LÒNG TÔI BỪNG THỨC TÌNH TRAI MẠNH
Cụ bà Lê thị Ca đã sắp vào tuổi chin mươi nhưng mắt vẫn có thể đọc sách và khâu vá được, tai vẫn có thể nghe điện thoại với nhiều giọng nói khác nhau.
Hàm răng của Cụ thì thật đặc biêt, người xưa thường đánh giá: “ Cái răng, cái tóc là góc con người ”; răng Cụ, cả hàm vẫn còn nguyên, và đen nhưng nhức. Cụ bảo Cụ được nhuộm răng từ năm 12 tuổi, đến nay đã qua gần 80 năm mà vẫn hàm răng ấy, chưa hề nhuộm lại lần nào. Riêng độ bền của thứ thuốc nhuộm răng này có thể đã gợi cho ta nên mở đề tài nghiên cứu về một loại thuốc nhuộm thật là “ trường sinh bất tử ”. Thật vậy, hãy so sánh xem, mầu vải chỉ phải thử thách với vò sát, sơn trên tường chỉ phải chống chọi với nắng mưa, hàm răng qua gần ba vạn ngày thường xuyên bị cọ mài với đủ loại thức ăn dai, ròn, chua, mặn ….nhưng vẫn cứ thế mà nguyên vẹn thì thật là phi thường.
Trí nhớ của cụ cũng bền như vậy. Tôi đã nhiều lần nghe chuyện Cụ nhưng lần này, nhân bàn chuyện tôn tạo mộ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn thị Ninh Thành, ký ức của Cụ như bừng thức khiến Cụ đã “ Đêm thâu kể triền miên ” ( 1 ) về những kỷ niệm xa xưa với người con của bà mẹ anh hùng ấy. Những “ Vui buồn bao nhiêu độ. Sướng khổ mấy phen rồi ” ( 1 ) bên “ chàng thanh niên hăm hở mà khoan thai, từng trải mà hiền hậu, sâu sắc mà độ lượng ” (2 ), chàng thanh niên “ cười rất dễ thương, hai hàng râu quai nón lún phún ở thái dương tuy còn xanh, vẫn đem lại cho anh một vẻ đẹp trai rất đàn ông” ( 4 ) như hiện về và Cụ đang được thấy lại tự thuở nào “ Người xa đã đến, … Để dâng tất cả vườn tươi thắm. Hoa với người thơ một chút yêu ” ( 1 ).
Chuyện của Cụ nồng mặn quá, thắm thiết quá làm lòng tôi cũng bỗng như “ Bừng thức tình trai mạnh ” ( 1 ). Tôi lần giở lại những kỷ vật hiếm hoi, giở lại những trang viết của ông vỏn vẹn trong 11 năm, giở lại những trang viêt về ông rải rác suốt hơn nửa thế kỷ qua và thấy không thể không chia sẻ những cảm nhận muộn mằn về ông – nhà cách mạng, nhà thơ, nhà báo, người chiến sỹ Thôi Hữu..
Một cuộc đời chất lượng sống rất cao –
Ông vốn là giọt máu vô thừa nhận của một quan tri phủ ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Khi được đem cho làm con nuôi, ông mới 22 ngày tuổi. Cha nuôi ông là Chánh tổng Bút Sơn ( Hoằng Hóa ) Nguyễn Hữu Triệu. Cụ Triệu rất nghiêm khắc, rất dữ đòn, nhưng không có con, lại thấy ông thông minh, tuấn tú nên dốc tâm chí thú lo việc học hành cho ông.
Tên khai sinh của ông là Nguyễn Đắc Giới nhưng ngày sinh của ông thì không ai biết rõ. Năm sinh của ông cũng đã từng được ghi không đúng trên các văn liệu công bố. Nơi ghi năm 1919, nơi ghi năm 1921. Cụ Lê thị Ca nhớ chính xác ông tuổi Nhâm Tuất, kém tuổi Tân Dậu của Cụ một tuổi ( Ở Thanh Hóa, thuở ấy chồng thường kém tuổi vợ, có khi đến hơn chục ). Nhà báo Thép Mới đã đúng khi viết: “ Một thanh niên 28 tuổi, lớn lên trong Cách mạng, một đảng viên Cộng sản trước hết. Anh cũng như những người như anh, có thể nhận bất cứ một sự hy sinh nào – cả chết nữa - một cách giản dị ” ( 2 ). Thôi Hữu sinh năm 1922, mất năm 1950, đúng là tròn 28 tuổi.
Mười sáu tuổi ( 1938 ) Nguyễn Đắc Giới đã đỗ Thành Chung ở trường Collège Thanh Hóa. Các kỳ nghỉ hè, ông về quê mở lớp dạy học ngay tại nhà. Học trò có khoảng hơn chục người. Không biết ông giảng những gì, dạy những gì nhưng rất nhiều học trò của ông đã bị bắt. Trong số đó có Vũ Văn Kính về sau đi làm thư ký cho cụ Hồ Tùng Mậu rồi về làm ty trưởng ty Công an Thanh Hóa, Nguyễn Huy Soạn làm ty trưởng ty Văn hóa Thanh Hóa ….
