Bàn về dân chủ
Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định xây dựng nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam một thiết chế dân chủ xã hội chủ nghĩa triệu lần dân chủ hơn dân chủ tư sản. Nhưng, Phạm Hồng Sơn vào tù vì chỉ dịch và phổ biến tài liệu Thế nào là Dân chủ của Hoa Kỳ, Nguyễn Vũ Bình vào tù vì đệ đơn xin thành lập đảng Tự do - Dân chủ, Nguyễn Khắc Toàn vào tù chỉ vì giúp bà con đưa đơn thỉnh nguyện lên cấp trên, Lê Chí Quang vào tù vì dám sử dụng quyền tự do thông tin ở cửa hàng internet … Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội X của ĐCSVN quy định nội dung thiết chế dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam gồm:
Từ điển Triết học của Liên Xô do nhà xuất bản Tiến bộ tại Moskva phát hành năm 1975 thì quan niệm: “Dân chủ là một trong những hình thức chính quyền mà điều đặc trưng là việc tuyên bố chính thức nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số và thừa nhận quyền tự do và bình đẳng của công dân… Trên thực tế, bất cứ nền dân chủ nào với tính cách là một hình thức tổ chức chính trị của xã hội, xét đến cùng, đều do các quan hệ sản xuất trong một xã hội nhất định quyết định… Trong những hình thái giai cấp đối kháng, nền dân chủ chỉ tồn tại một cách thực tế đối với những đại diện của giai cấp thống trị”. Trong khi đó, tài liệu Thế nào là Dân chủ của Mỹ lại ghi nhận rằng hiện thực dân chủ “phụ thuộc vào sự quyết tâm cống hiến và sự khôn ngoan tập thể của chính bản thân người dân chứ không phải dựa trên bất kỳ quy luật nào của lịch sử và chắc chắn cũng không dựa trên lòng nhân từ được mong mỏi từ các nhà lãnh đạo độc đoán. “Khác với một số nhận thức, một xã hội dân chủ lành mạnh không chỉ đơn giản là một đấu trường cho các cá nhân theo đuổi các mục đích của cá nhân họ. Dân chủ chỉ được thực hiện khi dân chủ là mong muốn của các công dân có quyết tâm sử dụng quyền tự do mà họ vất vả mới giành được để tham gia vào đời sống của xã hội – góp tiếng nói của họ vào các tranh luận tập thể, bầu ra các vị dại diện có trách nhiệm đối với các hành động của họ và chấp nhận đòi hỏi sự dung hoà và thoả hiệp trong đời sống công cộng…” Thì ra, hoạt động dân chủ tuy đã được khởi nguyên từ Athens cổ đại nhưng cho đến nay những ý niệm về dân chủ vẫn còn khác biệt nhau nhiều lắm. Những khác biệt đó đã và sẽ còn tồn tại theo thời gian, giữa các xã hội khác nhau, với những ước muốn của các cá thể khác nhau. Cho nên tìm hiểu về dân chủ, phát biểu về dân chủ, bàn luận về dân chủ là chuyện không bao giờ dứt và không chỉ là nhiệm vụ của các học giả uyên thâm. 1. Những ý niệm về dân chủ1.1. Một cách thông thường và đơn giản, người ta thường hiểu dân chủ theo định nghĩa của J. J. Rudent: dân chủ là quyền lực của nhân dân. Định nghĩa này xuất phát từ các từ nguyên cổ Hy Lạp: Démos là nhân dân, Krátos là sức mạnh, là quyền lực. Định nghĩa này quá sơ giản và ngày càng trở nên khiếm khuyết so với yêu cầu của xã hội hiện đại. Trước hết vì nó chỉ tập chú dân chủ vào vấn đề quyền lực, quyền lực áp đảo, quyền lực khống chế, quyền lực cai trị, dù là quyền lực đó được gọi là của nhân dân. Vì từ nhân dân không đơn nghĩa nên rất dễ và đã từng bị lợi dụng quy cho một số đông, một tầng lớp, một thành phần xã hội nào đó… Dẫn chứng nghịch cảnh dễ thấy nhất khi ta được nghe tô vẽ rằng chuyên chính vô sản mang bản chất dân chủ tuyệt vời! Nhà tư tưỏng cổ đại Plato cũng từng định nghĩa “Dân chủ đến sau khi những người nghèo lật đổ những người giầu, tàn sát một số và giữ lại một số khác. Đó là chính quyền của người nghèo”. Quyền lực phải được quy định bởi ba yếu tố: quyền lực của ai, thuộc về ai, xuất phát từ ai?, quyền lực do ai kiểm soát? và quyền lực được sử dụng cho ai, vì ai? Do không được ràng buộc chặt chẽ bởi ba yếu tố trên, nền dân chủ ở Athens đã bị Plato phán xét, rằng đó là “Thế lực tự phát của thói hèn hạ vô chính phủ”. Plato và Aristotle thì phân biệt dân chủ có luật pháp và dân chủ không bị luật pháp hạn chế. Dân chủ không chỉ chứa đựng những nội hàm chính trị, mà còn xã hội nữa. Định nghĩa trên không bao hàm được những thành tố xã hội phi chính quyền như giữa người với người, giữa các thành viên trong gia đình (vợ chồng, cha con, ông cháu…), trong học đường (thầy, trò…), giữa các sắc dân, giữa các tín ngưỡng… Trong xã hội thông tin như ngày nay, dân chủ không chỉ nhằm điều tiết những quan hệ trên dưới, giữa cai trị và bị trị, không chỉ có quan hệ phụ thuộc mà còn có quan hệ hoà hợp, quan hệ dưới lên, quan hệ phổ biến toàn xã hội… Người quản lý cũng như người bị quản lý, người chủ cũng như người trực tiếp sản xuất… đều phải được thông tin để bảo đảm cho xã hội hoạt động bình thường và cho sản xuất phát triển. Ý niệm dân chủ này đã được quán triệt và thực hiện từ Công xã Pari với dân chủ trực tiếp, không phân quyền, chủ yếu sử dụng các biện pháp trấn áp. Công xã Pari về sau được xem là tiền đề của dân chủ vô sản và được các nước XHCN coi là một “hình thức nhà nước” mẫu mực. 1.2. Theo B. Kurashvili thì dân chủ là phương thức tổ chức những tác động qua lại về mặt xã hội sao cho giải thoát khỏi chuyên quyền. Đặc trưng phương thức tổ chức dân chủ của ông là sự bình đẳng của các bên, hoặc là ưu thế của những người bị quản lý so với những người quản lý. Ý niệm này gắn được dân chủ với bình đẳng theo hàm nghĩa rộng, gồm cả các quan hệ từ trên xuống dưới, quan hệ từ dưới lên trên, giữa quản lý với bị quản lý và quan hệ ngang. Mặc dầu vậy, ý niệm này vẫn chưa vươn tới được những quan hệ xã hội đời thường. Nó cũng chỉ chú ý được đến vấn đề bình đẳng mà chưa quán xuyến được lĩnh vực tự do. Ngày nay, ý niệm này còn tỏ ra khiếm khuyết ở chỗ không bao hàm được đời sống dân chủ trong xã hội thông tin. Trong xã hội thông tin, nhu cầu thông tin theo chiều ngang nhằm bảo dảm hiệu quả kinh tế nhiều khi còn bức xúc hơn cả những lý lẽ của dân chủ chính trị. Dân chủ về kinh tế trong xã hội thông tin nhằm đáp ứng vấn đề vai trò của người sản xuất ngày nay ngày càng phụ thuộc vào khối lượng thông tin mà họ nắm được. Trong sản xuất ngày nay, sự thông thạo chuyên môn còn phải bao gồm cả kinh nghiệm tiếp xúc cá nhân với quần chúng và khả năng đối thoại với dư luận xã hội… Tại các xí nghiệp Nhật Bản, có biểu hiện sự lắng nghe ý kiến của người sản xuất rất rõ và trả tiền cao cho những ý kiến hay. Đấy cũng là hệ quả của dân chủ. 1.3. Claude Polin định nghĩa: “Dân chủ là một từ ngữ để chỉ vừa là lý tưởng của việc nhân đân tự cai trị lấy mình và cũng là để chỉ những thể chế có thật hay là phải có để bảo đảm những điều trên”. Định nghĩa này đã phân biệt được giữa cái lý tưởng và cái thực tiễn, cái hiển nhiên và cái cần phấn đấu của dân chủ. Tuy nhiên ở đây vẫn chỉ bao hàm chủ yếu lĩnh vực chính trị. 1.4. Theo S. Alexiev, “Dân chủ ngày nay là một hình thái của tự do cá nhân, đồng thời là phương thức quản lý xã hội, và cũng là chỉ số phản ánh trình độ hoạt động xã hội của dư luận”. Trong quan điểm này, lần đầu tiên vấn đề cá nhân được đề cập cho nội hàm dân chủ. Có cá nhân đòi dân chủ thì mới có xã hội dân chủ. Có cá nhân dân chủ với bản thân mình thì xã hội mới buộc phải thực hiện dân chủ. Alexiev cũng rất quan tâm đến dư luận xã hội. Thái độ quần chúng và năng lượng tác động của họ vào đời sống chính trị xã hội thể hiện qua dư luận xã hội. Thông qua dư luận xã hội mà trạng thái dân chủ được bộc lộ ra một cách chân thực. 1.5. Theo tài liệu Thế nào là Dân chủ do bác sỹ Phạm Hồng Sơn lấy từ trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ và đã dịch ra tiếng Việt, thì các cột trụ cơ bản của một nền dân chủ gồm:
Trong đó:
1.6. Theo Hồ Chí Minh thì “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều vì dân, của dân. Đầu tiên là vì dân, rồi đến của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân, sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến chính quyền trung ương là do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã là do dân tổ chức nên. Như vậy là của dân, do dân, vì dân. Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Ý niệm dân chủ này đã bao hàm được nội dung cơ bản là nhà nước của dân, do dân, vì dân như tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã đề xuất từ năm 1776. Điều đặc biệt là Hồ Chí Minh đã đưa tiêu chí vì dân lên đầu, trong khi A. Lincol xếp ở cuối. Dẫu sao, ở đây còn thấy một thiếu sót cơ bản là chưa xác định được chính quyền này phải do cái gì, do cơ quan nào kiểm tra, kiểm soát? 2. Dân chủ với tự doDân chủ trở thành lý tưởng của nhân loại vì nó là một học thuyết nhân danh con người và phụng sự con người. Nó bảo đảm tính hợp lý, hợp quy luật, hợp lẽ phải (chân); hợp nhân tính (thiện); hợp với khát vọng về sự hài hoà và những tình cảm cao thượng của con người (mỹ). Những giá trị căn bản phổ biến được dân chủ bao gồm là: quyền tự do cá nhân, quyền bình đẳng về điều kiện hay bình đẳng về cơ hội phát triển cho mỗi cá nhân trong xã hội, sự thống nhất trong tính đa dạng (hoà đồng, hoà điệu, chấp nhận lẫn nhau, khoan dung và bảo tồn tính đặc thù) của các cá thể trong mỗi cộng đồng trong một quốc gia dân tộc, rộng hơn nữa là giữa các nền văn hoá, văn minh trên trái đất. Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 từng viết: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình dẳng về quyền lợi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích nguyên văn câu này vào Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam năm 1945. Người còn nhấn mạnh thêm: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx và Engels cũng đã viết: “Thay cho xã hội tư sản, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, xuất hiện một liên hợp, trong dó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Trong Chống Dühring, F. Engels còn khẳng định: “Xã hội không thể nào giải phóng cho mình được nếu không giải phóng cho mỗi cá nhân riêng biệt”. J. J. Rousseau đã nói đến tự do cá nhân trong Khế ước Xã hội: “Tự do là từ bản chất con người mà có. Luật đầu tiên của tự do là mỗi người phải được chăm lo cho sự tồn tại của mình. Những điều quan tâm đầu tiên là quan tâm đến bản thân. Ở tuổi lý trí, con người phải tự định đoạt các phương tiện sinh tồn của mình và do vậy, tự mình làm chủ lấy mình”, “Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người và cả nghĩa vụ làm người”. Trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại, trước sự hoang dã của thế giới tự nhiên, con người không thể tồn tại bên ngoài cộng đồng huyết tộc. Cái cá nhân hoà tan tuỵệt đối trong cái cộng đồng. Sức mạnh cá nhân nằm trong sức mạnh cộng đồng. Sức mạnh cộng đồng là tổ hợp đơn giản của sức mạnh các cá nhân. Trong cộng đồng thị tộc, mặc dù khái niệm nhân dân chưa xuất hiện nhưng họ là tất cả các thành viên cộng đồng sống tự do, bình đẳng, không ai tách khỏi cộng đồng đòi hỏi một quyền ưu tiên nào cả. L. Morgan, nhà nhân chủng học Mỹ thế kỷ XIX nhận xét: “Trong xã hội cộng đồng nguyên thuỷ toàn thể các thành viên trong xã hội thị tộc đều là những người tự do. Họ đều có quyền cá nhân như nhau, cả tù trưởng lẫn