Trần Đại SơnNgười chiến sỹ diệt ngoại xâm anh dũng, lão tướng chống nội tặc can trườngBị một viên đạn găm bên sống lưng, từ lâu, Trần Đại Sơn không đứng thẳng được nữa, ông còng đến mức khi bước mặt cúi gần đất. Tuy nhiên, nhiều khi dìu ông đi đó đi đây, lòng tôi vẫn nao nao tưởng nhớ ông ngày nào trong cái hàng quân:
Ông trắng trẻo, mũi thẳng, tai to và vềnh, "thân mười thước cao". Biết ông đã từng là chính uỷ đội tình nguyện quân giúp Lào nên có lúc tôi lại hình dung ra cái thời "oanh liệt" của ông bên những ấp e xiêm áo vũ hội ngày nào:
Những lúc ấy, đôi khi tôi đã cay cay nơi sống mũi trước cái nghịch cảnh quá khứ-hiện tại của Trần Đại Sơn. Bây giờ thì tôi nghẹn ngào giàn giụa ngồi viết những dòng này. Trần Đại Sơn đã vĩnh biệt tôi, vĩnh biệt mọi người, ra đi lúc 15 giờ ngày 18 tháng 4 năm 2006. Tôi vừa mất một trong những người bạn vong niên yêu mến nhất, kề vai sát cánh thân thiết nhất. Ông hơn tôi 5 tuổi nhưng con gái duy nhất của ông cùng học với con gái thứ hai của tôi ở trường trung học Amxtecđam. Những lần trước đi bệnh viện, ông không hề cho tôi biết. Lần này, linh tính mách bảo thế nào, cách đây mươi ngày, ông gọi điện thoại cho biết ông cảm thấy yếu mệt và muốn gặp tôi. Tôi đến nơi, cùng bàn bạc với thiếu tá Nguyễn Xuân Thuỷ (Anh vừa nghỉ hưu còn khá trẻ, rất thân thiết với Trần Đại Sơn và tôi), đưa ông đi cấp cứu. Tưởng rằng tình hình đã khá lên được rồi, tôi chưa kịp vào thăm ông lần nữa thì tin dữ về ông làm tôi bàng hoàng ngơ ngẩn đến tận bây giờ. Cho đến nửa năm gần đây Trần Đại Sơn mới xây được một căn nhà lợp tôn rộng những... 20m2, có cái sân chừng 30m2 ở phía trước. Vậy mà ông đã phải trải qua một quá trình rất gian lao mới có được nó. Ông kể trong bức thư gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề ngày 22 tháng 8 năm 2004: "Tôi là thương binh sọ não, thể lực yếu, đi lại khó khăn, suy tim độ 4, mỗi tuần phải mua hơn 200 nghìn đồng tiền thuốc theo đơn của bác sỹ. Trong chiến đấu tôi được cấp 20 huân chương, 58 tuổi Đảng (tính đến năm 2004). Tôi chưa được phân phối nhà đất lần nào, phải ở nhờ một buồng nhỏ của gia đình vợ. Vợ tôi đang mổ ung thư, con gái độc nhất của tôi đã ngoài 30 tuổi chưa lập gia đình. Do bí chỗ ở, tháng 7 năm 2004 tôi xuất hết tiền tiết kiệm được 5 triệu làm một túp lều ở xó vườn nhà tôi ở sau số nhà 51 Hàng Bài, gần công trình vệ sinh hôi thối, bẩn thỉu. "Túp lều" chưa hoàn chỉnh, còn phải đổ nền và xây tường vây xung quanh con người mới ở được, đã bị ông chủ tịch uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, phó bí thư quận uỷ đảng Cộng sản quận Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi điều đội Thanh tra Xây dựng và toàn bộ công an đồn Hàng Bài, nhân kỷ niệm 57 năm ngày Thương binh liệt sỹ, 59 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và 2 tháng 9, thực hiện khẩu hiệu "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", sang phá rỡ cho bằng được. Ngôi nhà 51 Hàng Bài vốn thuộc sở hữu của gia đình mình, như Trần Đại Sơn đã minh định: "Khi chuẩn bị giải phóng Thủ đô, bố mẹ tôi là trí thức, không nghe lời kêu gọi của thực dân Pháp chuyển vào Sài Gòn mà ở lại chờ đợi chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp thu Hà Nội. Giải phóng Thủ đô, theo chính sách chung, Chính phủ xếp bố