Sao chính quyền ta lại tuỳ tiện chà đạp người dân

 

“…Người dân xứ mình quả chỉ như con ong cái kiến. Không cần trình giấy tờ, không có lệnh của chính quyền, không rõ lý do vì sao, chỉ một người tự xưng công an ra lệnh cũng đành đóng cửa hàng, mất cả làm ăn…”

Gần hai chục năm nay, tôi kiên trì và nhẫn nhục làm nhiệm vụ của một công dân trí thức đối với đất nước tôi, nhân dân tôi. Tôi đã không làm được gì hơn, mà chỉ là, phát biểu ý kiến bằng thư riêng lên các cấp lãnh đạo hoặc qua các bài viết. Những bài viết này dạo đầu thường được đăng trên trang nhất báo Nhân Dân. Ngoài những bài viết rời rạc chưa được tập hợp, non trăm bài đã được in trong các tập: “ Khát vọng ngàn đời ”, “ Suy tư và Ước vọng ”, “ Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam ”.

Đọc tất cả những bài viết ấy, ai cũng thấy biểu hiện một tấm lòng thành, thực sự muốn giãi bầy, muốn đóng góp một cách hiền hòa, chân thực cho quốc kế dân sinh. Hầu như không ai thấy sự quá khích, sự chát chúa, sự phạm thượng trong các bài viết của tôi. Nhiều người nhận xét rằng, bây giờ nhiều bài viết của các lão thành cách mạng, các trí thức lớn, kể cả các chức sắc đương nhiệm … được đăng chính thức trên các báo, các tạp chí của Đảng hiện nay đã rất giống những bài tôi viết cách đây hơn chục năm. Có người cho rằng tôi chỉ có mỗi cái tội nói sớm, nói trước, nhưng nhiều người khác cho rằng nếu lúc ấy chúng ta tạo điều kiện cho nhiều ý kiến như vậy phát biểu và Đảng, Chính phủ biết lắng nghe trân trọng thì đâu đến nỗi đất nước chúng ta, không những tiếp tục tụt hậu mà còn đang rơi vào khủng hoảng thảm hại như hiện trạng.

Vậy mà người ta nỡ nào đầy đọa tôi thảm khốc và dai dẳng … cho đến tận bây giờ !

Ba lần khám nhà, tịch thu tài liệu, máy vi tính, máy photocopy. Sáu lần bắt bớ, tra vấn.

Rồi tù biệt giam; rồi đấu tố; rồi tông xe gây gổ; rồi tổ chức trẻ em ném đá vào nhà và cho bọn đầu gấu xưng danh thương binh xông vào nhà hành hung; rồi tung dư luận và thuê bồi bút viết bài đăng báo xuyên tạc, thoá mạ, lăng nhục; rồi hăm dọa bắt mọi người tuyệt giao để cô lập, để vây hãm, để bỏ tù tôi giữa xã hội ….

Ngày 28 tháng 5 năm 2006, tôi vào Saigon đưa tang bà chị vợ tôi. Đã lâu, không có dịp đi xa, tôi dành 12 ngày cho chuyến đi này để thăm thú và gặp gỡ không chỉ bà con họ hàng mà cả một số bạn bè Miền Nam tại Saigon, Huế, Quảng Ngãi. Ngoài các bạn học và bạn công tác cũ, tại Saigon, tôi có đến thăm cụ Nguyễn Hộ. Cụ Nguyễn Hộ tuy đã 90 tuổi, tai hơi nặng nhưng tất cả những gì tôi nói về tình hình thế giới, trong nước cụ đều tiếp thu được một cách thích thú. Cụ rất hoan hỷ khi biết bức tranh siêu thực do cụ vẽ tặng tôi trong lần thăm cụ cách đây dăm năm dã được tôi đặt tên là bức tranh “ Đa nguyên ” và vẫn được treo rất trang trọng trong nhà tôi ở Hà Nội. Sau khi mời cơm, cụ bảo người con gái tên là Nguyễn Hồng Vân đưa tôi đến nhà cưu thủ tướng Võ Văn Kiệt ở số 16 Tú Xương. Tíếc rằng ông Kiệt vắng nhà.

