Hội luận cùng tiến sỹ Âu Dương Thệ về thành quả và những liên hệ trong chuyến thăm Hoa Kỳ của thủ tướng Phan Văn KhảiĐài RFA 28-6-2005Từ chuyến Mỹ du, bài học và thành công nào cho thủ tướng chính phủ Việt Nam là đề tài do Việt Hùng điều họp trên làn sóng RFA Việt ngữ. Cuộc hội luận này có sự tham gia của những người từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều vị thế khác nhau nhưng cùng chung ý tưởng, quan tâm đến vận mệnh quốc gia. Kỳ này chúng tôi kính mời tiến sĩ địa vật lý học Nguyễn Thanh Giang, một trong các nhà dân chủ hàng đầu của Việt Nam. Người thứ hai là tiến sĩ chính trị học Âu Dương Thệ từ Cộng Hòa Liên Bang Đức. Mời quý thính giả theo dõi: Việt Hùng: Chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải tuần qua đã gây được sự chú ý đặc biệt trong dư luận. Từ chuyến đi thành công và bài học nào cho Việt Nam sẽ là đề tài trong cuộc hội luận ngày hôm nay với sự tham dự của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội, tiến sĩ Âu Dương Thệ từ Cộng Hòa Liên Bang Đức. Từ hai vị thế, hai hoàn cảnh khác nhau các ông đánh giá kết quả chuyến đi này ra sao ạ? Trước tiên xin được mời tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ạ. TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi cho rằng chuyến đi của thủ tướng Phan Văn Khải này là một chuyến đi đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Như là bản thông cáo chung của Việt Nam - Hoa Kỳ, tức là chuyến đi này đã đưa được mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên một tầm cao mới thông qua phát triển mối quan hệ hợp tác thân thiện và hiệu quả. Và nó cũng xác định rằng yếu tố mới tức là khẳng định với nhau xây dựng một quan hệ đối tác lâu dài và bền vững. Ở đây không chỉ là gặt hái được sự hoan hỉ của tổng thống Bush đã tuyên bố là sẽ ủng hộ Việt Nam vào WTO rồi ký được một số các hợp đồng mới mà tôi thấy rằng còn mở ra những lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là về cả quân sự. Ngay trong bản thông cáo chung Hoa Kỳ đã công khai đặt vị trí quốc tế của Việt Nam thông qua việc hai bên sẽ chia sẻ những lợi ích hòa bình khu vực thịnh vượng và an ninh tại khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương. Việt Hùng: Thế về phía mình tiến sĩ Âu Dương Thệ có ý kiến như thế nào ? TS Âu Dương Thệ: Vâng, ông Giang đã nói về nội dung của chuyến đi rồi, thì chúng tôi thấy thế này. Ngày đầu tiên gặp ban quản trị hàng không Boeing và gặp ông Bill Gate của tập đoàn Microsoft. Đây là hai nhà đại tư bản gộc của Mỹ. Thế rồi vào ngày cuối trước khi rời Mỹ thì đã gặp ban giám đốc đại học Harvard và MIT là hai đại học và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Mỹ. Điều này cho thấy là phái đoàn muốn tỏ rằng ta đang đi được với giới đại tư bản và trí thức chuyên viên thượng thặng của Mỹ. Kết quả chúng ta thấy nói chung là thừa nhận những quá khứ, khép lại những quá khứ. Nhưng đồng thời cũng thừa nhận phải giải quyết một số vấn đề tồn tại giữa hai nước mà trong đó khó khăn nhất là vấn đề vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền. Việt Hùng: Việt Nam nói rằng VN đã đạt được nhiều thành công trong chuyến đi này. Trong những thành quả đạt được, bài học nào cần rút ra cho Việt Nam ạ? TS Nguyễn Thanh Giang: Trong chuyến