Chuyện đau lòng về một cuốn sách

Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Phát xít Đức

Ông Vũ Cao Quận tuổi Dậu. Năm nay ông đã ngoại 70. Từ năm 16 tuổi ông đã theo chị gái nhập ngũ. Năm 1948, ông chính thức trở thành Vệ Quốc Quân. Năm 1954, tham gia tấn công Điện Biên Phủ. Năm 1964, cầm đầu một đơn vị pháo binh hành quân dọc Trưòng Sơn vào chiến đấu tận Tây Nguyên. Về già, ông ngồi ngơ ngẩn buồn bên cái “Miếu thiêng đã chót thờ rồi Giờ hương khói lạnh đành thôi … tiếc gì!” ( trích Vũ Cao Quận ) Rờì cái “miếu thiêng” để được mở to mắt nhìn thẳng vào thực tế đắng cay và chua chát, “nhân một lần qua Hà Nội, lững thững đi ngang “ chợ trời lao động "thấy áo lính ở đây đông quá.


Nắng nôi, nóng nực, nhếch nhác … những người lính không mũ, không quân hàm, nét mặt nhăn nhúm tưởng như không có tuổi, từng tốp , từng tốp chờ đợi người đến thuê làm, bên những chiếc xe thồ gầy guộc cùng đống xe thồ lam lũ như các chủ nhân của chúng chia sống nhọc nhằn năm tháng giữa chốn phồn hoa lộng lẫy, uy nghi: lăng tẩm, đền đài, khách sạn, hộp đêm … cùng với cái xô bồ nhốn nháo của sự giầu sang, hợm hĩnh dến tột đỉnh và sự đói nghèo vật vờ tận đáy xã hội đan xen nhau ” (trích Gửi Lại Trước Khi Về Cõi). Từ lúc nào không biết, ông chợt nhận ra và cứ băn khoăn day dứt mãi về “Cái giá phải trả cho sự thí nghiệm một học thuyết trên cơ thể dân tộc Việt Nam đắt quá! ”. (trích sách đã dẫn)

Thế rồi ông cặm cụi viết những lời trăn trối sớm. Ông không chỉ viết về những chiêm nghiệm quá khứ mà còn xét duyệt lại chủ nghĩa Mác qua hàng trăm trang “Chủ nghĩa Mác tản mạn ký”. Những bài viết ấy được tập hợp thành cuốn sách mang tiêu đề “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi”. Không nhà xuất bản nào dám nhận in cho ông. Ông đành bỏ tiền túi ra thuê đánh chữ bằng vi tính rồi photocopy thành một số bản, tặng bạn bè. Tôi cũng được nhận một cuốn.

Đọc sách của Vũ Cao Quận, tôi rất trân quý nội dung nhưng không hài lòng về hình thức ấn loát. Tôi quyết định tìm mọi cách tôn hình thức cuốn sách cho xứng đôi phần với nội dung của nó. Tôi thuê hoạ sỹ vẽ bìa, đặt in bìa. Tôi biên tập lại rồi vẫn dùng hình thức photocopy để nhân bản. Dẫu vậy, cuốn sách dày 392 trang vẫn bề thế và đẹp không kém gì những cuốn sách loại đẹp của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

Chiều tối 11 tháng 4 năm 2005, giữa lúc trời mưa lâm thâm, tôi đi lấy sách về. Vừa ra khỏi cửa hàng, một tốp công an vây bắt tôi, đẩy tôi lên một chiếc xe ôtô. Tôi bị ngồi ép giữa hai công an. Họ ép sát đến nỗi tay tôi đụng cả vào súng lục của họ. (Tôi nhớ lại câu chuyện kể ngày nào của tướng Trần Độ khi ông cũng vừa từ cửa hàng photocopy cuốn "Nhật ký Rồng Rắn” đi ra, cũng bị quây bắt và tống lên xe và có hai công an ngồi ép hai bên như thế này). Họ đưa tôi về đồn công an phường Thanh Xuân. Sau hơn nửa tiếng ngồi chờ, hơn một chục người từ đâu được điều động đến, có cả máy quay video. Họ kiểm tra, kiểm soát, lập biên bản thu giữ toàn bộ số sách. Ra khỏi đồn công an, trời vẫn mưa và đã mù mịt tối, tôi bất giác nhẩm lại câu thơ Trần Dần:
“Tôi bước đi.
Không thấy phố,
không thấy nhà.
Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ”.

