Kẻ đốt sách chống lại đạo trời

Cách đây hơn nửa năm, sở Văn hoá Thông tin Hà Nội gửi giấy mời gặp tôi. Tiếp tôi hôm ấy có 4 người : ông Chánh Thanh tra sở VHTTHN - chủ trì cuộc họp, ông Vụ trưởng Vụ Xuất bản- Báo chí bộ Văn hoá- Thông tin, một nữ cán bộ của Sở và một công an mặc thường phục.

Mở đầu, ông Chánh Thanh tra tuyên đọc bức thư của một người tố cáo rằng anh ta mua được cuốn “ Suy tư và Ước vọng “ tại một quán sách gần nhà tôi và đề nghị cơ quan nhà nước truy xét tôi.

Nghe xong thư, tôi xin phát biểu ngay : Ðề nghị truy tìm tác giả bức thư để : 1- yêu cầu anh ta trả lời một số điểm mờ ám trong thư; 2 - giúp chúng ta tìm cửa hàng sách đó, bắt đóng cửa, không cho kinh doanh nữa. Kinh doanh sách báo thì phải biết rằng chỉ được bán các xuất bản phẩm. Cuốn “ Suy tư và Ước vọng “ không xuất bản (không có tên nhà xuất bản ) mà chỉ là cuốn sách trong tủ sách gia đình như đã ghi ngay ở trang đầu.

Bất ngờ bị mũi tên tấn công bẻ quặt vào mặt mình, ông Chánh Thanh tra trở nên hết sức bối rối.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ nghe tôi thuyết trình là chính (vì họ không có tý lý lẽ nào ), thư ký đọc biên bản cuộc họp.

Trước khi ký, tôi gạch ba gạch đầu dòng nêu ba kiến nghị. Hai gạch đầu dòng đầu tiên, nhắc lại hai đề nghị đã nói ở trên. Gạch đầu dòng thứ ba được ghi như sau: “ Ðề nghị các đồng chí giúp đỡ tích cực để cuốn sách được xuất bản chính thức. Việc làm này tất nhiên gặp muôn vàn khó khăn, đòi hỏi trí tuệ và lòng dũng cảm, song những ai dám đương đầu thì tên tuổi sẽ được ghi vào lịch sử “. Họ đưa ra một hoá đơn phạt hành chính. Tôi không ký vì khẳng định tôi không vi phạm bất cứ điều khoản nào trong luật xuất bản -báo chí cả. Trước khi ra về, tôi an ủi họ : “ Tôi rất thông cảm vì đã không chiều lòng để giúp các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Dẫu sao, tôi không thể nhu nhược trước sức ép phản pháp lý, chống lại lẽ phải “. Tôi thực lòng thương cảm họ. Chẳng qua vì bát cơm manh áo mà họ bị sai bảo phải làm một việc bản thân họ thấy là không phải.

Bẵng đi hơn nửa năm, không thấy ai nhắc lại chuyện đó nữa . Tưởng rằng họ đã phục thiện và biết điều. Không ngờ mới đây, ông Phan Khắc Hải- thứ trưởng bộ Thông tin - Văn hoá lại ký quyết định thu hồi và tiêu huỷ “ Suy tư và Uớc vọng “ cùng ba cuốn khác : “ Ðối thoai 2000-2001 “ của Trần Khuê và Nguyễn thị Thanh Xuân, “ Gửi lại trước khi về cõi” của Vũ Cao Quận, “ Nhật ký Rồng Rắn “ của Trần Ðộ. Ông ta còn ra lệnh các cơ quan hữu trách phải trừng trị bốn người chúng tôi! ?

Một quyết định quan trọng như vậy nhưng báo trung ương không tờ nào đăng. Tìm mãi mới thấy một mẩu nhỏ tý trong trang 8 của báo Sài Gòn giải phóng, ra ngày 14 tháng 1 năm 2002. Riêng hiện tượng này đã biểu hiện sự ngập ngừng, e ngại của một chủ trương khuất tất.