đi này có một cái rất hay tức là phía tổng thống Bush đã dang cánh tay ra để đón Việt Nam. Và trong sự tiếp đón tỏ ra thân mật, mềm mỏng để làm sao mở đường cho Việt Nam đi tới với Hoa Kỳ. Nhưng quá trình đó thì cũng gặp một số các cuộc biểu tình khá rầm rộ của kiều bào ta ở nước ngoài. Tôi thấy cái đó cũng là một điều hay. Có một số người trong phái đoàn đó tỏ thái độ khó chịu và thậm chí nặng nề với bà con mình đi biểu tình. Tôi thì cho đấy là một việc có thể chấp nhận được khi mà không thể ai cũng như ai. Có thể trước một vấn đề thì anh đánh giá thế này, tôi thì nhìn thế kia. Anh ủng hộ, tôi không ủng hộ. Và ít nhất tôi thấy rằng cái đó đưa ra một thực tế thấy rằng Việt Nam như vậy còn có những chế độ, những chính sách chưa đúng và mình phải làm sao chuyển đổi. Mình phải làm sao đưa ra những chính sách mới làm sao để hòa hợp hòa giải dân tộc tốt đẹp hơn. Từ đấy mình mới thu nạp được hơn 3 triệu đồng bào Việt Nam ở nước ngoài vào khối đại đoàn kết dân tộc. Việt Hùng: Từ bên ngoài thì TS Âu Dương Thệ, tiến sĩ có đồng ý với TS Nguyễn Thanh Giang không ? TS Âu Dương Thệ: Chúng tôi trên nguyên tắc đồng ý với những nhận xét rất là ôn tồn của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang về vấn đề này. Thành công vẫn là Hoa Kỳ đã ủng hộ Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới trên nguyên tắc. Chuyện thứ hai là tổng thống Bush đã nhận lời sang thăm Việt Nam vào cuối năm tới. Đấy là hai thành công ngắn hạn. Còn về trung hạn thì chúng tôi cũng xin chia xẻ với ông Giang qua đó Hoa Kỳ sẽ có thể đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tốt hơn cho Việt Nam để bảo vệ vấn đề an ninh ở Đông Nam Á. Còn điểm cuối cùng về vấn đề cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ thì chúng tôi coi đó là một sự không thành công của phái đoàn Phan Văn Khải. So với những lời mà trước khi họ sang Mỹ, với những điều mà họ đã thực hiện ở Mỹ trong những ngày vừa qua thì họ chưa thành công được vấn đề này, bởi vì họ chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa nói và làm. Qua tuyên bố của ông Vũ Khoan vừa rồi coi như một sự tức giận khi nói như vậy đối với kiều bào Việt Nam ở Mỹ. Việt Hùng: Một trong những điểm mà thủ tướng Khải luôn luôn nhắc đến đó là nâng sự hợp tác phát triển đến tầm mức cao hơn. Liệu rằng qua bản tuyên bố này có thực hiện được điều mà ông Khải đã nói hay không? TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi thì tôi tin rằng là tình hình thực tế của nhu cầu pháp triển của xã hội Việt Nam phải càng ngày càng thân thiết hơn với Hoa Kỳ. Và tôi cũng tin nữa ngoài chủ trương, Bộ chính trị cũng phải chuyển động. Tôi còn tin rằng là cá nhân ông Phan Văn Khải sau chuyến đi tiếp cận được với Hoa Kỳ, bản thân ông Khải cũng sẽ có chuyển biến rất lớn, rất là mạnh mẽ. Thực tế lâu nay các vị lãnh đạo của ta không có cái thực tế Hoa Kỳ, chỉ thông qua những kiến thức rất là cũ xưa, vẫn còn mang những thiên kiến là Mỹ là kẻ thù, là tư bản, là đế quốc đầu xõ nọ kia. Nhưng thực tế khi ông Khải thăm xong nhà trắng rồi đi đến các trường đại học, đi đến các sở kinh tế, gặp đủ các giới sinh viên học sinh, các nhà khoa học thì sẽ sáng mắt sáng lòng ra. Việt Hùng: Thưa TS Âu Dương Thệ, tiến sĩ nhìn bản tuyên bố chung... TS Âu Dương