Sau này thì nhà thơ Xuân Hoàng kể rằng: “ Anh hay nói về thời cuộc, về chiến tranh Đức – Nga, Đức – Pháp, Anh - Mỹ …. Anh còn nói đến sự phát triển gần đây của người Nhật ở Phương Đông. Về người Nhật, anh có vẻ dè dặt hơn: Có người cho thằng Nhật khá, có người cho nó cũng một duộc với thằng Đức. Và anh bỗng thở dài kết luận: Như cụ Phan đó, cụ đã hy vọng quá nhiều về người Nhật, và sau này cụ cũng đã thất vọng về họ. Hình như cụ đã lầm đường ! ” ( 4 )
Xong Thành Chung, Nguyễn Đắc Giới vào học Trường Kỹ nghệ Huế và tham gia Đoàn Thanh niên Phản đế tại đây. Trong cuốn hồi ký “ Qua những chặng đường ”, ông Hoàng Trình, nguyên Thứ trưởng Bộ Vật tư viết: “ Tháng 9 năm 1939, tôi được nghe phổ biến chủ trương mới của Đảng, đổi tên Mặt trận Dân chủ Đông Dương thành Mặt trận Phản đế, chọn lọc những đoàn viên Thanh niên Dân chủ trung kiên lập thành Thanh niên Phản đế hội. Tôi cùng các đồng chí Nguyễn Xuân Lâm, Phan Bá Đồng chọn lại những đoàn viên thanh niên tích cực ở hai lớp năm thứ hai và năm thứ ba, được trên 20 đồng chí, thành lập ra hội Thanh niên Phản đế trường Kỹ nghệ. Anh Nguyễn Đắc Giới, người Thanh Hóa, đỗ Thành Chung rồi, được đặc cách tuyển thẳng vào học năm thứ hai, không phải thi, có sự giới thiệu của Trịnh Huy Lăng, là đoàn viên Thanh Niên Dân chủ ở Thanh Hóa nên được giao phụ trách Thanh niên Phản đế ở năm thứ hai ”.
Cũng trong Hồi ký trên, theo ông Hoàng Trình, Nguyễn Đắc Giới “ được kết nạp Đảng tháng hai năm 1940, làm bí thư chi bộ Trường Kỹ nghệ niên khóa 1940 – 1941. Tốt nghiệp nghề tiện tháng 6 năm 1941 rồi vào làm công nhân tại nhà máy đèn Huế ” (Những văn liệu nói Thôi Hữu được kết nạp Đảng năm 1943 là không đúng ).
Tết Quý Mùi ( 1943 ) ông về nhà ăn Tết và ở với vợ con được khoảng 20 ngày. Lúc ấy người con gái thứ hai của ông mới khoảng 4 tháng tuổi. Ngày 1 tháng 3 năm 1943 ông từ biệt gia đình ra Hà Nội nhận công tác của Đảng. Đến ga Nghĩa Trang thì bị bắt đưa về giam ở số nhà 22 phố Hàng Bột Hà Nội. Do bị tra khảo nhục hình, ông tự cứa cổ tự tử và được đưa vào cấp cứu tại nhà thương Cống Vọng. Cụ Lê thị Ca nhớ lại có lần đã được theo cụ Triệu đi thăm chồng. Cụ Triệu vì là chánh tổng nên mượn được bộ quần áo linh mục để được đến gần, cụ Ca chỉ được nhìn qua cửa kính, sụt sùi. Ông Giới nhắn: “ Cứ về chăm con đi, ít bữa nữa tôi về, tôi không có tội gì cả ”.
Vậy mà, ra khỏi nhà thương, Nguyễn Đắc Giới bị đưa ra tòa kết án và bị tống tù tại Hỏa Lò. Trong Hỏa Lò ông đã tham gia Thành ủy Hà Nội. Năm 1945, ông cùng một số đồng chí vượt ngục và được phân công phụ trách ngoại thành.
Cùng với Trần Mai Ninh, ông đã từng đóng góp tích cực cho tờ Bạn Đường, một tờ báo xuất bản ở Thanh Hóa nhưng phát hành rộng rãi trong toàn quốc và sang cả Lào, Campuchia. Mười bẩy tuổi, năm 1939, ông đã được xem là một trong những người sáng
lập báo Hồn Nước ( tiên thân của báo Tiền Phong ), sau đó là Sự Thật ( tiền thân của báo Nhân Dân ), Thủ Đô ( tiền thân của báo Hà Nội mói ), Vệ Quốc Quân ( nay là báo Quân đội Nhân dân ).
Không những thế ông còn “ có mặt ở gần khắp các chiến trường lớn: Mặt trận Hà Nội năm 1946-1947, Việt Bắc thu đông 1947, Đông Bắc cuối 1948, Tây Bắc hè 1949, Đông Bắc thu đông 1949, Đông Bắc mùa thu 1950 … ” ( 2 )
Về sự nghiệp văn chương, Thôi Hữu từng ghi trong nhật ký ngày 25 tháng 10 năm 1949: “ Viết xong ba chapitre ( chương ) truyện. Nhưng đọc lại thấy hỏng.Không khí êm đềm quá – Cách bố cục hỏng. Không nên đi vào truyện bằng cái không khí quá êm đềm như thế. Phải sôi nổi hơn nữa ”. Ngoài mấy chương tiểu thuyết này, không biết còn những bài báo nào, bài thơ nào thất lạc nữa ! Trong “ Tuyển tập Thôi Hữu ” do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2000 chỉ đếm được 20 bài thơ, 8 tác phẩm văn xuôi, bao gồm cả truyện, ký, nhật ký, phóng sự, nhưng theo nhà báo Đinh Thế Nhân: “ Di sản văn học và báo chí của Thôi Hữu để lại không nhiều, nhưng chính những tác phẩm hiếm hoi, lấp lánh tài năng, tràn đây nhiệt tình và ngồn ngộn vốn sống đó đã làm cho người đọc thương tiếc ông khôn nguôi ”.
