Suy Ngẫm Với 50 Năm Nhân Quyền

 

Tôi lẩn thẩn thử lật qua mấy cuốn tự điển bách khoa nước ngoài có trong giá sách riêng, sách Mỹ của Webster, sách Nga của Prokhorov vv... không tìm được một định nghĩa về nhân quyền. Riêng cuốn "Từ điển tiếng Việt" do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội của Việt Nam ấn hành thì dám mạnh dạn giải thích : "nhân quyền : những quyền lợi căn bản của con người như quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại... " Lẽ ra, vấn đề là đơn giản nhất, minh bạch và có thể khúc chiết một cách đơn giản đến vậy. Bởi vì, như chân lý,"nhân quyền là nền tảng cho sự hiện hữu và đồng tồn của nhân loại"(1),"là trọng tâm của tất cả những gì mà Liên Hiệp Quốc đang ước vọng đạt được trong hòa bình và phát triển"(1).

Ðã vừa tròn nửa thế kỷ từ cái buổi bản tuyên ngôn chung đầu tiên của toàn nhân loại "Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền", được Liên Hiệp Quốc chính thức công bố tại điện Chaillot uy nghi, giữa thủ đô Paris tráng lệ của nước Cộng hòa Pháp. Qua 50 năm, Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền đã thấm nhiễm vào hiến pháp của nhiều nước đến mức ngôn từ của nó đôi khi được lặp lại y nguyên trong các văn bản ấy. Từ chỗ có những nhà lãnh đạo quốc gia còn cho rằng ngay cả Liên Xô, Trung Quốc cũng chỉ giả vờ ủng hộ nhân quyền cốt để tranh thủ viện trợ của Mỹ và đối phó với sự chống đối của những người cộng sản, đến chỗ ngày nay tính toàn cầu của nó có thể "dựa trên nền tảng sự chấp thuận chính thức của 185 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc"(1).

Nhiều chương trình hành động đã được Liên Hiệp Quốc quan tâm tổ chức xây dựng, trong đó chương trình lớn nhất với 100 điểm cụ thể ghi trong "Tuyên Ngôn Vienna và Chương Trình Hành Ðộng" đã được đại diện 171 nước tham gia hội nghị nhất trí thông qua và công bố ngày 25 tháng 6 năm 1993. Một hệ thống đồ sộ các công cụ pháp lý chứa đựng trong hơn 70 văn bản quốc tế về nhân quyền cũng đã lần lượt được ban hành để tạo điều kiện thực thi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhằm bảo vệ hữu hiệu quyền con người.

Vậy mà đâu đó người ta vẫn ra sức ngụy biện quanh co để chối bỏ ở mức độ này hay mức độ khác, dưới hình thức này hay hình thức khác, những khát vọng ngàn đời thiêng liêng đó của nhân loại. Nếu trước đây ở toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhân quyền cũng như chủ nghĩa nhân văn, đều bị coi là những biểu hiện của tư tưởng tư sản phản động thì ngày nay tinh tế hơn, người ta bám chặt và thổi phồng hết cỡ tính đặc thù, thậm chí dị biệt của nhân quyền. Họ thích thú tô vẽ và lợi dụng triệt để cái gọi là những giá trị châu Á mà nội dung cơ bản là tính an phận, sự cam chịu và rất kiêng dè sự oán trách của người dân (tại bang vô oán, tại gia vô oán) ; là tinh thần coi nhẹ cá nhân, sẵn sàng quên mình cho nhân quần, xã hội mà biểu hiện khốn khổ là đức xả thân vì một triều chính, một đấng thiên tử (thành liền mong tiến bệ rồng) ; là sự phụng mệnh mù quáng, vô điều kiện (dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi : Có thể làm cho dân theo con đường của ta, không thể làm cho họ biết đó là cái gì).

