Sao chính quyền ta bây giờ lại sợ nhân dân đến thế

Một vài cán bộ công an muốn tỏ ra chân tình đã từng nói với tôi : “ Anh viết thì cứ viết nhưng chỉ nên gửi cho chúng tôi và các đồng chí lãnh đạo, không nên tán phát hoặc đưa lên internet ”.

 

Những bài tôi viết xong, trước đây tôi thường tức tốc đem đến tận văn phòng Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội …tự tay gửi ở các phòng văn thư. Sau đó, chờ đợi ít lâu rồi mới tán phát và đưa lên internet. Hơn một năm nay, vừa mệt mỏi vừa ngại ngần trước sự phiền toái đó, tôi đành chỉ gửỉ qua bưu điện hoặc bằng chuyển phát nhanh, hoặc bằng thư thường. Bài “ Nhìn nhận về đa cực hoá thế giới ” viết xong thì được biết một số hoạt động liên quan đến quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, đặc biệt là chuyến đi của đại tướng, bộ trưởng quốc phòng Phạm văn Trà sang Mỹ sắp diễn ra, tôi, một mặt gửỉ chuyển phát nhanh đến ông Trà, một mặt lại chịu khó phóng xe trực tiếp đến văn thư của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đến Bộ Ngoại giao thì đường bị cấm vì đúng ngày khai mạc Kỳ họp Quốc hội, tôi vòng qua 10 Nguyễn Cảnh Chân, định gửi cho ông Trương Vĩnh Trọng- trưởng ban Nội chính, ông Đỗ Nguyên Phương- trưởng ban Khoa Giáo và cho ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đảng, rồi rẽ sang gửi cho các uỷ viên Trung ương ở Ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

 

Cả một đoạn phố Nguyễn Cảnh Chân có mấy cơ quan Đảng đóng ở đó, khác với mấy năm trước, nay đã bị cấm qua lại! Tôi thuyết phục người công an đứng gác thế nào cũng không được. Tôi bảo tôi chỉ vào văn thư gửi một văn bản góp ý về đường lối đối ngoại, không làm phiền bất cứ ai. Anh công an bảo : “ Chúng cháu không biết bác gửi văn bản góp ý hay đơn kiện ”. Tôi bảo : các đồng chí làm thế này là sai luật, nếu gác cơ quan thì phải có trạm gác, nếu đứng giữa đường thế này thì chỉ có thể khám xem ai không đem vũ khí, không đem chất nổ thì phải cho người ta đi qua, tôi sẵn sàng để đồng chí khám người. Anh công an trả lời “ Cháu không dám khám bác nhưng cháu có nhiệm vụ không cho bất cứ ai đi qua nếu không có giấy mời hoặc giấy giới thiệu ”. “ Tôi đã nghỉ hưu nên chỉ có chứng minh thư ”.” Không được bác ạ! ”   

 

Tôi ghé qua Ban Đối ngoại Trung ương và 1a Hùng Vương. May sao tôi đã vào lọt được văn thư và để ở đấy mấy bản gửi ông Nguyễn văn Son- chủ nhiệm uỷ ban Đối ngoại TW, tổng bí thư Nông Đức Mạnh, trưởng ban bí thư TW Phan Diễn, trợ lý TBT Hữu Thọ…

 

Tôi vòng qua Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch Nước. Thấy có lính gác từ đầu đường. Tôi đành dán tem gửi qua bưu điện một cách hú hoạ. Để tăng phần nào khả năng bài viết đến tay Chủ tịch Nước, ngoài bì tôi chỉ đề gửi ông Chánh Văn phòng Chủ tịch Nước. Trong phong bì kèm bức thư ngắn : “ Kính gửi đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước. Kính nhờ đồng chí chuyển giúp bài viết này đến tay đồng chí Chủ tịch Nước. Anh Trần Đức Lương rất biết tôi. Xin chân thành cảm ơn ”.

 

Hai ngày sau, tôi đến Văn phòng Quốc hội ở 37 Ngô Quyền. Tôi đề nghị người gác cổng cho vào Phòng Văn thư. “ Không vào được bác ạ ”. “ Tôi không có đơn kiện gì đâu đồng chí ạ, tôi chỉ gửi bản góp ý về đường lối đối ngoại một cách rất đứng đắn ”. “ Thư từ gì bác cứ gửi qua bưu điện, không đưa được vào văn thư đâu bác ạ !”. “ Đây, đồng chí xem, chỉ có ba văn thư tôi gửi phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, chủ nhiệm uỷ ban đối ngoại Vũ Mão và ông Chủ nhiệm uỷ ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội. Hoặc đồng chí cho tôi vào đưa cho văn thư, hoặc tôi để đây, đồng chí xem xong thấy nội dung tốt thì đồng chí chuyển. Nếu đồng chí không bằng lòng thì đốt đi cũng được ”. “ Cháu không dám nhận, cũng không dám xem văn bản của bác” …

 

Phòng thường trực xây cao, người thường trực chỉ cỡ tuổi con trai tôi, tôi đứng dưới đường ngửa cổ lên, nuốt nước mắt vào lòng, trình bầy thế nào cũng không được. Tôi đành đưa danh thiếp có ghi học hàm, học vị và giải thích thêm : đồng chí hãy nhìn xem tôi có cái gì bất thường đâu, tôi thực sự bình thường, tỉnh táo và ôn hoà đấy chứ. Cuối cùng thường trực mới bấm chuông gọi văn thư. Trước khi nhận, nhân viên văn thư còn cằn nhằn “ Cái này lẽ ra bác phải đưa đến 37 Hùng Vương vì Uỷ ban An ninh Quốc phòng và ông Vũ Mão làm việc ở đấy ” .

 

Tôi về nhà, huyết áp tăng đột ngột, trằn trọc không sao ngủ được. Buồn tủi quá ! Nhục nhã quá ! Uất ức quá ! Mình là con cháu Đông Kysốt, bà Nữ Oa … hay chỉ là một con dã tràng ? Sao đã không giúp được tý việc gia đình nào lại còn bỏ ra không biết bao nhiêu tiền đáng nhẽ phải giành dụm cho con, cho cháu để mua hết sách này báo kia, đọc ngày đọc đêm. Mỗi bài viết xong, riêng tiền photocopy và cước phí bưu điện để gửi đi có khi cũng bằng lương tháng của một công nhân. Sao không đành “ Kính nhi viễn chi ? ”. Sao không biết “Bưng tai ngoảnh mặt làm ngơ. Rằng khôn cũng mặc, rằng khờ cũng thây ”. Đến như Phan Bội Châu xưa cũng từng có lúc phải đau đớn thốt lên : “ Bâng khuâng đỉnh núi chân ngàn. khói tuôn khí uất sóng cồn trận đau. Nghĩ nông nỗi đồng bào thêm ngán”. Huống chi mình nay đã gần bẩy mươi : “ Tuổi già giọt lệ như sương. hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan ” !

 

Chỉ băn khoăn rằng sao chính quyền ta bây giờ lại khinh dân, sợ dân đến thế ? Ơ Trung ương mà thế này, ở địa phương, người dân còn bị hắt hủi, hành hạ đến mức nào?

 

Mong cho đến bao giờ trời đất lại sáng lên. It nhất là như ngày xưa !

Hà nội 22 tháng 10 năm 2003