Vậy cũng đã là quá đủ. Quá đủ để người ta phải ngạc nhiên về cái cường độ sống, cái mật độ thời gian đặc quánh trong cuộc đời ngắn ngủi nhưng có chất lượng sống hết sức cao của nhà giáo, người công nhân, nhà cách mạng, nhà báo, người chiến sỹ, nhà thơ … Thôi Hữu.
( Còn một điều “ vĩ đại ”này nữa mà ít ai tính đến. Về trời khi mới 28 tuổi ông vẫn kịp để lại bốn giọt máu rất đỏ trên đời từ trong hai người phụ nữ. Bốn ( Có thể kể là năm, giọt máu thứ ba còn lại từ một cặp song sinh ) ái nữ của ông: Nguyễn Thanh Thảo, công tác ở báo Nhân Dân ( đã mất ); Nguyễn Tuyết Mai, từng là trưởng Phòng biên tập Phụ nữ Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Chánh Văn phòng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ( đã nghỉ hưu); Nguyễn Lan Hương, Nhà Xuất bản Văn học ( đã nghỉ hưu ); Nguyễn Minh Phương, trưởng khoa Anh ngũ trường Đại học Quản trị Kinh doanh ).
Tình quê hương dào dạt –
Quê hương ông với những địa danh mộc mạc từng được đôi lần nhắc đến trong thơ người con rể ông:
Con sông Tuần, con sông xưa nho nhỏ
Trên bản đồ chưa đủ một nét ghi
Nay dào dạt lòng ta sóng vỗ
Mỗi gợn lăn tăn lóe một ánh sao khuya
Và
Ôi nước Giếng Chùa giờ còn thấm ngọt
Nắng Cồn Gồng vẫn ấm sau lưng
Ở ông, quê hương là đất nước. Đất nước ngày còn dưới ách ngoại xâm:
Gió bỗng buồn thiu, hoa bỗng thẹn
Cánh vườn bỗng nhuộm vẻ tiêu sơ ….
Chiều đã dâng lên, vườn đóng cửa
Hồn nghe tim khóc hận đìu hiu
(Quạnh hiu – 1939)
Mây che u uất cánh đồng
Sầu thu gợi mối sầu trong tiếng diều
Bâng khuâng buồn mái tranh nghèo
Mõ đâu đã giục, sao chiều lặng không ?
(Chiều thu - 1940)
Cái chiều thu năm 1940 ấy ông còn hờn giận muốn thét lên “ Mõ đâu đã giục, sao chiều lặng không ! ” thì sang năm 1941, ông đã có dự cảm rất đặc biệt:
Đã nghe nắng chở ý hè sang
Những đời kết chậm trong xuân cũ
Đã bắt đầu sôi nổi rộn ràng …
Say sưa ve nổi khúc hòa vui
Nhựa ý đầy căng quả chín muồi
(Ý hè - 1941)
Thuở ấy, không biết có bao nhiêu người có được cái dự cảm linh thiêng như thế ?
Rồi cách mạng thành công thật, và ông tung tăng đây đó để nhìn ngắm, nghe ngóng, hỏi han:
Chị làm được mấy nương dâu ?
Lúa ông thêm được mấy sào ba giăng ?
Lợn bà có béo hay chăng ?
Nó ăn cám chợ hay ăn bèo nhà ? ….
Giồng bông thêm được mấy sào ?
Gió đưa trắng xóa một mầu bên sông
(Sau lũy tre xanh - 1948)
Rồi cốm lên sàn xanh rười rượi
Lửa hồng, củi đượm, chảo rang thơm
Đêm trăng chày đập vang thôn bản
Phấn cốm bay bay phủ lá ngàn
(Mùa cốm mới - 1948)
Không còn những “ Ráng chiều lạc nẻo trong sương ” ( 1 ) nữa, mà đứng đâu cũng thấy vui, nhìn đâu cũng thấy đẹp:
Súng xa vang động làng quê cũ
Lúa vẫn chen bông dưới nắng vàng
( Sau lũy tre xanh - 1948)
Ngay giữa cái bản ở vùng Cấm Sơn “ bốn bề núi núi. Heo hút vắng tăm người ” ( 1 ) mà Thôi Hữu cũng tấu lên thật hào sảng được:
Tiếng hát lừng vang trong gió núi
Ngày vàng ngân giọng trẻ ê a
Ở đây bản vắng rừng u tối
Bộ đội mang gieo ánh chói lòa
Ở đây đường ngập bùn phân cũ
Xẻng cuốc khua vang điệu dựng nhà
Ở đây những mặt buồn như đất
Bộ độ cười lên tươi như hoa
(Lên Cấm Sơn - 1949)
Bóng người đi tuần trong sương lạnh cũng được ông mô tả như thần thánh:
Giang sơn bát ngát trời cao rộng:
Bóng họ trong đêm: những điểm mờ:
Họ là ai đêm nay ? :
Phải chăng là hồn nước:
Hiện lên trên canh trường:
(Đi tuần - 1947)
Thế rồi “ những điểm mờ ” “ hồn nước ” ấy hút hồn các cô gái để đến nỗi
Em có chiếc thuyền nan
Giấu trong bờ lau rối
Đêm đêm xong việc nhà
Em ra thuyền em đợi
Nửa đêm bên bờ sông
In hình trên nước trắng
Bóng những người anh hùng
Vai gầy mang súng nặng
Em nhẹ đẩy thuyền ra
Đón các anh vội vã
Thuyền im trôi giữa dòng
Sóng đêm cười hỉ hả
(Lời cô lái đò - 1948)
Chiến tranh trong thơ Thôi Hữu không chỉ có “ Lúa vẫn chen bông dưới nắng vàng ”, không chỉ có “ Sóng đêm cười hỉ hả ” mà còn lạch cạch lạch cạch vui:
Lạch cà lạch cạch:
Núi dốc đèo trơn …: :
Lạch cà lạch cạch:
Nắng cháy rừng gianh …:
Lạch cà lạch cạch:
Máy bay nó lên:
Nó bắn nó phá: :
Trâu nép vào đá:
Trâu đứng điềm nhiên:
Đợi nó bay khỏi:
Là trâu đi liền: :
Chiều nay trâu nghỉ đèo cao:
Sang đêm trăng mọc, trâu vào trong thung:
Trong thung nước suối ngọt trong:
Cỏ thu cao ngọn no lòng trâu nhai:
(Xe trâu - 11/1049)
Chiến tranh không chỉ lạch cà lạch cạch trong thơ Thôi Hữu mà còn vẫn có “ mấy anh đội viên gối súng ngáy đều ” , có “ Dân làng lại được dịp kéo ra xem ”.