Thệ: Tôi thấy khi nói về vấn đề đó thì chúng ta nên phân tích hai lãnh vực. Thực tế đối với chế độ Hà Nội, và thứ hai là thực tế đối với những người dân chủ. Thứ nhất là một khi đã quyết định hòa giải với Mỹ, mời tổng thống Bush sang Việt Nam vào cuối năm tới thì Hà Nội đã chờ đợi những sự thúc đẩy nhất định của phía Hoa Kỳ trong kinh tế và an ninh. Nhưng đồng thời Hà Nội cũng phải chấp nhận một số khó khăn và nhượng bộ đối với phía Hoa Kỳ. Bây giờ chúng ta hãy thử mường tượng một khi mà tổng thống Mỹ, người đứng đầu một siêu cường và đại diện một xã hội dân chủ đa nguyên thăm một nước khác phải diễn ra trong những điều kiện như thế nào. Tổng thống Bush không thể qua Việt Nam dự cuộc họp cấp cao APEC, nếu những cuộc đàn áp tôn giáo và những người dân chủ tiếp tục trắng trợn và lộ liễu. Và sẽ là một thất bại lớn về ngoại giao cho Hà Nội nếu vào phút chót tổng thống Bush từ chối chuyến thăm Việt Nam vì vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Thành thử đây là mục tiêu ngoại giao hàng đầu của Hà Nội trong thời gian tới. Việc Việt Nam đã có thêm bạn với những nước dân chủ đa nguyên là một điều mừng. Bởi vì Việt Nam càng có thêm bạn với các nước dân chủ tức là càng có thêm liên hệ đa diện không chỉ trong kinh tế, thương mại mà cả trong chính trị, ngoại giao, khoa học giáo dục nữa. Đấy là những điều kiện tốt để những mầm mống dân chủ nảy ra. Sự cởi mở của các nước dân chủ đa nguyên nhất là Hoa Kỳ, đặc biệt là sự thăm Việt Nam của tổng thống Bush vào cuối năm tới sẽ thúc đẩy hơn nữa tiến trình vận động dân chủ Việt Nam. Những nhà dân chủ Việt Nam trong và ngoài nước cần biết khai thác thời cơ thuận lợi để đưa Việt Nam vào con đường dân chủ đa nguyên thực sự. Trong việc này chúng tôi thấy những người hoạt động dân chủ ở trong nước sẽ đóng vai trò rất tích cực. Đối với cộng đồng Việt Nam ở Mỹ trong Thông cáo chung, chúng tôi xin trích: „Tổng thống và Thủ tướng coi trọng nỗ lực của người Hoa Kỳ gốc Việt và người VN sinh sống ở Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng hoan nghênh những đóng góp của họ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và đề cập về những nỗ lực của chính phủ VN khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư và về thăm đất nước. Tổng thống hoan nghênh những nỗ lực đó và một lần nữa tuyên bố sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ đối với an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam". Trong đoạn này ghi nhận hai sự kiện quan trọng. Thứ nhất là phía chính quyền Hà Nội tuyên bố coi trọng vai trò của cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ. Chừng nào mà họ không giải quyết được một cách sòng phẳng và nghiêm túc vấn đề này thì khó có thể bình thường hoá quan hệ với Hoa kì. Vì cộng đồng VN ở Mỹ, đông nhất và đang có thế lực trong xã hội Hoa Kỳ. Thứ hai trong Thông báo chung cho thấy chính phủ Mĩ khuyến khích một sự hòa giải thật sự giữa chế độ Hà Nội với người Việt ở Mỹ. Nhưng đồng thời Mỹ cũng khuyến khích đóng góp tích cực của người Việt tại Mỹ vào quê hương cũ của họ để xây dựng Việt Nam. Nhưng chính phủ Mỹ chờ đợi ở các đoàn thể trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ đấu tranh phi bạo lực cho các mục tiêu tốt đẹp trên và không khuyến khích những