thủ lĩnh quân sự đều không đòi hỏi quyền ưu tiên nào cả. Họ kết thành một tập thể thân ái, gắn bó với nhau bởi quan hệ dòng máu. Tự do, bình đẳng, bác ái tuy chưa bao giờ được nêu thành công thức nhưng vẫn là nguyên tắc của thị tộc”. Theo thuyết Sáng thế, con người là hình ảnh của Thiên chúa, nên tự do cũng là món quà mà Thiên chúa ban cho con người, tự do tinh thần được coi trọng hơn tự do thân xác. Thậm chí, ngay cả khi con người bị biến thành nô lệ thì sự nô lệ thân xác vẫn không ngăn cản được ý chí tự do. Những năm 20 của thế kỷ XIX đã xuất hiện cách giải thích tự do theo ý chí luận, mà đại diện tiêu biểu là A. Schopenhauer. Ông cho rằng, ý chí là bản nguyên sống cố hữu của con người, ý chí sinh tồn hiện hữu khắp nơi và trở thành ý chí vũ trụ. Thế giới là ý chí biểu tượng của Tôi. Tôi cảm nhận thế giới qua lăng kính ý chí và biểu tượng của Tôi, bởi lẽ thế giới hiện ra không như nó vốn là như vậy, mà qua sự biểu tượng của Tôi. Ý chí của Tôi áp đặt cho thế giới đó một ý nghĩa chủ quan; ý chí tự do và sáng tạo dẫu sao cũng là mù quáng. A. Schopenhauer còn cho rằng tự do ý chí sẽ không còn ý nghĩa nếu khả năng của con người bị giới hạn theo những khuôn mẫu của lý trí. Chân lý duy nhất không dành chỗ cho sự tự do lựa chọn. Độc quyền, nhất nguyên, sự thiếu vắng tự do lựa chọn tự chúng đã mâu thuẫn với bản chất con người. J. P. Sartre thì đề cập đến sự tự do lựa chọn thái độ sống của mỗi cá nhân. Ông viết: “Con người là một dự phóng, sống bằng cuộc sống riêng của mình, thay vì là một đám rêu xanh mốc meo, hoặc một bắp cải ôi”. Thực ra, tự do cá nhân có chiều cạnh triết học của nó. Chiều cạnh triết học ấy được thể hiện trong việc giải quyết mối quan hệ giữa cái tự do mang tính bản năng với cái tất yếu mang tính xã hội. Triết học luôn cố gắng tìm tòi tính đặc thù của con người so với giới tự nhiên còn lại. Tính đặc thù ấy biểu hiện ở chỗ con người có ý thức, có ý chí tức là nó có tự do, nhưng mặt khác, con người cũng là một bộ phận của giới tự nhiên cho nên nó phải phục tùng những quy luật của giới tự nhiên, trong đó có quy luật nhân quả - quan hệ nhân quả với tư cách quan hệ phổ biến. Chính từ đó đã nẩy sinh một vấn đề quan trọng và nan giải đối với triết học, đó là vấn đề mối tương quan giữa tính chế định nhân quả của ý thức với tự do ý chí. Trong lịch sử triết học, vấn đề này còn được đặt ra và giải quyết như là vấn đề quan hệ giữa tất yếu và tự do ý chí của con người. Trong khi giải quyết mối quan hệ giữa tất yếu và tự do ý chí ở con người, việc nhấn mạnh hoặc tất yếu hoặc tự do đã đưa tới hai quan điểm đối lập: định mệnh luận và duy ý chí luận. Các nhà triết học theo quan điểm quyết định luận máy móc khẳng định sự tồn tại của tính chế định nhân quả và coi đó là định mệnh đối với mọi hành động, mọi hành vi của con người, kể cả lối ứng xử có ý chí ở họ. Hoạt động tự do, tích cực của con người là cái không thể có. Mọi hoạt động của con người đều là tất yếu. Không những lối ứng xử của một cá nhân riêng biệt, mà toàn bộ tiến trình phát triển của lịch sử đều được định trước. Con người chỉ là một sinh thể phục tùng một cách thụ động, mù quáng các quy luật của tự nhiên và của xã hội, ý chí của họ không thể để lại dấu ấn ở các sự kiện lịch sử. Duy ý chí luận giữ một lập trường đối lập hoàn toàn với định mệnh luận. Các nhà triết học theo quan điểm vô định luận cho rằng tự do là tuyệt đối và được thể hiện ra thông qua quyền tự do mong muốn, quyền tự do có động cơ ứng xử; rằng thông qua tự do ý chí, quyền tự do hành động của con người dường như sinh ra từ tự ý thức, từ sự quan sát hàng ngày về người khác và từ tự quan sát của con người. Khát vọng tự do là cơ sở bùng nổ sáng tạo trong cuộc sống, mà cuộc sống là sự thực hiện những khát vọng và bùng nổ sáng tạo ấy. Tuy nhiên, chính cuộc sống lại đặt ra các nhu cầu, những giới hạn, những tính quy định cho hoạt động con người mà thiếu chúng, con người sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, không thể kiểm soát được. Ở đây nẩy sinh mâu thuẫn, xung đột và đấu tranh giữa người với người, thúc đẩy sự giằng co giữa cái xã hội và cái phi xã hội trong con người Tư tưởng dân chủ phân biệt rõ ràng giữa tự do của cá nhân (con người xã hội) và tự do bản năng hay thú tính. Tự do mang tính người phải là tự do nhuốm mầu sắc lý tính. Theo Kant, nó phải tồn tại trước hết dưới dạng tự do ý chí, tức là quyền của cá nhân được khẳng định ý chí của minh. Quyền đó chỉ bị hạn chế bởi quyền tự do tương tự của những người khác, vì những người khác cũng có quyền năng như vậy. Hegel cho rằng tự do ý chí của cá thể không thể thoát ly khỏi tiến trình chung của sự phát triển xã hội. Trong Những bài giảng về triết học của lịch sử, Hegel đã quan niệm tiến trình này là quá trình lột xác và khai nở của ý niệm tự do qua các giai đoạn: 1. thời kỳ mông muội: không một ai tự do, 2. thời kỳ xuất hiện xã hội có nhà nước (nô lệ và phong kiến): một người (phương Đông), hoặc một nhóm người (phương Tây) tự do, 3. thời kỳ hiện đại (xã hội tư sản của Châu Âu thuở ấy): một số cộng đồng văn minh tự do, 4. tương lai: toàn thể nhân loại sẽ đi đến trạng thái tự do hoàn toàn, khi sự chuyển hoá và thâm nhập vào nhau tới độ đồng nhất giữa tự do ý chí và tất yếu của xã hội, được hoàn tất trong ý niệm tuyệt đối. Giới hạn của tự do hành động bởi cả bản tính tự nhiên của con người lẫn của thế giới, tạo nên một không gian sinh tồn mang tính xã hội cho con người, hay không gian của tự do. Tự do chân chính chỉ có ý nghĩa với điều kiện là mỗi người thừa nhận những giới hạn của không gian này, cũng như tính tương hỗ hay chế ước nhau của quyền lợi và nghĩa vụ. Marx và Engels đồng ý với quan niệm của Hegel: tự do là sự nhận thức được tất yếu. Tất yếu nẩy sinh từ bản chất bên trong của các sự vật, hiện tượng và nói lên tính quy luật, trật tự, kết cấu của chúng. Tất yếu tồn tại trong tự nhiên và xã hội dưới hình thức các quy luât khách quan. Tuy nhiên, Marx và Engels đã đi xa hơn khi cho rằng tự do không chỉ là nhận thức được tính tất yếu mà còn là hành động dựa trên sự nhận thức đó, nghĩa là vận dụng nó vào hoạt động thực tiễn của con người. Trong Chống Dühring, Engels viết: “Tự do không phải là ở sự độc lập tưởng tượng đối với các quy luật tự nhiên mà là ở sự nhận thức được những quy luật dó và cái khả năng - có được nhờ sự nhận thức này - buộc những quy luật đó tác động một cách có kế hoạch nhằm những mục đích nhất định”, “Tự do là ở sự chi phối được chính bản thân và tự nhiên bên ngoài, một sự chi phối dựa trên sự nhận thức được những tất yếu của tự nhiên”. Marx và Engels cho rằng sự hoàn thiện nhất của lịch sử là ở chỗ con người được giải phóng khỏi thân phận nô lệ, trở thành người tự do, được phát triển tự do mọi khả năng lao động sáng tạo của mình, kết hợp được một cách hài hoà sự phát triển tự do của mỗi cá nhân với sự phát triển tự do của cả cộng đồng. Tự do mà chúng ta hướng tới và đang đạt tới là sự tự do của những cá nhân. Không tồn tại một tự do nào khác ngoài tự do của con người. Nhưng nếu các cá nhân muốn nhận được toàn bộ hay thậm chí là một phần tự do có thể là tự do của họ thì cần phải hiểu là tự do của mỗi cá nhân phụ thuộc vào những gì tất cả mọi cá nhân cùng nhau hợp nhất thành xã hội đã làm được và sẽ làm được. Nó phụ thuộc vào khả năng hoạt động và sự lựa chọn hoạt động mà cá nhân sử dụng. Đến lượt mình, các khả năng và sự lựa chọn có ở mỗi cá nhân lại phụ thuộc vào các phương tiện nào để hoạt động và để đáp ứng nguyện vọng được tạo ra trong xã hội mà cá nhân thuộc về, cũng như phụ thuộc vào việc các thành viên khác của xã hội có cho phép hay không cho phép cá nhân đó làm. Động viên tinh thần của nền dân chủ, bổ sung nó về mặt đạo đức, dựa vào trách nhiệm của cá nhân và sự tôn trọng của mỗi người đối với quyền và lợi ích của người khác - đó là những điều kiện cần thiết để làm lành mạnh hoá xã hội, sử dụng một cách văn minh các quyền và tự do. Engels đã chỉ ra mối quan hệ không tách rời giữa tự do và trách nhiệm: “Con người chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình, nếu khi thực hiện nó con người có tự do ý chí một cách đầy đủ”. Quan niệm cận hiện đại về tự do luôn gắn kết với sự hình thành và khẳng định tư tưởng về con người cá nhân, về xã hội công dân và nhà nước pháp quyền. Tổng thống Pháp F. Mitterrand nói: “Không có thứ dân chủ không cần đến nhà nước… Nhà nước cấp tiền để thực hiện những quyết định dân chủ dưới dạng các bộ luật hoặc các văn bản dưới luật; nó bảo đảm việc duy trì pháp luật - nỗ lực phải có để thực hiện dân chủ, nó bảo vệ và bảo đảm sức sống của các quyền tự do của nhân dân”. Montesquieu từng nói: “Tự do là quyền làm cái mà luật pháp cho phép. Gíá như công dân có thể làm cái mà luật pháp này ngăn cấm thì hẳn là họ sẽ mất tự do vì những công dân khác cũng có thể làm được điều giống hệt như thế”. Trước đó J. Locke cũng đã phát biểu: “Mặc dù những lời lý giải có thể giả dối đến đâu, mục đích của luật vẫn là không thủ tiêu và hạn chế mà là bảo toàn và mở rộng tự do…. nơi nào không có luật, nơi đó cũng không có tự do”. Tuy nhiên, môi trường để cho cá nhân công dân thực hiện được đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ pháp luật với nhà nước là dân chủ. Nhà nước dân chủ pháp trị coi nhiệm vụ của mình, sứ mạng của mình là bảo đảm tất cả các quyền tự do cho mỗi công dân cụ thể; không cho phép mình phục tùng bất cứ chuẩn mực nào đứng trên hiến pháp, dù là nhà vua hay đảng. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản từng dõng dạc tuyên bố: “Giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”. Chẳng nhẽ dân chủ là sự thống trị của giai cấp vô sản?! Tiếc thay, tư tưởng của Tuyên ngôn này cũng đã được thể hiện rõ ràng trong giải thích của Từ điển Triết học Liên Xô: “… nền dân chủ chỉ tồn tại một cách thực tế đối với những đại diện của giai cấp thống trị”. Thực ra, trong học thuyết dân chủ, vấn đề chính trị quan trọng không phải là vấn đề ai cầm quyền, mà là cách thức giám sát việc sử dụng nó. Vì không nhà cầm quyền nào không thể bị quyền lực mê hoặc nên vấn đề chính trị cơ bản không phải là ở chỗ giao quyền lực cho ai, mà thực ra là ở cách thức giám sát hữu hiệu nhất đối với quyền lực thông qua các thiết chế chính trị. Ưu việt vì dân nhất của chế độ dân chủ là ở chỗ nó bảo đảm khả năng thiết lập sự giám sát đối với hoạt động của những người cầm quyền hay là của những cá nhân có chức quyền. Nó cũng đồng thời cho phép, trong trường hợp cần thiết, phế truất những người cầm quyền mà không sử dụng bạo lực. Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 đã công bố rõ ràng: “Khi một hình thức chính phủ nào đó trở nên đối nghịch với các mục đích trên (bảo đảm quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân) thì nhân dân có quyền thay đổi hay phế bỏ chính phủ đó, và thiết lập một chính phủ mới, dựa trên nền tảng những nguyên tắc như vậy và tổ chức các quyền lực của mình theo hình thức nào để cho các quyền lực đó có khả năng bảo đảm an ninh và hạnh phúc cho họ nhiều nhất”. Nhà xã hội học Đức hiện đại K. Popper phát biểu như sau: “Tôi hiểu dân chủ không là một cái gì đó không xác định, giống như ‘quyền lực của nhân dân’ hay là ‘quyền lực của đa số’, mà là một hệ thống các thiết chế (trong số đó đặc biệt là các cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu, tức là quyền của nhân dân bãi miễn chính phủ của mình), hệ thống cho phép thực hiện sự giám sát xã hội đối với những người cầm quyền và bãi miễn họ theo ý muốn của những người không cầm quyền, cho phép những người này đạt tới những cải cách vượt khỏi tầm của nhà cầm quyền mà không cần sử dụng bạo lực”. Tự do, nếu không bị hạn chế, sẽ tự thủ tiêu bản thân mình. Quyền lực nhà nước cần thiết và có chức năng giám sát tự do, nhưng dân chủ càng cần thiết hơn để giám sát quyền lực nhằm bảo vệ các quyền tự do thiêng liêng chân chính của con người. 3. Dân chủ với bình đẳngCon người không chỉ có khát vọng tự do mà còn đòi hỏi phải được bình quyền, bình đẳng trong xã hội. Bình đẳng là cái gốc tạo sự công bằng. Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của Hoa Kỳ ra đời năm 1776 đã mở đầu bằng sự khẳng định một trong những điều thiêng liêng nhất: “Chúng tôi coi những chân lý sau đây là hiển nhiên: tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng…”. Bình đẳng là một trong những khả năng bẩm sinh của con người. Nó đòi hỏi không được có sự hành xử phân biệt giữa các vị thế xã hội, giữa tuổi tác, màu da, giới tính hay quốc tịch… Nó bao gồm các quyền bình đẳng trong các quan hệ dân sự, thương mại, quan hệ tố tụng, quan hệ giữa người dân với chính quyền… Kant coi tự do và bình đẳng như là quyền độc nhất, có từ xưa, không bị bất cứ hạn chế nào do điều kiện sống cụ thể. Tự do và bình đẳng liên kết bền chặt hình thành nên phẩm chất con người và cá tính con người. Tuy nhiên khát vọng tự do, bình đẳng cùng với những yêu cầu điều tiết những mâu thuẫn nẩy sinh giữa các phạm trù này đòi hỏi hình thành quyền lực trong xã hội. Từ đấy nhà nước ra đời. Khi nhà nước xuất hiện, con người, một mặt với tư cách là toàn thể có thêm quyền lực mới: quyền lực chính trị; mặt khác, với tư cách là những người bị trị, bị tước bớt quyền. Quyền lực của họ bị cắt xén, bị thâu tóm, tập trung trong tay nhà nước. Nguồn gốc của quyền lực nhà nước là quyền lực nhân dân, nhưng bệnh quan liêu vốn dĩ của nhà nước luôn có xu hướng tách nhà nước ra khỏi nhân dân, đặc biệt khi bộ máy nhà nước được thiết kế và xây dựng không hợp lý, không có cơ chế kiểm soát. Quyền lực nhà nước tồn tại như một tất yếu nhằm duy trì trật tự xã hội. Nhưng theo Marx, đã có hai loại trật tự: “trật tự xã hội cần thiết” và “trật tự thặng dư”. “Trật tự thặng dư” là thứ trật tự phụ trội được áp dụng không phải vì quyền lợi cũa xã hội mà chủ yếu dành riêng cho quyền lợi của những người cầm quyền: nhà nước, đảng… “Trật tự thặng dư” là đối lập với trật tự đem lại lợi ích và cần thiết cho xã hội. Những nhà nước thiết lập nên và lạm dụng “trật tự thặng dư” để đè nặng ách thống trị lên đầu người dân đau khổ đều từ bỏ cái mà Khổng tử gọi là “thừa thiên mệnh”. Lịch sử từng chứng kiến nghịch lý trớ trêu. Cộng đồng xã hội lập ra nhà nước. Nhưng nhà nước vốn để phục dịch xã hội, chẳng bao lâu trở thành ông chủ đối với xã hội, đứng trên xã hội, thống trị trở lại xã hội. Họ được quyền đặc miễn. Từ đó mà nẩy ra chế độ chuyên quyền độc đoán. Áp bức tràn lan, bất công khống chế xã hội. Tình hình đó làm các nhà tư tưởng tiến bộ nghĩ đến phải có một khế ước xã hội. Con người trong xã hội phải có trách nhiệm lẫn nhau, giữa người cai trị và người bị trị. Cho nên từ khi nhà nước xuất hiện thì quyền dân chủ thực chất là phải bao gồm những yêu sách về sự bình đẳng chính trị và xã hội của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với nhà nước, nhằm bảo đảm cho cá nhân có được khả năng hành động theo ý mình, tự quyết định và làm chủ ý chí của mình mà không làm hại đến người khác, và do đó đem lại khả năng giải phóng toàn diện những năng lực bản chất người của mỗi cá nhân. Engels khẳng định: “Từ sự bình đẳng của mọi người với tư cách là con người, rút ra cái quyền có một giá trị ngang nhau về chính trị và xã hội cho tất cả mọi người, hay ít ra là cho mọi công dân trong một nước, hay cho mọi thành viên trong một xã hội”. Muốn có một xã hội dân chủ phải có một hệ thống chính trị dân chủ. Môi trường để cho cá nhân công dân thực hiện được đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ với nhà nước là dân chủ. Dân chủ đóng vai trò như là điều kiện tiên quyết, là phương tiện để xây dựng một thiết chế xã hội tiến bộ - một thiết chế xã hội bảo đảm và hiện thực hoá các quyền tự do và bình đẳng của con người. David Bentham đã chỉ ra rằng: “Dân chủ là một phương tiện để thực hiện lợi ích chung, bởi vì nó cho phép nhân dân xác định được lợi ích chung đó là gì cũng như kiểm soát quá trình mà ở đó nó được thực hiện một cách có hiệu quả trong thực tiễn”. Hệ thống chính trị dân chủ chỉ có thể tồn tại trong một nhà nước dân chủ pháp trị, với những đặc điểm cơ bản sau:
Trong nhà nước pháp trị dân chủ, mọi chủ thể, kể cả nhà nước, đều tuân thủ nghiêm chỉnh, chịu phục tùng pháp luật - một hệ thống pháp luật có tính pháp lý cao, phù hợp với lý trí, thể hiện đầy đủ những giá trị cao cả nhất của xã hội, của con người. Mọi tổ chức và hoạt động đều trên cở sở nguyên tắc bình đẳng trong các mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Trái với những tư tưởng trên, trên cơ sở cho rằng chế độ dân chủ chỉ là một hình thức, một chế độ nhà nước, Marx cho rằng không có một chế dộ dân chủ nói chung mà chỉ có chế độ dân chủ có tính giai cấp. Lenin cũng quả quyết: trong xã hội có giai cấp, nhà nước phải “là một nhà nước dân chủ kiểu mới (dân chủ đối với những người vô sản và nói chung đối với những người không có của), và chuyên chính kiểu mới (chống giai cấp tư sản)”. Trong cái nhà nước dân chủ kiểu mới của Lenin phải tồn tại một bộ máy chuyên chính khổng lồ để chống lại, để tàn sát giai cấp tư sản và tất cả những ai có tư tưởng tư sản hay liên quan đến tư sản. Tíếc thay, ông cử nhân luật Lenin khi làm chính trị lại phỉ báng pháp luật đến mức ngang nhiên tuyên bố: “Đối với bọn địa chủ, tư sản, chúng ta phải bắn ngay tại chỗ, không cần xét xử”. Ở Việt Nam, ông Trần Phú cũng hô hào: “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” Thế là, 61.911.000 ngàn người đã bị giết trong các trại tù Gulag dưới thời Liên bang Xô Viết. Thế là, ở Việt Nam, đã có khoảng 9 vạn người (trong đó có 2 vạn đảng viên cộng sản) bị giết và 9 vạn người khác (trong đó có nhiều đảng viên cộng sản) vì bị vu oan mà uất ức hoặc sợ hãi quá phải tự tử trong cải cách ruộng đất. Cả Marx và Lenin đều cho rằng tự do của một giai cấp là sự mất tự do của giai cấp đối lập. Giữa các giai cấp đối lập không có sự bình đẳng, bình đẳng chỉ có thể tồn tại trong nội bộ một giai cấp. Marx-Lenin không thừa nhận quyền bình đẳng giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, giữa nhà nước và nhân dân. Chính vì thế mà cả hệ thống giáo dục trường học lẫn báo chí, loa đài ra rả dạy trẻ già lớn bé, mở miệng ra là phải biết tụng niệm đời đời ơn Đảng, ơn Bác mà không bao giờ có ai nói điều chân lý rằng Đảng phải thực lòng nhớ ơn nhân dân đã sinh ra, nuôi lớn lên và tạo mọi điều kiện cho Đảng tồn tại và lập công. Chính vì vậy mà Đảng không còn đủ tự trọng khi cứ ngoan cố áp đặt mãi vị trí độc tôn của mình qua Điều 4 của Hiến pháp. Chính vì vậy mà Đảng ngang nhiên nẫng cả phần trên của trời đất. Mặc dù trong tất cả các ngày kỷ niệm lớn, ngày sinh nhật Đảng, loa đài đã xối xả inh tai nhức óc hàng trăm, hàng ngàn bản tụng ca công tích của Đảng, thế mà, mỗi độ xuân về, cờ phướn vẫn cứ phải giăng giăng “Mừng Đảng, mừng xuân”… rồi mới đến “mừng đất nước”! Chính vì thế mà, mặc dù nhân dân mang nặng đẻ đau ra quân đội, vắt từng giọt sữa gầy để nuôi quân đội nhưng phải chăng, khi cần, quân đội cũng có thể là phải hy sinh tất cả đi (như quân đôi Trung Quốc tại chiến trường Thiên An Môn từng cho xe tăng dày xéo lên xác muôn dân) để chỉ cần “Trung với Đảng”! Lịch sử tư tưởng chính trị pháp lý đúng đắn chính là lịch sử đấu tranh giữa các quan niệm tiến bộ với các quan niệm bảo thủ lạc hậu trong việc xác dịnh mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân. Lịch sử đấu tranh dể nhận thức ngày càng đúng đắn bản chất mối quan hệ pháp lý đó chính là lịch sử khám phá từng bước giá trị của cá nhân con người trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước. P. Frank - nhà hiến pháp học nổi tiếng Hoa Kỳ đã viết: “Nhà nước không được áp đặt thêm các điều bất công cho xã hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà nước cần phải đối xử công bằng và bình đẳng với tất cả những người dân của nó”. Nhà nước tất nhiên phải có quyền lực để duy trì trật tự xã hội và xử phạt các tội phạm nhưng các nguyên tắc và thủ tục để nhà nước thực thi pháp luật bắt buộc phải được công khai, rõ ràng, không giấu giếm, không tuỳ tiện, không được sử dụng vào mục đích chính trị của nhà nước. K. Popper cho rằng: “Bản thân tính bình đẳng là yêu cầu nhà nước phải nhìn nhận mọi công dân một cách vô tư. Thực chất của yêu cầu đó là làm thế nào để cho những điểm trội liên quan đến nguồn gốc, dòng dõi, sự hiện diện các mối quan hệ hay sự giầu có, không chi phối những người đang thực hành pháp luật vì lợi ích của công dân”. Ông xác định: “Con người không bình đẳng nhưng chúng ta có thể đi theo con đường đấu tranh vì các quyền bình đẳng”. Mục đích của dân chủ là tạo môi trường xã hội để mọi người được đối xử như nhau. Để phản bác lại một số nhà quý tộc trước đây và Karl Marx sau này, cho rằng có một tầng lớp, một số cá nhân nào đó ưu việt hơn, được xem là quan trọng hơn, nhà hiến pháp học Bentham đã khẳng định “Mỗi người chỉ được tính là một và không ai được tính hơn một”. Nguyên tắc bình đẳng này không chỉ nói lên rằng các chính sách chung phải nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người một cách như nhau mà còn cho thấy những quan diểm cá nhân cũng phải được tôn trọng như nhau, không phân biệt giữa người này, kẻ khác. Nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số bị lạm dụng làm cho người ta hiểu rằng quyền lực của đa số là tuyệt đối. Dân chủ thực sự là quyền lợi thuộc về nhân dân có nghĩa rằng quyền lực này được thực thi bởi toàn thể dân chúng chứ không phải chỉ bởi một tập thể dân chúng bằng cách áp đặt ý muốn của họ lên một tập thể dân chúng khác. Nói cách khác, đặc trưng căn bản của dân chủ là công nhận cho mọi người được quyền bình đẳng tham gia vào quyết định chung, trong đó nguyên tắc đa số chỉ là một phương cách để giải quyết những bất đồng sau khi đã tận dụng mọi thủ tục: tranh luận, bổ sung ý kiến và thỏa hiệp, mà không đạt kết quả. Phải như vậy dân chủ mới bảo đảm cho mọi người đều được tham gia một cách tự do, bình đẳng và đầy đủ vào các công việc của nhà nước cũng như toàn bộ đời sống xã hội. Dân chủ bảo hộ cho cả hai mặt đối lập: thiểu số lẫn đa số. Sự phát triển biện chứng của dân chủ làm cho nó như một hợp