Sáng 12 tháng 4, theo lệnh miệng hôm trước, tôi phải lên hầu Ban Thanh tra Sở Văn hoá Hà Nội. Lại tra hỏi, lại lập biên bản. Nhưng rồi tôi dược về nhà kịp ăn trưa.

Đang đắn đo trước lời khuyên bạn bè trong và ngoài nước rằng phải phát đơn kiện cơ quan nhà nước Việt Nam về vụ tước đoạt tài sản cá nhân và ức hiếp người dân quá trắng trợn này thì ngày 3 tháng 5 năm 2005, tôi nhận được một văn bản của Thanh tra Văn hoá Thành phố Hà Nội.

Nguyên văn như sau:

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập tự do hạnh phúc
Sở Văn hoá và Thông tin Hà Nội
Thanh tra Sở

Hà Nội ngày 28 tháng 4 năm 2005
Số 46/TB-TTr
V/v thông báo chuyển giao vụ việc
vi phạm trong lĩnh vưc xuất bản

Kính gửi : Ông Nguyễn Thanh Giang
Trú tại số 6 – KTT Địa Vật lý Máy bay xã Trung Văn huyện Từ Liêm – Hà Nội

Ngày 11/4/2005, Thanh tra Sở Văn hoá và thông tin Hà Nội đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông về hành vi vi phạm: Tàng trữ xuất bản phẩm không có nhà xuất bản chịu trách nhiệm xuất bản; đã tạm giữ số sách "Gửi lại trước khi về cõi ” của Vũ Cao Quận
Ngày 7/1/2005, Bộ Văn hoá Thông tin đã ra quyết định số 12/QĐ-BVHTT về việc thu hồi và tiêu huỷ một số cuốn sách – trong đó có cuốn “ Gửi lại trước khi về cõi ” của ông Vũ Cao Quận.

Căn cứ điều 4, Khoản 3 Nghị định 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ “ … Những hành vi có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan thụ lý phải lập biên bản, chuyển giao biên bản, các tài liệu có liên quan khác và tang vật … đến cơ quan hình sự có thẩm quyền giải quyết ”
Sở Văn hoá và Thông tin Hà Nội đã có công văn chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật vụ việc đến cơ quan Công an Thành phố Hà nội để đièu tra làm rõ. Vậy Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội thông báo để ông được biết và tiếp tục làm việc với cơ quan công an về vụ việc trên.

Thanh tra Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội
KT/ Chánh Thanh tra
Dương Duy Dũng

Nơi nhận:
- Như trên
- Công an TPHN Phó Chánh Thanh tra
- Lưu VP

Thật là trớ trêu. Thế là, một lần nữa tôi lại bị cơ quan nhà nước quy là có: “hành vi có dấu hiệu tội phạm" và sẽ phải "đến cơ quan hình sự có thẩm quyền giải quyết ”!

Quả nhiên, chiều tối ngày 5 tháng 5 năm 2005, tôi nhận được giấy triệu tập và sáng mồng 6 tôi phải đến Sở Công an Thành phố Hà Nội. Người thẩm vấn tôi là trung tá Nguyễn văn Xuyền. Cuộc thẩm vấn kéo dài đến gần 12 giờ trưa.

