Thư ngỏ gửi Nguyễn Như Phong

Thư này không gửi một nhà báo chân chính mà viết cho một kẻ có hành động phạm pháp bị bắt quả tang, mang danh phó tổng biên tập báo An ninh Thế giới.

 

Tôi hỏi Nguyễn Như Phong, anh căn cứ vào bản án nào để công bố Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh là “ những kẻ phản bội tổ quốc “ ? Ai cho phép anh dám bêu riếu trên báo An ninh thế giới số 211, ra ngày 11 tháng 1 năm 2001 rằng Nguyễn Thanh Giang là “ người cơ hội chính trị có hoạt động cực đoan chống phá trong nước “?

 

Tôi gay gắt lên án anh bởi vì rõ ràng anh đã phạm các tội sau đây :

 

           1. Tội vu khống: “ Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước “. Tội này “ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ  đến một năm hoặc  bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm “  ( Điều 117, Bộ Luật Hình sự )    

      2. Tội làm nhục người khác: “ Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ  đến một năm, hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm “. ( Điều 116, Bộ luật Hình sự )

 

Anh làm báo, nhưng anh đồng thời cũng đã vi phạm Luật Báo chí ở những điều sau đây :

      1. Điều 2 – “ Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí  “ ghi như sau :  “ ... Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân “

      2. Điều 10-  “ Những điều không được thông tin trên báo chí “, ghi như sau :             “ Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự  của tổ chức, danh dự , nhân phẩm của công dân “

      3. Điều 4- “ Những điều không được thông tin trên báo chí “ của  Nghị định số 133 HĐBT, ở mục 3 cũng ghi như sau : “ Báo chí không được đưa tin, bài có hại đến chính sách đại đoàn kết toàn dân, tạo ra dư luận xấu. Khen ngợi, phê phán phải có cứ liệu chính xác, và phải chịu trách nhiệm về những thông tin của mình ”     

 

Tại sao anh dám tự ý xưng xưng quy kết Nguyễn Thanh Giang như trên mà không hề đưa ra cứ liệu nào ?

 

Làm người, nhất là làm báo, anh cần học lấy “ tứ vô “ của Khổng Tử : vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã ( vô ý là không có ý riêng, tức là không đoán mò theo chủ quan; vô tất là không khẳng định quá đáng ... ).

 

Không phải anh chỉ cần thận trọng đối với những người như  Bùi Tín hay chúng tôi là những người đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc, từng vượt qua muôn trùng lửa đạn, gian khó từ khi thân phụ anh chưa tác tạo nên anh, mà ngay cả đối với những người, những tổ chức ở nước ngoài anh cũng không nên quy kết càn bậy. Tại sao anh tuỳ tiện khẳng định tổ chức này, cá nhân kia là phản động ? Điểm lại mà xem, tất cả các cá nhân, các tổ chức mà anh lăng mạ bừa bãi trong bài viết đều chưa ai bị toà án quốc tế, hay thậm chí toà án Việt Nam kết tội. Phải có cơ quan công pháp phán xét và kết luận rồi thì báo chí mới được đưa tin chứ !. Chẳng nhẽ cứ bất đồng chính kiến, cứ không thừa nhận Chủ nghĩa Xã hội thì đều là phản động hay sao ? “ Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân “. Nếu ta không muốn cả thế giới gọi ta là phản động thì ta cũng đừng gọi tất cả những ai phê phán chủ nghĩa xã hội là phản động. Hãy nhớ rằng, hiện chỉ còn vài bốn nước nói miệng là kiên trì đường lối XHCN, trong khi thế giới có đến trên dưới 200 nước kia mà.

 

Anh là lứa hậu sinh mà sao đã sớm học cái thói cả vú lấp miệng em rất xấu xa. Muốn phê phán, muốn tranh luận về một chính kiến, một tư tưởng thì phải đăng nguyên văn tác phẩm của người ta để mọi người cùng được xem xét một cách khách quan, nghiêm túc ; đằng này, anh trích đoạn chỗ này, cắt xén chỗ kia để xuyên tạc, bôi nhọ người ta một cách hết sức hiểm độc. Làm như vậy mà anh không sợ tội trời, không sợ lương tâm đầy đoạ cho đến cuối đời sao ?. Anh còn trẻ, chắc chắn rồi anh sẽ được thấy, chính là những “ Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ “, “ Đôi điều suy nghĩ của một công dân ”,     “ Chia tay ý thức hệ ” của Hà Sỹ Phu sẽ đi vào lịch sử một cách trang trọng chứ không phải mấy bài báo, mấy cuốn sách xu thời của các người như loại anh. ( Không cần người khác chê cười đâu, e rằng sau này đọc lại, chính các anh cũng phải tự thấy xấu hổ ) .

 

Nhận thức của anh còn quá non nớt mà sao anh dám ngông nghênh cao đạo, khuyên người này chỉ nên uống rươụ, ngâm thơ, người kia đừng làm trái nghề ... Bàn việc nước, góp ý vào chủ trương, đường lối của Đảng, của Chính phủ, phê phán lãnh đạo ... không chỉ là quyền hạn mà còn là nghĩa vụ cao cả của những công dân dám vượt lên những mưu sinh bình thường gánh lấy sứ mệnh thiêng liêng đối với đất nước.

 

Anh không biét sao, Hiến pháp Việt Nam đã kêu gọi : “ Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước ... “ ( Điều 53 ).

 

Anh không biết sao, chính luật Báo chí cũng khẳng định : “ Công dân có quyền : Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới – Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước -  Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó “ ( Các mục 3, 4, 5 Điều 4 – Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân ).

