VỀ SỰ PHẢN TỈNH CỦA NHÀ THƠ TỐ HỮU


* Ông Nguyễn Thanh Giang trả lời phỏng vấn Đài RFA ngày 02 tháng 12 năm 2004 *

 

Giới thiệu: Thưa quí thính giả, hẳn quí vị còn nhớ, cách đây không lâu, giới văn nghệ sĩ tại Việt Nam có bàn tán nhiều tới tập tài liệu mang tựa đề:  ( Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Ðình Phùng ) của tác giả Nhật Hoa Khanh, tên thật là Nguyễn Huy Ðức, trong đó tác giả đã ghi lại những lời trần tình của ông Tố Hữu trước khi chết về cuộc đời sáng tác, về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm và những tình tiết có liên quan đến Ðại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau một thời gian im lặng, mới đây báo Công An Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính của Bộ Công An đã lên tiếng bác bỏ tài liệu này và cho rằng tác giả Nhật Hoa Khanh đã mượn danh ông Tố Hữu để truyền bá quan điểm riêng. Vậy dư luận trong nước ra sao về vụ việc này, từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nêu lên quan điểm của mình qua phần nói chuyện do Việt Hùng thực hiện, trước tiên ông cho biết:

 

Ts Nguyễn Thanh Giang: Gần đây có xuất hiện tập bài viết tường thuật lại buổi nói chuyện giữa ông Nhật Hoa Khanh, một Tiến sĩ văn chương, với nhà thơ Tố Hữu cách đây mấy năm, khi ông Tố Hữu còn sống.

Mới đọc qua, tôi hết sức ngạc nhiên, ngạc nhiên lắm, vì không thể ngờ có sự phản tỉnh triệt để, không ngờ có sự thay đổi quá lớn để có một con người hoàn toàn khác ông Tố Hữu khi ông ấy còn làm Trưởng Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương Đảng. Ðầu tiên tôi cũng như mọi người không tin và cho rằng đây là sự bịa đặt. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, ông Nhật Hoa Khanh không dám bịa đặt, vì nếu bịa đặt thì ông Hoa Khanh sẽ bị "tai vay vạ gió" ngay. Vả chăng nếu có sự thay đổi thật như thế thì tôi cho đó là điều đáng mừng.

Việt Hùng: Thế nào mà ông lại cho là chuyện đáng mừng?

Ts Nguyễn Thanh Giang: Xuất hiện một con người Tố Hữu khác, một con người biết sám hối để phục thiện thì đó là điều đáng hoan nghênh lắm chứ. Cũng như bất kỳ ai, tôi cho rằng có hai con người trong ông Tố Hữu : con người viên chức và con người trí thức. Khi ông ấy còn là Trung Ương Ủy viên, thì cái chất trí thức của ông ấy phải bị đè nén lại để còn phấn đấu vào Ban Bí Thư, vào Bộ Chính Trị. Thế nhưng sau khi hết chức vụ và càng về sau này thì cái chất trí thức của ông ấy lại nổi lên và thoi thuc ong ay phản tỉnh. Ðặc biệt là kể từ khi ông ấy không còn ở trong guồng máy, trong sự ôm ấp của đảng nữa thì ông ấy nếm cái mùi của những người dân thường, những người trí thức thường....., bị sự áp đặt, gòn bó, khống chế của đảng. Môt cái cách như thế trước đây ông ấy từng suy diễn cho văn nghệ sĩ thì nay ông ấy lại bị chính những người lãnh đạo đương chức đương quyền suy diễn cho ông ấy và ông Tố Hữu bừng tỉnh khi thấy những nỗi khổi của giới trí thức như thế nào. Tôi tin những lời sám hối đó là của ông Tố Hữu và tôi tin việc này tốt cả cho ông Tố Hữu và tốt cả cho đất nước này. Lịch sử rồi sẽ phán xét lại những vinh quanh của những người văn nghệ sĩ, trí thức chân chính, dũng cảm trong vụ án: "Nhân Văn Giai Phẩm".