đề của chính đề đa số và phản đề thiểu số. Trong giai đoạn lịch sử mới phôi thai của mình dân chủ chỉ chấp nhận quyền của đa số, nhưng sau quá trình tiến hoá nó chấp nhận cả quyền của thiểu số. Từ khả năng hiện đại hoá, dân chủ chẳng những chấp nhận sự khác biệt mà còn lấy sự khác biệt làm nền tảng, đấu tranh cho sự tồn tại của tính khác biệt. Mọi sự khác biệt đều có quyền tồn tại và do vậy mà chúng bình đẳng. Dân chủ như môi trường nuôi dưỡng và bảo tồn các bộ phận thiểu số trong xã hội, là sự khoan dung và chấp nhận lẫn nhau giữa chủ quyền của thiểu số và đa số. Dân chủ thực sự gắn liền với bình đẳng vì nguyên tắc dân chủ bảo đảm việc thực hiện các biện pháp nhằm thiết lập sự giám sát đối với những người cầm quyền từ phía những người bị cai trị. Những người bị cai trị phải có các quyền bình đẳng trong quá trình tham gia vào sự giám sát đó. Không một giai cấp nào, một cá nhân nào bị loại trừ khỏi sự tham gia quá trình thiết lập giám sát chính quyền dân chủ. Nguyên tắc dân chủ tạo quyền giám sát, từ đấy bảo đảm cho người dân không chỉ có thể chỉ trích, phê phán mà còn đòi hỏi phế truất chính phủ. Từ năm 1776, Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ đã công khai thừa nhận quyền này: “Khi nào một loạt những hành động lộng hành và lạm quyền, luôn theo đuổi một mục đích và để lộ ý đồ bắt mọi người phải tuân theo chế độ chuyên chế, thì mọi người có quyền và có bổn phận lật đổ chế độ ấy, bổ nhiệm những người mới để bảo vệ an ninh sau này của họ”. Để bảo đảm mọi thành viên xã hội được thụ hưởng các quyền tự nhiên: quyền được sống, quyền mưu sinh, quyền mưu cầu hạnh phúc - con người còn cần được bình đẳng về điều kiện. Bình đẳng về điều kiện là một đòi hỏi tất yếu của đời sống xã hội. Nó được hiểu là mỗi người đều có cơ hội như nhau về mặt pháp lý để phát triển khả năng của mình. Bình đẳng về điều kiện không thủ tiêu sự khác biệt giữa các cá thể hay giữa các cộng đồng dân tộc mà là nền tảng cho sự nẩy nở tính khác biệt. Nó chỉ ra rằng con người muốn dược tự do thì phải chấp nhận tự do của kẻ khác; đồng thời xác nhận rằng, mỗi nhân cách là một sự độc đáo, không lặp lại, và do đó là duy nhất. Vì vậy, họ bình đẳng với nhau. Nhà sử học Anh Toynbee trong cuốn Khả biến và bất biến của mình đã nêu nhận xét: “Chủ nghĩa cộng sản sai lầm không phải ở chỗ đòi hỏi công bằng mà ở chỗ vì công bằng mà hy sinh tự do… Chủ nghĩa cá nhân sai lầm không phải ở chỗ đòi cho được quyền bất khả xâm phạm của cá nhân con người mà ở chỗ vì nó mà hy sinh công bằng xã hội”. Đề cập đến nội hàm của phạm trù bình đẳng về điều kiện, Kant cho rằng: bình đẳng không có nghĩa là bình đẳng về tài năng mà là bình đẳng về cơ hội để phát triển và áp dụng tài năng. Ở Việt Nam, sau một quá trình cực tả, suy tôn người nghèo, vinh danh cái nghèo, chợt bừng tỉnh, người ta nhảy sang cực hữu, thúc giục nhau hô toáng lên: “Đảng viên cũng phải biết làm giầu”. Nghe cái cụm trợ động từ “cũng phải” thấy tội tội làm sao. Nhưng, trong thực tế, nói chung, người ta đã tạo điều kiện ưu tiên cho đảng viên làm giầu nhanh chóng hơn, do đó nhiều tư bản đỏ thật kếch xù là đảng viên Cộng sản Việt Nam có chức có quyền đã xuất hiện và góp phần gây ô nhiễm xã hội. Lẽ ra, Đảng nếu có tinh thần dân chủ, chỉ cần tạo điều kiện bình đẳng cho mọi người được sống, được mưu sinh, được mưu cầu hạnh phúc. Ai muốn làm giầu tiền bạc (trở thành chủ doanh nghiệp lớn…), ai muốn làm giầu trí tuệ (trở thành nhà khoa hoc lỗi lạc, nghệ sỹ tài danh…), ai muốn làm giầu tâm linh (trở thành thầy tu…), theo khả năng, đều dược tạo điều kiện ngang nhau để trở thành “giầu có” trong lĩnh vực sở trường, sở thích của mình. Khuyến khích làm giàu như khẩu lệnh trên kích thích người ta xông tới chèn ép nhau hình thành một xã hôi tư bản hoang dã với đầy dẫy những tệ nạn xấu xa như hiện tình Viêt Nam ngày nay. Bình đẳng về điều kiện giúp cho tinh thần cộng đồng có đường hướng, cho pháp luật có khung hợp lý, cho những người cai trị có chuẩn tắc mới và cho những người bị trị có thói quen đặc biệt. Bình đẳng về điều kiện là yếu tố không thể thiếu của nền dân chủ. Chế độ dân chủ khác hẳn với chuyên chế ở chỗ, nó luôn thích nghi và có năng lực tự điều chỉnh cao. Khả năng tự hoàn thiện và tiến bộ không ngừng của nền dân chủ chính là nhờ sự thống nhất trong tính đa dạng và sử dụng tính đa dạng ấy như một phương tiện để phát triển. 4. Dân chủ, phát triển, ổn địnhDân chủ và phát triển liên quan với nhau ra sao ? Dân chủ có dẫn đến mất ổn định không ? Phần này bàn luận về các vấn dề đó. Trước khi xem xét mối quan hệ giữa dân chủ và phát triển tưởng cũng cần làm sáng tỏ quan niệm thế nào là phát triển. Thử trích ra đây một vài đoạn ngắn nói đến phát triển trong Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng CSVN”: “Con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở nước ta là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…”, “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo…”, “Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa ba nhiệm vụ: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội”. Bản báo cáo tỏ ra rất tự hào khi nói đến “Tốc đô tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước, bình quân trong 5 năm 2001 - 2005 đạt mức kế hoạch 7,5%”, và phấn đấu “Đến năm 2010 tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng gấp hai lần so với năm 2000, mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5% - 8%/năm và phấn đấu đạt 8%/năm”. Thế nhưng, tăng trưởng kinh tế có đồng nghĩa với phát triển kinh tế không? Nền kinh tế phát triển có bảo đảm hoàn toàn định giá được cho sự phát triển của đất nước không? Khi bàn đến phát triển, ông Nguyễn Gia Kiểng, trong tác phẩm Tổ quốc ăn năn của mình đã tỏ ra tâm đắc với nhận định của nhà nghiên cứu nào đó cho rằng phát triển không phải là một vấn đề kinh tế mà là một vấn đề văn hoá xã hội. Ông viết: “Phát triển rất dễ mà lại rất khó. Rất dễ vì không đòi hỏi một lý thuyết phức tạp hay một kế hoạch cao siêu nào cả. Rất khó vì nó đòi hỏi một tâm lý và một văn hoá mới. Mà thay đổi tâm lý và văn hoá là điều khó nhất”. Ông đặt nhẹ các yếu tố tư bản và nguyên liệu mà chỉ liệt kê những yếu tố vô hình mà ông cho là cần thiết cho phát triển như sau:
Ai đó lại cũng đã từng cho rằng: “Phát triển đã nẩy sinh tại một số quốc gia khi, do một sự tình cờ của hoàn cảnh lịch sử, bộ máy chính quyền trở thành vắng mặt, quần chúng được một không gian tự do hơn hẳn và vì thế đã tổ chức một cuộc sống cộng đồng trên căn bản đồng thuận và tương kính. Hoặc vì không muốn hoặc vì không được phép, họ đã không tìm kiếm uy quyền để khống chế lẫn nhau mà chỉ thi đua nhau làm giầu trong một luật chơi công bằng”. Quy phát triển kinh tế là cốt lõi của phát triển hay phát triển chỉ là một vấn đề văn hoá xã hội, phải chăng chỉ là những thái cực khác nhau khi xem xét vấn dề phát triển của xã hội ? Tôi ghi nhận một diễn giải bằng hình tượng ngắn gọn và đơn giản của thạc sỹ-bác sỹ Phạm Hồng Sơn như sau: “Chúng tôi thiển nghĩ, một đất nước phát triển, phải là một đất nước phát triển cả về kinh tế và tư tưởng, cũng như một con người không chỉ chú ý đến việc bồi bổ thể lực cơ bắp mà quên đi phát triển tinh thần, trí tuệ. Mà để phát triển tinh thần, trí tuệ thì không có con đường nào khác tốt hơn là để con người đó được tiếp xúc, trao đổi, va chạm với xã hội xung quanh trong đó có các cá thể và thiên nhiên rộng lớn”. Trong lịch sử cận đại, Hà Lan được xem là đất nước phát triển sớm nhất. Sau đó mới đến Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Người ta nói thế kỷ XVII là thế kỷ Hà Lan, thế kỷ XVIII là thế kỷ Anh. Từ thế kỷ XIX, Hoa Kỳ lên ngôi bá chủ hoàn cầu. Tiếp sau đó, Nhật Bản đã vươn lên mạnh mẽ như một hiện tượng thần kỳ. Dựa trên thuyết phát triển nẩy sinh “do một sự tình cờ của hoàn cảnh lịch sử, bộ máy chính quyền trở thành vắng mặt”, ông Nguyễn Gia Kiểng giải thích sự phát triển sớm và rực rỡ của Hà Lan lúc ấy chủ yếu là do Hà Lan không bị cai trị bởi một ông vua hay một lãnh chúa mà chỉ bởi một “đại thường trú” cư ngụ tại một tòa nhà được dựng ra chỉ để giải quyết các vấn đề hành chính tối cần thiết. Ông nói, trong hoàn cảnh như thế “Những người Hà Lan không thể có vinh quang được làm vương, làm tướng, họ chỉ còn một lý tưởng là làm giầu”. Trước đó, giải thích sự phát triển của Hà Lan, Montesquieu lại cho rằng do bị thiên nhiên ngược đãi nên đất nước này phải phấn đấu để tiến lên, và để tiến lên thì cần có tự do. Khác với các dân tộc Nam Á vì được ngủ trên nệm êm thiên nhiên ưu đãi nên không cần phấn đấu, dù cam chịu kiếp nộ lệ. Max Weber thì cho rằng sự phát triển của Hà Lan và của Anh, Mỹ sau đó là nhờ quốc đạo Tin Lành ở xứ này năng động và cởi mở hơn đạo Công Giáo. Thuyết phát triển dựa vào những phấn đấu vượt bậc của các quốc gia phải vật lộn để khắc phục tình trạng bị thiên nhiên ngược đãi không tồn tại được trước câu hỏi vì sao Hoa Kỳ với đất đai trù phú, tài nguyên dồi dào, điều kiện sinh sống dễ dãi đã phát triển rất mạnh mẽ, trong khi các nước có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, tài nguyên không phong phú như Mali, Ethiopia, Bangladesh lại nghèo nàn, lạc hậu mãi. Nói rằng nước Nhật phát triển mạnh vì người Nhật bắt buộc phải sản xuất nhiều để xuất cảng lấy ngoại tệ mua nguyên liệu và nhiên liệu thì giải thích ra sao trường hợp nước Anh trở nên hùng cường nhờ than đá và sắt… Tìm nguyên nhân phát triển trong các trường hợp trên dễ bị rơi vào một bài toán đa nghiệm rất khó quy kết mối liên quan giữa nghiệm số với các ẩn số. Bài toán sẽ trở nên đơn nghiệm trước các câu hỏi: vì sao xuất phát từ cùng một nền văn hoá, một tâm lý dân tộc, một điều kiện thiên nhiên mà Nam Hàn đã trở thành một con Rồng, trong khi Bắc Triều Tiên ngày một kiệt quệ, dân chúng đói khổ vật vờ bên những lò phản ừng nguyên tử lăm lăm đe doạ chế tạo vũ khí hạt nhân? (Hai miền bán đảo này không chỉ cách biệt về đời sống kinh tế mà cả về đời sống tinh thần. Người dân Việt Nam rất mê và được xem rất nhiều phim Hàn Quốc nhưng không thích xem và hầu như không có phim Bắc Triều Tiên để mà xem). Cũng câu hỏi trên đem đặt ra cho các trường hợp giữa Trung Quốc với Đài Loan và Hồng Kông, giữa Tây Đức với Đông Đức, câu trả lời đơn nhất sẽ nhận được là: sở dĩ Tây Đức phát triển hơn Đông Đức, Đài Loan và Hồng Kông giầu có hơn Trung Quốc, Nam Hàn phồn vinh hơn Bắc Triều Tiên vì Tây Đức, Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông đều dân chủ hơn Trung Quốc, Đông Đức, Bắc Triều Tiên. Dẫn chứng để minh định kết luận trên còn có thể được nêu lên từ ngay các nước quanh vùng Đông Nam Á. Với các hoàn cảnh tự nhiên và chủng tộc na ná như nhau nhưng xét trình độ phát triển, dễ dàng nhận thấy Singapore, Thái Lan, Malaysia là đối cảnh của Myanmar, Lào, Kampuchea, Việt Nam, và trên một bậc so với Indonesia, Philippine. Tình trạng đối cảnh gây nên do nhóm nước này có chế độ dân chủ, nhóm nước kia không. Tình trạng phát triển cao thấp chênh lệch nhau liên quan tới chất lượng và trình độ dân chủ ở các nhóm nước. Từ một