Tuy mẩu tin chỉ được đăng rất nhỏ trên một tờ báo địa phương nhưng không hiểu sao, báo ra buổi sáng thì ngay trưa và kéo dài cho đến tối hôm đó, điện thoại từ trong nước, từ các hãng thông tấn, các cơ quan quốc tế liên tục gọi về cho tôi. Chỉ trong vòng sáu bẩy tiếng đồng hồ, tôi phải trả lời liên tục ba cuộc phỏng vấn của đài Anh (BBC ), Pháp ( RFI ) và Châu á Tự do. Ngay từ tối 14 đến sáng 15, hầu hết các đài trên thế giới đều đưa tin này kèm theo trả lời phỏng vấn của tướng Trần Ðộ và của tôi.

Gặp gỡ mọi người, tôi nêu hai câu hỏi mà không ai trả lời được thoả đáng :

1- Vì sao quốc tế phản ứng tức thời, mạnh mẽ và đồng loạt đến thế trước mẩu tin nhỏ này? (trong khi không có sự lãnh đạo theo kiểu độc đảng nào cả );

2 - Vì sao ông Phan Khắc Hải làm một việc điên cuồng, mù quáng đến thế?

Thật vậy, bộ Văn hoá - Thông tin hẳn phải biết, ngoài cuốn “ Nhật ký Rồng Rắn “ của Trần Ðộ đã bị tịch thu ngay khi chưa mang về tới nhà, cả ba cuốn kia đều đã được tán phát cách đây trên dưới một năm. Ðến khám nhà nhất định không còn tìm thấy. Ra lệnh thu hồi thì chắc chắn không ai đem nộp. Cho nên, nhiều người bình luận rằng chính ông Phan Khắc Hải do quẫn trí nên tự mình phạm ”tội” lớn là đã tuyên truyền hết sức tích cực để mọi người càng tha thiết tìm đọc bốn cuốn sách đó.

Ðối với cuốn “ Suy tư và Ước vọng “, ngay sau khi in xong, tôi đã tức tốc đem đến tận cơ quan, trước hết gửi tặng Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội cùng hàng loạt các uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Trung ương Ðảng ở các ban Tư tưởng - Văn hoá, Khoa Giáo, Dân vận, Nội chính, Hội đồng Lý luận trực thuộc Bộ Chính trị, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, một số toà soạn báo...

Tôi phải làm như vậy để ngộ nhỡ bị bắt thì đã có nhiều cán bộ to, nhiều nhà báo biết đến cuốn sách. Tôi vẫn hy vọng rằng trong bộ máy lãnh đạo, bên cạnh những kẻ lú lẫn, dốt nát, cuồng bạo vẫn còn không ít những cái đầu tỉnh táo. Những ngày tiếp sau tôi mới lần lượt gửi cho bạn bè, họ hàng thân thích, thư viện các tỉnh, các trường đại học, tỉnh uỷ và uỷ ban nhân dân Thanh Hoá, Hà Nội.... Cuối cùng là công an : bộ Công an, sở Công an Thanh Hoá, sở công an Hà Nội ...

Từ bấy đến nay, tôi không hề nhận được lời cảnh cáo hay những ý kiến phê bình quyết liệt nào. Ngược lại, tôi đã nhận được rất nhiều thư bầy tỏ lòng cảm mến và sự đồng tình. Tôi xin trích dẫn một ít trong số đó :

- Ông Trần Xuân Bách- cựu uỷ viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam viết :

” Thật là hứng thú khi Tư duy đi sâu vào những vấn đề của thời đại văn minh thông tin.

Những vấn đề hấp dẫn người đọc : Hội nhập và Chủ quyền, Dân chủ và Hội nhập, Trí tuệ trong lao động, Kinh tế Tri thức.

Là người thích thơ và cũng biết làm thơ, tôi quý trọng đặc biệt trang nói về sức sống thời gian, sức sống không gian của Tinh thần Việt Nam.