Nhà báo Lê Phú Khải mời tôi đến nhà ăn tối, và một tối khác, nhà văn Trần Mạnh Hảo tự lái xe đưa chúng tôi chiêu đãi tại nhà hàng Thiên Thai rất sang trọng ở đường Cách mạng Tháng Tám.

Trưa 29 tháng 5 năm 2006 tôi mời anh Lũ Phương, mục sư Nguyễn Hồng Quang, mục sư Phạm Ngọc Thạch, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Chính Kết ăn trưa tại một nhà hàng gần trung tâm thành phố. Gần 12 giờ đêm hôm đó, bỗng chuông gọi cửa nhà em vợ tôi dồn thúc. Bốn người xộc vào nhà : một công an thường phục, một công an sắc phục cùng hai cán bộ dân phố ập vào. Họ không chỉ đòi kiểm tra sổ hộ khẩu mà còn đòi khám xét từng phòng. Bà mẹ vợ tôi ngủ ở tầng 2 cũng bị dựng dậy. Tôi không nén nổi bục tức nên từ tầng 3 bước xuống quát lớn:

- Các anh định tìm Nguyễn Thanh Giang phải không ? Tôi đây !
- Chúng tôi đi kiểm tra hộ khẩu
- Thiếu gì lúc kiểm tra. Sao giữa đêm vào lục soát nhà dân tùy tiện thế này. Sao quấy nhiễu cả một bà già gần 90 tuổi đang trong cảnh tang gia bối rối thế này. Các anh không thấy thế là dã man sao? Các anh định đe dọa hay dằn mặt tôi thì cũng nên chừa bà cụ này ra chứ. Các anh biết bà ấy là ai không ?
- Kiểm tra hộ khẩu là việc làm bình thường của chúng tôi.
- Không thể xem thế này là bình thường được.Không có nước nào “bình thường” kiểu như thế này cả. Không nước nào xem người dân như cỏ rác, muốn khám xét lúc nào cũng được, muốn hoạnh hoẹ lúc nào cũng được. Thế này là một chính quyền man rợ.

Đêm ấy hầu như chúng tôi mất ngủ. Mấy ngày sau giọng tôi vẫn còn khản đặc.

Hôm sau tôi phải rủ Đỗ Nam Hải, Nguyễn Chính Kết đi thăm bác sỹ Nguyễn Đan Quế rồi đến thắp hương tại khu lăng mộ Phan Châu Trinh cho tinh thần được dịu đi đôi phần.

Bẩy giờ sáng ngày 4 tháng 6 năm 2006 tôi đáp máy bay ra Huế dự Festival. Vừa nhận phòng khách sạn xong, một giáo dân đến đón tôi đi găp linh mục Nguyễn Văn Lý và linh mục Phan Văn Lợi. Tôi vừa vào đến Tu viện Phú Cam thì 2 công an đi xe máy và sau đó là một ôtô xông vào. Nhưng, cửa đã đóng. Trò chuyện với 2 linh mục được khoảng 2 tiếng đồng hồ thì tôi phải trở về khách sạn.

19h30 tối hôm đó cuộc hàn huyên giữa 3 chúng tôi cùng với Đỗ Nam Hải và Nguyễn Chính Kết lại được tiếp tục tại khuôn viên nhà thờ Phú Cam. Công an vây vòng trong vòng ngoài và buộc một giáo dân đến đuổi chúng tôi ra.

