Thắp chung nén
nhang cho tấn thảm kịch quá khứ
Robert S.
McNamara đã từng toán học hóa tư duy
quốc phòng của mình thông qua một hình tượng có thể là rất đúng đắn
"Tôi tin là quan hệ giữa chi phí quân sự và an
ninh có dạng một parabon, trong đó, an ninh được tăng cường khi chi phí quân sự
tăng cho tới một điểm mà sau đó đường cong dừng lại, thậm chí có thể đi xuống".
(1)
Ông cũng
có một nhãn quan chính trị đẹp khi ông lưu ý rằng
"Khoảng cách nguy hiểm hiện có giữa các nước
giàu nghèo đang ngày càng rộng ra, và sự nghèo khổ trong các quốc gia làm nảy
sinh căng thẳng về chính trị, về xã hội, và thường bùng lên thành những xung đột
giữa các quốc gia". (1)
Nhà quản
lý kinh doanh tốt nghiệp cao học ở trường đại học Harvard, đang làm chủ tịch
công ty ô-tô Ford, thì đột nhiên được Tổng thống John. F. Kennedy bổ nhiệm làm
bộ trưởng quốc phòng. So với bảy vị tiền nhiệm,
Robert S. McNamara là bộ trưởng
quốc phòng Hoa Kỳ trẻ nhất. Lúc đó ông mới 44 tuổi. Ông tự xác định là khi đề
bạt bộ trưởng quốc phòng, Tổng thống Kennedy kỳ vọng rằng ông
"sẽ đem lại cho quân đội kỹ thuật quản lý của
giới kinh doanh". (1)
Có lẽ một
trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong quảng đời quan chức của ông
Robert S. McNamara
tại Lầu Năm Góc, là việc ông được Tổng thống
Lyndon Johnson khẩn khoản triệu hồi từ buổi đi xem trận bóng đá (có con trai giữ
chân trung vệ) về để lo điều chỉnh khẩn cấp giá hàng nhôm. Ông đã đáp ứng được
lòng mong mỏi của tổng thống một cách xuất sắc. Chỉ sau mấy ngày ra tay, ông
không những chận đứng được tốc độ tăng mà còn hạ được giá nhôm, giải quyết được
mối lo về tác động gây lạm phát trên phạm vi cả nước.
Khi đó,
ông không phải bộ trưởng Bộ thương mại, cũng không phải bộ trưởng Bộ tài chính,
mà vẫn là bộ trưởng Bộ quốc phòng.
Thế mà
định mệnh cứ lôi cuốn ông
"tham gia vào các quyết định về Việt Nam"
để rồi
"đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp"
và đến nỗi
"mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải
thích tại sao lại sai lầm như vậy". (1)
Trong lời
nói đầu cuốn hồi ký của mình, ông cảnh báo:
"Tôi cho rằng những người viết hồi ký rất hay
dựa vào ký ức của mình. Dù ý định của họ có ngay thực đến mấy, thì điều này luôn
đưa họ đến chỗ chỉ nhớ lại những gì họ muốn nhớ ẫ những gì họ mong đã xảy ra ẫ
chứ không phải những gì đã thực sự xảy ra. Tôi đã cố gắng cố giảm đến mức tối đa
cái nguy cơ thực tế của con người". (1)
Người ta
tin ông trung thành với đính ước ấy khi ông kể câu chuyện xảy ra vào tháng 8 năm
1966, lúc ông và gia đình đang chờ lên máy bay ở sân bay Sitơn sau cuộc leo núi
ở Mông Rayne với Gim (người Mỹ đầu tiên chinh phục đỉnh Everest), thì một người
đàn ông tiến đến chửi mắng "đồ sát nhân". Và, nhổ vào mặt ông.
Một lần
khác, khi ông và vợ ông đang ăn trưa trong nhà hàng trên đỉnh núi Aspen vào dịp
nghỉ lễ Giáng Sinh, thì một phụ nữ cũng tiến đến hét to đủ cho cả phòng nghe
thấy: "Kẻ thiêu sống trẻ em! Máu vẫn còn dính trên tay ngươi đấy!".
Ông bị coi
là đồng lõa với Tổng thống Lyndon Johnson lôi cuốn cả nước Mỹ sa lầy vào chiến
tranh Việt Nam, đặc biệt là thông qua nghị quyết Vịnh Bắc Bộ 7/8/1964.