Bản tuyên ngôn gồm tới 30 điều khẳng định các quyền tự do bình đẳng của con người, bảo vệ công cuộc đấu tranh vì phẩm giá con người, nhưng họ chỉ muốn đánh lạc hướng bằng cách tập trú vào điều 29, nhấn mạnh bổn phận của con người đối với cái mà họ gọi là cộng đồng. Họ chủ trương làm con đà điểu rúc đầu xuống cát để như là không hề nghe thấy lời hiệu triệu thiết tha trong bài diễn văn vang động của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đọc tại Ðại học tổng hợp Teheran ngày 10 tháng 12 năm 1997 : "Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người". Họ tuồng như không đếm xỉa đến những quy ước quốc tế này : "Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ quát, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Cộng đồng quốc tế phải xử lý các quyền con người theo phạm vi toàn cầu một cách công bằng và bình đẳng và được coi trọng như nhau... các quốc gia không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa có nghĩa vụ đề cao và bảo vệ tất cả các quyền con người và quyền tự do cơ bản"(2).

Chỗ này người ta mơ hồ khẳng định : "Ðối với bất kỳ một nước đang phát triển nào, vấn đề phát triển kinh tế là quyền con người quan trọng nhất"(3) ; chỗ kia người ta tuyên bố điều kiện tiên quyết, tối thượng và quán xuyến toàn bộ của nhân quyền chỉ là chủ quyền (cho nên Hiến Pháp nước ta mới gói gọn quyền con người của Việt nam vào quyền công dân!).

Vâng, độc lập dân tộc là một trong những quyền quan trọng bậc nhất đối với con người. Nhưng, nó không phải là quyền quyết định tất cả....

... Có người khi khảo luận bản Tuyên ngôn Ðộc lập nước ta đã nêu lên : "cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã gắn liền hai khái niệm quyền dân tộc thiêng liêng và quyền cơ bản của con người lại với nhau"(4). Thiết tưởng chỉ cần đọc lại lời dự cảm trên kia cũng thấy dẫu đã từng có thật ý tưởng "gắn liền hai khái niệm quyền dân tộc thiêng liêng và quyền cơ bản của con người lại với nhau" thì chắc chắn cũng không thể nào đồng nhất hay nhất thể hóa hai phạm trù ấy được. Cũng không hề có chuyện "gắn liền" "độc lập của dân tộc" với "tự do của con người", "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phất cao ngọn cờ bảo vệ nhân quyền chân chính, vì các quyền dân tộc cơ bản của con người, ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội"(4). (Xin lưu ý: trong Tuyên ngôn độc lập mồng 2 tháng 9, không hề có một chữ nào đả động đến Mác-Lênin hay Chủ nghĩa xã hội). Trên báo chí nước ta nhân dịp này thấy xuất hiện một thuật ngữ mới mẻ : "nhân quyền chân chính".

Không biết rồi đây có ai định nghĩa nổi cái thuật ngữ này không. Bởi vì, nếu có thì chỉ riêng định nghĩa đó cũng xứng đáng được trao học vị trên tiến sĩ và... có thể nhận được giải thưởng Nobel. Nhưng, e rằng đây cũng chỉ là sự đóng góp tích cực để làm phong phú thêm cái kho tàng giảo ngữ có riêng ở những nước như nước ta. Nó cũng giống các cụm từ siêu bí ẩn : "cạnh tranh lành mạnh", "tài sản xã hội chủ nghĩa", "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" vv... Chương trình hành động Vienna 1993 gồm tới 100 điểm đã được xây dựng trên cơ sở quan hệ ba chiều giữa luật pháp, cơ chế thực hiện và thông tin, giáo dục, hơn 70 văn bản quốc tế đã bổ sung và chi tiết hóa cho Tuyên ngôn Nhân quyền 1948. Cứ thực hiện đầy đủ, nghiêm túc đi, đừng trí trá thì mặc nhiên sẽ có nhân quyền chân chính.