Sự thực là tôi không có âm mưu gì xấu xa. Gặp gỡ anh em ở Saigon chỉ để thăm hỏi nhau. Đến Huế, gặp linh mục Nguyễn Văn Lý thì có chút việc. Số là, linh mục Nguyễn Văn Lý đã 3 lần gọi điện thoại ra Hà Nội vận động tôi đứng ra làm đại diện toàn quốc cho “Khối Dân chủ 8406”. Khối này được hình thành sau
Tuyên ngôn Tự do Dân chủ với 118 chữ ký ra đời ngày 8 tháng 4 năm 2006. (Nay đã có hàng ngàn chữ ký gia nhập từ trong nước và hàng vạn chữ ký từ nước ngoài). Cả 3 lần tôi đều từ chối vì lý do tuổi tác và một vài lý do tế nhị khác. Qua điện thoại, nói không hết ý được, tôi muốn gặp trực tiếp để giãi bầy tường tận cùng các linh mục.

13h30 chiều ngày 5 tháng 6 năm 2006, tôi vào một cửa hàng internet gần khách sạn để xem thư điện tử từ các nơi gửi đến. Tôi đọc chưa được nửa bài của ông Huỳnh văn Tiểng phản đối ông Hoàng Minh Chính tuyên bố phục hoạt Đảng Dân chủ Việt Nam thì chủ cửa hàng đến bảo có công an gọi điện thoại đến yêu cầu tôi tắt máy. Tôi bảo: công an nào mà ra lệnh vô lý vậy, rồi cứ thế tiếp tục làm việc của mình. Chuông điện thoại lại reo. Chủ cửa hàng đề nghị tôi ra nghe điện thoại. Tôi cầm máy nói: “ Alô ! tôi, Nguyễn Thanh Giang đây. Anh là công an phải không ?”. Đầu dây bên kia cúp máy. Tôi lại quay lại với chíếc computer. Mấy phút sau, hàng chục công an ầm ầm kéo tới, đứng vòng trong, vòng ngoài. Một người xông vào bóp mạnh vai tôi lôi ra.

-Anh là ai mà vô lễ và thô bạo thế này ?
-Tôi công an đây. Ông không được đọc tài liệu xấu.
-Ai bảo anh đây là tài liệu xấu. Giấy tờ xác định đâu, quyết định của chính quyền đâu ?
-Tôi là chính quyền đây !
-Chính quyền nào lại hàm hồ như anh. Anh là một công an tồi.

Cuộc đôi co quyết liệt khiến mọi người vây quanh ngơ ngác. Cuối cùng họ ra lệnh cửa hàng phải đóng cửa. Tôi đề nghị cửa hàng cho thanh toán. Cửa hàng chỉ đòi một ngàn. Tôi xin thanh toán nhiều hơn để được bù lại những thiệt thòi cho cửa hàng. Hình như sau cuộc đối thoại, họ đã hiểu ra và từ chối nhận tiền của tôi với ánh nhìn rất thiện cảm.

Người dân xứ mình quả chỉ như con ong cái kiến. Không cần trình giấy tờ, không có lệnh của chính quyền, không rõ lý do vì sao, chỉ một người tự xưng công an ra lệnh cũng đành đóng cửa hàng, mất cả làm ăn. Có chế độ nào tàn ác hơn thế nữa không ? Có nơi đâu quyền con người dễ dàng bị công an chà đạp hơn thế nữa không ? !

Tôi gọi một Honda ôm chở đi tham quan Huế và đến một số địa điềm Festival. Sau gần 3 giờ hành trình Honda, tôi trả tiền xe ôm rồi ngồi nghỉ giải khát bên bờ sông Hương. Viên trung tá có mặt trong đám công an ở cửa hàng internet lúc nãy không biết từ đâu lập tức xuất hiện bên tôi. Anh này không lỗ mãng như mấy người đã xông vào cửa hàng. Anh ta cứ thế bám theo tôi lẵng nhẵng suốt từ bấy cho đến 22h15, khi tôi trở về khách sạn. Tôi phải miễn cưỡng chấp nhận một hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ.

Anh ta hầu như không biết gì về tôi, đến nỗi tôi phải giảng giải cho anh nghe vì sao anh phải làm cái việc anh đang làm. Tôi tóm lược một số nội dung cơ bản những bài viết của tôi và hình như anh nghe chăm chú để rồi đã ngộ được ra. Trước lúc chia tay, tôi nói :

- Bác cảm ơn cháu, nếu không phải vì một thái độ trân trọng thì cũng là một cư xử không đến nỗi tồi tệ của cháu đối với bác. Bác tin chắc sẽ có một ngày cháu nhớ lại buổi này với niềm cảm thương và tự hào về một con người đáng nhẽ các cháu không nên tham gia vào việc hành hạ bằng bất cứ hình thức nào.

Sáng hôm sau, tôi rủ Đỗ Nam Hải và Nguyễn Chính Kết đi xem đua voi ở Hồ Thuỷ Tiên. Ra khỏi khách sạn, phía bên kia đường đã thấy năm sáu công an ngồi canh chúng tôi. Khi chúng tôi vào cửa hàng ăn sáng, ngoài một số đứng bên kia đường, một công an trẻ xông thẳng vào cửa hàng ngồi ém sát bàn chúng tôi. Lên đến Hồ Thuỷ Tiên họ vẫn vòng trong vòng ngoài và cử mấy người đi sát chúng tôi, đứng sát chúng tôi, ngồi sát chúng tôi.

Nhà văn Hà Khánh Linh (tên thật là Nguyễn Khoa Như Ý, chị họ của Nguyễn Khoa Điềm) gọi môbai hẹn sau khi ở Hồ Thuỷ Tiên thì về ăn trưa tại nhà để có dịp thưởng thức tài mọn của một nữ sỹ xứ Huế. Bốn mươi phút sau chị gọi lại cho tôi, cáo lỗi : “ Công an Văn hoá đến đầy cửa nhà em rồi anh ạ. Đành hẹn dịp khác anh nhé ! ”.

Ba chúng tôi đành rủ nhau ra bờ Sông Hương ngồi nghỉ trưa. Công an lại vẫn vòng trong, vòng ngoài và hai cậu quen mặt vẫn áp sát bàn chúng tôi. Tôi khó chịu quá, thấy mình như một tên tù bị công an áp tải. Không nén nổi cơn giận dữ, tôi chỉ mặt hai cậu thét lên: “ Các cậu là công an đi theo dõi thì phải ở xa kia chứ sao lúc nào cũng áp sát vào như một cái đuôi bẩn thỉu đối với tôi thế này. Các cậu có cút ra xa kia không ! Đồ chó săn vô ý thức!”.

Sau cơn giận dữ cũng không kém phần vô ý thức của mình, tôi thấy mình vô lý. Họ có tỏ ra mẫn cán một cách u mê thật nhưng xét cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân thôi. Vấn đề là ai đã chỉ huy và bắt họ phải làm như vậy. Ai đã nhồi vào đầu óc họ sự thù hận tối tăm, đảo ngược đạo lý, lộn trái trắng đen. Ai đã thí cho họ mấy dồng lương chết đói (nhưng được tiếng là gấp đôi so với các ngành khác) để buộc họ phải trung với Đảng mà sẵn sàng chà đạp, tàn sát Con Người ?

14h ngày 6 tháng 6 năm 2006, ba chúng tôi rủ nhau đi Quảng Ngãi. Khi xe vừa chuyển bánh, một công an chạy theo đập vào vửa kính, giọng trọ trẹ : “ Đi nhé ! Bữa sau đừng đến Huế nữa nhé !”.

Ai dạy họ như thế nhỉ ? Đảng CSVN hay công an ? Sao họ cứ khăng khăng nhồi vào óc nhau rằng đất nước này chỉ là của họ, quê hương này chỉ là của họ? Chỉ họ mới có công đánh đuổi ngoại xâm và chỉ đảng CSVN của họ mới được độc quyền cai trị đất nước ! Họ không biết rằng khi chúng tôi đã lăn xả vào cuộc cách mạng, đã ôm súng lăn lê bò toài nơi thao trường … thì bộ trưởng của họ, tổng bí thư của họ chỉ mới biết mài đũng quần trên ghế nhà trường hay chăn trâu ngoài bãi.

