Thảo luận về dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt Nam 1980

 

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 8 tháng 01 năm 1992.

Kính gửi: Ban soạn thảo sửa đổi Hiến Pháp.

 

 

Tôi là một trí thức ngoài Đảng, lại vốn chỉ làm khoa học tự nhiên, không hiểu biết gì về hiến pháp học. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1980, tôi thấy có một số ý kiến muốn được phát biểu, mong được ban soạn thảo Hiến pháp tham khảo.

Sau đây là một số ý kiến cụ thể của tôi:

1. Lời nói đầu cần được viết lại theo một trong hai phương án:

Hoặc là nội dung phần này chỉ nên gồm các ý: lịch sử hình thành, phát triển của hiến pháp Việt Nam; lý do sửa đổi; và khái quát đặc điểm của bản hiến pháp này.

Nếu muốn cơ cấu nội dung lời nói đầu như đã viết trong dự thảo công bố thì bố cục của phần viết về đặc điểm của đất nước, của dân tộc, nên viết súc tích hơn, khái quát hơn, và phân minh hơn. Không nên chỉ ưu tiên cho giai đoạn lịch sử từ 1930 trở lại đây.

Không nên để tồn tại những câu không được chặt chẽ lắm. Ví dụ, sau một đoạn viết liền mạch về lịch sử đất nước, câu

"Sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân ta đã bảo vệ vững chắc giang sơn, bờ cõi,..."

có thể làm tủi vong linh cha ông chúng ta. Bởi vì, không phải chỉ các thế hệ chúng ta ngày nay mới làm được việc đó.

 

2. Hiến pháp là sản phẩm văn hóa của một quốc gia nhưng lại là tài sản chung của nền văn hóa chung trong cộng đồng nhân loại, bởi vậy rất không nên dùng thể tự xưng "ta" hoặc "chúng ta" như:

"Đến nay nước ta đã có ba bản hiến pháp...".

"Từ năm 1986, nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện...".

v.v...

Ai cũng biết rằng không phải chỉ có người trong nước mà nhiều người nước ngoài, hoặc làm nghiên cứu khoa học-xã hội, hoặc có yêu cầu tìm hiểu để triển khai các quan hệ với ta, cũng đọc hiến pháp Việt Nam. Thật vậy, các Điều 25 (Chương II), Điều 80 và 81 (Chương VI) và ngay cả Điều 1 (Chương I) đều chủ yếu dành cho người nước ngoài khi tham khảo hiến pháp của chúng ta.

 

3. Trên cơ sở nhận thức rằng có chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong cơ cấu nhà nước thống nhất, nhưng không có nhà nước và nhân dân trung ương với nhà nước và nhân dân địa phương, tôi nghĩ rằng ở nước ta chỉ có hai loại hoặc hai cấp thành phố: thành phố thuộc nhà nước (hoặc thành phố quốc gia) và thành phố thuộc tỉnh, không có thành phố trực thuộc trung ương. Có chăng, chỉ ủy ban hành chính của thành phố thuộc nhà nước mới trực thuộc trung ương.

Vì vậy, đề nghị sửa Điều 115 là:

"Các đơn vị hành chính của nước CHXHCN Việt Nam được phân định như sau: nước gồm các tỉnh và thành phố thuộc nhà nước, tỉnh gồm các huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã v.v..."

Việc kiến nghị đổi tất cả từ "chia thành" trong Điều 115 thành "gồm các" không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của ngôn từ, mà còn nhằm bảo đảm vấn đề chính trị quan trọng của việc thể hiện nghiêm túc tinh thần và ý chí thống nhất của nhân dân ta, của đất nước ta.

 

4. Để thống nhất về mặt kết cấu chữ nghĩa cách gọi tên các chương, Chương I nên đặt là "Tên nước - Chế độ chính trị". Cũng vậy, tên của Chương IV sẽ ngắn gọn hơn: "Bảo vệ tổ quốc", không cần thêm cụm từ XHCN.

Đối với người dân của bất kỳ nước nào, tổ quốc cũng đều vô cùng thiêng liêng. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy ý chí bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta là bất di bất dịch. Tổ quốc đã qua bao nhiêu triều đại, song dù vận nước thịnh suy, nhân dân ta vẫn một lòng gìn giữ vẹn toàn giang sơn đất nước.

Vả chăng, cần chăng là phải đề phòng tình huống khôi hài khi có tên cơ hội hoặc kẻ ngụy biện nào bảo rằng chỉ có tổ quốc XHCN mới đáng được bảo vệ thôi. Vì sự thật là chúng ta chưa hề có CNXH. Cho đến nay ta cũng mới chỉ đang ở chặng đầu của thời ký quá độ. XHCN đích thực dứt khoát là mục tiêu đẹp đẽ mà nước ta và cả nhân loại đi tới. Tôi tin rằng nhân dân ta đều hiểu muốn có CNXH thì trước hết phải bảo vệ tổ quốc đã.

5. Không nên lạm dụng cụm từ XHCN. Việc đưa ý niệm

"Công dân có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản XHCN"

làm cho Điều 76 vừa không xác định vừa mâu thuẫn với một số điều khác. Thế nào là tài sản XHCN? Đối với các di sản văn hóa, di tích lịch sử, các tài sản của các thành phần kinh tế khác thì sao?

Ở Điều 13 chỉ cần ghi "Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng là bất khả xâm phạm" là đủ. Không cần thêm cụm từ XHCN vào sau tổ quốc Việt Nam.

Trong cơn chao đảo cực kỳ dữ dội này, nếu chúng ta còn muốn thực sự kiên định cái lý tưởng XHCN đích thực tốt đẹp thì ta càng phải tỏ ra điềm tĩnh và có bản lĩnh. Không nên lên gân bằng ngôn từ. Điều cốt yếu là phải bằng các chủ trương, chính sách, biện pháp cụ thể đúng đắn.

Tránh bớt khẩu hiệu và sự thách thức bằng tuyên bố. Đừng làm cho bè bạn bình thường cũng thấy khó chịu mà kẻ thù thì càng lồng lộn chống phá ta.

 

6. Vấn đề hệ thống tư pháp thuộc cơ quan quyền lực nào và chế độ thẩm phán bầu hay bổ nhiệm là rất quan trọng, bởi vậy không nên để lửng như Điều 129:

"Chế độ bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thẩm phán, chế độ bầu và nhiệm kỳ của hội thẩm nhân dân ở tòa án nhân dân các cấp do luật định".

Để bảo đảm tính độc lập tương đối cho quyền tư pháp, cần có Hội đồng tư pháp tối cao. Hội đồng này cử ra những thẩm phán xét xử và công tố viên. Cũng cần đổi Viện Kiểm Sát Nhân Dân hiện nay thành Viện Công Tố có chức năng kiểm soát các hoạt động của các cơ quan hành pháp và có quyền khởi tố, cáo trạng và kháng nghị.

Dù vẫn muốn duy trì chế độ trung ương tập quyền thì ta vẫn phải hết sức cố gắng tổ chức nhà nước sao cho nguyên tắc quyền lực ngăn trở quyền lực được bảo đảm. Thực tế là hiện nay tình trạng quan liêu và tham nhũng trong bộ máy nhà nước ở ta còn tệ hại hơn những năm trước và hơn rất nhiều nước trên thế giới. Nạn Ma-phia cũng hình thành rộng rãi và có nguy cơ phát triển ghê gớm. Các cấp chính quyền có xu hướng hoạt động vì chính quyền hơn là vì nhân dân.  Nếu các nhà lãnh đạo không tỉnh táo nhìn thẳng vào sự thật một cách khách quan, hoặc vì quá say sưa tự hào với thành tích hoặc quá nhấn mạnh đến yêu cầu ổn định chính trị mà không tổ chức việc kiểm tra và kiểm soát một cách nghiêm túc, xuê xoa cho nhau, bỏ mặc quần chúng, thì khả năng phân hóa (không phải chỉ về kinh tế mà cả về xã hội, chính trị) sẽ diễn ra rất mạnh mẽ. Không thể không cảnh giác đề phòng nguy cơ suy yếu trường cửu và thậm chí dẫn đến tan rã.

 

7. Nên bỏ hai chữ "nhất thiết" trong câu

"ngoài thủ tướng các thành viên khác của chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu quốc hội" (Điều 107).

Muốn có sự phân biệt tương đối rõ giữa quyền lập pháp và hành pháp thì đại biểu quốc hội không nên kiêm nhiệm những chức vụ lãnh đạo trong hệ thống hành pháp và tư pháp.

Vả chăng từ khóa tới, đại biểu quốc hội cần hoạt động thực sự, nên phải dành thời giờ thỏa đáng cho công việc của quốc hội, không còn đủ thời gian và tâm trí để làm việc của chính phủ.

 

8. Vấn đề đồng bào ta định cư ở nước ngoài phải được xem là một trong những vấn đề lớn của quốc gia, của dân tộc. Cần đặt vào đây những nhiệm vụ chiến lược và đưa vào phạm trù của những quốc sách.

Đồng bào ta đã ra đi từ năm 1975 và lại đang ra đi từ khi Đông Âu tan rã và Liên Xô sụp đổ. Bởi vậy, vấn đề này đã và đang phát sinh và phát triển rất mới lạ. Muốn hạn chế sự xuất hiện của các lực lượng chống đối, đồng thời tranh thủ sức đóng góp to lớn của những cộng đồng người Việt Nam này, cần quan tâm thực sự đến họ với tấm lòng ưu ái của máu mủ ruột thịt. Cần tỏ ra rằng chúng ta vẫn xem cộng đồng những người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận của nhân dân Việt Nam.

Đề nghị tách Điều 5 Chương 1 thành hai điều. Một trong hai điều đó sẽ được ghi là:

"Nhà nước Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc. Nhà nước tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ với gia đình, quê hương, được giữ quốc tịch Việt Nam và được trở về tái định cư trên đất nước Việt Nam khi có nguyện vọng".

 

9. Điều 16, không nên viết

"Mục đích chính sách kinh tế của nhà nước là đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân...",

mà nên sửa thành

"Chính sách kinh tế của nhà nước nhằm đáp ứng...".

 

10. Đoạn cuối Điều 53, không nên viết

"Nhà nước ban hành chế độ bảo hộ lao động, chính sách lao động đối với phụ nữ, trẻ em",

mà viết

"Nhà nước có chế độ bảo hộ lao động, đặc biệt là đối với lao động phụ nữ và trẻ em".

 

11. Bỏ bớt từ "phát huy" trong đoạn

"Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục tập quán" (Điều 5).

12. Nên bỏ hoặc ít ra sửa đổi lại Điều 8 vì đây chỉ là một khẩu lệnh, không có yếu tố quy định pháp lý. Trong thực tế, nếu có những pháp quy dưới luật đủ bảo đảm thực hiện nghiêm túc các Điều 72, Điều 127 và Điều 3, thì tức là sẽ đạt được mong muốn của Điều 8.

 

13. Bỏ Điều 42 ở Chương 3 vì đây là một chủ trương chứ không phải một điều luật. Vả lại, một chương như Chương 3, gồm tới bốn vấn đề lớn: văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ mà chỉ gồm 13 điều. Tại sao du lịch chỉ là một trong các hình thức hoạt động của văn hóa-thể thao lại cần phải dành riêng cả một điều cho nó?

 

14. Điều 15, không nên viết

"Nhà nước phát triển nền kinh kế hàng hóa nhiều thành phần...",

mà sửa thành

"Nền kinh tế của nước Việt Nam là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường...".

Trong Điều 15 cũng còn nên bỏ "tồn tại lâu dài" ở đoạn

"Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần tồn tại lâu dài...".

Do bản thân hiến pháp đã là bộ luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của nhà nước, chỉ quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất – mới có quyền sửa đổi hiến pháp. Mọi điều khoản đã được quy định ở đây đều phải được hiểu là sẽ tồn tại lâu dài, ít ra cùng khoảng thời gian với bản hiến pháp này. Dầu với ý muốn làm yên lòng các nhà đầu tư và kinh doanh thì việc đưa thêm cụm từ "tồn tại lâu dài" cũng chỉ làm cho đoạn này thiếu chặt chẽ, bởi vì đã là một ngoại lệ thì có thể hiểu rằng tính chất bền vững của điều này sẽ kém các điều khác.

 

15. Điều 1 nên viết lại là:

"Nước Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất, có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời".

Việc thay đổi thứ tự giữa vùng biển và vùng trời là để bảo đảm lô-gích tư duy từ gần đến xa và thứ tự mức độ quan trọng của các phần lãnh thổ.

 

Nguyễn Thanh Giang