Ông loay
hoay tốn nhiều giấy mực mong làm sáng tỏ điều nghi vấn là vào các đêm 2/8/1964
và 4/8/1964, Mỹ đã cố ý khiêu khích hay Việt Nam tự ý chủ động sử dụng các tàu
tuần tiểu ngư lôi (PT) tấn công các tàu khu trục Maddox và Tơnơ Gioy của
Mỹ.
Đến nay,
điều đó phỏng có ích gì khi mà chính ông cũng đã biết
"Bắc Việt Nam, trong lịch sử chính thức về chiến
tranh của mình, đã khẳng định họ ra lệnh tiến công Madox. Khi bị tiến công,
Madox đang nằm trong hải phận quốc tế cách hải phận Bắc Việt Nam trên 25 hải
lý". (1)
Những
người lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) không chỉ dám ra lệnh tấn công
tàu Madox mà còn khẳng định từ lâu rằng:
"Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Ban
Chấp Hành Trung Ương đảng ta đã sớm xác định được kẻ thù mới là đế quốc Mỹ....
Rõ ràng, đế quốc Mỹ không chỉ là kẻ thù chính và trực tiếp của toàn dân ta mà
còn là kẻ thù nguy hiểm nhất của loài người tiến bộ. Cho nên quyết đánh và quyết
thắng Mỹ trở thành tư tưởng lớn của thời đại". (2)
Thật ngạc
nhiên khi đọc thấy thái độ hả hê, thích thú qua các dòng này:
"Tổng cộng, các máy bay của hải quân Mỹ đã bay
64 lần đánh phá các căn cứ hải quân và khu cung cấp nhiên liệu của Bắc Việt.
Điều này được coi là thích hợp để trả đũa cho ít nhất là một và rất có thể là
hai cuộc tiến công tàu chiến Mỹ". (1)
Không biết
có thể hiểu đây là biểu hiện của sự hiếu thắng vụn vặt, hay của thái độ trịch
thượng kẻ cả chỉ muốn lăm lăm dạy cho thiên hạ một bài học.
Điều kỳ lạ
là khi lâm trận với một bên đã khẳng định
"nắm lấy thắt lưng Mỹ mà đánh",
"còn cái lai quần cũng đánh",
và
"sử dụng bạo lực cách mạng tổng hợp bao gồm lực
lượng quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi
nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng: nổi dậy và tiến công, tiến công
và nổi dậy; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn, đồng
bằng-thành thị...; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết
hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; thực hiện: làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu
diệt địch để làm chủ...", (2)
thì bên kia dò
dò dẫm dẫm trả đũa... leo thang... chiến tranh cục bộ... chiến tranh hạn chế
v.v....
Trước một
trận chiến mà ông tướng tổng chỉ huy luẩn quà luẩn quẩn
"Hiển nhiên là chúng ta không muốn làm điều đó
(tiến hành việc đánh trả đũa) cho đến khi chúng ta biết rõ điều gì đã xảy ra";
(1)
để rồi đi đánh
xong về ngồi lẩm bẩm tính toán không biết là đã trả đũa được cho một hay hai
cuộc tiến công của đối phương.
Người ta
có thể yêu quý chàng sinh viên McNamara
"Xem toán học như là một quá trình tư duy, một
thứ ngôn ngữ dùng để diễn đạt phần lớn hoạt động của con người..., coi việc xác
định số lượng là một thứ ngôn ngữ để tăng thêm tính chính xác cho việc lý giải
thế giới"; (1)
nhưng, toán học
hóa tư duy chiến lược quân sự một cách thô sơ như trên thì không thích hợp với
một ông tướng đang điều hành một cuộc chiến ngổn ngang, đầy biến động.
Sĩ quan
tình báo cao cấp Mỹ Philip B. Davidson đã đưa ra những nhận xét đáng lưu tâm:
"Chúng ta phải nhảy nhót theo vũ điệu chiến lược
của Bắc Việt Nam";
"Mỹ cho Bắc Việt Nam quyền chủ động chiến lược ẫ
một phần thưởng đặc biệt quý giá";
"Sai lầm của chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng đã
dẫn đến một vụ thu hoạch gồm những thiếu sót và những điều không may trong chiến
tranh Việt Nam. Mỹ đã tham gia chiến tranh với ý nghĩa rằng với một lực lượng
quân sự tối thiểu thêm vào, sẽ buộc Bắc Việt Nam phải chấm dứt xâm lược miền
Nam. Chúng ta đã đánh giá quá thấp thái độ kiên quyết của Hồ Chí Minh và Bộ
chính trị của ông ta trong việc thống nhất Việt Nam dưới chế độ cộng sản....
Chúng ta cũng không bao giờ hiểu được rằng: Nếu đó là một cuộc chiến tranh hạn
chế đối với Mỹ, thì đó lại là một cuộc tranh đấu sống-hay-là-chết đối với những
người CSVN". (3)
Robert S.
McNamara tự cho rằng việc dính líu của
ông tới Việt Nam đã kết thúc sau khi ông rời Phòng họp phía Đông của tòa Nhà
Trắng từ bảy năm trước khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, nhưng trong ký ức của ông vẫn
cứ thường vang vọng những câu thơ trong bài thơ "Lâu Đài" của Rudia Kipling:
"Tất cả những gì làm xong đều bỏ lại
Cho niềm tin vào những năm vô vọng của mai sau".
(1)
Theo ông
Robert S. McNamara,
có 11 nguyên nhân chính gây nên thảm bại của Mỹ tại Việt Nam, trong đó, nguyên
nhân được ông nêu lên ở hàng thứ hai là:
"Chúng ta đã đánh giá nhân dân và các nhà lãnh
đạo Nam Việt Nam theo kinh nghiệm của chính chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy ở họ
niềm khao khát và quyết tâm chiến đấu giành tự do và dân chủ". (1)
Ông cho
rằng như thế là sai lầm. Có đúng vậy không?
Tự do dân
chủ luôn là niềm khao khát mãnh liệt (có lẽ không kém bất kỳ một dân tộc nào
trên thế giới) của nhân dân Việt Nam.
Chính chủ
tịch Hồ Chí Minh nhờ giương cao khẩu hiệu
"Không có gì quý hơn độc lập tự do"
mà đã tập hợp
được sức mạnh chiến thắng trong cuộc chiến tranh đó.
Ngay cả từ
khi đất nước còn bị đế quốc Pháp đô hộ, đã có thời kỳ dài mục tiêu đấu tranh cho
tự do dân chủ được nêu lên hàng đầu cho cách mạng Việt Nam. Nhà cách mạng Lê
Hồng Phong khi chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng họp vào tháng 7/1936 tại Thượng
Hải (Trung Quốc), đã chỉ ra rằng:
"Tuy nhiên nhiệm vụ chiến lược của cách mạng
nước ta là đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ phong kiến để thực hiện dân
tộc độc lấp và người cày có ruộng vẫn không thay đổi, song, trong lúc này chưa
phải là nhiệm vụ trực tiếp. Yêu cầu cấp thiết trước mắt trước mắt của nhân dân
ta là tự do, dân chủ, cải thiện đời sống".
Cần lưu ý
đến cách sắp xếp thứ tự ưu tiên giữa ba yêu cầu: tự do, dân chủ, cải thiện đời
sống.
Tinh thần
này còn xuyên suốt mãi về sau trong tiêu đề của tất cả các văn thư sau ngày cách
mạng tháng Tám thành công, khi vị trí của chữ tự do vẫn được đặt trước chữ hạnh
phúc:
"Việt Nam dân chủ cộng hòa. Độc lập - Tự do -
Hạnh phúc". (4)
Niềm khát
khao ấy, tinh thần tồn tại chung trong mọi người dân cả Bắc lẫn Nam Việt Nam.
Khi miền Bắc có Xô viết Nghệ Tĩnh, thì miền Nam có Nam Kỳ khởi nghĩa nổ ra trên
một phạm vi rộng tới 8 tỉnh. Chẳng những thế, vào những năm tiền khởi nghĩa,
phong trào nông dân Nam kỳ cũng đã từng mạnh nhất ba kỳ: Bắc, Trung, Nam.