Hãy đọc lại vài đoạn trong ký sự “ Đi vào sau địch ”:ông viết tặng trung đoàn 50 hồi tháng 12 năm 1948:
“ Trong một góc phòng, ba bốn anh du kích lẫn bộ đội nằm ngổn ngang trên một chiếc chiếu. Vài anh chụm đầu ê a đánh vần đọc một tập báo cũ. Vài anh cù nhau, rỡn nhau, cười rúc rich. Một chốc, cả bọn lăn ra ngủ, trông thật vô tư. Tôi có cảm tưởng như nhìn những thợ cày sau buổi làm mệt nhọc, vừa đặt lưng xuống đã ngáy. Phải chăng những người lính kia đã thấy lúc này cầm súng cũng giản dị như trước kia cầm cày ”, “ Dăm chị nữ du kích cùng vác súng đi trong hàng, dáng vạm vỡ, quần sắn thật cao. Một giờ sau, tiếng súng nổ rầm rầm về phía tỉnh. Dân làng lại được dịp kéo ra xem ”, “ Bờ sông vắng ngắt. Im lặng như đầy sợ hãi sau một ngày máu lửa giặc đã gây ra. Cả một tiếng chó sủa trăng cũng không nghe thấy. Từng quãng, một ngôi đền trắng xưa hiện trên ven sông, lặng ngủ dưới ánh trăng vàng. Bóng một cây đa tỏa lên mặt nước đen sì. Thỉnh thoảng một chiếc thuyền con lướt sát bờ sông đi kéo vó ”…...
Đọc Thôi Hữu sao bỗng thấy yêu đất nước thêm bội phần. Yêu cả những chốn “ Đèo cao rồi lũng hẹp. Dăm túp lều chơi vơi ” ( 1 ), cả những khi “ Cây rừng ngơ ngẩn, núi buồn tênh ” ( 1 ). Cho nên, không biết có phải là hoài cổ ủy mị không, chỉ biết không muốn công nghiệp hóa nhanh quá, không muốn các khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển ồ ạt quá.
Đọc Thôi Hữu thấy lòng bình thản, vững chãi quá. Thấy không hề sợ bọn ngoại bang tham tàn, bởi nếu chúng vì nhỏ rãi thèm mấy hòn đảo, mấy tấc đất biên cương mà điên cuồng kéo đến thì:
Đây chiến sỹ Cao Bằng núi cao vòi vọi
Đây đoàn quân xứ Lạng rừng biếc chập chùng
Đây Bắc Ninh, Bắc Giang đồng lúa mênh mông
Đây Đình Lập âm u, Đông Triều cát trắng
(Đoàn quân đại hội - 1948)
Tất cả lại sẽ thành “ đoàn quân say chiến thắng ”. Tất cả vẫn cứ vững tin và không hề sợ bởi dẫu có chiến tranh thì đất nước này sẽ vẫn cứ đẹp, vẫn cứ vui như hồn thơ Thôi Hữu rồi sống lại
Tình người thắm thiết –
Không biết thuở ấy, và nhất là thời nay, có được bao nhiêu cán bộ cấp chính ủy trung đoàn như ông, đến thăm bộ đội mà sâu sát để đồng cảm đến mức có thể kể rạch ròi:
Có khi gạo hết tiền vơi
Ổi xanh hái xuống đành xơi no lòng
Có đêm gió bấc lạnh lùng
Áo quần rách nát lá rừng che thân
Khó khăn đau ốm muôn phần
Lấy đâu đủ thuốc mặc dần bệnh nguôi
( Lên Cấm Sơn)
Kể lể rạch ròi rồi nức nở khóc:
Lòng tôi xao xuyến tình thương xót
Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa
Lên Cấm Sơn)
Cái tình thương xót đầy trách nhiệm ấy vốn đã nung nấu từ tình yêu mang tinh thần sứ mệnh khi đất nước còn dưới ách đô hộ ngoại bang: “ Màn sương mờ ảo phủ cánh đồng yên lặng. Phải chăng đấy là lệ của non sông đất nước! Em đồng quê. Em đẹp hiền và nhẫn nại như một chinh phụ chờ chồng.ngàn năm đau khổ nhưng chẳng chút thở than…. Trời ơi! Tôi yêu họ bao nhiêu. Tôi yêu bao nhiêu cái dân tộc đau đớn nhiều nhưng vẫn vô lo, bình thản, hiền hòa, nhẫn nại ” ( 5 ).
