) là 162%. Thị trường chứng khoán ra đời đã 3 năm nhưng nay chưa đứng lên đi được mà chỉ bò lê bò lết đến con số 1,6%. Do quyền lực bị đảng thao túng tuyệt đối để cho các đảng viên có chức có quyền nên tham nhũng và lãng phí diễn ra tràn lan, hết sức thậm tệ dẫn đến phân hóa giầu nghèo rất cách biệt, dẫn đến bất công một cách tàn bạo nên xã hội chất chứa nhiều bức bối có nguy cơ bùng nổ một cách "đồng khởi", hàng loạt những vụ như Thái Bình, Tây Nguyên hay Kim Nỗ .... Việt Hùng: Trong bài nói chuyện của Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh, khi đề cập đến những cải cách thay đổi hệ thống chính trị của VN thì Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh đã nói những vấn đề gì, thưa Tiến sĩ? Ts. Nguyễn Thanh Giang: Sau khi đưa ra con số của Tổ chức Minh Bạch Thế Giới xếp hạng tham nhũng ở VN đứng thứ 23 trên 145 nước, Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh đưa ra một dẫn chứng: Trong tòa tháp Hà Nội dựng lên trên đất Hỏa Lò có một nhà trẻ thượng đẳng, giá gửi một cháu là 2800 đô-la/ tháng, tính trong giờ qui định, hết giờ qui định mà còn ở lại nhà trẻ thì bố mẹ phải trả thêm 4 đô-la/giờ. Một người nước ngoài phàn nàn với Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh rằng, muốn đăng ký gửi mà hết chỗ rồi, trong số đó có 20 người VN gửi con ở đó. Nhìn nhận hệ thống chính trị VN hiện nay, Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh nói, nguyên văn câu nói của Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh: "Hệ thống chính trị của ta hiện nay có nhiều điểm không còn phù hợp, bất cập và kém hiệu quả nặng, ta tự tạo nhiều khuyết tật, tự tạo ra nhiều vấn đề, kết hợp với mặt trái kinh tế thị trường sẽ dẫn dến chệch hướng rất lớn". Nhược điểm lớn nhất thể chế chíh trị của chúng ta là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề. Ðè nén dân quá làm cho nó tích tụ lại, đến lúc nào đấy nó sẽ diễn ra cái việc gì đó giống như ở Liên Xô hay Cộng Hòa Dân Chủ Ðức hay như ở đâu đấy .... Theo ông Doanh thì ở Trung Quốc cũng có nguy cơ giống hệt như ở ta ...... Việt Hùng: Thưa Ts Nguyễn Thanh Giang, cái bài phát biểu của Ts Lê Đăng Doanh như vậy là cũng đã hơn 3 tháng nay. Tiến sĩ ghi nhận trong hàng ngũ đảng viên, hàng ngũ trí thức ở tại Việt Nam thì mọi người nhận định về bài nói chuyện của Ts Lê Đăng Doanh như thế nào ? Ts. Nguyễn Thanh Giang: Cái bài đó thì mãi gần đây mới lọt ra ngoài, nhưng mà trong vòng mấy hôm nay tôi thấy rằng các người quan tâm đến tình hình đất nước đi xin nhau, đi photo, cho nhau rồi biết rất nhiều. Nhiều người đến hỏi tôi và họ thích thú, họ cho rằng cái bài nói ấy là cái bài nói được gan ruột, được ý nghĩ, được tình hình thực tế hiện nay và nó chứng tỏ một sự bức bối mà nó cần phải bung ra từ trong nội bộ. Nó thể hiện bây giờ cái suy nghĩ đa chiều, nó khác nhau, nó cọ sát nhau, chứ không thể bưng bít nhau được nữa. Và nếu mà cứ duy ý chí mà cứ bưng bít nó lại, bóp chặt nó lại thì nó sẽ bùng nổ dữ dội lắm. Việt Hùng: Với cái nhìn của Tiến Sĩ thì do đâu mà Ts Lê Đăng Doanh lại có cái bài phát biểu như vậy, dài 32 trang trong một hội nghị (khép kín) mà có thể nói là quan trọng như vậy ? Ts. Nguyễn Thanh Giang: Cái tôi nói là sở dĩ ông Lê Đăng Doanh được đứng lên đăng đàn là do Ủy viên Trung ương Bộ Chính Trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng Trần Đình Hoan có lời yêu cầu, thì ông mới được đăng đàn. Nhưng mà khi được đăng đàn như thế này thì cái điều lý thú tức là ông Lê Đăng Doanh đã chóp lấy thời cơ đó để bày tỏ tất cả những suy nghĩ nung nấu của mình trong suốt thời gian dài vừa qua phục vụ Đảng, phục vụ các cán bộ cao cấp của Đảng và tất nhiên trước đây thì ông gần các ông khác thì ông biết được tất cả những rận ở trong chăn, ông biết tất cả những cái đó. Nhưng khi ông còn ngồi phụ tá cho ông Phạm văn Đồng, ông Đỗ Mười, ông Nguyễn văn Linh thì ông không dám nói, nhưng giờ thì ông đã nghỉ hưu rồi thì ông quy gốc với con người trí thức của ông mới sống lại hoàn toàn và ông nói thẳng, nói thật. Tôi cho rằng chính là vì như thế mà bây giờ TS Lê Đăng Doanh trở thành người được toàn Đảng toàn Dân hâm mộ và ông đang thực sự đóng góp cho việc xây dựng Đảng một cách tích cực nhất trong công cuộc cải tổ này. Việt Hùng: Tiến Sĩ vừa mới nói rằng tài liệu đó thì bây giờ dư luận ở Hà Nội mới bắt đầu biết được đến. Nguyên do nào mà tài liệu đó lại được giữ kín đến mức độ như vậy? Phải chăng là vì những nhận định và những điều mà Ts Lê Đăng Doanh viết không đúng theo cái ý của Đảng hay sao? Ts. Nguyễn Thanh Giang: Thì tất nhiên là mấy ông lãnh đạo thì cũng thấy rằng cần phải nghe. Muốn nghe đấy, nhưng mấy ông chỉ muốn một mình mấy ông nghe thôi, độc quyền nghe thôi. Cho nên tôi thường bị công an răn dạy rằng: "Thưa anh, anh viết gì thì anh viết, không ai cấm anh, nhưng anh viết xong thì anh chỉ nên gửi cho mấy ông lãnh đạo thôi, và gửi cho chúng tôi, chứ anh không nên gửi ra ngoài". Thế thì đối với ông Lê Đăng Doanh nói bên trong thì được, nhưng mà họ bóp nó lại, họ chận nó lại, chỉ để trong lòng họ nghe, họ biết để tìm cách đối phó thôi. Cho nên đây là một tài liệu hết sức mật. Mức độ mật của nó cũng không kém gì bức thư của ông Nguyễn Văn Khánh cả. Nhưng tôi cho rằng vì tình hình nội bộ bây giờ nó đã nức vỡ rồi, không chỉ nức vỡ ở phía dưới, mà nức vỡ ở trên thượng đĩnh rồi cho nên chả có cái gì bí mật được đâu, chả có cái gì giữ gìn được đâu. Tôi chỉ nói một ví dụ mà gần đây tôi rất ngạc nhiên. là Hội nghị 6 ông ngồi bàn với nhau, rồi có thêm ông Đỗ Mười, ông Lê Đức Anh dự. Có ý kiến của ông Lê Đức Anh là khai trừ ông Võ Nguyên Giáp, ý kiến ông Đỗ Mười thì đòi khai trừ ông Nguyễn Nam Khánh, tôi nghĩ đại hội đó thì rất hẹp lắm chứ nhưng làm sao mà cũng lọt ra được ngoài. Thế mà nó lọt ra ngoài, thì chứng tỏ rằng là từ trên chóp bu là đã có một cái gì bằng họăc không bằng lòng mà người ta không nói thẳng ra mặt đâu, nhưng mà tìm cách để người ta... thậm chí là sắp tới người ta sẽ tìm cách để chọc vào lưng nhau, người ta thụi vào mặt nhau. Việt Hùng: Nhưng mà trong một tinh thần mà Đảng vẫn kêu gọi là nói thẳng, nói thật, chẳn hạn như là nhiều ý kiến cá nhân nhiều lần đóng góp cho đảng nhưng mà thường thường những ý kiến đó thì nhiều người nói rằng: Vâng thì chỉ việc gởi cho cấp lãnh đạo thôi nhưng mà gởi cho cấp lãnh đạo thì bị bỏ trong học tủ, bỏ xó, không được sự hồi âm mà thậm chí là bị dán cho cái mác là có những ý tưởng chống lại đảng. Ts. Nguyễn Thanh Giang: Vâng. Thì cái xã hội này toàn những vấn đề ngược cả chứ. Nó cứ nói, thực tế một đàng mà nó nói một nẽo, và có khi họ muốn một đàng thì họ tung hô lên một nẽo, v. v... Cho nên nó mới là cái xã hội bệnh hoạn, cái xã hội không