làng đánh cá khoảng 100 dân, Singapore được thành lập bởi một người Anh từ thế kỷ XIX và chưa hề biết tới một tổ chức xã hội nào khác ngoài khuôn mẫu tự do dân chủ phương Tây. Chính quyền Singapore nằm trong tay quốc hội hình thành từ bầu cử tự do. Và quốc hội chỉ định thủ tướng. Ở Singapore, tuy đảng Nhân dân Hành động cầm quyền liên tục suốt từ ngày độc lập đến nay nhưng các đảng đối lập không bị cấm, người đối lập không bị trấn áp, báo chí tư nhân được tự do phát hành… Singapore là một nước có luật lệ khe khắt nhưng cái cơ bản là luật pháp tại đây được áp dụng nghiêm ngặt và ngang bằng cho mọi đối tưọng xã hội, không kể đảng viên hay ngoài đảng, không kể quan chức hay dân thường… Ông Lý Quang Diệu lớn tiếng phê phán dân chủ, nhân quyền phương Tây, đề cao các giá trị Châu Á là chỉ cốt tỏ vẻ có tư tưởng độc lập của một lãnh tụ Đông Nam Á. Thực tế, hơn tất cả mọi nước Đông Nam Á, hơn cả Hồng Kông, Singapore là nước Châu Á bị Tây phương hoá nặng nhất. Mọi người Singapore đều thạo tiếng Anh mà quên tiếng mẹ đẻ Trung Quốc của mình. Ngay cả Lý Quang Diệu cũng nói tiếng Anh trơn tru hơn tiếng Trung Quốc, và, trong suốt cuộc đời làm thủ tướng ông đã cố gắng học và làm theo phương Tây tối đa. Chỉ đến khi về già ông mới bầy tỏ muộn màng đôi chút vương vấn với nguồn cội Trung Hoa của mình. Chế độ độc tài quân phiệt Thái Lan tồn tại suốt 60 năm dựa trên một liên minh vững chắc giữa quân phiệt, tài phiệt và nhà vua. Liên minh này vừa có quân lực, vừa khống chế được tài chính, vứa có quyền uy thế tử. Nhưng năm 1932, sau một cuộc đảo chính buộc vua Thái chấp nhận chế độ quân chủ lập hiến, nhường thực quyền cho một chính phủ xuất phát từ một quốc hội do dân bầu. Tuy Thái Lan có biểu hiện quân quyền, các nhóm tướng lĩnh thường đảo chính nhau để tranh giành quyền lực, nhưng Thái Lan tôn trọng đa nguyên - đa đảng và tự do ngôn luận. Các cuộc biểu tình tuần hành thường do sinh viên tổ chức. Sinh viên ào ạt xuống đường chủ yếu không vì lý do kinh tế mà vì lý tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền. Mùa xuân năm 1992, trước sự sụp đổ của bức tường Berlin, trong ngọn gió dân chủ ào ạt quật nát các chế độ cộng sản độc tài Liên Xô, Đông Âu, và nhân vì một cuộc bầu cử gian dối trong nước, sinh viên Thái Lan đã rầm rập xuống đường lật đổ chế độ quân phiệt. Từ đó Thái Lan càng khởi sắc, kinh tế phát triển càng mạnh, nâng cánh con rồng Thái Lan bay lên. Malaysia được chuyển từ tay Bồ Đào Nha cho Hà Lan từ năm 1641. Năm 1795, Hà Lan lại phải nhường Malaysia và vùng Bắc Borneo cho đế quốc Anh để rút về cố thủ quần đảo Indonesia. Năm 1891, Liên Bang Malaysia được thành lập dưới quyền cai trị của Anh. Năm 1957, sau khi ký kết một hiệp ước quân sự, Anh đã trả lại độc lập cho Malaysia. Malaysia có 55% dân gốc người Bumiputra, với hơn 30% dân số gốc Trung Hoa và khoảng 10% gốc Ân Độ, nhưng vì là một quốc gia hoàn toàn được tạo dựng và cai trị suốt thời gian dài bởi các nước phương Tây tiên tiến nên thiết chế xã hội, tinh thần luật pháp, tư tưởng tự do dân chủ đều chi phối bởi phương Tây. Chế độ chính trị của Malaysia tuy là quân chủ lập hiến nhưng rất ít ai biết đến vua, mà ở đây có tất cả những yếu tố cốt lõi của dân chủ: tự do ngôn luận, tự do kết hợp, tự do bầu cử và ứng cử. Các chính đảng cũng được hoạt động tự do. Hỗn hợp chủng tộc trong một quốc gia như Malaysia tồn tại vững bền được chính nhờ tinh thần dân chủ. Nhờ tinh thần dân chủ mà người Hoa nhường nhịn người Bumiputra, người Bumiputra chấp nhận người Hoa và người Ấn. Nhờ có dân chủ, chẳng những thế, Malaysia còn vươn lên thành một cường quốc ở Đông Nam Á. Minh chứng điển hình nhất cho thuyết phát triển nhờ dân chủ là trường hợp của Hoa Kỳ. Năm 1492, Columbus là người đầu tiên đặt chân lên Châu Mỹ nhưng đến năm 1499, nhà hàng hải Ý Amérigo Vespucci mới đến Nam Mỹ và đặt tên Amérigo cho lục địa này. Từ đấy các vua Tây Ban Nha, Pháp, Anh… lần lượt xua quân đến đây chiếm đất. Năm 1535 Pháp chiếm miền Saint Lawrence thành lập nên New France. Năm 1539 Tây Ban Nha tới Florida. Năm 1587, Anh lập Virginia… Lục địa Mỹ có nguy cơ bị chia năm xẻ bẩy, không bao giờ hợp nhất được bởi rất nhiều chủng tộc, sắc tộc, rất nhiều tôn giáo tín ngưỡng và các yếu tố văn hoá hoàn toàn khác biệt. May sao ý thức cộng đồng ở đây đã sớm được dấy lên từ “Kết ước Mayflower”. Năm 1620 một nhóm Tân giáo phái Calvin đã rời bỏ Anh quốc tìm sang Châu Mỹ để được tự do hành đạo. Khi con tàu Mayflower của họ cập bến, cả lãnh thổ Hoa Kỳ bao la lúc ấy chỉ vỏn vẹn vài ngàn người da trắng. Họ cũng phải đương đầu với những khó khăn gian khổ như những lớp người đến trước đã từng bị mất tích, phải làm nhà trong hoang vu, khai hoang để trồng trọt, săn bắt, chống chọi với người da đỏ, bệnh tật, đói rét… Khoảng 40 người đã rủ nhau đi lập nghiệp tại Massachusetts. Để chung lưng đấu cật đương đầu với muôn vàn khó khăn gian khổ, họ phải thảo chung với nhau bản “Kết ước Mayflower”. Bản kết ước cộng đồng sơ khai này đã mang tinh thần tuyên ngôn thành lập một xã hội tự do dân chủ pháp trị sơ khởi tại Hoa Kỳ. Kết ước có các đoạn ghi như sau: “… Chúng tôi thoả thuận thành lập với nhau một tập thể… Mỗi khi thấy cần thiết cho phúc lợi chung, chúng tôi sẽ làm ra và ban hành các luật lệ đúng đắn và đồng đều cho tất cả, và chúng tôi sẽ tuân phục những luật lệ đó”. Tinh thần “Kết ước Mayflower” sau này thấm cả vào bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 dắt dẫn đất nước Hoa Kỳ từ sơ khai qua suốt chiều dài lịch sử gắn bó chặt chẽ với chế độ dân chủ. Khi mới tuyên bố độc lâp, Hoa Kỳ chỉ có 2,5 triệu dân lắp ghép từ những khối người xa lạ đến từ nhiều lãnh thổ, nhiều châu lục khác nhau, nghèo khổ, nhếch nhác, phần lớn không biết đọc biết viết. Dân chủ và tự do đã dần dần gắn kết họ lại, hỗ trợ nhau, khuyến khích nhau lao động sáng tạo. Một thế kỷ sau, năm 1890, họ đã trở thành quốc gia tiến bộ nhất gồm 63 triệu dân. Trong nhiều thập kỷ qua, và cho tới nay, họ vẫn là một siêu cường hàng đầu thế giới. Trên đây đã chứng minh các quốc gia phồn vinh đều có chế độ dân chủ, nhưng, giữa dân chủ và phát triển, cái nào có trước, cái nào có sau? Có người nói dân chủ phải là tiền đề, thậm chí là tiên quyết duy nhất cho phát triển. Ngược lại, một số người khác, đặc biệt ở Việt Nam hiện nay, cho rằng dân chủ phải đến sau. Phải đợi phát triển kinh tế đã, rồi từ từ mới có dân chủ được. Nói phải có dân chủ rồi mới phát triển được thì không thể giải thích vì sao Tần Thuỷ Hoàng xây được Vạn Lý Trường thành, vì sao Hitler đã từng uy hiếp được cả Châu Âu? Cũng không giải thích nổi hiện tượng Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là hai nước cùng có quy mô dân số nhất nhì thế giới. Ấn Độ trở thành nước dân chủ từ năm 1947, ngược lại, Trung Quốc đã chọn chế độ cộng sản độc tài từ năm 1949. Vậy mà Trung Quốc đã hơn hẳn Ấn Độ trong lĩnh vực kinh tế, kể cả nông nghiệp lẫn công nghiệp. Cho nên phải nói dân chủ trình độ nào và phát triển kiểu nào? Có phát triển lành mạnh và phát triển bệnh hoạn, phát triển bền vững và phát triển đoản thời. Thiếu dân chủ thì không thể phát triển bền vững. Trong lịch sử Trung Quốc, nhà Tần chỉ tồn tại 14 năm, trong khi nhà Hán 426 năm, nhà Đường 289 năm… Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết chỉ tồn tại 72 năm trong khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bền vững đã hơn 200 năm. Thiếu dân chủ thì không thể phát triển lành mạnh. Sau khi dổi mới, kinh tế Việt Nam tiến vọt hẳn lên so với những năm u ám trước đó để đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới. Nhưng, xét trong tổng thể, không thể nói Việt Nam đang phát triển lành mạnh. Việt Nam hiện là nước có chỉ số kinh tế tự do vào hàng kém nhất thế giới (xếp hạng 137/161 nước), Việt Nam hiện là một trong những nước có khả năng cạnh tranh kém nhất thế giới (xếp hạng 77/104 nước), Việt Nam hiện là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới (xếp hạng 94/143 nước), Việt Nam hiện vẫn còn được xếp hạng kém nhất thế giới về chỉ số phát triển con người (xếp hạng 112/177 nước), Việt Nam hiện là một trong những nước có chỉ số tự do báo chí tồi tệ nhất thế giới (xếp hạng 135/143 nước)… Sở dĩ như vậy vì Việt Nam hiện là một trong những nước mất dân chủ nhất thế giới (xếp hạng 138/143 nước). Thiếu dân chủ nên phát triển bệnh hoạn. Vì phát triển bệnh hoạn nên mới có tình trạng công nhân (giai cấp lãnh đạo cách mạng) làm ăn đầu tắt mặt tối chỉ được từ 4 trăm ngàn đến trên dưới một triệu đồng lương tháng, trong khi có quan chức nhà nước bỏ ra 120 tỷ đồng (7 triệu đôla) đánh bạc trong vài tháng. Vì phát triển bệnh hoạn nên mới có tình trạng trên lừa dưới (XHCN là con đường Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn, dân chủ XHCN gấp triệu lần…), dưới dối trên (90% tiến sỹ giả hoặc tồi dở. Học sinh ngồi trong lớp 6 vẫn không biết đọc biết viết…). Vì phát triển bệnh hoạn nên số tử vong và thương tích hàng năm trong giao thông vận tải lớn hơn rất nhiều lần các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Vì phát triển bệnh hoạn nên tài nguyên thiên nhiên bị khai thác vô tội vạ, môi trường bị huỷ hoại ghê gớm (lũ lụt tàn phá, lở đất, nứt đất …)… Chỉ có dân chủ mới mở đường và bảo đảm cho phát triển lành mạnh và bền vững. Đến lượt mình, phát triển càng cao lại bảo đảm cho dân chủ càng có chất lượng tốt hơn, trình độ cao hơn. Ta từng đã thấy trong tự nhiên, phát triển là quá trình vận động từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, mà nét đặc trưng là cái cũ dần dần được thay thế bởi cái mới. Phát triển là một quá trình nội tại: bước phát triển từ thấp lên cao xẩy ra bởi vì trong cái thấp đã chứa đựng dưới dạng tiềm tàng những khuynh hướng dẫn tới cái cao, còn cái cao là cái thấp đã phát triển. Coi sự phát triển chỉ là sự tăng lên hoặc giảm bớt một cách giản đơn những đặc tính ban đầu của một hiện tượng nào đó, không quan tâm đầy đủ sự chuyển hoá những biến đổi về lượng thành những biến đổi về chất sẽ đưa đến những nhận định phiến diện, không biện chứng. Trong xã hội cũng vậy, dân chủ và phát triển vừa là nhân, vừa là quả của nhau. Ở giai đoạn này, cái này là nhân của cái kia, và sau đó, ngược lại. Dân chủ và phát triển nương tựa vào nhau, bồi bổ cho nhau cứ thế đưa các cộng đồng dân cư, đưa nhân loại không ngừng tiến tới. Dù phải thừa nhận dân chủ dẫn tới phát triển lành mạnh và bền vững nhưng một số người, đặc biệt quý vị lãnh đạo và giới tư bản đỏ ở Việt Nam hiện nay lại thường hù doạ: phát triển do dân chủ thường dẫn đến mất ổn định. Nhưng, thử hỏi mất ổn định cái gì kia chứ? Mất ổn định chính trị ư? Mất ổn định chính quyền ư? Người dân cần ổn định xã hội hơn ổn định chính trị, ổn định chính quyền. Ổn định xã hội là ổn định cho muôn dân, vì muôn dân; ổn định chính trị là thứ ổn định mà người ta đang ngoan cố duy trì bằng mọi giá: tuyên truyền lừa bịp, hù doạ, trấn áp, tù đầy, kể cả sẵn sàng tàn sát hàng trăm, hàng nghìn người như kiểu Thiên An môn. Ở Việt Nam hiện nay, ổn định chính trị nghĩa là phải cam chịu mãi cái cùm Marx-Lenin, cái gông giai cấp công nhân lãnh đạo… Biết rằng những điều ấy đã quá bất hợp lý và cực kỳ nguy hại rồi, nhưng người ta vẫn cứ phải, dù biết là vờ vĩnh, hô toáng lên như vậy. Bởi lẽ, chỉ có như vậy mới có lý để áp đặt cho được vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN. Quan trọng hơn, cụ thể hơn là, duy trì cho được cái ghế ăn trên ngồi trốc của tập đoàn người nào đó. Trong thực tế, ổn định chính trị, ổn định chính quyền, thường đối lập với ổn định xã hội. Để ổn định chính quyền, dưới thời Stalin, từ năm 1929 đến 1953, khoảng 15 đến 20 triệu người dân Liên Xô đã thiệt mạng trong các trại tập trung Gulag. Để ổn định chính trị, hơn ba chục triệu người Trung Quốc đã chết trong chế độ cộng sản (Thổ cải, Cách mạng Văn hoá, Thiên An môn…). Để ổn định chính trị, dù chỉ trong thời gian rất ngắn, 2.035.000 người dân Kamphuchea đã chết dưới thời Khmer Đỏ… Ở các nước dân chủ đã kể ở trên, đặc biệt Hoa Kỳ, ổn định xã hội được duy trì rất bền vững. Hiến pháp, nền tảng luật pháp, nền tảng đạo lý… được duy trì cơ bản trong suốt chiều dài lịch sử chế độ dân chủ ở các nước này. Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Hoa Kỳ trường tồn và vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Nhiều thủ tướng, nhiều tổng thống đã bị ám sát, quốc hội, chính phủ có thể đột nhiên bị giải tán, biểu tình, bạo động có thể nổ ra thường xuyên… nhưng không có tàn sát lớn, chế độ chính trị không bị tiêu tan, nhà nước không sụp đổ. Ôn định xã hội trong các chế độ cộng sản thực ra là ổn định giả tạo, ổn định bức bối. Kiểu ổn định này không những kìm hãm phát triển xã hội mà không ngừng tích luỹ những hiểm hoạ khôn lường. Chính vì thế các trạng thái ổn định này không thể tồn tại lâu dài. Xã hội cũng như tự nhiên vậy. Sự vật phải luôn luôn được tự do vận động, vân động để chuyển hoá, để tiến lên. Nồi nước nếu không muốn cam chịu lạnh ngắt, phải được đun lên để được nóng, được bốc hơi, được thăng hoa. Muốn vậy nồi phải được mở ra để sôi tự do. Trong trạng thái sôi tự do, tất cả đều chuyển vần, đặc biệt, phần trên mặt càng xáo động, bong bóng liên tiếp được hình thành, liên tiếp bị nổ vỡ. Nếu bít chặt không cho sôi, từ bên ngoài thấy rất yên ắng, rất ổn định, nhưng chẳng bao lâu, bình sẽ bị phá tung. Bình không còn, mà nước cũng không còn. Xã hội cũng phải tuân theo những quy luật như tụ nhiên, mặt nước càng xao động, bong bong càng vỡ nhiều, trạng thái sôi càng tốt, nước càng dễ bốc hơi mà bình vẫn được bảo toàn. Các nguyên lý bảo toàn thể hiện một mặt của mâu thuẫn biện chứng - mâu thuẫn giữa bảo toàn và biến đổi. Theo định luật này, năng lượng không mất đi mà cũng không được tạo ra khi nó chuyển từ dạng này sang dạng khác. Nó là biểu hiện của ổn định toàn cục, là sự xác nhận về tính bất diệt của vận động. Cho nên ổn định bao giờ cũng phải là ổn định động, bởi vì ổn định tĩnh là ổn định huỷ diệt, ổn định chết. Hãy lấy trường hợp con vụ (cái cù) để liên tưởng. Con vụ phải xoay mới đứng được, xoay càng mạnh, đứng càng vững. Không xoay, con vụ sẽ đổ kềnh. Dân chủ bảo đảm nuôi dưỡng một xã hội công dân tích cực. Ở đấy con người được tôn trọng thực sự, làm chủ thực sự vận mệnh của mình và của xã hội. Ở đấy mọi cá nhân, mọi tổ chức dân chúng độc lập được tự do phát biểu, tự do hoạt động, tự do sáng tạo góp phần tích cực cho xã hội phát triển năng động, lành mạnh, bền vững trong thế ổn định động phù hợp với quy luật của tự nhiên. 5. Các thời đại dân chủDân chủ không phải là sản phẩm phát triển của chỉ một hệ thống xã hội duy nhất nào, không phải là độc quyền của chế độ nào. Các nền dân chủ (trừ dân chủ XHCN) kế thừa nhau phát triển ngày càng cao hơn về chất lượng, ngày càng đông hơn về chủ thể. Phần trên đã chứng minh và kết luận: dân chủ và phát triển vừa là nhân vừa là quả của nhau, nương tựa vào nhau, bồi bổ cho nhau đẩy lịch sử tiến tới. Như vậy, dân chủ đã xuất hiện từ bên trong lịch sủ và, như một dòng sông tư tưởng lớn chảy suốt quá trình tiến hoá nhân loại: thời cổ đại với dân chủ ở Hy Lạp, thời trung đại với dân chủ quý tộc và dân chủ nông dân, thời cận đại với dân chủ tư bản và dân chủ XHCN. 5.1. Dân chủ thời cổ đại Người ta thường cho dân chủ Athens là những biểu hiện dân chủ đầu tiên của nhân loại. Ba trăm năm trước công nguyên, tại thành Athens đã có những sinh hoạt dân chủ. Dân chúng tụ tập ở quảng trường tranh luận với nhau về mọi vấn đề, từ việc bầu các vị thẩm phán, cho đến chính sách quốc gia…, và người ta bỏ phiếu. Thực ra, trước đó, xã hội nguyên thuỷ cũng đã là xã hội dân chủ. Trong cuốn Nguồn gốc gia đình, tư hữu và nhà nước F. Engels đã nói đến những cơ quan có gốc rễ trong nhân dân. Ông cho rằng toàn bộ chế độ thị tộc là một tổ chức của các bộ lạc nhằm giải quyết tự do những công việc của mình và những cơ quan đó là công cụ có ý chí của nhân dân. Đấy là biểu hiện của dân chủ. 5.2. Dân chủ trong xã hội chiếm hữu nô lệ: gồm hai dạng tiêu biểu: Dân chủ Athens. Tại đây, ngoại trừ những kiều dân, phụ nữ, nô lệ, tất cả các công dân, các chủ hộ nam đều đựoc tham gia trực tiếp vào chính trị. Dân chủ Rome - là dân chủ của quý tộc. Quý tộc thời này không chỉ gồm những người có của, có chức sắc mà còn là cả những người giỏi giang, được xem là tinh hoa trong xã hội. Trong khi dân chủ Athens bị các nhà triết học cổ đại phê phán là thiếu yếu tố điều tiết, tức là pháp luật, thì dân chủ quý tộc Rome có chế độ chấp chính quan để kìm chế nhau. Như vậy trạng thái đối trọng trên chính trường đã có từ thời cổ đại chứ không đợi đến các thời đại dân chủ sau này. 5.3. Dân chủ trong xã hội trung cổ: gồm 3 dạng Dạng thứ nhất là Veche gồm các cuộc họp của các hội đồng quý tộc, các hội nghị nhân dân thời cổ và trung đại Nga từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV nhằm giải quyết những vấn đề hoà bình và chiến tranh, nhằm tạo điều kiện cho xã hội tỏ rõ thái độ với các vương công thông qua các luật lệ, các quyết định và các cuộc thương thuyết với các địa phương. Veche có khi là diễn đàn bảo vệ quyền lợi của nhân dân, có khi được vua chúa phong kiến dùng để hạn chế quyền của các vương công. Dạng thứ hai là dân chủ nghị trường sơ khai ở Tây Âu, cụ thể là ở Đức. Theo Migrazian, kiểu nghị trường sơ khai đã có đủ ba tính chất của dân chủ tư sản tiến bộ sau này: quyền lực công khai, dân chủ đại diện, cơ chế kiềm chế, đối trọng. Dạng thứ ba là dân chủ thị thành, xuất hiện sau cùng trong lòng xã hôi trung cổ, gồm các burg, các tổ chức phường hội của thợ thủ công và dân buôn để chống lại thuế má và sự áp chế của vua chúa. 5.4. Dân chủ tư sản Nẩy nở từ chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng và phát triển thành chủ nghĩa duy lý, dẫn tới cách mạng tư sản. Trước thời Phục hưng, châu Âu chìm đắm trong chế độ phong kiến. Tư tưởng thống trị là tư tưởng phong kiến với thần học chuyên quyền. Kitô giáo điều khiển đời sống tinh thần lẫn cuộc sống trần tục, không có đời sống tự do cá nhân. Chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng ra đời đã nêu lên vấn đề con người, đề cao cá nhân, đặt đúng vị trí con người trong thế giới vĩ mô, đề cao tư hữu… Thay cho Kitô giáo đề cao đức Chúa trời, chủ nghĩa nhân văn đặt con người vào vị trí ưu tiên. Nhà nhân văn học Ý Jean Pic de la Mirandole nói “Tôi đọc trong sách Ảrập rằng người ta không thấy trên đời này cái gì đáng ca ngợi hơn là con người”. Dựa vào các thành tựu khoa học kiệt xuất của hàng loạt bộ óc vĩ đại như Leonardo da Vinci, Giordano Bruno… các nhà tư tưởng Phục hưng cho rằng: sự sáng tạo của con người có thể cao hơn tạo hoá. Chủ nghĩa nhân văn Phục hưng sớm thấy động lực của sự tiến bộ xã hội không phải là thần học, là các tín điều mà là những lợi ích vật chất. Machiavelli (1469-1527) tuyên bố: sự tranh thủ và bảo vệ quyền tư hữu là động lực mạnh mẽ nhất của con người. Quyền tư hữu là một bước nhẩy vọt vĩ đại của con người trên con đường tự khẳng định và tự giải phóng, là cơ sở sống còn của mỗi con người. Chủ nghĩa duy lý là xu hướng triết học lấy lý trí là cơ sở cho nhận thức và ứng xử của con người. Theo chủ nghĩa duy lý, lý trí chứ không phải thực tiễn và kinh nghiệm, không phải thần thánh, là nguồn gốc của tri thức và tiêu chuẩn chân lý của nó. Blaise Pascal định nghĩa: “Người là cây sậy biết tư duy”. Rene Descartes nói: “Cogito, ergo sum” (Tôi tư duy, tức tôi tồn tại). Chủ nghĩa duy lý là một trong những nguồn gốc triết học của hệ tư tưởng Khai sáng với những ý niệm về tự do, dân chủ, giải phóng con người. Voltaire cho tự do và tất yếu không đối lập nhau, độc lập nhau mà tính tất yếu phổ biến là tiền đề cho tự do của con người, con người được tự do khi được làm cái mình mong muốn. Theo Voltaire, tự do trong xã hội là hoạt động theo quy luật, theo pháp luật. Ông chống chế độ nông nô, đấu tranh cho sự bình đẳng của công dân trước pháp luật Denis Diderot lên án những hủ bại của chế độ Nga hoàng, chủ trương chế độ cộng hoà, kêu gọi những kẻ nô lệ hãy khởi nghĩa để tự giải phóng khỏi ách thống trị cường quyền. Ông chủ trương kết hợp thật hợp lý “lợi ích cá nhân con người với lợi ích xã hội”. Tư tưởng vĩ đại của Montesquieu chứa đựng trong bộ sách đồ sộ 31 cuốn: Tinh thần pháp luật được tái bản 20 lần khi ông còn sống. Montesquieu trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của chế độ chuyên chế là do ông rất thực tế với lý luận phân biệt ba quyền: quyền lực hạn chế quyền lực do trật tự các sự vật, đó là phương châm cơ bản của bộ Tinh thần pháp luật. Ảnh hưởng của bộ sách rất lớn. Từ tư tưởng quân chủ tự do đã xuất hiện nền quân chủ hạn chế rồi đến quân chủ theo nghị viện. Lối phân loại của Montesquieu còn dẫn đến chế độ cộng hoà có tổng thống sau này ở Hoa Kỳ. Ngày nay tư tưởng phân lập quyền lực của Montesquieu vẫn là ngọn đuốc sáng cho các chế độ chính trị tiên tiến ngăn ngừa độc quyền độc đoán. J. J. Rousseau cho rằng để kẻ mạnh không thể cưỡng bức người yếu phục tùng cần làm sao cho đồng thời chẳng ai phải phục tùng chủ và cũng chẳng ai có quyền bắt kẻ khác phải phục tùng mình cần chuyển giao quyền lực. Chuyển quyền lực của quân vương, của một người cho tất cả, cho nhân dân. Ông viết trong Khế ước xã hội: “Mỗi người chúng ta đặt chung cá nhân mình và toàn bộ sức mạnh của mình dưới sự chỉ đạo tối cao của ý chí chung”. Với lý luận về khế ước, tư tưởng của Rousseau xem trọng cả về bình đẳng và tự do nên dược các lãnh tụ Cách mạng 1789 hưởng ứng nhiệt liệt, nhất là đối với các đoạn như: “Tư tưởng về những đại biểu là hiện đại; nó chẳng đến với ta từ chính quyền phong kiến, từ chính quyền bất công và vô lý, trong đó, loài người bị giáng cấp và ở đó tên con người bị làm nhục. Trong các nước cộng hòa cổ và ngay cả trong nền quân chủ, chưa bao giờ nhân dân có đại biểu. Người ta chưa hề biết từ ngữ ấy”. Lý luận về khế ước ngày nay vẫn còn được nhắc đến khi bàn về dân chủ; tư tưởng tự do của Rousseau vẫn nguyên vẹn vì theo ông, tuân theo mọi người là chẳng tuân theo ai cả khi mỗi người là bộ phận của toàn thể. Tư tưởng của các nhà dân chủ Khai sáng thấm sâu vào giới trí thức rồi lan toả ra