Ông yêu những con người Việt Nam hôm nay, ông thương đồng bào ông từ thuở trước:
Ta nhớ những lê dân thuở trước
Đun xe, dốc ngược,đến chân tường
Nắng mưa dầu dãi rừng cao vút
Hốc đá ngàn năm gửi nắm xương
Hai cánh tay gầy cào vách núi
Dựng xây Tam Đảo mịt mù sương …
Than ôi! Những kẻ đầy oan khổ
Nay đã đâu rồi ai nhớ thương
( Tam Đảo phá hoại - 1948 )
Tình thưong trào uất hận làm cho ông có lúc đã như hờn trách những con người “ nhưng vẫn vô lo, bình thản, hiền hòa, nhẫn nại ” ( 5 ); tuy nhiên, khi nghe tiếng hai người du kích gọi nhau trên đường ra trận, ông lại rất ngưỡng mộ. Năm 1948, trong bài ký “ Đi vào sau địch ” ông viết: “ Tiếng hai người vẳng lên trong yên tĩnh của đêm trăng bát ngát, tưởng như tiếng vang của cả bầu trời. Tôi nhìn lên vòm trời cao thăm thẳm: Đêm nay trăng sáng quá.Tôi tự nhiên nghĩ tới tấm lòng yêu nước của những người dân quê hiền lành, cũng thanh cao và trong trẻo như đêm trăng ”.
Khi trong tâm thế chiến thắng, ông còn đã từng chia sẻ cả với kẻ địch. Ông viết trong bài ký “ Tù binh trên đường sô 4 ”: “ Hết chiến tranh hay trước khi hết chiến tranh, họ có thể trở về với Helen, Danet, Lui, với những cánh đồng nho Pờrôvăng thanh bình, với những nhà máy của Tiệp, của Đông Đức, Bảo, Ba Lan … Đau xót cho họ bao nhiêu khi họ phải rời mảnh đất Việt Nam dân chủ, mảnh đất của những con người này ”.
Và đây, trước khi nói thêm về cái con người có “ Giọng trầm buồn man mác cảm thương không thể nào quên ” ( 3 ) ấy, xin hãy đọc lại đoạn văn mang mang mầu chùa cũ này của nhà văn Tô Hoài:
“ Trong gian giữa, một cụ sư ngồi tựa cột. Có người vào đánh tiếng, cụ lom khom quay mặt ra, nhưng hai mắt vẫn nhắm. Tôi đến bàn thờ phật, thắp mấy nén hương xong thỉnh mấy tiếng chuông vào cái cảnh nhỏ rồi tôi ra ngồi trước mặt sư cụ. Bóng người lom khom lẫn bóng cột, lẫn với mặt đất ẩm tối, như có như không. Nghe chuyện tôi kể cụ chỉ im lặng.
Rồi tôi hỏi:
- Bạch cụ, cụ còn nhớ ngày ấy không ?
Một lúc lâu sau cụ nói phều phào:
- Nam mô a di đà phật, lâu quá, già không còn nhớ.
Cụ chỉ nói một câu ấy rồi lại lâm râm niệm phật
Không biết đây có phải là cụ sư bà ngày trước. Mấy nhà trong xóm đều nói cụ sư đã tu ở ngôi chùa này từ ngày còn trẻ, chùa nghèo không có tiểu, không có vãi. Của nả chỉ trông vào mấy bè rau muống bên sông.
Có phải nhà chùa đã quên, hay vẫn còn nhớ.” ( 3 )
Rất có thể đây chính là bà sư mà Thôi Hữu đã kể cho Tô Hoài nghe về cuộc hội ngộ bất đắc dĩ sau khi vừa bắn chết Cai Long, tên tay sai gian ác khét tiếng của phát xít Nhật:
“ Tôi nói:
- Tôi là Việt Minh. Tôi vừa trừ một tên Việt gian ngoài cổng Rong.
Sư bà ngước mặt, dường như chưa nghe hết câu, sư bà đã đặt thùng nước đấy, trỏ tay, tôi vào nhà hậu. Sư bà vừa đi vừa lẩm nhẩm niệm phật. Rồi níu áo tôi lại: đứng đây, đứng đây. Tôi đứng im, tay nắm khẩu súng trong túi quần. Sư bà cầm ra bộ quần áo nâu đã cũ. Tôi bỏ lại đấy cái áo sơ mi và cái quần vấy máu. Tôi cúi đầu, chắp tay vái nhà sư rồi bước ra.” ( 3 ).
Một đoạn văn khác cũng mang mang một nét buồn vừa nghẹn ngào, vừa êm ái:
“ Nghe vậy, cô Vân buông thõng hai tay, để rơi lọ hoa xuống sàn. Rồi cô thở dài, nước mắt lăn trên hai gò má:
- Cái chân anh Tấn ( tức Tân Sắc – một trong những biệt danh của Nguyễn Đắc Giới trong những ngày hoạt động cách mạng ) đã qua đây, nhưng cái bụng anh Tấn không muốn vào. Anh Tấn quên đây rồi, anh Tấn không về đây nữa đâu !
Lời cô nói thế mà thiêng. Tấn không bao giờ về nữa thật. Có ai ngờ đâu lúc cô đang ngồi ôm lọ hoa trong lòng và thầm mong anh đến thì cũng là lúc hai chiếc máy bay khu trục lao xuống bắn phá dọc đường số 3. Anh Tấn núp trong một bụi cây bên vệ đường, đã trúng đạn và ngã xuống, không bao giờ trở dậy. Chỗ đó gần Giang Tiên, một phố nhỏ cách thị xã Thái Nguyên trên 10km về phía bắc.
Ai hay rằng lúc anh ngã xuống bên đường, có một “ bông hoa rừng ” đang thổn thức vì anh ( 6 ) .
Không phải chỉ có cô gái “ tình trong như đã ” kia thổn thức, “ Hôm xưa một bác công nhân làm giấy làng Hồ, bỏ quê lên làm ăn trên Việt Bắc, nghe tin anh mất, khóc nhớ anh như khóc nhớ một người nhà, nhớ anh cán bộ bạn của mỗi gia đình cần lao, vẫn đi đêm về hôm hồi nào Việt Minh còn trong bóng tối. Bấy giờ anh ở trong ban thành ủy Hà Nội ” ( 2 ).
Sau khi tham gia tổng kết chiến dịch Đông Bắc, Thôi Hữu được cử vào một đoàn cán bộ tham gia chiến dịch Trung Du. Khoảng 10 giờ sáng ngày 6 tháng 12 năm 1950 khi đi qua cánh đồng Phố Giá bên quốc lộ 3 thì máy bay địch từ mạn Phấn Mễ lao tới, đoàn người đeo vòng lá ngụy trang đã kịp núp kín bên rừng thì một con ngựa trắng lồng lên trong tiếng gầm rít của máy bay. Địch xả đạn tới tấp, Thôi Hữu trúng 4 vết đạn và gẫy chân trái. Máu ra quá nhiều mà phương tiện cứu chữa lúc ấy thô sơ quá nên Thôi Hữu đã hy sinh ngay chiều hôm đó tại quân y viện Vô Tranh. Ông được mai táng trên đồi Cây Nứa trông xuống cánh đồng Vàng Giang xã Vô Tranh, nay thuộc huỵện Phú Lương, Thái Nguyên. Thương nhớ và như để vinh danh ông, từ bấy, đồng báo địa phương đã gọi cánh đồng đặt mộ Thôi Hữu là Cánh đồng Nhà báo.
Nén tâm nhang Thôi Hữu cháy mãi trong lòng dân tộc bởi ông đã vì “ Người thân: gian khổ, bạn: gieo neo ” ( 1 ) mà:
Đi qua cái chết từng giây phút
Vẫn nhẹ nhàng như chiếc lá vèo
Vui đời chinh chiến - 1947.)
Ông cũng đã vì cách mạng mà sẵn sàng sẻ chia cùng bạn bè, đồng chí. Hôm xưa, có một ngày Tố Hữu vượt ngục về đến đầu cầu Thượng Tứ thì gặp chàng thợ điện “ quần áo xanh, râu xanh xanh, lông mày rậm ” ( 2 ). Chàng thợ điện ấy đã đưa Tố Hữu về nhà ẩn trốn và giúp Tố Hữu bắt liên lạc với Trung ương. Khi tiễn bạn lên đường, Thôi Hữu đã đưa cho Tố Hữu cả nửa tháng lương của mình. Cho nên Tố Hữu đã từng nức nở khóc thương người bạn ân tình: “ Nhớ mày, nhớ mãi mày người đồng chí thủy chung, nhớ mãi tiếng cười khanh khách của mày trong buổi chiều xám buồn thảm của thành phố Huế những ngày đen tối nhất ”.( 2 ).
Thôi Hữu từng sẻ chia và cũng từng được bạn bè chia sẻ, đùm bọc. Ngày Thôi Hữu chui cống Hỏa Lò vượt ngục chạy vào nhà Tô Hoài, được Tô Hoài dấu trong buồng: “ Cả ngày Giới ở trong buồng tôi, lúc đọc sách, lúc ngủ. Chúng tôi ăn ngày một bữa, từ dạo đói chỉ ăn ngữ thế, cơm gạo máy Sài Gòn, gọi là gạo gẫy. Người đói đi thất thểu ngoài đường, sáng mờ mắt trông ra đã thấy xác người chết, được hạt gạo ăn là phúc lắm rồi. Giới ăn nhanh nhưng hôm nào cũng hết một bát là đứng dậy, tôi bảo “ còn gạo, không lo ”, Giới chỉ cười, lắc đầu. Có lúc đi ra sân ” (3)..
Tình người thuở ấy sao đầm ấm thế, thánh thiện thế. Vậy mà ngày nay !
Hoài vọng và trắc ẩn –
Hơn nửa thế kỷ sau, nhà văn Tô Hoài vẫn da diết nhớ “ Tấn có đôi mắt sâu thẳm, một miệng cười khỏe mà hiền, vẻ đẹp rất đàn ông. Nhưng đôi khi cặp mắt bỗng dưng thờ ơ, thoáng một nét ngậm ngùi khó hiểu thế nào. Nửa đêm, trong ánh trăng lạnh buốt ở chùa Sống trông ra cánh đồng làng mưa dầm lầy lội rét buốt, anh hay ngâm thơ. Giọng trầm buồn cảm thương man mác không thể nào quên.” ( 3 ).
Hỏi rằng, có bao nhiêu hoài vọng vô biên, bao nhiêu trắc ẩn dày vò trong đôi mắt sâu thẳm, thoáng nét ngậm ngùi khó hiểu kia ?
Thôi Hữu vốn đa cảm, và đa tình nữa, vậy mà chàng trai giữa tuổi 19 dậy thì ngồn ngộn ấy đã phải tự van xin, cầu khẩn: “ Hỡi người giai nhân tôi gặp trên đường đời! Nàng hãy trả lại những mảnh lòng tôi đã bay theo gió đến nằm giữa hai tay nàng.
Có một hồi tôi ngây khờ tưởng chỉ có tình yêu là lẽ sống của chàng trai, là nguồn giải khát vô biên của những trái tim thơ trẻ. Tôi dựa theo những thành kiến tình cảm xưa, sờ soạng như một người mù tìm kiếm những ái ân ích kỷ.
Nhưng tôi đã nghe gióng giả những hồi chuông cảnh tỉnh ngân vang khắp bốn phương. Và theo tiếng chuông ngân, một ánh sáng huy hoàng tỏa xuống trần gian.
Tôi nhìn rõ cuộc đời: con đường tình ái tôi đương theo là một cái dốc, dẫn xuống một cái gì đen sâu thẳm. Có lẽ là một cái hầm, dưới đấy đang rên than vô hiệu biết bao linh hồn ngây thơ, yếu đuối, mới hai mươi đã bị tình ái kéo ra khỏi đời hoa ….
Ở tình yêu chẳng có gì là thơ mộng đâu. Hạnh phúc vô song, vĩnh viễn của hồn người chỉ ở trong cõi đời đau khổ, ở sự hy sinh, sự phụng thờ bổn phận, cứu giúp lầm than …. Còn tình ái chỉ là sự phù hoa tầm thường vật dục mà loài người ích kỷ đã che đậy vụng về những lời bay bướm thiếu chân thành ” ( Trich “ Vài trang nhật ký ” viết năm 1941 ),
Vì yêu quá mà giẫy giụa với tình yêu, kỳ lạ hơn, vì mê tri thức quá mà chàng trai này dằn vặt cả với sách vở: “ Hỡi sách vở! Các người đã làm ta cao quý, nhưng cũng đã bắt ta làm nô lệ! Nhục nhã cho ta biết bao! Khi các người ra đời, hẳn không ngờ rằng sẽ có một nhân loại mau vâng lời như một đứa con nít và mãn nguyện như một kẻ giầu sang … Ta sẽ bỏ các ngươi, chẳng phải vì bạc bẽo, mà chỉ để kịp bước với thời gian. Ta sẽ siêng năng đi dựng nhà ở xứ Tương lai, tìm cho nhân gian những hoa quả chưa từng có ở đời ” ( 7 ).
Ông mải miết viết văn, làm thơ, nhưng rồi lại cũng tự tra vấn, dằn vặt mình:
Tôi bơi trong biển sống miên man
Với những bài thơ, những sóng vàng
Sóng rộng, than ôi ! Tay bé quá
Chỉ thường vương chút bọt mơ tan
(Có những bài thơ - 1946)
Ông loạng choạng tự đay nghiến, đôi co: “ Có lúc anh nghĩ rằng nếu bất tài thì thôi quách nghề văn. Nhưng mộng tưởng thì tràn đầy như biển cả mà anh như một chiếc thuyền buồm. Anh mỏi mệt, muốn dừng tay lái. Song gió vẫn thổi mạnh, phồng căng cánh buồm, và đẩy thuyền lướt trên sóng bao la ” ( 7 ).
Ngày nào ông cũng như tự vật lộn đến bải hoải: “ Một nỗi ngao ngán trống rỗng chiếm lấy anh như bóng tối chiếm lấy cánh đồng. Cái ngao ngán của những người tìm hết cách cũng không đánh dấu được một ngày bằng một công trình gì có giá trị ” ( 7 ).
Tuy nhiên, nhà văn Trần Lê Văn, làm báo Sự Thật cùng Thôi Hữu từ trước cách mạng Tháng Tám, thì khẳng định: “ Thôi Hữu là con người cực tốt, rất có đạo ”. Cho nên ông được đồng chí, đồng nghiệp rất thương yêu, quý trọng. Ông Nguyễn Huy Thắng trong bài “ Nhà thơ Thôi Hữu với cha tôi ” đăng trên báo An ninh Thế giới số 98 – tháng 9 năm 2009 vừa cho biết: nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mặc dù hơn Thôi Hữu mười tuổi nhưng rất hay hỏi ý kiến Thôi Hữu. Có lần liên quan đến chuyện thu chi quỹ Hội Văn hóa Cứu quốc lôi thôi đến mức Nguyễn Huy Tưởng cảm thấy bất lực không còn muốn làm gì nữa. Hỏi Thôi Hữu, Nguyễn Huy Tưởng chỉ nhận được câu trả lời: “ Nếu ít thì còn lo, chứ nhiều thì lo làm gì. Có việc thì cứ làm. Lo mà biết là cũng không làm gì được thì không nên lo nữa ”. Và Nguyễn Huy Thắng kể: “ Lời khuyên có vẻ bất cần đời ( lo mà không làm gì được thì không nên lo ) và cũng rất ngược đời đó ( nợ ít thì còn lo, chứ nhiều thì lo làm gì ), hóa ra lại có tác dụng. Thực tế là cha tôi “ thấy cũng đỡ lo ” thật, như ông đã ghi trong nhật ký ”.