sống trên cái công khai và cái trung thực cho nên tôi đã nói là công an răng dạy tôi là viết thì đừng có đưa, nói nhẹ nhàng rằng nếu anh rãnh thì anh chỉ đưa cho cán bộ lãnh đạo và chỉ đưa cho chúng tôi. Chứ anh đưa ra ngoài rồi mấy ông ổng lợi dụng anh rồi mấy ông tán phát làm lăng nhăng nọ kia. Tôi bảo như thế này: Tôi là một cái anh làm khoa học tự nhiên nhá. Cho nên khi mà tôi bỏ thì giờ ra tôi viết những cái bài như vậy là công phu lắm, có mồ hôi, có nước mắt của tôi, có chất xám của tôi bị bòn rút ra ghê gớm lắm thì tôi mới viết được những cái bài chính luận để góp ý kiến như vậy. Cho nên tôi viết không để mà chơi, còn chừng nào mà tôi thấy rằng là các anh, cái thói kêu ngạo, cái thói kêu ngạo cộng sản xem đời không ra gì, không thèm đọc, không thèm xét đến ý kiến của tôi một cách nghiêm túc thì tôi đành phải viết cho toàn Đảng, toàn Dân đọc. Và cho nên, tôi phải tán phát rộng rãi bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu .Tôi trực tiếp đưa lên internet. Việt Hùng: Những ý tưởng mà Ts Lê Đăng Doanh trình bày như vậy, cá nhân Tiến sĩ thì Tiến sĩ cũng đã nhiều lần trình bày trong các cuộc nói chuyện với chúng tôi. Thì phải chăng rằng cá nhân Tiến Sĩ cũng như Ts Lê Đăng Doanh có một cái nhìn chung trong một ý tưởng nào đó hay sao ạ? Ts. Nguyễn Thanh Giang: Vâng, Lâu nay khi mà có được bài nói chuyện này truyền tay nhau được tán phát thì nhiều cụ lão thành cách mạng, nhiều cụ chiến binh có đến nói với tôi rằng là sao nghe TS Lê Đăng Doanh nói như thế này thì người ta cũng thấy là ông TS kinh tế Lê Đăng Doanh nói cũng giống như TS địa vật lý Nguyễn Thanh Giang, chỉ khác là một ông thì nói trước, một ông thì nói sau. Ngoài lãnh vực đối nội, Ts Lê Đăng Doanh đã phê phán chủ trương giải thể Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội làm mất mầm mống đa nguyên đa đảng. Ngoài những yêu cầu mà ông Lê Đăng Doanh nêu lên là phải tăng cường thanh lọc, phải xét lại giai trò chỉ đạo của kinh tế quốc doanh, v.v... Thì bây giờ phải kiểm điểm lại một số vấn đề đối ngoại và công tác nước ngoài mà xem. Về Trung Quốc, Ts Lê Đăng Doanh nhận định rằng, bây giờ tôi nhắc lại nguyên lời của Ts Lê Đăng Doanh, bây giờ bạn của chúng ta là ai, ai là bạn của chúng ta, nhân sự thì ai hợp tác với chúng ta, liệu có nhân sự không. Mà cái ông Trung Quốc, ông ấy có phải là bạn ta không hay là ông lăm lăm để thịt mình đây. Thế rồi ông Lê Đăng Doanh cũng đề xuất một việc như thế này, là nếu ta chốt Vịnh Cam Ranh lại thì có thể kiểm soát được kinh tế dầu lửa của Trung Quốc, lúc bấy giờ TQ sẽ rất ớn, bởi vì TQ hiện nay đã làm bài toán sai lầm, Trung Quốc rất đang đói dầu lửa. Ông Lê Đăng Doanh nói như thế này: "Ông Hoa Kỳ thì ông nói là ta, từ trước đến nay chưa có chiếm đất của thằng nào bao giờ. Hơn nữa Hoa Kỳ với mình hai nền văn minh khác nhau, chế độ kinh tế khác nhau, tâm lý khác nhau. Cho nên để mà hiểu nhau được không phải là đơn giản". Tất nhiên là vì bài nói của ông Lê Đăng Doanh là do Ủy Viên Bộ Chính Trị, trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng đặt hàng, lại nói trước toàn những quan chức cộng sản nên ông ấy chỉ dám nói đến thế là cùng. Mà người nghe phải hiểu xâu xa hơn cả cái phần ý tại ngôn ngoại Việt Hùng: Thay mặt thính giả của đài, xin cảm ơn Ts Nguyễn Thanh Giang đã giành thì giờ cho cuộc nói chuyện ngày hôm nay!
|