quần chúng qua các phòng trà, tiệm cà phê và các câu lạc bộ dẫn đến cao trào cách mạng 1789-1794 mở đầu bằng hai sự kiện nổi bật: việc phá ngục Bastilles (14.7.1789) giành lấy tự do, và đêm 4.8.1789, đốt sạch các văn tự, bắt đầu xoá bỏ đặc quyền đặc lợi phong kiến, giành lấy bình đẳng. Hai mươi hai ngày sau, Quốc hội lập hiến Pháp trịnh trọng công bố Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền. Tinh thần dân chủ tư sản lan rộng nhanh chóng trên bản đồ thế giới, thúc đẩy nhịp độ phát triển quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Vào năm 1980 trên thế giới còn có 56% nhân loại sống trong cảnh nghèo ở mức dưới 2USD (30 ngàn đồng VN)/ngày, đến năm 2000 tý số đó chỉ còn 22%. Bởi vì, năm 1980, theo báo cáo của Ủy hội Nhân quyền Liên hiệp quốc có 81 quốc gia đã tiến bước trên đường dân chủ hoá đáng kể, trong đó có 31 nước đổi từ chế độ quân phiệt sang chế độ dân chủ. Có 140 quốc gia trong số khoảng 200 nước trong thế giới hiện đã có bầu cử tương đối tự do, và 81 quốc gia trong số đó thực sự có tự do. 5.5. Dân chủ xã hội chủ nghĩa Lên án dân chủ tư sản là dân chủ hình thức, các lý thuyết gia marxist cho rằng dân chủ XHCN thực chất hơn, ưu việt hơn vì cơ sở kinh tế của nó là sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất. Người ta hùng hồn tuyên bố rằng: Dân chủ XHCN là nền dân chủ cao nhất trong lịch sử loài người; dân chủ XHCN là triệu lần hơn dân chủ tư sản. Lịch sử đã chứng minh, thực tế không phải vậy. Nói dân chủ XHCN là nền dân chủ cao nhất vì nó dựa trên sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất cho nên có thể hình thành “ý chí chung và duy nhất”. Điều này là không tưởng vì như đã thấy tại các nước XHCN, cho dù giai cấp không còn nữa thì vẫn còn quyền lợi của các dân tộc, sắc tộc, giai tầng, tôn giáo, tín ngưỡng… khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau gay gắt. Dân chủ XHCN cũng không hề là của số đông trong xã hội. Dân chủ XHCN trước hết là của giai cấp công nhân, nhưng giai cấp công nhân ở các nước XHCN, nhất là ở Việt Nam, chỉ là một số ít trong dân số. Cơ sở vật chất-kỹ thuật vào tay giai cáp công nhân là một trong những điều kiện thực thi dân chủ của công nhân nhưng không nên quên rằng có 2 loại quyền dân chủ. Có loại quyền dân chủ phải dựa trên cơ sở vật chất kỹ thuật để thực thi, nhưng có loại quyền dân chủ không, hoặc ít liên quan đến cơ sở vật chất-kỹ thuật (nhưng nhiều khi thiêng liêng hơn) như: tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại… Tự do cũng có hai loại: tự do để (liberté pour) như quyền tự do mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do chống (liberté contre), chống lại sự xúc phạm vô cớ của xã hội và của nhà nước vào cá nhân. Thiếu quyền tự do này thì tuy roi vọt không quật vào lưng con người, nhưng nỗi đau vò xé tận tâm can họ, đặc biệt là với trí thức. Trong cuốn Các tự do công cộng, Jean Rivero giải thích nguyên nhân chính của của hiện tượng ly khai và trốn chạy khỏi các nước XHCN là do “Sự thiếu quyền tự do lựa chọn cũng đủ để làm cho cuộc sống trở thành không thể chịu đựng nổi đối với những ai đòi hỏi được sống và suy nghĩ độc lập”. Dân chủ XHCN được xem là đồng nhất với chuyên chính vô sản. Hãy nghe Engels nói trong cuốn Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản: “Đối với giai cấp vô sản, chế độ dân chủ sẽ trở nên hoàn toàn vô ích nếu nó không được dùng ngay lập tức làm phương tiện để thi hành những biện pháp rộng rãi trực tiếp đánh vào chế độ tư hữu và bảo đảm sự sinh sống của giai cấp vô sản”. Còn Lenin thì khẳng định: “Chuyên chính là một chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực và không bị một luật pháp nào hạn chế cả. Chuyên chính cách mạng của giai cáp vô sản là một chính quyền do giai cấp vô sản giành được và duy trì bằng bạo lực đối với giai cấp tư sản, chính quyền không bị một luật pháp nào hạn chế cả”. Lenin đã viết như vậy và đã trực tiếp ra lệnh: “Lợi dụng nạn đói Nga để lột trần các giáo sỹ Nga và làm cho họ sợ đến 50 năm nữa”. Nói dân chủ XHCN triệu lần hơn dân chủ tư bản vì nó tạo điều kiện cho sự “nở hoa” của con người nhưng thực tế con người mất quyền tự do ngôn luận, mất quyền tự do tư tưởng mà chỉ được nhất nhất phục tùng hệ tư tưởng cùng với Đảng. Đã có một thời nhà văn không viết theo hiện thực XHCN thì bị đào thải, bị đầy đoạ (Lenin đã từng mắng nhà văn thiên tài Nga V.G. Korolenko “Không phải là trí tuệ mà là cục phân của dân tộc”), nông học thì phải theo Michurin-Lysenko, bác sỹ chỉ được chữa bệnh tâm thần theo phương pháp Paplov… 6. Dân chủ cho Việt Nam6.1. Việt Nam vốn là một nước có truyền thống dân chủ. Triệu Đà chiếm được nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương, sát nhập vào với hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây lập ra nước Nam Việt và đem Khổng giáo vào Việt Nam. Theo Khổng Tử, dân chỉ là một tập hợp đa số vô danh, hầu như không bao giờ được tính đến với tư cách là cá nhân cụ thể. Khổng tử dạy thiên hạ rằng: chủ của thế giới là trời, chủ của xã hội là thiên tử “đại thiên hành hóa, thế thiên hành đạo”. Dưới thiên tử là chư hầu rồi đến sĩ đại phu; cuối cùng mới là dân. Trong xã hội chỉ có những thần dân là tôi tớ của vua quan. May sao, thế kỷ XI-XVII, bên cạnh Nho giáo, và đặc biệt là khi Nho giáo thoái trào thì hai giáo lý khác: đạo Phật và đạo Lão tồn tại gần như đồng đẳng, thậm chí triều Lý còn xem Phật giáo là quốc đạo. Phật giáo ngoài tính nhân bản còn chứa đựng những tiền đề lý thuyết và trong hoạt động thực tiễn có nhiều biểu hiện nguyên tắc công bằng, bình đẳng - một trong những cốt lõi của dân chủ. Một tập đoàn sống theo lối dân chủ cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại chính là tăng đoàn sống vào thời Phật Thích Ca vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Thế kỷ thứ III trước công nguyên, vua Asoka đã triệu tập những cuộc họp thảo luận về giáo lý với các “quy tắc nghị hội” đã được ấn định giúp cuộc thảo luận tiến hành dân chủ và trật tự. Về sức cảm hoá hoà đồng của đạo Phật, ở Việt Nam, văn bia chùa Chiêu Phúc - Hà Bắc còn ghi: “Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng người, sao mà được lòng người tin đến thế. Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố trí đến việc nhà Phật dù hết tiền vẫn không sẻn tiếc”. Đạo Lão thường được dùng để thu hút nông dân tham gia vào các cuộc bạo động chống lại cường hào ác bá địa phương và quan lại trung ương. Thời Lý Nhân Tông có Lý Giác cầm đầu cuộc bạo động ở Diễn Châu, đời Trần Phế Đế có Nguyễn Bố, đời Hồ có Trần Đức Huy… Thế vậy đó, nhưng cái tư tưởng xuất thế và vô vi của Lão Tử lại lưu truyền trong huyền thoại đức Thánh Gióng về một vị anh hùng nông dân dẹp xong giặc Ân, không màng quyền thế, phóng ngựa bay lên trời. Ngoài những pho tiếu lâm, những nhân vật hề, tinh thần nhân bản, ý thức chống đối cường quyền đây đó được thể hiện khá nhiều trong dân ca và ca dao Việt Nam: “Người ta là hoa đất”, “Thương người như thể thương thân”, “Lệnh ông không bằng cồng bà…”, “Nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”… Những mầm tư tưởng nhân văn ấy còn lấp lánh cả trong Bần nữ thán, Cung oán ngâm khúc, Truyền kỳ mạn lục, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều… Sau đêm trường Bắc thuộc 1000 năm, ở Việt Nam đã xuất hiện một thể chế dân chủ sơ đẳng trong các cộng đồng làng xã. Mỗi làng là một “vương quốc” nhỏ khép kín với luật pháp riêng mà các làng gọi là hương ước và các “tiểu triều đình” riêng, trong đó hội đồng kỳ mục là cơ quan lập pháp, lý dịch là cơ quan hành pháp. Sự biệt lập đó tạo nên truyền thống “Phép vua thua lệ làng”, thể hiện quan hệ dân chủ đặc biệt giữa nhà nước phong kiến với làng xã ở Việt Nam. Truyền thống dân chủ này làm cho, khác với phương Tây và Trung Hoa, nhà nước phong kiến Việt Nam giống với làng xã. Ở đây, nước như là sự mở rộng của làng. Làng ứng xử với nhau theo tình cảm tạo nên truyền thống dân chủ; nước tuy có tổ chức chặt chẽ hơn nhưng trên đại thể vẫn duy trì truyền thống dân chủ ấy. Tính cộng đồng làng xã là cơ sở tạo nên hàng loạt lĩnh vực cộng đồng khác: đồng tộc, đồng niên, đồng nghiệp, đồng hương… và, trong lĩnh vực quốc gia là đồng bào. Như vậy, tính cộng đồng làng xã coi mọi người trong thôn xóm đều là anh em đã được mở rông thành ý thức cộng đồng quốc gia. Truyền thống dân chủ giữa lãnh đạo với dân chúng Việt Nam duy trì gần như suốt lịch sử. Sử sách Trung Hoa còn ghi những nhận xét về mối quan hệ vua quan với dân chúng ở Việt Nam là: không phân biệt rạch ròi ngôi thứ, các quan lại địa phương có thể gọi các con hát vào cùng nắm tay nhảy múa hát hò. Một sứ thần Trung Hoa đến Việt Nam năm 990 đã ghi chép như sau: “Lê Hoàn đi chân đất xuống nước và câu cá bằng một cần câu tre dài. Mỗi lần nhà vua câu được một con cá thì quần thần nhẩy lên reo mừng”. Vua Việt Nam không quá chuyên chế độc đoán như phương Tây và tạo cho mình một thế uy nghiêm của thiên tử như ở Trung Hoa. Truyền thống dân chủ cũng được thể hiện trong cả bộ máy lãnh đạo quốc gia. Theo giáo sư-viện sỹ Trần Ngọc Thêm trong cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam, thì khởi nguồn từ tổ chức làng xã với những hình thức Hội đồng Già làng, Hội đồng Kỳ mục, truyền thống lãnh đạo tập thể ở cấp quốc gia đã đi từ quan hệ huyết thống như vua chị - vua em (Trưng Trắc, Trưng Nhị), vua anh - vua em (Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập; ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ); vua cha - vua con với hình thức Thái thượng hoàng (thời Trần, thời Hồ và thời Mạc), đến quan hệ xã hội mang tính pháp lý vua chúa (vua Lê - chúa Trịnh) theo nguyên tắc “Hoàng gia giữ uy phúc, vương phủ giữ quyền bính” (vua có địa vị cao sang nhưng quyền lực nhỏ, còn chúa địa vị thấp hơn nhưng quyền lực lớn). Truyền thống dân chủ nước ta còn được thể hiện trong việc tuyển chọn người vào bộ máy quan lại. Với các tước vị công, hầu, bá, tử, nam, bộ máy quan lại phong kiến phương Tây thường được bổ nhiệm theo cha truyền con nối. Ở Việt Nam, việc bổ nhiệm được tiến hành qua thi cử. Con nhà nghèo nếu thông minh, thi cử đỗ đạt đều được bổ nhiệm làm quan, từ hào lý trong thôn làng đến các chức quan rất to trong triều đình. Ở Việt Nam, nhà nước xuất hiện khá sớm. Vào khoảng thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên, xã hội Việt cổ đã có những biến chuyển nhất định. Trên cơ sở sức sản xuất phát triển, những yếu tố mới xuất hiện làm nẩy sinh chế độ tư hữu không thể hiện dưới hình thức tư hữu về ruộng đất mà dưới hình thức sở hữu nhà nước. Nhà nước đầu tiên là nhà nước Văn Lang của các vua Hùng ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VII, thứ VI trước công nguyên. Luật pháp Việt Nam cũng đã hình thành từ rất sớm. Trong lời tâu của Mã Viện gửi vua Hán Quang Vũ sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng có đoạn: “Luật của dân Việt khác luật của người Hán đến hơn mười điều”. Sau khi dẹp yên loạn mười hai sứ quân, để củng cố chính quyền, năm 968 Đinh Tiên Hoàng đã ban bố một đạo luật với