Không thắc mắc gì về lời thú nhận của tôi rằng chỉ mình tôi chủ trương và tiến hành việc in sách, bản thân ông Vũ Cao Quận không hề biết việc này, nhưng mặc dù tôi đã từ chối trả lời, ông Xuyền cứ vặn hỏi mãi rằng ai vẽ bìa và in bìa ở đâu? Ông Xuyền chỉ đành dừng câu hỏi này khi nghe tôi khuyến nghị: Anh hãy vào hỏi thượng tá Trần Quốc Khánh, phó thủ trưởng của anh hiện nay- một trong hai cán bộ đã từng thẩm vấn tôi trong tù ( hồi năm 1999 ) - , sẽ thấy rằng ngay ở trong tù tôi cũng đã tuyên bố thẳng thừng rằng dứt khoát không bao giờ chịu nói điều gì về người khác, và quả nhiên, suốt hơn hai tháng trời tra vấn trong tù, các ông ấy đã không thể khai thác được điều gì về người khác từ tôi. Các anh hành hạ tôi là quá đủ rồi. Tôi không muốn tạo điều kiện để các anh hành hạ thêm người khác.

Ông Xuyền lại hỏi tôi: Ông cho biết nội dung cuốn sách mà ông đem in cho ông Vũ Cao Quận?.

Tôi trả lời: Trong nội dung cơ bản của cuốn sách, ông Vũ Cao Quận phê phán những khuyết tật của chủ nghĩa Mac- Lenin và đau xót về những hiểm hoạ mà Việt Nam đã mắc phải do vận dụng chủ nghĩa Mac – Lenin một cách sai lầm.

- Ông có thấy cuốn sách nói những diều ngược lại với chủ nghĩa Mac- Lenin và với chủ trương dường lối cuả đảng Cộng sản Viêt Nam không?

- Trong cuốn “ Gửi lại trước khi về cõi ” ông Vũ Cao Quận quả có làm diều đó và, bản thân tôi, tôi cũng thường làm như vậy.

Trung tá Xuyền khẳng định cuốn sách của ông Vũ Cao Quận đã bị cấm và đưa cho tôi xem Quyết định số 12 do thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Phan Khắc Hải ký ngày 07 tháng 01 năm 2002, ghép tội 4 cuốn sách: “ Suy tư và Uớc vọng" của Nguyễn Thanh Giang, “ Nhật ký Rồng Rắn ” của Trần Độ, “ Gửi lại trước khi về cõi ” của Vũ Cao Quận, “ Đối thoại năm 2000" của Trần Khuê vi phạm điều 22 Luật Xuất bản và điều 7 Nghị định 79 CP nên bị ra lệnh thu hồi và tiêu huỷ.

Tôi bảo, đây là lần đầu tiên tôi được thấy bản quyết định này và hầu như chắc chắn rằng cả bốn chúng tôi đều chưa ai từng nhận được nó. Một văn bản không được gửi cho đương sụ, không được giải thích đàng hoàng, nên chúng tôi coi nó là biểu hiện một hành động bất chính, không có giá trị gì.

Thấy trung tá Xuyền cầm cuốn Luật Xuất bản năm 2000 của Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, tôi xin được tham khảo điều 22 trong đó.

Điều 22-Luật Xuất bản ghi như sau:

“ Nghiêm cấm các xuất bản phẩm có nội dung:
1 - Chống lại nhà nước CHXHCNVN , phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân
2 - Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, truyền bá tư tưởng, văn hoá phản động, lối sống dâm ô, đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.
3 - Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của công dân, bí mật khác do pháp luật quy định
4 - Xuyên tạc lích sử, phủ nhận thành tích cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân ”.

