Bầu cử và Quốc hội

Thắm thoát mà đã đến lần thứ mười kể từ cái lần ta được nghe “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 6 tháng 1 năm 1946: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

Ngày ấy đúng là một ngày lịch sử, ngày vui sướng của dân tộc ta. Sau hàng ngàn năm hoặc bị nô lệ ngoại bang, hoặc bị thống trị bởi sự mê hoặc của thần quyền với ý niệm quyền lực nhà nước xuất phát từ cõi hư vô, do thiên đình định đoạt; có những đấng thiên tử, có những dòng họ vốn dĩ sinh ra là mặc nhiên được quyền thống trị thiên hạ. Khi xác lập chế độ Cộng Hòa cho đất nước, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tức là chúng ta đã ý thức rằng quyền lực chính trị của nhân dân sẽ được bảo đảm thông qua những đòi hỏi phải được tham gia giải quyết các công việc của nhà nước như mục 3 điều 20 trong Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới đã xác định: Ý nguyện của mọi người là cơ sở quyền lực của chính phủ. Ý nguyện đó được biểu hiện qua quyền bỏ phiếu kín, bình đẳng của công dân trong các cuộc tổng tuyển cử.

Quyền tự do bầu cử và ứng cử ở nước ta buổi đầu được tuyên bố trong sắc lệnh 14-SL do chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời ký ngày 8 tháng 9 năm 1945, một tuần lễ sau khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ðến nay, chế độ bầu cử dưới giác độ là một chế định pháp luật của nhà nước bao gồm những quy định về nguyên tắc bầu cử, về trình tự lập danh sách cử tri, trình tự giới thiệu ứng cử viên, trình tự vận động bầu cử, cách thức xác định kết quả bầu cử... đã được ghi ngày càng chi tiết trong Luật Bầu cử Quốc hội của nước ta.

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X ban hành ngày 17 tháng 4 năm 1997. So với luật do Quốc hội khóa VIII thông qua ngày 15 tháng 4 năm 1992, Luật này tăng thêm 20 điều. Luật 1992 có 10 chương 70 điều. Luật năm nay có 10 chương 90 điều.

Về quyền bầu cử, ứng cử, Luật 1992 chỉ quy định những nguyên tắc chung đối với quyền được bầu cử và ứng cử. Những quy định đối với các trường hợp cụ thể công dân không được tham gia bầu cử, ứng cử thì lại dành cho các văn bản hướng dẫn của một số cơ quan hữu quan khác. Luật 1997 không chỉ quy định công dân có quyền bầu cử, có quyền ứng cử mà còn đồng thời quy định rõ những người không được tham gia bầu cử và những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội để khi Luật ban hành thì có thể thi hành được ngay. Ðiều này hợp lý hơn, vì quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là một trong những quyền cơ bản về chính trị của công dân thì cần được quy định chặt chẽ trong luật, chứ không nên đưa vào các văn bản dưới luật để tránh sự tùy tiện.

Về quyền bầu cử, điều 2 của Luật đã ghi: “Công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử”. Quy định rộng rãi này thể hiện được nguyên tắc phổ thông của chế độ bầu cử. Trước đây, tại nhiều nước, bầu cử chỉ là công việc của những người thuộc tầng lớp thượng lưu của giai cấp thống trị, sau đấy là của những người có của, những người đàn ông, của những người có quốc tịch nguyên thủy... Về độ tuổi, người ta cũng thường quy định tuổi cử tri phải bảo đảm 20 hoặc 25 chứ không phải chỉ 18 như ta. Ở Anh, người có bất động sản lớn, người đã tốt nghiệp các trường đại học Tổng hợp, thường được sử dụng nhiều phiếu bầu hơn những người khác. Ở New Zealand người có tài sản dưới 1000 bảng Anh có 1 phiếu để bầu, từ 1000 đến 2000 có 2 phiếu, và trên 3000 có 3 phiếu. Ngay ở Thuỵ sĩ, từ 1972, phụ nữ mới được quyền bầu cử như nam giới. Nhiều nước, đến nay vẫn quy định các quân nhân đang tại ngũ không được tham gia bầu cử với lý do quân đội không được tham gia chính trị.