biện pháp khủng bố và chia cách lại Việt Nam. Việt Hùng: Xin được đặt một câu hỏi cuối cùng với cả TS Nguyễn Thanh Giang là tiến sĩ cũng như TS Âu Dương Thệ vừa đề cập đến tổng thống Bush sẽ đến Việt Nam vào năm tới. Thì phía các nhà dân chủ và tiến trình dân chủ ở Việt Nam liệu rằng... TS Nguyễn Thanh Giang: Trước hết tôi nói rằng đến đại hội 10 sắp tới, tôi hy vọng rằng trong nội tình Việt Nam cũng đã có hai trào lưu. Một trào lưu tiến bộ, một trào lưu bảo thủ, trì trệ cực đoan. Dần dần người ta đang thấy rằng trào lưu bảo thủ, trì trệ, tả khuynh càng ngày càng lộ những khuyết điểm và những xấu xa và đẩy xã hội đến nguy cơ khủng hỏang sắp tới khi mà có tổng thống Bush sang thăm Việt Nam. Tôi nghĩ rằng sau chuyến đi này ông Khải phải tiếp thu được tình hình của nước Mỹ, tiếp thu được những ý kiến của tổng thống Bush. Tôi cũng lưu ý rằng trong bản thông cáo chung có một câu là "thủ tướng Việt Nam thông báo với tổng thống Mỹ về quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy mạnh cải cách không chỉ kinh tế xã hội mà cả luật pháp nữa". Tôi mong rằng là việc dân chủ nhân quyền phía Việt Nam bắt đầu bằng việc cải tổ luật pháp. Nếu mà có luật pháp công bằng thì nó sẽ không xảy ra những đàn áp những người dân chủ như chúng tôi. Rồi là vu oan giá họa cho đại tá Phạm Quế Dương, cho ông Trần Khuê, và cho Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, và Phạm Hồng Sơn những tội gián điệp. Rồi nó cũng vu oan giá họa cho những người lãnh tụ các tôn giáo những tôi mà họ không có. Và tôi cũng hy vọng rằng đến lúc mà tổng thống Bush sang Việt Nam, nhân dân Việt Nam, những người đảng viên Việt Nam cũng sẽ mở rộng ra đón tổng thống Bush, có khi còn mạnh mẽ hơn, hoan hỉ hơn hồi tổng thống Clinton sang thăm Việt Nam. Việt Hùng: Trước khi chấm dứt, TS Âu Dương Thệ có muốn nói thêm gì... TS Âu Dương Thệ: Nếu mà chúng ta theo dõi chính sách của Mỹ đối với Việt Nam mà cụ thể là đối với những người dân chủ ở trong nước thì chính sách này càng ngày càng rõ nét. Gần đây chính phủ Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở việc lên tiếng chống lại những đàn áp tôn giáo và nhân quyền VN mà họ còn đang đi xa hơn nữa bằng cách tiếp xúc trực tiếp với các đại diện tôn giáo độc lập như HT Huyền Quang, Quảng Độ của PGVNTN, hoặc là đại diện của PGHH. Và đặc biệt hơn nữa theo chúng tôi là các đại diện sứ quán Mỹ và phái đoàn ngoại giao Mỹ còn gặp trực tiếp các nhà dân chủ ở trong nước. Thí dụ như họ đã tới nhà gặp tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, giáo sư Trần Khuê và những người trẻ như anh Phương Nam chẳng hạn. Những cuộc tiếp xúc đó là những thông điệp công khai nhắn đến nhà cầm quyền VN là Mỹ nhìn nhận vai trò độc lập và đối trọng của các tôn giáo và của những người đối kháng dân chủ trong nước. Nó cũng còn là một thông điệp của Mỹ công nhận vai trò can đảm, tích cực và đấu tranh trong tinh thần bất bạo động của các tôn giáo và những nhà dân chủ Việt Nam. Đúng như là câu của tổng thống Bush: " Nếu các ông đứng lên đòi tự do dân chủ thì chúng tôi sẽ đứng bên cạnh các ông". Việt Hùng: Thay mặt quý thính giả của đài, xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cũng như tiến sĩ Âu Dương Thệ đã dành cho chúng tôi thời gian trong cuộc hội luận.
|