Tôi đọc to Điều 22- Luật Xuất bản cho trung tá Xuyền cùng nghe rồi bình luận: "Ký quyết định 12 này chứng tỏ ông Phan Khắc Hải hoặc không có trình độ để phân tích đúng mối ràng buộc giữa điều 22 này với nội dung 4 cuốn sách ghi trong đó; hoặc ông ta vì phải giữ ghế mà nhắm mắt ký bừa theo một lệnh chỉ huy vô lý nào đó. Các anh cứ căn cứ vào những quyết định nhăng cuội này mà đưa tôi ra toà đi, tôi sẽ trình bày bằng sức thuyết phục tuyệt đối của chính nghĩa rằng cả 4 cuốn sach của chúng tôi, không cuốn nào vi pha.m điều 22 - Luật Xuất bản cả. Nếu các anh vẫn cứ lấy quyền lực vô giới hạn của “ chuyên chính vô sản ” để bỏ tù tôi vì việc in cuốn “Gửi lại trước khi về cõi ” thì búa rìu dư luận trong, ngoài nước sẽ bổ xuống và lịch sử sẽ không bao giờ buông tha cách xử sự tàn bạo, vô văn hoá của những người có trách nhiệm cầm đầu văn hoá - tư tưỏng hiện nay như kiểu uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Khoa Điềm … ”.

Tôi nhìn thấy sự bối rối và nỗi ngán ngẩm trong con mắt cuả trung tá Xuyền khi phải miễn cưỡng làm cái công việc vô luật pháp, trái đạo lý này, nhưng vì trách nhiệm đã được giao nên anh cứ cần cù hỏi, cần cù ghi chép. Khi anh đưa biên bản cho tôi đọc lại, trước khi ký, tôi đã nhắc lại và ghi vào đó hai ý chính như sau:

1 - Đây là những bài viết đầy tâm huyết của ông Vũ Cao Quận được tôi tập hợp và đóng lại như một cuốn sách đẹp nhưng không phải là sách xuất bản nên tôi và tác giả Vũ Cao Quận không chịu bất cứ ràng buộc nào liên quan đến Luật Xuất bản và Bộ Luật Hình sự của nước CHXHCNVN. Chúng tôi không hề phạm pháp mà chính việc tịch thu tài sản cá nhân của chúng tôi một cách bạo ngược mới đáng phải đưa ra toà.

2 - Chúng tôi chắc chắn không bao giờ chống lại nhân dân, chống lại Tổ quốc, cũng không chống lại chủ nghĩa Mác, không chống lại đảng Cộng sản Viêt Nam nhưng kiên cường chống lại những khiếm khuyết của chủ nghĩa Mác- Lenin, chống lại những sai lầm tai hại trong chủ trương đường lối của đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi là những công dân chân chính hiếm hoi có ý chí mạnh mẽ và nói tiếng nói trung thực nhằm xây dưng Nhà nước, xây dựng Đảng một cách thẳng thắn, tích cực, không xu nịnh, không cơ hội.

Ra khỏi phòng thẩm vấn Sở Công an Hà Nội, trờì chang chang nắng, không hiểu sao tôi suýt ngã vì đâm xe vào vỉa hè.

Tôi bần thần nghĩ: "Sao cứ diễn đi diễn lại mãi cái cảnh đàn áp dã man và hành hạ vô lương tâm những người đã từng vào sinh ra tử cho cuộc cách mạng này như Trần Độ, như Vũ Cao Quận … , những người chỉ còn một tấm lòng, một cây bút và ít tờ giấy? Sao Đảng chỉ thích được đầm mình trong tụng ca, trong tán dương, trong xiểm nịnh?

Không, chúng tôi không chủ trương và không thể lật đổ được Đảng đâu, nhưng nếu cứ như thế này thi không lâu nữa Đảng sẽ chết chìm trong đường mật, sẽ lịm đi trong đê mê của quá nhiều những liều tiêm chích sự sung sướng vào cơ thể. Và, rồi đây, trong cơn sám hối muộn mằn, không biết Đảng có còn đủ sức gượng dậy để nói lời cảm ơn một cách kính phục đối với những người như chúng tôi không?

Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Phát xít Đức
Nguyễn Thanh Giang
Nhà số 6- Khu tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại: 5 534370