Không khéo rồi đây người ta sẽ còn sáng tác ra một khái niệm nữa : "nhân quyền xã hội chủ nghĩa" (dám lắm, bởi vì đã có khái niệm dân chủ xã hội chủ nghĩa - gấp triệu lần dân chủ thông thường rồi !) để làm mạnh thêm vũ khí chống lại cái gọi là chiến lược áp đặt các giá trị nhân quyền phương Tây cho nước này nước nọ.

Thế nào là nhân quyền phương Tây ? Thế nào là can thiệp vào công việc nội bộ của nhau ? Chẳng nhẽ nhân loại có thể cầm lòng bỏ qua thảm trạng tàn sát hàng trăm, hàng nghìn người trong tay không có vũ khí chính là đồng bào, đồng chí họ ngay giữa quảng trường Thiên An Môn hay sao ? Chẳng nhẽ quốc tế không được lên tiếng phản đối những vụ vô đạo đàn áp bao nhiêu trí thức tiên tiến trong "Nhân Văn Giai Phẩm", trong cái gọi là "Nhóm Xét Lại Chống Ðảng", những phiên tòa quái dị xử phạt nhà báo Nguyễn Hoàng Linh 12 tháng 13 ngày tù giam (thời buổi tin học có khác, hẳn là các nhà chấp pháp của ta sử dụng nhiều máy tính điện tử lắm, hy vọng rồi đây mức độ công minh của các phiên tòa sẽ còn được thể hiện trên các bản án chính xác đến từng phút từng giây) mới đây, hay những phiên tòa đầy ẩn ức đối với Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang v.v... trước đây; những nghị định vi hiến như 31/CP đang cho phép giam lỏng vô tội vạ những nhà văn, những chiến sĩ cách mạng như Bùi Minh Quốc,Tiêu Dao Bảo Cự ... hay sao ? Và, nếu những chí nguyện quân ngoan cường, dũng cảm của chúng ta ào ào xông sang giúp nước láng giềng Campuchia, "dạy cho bọn Khmer Ðỏ một bài học" rồi rút quân về ngay thì liệu quốc tế có lên án gay gắt và cô lập ta đằng đẵng đến thế không ?

Con người có một tệ trạng là hễ có quyền thế mà quyền thế đó không bị kiểm soát, kiểu như trong chế độ toàn trị, thì thường dễ lạm dụng quyền lực để trở thành độc đoán, tàn bạo, đôi khi mất hết nhân tính đến mức hung thần.

Chợt nhớ Lê Anh Xuân, anh bạn đồng môn một thuở của tôi, rời khoa sử trường Ðại Học Tổng Hợp Hà Nội vào chiến trường Miền Nam, bỗng sững sờ nức nở trước thi hài một em bé : "Sao em chết mà ta còn sống ? Ta đang nghe máu động trong tim". Vậy mà, Mao Trạch Ðông nói với Jawaharlal Nehru: " Bom nguyên tử chẳng có gì đáng sợ. Trung Quốc có nhiều người. Họ không thể dội bom chết hết được. Và nếu người ta dùng bom nguyên tử thì chúng tôi cũng làm được như vậy. Chết mười hay hai mươi triệu người thì có gì đáng phải sợ". (Cái "tư tưởng Mao Trạch Ðông" này thấm nhiễm vào bọn Khmer Ðỏ sâu sắc đến mức xui chúng cầm cuốc đập vỡ sọ hàng triệu đồng bào mình mà chẳng có gì phải động lòng, miễn là xây dựng được chủ nghĩa cộng sản ở Campuchia !). Thế mà có chính trị gia nổi tiếng như ngài Lý Quang Diệu lại cao giọng tuyên truyền : "Tôi cho rằng tiêu chuẩn của nhân quyền khác với việc lấy dân chủ làm hình thức chính quyền"(5), rằng : " Chính phủ tốt quan trọng hơn dân chủ, nhân quyền"(5). Sao lại nói ngược vậy ?! Một chính quyền không được hình thành theo thiết chế dân chủ (kiểu như chính quyền quân sự thoán đoạt ở Mianmar hiện nay) thì tức là đã vi phạm nghiêm trọng một trong những tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 : " Ý chí của nhân dân là nền tảng quyền uy của các quyền lực công cộng, ý chí đó phải đựơc thể hiện bằng các cuộc bầu cử trung thực được tổ chức đều kỳ, theo chế độ bỏ phiếu phổ thông bình đẳng..." (Ðiều 21). Một chính phủ tốt dứt khoát phải là một chính phủ bảo đảm thực thi tối đa dân chủ, nhân quyền. Nói cách khác, phải căn cứ vào thái độ đối với vấn đề nhân quyền toàn cầu và việc tổ chức xã hội để quảng đại nhân dân nước mình được hưởng các quyền con người ngày càng cao mà đánh giá một chính phủ. Không có chính phủ nào được xem là quan trọng hơn dân chủ và nhân quyền. Không được xem chính phủ nào là quan trọng hơn dân chủ và nhân quyền cả!