Mở rộng đối tượng cử tri để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam được hưởng quyền bình đẳng trong bầu cử sẽ thể hiện đúng tính ưu việt, nếu ta tạo được các điều kiện chính trị-xã hội cho công dân ý thức trách nhiệm thực sự với lá phiếu của mình. Tại nhiều nước, bầu không không khí rạo rực mỗi kỳ tổng tuyển cử không chỉ làm bồn chồn xã hội ở nơi công cộng, trong các cộng đồng dân cư, mà ngay cả trong nhiều gia đình. Người ta bàn luận sôi nổi, phân tích chi tiết về chương trình hành động của đảng này, tư cách, tài năng của nhân vật nọ... Người ta hồi hộp trông ngóng rồi bỗng nhảy tung lên reo mừng nếu kết quả tuyển cử trùng với sự lựa chọn của họ. Ở ta, cờ xí ngợp đường, biểu ngữ chăng đỏ phố, các phương tiện truyền thông của nhà nước tuyên truyền, cổ động ầm ào hàng mấy tháng trời ròng rã với các khoản chi phí rất tốn kém. Thế nhưng, người dân không thấy có gì cần phải lắng nghe để mà đắn đo suy nghĩ. Trong các gia đình, các cụm dân cư không thấy có sự bàn luận thực sự. Tất cả đều đinh ninh rằng sự lựa chọn đã được thực hiện một cách tất nhiên ở đâu đó. Người nào cẩn thận thì trước hôm bỏ phiếu hỏi hàng xóm xem đã được hướng dẫn là nên bỏ phiếu như thế nào. Nhiều người đến phòng phiếu mới nghe xem cần gạch bớt mấy người thì phiếu được xem là hợp lệ. Từ sáng sớm tiếng loa trong khóm, trong phường đã oang oang giục giã, thậm chí nhắc tên từng người chưa đi bỏ phiếu. Chính vì vậy mà ở ta tỷ lệ dân chúng đi bầu bao giờ cũng thuộc loại cao nhất thế giới. Bỏ phiếu xong là thở phào nhẹ nhõm. Chẳng mấy ai sau đó còn để tâm nghe ngóng xem người được mình bầu có trúng cử không.

Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội ghi trong điều 3 của Luật 1997 chi tiết hơn và được cụ thể hóa thành 5 mục so với một mục duy nhất trong Luật 1992. Ở đây thấy nhấn mạnh đến vấn đề phẩm chất đạo đức, đến yêu cầu “kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật”. Ðặc biệt Luật 1997 ghi tiêu chuẩn 1 của đại biểu quốc hội Việt Nam là: “Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam...” chứ không quy định như Luật 1992 “Ðại biểu Quốc hội phải là người trung thành với tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Có lẽ đây không chỉ là sự uyển chuyển mang tính hình thức mà là sự chuyển dịch từng ngày đến sự đúng đắn hơn.

Ðiều kiện để được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử ghi trong Luật cũng thật là rộng rãi. Hầu như mọi công dân Việt Nam, từ 21 tuổi trở lên, nếu không bị mất trí, không bị khởi tố về hình sự, bị quyết định xử lý hành chính hay chấp hành án thì đều có quyền ứng cử.

Ở các nước, điều kiện tự ứng cử thường khá nghiêm ngặt. Một số nước quy định công dân phải từ 25 tuổi trở lên mới được ứng cử vào Hạ viện, từ 30 hoặc 40 mới được ứng cử vào Thượng viện. Người tự ứng cử muốn được lập danh sách ứng cử viên thì phải lấy được một số lượng chữ ký ủng hộ của cử tri nhất định. Ở Bỉ đòi hỏi từ 200 đến 500 chữ ký. Ở Canada, 2 chữ ký... Ngoài chữ ký, người tự ứng cử còn phải nộp một khoản tiền cược trước vào ngân sách nhà nước. Ở Nhật là 100.000 Yen; Ở Anh 150 Bảng; ở Pháp 1000 Franc. Số tiền này sẽ bị xung vào ngân quỹ nhà nước nếu ứng cử viên không nhận được một lượng phiếu bầu nhất định tùy theo quy định của từng nước: như ở Pháp là 5%, ở Italia là 1,5% tổng số phiếu bầu...

Ở Việt Nam, cực kỳ đơn giản, bất kỳ ai muốn tự ứng cử chỉ cần nộp vào Ủy ban bầu cử nơi mình ứng cử 3 loại giấy sau: (1) Ðơn xin ứng cử; (2) Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú; (3) Tiểu sử tóm tắt và 3 ảnh màu cỡ 4x6.

Ðiều kỳ lạ là, ở các nước, điều kiện nghiêm ngặt là thế nhưng rất nhiều ứng cử viên tự do đã được cử tri chọn bầu thật sự. Bầu vào Quốc hội, thậm chí bầu làm Tổng thống. Ở Việt Nam, ghi trên giấy thoải mái như vậy, nhưng suốt bao nhiêu khóa gần đây, người dân nói chung chẳng bao giờ được bỏ phiếu cho người tự ứng cử. Kỳ tổng tuyển cử Quốc hội khóa IX, trong số 32 người tự ứng cử chỉ 2 người được ghi vào danh sách ứng cử viên. Tuy nhiên, do thủ thuật lập danh sách, cả hai người được miễn cưỡng ghi tên đó cũng thất cử nốt.

Một trong những điều kiện để ứng cử viên tự do được đưa vào danh sách hiệp thương lựa chọn giới thiệu ứng cử là người đó phải thu được kết quả nào đó trong các hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú. Ðây là một trong những khoản rất mập mờ của “Luật bầu cử đại biểu quốc hội” Việt Nam. Luật 1997 ghi: “Hội nghị hiệp thương căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu quốc hội, cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu được bầu của các cơ quan, tổ chức đơn vị ở địa phương đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến lần thứ ba và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu quốc hội”. Khoản mập mờ này tạo điều kiện vô hiệu hóa ý kiến cử tri và danh sách đưa ra cho nhân dân bỏ phiếu thực chất chỉ là danh sách riêng của hội nghị hiệp thương. Luật không hề quy định tiêu chuẩn của “kết quả lấy ý kiến cử tri”, cũng không quy định phương thức tổ chức các hội nghị lấy ý kiến cử tri phải như thế nào.

Tôi đã từng trải nghiệm một thực tế. Năm 1992, do nghe anh em trong cơ quan khuyến khích, do được một vài vị thượng cấp gợi ý, do chân thành tin vào những lời hô hào trong các văn bản của Ðảng và Nhà nước, tôi đã làm thủ tục đăng ký tự ứng cử đại biểu quốc hội khóa IX. Sau khi báo Ðại Ðoàn Kết đăng bài phỏng vấn tôi, rất nhiều anh chị em trong và ngoài ngành địa chất, cả các cụ lão thành cách mạng hơn 40 tuổi đảng mà tôi chưa hề quen biết dồn dập gửi thư hoặc gọi điện thoại tới hoan nghênh, bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành và hy vọng tôi sẽ đắc cử. Tại hội nghị cử tri địa phương tôi được 96% phiếu thuận. Năm ấy trong khu dân cư Thanh Xuân Bắc có 4 ứng cử viên quốc hội, chị Phạm Thị Trân Châu, giáo sư tiến sĩ của trường đại học Tổng hợp Hà Nội, được nhân dân địa phương bỏ phiếu bầu 100%, tôi 96%, còn hai vị trung ương ủy viên đảng CSVN, một người trên 70%; một người trên 80%.

Ở địa phương, cán bộ đến từng nhà động viên bà con ra họp, cơ quan tôi có hơn 400 người nhưng chỉ 16 người có tên ghi trong sổ mời mới được đến họp. Và thật kỳ lạ, chính tại nơi đã “xui” tôi ra ứng cử, chỉ có 1/3 số người dám bỏ phiếu thuận. Sau này tôi mới được nghe kể về sự chỉ đạo ngầm rất quyết liệt sau bài phỏng vấn của báo Ðại Ðoàn Kết và sau kết quả bỏ phiếu thăm dò nhân dân địa phương đối với tôi. Họ buộc anh em cơ quan tôi phải làm điều trái lương tâm và phi pháp. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn xấu hổ khi thấy nhiều người không biết tình tiết sự thật, cứ nghĩ rằng tôi hoặc là người tin tưởng ngây thơ, hoặc quá hám chức sắc. Ðiều tôi không thể nào hiểu nổi là vì sao đất nước đã của mình, nhân dân đã của mình và ta thường nói đảng dựa vào dân, dân tin ở đảng nhưng rồi lại cứ phải thớ lợ, lọc lừa, quay quắt, gian xảo như vậy!

Lần này, “Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú về những người ứng cử đại biểu Quốc hội” ban hành ngày 25 tháng 4 năm 97 đã ghi rõ : “Số lượng cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu quốc hội ở những nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể nhưng phải bảo đảm ít nhất là 2/3 tổng số cử tri tham dự. Nơi nào có từ 100 cử tri trở lên thì không nhất thiết tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm ít nhất là 70 cử tri tham dự”. Nhưng rồi, không biết ý kiến của hội nghị cử tri có ý nghĩa gì không?

Năm nay, đến 25 tháng 5 năm 97, thành phố Hồ Chí Minh có 22 người tự ứng cử, một vài tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Huế, Phú Thọ, lác đác mỗi nơi có một người. Hà Nội hình như không thấy động tĩnh gì. Liệu mấy ai sẽ được đưa vào danh sách và có ai được bố trí cho trúng cử không?

Kỳ này, chủ trương nâng số đại biểu quốc hội là người ngoài Ðảng lên 20%. Liệu có thực sự quyết tâm đạt chỉ tiêu đó không khi mà danh sách 30 người được giới thiệu ứng cử của thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 2 người ngoài Ðảng.

Nghĩ cũng lạ, một khối nhân dân đã sinh ra Ðảng, từng giúp Ðảng lập nên tất cả các chiến tích, là nguồn bổ sung nhân sự cho Ðảng, có số lượng gấp mấy chục nghìn phần trăm Ðảng mà trầy trật không có nổi vài chục phần trăm đại diện trong cái tổ chức biểu hiện quyền lực chính trị của mình.

Nhớ lại Quốc hội đầu tiên của chúng ta, trong số 333 đại biểu tiêu biểu cho nhân dân cả nước, đã cử ra được nội các chính phủ gồm 20 thành viên, trong đó chỉ có 6 là cộng sản. Vậy mà Quốc hội khóa 1 với chính phủ đa số ngoài Ðảng ấy đã tập hợp được nhân dân cả nước làm nên được những kỳ tích đáng ghi nhận nhất trong lịch sử hơn nửa thế kỷ qua của nước mình.

Quốc hội ta không chỉ có quá nhiều đảng viên Cộng sản mà còn rất già. Năm 1945, vận nước ở thế ngàn cân treo sợi tóc, một quốc hội trứng nước nhưng lại rất trẻ, rất tôn trọng người trẻ, được thiết lập. Anh Nguyễn Ðình Thi lúc ấy mới ngoài 20, không những chỉ được cử làm thư ký hội nghị mà ngay sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc báo cáo về tình hình và nhiệm vụ, đã được thay mặt Quốc hội đọc đáp từ, xác nhận những thành tích của Chính phủ Liên hiệp Lâm thời. Cuối hội nghị anh còn được nhân danh đại diện Quốc hội đọc lời chào mừng Chính phủ mới.

Nước ta ngày nay không ở thế trứng nước như 1946 nhưng lại rất non trẻ trước thế giới kinh tế thị trường, trước cái ngỡ ngàng của yêu cầu hiện đại hóa trong làn sóng của nền văn minh thứ ba. May sao, qua bao nhiêu dập vùi bão táp, dân tộc ta cứ vẫn là một dân tộc trẻ. Chính ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher cũng phải ngỡ ngàng khi ông phát biểu hôm đến thăm Việt Nam tháng 8 năm 1995: “Một điều ngạc nhiên là 3/5 người nước các bạn là dưới 25 tuổi. Việt Nam là một nước lâu đời, nhưng lại là một dân tộc trẻ. Tương lai của nó, và cái vị trí đang chuyển động của nó trong cộng đồng các dân tộc, là do các bạn nhào nặn”.

Phải ra sức trẻ hóa quốc hội nước ta. Nên chăng cần quyết tâm đạt chỉ tiêu trung bình độ tuổi quốc hội chúng ta ngày nay chỉ chừng 40. Cần cảnh giác một số người chỉ do công thần hoặc tham quyền cố vị mà ra sức hù dọa bằng luận điểm hoàn toàn không đúng đắn: cán bộ lãnh đạo trẻ thì dễ bị “diễn biến hòa bình”.

Tôi không đồng ý với điều 70 luật bầu cử quốc hội ở điểm ghi: “Trong trường hợp nhiều người được số phiếu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn là trúng cử”. Ở đây cứ nên để tất cả cùng trúng cử vì : một là, trường hợp này hiếm khi xảy ra nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tổng số đại biểu quốc hội; hai là, như vậy mới bảo đảm nguyên tắc công dân bình đẳng trước quyền lợi và nghĩa vụ đối với đất nước.

Tin rằng, trong tình hình hiện nay, trí tuệ và tinh thần bảo vệ công lý sẽ tăng theo tỷ lệ nghịch với độ tuổi trung bình của quốc hội ta.

Quốc hội khóa IX có thể tự hào về thành tích xây dựng được một khối lượng các điều luật chưa từng có ở nước ta. Ngoài hai bộ luật lớn là Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Lao động còn thông qua được 34 văn bản luật và 43 pháp lệnh. Tuy vậy, nếu so sánh với con số 5733 dự án luật mà ủy ban của nghị viện Italia thông qua từ năm 1958 đến 1976 thì ta thấy vẫn còn có điều phải suy nghĩ. Ở nhiều nước, quy trình lập pháp của quốc hội được bắt đầu bằng sáng quyền lập pháp của các nghị sĩ. Ở ta, đại biểu quốc hội hoặc không hề có khả năng hoặc không dám nghĩ đến việc đề xuất các dự án luật. Quốc hội chỉ được triệu tập để thông qua một cách khá dềnh dàng các dự án luật do chính phủ đề xuất. Lưu ý rằng, 80% số dự án luật nêu trên của Italia không đưa ra toàn thể nghị viện mà được thông qua tại các phiên họp của ủy ban.

Ðiều 4 trong Luật Tổ chức Quốc hội công bố ngày 18 tháng 2 năm 1992 có ghi: “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước”. Kiểm điểm lại, thấy có vẻ như quốc hội khóa IX chưa quan tâm đúng mức tới việc thực hiện chức năng này. Trong một số kỳ họp cũng có những đại biểu đã chất vấn thẳng thừng phía chính phủ. Tuy nhiên, nhiều vị bộ trưởng, nhiều quan chức nhà nước chỉ trả lời quấy quá, thậm chí có thái độ khinh thị mà quốc hội vẫn đành bỏ qua.

Trong quốc hội khóa IX có tồn tại đâu đó thắc mắc rất chính đáng đối với việc xây dựng đường dây tải điện 500 kilo von chạy suốt Bắc Nam. Vậy mà những ý kiến đó không được đem ra bàn thảo nghiêm túc để tạo điều kiện cho quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao. Có vị phàn nàn rằng cho đến nay vẫn chưa được biết con số quyết toán chính thức của khoản chi tiêu cho công trình này là bao nhiêu. Ba nghìn tỷ như dự toán hay 6 nghìn tỷ hay 12 nghìn tỷ? Do đâu mà giá điện tăng vùn vụt? Phải chăng, chính vì hậu quả tai hại của gánh nặng chi phí tốn kém bất hợp lý cho đường dây 500 kilo von. Chỉ cần phân tích khái quát đã thấy giá điện đắt đến như vậy là không thể chấp nhận được. Cơ cấu điện năng của ta hiện nay gồm: 54,9% thủy điện; 15,7% nhiệt điện than; 6,9% nhiệt điện dầu; 11,9% tuốc-bin khí; 1, 4% tuốc-bin dầu; 1,6% điện diêzen. Giá điện tuốc-bin khí rất rẻ, thủy điện cũng rẻ, lại chiếm hơn nửa trong cơ cấu điện năng; như vậy lẽ ra giá thành sản xuất điện nói chung ở ta phải thấp. Vậy mà, tại sao trong khi nông dân ta còn rất nghèo, cán bộ ta lương rất thấp, lại phải mua điện với giá cao hơn cả ở Thái Lan là nước phải dùng nhiệt điện là chính?

Dễ dàng nhận thấy rằng hệ thống chuyển tải điện của ta vẫn còn quá lạc hậu. Do thiết bị vận hành cổ lỗ, tồi tàn; do đường dây chuyển tải quá dài, điện năng tổn thất quá lớn. Trong khi mức tổn thất điện năng tiêu hao trên lưới ở các nước chỉ trên dưới 5% thì mức tổn thất của ta hiện nay lên tới 20,3%. Nếu khoản chi phí cho đường dây 500 kí lô von được dành lại góp thêm cho đầu tư xây dựng kịp thời một số nhà máy điện chạy bằng khí đốt dẫn từ thềm lục địa vào, một số nhà máy thủy điện, chế tạo hàng loạt pin mặt trời và tuốc-bin điện chạy bằng sức gió cho dân dụng, đồng thời cải tạo mạng lưới chuyển tải để tiết kiệm được khoảng điện năng tiêu hao quá lớn thì có lẽ miền Nam cũng có điện dùng mà cả nước đâu đến nổi phải mua điện giá cao đến như thế này.

Có phải vì trên trời đã có đường dây tải điện xuyên Việt thì dưới đất phải có thêm đường Trường Sơn công nghiệp hóa xuyên Bắc Nam? Dẫu trên bản đồ tỷ lệ nhỏ, con đường này có thể thấy như chập vào đường quốc lộ số một thì có hai đường vẫn hơn là chỉ một. Tuy nhiên, trong tình trạng còn khổ nghèo thiếu thốn trăm bề, phải chăng chúng ta không còn việc gì cấp thiết hơn việc đó ngàn lần? Chỉ riêng trong lãnh vực giao thông, theo báo cáo UNDP, đến tháng 5 năm 1997, nước ta vẫn còn 725 xã ô tô không thể tới được, ngay cả trong mùa khô.

Theo dự án ban đầu mà Tổng công ty Tư vấn Khảo sát Thiết kế thuộc bộ Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ khảo sát lập dự án từ cuối 1996 thì, để thông tuyến từ Bắc vào Nam trên cơ sở nên đường đất thôi, đã phải chi đến 20.000 tỷ đồng. Bây giờ mỗi chân cột điện 500 kílô von bị nứt đất, lở đất đòi phải đắp vào đấy một vài tỷ đồng. Dằng dặc 1800 km đường Trường Sơn dốc lắm, mưa nhiều như thế, liệu rồi sẽ có ngày nào không lở, không sập?

Thế giới do tin vào tiềm năng to lớn của nhân dân ta, đất nước ta, cũng do thương cảm với bao nhiêu đau thương mất mát của chiến tranh dăng dẳng nên sẵn sàng cho chúng ta vay nợ. Tuy nhiên, nếu chúng ta ham “ăn mặn” với những công trình thế kỷ không hợp lý thì con cháu chúng ta rồi đây sẽ oán trách chúng ta khi phải “khát nước” khốn khổ vì lo trả nợ. Tính đến 31 tháng 12 năm 1996, tổng số nợ nước ngoài của chúng ta đã lên tới chừng 8 tỷ USD + 10 tỷ rup chuyển nhượng. Số tiền đó bằng nửa GDP của nước ta trong cả năm 1996. Theo tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta đang bị xếp vào hàng các nước có thu nhập thấp và mắc nợ nhiều.

Ở New York, tôi từng phải chựng lại trước một bảng điện tử rất to luôn luôn đập vào mắt mọi người dòng chữ số ghi khoản nợ của nước Mỹ. Ngay cả nước Mỹ không tiếp tục vay thêm nợ thì dòng chữ số đó vẫn không ngừng gia tăng cùng với khoản lãi suất được cộng vào liên tục. Ở nước ta không những người ta không nghĩ rằng phải luôn luôn nhắc nhở để mọi người cùng bồn chồn lo lắng mà tuồng như không muốn cho mọi người biết về các khoản nợ lớn đến thế. Chính vì vậy mà các “quan cách mạng” ganh nhau sắm xe con thật xịn, hùa nhau ném tiền qua cửa sổ không ghê tay. Học trò không thấy cần khổ công dùi mài kinh sử mà cũng đua đòi ăn chơi, hút hít.

Quốc hội khóa X sẽ phải làm thế nào để tăng cường một trong những chức năng quan trọng nhất của mình là “giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước”. Ðặc biệt là đối với chính phủ! Rất nên tổ chức các cuộc bỏ phiếu trưng cầu, tức là bỏ phiếu phúc quyết để tạo điều kiện cho nhân dân được trực tiếp tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia. Trước mắt mấy vấn đề sau đây cần được đưa ra bàn thảo nghiêm túc và công khai trên báo chí rồi sau đó tổ chức bỏ phiếu trưng cầu trong toàn thể quốc dân :

1. Có nhất thiết phải chủ trương giành vị trí chủ đạo cho kinh tế quốc doanh ngay trong những năm tới không?

2. Có nên cho các nhà xuất bản tư nhân và báo chí tư nhân hình thành và hoạt động không?

3. Có nên kiến tạo đường Trường Sơn công nghiệp hóa và xây dựng nhà máy lọc dầu ở Dung Quất không?

Những gì đang tới cũng khiến người ta trông mong. Mong rằng rồi đây chúng ta sẽ có một quốc hội trí tuệ hơn, trẻ trung hơn, biểu hiện rõ rệt hơn ý chí phấn đấu cho một nền dân chủ thật sự, xóa bỏ những thế lực chính trị đặc quyền, đặc lợi, góp phần tích cực thực hiện nguyên tắc “tất cả mọi quyền lực thuộc về nhân dân”.

Mong lắm lắm. Mong cháy lòng.

 

Ðoan Ngọ - Ðinh Sửu (9/6/1997)

 

Nguyễn Thanh Giang
Chuyên viên Ðịa Vật Lý - Cục Ðịa chất Việt Nam
Nhà A13P9- TTPK Hòa Mục - Trung Hòa - Từ Liêm - Hà Nội
Ðiện Thoại : 84 4 8558 6012