Thế rồi, mặc chang chang trưa nắng, hai chiếc Honda của công an cứ thế bám theo ôtô của chúng tôi suốt non trăm kilomet, cho đến khi xe chúng tôi ra khỏi địa phận Huế.

Trời đầy họ, hay đảng CSVN đầy đọa họ !

Hồi tháng 12 năm 2005 vừa rồi cũng vậy. Nhớ nhau (nói chung chúng tôi bị cô lập nên thèm tình cảm bạn bè, đặc biệt là bạn bè cùng chí hướng), anh em Hải Phòng rủ tôi xuống chơi. Tôi đến hơi muộn trong khi toàn bộ “ cánh dân chủ Hải Phòng ” đã ngồi đợi tôi ở nhà một người tên là Vân Giang ở gần cảng Chùa Vẽ. Chúng tôi vừa ngồi vào bàn tiệc thì 2 công an mặc thường phục ập vào. Vì đã hẹn trước, chủ nhà đành mời họ cùng ăn. Họ ếm chúng tôi suốt buổi, khiến cho bữa cơm liên hoan không còn ý nghĩa gì. Cơm nước xong, tôi đành quyết liệt thẳng thừng đuổi họ đi để có được 45 phút thoải mái chuỵện trò trước khi chia tay.

Trong “cánh dân chủ Hải Phòng” có một cựu trung tá công an. Anh không cho tôi gọi xe mà trực tiếp đèo tôi bằng Honda để đề phòng bất trắc. Ra ngõ, quan sát phía bên trái, thấy mấy công an đang lố nhố trực sẵn, anh đèo tôi ngoặt về phía phải. Đầu đường phía phải cũng có mấy xe đuổi theo chúng tôi. Tôi vào thăm và trò chuyện với nhà văn Bùi Ngọc Tấn đến hơn một giờ đồng hồ. Ra về, vẫn gặp mấy anh công an kiên trì ngồi đợi ở một quán nước đầu ngõ !

Ở Hải Phòng, công an chỉ lẳng lặng theo giõi mà không sách nhiễu nên tôi thấy không nên phản ứng gì. Chỉ thắc mắc rằng sao họ thừa tiền, thừa cơm gạo, thừa phương tiện đến thế. Đất nước còn nghèo, trẻ em không đủ trường sở, người dân ốm không dủ thuốc chữa bệnh, vào bệnh viện phải nằm 2 người chọc chân vào mặt nhau trên một chiếc giường đơn … Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục, Bộ Giao thông Vận tải không có Trung ương uỷ viên trong khi quân đội và công an có tới 17 uỷ viên trung ương Đảng. Mặc cho giáo duc bê bối, mặc cho y tế xuống cấp, mặc cho tại nạn xe cộ giết người không kém gì đang có chiến tranh, họ ưu tiên tuỵệt đối nhân tài, vật lực cho quân đội và công an không phải vì lo bảo vệ tổ quốc mà để giữ chặt ngai vàng. Họ sẵn sàng tàn sát, sẵn sàng trấn áp, sẵn sàng đe dọa, sẵn sàng quấy nhiễu. Bất chấp luật pháp và Hiến pháp, bất kể lương tri và đạo lý.

Ôi cái đất nước Việt Nam muôn ngàn yêu quý và vô cùng khốn khổ của tôi ơi ! Biết đến bao giờ !

Sáu giờ sáng ngày 9 tháng 6 năm 2006 tôi từ Quảng Ngãi về đến nhà. Bắt đầu tư 7h30 sáng đó họ cắt cả môbai lẫn điện thoại cố định nhà tôi. Thân sinh tôi, 94 tuổi đang ốm liệt giường bất chợt cần gọi xe cấp cứu; con trai tôi rất cần điện thoại trong việc làm ăn. Hình như họ không chỉ muốn triệt hạ tôi !

Hà Nội 12 tháng 6 năm 2006
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung văn – Từ Liêm – Hà Nôi
Điện thoại : 5 534370