Sau hôm rủ nhau đi chơi Tết Độc lâp 1946, Nguyễn Huy Tưởng ghi đoạn nhật ký sau: “Hỏi Thôi Hữu về những nhân viên Trung ương. Hắn kết luận: Bọn mình không cần danh giá, địa vị. Chỉ cốt việc. Nai lưng mà làm. Mê việc thế thôi ” . Ông Nguyễn Huy Thắng bình luận: “ …khi ấy cha tôi là một yếu nhân của Hội Văn hóa Cứu quốc, lại là người của đoàn thể, đương nhiên ông cũng muốn được biết về những người có vị thế trong Đảng, những người có thể có vai trò, ảnh hưởng đến công việc của Hội cũng như của mình. Song rõ ràng đây là chuyện rất tế nhị, thuộc về những điều mà ngày nay ta vẫn gọi là chuyện “ thâm cung bí sử ” không phải bạ ai cũng có thể nói được. Vậy mà, cha tôi đã đem hỏi nhà thơ Thôi Hữu, người mà chúng ta thường chỉ biết là tác giả bài thơ Lên Cấm Sơn nổi tiếng sau này ”.
Nhà văn Trần Lê Văn thì thuật lại lời nhà báo Thép Mới, trước lúc qua đời không lâu, đã kể với ông rằng: năm 1950, tiễn Thép Mới đi dự một hội báo ở Tây Ban Nha, Thôi Hữu ký thác “ Sang đó cậu cố xem xem người ta thiết lập và tổ chức nền dân chủ thế nào ”. Thép Mới bảo với Trần Lê Văn: “ Bằng một linh cảm quý báu anh chàng đó, ngay từ ngày đó đã thấy một cái gì chưa thật ổn, có lẽ vì còn mới quá về một nền dân chủ sau khi nước nhà vừa giành được độc lập ”.
Thép Mới kể về chuyến đi đó như sau: “ Đoàn đại biểu báo chí chúng tôi đem báo trưng bầy ở bên Châu Âu vào dạo đầu thu 1950 thì một hôm có một người Tây Ban Nha đến tìm chúng tôi bắt tay và tha thiết cảm ơn các bạn và gửi các bạn lời cảm ơn tác giả đã viết bài ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân nước tôi ( Bài báo của Thôi Hữu đăng trên báo Sự Thật ngày 14 tháng 4 năm 1950 ). Chúng tôi xin các bạn số báo Sự Thật có bài ấy. Được thấy dấu hiệu đồng tình của các bạn Việt Nam, nhân dân nước chúng tôi sẽ vô cùng cảm động và phấn khởi. Định về gặp để kể lại lời người bạn phương xa thì Thôi Hữu đã mất ” ( 2 ).
Câu chuyện của Trần Lê Văn có lẽ giải đáp phần nào lời tâm sự mà Tô Hoài cho là rất lạ lùng khi gặp lại nhau sau lần Thôi Hữu đi dự lớp quân sự ở Chiến khu 2 về :
“ Tấn nói với tôi một câu, như tâm sự, rất lạ lùng:
Ở lớp quân sự trong Chợ Bến về, Hà Nội đã khởi nghĩa cướp chính quyền rồi. Vào làng cơ sở nào cũng thấy một đồng chí ngồi một cái ghế, trước mặt có cái bàn, không đâu còn cảnh thân thiết như những khi nằm ổ rơm bờ bụi nữa. Ồ, có bàn ghế lại đâm ra nhớ ổ rơm, nhớ lắm, thật đấy. Rất buồn, mình đã định rồi, chuyến này Thôi Hữu trở về làm thơ ” ( 3 ) .
Nhớ thương Thôi Hữu cái thời phải ẩn trốn trong buồng nhà mình, mỗi ngày chỉ được ăn một bát cơm gạo gẫy, Tô Hoài vần như còn nghe văng vẳng một “ Giọng trầm buồn cảm thương man mác không thể nào quên ” ( 3 ). Nhưng không, khí phách con người ấy, tinh thần con người ấy đã từng cháy bùng lên lẫm liệt:
Ta tưởng tới những chiều nào thuở trước
Khải hoàn ca vang dội núi sông thiêng
Những hoàng hôn lửa cháy ngất ven rừng ….
Ta tưởng thấy từ bốn ngàn năm trước
Các anh ra đi phất cờ mở nước
Dưới trời xa phơi trán rộng hiên ngang
(Đoàn quân đại hội - 1948)
Cái trán rộng hiên ngang ấp ủ bao hoài vọng cao cả, chất chứa bao dự cảm linh thiêng đã vì tình quê chan chứa, vì tình người thiết tha mà xả thân hy sinh anh dũng, thật đáng làm gương sáng cho ta noi theo.
Ở thành phố Thanh Hóa đã có một con đường mang tên Thôi Hữu thuộc phường Ngọc Trạo. Nghĩ rằng Hà Nội cũng nên có một con đường mang tên một trong năm Thành ủy viên đầu tiên của thành phố Thủ đô này.
Hà Nội, sắp đến ngày giỗ lần thứ 59 của Thôi Hữu Nguyễn Thanh Giang
--------------------------------------------
( 1 ) Thơ Thôi Hữu
( 2 ) Thép Mới trong bài “ Thương nhớ Thôi Hữu ”
( 3 ) Tô Hoài trong bài “ Nhớ Thôi Hữu ”
( 4 ) Xuân Hoàng trong bài “ Người viên chức nàh đèn ”
( 5 ) Trích nhật ký Thôi Hữu
( 6 ) Trúc Kỳ trong bài “ Hoa tầm xuân ”
( 7 ) Trong bài tùy bút “ Viết văn ” – 1941 ).
|