Ðóng cửa lại thì bất cứ ông bố nào cũng có thể quát lớn : "Tao là người chủ gia đình tài giỏi, đức độ nhất". Càng nát rượu mắt càng trợn trừng, quát càng to hơn và vợ con càng không dám ho he. Ðóng cửa lại thì chính phủ nào cũng mặc sức đổ tiền, đổ của tạo ra những bộ máy tuyên truyền khổng lồ, giáo huấn để nhồi nhét vào đầu óc, ruột gan người dân hàng đống mỹ từ tô vẽ cho được cái khẩu ngữ ưu việt của chế độ do họ nặn ra. Những đầu óc thông thái không cam tâm chịu lĩnh hội thì đã có gươm kề cổ, súng kề tai uy hiếp. Chẳng thế mà, bạo ngược như Saddam Hussein, đang tâm tàn sát dã man cả anh em họ hàng, đày đọa một đất nước đang từ giàu có với mức thu nhập bình quân đầu người ở hàng cao trên thế giới vào lầm than, cơ cực ; kinh dị như Fidel Castro, dìm cả quốc đảo Cuba xinh tươi, đầy khí thế (khi bắt đầu gia nhập làm thành viên thứ 12 của phe xã hội chủ nghĩa, Cuba có đời sống xã hội đứng tầm trên trong các nước anh em, La Havana là thành phố nổi tiếng hoa lệ trên thế giới) vào cảnh tiêu điều, khốn khó. Vậy mà nhân dân vẫn bị cưỡng bức phục tùng, mê hoặc cúi đầu tôn thờ bọn họ !

Làm sao nhân loại đang tâm ngoảnh mặt làm ngơ cho được ? Màu da dù khác nhau thì vẫn chung sắc máu chứ. Cho nên khi nghe Baghdad bị tên lửa Anh-Mỹ tấn công, khi quá nao lòng trước lệnh cấm vận lê thê đối với Cuba, người ta càng thương những phụ nữ trẻ em ở các nước này bao nhiêu thì càng căm ghét, khinh bỉ những kẻ cầm quyền độc tài tham quyền cố vị bấy nhiêu.

Hãy cùng nhớ lại, ngay từ thế kỷ 13, Sadi - nhà thơ lớn vùng Ba Tư - đã tha thiết nhắn nhủ : "Khi thế giới làm một kẻ đau khổ thì những kẻ khác cũng không yên. Những ai bàng quan trước đau khổ của kẻ khác đều không đáng được gọi là người"!

Nhân dân thế giới chớ nản lòng trước những lời lăng mạ đê hèn của các chính phủ hủ bại chủ trương bưng bít để thả sức tự do áp bức đồng bào mình và vì thế luôn sẵn sàng lu loa dựng chuyện tố cáo nguy cơ "can thiệp vào công việc nội bộ" dưới chiêu bài giương cao ngọn cờ chủ quyền dân tộc.

