Một buổi tối ở New York

Một hôm, tình cờ tôi gặp một cháu trai mười tuổi, con một Việt kiều, ở New York. Cháu nói tiếng Việt không được sỏi và ý chừng không muốn dùng tiếng mẹ đẻ.

Tôi hỏi cháu quê ở đâu. Cháu bảo ở California. "Cháu người nước nào?", tôi lại hỏi. Cháu bảo là người Mỹ. Tôi hỏi cháu có biết nước Việt Nam ở đâu không. Cháu bảo không biết.

Tôi nén một tiếng thở dài, nước mắt cứ muốn trào ra.

Tối hôm ấy, tôi ngồi trò chuyện với một nhóm người Việt Nam ở Mỹ. Họ đều trong độ tuổi 30 đến 40 và đều rời Tổ quốc sau 1975. Họ đến với tôi do nhiều nguyên nhân: tò mò, tình cờ, định gây sự....

Để thay đổi cái không khí tẻ nhạt có phần hơi căng thẳng, người chủ nhà đã phải giải thích rằng tôi là người được ban tổ chức Hội nghị Địa chất Quốc tế lần thứ 28 mời sang trình bày một công trình nghiên cứu về địa vật lý. Tuy ở Hà Nội mới qua, nhưng tôi chỉ làm khoa học.

Câu chuyện dần dà cởi mở hơn, nhưng rồi cuối cùng, tôi cũng không giữ được bình tĩnh. Tôi nửa đùa nửa thật nói:

- Lẽ ra các cậu phải biết ơn "Việt cộng". Nhờ họ mà các cậu chạy sang đây để kiếm được cuộc sống vật chất sung túc. Trong khi đó, họ cùng tất cả những người ở lại đang nai lưng xây dựng một đất nước xơ xác sau bao nhiêu tàn phá. Các cậu có thể giận, có thể ghét, có thể thù oán, có thể không vừa lòng với nhiều nhiều thứ, bởi nhiều lý do, nhưng đừng nên để mình bị mất đi cái quyền được tự hào và được gắn bó với một dân tộc, một đất nước, như nó đã xứng đáng và rồi đây nhất định sẽ còn là một trong những niềm ngưỡng vọng của thế giới.

Khi tiễn tôi ra về, người chủ nhà phân bua:

- Mong anh đừng rầu lòng về buổi trò chuyện tối nay. Anh có thấy nhiều người không nói gì không? Họ cùng chúng em sẽ là tri kỷ, tri âm của các anh.

Những tri kỷ, tri âm của chúng ta không hiếm nhưng ở nhiều nơi, nhiều lúc, đặc biệt là hiện nay, họ đành sống thúc thủ. Họ phải lén lút trong cả các hoạt động có liên hệ với quê hương cho dù không dính dáng đến "cộng sản"....

Suốt thời gian hội nghị ở Washington D.C., tôi thường đến nhà một Việt Kiều ở cách chỗ họp non một giờ xe điện ngầm.

Ông cụ đã 77 tuổi nhưng vẫn đi làm. Buổi sáng, cụ thường rời nhà lúc bảy giờ và không về trước sáu giờ tối. Cụ sống khá thanh bạch cho nên lương hưu hoàn toàn bảo đảm mọi sinh hoạt, nhưng cụ bảo cụ đi làm vừa để khuây nỗi buồn xa xứ, vừa có tiền gửi về giúp bà con, họ hàng. Cụ chưa tìm được cách nào khác hơn để gắn lòng mình với quê hương. Cụ thường dằn vặt là người vô dụng đối với Tổ quốc. Chỉ ít ngày trò chuyện nhưng phải đến quá hai lần cụ ngậm ngùi nhắc lại mấy câu thơ Đinh Hùng:

"Tôi quen hờ hững ở trên đường.

Nay mới hay mình không cố hương.

Thấy giục hồn quê, quê chẳng thấy.

Bạc mầu mây trắng khuất ngàn phương".

Chúng ta hiện có hơn hai triệu người như thế sống rải rác khắp nơi trên mặt địa cầu. Họ rời đất nước vào những thời gian khác nhau, vì những lý do khác nhau và hiện ở nhiều lứa tuổi với nhiều tâm trạng khác nhau; nhiều thái độ chính trị với nhiều mong muốn khác nhau.

Trong các cộng đồng người Việt ấy đang có tất cả những vấn đề của xã hội loài người. Có nhân ái thuận hòa và bạo tàn ganh ghét. Có tương thân tương ái và cạnh tranh quyết liệt trong nội bộ cộng đồng và với các cộng đồng khác. Có giàu sang hạnh phúc đang mỉm cười với người này, và nghèo hèn tủi cực đang siết chặt vào số phận người kia. Có "cuộc vui đầy tháng, trận cười suốt đêm" của bạn trẻ và nỗi cô đơn, héo hắt của người già. Có những em nhỏ đang sa dần vào vũng lầy tội lỗi, và có mầm mống của những nghệ sĩ lừng danh hay nhà khoa học lỗi lạc. Có cái chết của người dũng cảm nào đó dám đứng ra giải thích về những điều thiện của chúng ta, và có cái sống của những nén nhang nghi ngút trong nhiều nhà thờ tổ vừa lập.

Tuy nhiên, do thiếu thông tin, do định kiến hay thờ ơ lãnh đạm mà chúng ta hiểu và biết rất ít về những đồng bào ấy của ta. Phải chăng, chúng ta chỉ mới chú ý đến 30 vạn trí thức và nhân viên nghiệp vụ trong hơn hai triệu người này; đến vài chục công ty đã có quan hệ làm ăn, buôn bán hoặc khoảng vài trăm triệu đô-la mà Việt Kiều gửi về cho thân nhân hằng năm? Phải chăng còn có những đố kỵ, cố chấp khi ai đó thốt lên: Nó vượt biên, nó trốn chạy, thế mà bây giờ nó về lại gọi nó là Việt kiều và đón tiếp như thượng khách.

Phải chăng, khi nghĩ đến điều tốt, điều xấu, cái lợi và cái hại, nhiều người còn hết sức thiển cận?

Vài năm tới, số công ty và chuyên gia Việt Nam sống ở nước ngoài có quan hệ làm ăn với ta sẽ tăng nhanh. Điều đó có lẽ là tất nhiên. Nhưng còn nhiều điều khác tất nhiên phải quan tâm hơn, là: Các cụ già kia sẽ mất, số em nhỏ ra đời trên quê người sẽ nhiều thêm. Và, đến lúc các cậu con trai như cậu bé tôi gặp ở New York trở thành chuyên gia hợp tác với ta thì chúng ta sẽ phải tiếp đón, trò chuyện, làm việc với cậu hệt như với chuyên gia nước ngoài ư?

Không thể như vậy được. Sau trường kỳ đấu tranh cực kỳ gay go, gian khổ, thắng lợi sẽ bị coi là hạn chế nếu giành lại được toàn vẹn lãnh thổ mà lại để mất đi một bộ phận nhân dân.

Xu hướng giao lưu quốc tế đã phát triển và ngày càng mở rộng. Ngày nay, thế giới có chừng hàng chục triệu người đang làm ăn sinh sống không ở tổ quốc mình. Họ đem theo cả gia đình và lao động cả trong lĩnh vực trí óc lẫn chân tay. Con số đó có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là những năm gần đây. Thị trường sức lao động thế giới này hình thành một cách tất nhiên và khách quan do sự phân bố sức lao động toàn cầu không đồng đều, nhịp độ phát triển kinh tế chênh lệch giữa các nước, mức tăng dân số của các khu vực dân cư khác nhau...

Những người Việt Nam bỏ nước ra đi sẽ đem lại bao nhiêu phúc, bao nhiêu họa cho dân tộc. Điều này chưa được thảo luận kỹ và cũng chưa nên khẳng định một cách hàm hồ. Chỉ biết: Không phúc nào không có khả năng biến thành họa, không cái họa nào không ủ mầm nảy sinh ra cái phúc. Chỉ biết, ngày nay nếu mẫn cảm một chút, thì đêm đêm ta không thể không nghe trái tim Việt Nam còn đập đâu tận bên kia Thái Bình Dương, và trong những cơn gió đang thổi trên tất cả các kinh tuyến địa cầu đều có hơi thở ấm của người Việt Nam. Ngày nay, khi nghĩ về Việt Nam, chúng ta không được chỉ nghĩ đến 54 dân tộc đang sống trên dải đất chữ S ở Đông Nam Á mà phải bao gồm cả nhiều cộng đồng người Việt Nam đang sống khắp đó đây, ngoài lãnh thổ. Họ là máu của máu chúng ta, là thịt của thịt chúng ta.

Thật vậy, vấn đề "đồng bào ta ở nước ngoài" phải được ghi nhận là một đặc điểm mới của Tổ quốc, của cách mạng Việt Nam. Nó chưa hề xuất hiện trong các giai đoạn lịch sử trước đây. Đây là vấn đề vừa phát sinh từ sau 1975 và nó sẽ còn phát triển lâu dài, phức tạp. Bởi vậy, nó phải được quan tâm đúng mức, như một trong những vấn đề quốc sách và Đảng cần đặt vào đây một nhiệm vụ chiến lược.

*

Trong công tác dân vận đối với đối tượng này, Đảng cần đặt song song các nhiệm vụ tập họp, huy động, khai thác với xây dựng, bồi dưỡng chăm lo. Đây là địa bàn tốt để Đảng thể hiện đầy đủ tính nhân đạo cao cả của mình.

Hà Nội tháng 3 năm 1990

Nguyễn Thanh Giang

(Trích mục Ghi Chép, báo Nhân Dân năm 1990)