Về điểm
này, đương kim tổng thống Hoa Kỳ Bin Clinton có cái nhìn tinh tế hơn, thấu đáo
hơn khi ông tuyên bố:
"Tôi tự hào là có được chung quan điểm này với
các cựu chiến binh (Mỹ) xuất sắc trong cuộc chiến Việt Nam. Họ đã phụng sự tổ
quốc họ một cách dũng cảm. Họ thuộc những đảng phái khác nhau. Một thế hệ trước
đây đã có những đánh giá khác nhau về cuộc chiến tranh đã từng chia rẽ chúng ta
hết sức gay gắt. Nhưng giờ đây họ có cùng một suy nghĩ. Họ nhất trí với nhau
rằng đã đến lúc nước Mỹ phải tiến lên phía trước về vấn đề Việt Nam". (5)
"Giờ đây người Việt Nam đã được độc lập (sau khi
Liên Xô tan rã), và chúng ta tin tưởng rằng bước đi này (việc bình thường hóa
quan hệ Việt-Mỹ) sẽ giúp mở rộng tự do ở Việt Nam, và việc làm này đã giúp cho
các cựu chiến binh (Mỹ trong chiến tranh) Việt Nam ưu tú tiếp tục phấn đấu cho
nền tự do đó". (5)
Nếu chia
sẻ sâu sắc với những nhận thức trên đây của tổng thống Bill Clinton, thì lời sám
hối của ông McNamara.
"tôi thực sự tin rằng chúng tôi đã mắc sai lầm
không phải về vấn đề nhận thức, mà là phán đoán và khả năng" (1)
mới có ý nghĩa.
Để kết
thúc cuốn hồi ký "Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt
Nam", cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert
S. McNamara viết:
"Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến số phận của
những người lính Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam và không bao giờ trở về. Có phải sự
thiếu khôn ngoan trong việc can thiệp của chúng ta đã vô hiệu hóa nỗ lực và sự
hy sinh của họ? Tôi nghĩ là không. Họ không làm ra những quyết định. Họ là những
người đáp theo tiếng gọi của dân tộc (Mỹ), ra đi chiến đấu. Họ đã đi tới nơi
chết chóc nhân danh cho dân tộc (Mỹ). Và họ đã cống hiến cuộc sống của mình cho
Tổ quốc và những lý tưởng của Tổ quốc họ". (1)
Sao lại
chỉ có vậy? Sao lại chỉ biết nhấn mạnh
"bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ giữa Mỹ
và Việt Nam đều dựa vào tiến bộ đạt được về vấn đề những người Mỹ bị mất tích
trong khi làm nhiệm vụ hay bị bắt làm tù binh". (5)
Thế còn
những người lính Việt Nam thì sao?
Cũng may
mà ông Robert S. McNamara
đã không dung nạp những đề nghị hàm hồ đầy tính
cách đồ tể trong lời thét gào đẩy miền Bắc Việt Nam "trở lại thời kỳ đồ đá" của
tướng Cơtít Lơmay.
Dẫu sao,
với sở thích thống kê, có lúc ông cũng đã từng nhấm nháp các con số theo kiểu
thế này:
"Một điều khích lệ đối với chúng ta ở Việt Nam
trong năm qua là số lượng quân địch bị chết trận, đó là kết quả của các chiến
dịch quân sự lớn. Dù có phóng đại trong các báo cáo thì số tổn thất của địch là
hơn 60.000 người/1 năm". (1)
Ai phải
chịu trách nhiệm đối với những con số ghê rợn thế này:
Phía Việt
Nam: 1,1 triệu liệt sĩ; 559.200 thương bệnh binh; hơn 300.000 người mất tích;
hơn 2 triệu dân thường bị chết; hơn 2 triệu người lớn và trẻ em bị tàn tật vì
bom đạn v.v....
Phía Mỹ:
58.0900 người cả nam lẫn nữ.
Đây phải là nỗi đau chung. Và, trước cái "đống xương vô định đã cao bằng đầu"
ấy, trách nhiệm phải thuộc về tất cả những ai đã "gây cuộc binh đao" quá tàn
khốc, quá lâu dài như vậy!
Vẫn chưa hết. Những con số thống kê trên còn khuyết hẳn một mảng rất lớn. Đó là
con số những liệt sĩ, những thương bệnh binh đã từng ôm súng đứng trong đội quân
của tổng thống Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Khánh....
Ai mạc mặt
cho họ, ai gọi hồn cho họ??!!
Năm 1977,
tôi đã gặp những thương phế binh thậm chí mất cả tứ chi, chỉ còn lại thân mình,
nằm phơi trên đường nhựa, dưới cái nắng thiêu đốt bên chợ Bến Thành. Ít năm sau
đó, trên hành trình đi lấy mẫu Cổ từ, tôi vẫn còn gặp những cựu chiến binh lê
lết trong bùn nhầy nhụa ở các chợ nhỏ Đức Trọng, Đông Hà... tay ôm khư khư chiếc
ăng-gô cáu bẩn.