Việt Hùng: Nói như Tiến sĩ, phải chăng chúng ta nên có một cái nhìn bao dung?

Ts Nguyễn Thanh Giang: Ðối với mọi người, chúng ta nên có sự bao dung, chỉ có bao dung thì chúng ta mới có thể thu phục được. Nhưng tất nhiên, chúng ta không nên mù quáng để bao dung mà không phân biệt được cái gì đúng, cái gì sai của quá khứ, cũng như hiện tại mầm mống của tương lai. Tôi chỉ nói rằng, việc ông ấy chỉ thị cho báo Văn nghệ làm thay đổi thì không có thật, nhưng trong lời của bà Vũ Thị Thanh ( vợ ông Tố Hữu ) thì đã có ý là sẽ xét đến lý lịch, xét đến hình thức kỷ luật nào đó đối với ông Nhật Hoa Khanh, còn kỷ luật đến mức nào thì tôi không biết và sở dĩ tôi nói ra ở đây, vì tôi nghe được từ những người đứng đắn, tin cậy được.

Việt Hùng: Tiến sĩ nghĩ thế nào về thời điểm mà ông Nhật Hoa Khanh cho công bố tập tài liệu nay ra?

Ts Nguyễn Thanh Giang: Theo ông Nhật Hoa Khanh kể lại, đã đưa nhiều lần cho các báo đăng nhưng đều không thành, sau đó có sửa đi sửa lại nhưng đều không được. Một thời gian dài ông ấy (Nhật Hoa Khanh) thấy thất vọng, không thể xử dụng được. Theo tô có lẽ yếu tố chính là ông Tố Hữu nói về ông Võ Nguyên Giáp để cho ông Nhật Hoa Khanh nhằm vào dịp nhân kỉ niệm 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Vấn đề không phải ông Tố Hữu chỉ phản tỉnh với Nhân Văn Giai Phẩm mà ông Tố Hữu còn phản tỉnh cả đối với ông Võ Nguyên Giáp vì trong dịp kỉ niệm 50 năm ngày chiến thắng Ðiện Biên Phủ uy tín của ông Võ Nguyên Giáp trở nên rất lớn.

Việt Hùng: Qua lời tâm sự của ông Tố Hữu nói về Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp, phải chăng đó là lời thanh minh cho Võ Ðại Tướng hay chỉ là lời thanh minh cho chính ông Tố Hữu?

Ts Nguyễn Thanh Giang: Tôi nghĩ có cả 2 yếu tố. Tôi nói, trong ông Tố Hữu có 2 con người, một ông Thánh, một con quỉ. Lúc mà ông Tố Hữu phải ngậm miệng lại để chiều ý phái của ông và của Lê Duẩn để có những hành động này khác .... với ông Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ ông Tố Hữu đành phải dẹp lại những gì về sự quí trọng ông Giáp đành phải dẹp lại. Nhưng nay ông Duẩn đã chết rồi và bản thân không còn gắn chặt với guồng máy nữa chính là cái " chuyên chính vô sản ", chính là cái kiểm duyệt báo chí mà lâu nay ông ấy đã sống với nó thì nay nó quay lại nó chọc vào mặt ông ấy làm cho ông ấy phản tỉnh, sám hối, vì vậy ông Tố Hữu mới có những hành động ấy.

Việt Hùng: Vậy cho đến nay Tiến sĩ ghi nhận phản ứng của giới trí thức và những người có liên hệ đến vụ án Nhân Văn Giai Phẩm như thế nào?

Ts Nguyễn Thanh Giang: Những chuyện như thế này, nói thật vì ở Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do trao đổi cho nên số người biết cũng hạn hẹp. Trong cái " hạn hẹp ", tôi cũng thấy có 2 luồng ý kiến: một luồng ý kiến thì cho rằng không có thật và muốn lên án ông Tố Hữu, một luồng ý kiến nh0 của tôi, nhưng hình như luồng ý kiến mà tôi đang phát biểu có vẻ nhiều hơn.

Việt Hùng:  Vâng xin cám ơn Tiến sĩ.