Những vấn đề nêu ra và trình bầy nếu văn phong giản dị, dễ hiểu hơn, thì hiệu quả sẽ nhiều hơn.

Chân thành cảm ơn tác giả, hoan nghênh bạn là một trong số không nhiều bạn trí thức có sản phẩm trí tuệ quý hiến dâng Ðất Nước.

Nhà báo Bảo Quang - ( bí danh của một cán bộ Văn hoá - Thông tin tầm cỡ, hiện còn công tác ) :

” Một tháng trở lại đây ( thư viết ngày 19 tháng 8 năm 2001 ), ông Hải thứ trưởng bộ VHTT đi lu loa rằng “ Suy tư và Ước vọng “ là cuốn sách xấu, không được Nhà nước cho phép in, tác giả in lậu, đang bị thu hồi, cấm đọc, càng cấm phổ biến. Nhưng, khi đọc “ Suy tư và Ước vọng “ tôi thấy quý mến, khâm phục anh bởi anh vừa là nhà khoa học tự nhiên, vừa là một cây bút viết văn chính luận khá sắc sảo. Hiểu anh hơn : Quả là anh đã không yên ổn khi thức lên bao quá vãng và dằn vặt những tương lai.

Người ta phao đồn rằng : Anh là kẻ “ cơ hội chính trị”.  Ðiều đó không đúng. Kẻ cơ hội không hành sự như anh, họ luôn tôn thờ chủ nghĩa cá nhân mà quên hết tất cả, dày xéo lên đạo lý, ăn thịt cả đồng loại. Có khi lòng họ không nghĩ thế, song, miệng họ vẫn phải ca lên bài ca bi thảm của những “ con vịt giời “! Bọn cơ hội chính trị là hạng người tanh tưởi, lịch sử sẽ phán xét và lên án họ .

” Suy tư và Ước vọng “ - giỏi thật! Anh đặt đề rất hay, tôi bỗng liên tưởng tới một câu nói bất hủ của một triết gia : “ Tôi suy nghĩ tức là tôi tồn tại “. Thanh Giang vẫn tồn tại bởi tư tưởng là thứ không thể bị cầm tù.

Bác Hồ nói rồi :
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao.....”

- Ông Nguyễn Vũ Bình - cựu biên tập viên tạp chí Cộng sản :

”... Ông không chỉ đề xuất “ Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa hay vươn thẳng tới kinh tế tri thức “, không chỉ “ Suy nghĩ về vấn đề công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước”, mà còn “ Thử bàn về giai cấp công nhân Việt Nam “, “ Về vấn đề vai trò của doanh nghiệp nhà nước “....  Người đọc càng khâm phục khi biết ông tốt nghiệp Ðại học Tổng hợp Lý-Toán nhưng nhiều bài viết của ông có giá trị như những chính luận sắc sảo, có bài còn như bản rút gọn của một bản luận văn hay một công trình nghiên cứu lớn.  Ông viết chính luận với tác phong của một nhà khoa học tự nhiên nên thể hiện rõ tinh thần nghiên cứu rất nghiêm túc và công phu. Những lập luận của ông đều được bảo vệ bởi những dẫn cứ tường minh, những số liệu phong phú, những trích dẫn có uy tín. Chính vì vậy, ý kiến của ông thường có sức thuyết phục cao, khác hẳn với lối tư biện, không lý giải mà chỉ khẳng định khiên cưỡng bằng những chỉ thị, nghị quyết hay khẩu hiệu, thường thấy trên các tạp chí chính trị-xã hội hiện nay...”

- Ðại tá Trần Nhật Ðộ - nguyên chính uỷ Bộ đội Ðặc công :

”.... Qua những trang viết của anh, tôi nhận thấy con người giầu tâm huyết, giầu lòng yêu nước, viết rất trí tuệ. Anh hiểu biết nhiều cổ kim đông tây; trích dẫn đúng, nhiều cái tôi không biết. Anh thu thập thông tin tư liệu cũng khá dồi dào, cả trong nước và thế giới, đủ chứng minh cho luận điểm của mình. Những trang viết của anh đều có tư duy chiều sâu, có luận lý, có chứng minh thực tiễn sinh động.