 

Điều 4- Luật Báo chí còn quy định : “ Công dân có quyền : Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới – Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự  kiểm duyệt của tổ chức , cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin “  ( Mục 1 và 2 ).

 

Vậy thì việc Hà Sỹ Phu và Mai Thái Lĩnh trao đổi thông tin, bàn luận việc dân, việc nước ... với bất kỳ ai ở trong nước hay ngoài nước cũng là chuyện bình thường chứ sao lại ngăn cấm.  

 

Không biết tự bao giờ người ta đã ám vào tâm khảm con người Việt Nam một nỗi sợ sệt đen tối khi quan hệ với bất kỳ người nào ở nước ngoài, trong khi Đảng và Chính phủ vẫn kêu gọi đẩy mạnh và phát triển nền ngoại giao nhân dân. Cho đến nay, trước nhu cầu hội nhập quốc tế cần thiết để thích ứng với nền kinh tế toàn cầu, nỗi ám ảnh đen tối đó vẫn tồn tại rất đậm !

 

May sao, cách đây hơn chục năm, tôi đã dám cưỡng lại quyết liệt nỗi ám ảnh phi lý đó, tự khẳng định quyền tự do quan hệ quốc tế của mình, ngay cả với cái nước mà lúc ấy ai cũng vô cùng sợ là Mỹ. Kết quả thật tốt đẹp, chỉ thông qua mối quan hệ cá nhân của tôi với một số giáo sư các trường đại học Hoa Kỳ, 4 cử nhân đầu tiên ( 1 ở Tổng cục Địa chất, 3 ở Viện Khoa học Việt Nam ) của ngành địa chất- địa vật lý ( mà có lẽ cũng là đầu tiên của nước CHXHCNVN ) đã được sang làm nghiên cứu sinh ở Mỹ. Nhờ đấy, chúng ta có được hai tiến sỹ và hai thạc sỹ đào tạo từ Mỹ mà nhà nước không phải trích phần ngân quỹ nào, gia đình các nghiên cứu sinh cũng không hề phải đóng một đồng kinh phí.

 

Có một tình tiết chắc hẳn Nguyễn Như Phong cho là rất đắt giá để có thể kết tội Mai Thái Lĩnh khi ông được bên ngoài gợi ý nhận chức chủ tịch Phân bộ Tập hợp Đa nguyên Dân chủ Việt Nam.

 

Tình tiết này do Phong nêu nên không biết độ chính xác thế nào, song nếu quả có vậy thật thì cũng không thể kết tội Mai Thái Lĩnh là phản bội tổ quốc. Hiến pháp đã ghi: “ Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật “ ( Điều 69 ) . Thành lập tổ chức hay tham gia bất cứ  tổ chức nào ở trong nước cũng như ở nước ngoài là quyền chính đáng của công dân. Chỉ khi nào cá nhân ấy, tổ chức ấy có hành động phạm pháp thì toà án mới được đem ra xét xử.

 

Tóm lại, bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có quyền tham gia tổ chức trong nước và quốc tế, lập hội, trao đổi thông tin, luận bàn việc nước, việc đời, tán phát tài liệu do mình viết ra hay tiếp nhận được bằng cách truyền tay hay đưa lên intecnet ... , miễn là không được bịa đặt, không được nói sai sự thật, không được tiết lộ bí mật nhà nước, không được kích động bạo lực. Anh Nguyễn Như Phong lợi dụng tờ báo của mình để bôi nhọ và công bố tội trạng trái phép đối với Hà Sỹ Phu và Mai Thái Lĩnh là phạm vào các tội vu khống (điêù 117 ), tội làm nhục người khác ( điều 116, bộ Luật Hình sự ).

 

Điều thật khó hiểu là, trưa ngày 5 tháng 1 năm 2001, công an Lâm Đồng đã chính thức trao quyết định miễn trách nhiệm hình sự, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn và ông Hà Sỹ Phu đã được trả tự do hoàn toàn; vậy mà cho đến 18 tháng 1 năm 2001, Nguyễn Như Phong vẫn khăng khăng luận tội, vẫn tiếp tục bôi bẩn ông trên báo An ninh thế giới. Là người trong ngành, chẳng nhẽ Phong không nắm được thông tin ? Vì sao Phong cố ý làm càn một cách cay cú như vây ? Phải chăng Phong có ý chống lại quyết định trên ?  

 

Còn nhiều điều cần nói nhưng cuối cùng tôi chỉ muốn khuyên Nguyễn Như Phong một điều, nếu anh chưa được giáo dục đầy đủ để biết tôn quý những người tuổi cha chú mình và đáng bậc thầy mình thì anh cũng đừng quá hỗn xược do thói ngựa non háu đá, dê cỏn buồn sừng. Đừng hăng hái xung phong làm tên xung kích cuồng bạo. Cách phấn đấu kiểu bồi bút có thể nhất thời đem lại nhanh chóng cho anh một bậc lưong, một cấp hàm nào đó nhưng vì bất nhân, vô đạo nên lương tâm sẽ bị đầy đoạ và tiếng xấu sẽ mang theo suốt đời.

 

Dẫu sao anh cũng còn trẻ và tôi tin rằng anh biết nghe lời nói phải, biết phục thiện để vươn lên làm nhà báo chân chính, giúp ích nhiều cho nước, cho dân.                                   

Hà Nội 19 tháng 1 năm 2001.

Nguyễn Thanh Giang