những hình phạt rất hà khắc. Ngay giữa sân triều đặt vạc dầu sôi và chuồng hổ báo. Tội đồ bị ném vào vạc dầu sôi hoặc thả vào chuồng cho thú dữ xé xác để uy hiếp người chứng kiến. Thời Lý có bộ luật Hình thư gồm ba quyển do Lý Thần Tông ban hành năm 1042. Thời Trần có bộ Quốc triều hình luật gồm một quyển ban hành năm 1244. Bộ Quốc triều hình luật đời Lê được gọi là Luật Hồng Đức do Lê Thánh Tông ban hành năm 1489 gồm sáu quyển với 722 điều. Bộ Luật Gia Long đời Nguyễn ban hành năm 1815 và trở thành Hoàng triều luật lệ. Luật Hồng Đức thể hiện tinh thần dân chủ tốt hơn luật Trung Hoa. Trong khi luật Trung Hoa chú trọng nhiều đến tôn ti, đẳng cấp (cha con, vua tôi…) thì Luật Hồng Đức giành phần đáng kể bảo vệ quyền phụ nữ. Luật Hồng Đức quy định con gái được hưởng quyền thừa kế tài sản bình đẳng ngang con trai. Con gái, cháu gái cũng được đảm nhiệm việc hương khói khi nhà không có con trai, cháu trai. Nếu con trai trưởng còn nhỏ thì trách nhiệm tế tự tổ tiên thuộc về bà quả phụ. Phụ nữ có quyền từ hôn nếu thấy vị hôn phu bị ác tật, bị phá sản hay là một tội phạm. Phụ nữ có quyền li dị nếu trong năm tháng người chồng bỏ rơi vợ, không đi lại. Luật Gia Long sao phỏng luật Trung Hoa nhiều hơn luật Hồng Đức, tuy nhiên vai trò người phụ nữ vẫn được xem trọng hơn ở Trung Hoa. Theo luật Trung Hoa đàn ông có được bảy cớ (thất xuất) để bỏ vợ. Luật Hồng Đức có sao chép “thất xuất” nhưng bổ sung “tam bất khả xuất” (ba trường hợp không được ly dị vợ: đã để tang cha mẹ chồng, đã làm cho nhà chồng trở nên giầu có, ngoài nhà chồng ra, không còn nơi nương tựa) để bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Luật Gia Long cũng cấm chồng không được bán vợ, không được bắt vợ làm thuê, không được hạ vợ mình xuống làm nàng hầu. Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng của tư tưởng Cách mạng dân chủ Pháp 1789, của cách mạng Trung Hoa 1911 và của Phong trào Duy Tân Nhật Bản do Minh Trị thiên hoàng chủ xướng, tư tưởng lập hiến lần đầu đã xuất hiện trong trí thức Việt Nam. Phạm Quỳnh và Bùi Quang Chiêu kiến nghị ban bố một bản hiến pháp sao cho vừa bảo đảm được quyền điều hành đất nước của Hoàng đế, quyền bảo hộ của chính phủ Pháp, đồng thời quyền dân chủ cho nhân dân. Vào năm 1902, tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây và tư tưởng cải cách đất nước của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Bạch, Phan Chu Trinh đề xướng chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đồng thời đề cao tư tưởng dân chủ và lập hiến. Ông đòi phế bỏ chế độ quân chủ chuyên chế, xây dựng chế độ dân chủ. Ông nói: So sánh hai cái chế độ quân trị và dân trị ta thấy chủ nghĩa dân trị hay hơn chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay của triều đình mà trị một nước thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê được no ấm vui vẻ hay đói khát khổ sở tuỳ theo lòng người chăn. Còn theo chủ nghĩa dân trị thì quốc dân lập ra hiến pháp, luật, đặt ra các cơ quan để lo việc chung của cả nước, lòng quốc dân thế nào thì làm thế ấy, dù không có người tài giỏi thì cũng không đến nỗi phải để dân khốn khổ làm tôi mọi một nhà, một họ nào”. Ông phân tỏ: “Trong nước có hiến pháp, ai cũng phải tôn trọng hiến pháp, cái quyền của chính phủ cũng bởi hiến pháp quy định cho… Khi có điều gì vi phạm đến pháp luật thì người nào cũng như người nào, từ ông tổng thống cho đến một người nhà quê cũng chịu theo pháp luật như nhau”. Những khuyến nghị mạnh mẽ này chưa kịp hiện thực hoá thì cách mạng tháng Tám đã nổ ra. 6.2. Đẩy mạnh công cuộc dân chủ hoá đất nước Các hình thái dân chủ, các sinh hoạt dân chủ đã xuất hiện trong lịch sử nước ta còn sớm hơn cả ở rất nhiều nước phương Tây. Tư tưởng dân chủ, tinh thần thượng tôn pháp luật đã nẩy nở khá sớm và phát triển ngày một cao từ cổ đại, qua thời Bắc thuộc đến thời Pháp thuộc. Tiếc rằng, tất cả đã chựng lại sau Cách mạng tháng Tám và ngày càng suy thoái trong chế độ Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt Nam. Từ chỗ quyền sở hữu cá nhân được tôn trọng đến bị tước đoạt. Từ chỗ buôn bán, làm ăn được tự do đến ngăn sông, cấm chợ. Từ chỗ báo chí tư nhân cũng được phát hành đến cấm tiệt. Từ chỗ đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ… được xây dựng khắp làng bản, thôn trang, thị thành đến chỗ đây đó bị triệt phá tan hoang. Văn học hiện thực phê phán đang nở rộ hàng loạt tác phẩm nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… bị bóp chết. Các tổ chức xã hội tự do Hội Hướng đạo, Hội Ái hữu. bị giải tán… Luật pháp không những không tiếp tục được hoàn thiện mà bị phế bỏ! Trường Đại học Luật đã được thành lập hồi Pháp thuộc bị đóng cửa. Nhiều luật gia giỏi bị đối xử tồi tệ. Trong khi ngay từ thượng cổ La Mã Ciceron đã viết: “Chúng ta đều là nô lệ của luật pháp, vì thế chúng ta được tự do” và chính Karl Marx cũng thừa nhận “Bộ luật là kinh thánh tự do của nhân dân” thì Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh CB trong loạt bài lên án “Mỹ quốc là nước xấu”, tố cáo Mỹ không có dân chủ vì ban hành quá nhiều đạo luật. Chính từ đấy, ở Việt Nam đã hình thành một quan niệm phổ biến rất kỳ lạ: không luật pháp, không kỷ cương, là dân chủ. Cho nên, thấy người đi ngênh ngang giữa đường, bất chấp luật lệ giao thông người ta bảo dân mình được tự do quá trớn. Phóng uế bừa bãi nơi công cộng cũng là được tự do quá trớn. Trong hội nghị, không tôn trọng quyền điều khiển của chủ tọa, cứ hăng lên là ầm ào như chợ vỡ, người ta bảo dân mình được dân chủ quá trớn. Học trò bất chấp nội quy học đường, con cái nói năng trống không với ông bà, cha mẹ, cũng bảo là dân mình được dân chủ quá trớn… Cứ như là ân huệ của Đảng, của cách mạng ban cho bị lạm dụng. Điều 1 Hiến pháp 1946 có ghi: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giồng, gái trai, giầu nghèo, tôn giáo”, và Điều 10 tuyên bố: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Nhưng hiến pháp cứ bị sửa đổi theo hướng mỗi lần càng thiết chặt các quyền tự do và, nền dân chủ Việt Nam từ đấy cứ thế xuống cấp dần. Cho đến khi Lê Duẩn tuyên bố: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản” (Điều 2 Hiến pháp 1980) thì nền dân chủ cộng hòa vốn rất èo uột cũng bị khai tử nốt. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phải thú nhận với một nhà cách mạng lão thành Pháp: “Độc lập đã giành được, thống nhất đã thành công, nhưng vấn đề dân chủ vẫn nguyên vẹn, chưa được giải quyết”. Không có dân chủ nên mặc dù “độc lập đã giành được, thống nhất đã thành công”, mặc dù đã được yên hàn kiến thiết trong hòa bình nhưng đất nước cứ thế ngày càng lụn bại. May sao, nhờ hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, sau Đại hội VI, Việt Nam từ bỏ nền kinh tế kế hoạch tập trung, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, ngã theo kinh tế thị trường. Mặc dù Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã hô hào cởi trói cho văn nghệ, mặc dù đường đã rộng gấp mấy lần tám thước, mặc dù đã lác đác những ngôi nhà cao hơn chục tầng… nhưng dân chủ cho nhân dân thì vẫn chỉ nhỏ giọt rất dè xẻn. Mấy năm gần đây người ta mới như nhứ ban bố chủ trương “dân chủ ở cơ sở”. Tại sao lại chỉ được dân chủ ở cơ sở? Tại sao lại chỉ cần dân chủ ở cơ sở? Đây là một đường lối, một biện pháp khoa học hay chỉ là một thủ đoạn lừa mỵ? Phải chăng người ta muốn các thần dân cứ tha hồ đấu đá, cãi cọ, phê phán nhau ở phía dưới. Chỉ có địa phương sai, chỉ có địa phương làm bậy, trung ương bao giờ cũng đúng, cũng anh minh, Đảng bao giờ cũng sáng suốt. Cho nên cán bộ địa phương mới chỉ vơ bèo gạt tép được ít đòng đong cân cấn thì bị bà con xô vào móc họng ra mà quên những con mèo núc ních trên kia đang tha lôi hàng thúng cá bự. Mấy vị quan chức Thái Bình bớt xén từ đường, trường, trạm ra xây được mấy cái nhà mái bằng, mua được vài chiếc xe máy thì ăn nhằm gì so với những biệt thự được “phân phối” bán đi kiếm hàng chục nghìn cây vàng, những chiếc xe hơi biếu tặng trị giá hàng tỷ đồng. Chữ cơ sở ở đây mới thật mơ hồ làm sao. Chẳng nhẽ phải chỉ đạo dân chủ hóa xong ở xóm rồi mới lên thôn, rồi mới lên xã, rồi mới lên huyện, rồi mới lên tỉnh… Thế thì bao nhiêu thế hệ nữa cho xong. Mà dù có dân chủ hóa xong ở tất cả các cơ sở thì nước ta vẫn là một nước không dân chủ. Trong khi, nếu có dân chủ ở trung ương, ở cấp quốc gia thì lập tức có dân chủ ở tất cả các cơ sở. Đấu tranh thiết lập lại truyền thống dân chủ và dẩy mạnh công cuộc dân chủ hóa đất nước là yêu cầu hết sức bức thiết, là nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả của mọi người dân Việt Nam ngày nay. Sự nghiệp này có thể được tiến hành bằng những phương thức đa dạng dựa trên hai kịch bản:
Kịch bản thứ hai nếu diễn ra sẽ hết sức đau lòng. Đảng CSVN sụp đổ sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực nguy hiểm, cơn chấn động chính trị từ đây sẽ kéo dài không biết đến bao giờ. Khác với Liên Xô và Đông Âu, ở Việt Nam, do những lỗi lầm hết sức tai hại qua các vụ Nhân văn - Giai phẩm, qua cải cách ruộng đất, qua cuộc chiến Nam Bắc tương tàn với hàng vạn hồn oan Mậu Thân, hàng triệu vong linh tức tưởi dưới lòng biển trên đường vượt biên và trong các trại cải tạo… đã gây nên ngàn, triệu nỗi hờn oán. Những oán hờn này là thực tế và chính đáng. Tuy nhiên, mọi oán hờn ấy cần nên được tiêu tan bằng hòa giải, bằng cảm thông, bằng đền bồi ở mức có thể nhất đặng hòa hợp vì lợi ích chung và vì tương lai dân tộc. E rằng, hiện vẫn lấp ló đâu đó hàng loạt thế lực cơ hội ở trong và ngoài nước, khi có điều kiện sẽ bừng bừng trỗi dậy, khó bề kiểm soát, vì thù hận, vì hám quyền lực và danh vọng bất chính… Cơn chấn động chính trị dù được may mắn kết thúc nhanh chóng do bỗng nhiên xuất hiện một hiền tài thực sự, một anh hùng kiệt xuất thì đất nước chắc là vẫn khó tránh khỏi tan hoang với đầm đìa máu và nước mắt, mà, nhân dân mình thì đã vừa phải nếm trải không biết bao nhiêu gian nan, tang tóc suốt bao năm trường rồi. Hãy đồng lòng hiệp sức, bằng sự suy xét minh mẫn, bằng tài thao lược, ý chí ngoan cường và lòng bao dung nhân ái tạo tình thế thuận lợi cho kịch bản thứ nhất. Kịch bản thứ nhất sẽ được diễn tiến hòa bình với những chủ trương và hành động như sau:
Trên đây không phải là một lộ trình mà chỉ là phác thảo chủ trương hành động. Không có các bước tuần tự tách biệt mà là một liên hoàn được vạch ra theo thứ tự ưu tiên nhằm dắt dẫn công cuộc dân chủ hóa Việt Nam được đẩy mạnh một cách hòa bình và hữu hiệu. * Dân chủ là dân mạnh, nước giầu, là tư do, bình đẳng, công bằng, là xã hội văn minh. Đấu tranh vì sự nghiệp đẩy mạnh công cuộc dân chủ hóa đất nước tất gian khó, thậm chí phải hy sinh nhưng đấy là nghĩa vụ không thể thoái thác đối với tổ quốc, với nhân dân. Chúng ta đã từng xả thân vì cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cuộc cách mạng dân chủ này còn thiêng liêng, cao cả hơn. Nụ cười rạng rỡ của tổ quốc Việt Nam dưới ánh ngời dân chủ sẽ là vinh quang, là phần thưởng vô giá cho tất cả những ai đang vững bước tiến lên trong ngọn trào dân chủ. Hà Nội, Xuân Bính Tuất
|