Anh cũng là con người dũng cảm, nói thẳng, nói thật những suy tư, chính kiến của mình dù khác lạ hoặc trái ngược với chính thống. Lời lẽ có văn hoá, biện giải chứ không bỗ bã đả kích; không lên giọng dạy đời. Tôn trọng sự công bằng, phân biệt chỗ đúng chỗ sai, không mang tính phủ định, sổ toẹt tất cả; cố gắng thuyết minh khoa học và thực tiễn chứ không nói một cách hồ đồ, mơ hồ; vẫn để chỗ cho người khác tranh luận. Nỗi lòng anh cũng chất chứa nhiều trăn trở trước tình hình đất nước... “

Giáo sư Vũ Ngọc Khánh - Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam :

”... Tôi thông cảm nhiệt tình của anh muốn đóng góp với đất nước. Tôi rất hoan nghênh sự độc lập tư tưởng của anh. Tôi nhớ Romain Rolland đã có lần đề cao sự độc lập trí thức này mà những người phái tả dù định kiến cũng không sao bắt bẻ được...

Nhưng với anh, thì tôi đã hơn một lần suy nghĩ. Tại sao anh có những ý hay, những quan điểm đáng nghiên cứu, mà lại không được đón nhận, thậm chí còn bị gây khó khăn. Dù cuối cùng có “ tai qua nạn khỏi “ thì cũng thành vấn đề! Có người nói chắc chắn sẽ đến lúc người ta phải trả lại cho anh phần vinh dự. Tôi cũng hy vọng cho anh như thế. Nhưng thâm tâm, tôi có sự cân nhắc riêng. Tôi có cảm tưởng như ở một số vấn đề, anh đã đúng mà không trúng. Chính đó mới là nguyên nhân khiến cho anh rất chân thành ( nói đúng điều mình nghĩ ), rất đường hoàng ( gửi thẳng lên lãnh đạo, đưa ra công luận chứ không dấu diếm, không tránh né), mà vẫn không được chấp nhận.... “.

-  Cháu Lê thị Lan - 21 tuổi, ở Thanh Hoá (tôi dấu địa chỉ vì sợ cháu bị truy bức):

” Chính vì có quyển sách đó mà đã làm cho cháu như thức tỉnh, mở mang nhiều về xã hội bây giờ, cũng như nó đã cung cấp cho thế hệ chúng cháu một hướng đi đúng, một suy nghĩ sáng suốt, mới mẻ để hợp với thời đại, để xây dựng đất nước...

Hãy cố lên Bác nhé! Cháu mong ở Bác nhiều lắm. Mặc dù cháu hiểu và biết rằng hiện nay Bác không được nhiều người đọc. ..

Cháu tin một ngày nào đấy, cả nhân dân, học sinh, sinh viên rồi sẽ biết đến Bác. Cho nên Bác đừng buồn vì đã sẵn sàng hiến dâng cả tài năng, sáng tạo và đời mình cho

đất nước, quê hương Bác nhé! Mặc dù nó bị trả giá bằng tù tội, nhưng điều đó có gì là ghê gớm đâu phải không Bác? Nó vẫn không giết chết được tâm huyết của Bác, Bác nhỉ .... “

- Giáo sư sử học Ðinh Xuân Lâm - Nhà giáo Nhân dân :

” Ðọc các bài viết của anh trước kia cũng như gần đây, trước hết tôi hoan nghênh nhiệt tình của anh muốn bằng tri thức của mình đóng góp một phần về lý luận và thực tiễn vào sự phát triển của đất nước hiện nay. Theo tôi, có vấn đề anh đặt ra khá trúng, các ý kiến anh nêu lên cũng có người đã đề cập tới, và rất có thể qua trao đổi, tranh luận đi tới thống nhất. Nhưng cũng có một số ý kiến, nhân định, đánh gía tình hình và các biện pháp khắc phục còn cần được bảo đảm tính khách quan khoa học hơn, tuyệt đối tránh suy diễn, định kiến, nôn nóng.... “.

-  Ðại tá Nguyễn Hữu Tài - Nguyên cục trưởng cục Quân Huấn, 55 tuổi Ðảng :

”... Tôi rất cảm thông và chia sẻ với anh, cũng như một vài anh khác mà tôi đã được đọc, đều vắt từ trái tim và khối óc của mình với những kiến giải uyên bác, đã bồi bổ những kiến thức còn chắp vá của tôi...  Tôi cho là không công bằng, bởi vì chân lý phải có thời gian thực tế kiểm nghiệm. Lịch sử sẽ phán xét cuối cùng.

Trong lịch sử đã có vô số những thực tế chứng minh ở trong nước, cũng như ở nước ngoài. Nhiều người được giải oan sau hàng trăm năm, và có người phải đến ngàn năm .....

Tôi nghĩ rằng “ Suy tư và Ước vọng “ của anh cũng là suy tư và ước vọng của tôi cũng như nhiều bạn bè của tôi : mong đất nước phát triển, không tiếp tục tụt hậu, nhân dân được ấm no, hạnh phúc, không bị áp bức, bất công... “

- Ông Ðỗ Việt Sơn - 55 tuổi Ðảng, 125 Tô Hiệu- Hải Phòng :

”.... Phải đọc “ Suy tư và Ước vọng “ của anh mới thấy được tầm nhìn rộng lớn và sâu sắc của anh.... Ðúng là một tác phẩm tuyệt vời. Tác phẩm này cho công khai phát hành thì không tác phẩm nào so sánh được. Nếu so với “ Chân dung và Ðối thoại “ của Trần Ðăng Khoa là tác phẩm được ấn hành trên 20 lần, được nhiều người ca ngợi thì tôi nghĩ “ Suy tư và Ước vọng “ sẽ còn hơn thế Rất tiếc là tác phẩm cuả anh lại không được phát hành rộng rãi. Nhưng không vì thế mà không có nhiều người tìm đọc...

Những người như các anh, tài đức có, tâm huyết lớn nhưng không có quyền thế thì làm sao xoay chuyển được tình hình, thậm chí còn bị đe doạ, khủng bố, ngăn cản.

Tôi biết nhiều cán bộ trung cao cấp, kể cả đương chức đọc tài liệu của các anh đa số phải thừa nhận là các anh đúng. Nhưng vì miếng cơm manh áo, vì ngôi sao trên cầu vai, họ chưa thể làm khác được. ... “

*****

Công bố rộng rãi những lời khen tụng đối với bản thân là việc làm dễ đánh mất thiện cảm. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ngặt nghèo hiện nay, tôi cực chẳng đã phải đành vậy. Tôi đành hy sinh một phần sự mến mộ để tự cứu mình trước cơn hiểm nguy đang lăm le rình rập. Trong vòng một tuần lễ nay, không khí quanh khu vực tôi ở rất nồng nực. Người ta triệu tập hết cán bộ Ðảng, cán bộ Chính quyền, đến đảng viên để kích động và giao nhiệm vụ phải săm soi và tố cáo tôi. Không tìm được tỳ vết nào ( suốt cuộc đời công tác tôi chưa hề mắc khuyết điểm đến mức phải bị bất cứ hình thức kỷ luật tối thiểu nào. Chẳng những thế, tôi từng được bầu chiến sỹ thi đua nhiều năm liền, từng được cơ sở đề nghị phong Anh hùng Lao động ), họ tìm mọi cách bôi nhọ gia đình tôi bằng những tin tức lập lờ.  Lúc họ bảo tôi từng là đứa con hoang, lúc họ bảo tôi thường xuyên quan hệ với người nước ngoài và nhận làm tay sai cho CIA để chống Ðảng, phá hoại nhà nước.

Quan hệ nhiều với người nước ngoài thì có. Làm tay sai cho bất cứ ai thì dứt khoát không. “ Tôi chỉ làm tay sai cho chính cái đầu của tôi “. (Nhiều người nhận xét phòng ăn nhà tôi là phòng ăn gia đình tiếp nhiều loại khách, kể cả khách nước ngoài, vào loại nhất ở Hà Nội. Ngoài quan hệ rộng rãi của tôi. Vợ tôi đã từng đi công tác, dự hội nghị, hội thảo ở hàng chục nước; về hưu vẫn còn được mời làm cố vấn quốc gia cho UNDP ở một dự án. Con trai tôi sau khi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ về, hiện đang làm việc cho đề án dầu khí ở một công ty Mỹ. Con gái tôi sau khi nhận bằng thạc sỹ ở ấn Ðộ, đang làm việc cho một tổ chức quốc tế )

Ðể hăm doạ mọi người và cô lập tôi, buộc tôi sống trong cô đơn của cảnh tù tội ngay giữa xã hội, họ không chỉ cắt điện thoại gia đình tôi một cách phi pháp mà còn phao tin đối với những người ở xa rằng tôi đã bị bắt. Ðối với lân bang, xóm giềng, họ phao tin tôi sắp bị bắt để khủng bố tinh thần gia đình, họ hàng tôi và chuẩn bị dư luận để họ có thể tiến tới làm những việc bạo tàn, bậy bạ hơn. Một số đảng viên, già có, trẻ có sau khi tham dự những cuộc họp gần đây, vì thương cảm, đã đến thông báo cho chúng tôi. Một đảng viên trẻ lần đầu tiên tìm gặp vợ tôi, sau khi thông báo tình hình đã nêu thắc mắc : Cháu không hiểu họ định diệt cuốn sách của chú, hay diệt con người

chú. Nếu chú là tay sai của CIA thì chắc là chú phải hoạt động kín chứ sao chú lại viết sách công khai như vậy làm gì ?

Trước sự phi lý khó hiểu như vậy, một số người nhận định rằng đây không phải là chủ trương của Ðảng và Chính phủ mà chỉ do sự hằn thù của một số cá nhân nào đó. Tôi cũng có lúc thoáng nghĩ như vậy.

Tôi muốn chân tình khuyên Phan Khắc Hải và Ðào Duy Quát...  hãy bình tâm lại. Ðừng vì hậm hực, tức tối cá nhân mà lợi dụng tình hình, khuyếch đại một chủ trương vốn đã không đúng đắn. Phải luôn nhớ rằng cả bốn con người mà các anh đang nhẫn tâm xúc phạm đều là những bậc khả kính đối với các anh. Tất cả đều hơn các anh về tuổi đời, quá trình và thành tích cách mạng, phẩm chất đạo đức và trình độ .

Tôi tha thiết cầu mong đồng bào, đảng viên, trí thức và đặc biệt là giới trẻ trong cũng như ngoài nước, kể cả anh chị em công an hãy tìm đọc và nhân bản rộng rãi bốn cuốn sách trên để quảng đại hiểu biết và đánh giá đúng chúng tôi.

Tôi khẩn khoản đề nghị chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các hãng thông tấn trong và ngoài nước quan tâm giúp chúng tôi đưa được những thông tin này trực tiếp đến các vị lãnh đạo tối cao của Ðảng và Chính phủ để ràng buộc trách nhiệm của họ về những việc đang làm của cấp dưới trước nhân dân, trước lịch sử và lương tâm của họ (Thư chúng tôi gửi thường bị chặn lại ở bưu điện hoặc ở các nhân viên văn phòng).

Chúng tôi trông chờ ở tất cả, biết ơn tất cả và hứa sẽ kiên cường bền bỉ đấu tranh vì sự nghiệp dân chủ hoá, vì công cuộc phát triển bền vững và lành mạnh của đất nước, vì tương lai của các thế hệ Viêt Nam mai sau.

Hà Nội 22 tháng 01 năm 2002

Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13- P9 - Tập thể Phòng không Hoà Mục
Phường Trung Hoà - Quận Cầu Giấy