Thật ra nhân loại đã cảnh giác trước những trò tháu cáy này từ lâu rồi. Bởi thế một trong những yêu cầu bức bách của sự ra đời bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789 đã được ghi ngay trong lời mở đầu là để ngăn ngừa "tệ hủ bại của các chính phủ". Trước đó, Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ 1776 cũng đã đề cập : "... khi một hình thức chính phủ nào đó trở nên đối nghịch với các mục đích trên (về nhân quyền) thì nhân dân có quyền thay đổi, hay phế bỏ chính phủ đó..." và "... khi một loạt dài các hành vi lạm quyền và cướp đoạt quyền lực cùng theo đuổi một mục tiêu nhằm cưỡng bách mọi người sống dưới một chế độ chuyên chế tuyệt đối, thì lúc đó mọi người có quyền và có bổn phận phải phế bỏ một chính phủ như vậy và đưa lên những người bảo vệ mới cho an ninh tương lai của mình".

Ông Butros Butros Ghali khi đang trong cương vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, trong bài diễn văn đọc trước Hội Nghị Nhân Quyền Vienna 1993 cũng từng kêu goi : "Mỗi quốc gia phải là người đảm bảo tốt nhất cho các quyền con người...", "vấn đề hành động quốc tế cần phải được đặt ra khi các quốc gia tỏ ra không phù hợp với nhiệm vụ này, khi họ vi phạm những nguyên tắc cơ bản đã được đề ra trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc".

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong bức thư gửi các đại biểu dự Hội Thảo Quốc Gia nhân kỷ niệm 50 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tại Hà Nội có những ý hay khi ông khẳng định như một mệnh lệnh : "Bảo vệ và phát triển quyền con người không phải chỉ là một nhiệm vụ lớn hiện nay mà chính là lý tưởng phấn đấu của những người cộng sản". Ông tỏ ra có lý khi ôn lại truyền thống : "... ông cha ta vẫn mong muốn "lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo", lúc chiến thắng thì rộng lượng khoan hồng, khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, sống hữu nghị, thân ái với các dân tộc khác". Cho nên khi ông viết : "Dân tộc ta... rất sáng tạo trong việc sử dụng pháp luật và các cơ chế tập quán để quản lý nhà nước và xã hội" thì tôi muốn hiểu ông nhận thức được rằng một dân tộc thông minh, tài trí như dân tộc ta, nhất định có đầy đủ khả năng xây dựng các bộ luật công minh, hợp nhân tình thế thái cùng những cơ chế pháp định tương thích bảo đảm thực thi nghiêm túc mọi điều luật của nước nhà, chứ không phải là chủ trương sáng tạo một cách biến hóa trong việc sử dụng pháp luật và các cơ chế, tập quán để quản lý nhà nước và xã hội theo ý đồ của một cá nhân, một tập đoàn nào.

Hãy sáng suốt kiên định, ngoan cường đấu tranh bảo vệ và phát triển nhân quyền, bất chấp mọi uy hiếp, ngăn trở của bất cứ thế lực nào. Và, như phép mầu tất yếu của luật nhân quả, nhân quyền sẽ trở che, nâng cánh ta.

Hà Nội tháng 12 năm 1998
Nguyễn Thanh Giang


Ghi chú:
(1) Kofi Annan - "Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới Về Nhân Quyền Soi Sáng Tính Ða Nguyên Và Ða Dạng Toàn Cầu", phát biểu tại Ðại học Tổng hợp Teheran, 10-12-1997.
(2) "Tuyên Ngôn Vienna Và Chương Trình Hành Ðộng" - Ðiều 5
(3)Lưu Hoa Thu - Bài phát biểu tại hội nghị Nhân quyền Quốc tế, Vienna 1993.
(4) Ngô Bá Thành - "Tuyên Ngôn Ðộc Lập Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh Và Những Ðóng Góp Cho Luật Pháp Quốc Tế Về Quyền Con Người", báo Nhân dân 10-12-1998.
(5) Lý Quang Diệu - "Tuyển Tập Chính Luận", nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội.