Nghĩ về Hiến pháp nước ta

Khi đặt vấn đề kêu gọi nhân dân góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992, chủ tịch Quốc hội Nguyễn văn An đã xác định rằng "Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội nên phải được các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Ðể phát huy quyền làm chủ và trí tuệ của nhân dân, tạo điều kiện để toàn dân tham gia quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, việc tổ chức để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp". Tuy nhiên, "Dự kiến nội dung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 " lại chỉ thấy khoanh định trong một số điều. Không biết đối với những điều khác mà thấy rằng việc sửa đổi hay không sẽ có "liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội" thì nhân dân có được đề cập đến để góp phần "tham gia quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước" không ? Bài viết này mạn phép vượt khỏi những nội dung gợi ý khiên cưỡng để bầy tỏ một vài suy nghĩ chung về Hiến pháp nước ta .

I - Sự hình thành tư tưởng lập hiến và quá trình xây dựng Hiến pháp ở nước ta

Ở Việt Nam, nhà nước xuất hiện khá sớm. Vào khoảng thiên niên kỷ 2 trước công nguyên, xã hội Việt cổ đã có những chuyển biến nhất định. Trên cơ sở sức sản xuất phát triển, những yếu tố mới xuất hiện làm nẩy sinh chế độ tư hữu không thể hiện dưới hình thức tư hữu về ruộng đất mà thể hiện dưới hình thức sở hữu nhà nước về ruộng đất và tư hữu về các tư liệu sinh hoạt. Ðến đầu thiên niên kỷ 1 trước công nguyên do hai nhu cầu bức thiết lúc bấy giờ là xây dựng, quản lý các công trình tự trị thủy - thủy lợi và tổ chức lực lượng chống ngoại xâm đòi hỏi xã hội phải sớm hợp nhất cộng đồng và thống nhất bộ máy quản lý. Kết quả là nhà nước đầu tiên của ta - nhà nước Văn Lang của các vua Hùng - đã ra đời.

Ðến cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX do ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản Pháp 1789, của cách mạng Trung Hoa 1911 và của Phong Trào Duy Tân Nhật Bản do Minh Trị Thiên Hoàng chủ xướng, tư tưởng lập hiến lần đầu đã xuất hiện trong trí thức Việt Nam. Ðể chống lại chủ trương bãi bỏ chế độ vua quan ở miền Bắc và miền Trung của Nguyễn văn Vĩnh, nhằm đặt xã hội Việt Nam dưới quyền cai trị trực tiếp của chính phủ Pháp, Phạm Quỳnh cho rằng nên duy trì Triều chính nước ta nhưng phải cải cách chế độ phong kiến nhiều tệ tục và xây dựng nên chế độ quân chủ lập hiến. Phạm Quỳnh và Bùi Quang Chiêu kiến nghị ban bố một bản hiến pháp sao cho vừa bảo đảm được quyền điều hành đất nước của Hoàng đế, quyền bảo hộ của chính phủ Pháp đồng thời quyền dân chủ cho nhân dân.

Vào năm 1902, tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây và tư tưởng cải cách đất nước của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Bạch, Phan Chu Trinh đề xướng chủ trương "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh " đồng thời đề cao tư tưởng dân chủ và lập hiến. Ông viết : "Nhật Bản là nước đồng chủng, đồng giống với nước ta, bốn mươi năm trước họ lập ra Hiến pháp cho nhân dân được bầu cử Nghị viện. Việc chính trị trong nước phải theo ý dân chứ vua không được chuyên quyền tất cả ". Ông chủ trương phế bỏ chế độ quân chủ chuyên chế, xây dựng chế độ dân chủ . Ông nói : "So sánh hai cái chế độ quân trị và dân trị ta thấy chủ nghĩa dân trị hay hơn chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay của một triều đình mà trị một nước thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê được no ấm vui vẻ hay đói khát khổ sở tuỳ theo lòng người chăn. Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị thì quốc dân lập ra Hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung của cả nước, lòng quốc dân thế nào thì làm thế ấy, dù không có người tài giỏi thì cũng không đến nỗi phải để dân khốn khổ làm tôi mọi một nhà, một họ nào ". Tại Hội Khuyến Học Sài Gòn, trong bài diễn thuyết "Quân trị và dân trị chủ nghĩa ", ông phân tỏ : "Trong nước có Hiến pháp, ai cũng phải tôn trọng Hiến pháp, cái quyền của chính phủ cũng bởi Hiến pháp quy định cho, lười biếng không được mà dẫu có muốn áp chế cũng không chỗ nào thò ra được. Vả lại, khi có điều gì vi phạm đến pháp luật thì người nào cũng như người nào, từ ông tổng thống cho đến một người nhà quê cũng chịu theo pháp luật như nhau ".

Ðầu năm 1919, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã gửi bản "Yêu sách của nhân dân Việt Nam " cho Hội Nghị Versailles của các nước Ðồng minh. Một trong tám điều yêu sách (điều thứ 7) nêu ra là mong được ban hành Hiến Pháp. Sau này, bản yêu sách được dịch ra tiếng Việt dưới dạng văn vần để dễ phổ biến trong dân chúng lúc bấy giờ. Bản dịch mang tiêu đề "Việt Nam yêu cầu ca". Trong đó có câu :

"Bẩy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền"

Tháng 11 năm 1940, trong Hội Nghị Trung Ương Ðảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, một trong những nhiệm vụ bức thiết đặt ra (nhiệm vụ thứ ba) là ban bố Hiến pháp. Theo Người lúc bấy giờ, bản Hiến pháp cần thiết phải là Hiến pháp dân chủ, ban bố những quyền tự do dân chủ cho nhân dân, trong đó có các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp. Người từng nói : "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ ".

Ngày 9 tháng 11 năm 1946 bản Hiến pháp đầu tiên đã được quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thông qua sau 10 ngày làm việc khẩn trương với 240 phiếu thuận, 2 phiếu chống. Có lẽ đây là bản Hiến pháp dân chủ nhất, tính đến nay, của nước ta. Với lời nói đầu ngắn gọn và khúc chiết (hơn cả, so với tất cả các bản Hiến pháp sau này), bản Hiến pháp 1946 đã xác dịnh ba nguyên tắc cơ bản sau đây :

- Ðoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo.
- Ðảm bảo các quyền tự do, dân chủ.
- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. 

Trên cơ sở đó, Ðiều 1- Hiến pháp 1946 ghi rõ : " ... Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo ". Ðiều này, về sau cứ bị biến tướng dần dần. Hiến pháp 1959 khả dĩ còn ghi : "Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc Hội và Hội Ðồng Nhân Dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc Hội, Hội Ðồng Nhân Dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ ". Ðến Hiến pháp 1980 đã biến hóa lắt léo thành : "Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản" (Ðiều 2). "Ở nước CHXHCN Việt Nam, người chủ tập thể là nhân dân lao động bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp tri thức XHCN và những người lao động khác, mà nòng cốt là liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo" (Ðiều3). Ðến Hiến pháp 1992 thì : "Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức" (Ðiều 2). Ðiều này dự kiến hầu như sẽ được giữ nguyên trong kỳ sửa đổi này. Thế đấy, từ Hiến Pháp 1946, qua các Hiến Pháp 1959, 1980 đến Hiến Pháp 1992, cái "miếng da lừa" quyền lực của nhân dân cứ ngày một teo dần. Từ chỗ "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống , gái trai, giầu nghèo, giai cấp, tôn giáo " (Hiến pháp 1946), đến chỗ có phân biệt giữa "nhân dân nòng cốt", "nhân dân nền tảng" với "nhân dân ngoài vỏ", "nhân dân chầu rìa". Lại nữa, dù có mềm hóa từ "Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản" (Hiến Pháp 1980) thành "Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân " (Hiến pháp 1992) thì ngay trong đám nòng cốt và nền tảng đó, bao giờ nhân dân là trí thức cũng bị xếp hạng bét ! Khi có lộc để thụ hưởng thì người ta ngày càng nghĩ thêm trăm phương ngàn kế để phân loại, chia quyền. Vậy mà khi cần kêu gọi quốc dân đồng bào đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm thì lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đã từng :

"Kính cáo đồng bào
Hỡi các bậc phụ huynh !
Hỡi các hiền nhân chí sỹ!
Hỡi các bạn sỹ, nông, công, thương, binh !
... Hỡi các bậc phú hào yêu nước, thương nòi !
Hỡi các bạn công, nông, binh, thanh niên 
Phụ nữ, công chức, tiểu thương ...
... Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc... "

Nghĩa là, toàn dân đều có "quyền lực" giành độc lập cho tổ quốc, trong đó hiền nhân chí sỹ được xếp lên hàng đầu, kế đó là sỹ, rồi mới đến công, nông ...

Tôn trọng nguyên tắc "Ðảm bảo các quyền tự do dân chủ" ghi rành rọt trong lời nói đầu, Hiến pháp 1946 rất chú trọng đến chế định công dân. Hiến pháp có 7 chương thì toàn bộ chương 2 được dành cho chế định công dân. Tại đây, Ðiều 10 công bố rất rõ ràng, dứt khoát "Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài ". Ðến Hiến pháp 1959 điều này càng được khẳng định rõ ràng hơn "Công dân nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình, Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó " (Ðiều 25). "Công dân nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào " (Ðiều 26). Vậy mà, đến Hiến Pháp 1980 người ta đã bắt đầu phải ngoắc thêm một điều kiện : "phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội ", đồng thời đính kèm một lời răn đe: "Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để ...".

Nguyên văn điều 67- Hiến pháp 1980 là : "Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó. Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân ".

Qua Hiến Pháp 1992, những quyền công dân trên được phân bổ trong các điều 68, 69, 70 nhưng bây giờ ở đâu cũng phải đeo thêm một cái vòng kim cô hay một cái xiềng lỏng : "theo quy định của pháp luật ".

Nguyên văn điều 68 và điều 69 - Hiến pháp 1992 là : "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật". "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật ". 

Tất cả các quyền tự do đều bị hạn chế dần. Riêng quyền tự do xuất bản đã được ban bố trong Hiến pháp 1946 thì sau đó biến mất hẳn trong tất cả các bản Hiến pháp Việt Nam sau này ! 

Theo G.W. Hegel : "Lịch sử thế giới không gì hơn là một tiến trình của ý thức tự do " . Tự do là nhu cầu tự nhiên, là lý tưởng tuyệt đích của nhân loại. Tự do thúc đẩy quá trình đấu tranh của nhân loại nâng dần cái giới hạn khống chế của nhà nước, của chính quyền đối với cá nhân lên cao hơn và cuối cùng, triệt tiêu nó. Nếu hiểu như vậy thì tiến trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp ở nước ta là một tiến trình phản lịch sử. Nó ngày càng thoái bộ ! Khi đọc các trang viết của cựu chiến binh Trần Dũng Tiến gay gắt lên án Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ là chống lại tư tưởng Hồ Chí Minh, là cực kỳ phản động, tôi không đồng tình, cho rằng ông quá phũ phàng. Tuy nhiên, trước những sự kiện như thế này, tôi thấy ông Trần Dũng Tiến hình như có lý. Ai cũng biết rằng Hiến pháp 1946, 1959 được xây dựng khi chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, trong khi đó Hiến pháp 1980 và 1992 thuộc triều đại Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ...

Không lệ thuộc vào Hiến Pháp 1918 của nước Nga Xô viết, nơi mà mọi tài sản tư hữu của địa chủ và tư sản đều bị quốc hữu hóa, Hiến pháp 1946 của Việt Nam vẫn bảo vệ quyền tư hữu của công dân. Ðiều 12 - Hiến pháp 1946 ghi : "Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm". Ðến Hiến Pháp 1959, quyền tư hữu cũng còn được thừa nhận. Ðiều 11- Hiến Pháp 1959 ghi: "Ở nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong thời kỳ quá độ, các hình thức chủ yếu về tư hữu tư liệu sản xuất hiện nay là : hình thức sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân, hình thức sở hữu của hợp tác xã tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc ". Vậy mà, dưới triều đại Lê Duẩn, quyền tư hữu đã bị xóa bỏ trong Hiến Pháp 1980. Sai lầm tai hại đó được sửa chữa một phần trong Hiến Pháp 1992 tại điều 16 : "... phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế : kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản Nhà nước dưới nhiều hình thức, thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật, mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và giao lưu với thị trường thế giới ".

Có thể nói, nếu Hiến Pháp 1946 mang nhiều yếu tố dân chủ, tiến bộ nhất thì Hiến pháp 1980 được xây dựng lại dưới thời Lê Duẩn là bản Hiến Pháp tồi tệ nhất trong 4 bản Hiến Pháp đã có của nước ta. Ngoài việc cóp nhặt điều 6 của hiến pháp Liên Xô, áp đặt thành điều 4 cho Hiến Pháp Việt Nam, Hiến Pháp 1980 còn chứa đựng nhiều điều có tính chất phản động, tạo tình trạng áp chế tư tưởng, ngăn trở phát triển kinh tế nói riêng và xã hội nói chung ở nước ta. Hãy thử điểm qua một số điều : 

- Ðiều 38 : "Chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội Việt Nam" 
- Ðiều 18 : "... thiết lập và củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần : thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động ..."
- Ðiều 21 : "Nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác với nước ngoài"
- Ðiều 22 : "Các cơ sở kinh tế quốc doanh hoạt động theo phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước, thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, chế độ thủ trưởng và chế độ trách nhiệm cá nhân ..."
- Ðiều 25 : "ở nước CHXHCNVN , những cơ sở kinh tế của địa chủ phong kiến và tư sản mại bản đều bị quốc hữu hóa không bồi thường"

II- Hướng tới một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ

Nhà nước sinh ra Hiến pháp, nhưng đến lượt mình, chính Nhà nước lại phải chịu sự chi phối và quản lý của Hiến pháp khi tự đặt mình trong phạm trù cai quản của luật pháp. Một bản Hiến pháp thực sự dân chủ có sức sống trường cửu của nó. Hiến pháp Hoa Kỳ ra đời từ thời lập quốc, nay cơ bản vần tồn tại. Nó được xây dựng cơ sở trên bốn nguyên tắc: 

1. Nguyên tắc xác định và phân quyền 
2. Nguyên tắc tư pháp ưu thế 
3. Nguyên tắc công dân quyền 
4. Nguyên tắc tu chính Hiến pháp để thích ứng với tương lai biến đổi. 

Do Hiến Pháp quy định, xã hội Hoa Kỳ luôn bảo đảm tính dân chủ, nhờ đó rất bền vững và phát triển nhanh chóng thành hùng mạnh nhất thế giới. Tương thích với mục tiêu xây dựng một Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân như Abraham Lincoln đề xướng, Hiến pháp không cho phép lạm dụng tập trung quyền lực vào tay một cá nhân nào, một tập đoàn nào, một đảng phái nào mà chủ trương phân chia quyền lực. Vấn đề phân quyền ở đây không chỉ bảo đảm theo chiều ngang ở thượng tầng với định chế tam quyền phân lập : hành pháp, tư pháp, lập pháp ; mà còn theo chiều dọc : Liên bang kiểm soát Tiểu bang, Tiểu bang cai quản độc lâp đối với Liên bang. 

"Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản "! (Hiến pháp Việt Nam 1980). Không ! Ðã độc quyền chuyên chế thì không thể nào tiến bộ được. Chính vì thế mà dù dân tộc có tài trí, dũng cảm, cần cù bao nhiêu với cả núi xương sông máu oan nghiệt đã đổ ra thì vẫn cứ ngày càng tụt hậu xa hơn so với thế giới. Không ngờ, nỗi bi phẫn xót xa ngày nào của nhà chí sỹ Phan Chu Trinh như vẫn còn văng vẳng thét lên : "Cái độc chuyên chế cùng cái hủ nho nhà ta đã trở thành chứng bệnh bất trị mà học thuyết tự do, dân quyền Âu Tây là vị thuốc đắng để chữa bệnh đó". Mong sao nước ta có được một bản Hiến pháp thực sự dân chủ và tiến bộ, một bản Hiến pháp cho một Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân chứ không phải của một giai cấp nào, đảng phái nào, tập đoàn lãnh đạo nào .

1 - Ðiểm qua một vài ý kiến đóng góp gần đây

Gần đây, báo chí, phát thanh, truyền hình đã đăng tải rất nhiều ý kiến của cơ quan, đoàn thể, cá nhân đóng góp vào dự kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, ở đây chỉ xin điểm qua một vài ý kiến bị báo, đài bỏ qua : 

- Ý kiến của ông Phạm Ngọc Uyển - cán bộ giảng dạy kỳ cựu của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - : "Sửa đổi Hiến pháp 1992 thì phải sửa đổi một cách cơ bản. Nhưng chí ít theo thiển ý tôi, đầu tiên nhất thiết phải bỏ điều 4. Ðiều 4 không có trong các Hiến pháp trước, khi Hồ Chí Minh còn sống... Hồ Chí Minh đã nói ngay từ năm 1938 rằng "Ðảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất" ... Với điều 4, Hiến pháp 1992 khác tư tưởng Hồ Chí Minh nhiều lắm. Giữ điều 4 thì không thể nói được rằng "Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" mà là Hồ Chí Minh đã chết trong việc làm của chúng ta hiện nay, hay nói toạc móng heo ra là ta đã phản bội Hồ Chí Minh trên một điểm rất cơ bản" 

- Ý kiến của luật gia trẻ tuổi Lê Chí Quang - : "Trong lời nói đầu có đoạn viết : Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo tôi được biết, tất cả những nước đi theo con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin hoặc làm theo học thuyết Mác-Lênin đều đói nghèo, lạc hậu, mất dân chủ và đều đã sụp đổ. Chúng ta rồi cũng không thể tránh khỏi vết xe đổ đó. Những kẻ dóng dả học thuyết Mác-Lênin chẳng qua chỉ cốt để duy trì sự thống trị vĩnh viễn, tiện bề vơ vét và bóc lột nhân dân. Nếu thực tâm muốn xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh thì cần xóa bỏ mệnh đề trên, từ bỏ cái ý thức hệ quái đản đó đi"

- Ý kiến của cụ Ðỗ Việt Sơn - 78 tuổi đời, 54 tuổi Ðảng - : "Hiến pháp mới cần sửa đổi lại luật bầu cử và ứng cử để cho mọi công dân Việt Nam có tài đức, có kiến thức, có nhiệt tình đều được phép bầu cử và ứng cử vào Quốc hội hoặc những vị trí quan trọng nhất của đất nước... không phân biệt đảng viên hay quần chúng, thành phần gốc rễ ra sao... Ðại biểu quốc hội khóa XI nên bầu 3/4 là trí thức (Ðại học và trên đại học), 2/3 là đại biểu không kiêm nhiệm các chức danh quan trọng của bộ máy Nhà nước... Quốc hội mới cần có cơ quan thường trực tiếp dân, đồng thời có tổ chức chuyên trách giám sát các ngành thực thi pháp luật cũng như có đủ khả năng nghiên cứu đề xuất với quốc hội những vấn đề mới".

2 - Một số ý kiến chúng tôi đã nêu trước đây

Xin được nhắc lại một số ý kiến đã đề đạt trong bài "Thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 1980", gửi Ban Soạn thảo Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội ngày 8 tháng 1 năm 1992 :

- Ðể thống nhất về mặt kết cấu ngữ nghĩa về cách gọi tên các chương, Chương I nên đặt là "Tên nước-Chế độ chính trị". Cũng vậy, tên của chương IV sẽ ngắn gọn hơn, không cần thêm cụm từ xã hội chủ nghĩa. Ðối với người dân của bất kỳ nước nào, tổ quốc cũng đều vô cùng thiêng liêng. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy ý chí bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta là bất di bất dịch. Tổ quốc đã qua bao nhiêu triều đại, song dù vận nước thịnh suy, nhân dân ta vẫn một lòng gìn giữ vẹn toàn giang sơn đất nước. Vả lại, cần chăng là phải đề phòng tình huống khôi hài khi có tên cơ hội hoặc kẻ ngụy biện nào bảo rằng chỉ có tổ quốc XHCN mới đáng được bảo vệ thôi. Vì sự thật là chúng ta chưa hề có CNXH. Cho đến nay ta cũng mới chỉ đang ở chặng đầu của thời kỳ quá độ.

- Không nên lạm dụng cụm từ XHCN. Việc đưa ý niệm "Công dân có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản XHCN" làm cho điều 76 vừa không xác định, vừa mâu thuẫn với một số điều khác. Thế nào là tài sản XHCN ? Ðối với các di sản văn hoá, di tích lịch sử, các tài sản của các thành phần kinh tế khác thì sao ?

- Vấn đề hệ thống tư pháp thuộc cơ quan quyền lực nào và chế độ thẩm phán bầu hay bổ nhiệm là rất quan trọng, bởi vậy không nên để lửng như điều 129 : "Chế độ bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thẩm phán, chế độ bầu và nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân ở tòa án nhân dân các cấp do luật định". Ðể bảo đảm tính độc lập tương đối cho quyền tư pháp, cần có Hội đồng tư pháp tối cao. Hội đồng này cử ra những thẩm phán xét xử và công tố viên. Cũng cần đổi Viện Kiểm sát nhân dân hiện nay thành Viện Công tố có chức năng kiểm soát các hoạt động của các cơ quan hành pháp và có quyền khởi tố, cáo trạng và kháng nghị. Dù vẫn muốn duy trì chế độ trung ương tập quyền thì ta vẫn phải cố gắng tổ chức Nhà nước sao cho nguyên tắc quyền lực ngăn trở quyền lực được bảo đảm...

- Nên bỏ hai chữ "nhất thiết" trong câu "Ngoài thủ tướng, các thành viên khác trong chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu quốc hội ". Muốn có sự phân biệt tương đối rõ giữa quyền hành pháp và lập pháp thì đại biểu quốc hội không nên kiêm nhiệm những chức vụ lãnh đạo trong hệ thống hành pháp và tư pháp. Vả chăng, từ khoá tới, đại biểu quốc hội cần hoạt động thực sự, nên phải giành thời giờ thoả đáng cho những hoạt động của quốc hội, không còn đủ thời gian và tâm trí để làm việc của chính phủ...

3 - Về vấn đề xây dựng Nhà nước dân chủ pháp quyền

Ðiều 2- Hiến pháp 1992 được dự kiến sửa đổi là : "Nhà nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...". Tôi cho rằng chúng ta cần xây dựng một Nhà Nước Dân Chủ Pháp Quyền.

Trong lịch sử nhân loại, từ khi nhà nước xuất hiện, các thế lực cầm quyền đã sử dụng nhiều hình thức cai trị khác nhau nhưng tựu trung có hai hệ phương pháp chính : hệ phương pháp dân chủ và hệ phương pháp phản dân chủ. Tương ứng với hai hệ phương pháp ấy là hai chế độ nhà nước : chế độ dân chủ (chế độ dân chủ chủ nô, chế độ dân chủ quý tộc phong kiến, chế độ dân chủ tư sản, chế độ cộng hoà dân chủ nhân dân) ; chế độ phản dân chủ (chế độ độc tài chuyên chế chủ nô, chế độ độc tài chuyên chế phong kiến, chế độ độc tài phát xít tư sản, chế độ chuyên chính vô sản) .

Nhà nước dân chủ là nhà nước bảo đảm xây dựng một hệ thống chính trị cho phép công dân tham gia tự do và sáng suốt vào sự quản lý công việc chung toàn xã hội. Theo Marx - Lenin thì "Chế độ dân chủ là một hình thức nhà nước, một trong những hình thái của nhà nước. Cho nên cũng như mọi nhà nước, chế độ dân chủ là việc thi hành có tổ chức, có hệ thống sự cưỡng bức đối với người ta. Một mặt thì như thế, nhưng mặt khác, chế độ dân chủ có nghĩa là chính thức thừa nhận quyền bình đẳng giữa những công dân, thừa nhận cho mọi người được quyền ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước". Thiết chế nhà nước dân chủ phải thỏa mãn các điều kiện sau :

- Phải được nhân dân ủy nhiệm quyền lực bằng một chế độ bầu cử mà nhân dân có quyền và có khả năng, có điều kiện tự do lựa chọn để bầu
- Phải bảo đảm đảm cho nhiều khuynh hướng, nhiều chính kiến khác nhau được tự do tranh luận
- Phải bảo đảm cho các cơ quan quyền lực không thể lạm quyền

Ðể bảo đảm các thiết chế dân chủ vận hành và tồn tại bền vững cần xây dựng nhà nước pháp quyền. Theo quan điểm Marx- Lenin, pháp quyền là ý chí giai cấp (tư sản hay vô sản) được đề lên thành luật, mà ý chí đó là do những điều kiện sản xuất và sinh hoạt vật chất của giai cấp tư sản hay vô sản cầm quyền quyết định. Thực ra, phải quan niệm pháp quyền là ý chí chung của nhân dân không mang tính giai cấp và không dựa trên cơ sở kinh tế. Theo Montesquieu, nhà nước pháp quyền phải là một nhà nước dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập, trong đó bảo đảm mọi cơ cấu tổ chức và hoạt động của nhà nước phải tuân theo Hiến pháp và luật, bảo đảm sự độc lập tự do của các cơ quan công quyền trong mối quan hệ với nhau trong khi thực thi quyền lực riêng được giao cho; không có tổ chức quyền lực nào trong 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được lấn át tổ chức quyền lực nào. Nhà nước pháp quyền phải bảo đảm cho pháp luật thống trị toàn xã hội. 

Nhà chí sỹ Phan Chu Trinh đã từng diễn giải về cơ chế phân chia quyền lực như sau : "Cái quan chức về việc cai trị chỉ có quyền hành chính mà thôi, còn quyền xử án thì giao cho các quan án là những người học giỏi luật lệ, có bằng cấp ; các quan án chỉ coi việc xử đoán, có quyền độc lập, cứ theo lương tâm công bình, chiếu theo pháp luật mà xử, xử chính phủ cũng như xử một người dân. Các quan án ở về một viện riêng gọi là Viện Tư pháp. Quyền tư pháp cũng như quyền hành chính của chính phủ và quyền lập pháp của nghị viện đều đứng riêng ra, không hợp lại trong tay một người nào". Ở nước ta hiện vẫn tồn tại 4 hệ thống cơ quan : 

1. Các cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội là cơ quan lập pháp và Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương ). 
2. Các cơ quan hành chính-nhà nước, tức là cơ quan hành pháp ( đứng đầu hệ thống này là chính phủ, rồi đến các bộ và ủy ban nhà nước, các ủy ban nhân dân ở địa phương, các sở, phòng, ban ... 
3. Các cơ quan xét xử ( tòa án tối cao, tòa án quân sự, các tòa án nhân dân địa phương ).
4. Các cơ quan kiểm sát ( Viện kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát quân sự, viện kiểm sát nhân dân địa phương ). Ðối với hệ thống các cơ quan kiểm sát, chúng tôi đã có ý kiến đóng góp trước đây và đã nêu lại ở phần trên. Trong tình hình hiện nay chúng tôi thấy có thể nghiên cứu bỏ bớt hệ thống các Hội đồng nhân dân từ cấp huyện trở xuống. 

Tối qua tôi đã định kết thúc bài viết và gửi cấp tốc đến Ban sửa đổi và bổ sung Hiến pháp, cùng các vị lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, hy vọng sẽ được tham khảo để từ đấy có chút đóng góp tich cực cho xã hội. Sáng nay, cái khẩu lệnh mở đầu buổi phát thanh Quân Ðội Nhân Dân bỗng dưng xói vào tai tôi nhức nhối như chưa từng thấy : "Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân". Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh, câu khẩu lệnh kia thường được xướng lên đúng theo lời dạy của Người : "Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân". Không biết từ bao giờ, khẩu lệnh này đã bị xuyên tạc đi ? Phải chăng nó đồng thời với lúc người ta ấn định nhà nước ta là nhà nước chuyên chính vô sản. Cho nên việc sửa đổi Hiến pháp một cách cơ bản là cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa thiêng liêng. Còn rất nhiều điều cần thiết phải được sửa đổi, hay thậm chí phải xây dựng một bản Hiến pháp khác hầu như hoàn toàn mới mà tôi hoặc chưa nghĩ được ra, hoặc chưa dám trình bày. Mong các các vị lãnh đạo hãy thấy rõ trách nhiệm lịch sử của mình, bằng tất cả lương tâm và dũng khí trí tuệ, gạt bỏ tư tưởng bè phái, cục bộ, bản vị đặt lại vấn đề xây dựng cho đựơc một bản Hiến pháp thực sự của dân, do dân, vì dân; chứ không chỉ thiên về một chính quyền nào, một đảng phái nào, một hệ tư tưởng nào. "Quan nhất thời, dân vạn đại ", các vị ngồi trên cái ghế của mình bất quá chỉ năm hay mười năm nữa nhưng các thế hệ sau, trong đó có con cháu các vị sẽ công minh phán xét và hiện đang trông cậy vào các vị. 

Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13 P9 
Tập thể Phòng không Hòa Mục 
Phường Trung Hòa - Quận Cầu Giấy