Có phép
thần nào cứu họ còn sống được đến ngày nay không?
Họ đã được
chôn cất như thế nào?
Theo báo
cáo của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, tính đến nay có hơn 60 vạn hài cốt
liệt sĩ đã được quy tập và dự kiến đến tháng 7/1997 sẽ cơ bản hoàn thành việc
tìm kiếm khoảng 40 vạn hài cốt liệt sĩ còn lại.
Đạt được
như vậy thì tốt. Nhưng! nếu chỉ có thế thôi thì trên đất nước này vẫn còn nhiều
lắm
"Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi"
Mấy năm
gần đây, một số người mẹ mất con, người vợ mất chồng tronng các cuộc chiến đã
được nhà nhước CHXHCN Việt Nam quan tâm săn sóc hơn.
Nhìn những
bộ mặt nhăn nheo, vạc đi vì đau khổ, những bàn tay khô quắt rưng rưng đón gói
quà, hay bước chân run rẩy đặt lên thềm "ngôi nhà tình nghĩa", ai cũng thấy xúc
động với một chút mừng vui an ủi lẫn ngập tràn thương cảm xót xa.
Sự bù đắp
này muộn màng và nhỏ nhoi làm sao! Càng ân hận hơn khi chợt nhớ đến quá nửa số
người mẹ, người vợ không còn đủ sức sống tới hôm nay để nhận sự bù đắp đó.
Dẫu sao,
ít và muộn nhưng có còn hơn không.
Chỉ e
rằng, còn rất nhiều người mẹ, người vợ, cũng có chồng, có con là người Việt Nam,
cũng đã từng ra trận và từng ngã xuống trên mảnh đất này, nhưng chẳng những
không được ai đoái hoài, mà còn bị đẩy sang một thế giới ghẻ lạnh. Họ vừa mang
chung nỗi đau mất chồng mất con của người phụ nữ, lại còn chịu chồng chất thêm
cái đau bội phần của sự phân biệt đối xử, sự kỳ thị, thậm chí hất hủi.
Ai giúp họ
tìm kiếm hài cốt chồng con? Ai cưu mang, chăm sóc những ngày sống tàn sót lại và
vong linh họ mai sau!
Con số
những thân phận hẩm hiu, tủi buồn, những nỗi lòng tan tác kia không thể nhỏ, bởi
nếu từ một phía, chỉ tính riêng con số đạt tiêu chuẩn "bà mẹ Việt Nam anh hùng",
đã tới hai triệu chín trăm ngàn người.
Cựu bộ
trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara
xem một phần quá khứ của ông tại Việt
Nam là một tấn thảm kịch đầy đau khổ. Song, ông lại tự xóa dịu bằng cách viện
dẫn lời của nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại Aechylus
"Phần thưởng cho nỗi khổ đau là kinh nghiệm".
Kinh
nghiệm để làm gì? Kinh nghiệm thì có ý nghĩa gì, nếu không có hành động thiết
thực để xóa đi hoặc làm dịu nỗi đau?
*
Hãy thắp chung
nén nhang cho tấn thảm kịch quá khứ để tất cả những linh hồn đã khuất đều được
mát mẻ; để tâm linh chúng ta trở nên bác ái và dễ hòa hợp hơn. Từ đấy, chúng ta
mới có thể cùng tổng thống Bill Clinton
"tin tưởng mạnh mẽ rằng việc cuốn hút người Việt
Nam vào mặt trận kinh tế rộng lớn của cuộc cải cách kinh tế và mặt trận rộng lớn
của cuộc cải cách dân chủ sẽ giúp tôn vinh sự hy sinh của những người chiến đấu
vì tự do ở Việt Nam". (5)
Nguyễn Thanh Giang
Hà Nội, 19 tháng 8 năm 1995
-----------------------------------------------
Chú thích của tác giả:
(1)
Robert S.
McNamara - "Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam".
(2)
Ban Chỉ đạo Tổng
kết Chiến tranh trực thuộc Bộ chính trị - "Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước - Thắng lợi và
những bài học".
(3)
Philip Davidson -
"Những bí mật của cuộc chiến tranh Việt Nam".
(4)
Xem "Thư gửi BCH/TƯ/ĐCSVN
ngày 10/11/1993" của Nguyễn Thanh Giang.
(5)
Bill Clinton - "Tuyên
bố ngày 14/7/1995 về việc Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam".
|