tôi làm công chức lưu dụng ở Sở Thương nghiệp Hà Nội lúc ấy do đồng chí Tiến Đức làm giám đốc. Sau này có dịp tiếp xúc với đồng chí Tiến Đức, tôi được nghe nói: "Cụ Đặng Trần Kim là một trí thức giỏi chuyên môn về kinh tế, khi được giao công việc có tinh thần trách nhiệm cao. Ngôi nhà số 51 Hàng Bài là một ngôi nhà đẹp, có vườn hồng thơm ngát. Tôi đã được cụ ông, cụ bà Đặng Trần Kim mời xuống dùng cơm một lần nên biết rõ". Năm 1960, theo chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa, ngôi nhà 51 Hàng Bài bị mất gần hết. Các cụ chuẩn bị được 20 lạng vàng làm nữ trang cho 3 con gái cũng bị lấy luôn". Góc vườn mà Trần Đại Sơn vùa xây được "túp lều" qua bao gian truân ấy chính là vườn cũ của gia đình ông. Trần Đại Sơn là cán bộ tiền khởi nghĩa. Trước Cách mạng Tháng Tám ông hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu. Trí nhớ của ông rất tốt cho nên quá nửa thế kỷ rồi mà ông vẫn nhớ như in, lúc bấy giờ người phụ trách ông là chủ lò bánh mỳ Sao Vàng trong ngõ Tô Hoàng tên là Tạ Quang Cơ. Tổ của ông gồm có Trần Nhật Hiển, học sinh trường trung học Đỗ Hữu Vỵ EPSI, Vy Hải học sinh trường Kỹ nghệ Thực hành, Trần Quang Tín (sau này làm tình báo chiến lược cho ta trong lòng chính quyền Mỹ-Diệm). Nhiệm vụ của tổ ông là chuyển báo chí bí mật: Cờ Giải Phóng, Hồn nước, Cứu Quốc, Độc Lập... về các cơ sở; rải truyền đơn, dán biểu ngữ ở các nơi như bốt Cảnh sát đầu Ô Cầu Dền, phòng trà Y Lang là nơi hiến binh Nhật, Đại Việt Quốc gia Liên minh, Quốc Dân Đảng... thường tụ tập bàn tán, ăn nhậu... Năm 1945, Trần Đại Sơn được Bí thư xứ uỷ Bắc Kỳ Trần Quốc Hoàn giới thiệu với "cụ Hồ" và được cụ trực tiếp huấn luyện và giao nhiệm vụ làm chiến sỹ thầm lặng bảo vệ Cách mạng. Về sau chính "cụ Hồ" lại giao ông cho một võ quan cao cấp Nhật Bản trong tổ chức Hắc Long - một cơ quan tình báo cao cấp của Nhật - tiếp tục huấn luyện về nghiệp vụ. Ông đã vượt qua bao hiểm nguy, gian khổ, bôn ba, chinh chiến khắp các chiến trường Tây Bắc, Nam Bộ, Lào, Campuchia... Nhưng, sau chiến thắng 1954, rồi lại sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, mỗi ngày ông càng thấy thấm thía nỗi đắng cay lầm lỡ. Cũng như Trần Độ, ông ngậm ngùi chua xót:
Ông đã viết trên năm chục bài báo, từ góp ý, kiến nghị đến phê phán, chỉ trích... Người ta bảo ông ăn phải bả của bọn phản động quay ra chống Đảng, chống Nhà nước; ông trả lời rất hay: "Nếu chúng tôi không chống thì cái Đảng này nó đổ từ lâu rồi". Ông nói: "Tôi bị thương viên đạn còn ở gần sống lưng, phải "chung sống" với nó nên phải đi khom, tuy lại bị "Chủ nghĩa Xã hội" dập vùi nhưng vẫn cố đứng thẳng để cùng nhân dân đấu tranh xây dựng đất nước giầu mạnh". Trong thư gửi "Những người đang chuẩn bị đại hội Đảng lần thứ 10" đề ngày 20 tháng 9 năm 2005, ông rạch ròi: "Đảng Lao Động Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân đánh bại hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, lãnh đạo nhân dân Việt Nam phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám... xứng đáng là một đảng cách mạng anh hùng ở Đông Nam Á; mới 15 tuổi đã nắm chính quyền, tổ chức quân đội đánh thắng giặc ngoại xâm.... Trong thời gian này, đảng Lao động Việt Nam có một sai lầm lớn về đường lối là Cải cách ruộng đất (theo Tầu) nên đã chỉnh đốn tổ chức nhằm bắn giết hàng vạn đảng viên trung kiên... Năm 1975, Lê Duẩn đã có chủ trương sai về đường lối, lại đề cao mình là lãnh tụ kiệt xuất hơn "chủ tịch Hồ Chí Minh" nên đã:
...."Bác Hồ" muốn khi chết, làm tang lễ đơn giản, đỡ tốn kém, miễn sao thực hiện như ông cha thường nói: "Mồ yên mả đẹp", Lê Duẩn theo Liên Xô ướp xác "Bác Hồ" tốn hàng bao nhiêu tỷ, tiền của nhân dân còn nghèo. Hàng năm còn phải bảo quản để xác không hỏng càng rất tốn kém". Là đảng viên Cộng sản, ông reo lên khi thấy đảng Cộng sản Nhật Bản thức thời, biết tự xử lý đúng đắn, ông lại cặm cụi viết thư khuyên nhủ các nhà lãnh đạo: "Tại sao đảng CSVN cứ khư khư những sai lầm về đường lối để đất nước nghèo và lạc hậu mãi. Không thức thời như các đảng khác, họ đã đều thay đổi đường lối khi thấy không thích hợp, không làm ra nhiều sản phẩm, để nhân dân sung sướng hơn." Đảng Cộng sản Nhật Bản tự thấy suy yếu, bầu quốc hội, mặc dù ứng cử ở khắp nơi nhưng không trúng một ghế nào. Họ tự thấy phải họp đại hội Đảng, thay đổi cương lĩnh mới có thể tồn tại được. Đại hội có 1006 đại biểu, trừ 1, còn đều nhất trí với cương lĩnh mới. Cương lĩnh mới của đảng Cộng sản Nhật Bản gồm 8 điều:
Vốn là người thẳng thắn, trung thực, ông nhiều khi còn băm bổ thói gian manh, xảo quyệt không tiếc lời: "Ông Đỗ Mười vào Sài Gòn đã đụng với đồng chí Nguyễn văn Linh - uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh - trong việc cải tạo XHCN ở Sài Gòn. Ông Đỗ Mười đã báo cáo không đúng làm Trung ương hiểu nhầm, điều đồng chí Nguyễn văn Linh ra Trung ương, rời khỏi vị trí uỷ viên Bộ Chính trị và bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh về làm chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Xứ uỷ Nam Kỳ đấu tranh bảo vệ anh Mười Cúc, tức đồng chí Nguyễn văn Linh, nên chỉ một thời gian ngắn, Trung ương thấy rõ ông Đỗ Mười không có trình độ nên chủ trương "Cải tạo XHCN" sai lầm đã điều ông Đỗ Mười ra Hà Nội. Đồng chí Nguyễn văn Linh lại trở về làm uỷ viên Bộ Chính trị và bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi được bầu làm tổng bí thư Đảng". Ông tỏ ra rất khinh thường Đỗ Mười, ông từng viết: "Đỗ Mười không có trình độ, do văn hoá chưa qua lớp bốn, không hiểu XHCN là gì, cải tạo bừa bãi, phá hoại kinh tế miền Bắc và miền Nam". Đối với Lê Đức Anh ông cũng không nể nang. Trong buổi trả lời phỏng vấn đài RFA ngày 15 tháng 11 năm 2004, khi phóng viên Việt Hùng hỏi: "Trong lá thư gửi cho Đảng hồi tháng 7, sau khi khám nhà ông Lê Hồng Hà, liên quan đến lá thư của thượng tướng Nguyễn Nam Khánh yêu cầu làm sáng tỏ nội tình Tổng cục 2 và vụ án T4, cá nhân ông đánh giá thế nào về bức thư của thượng tướng Nguyễn Nam Khánh", Trần Đại Sơn trả lời: "Ông Nguyễn Nam Khánh thì rất vững. Bây giờ chúng nó định đưa ông ấy về cơ sở sinh hoạt Đảng để định diễn lại vở tuồng như đã làm với anh hùng dân tộc Trần Độ, tìm cách để khai trừ Đảng với ông Nam Khánh. Bây giờ cái Đảng này nó thối nát rồi, khai trừ thì khai trừ chứ ai thiết gì cái đảng Cộng sản này nữa! Lê Đức Anh tay chân hãy còn mạnh, nhưng mà cán bộ quân đội cao cấp đã thẳng thắn vạch mặt nó rồi. Vừa rồi, Bộ Tổng Tham mưu kỷ niệm 59 năm ngày thành lập, Lê Đức Anh đến dư. Tưởng là ông Văn (đại tướng Võ Nguyên Giáp) không đến được, vì Nguyễn Chí Vịnh (con trai Nguyễn Chí Thanh) ở Tổng cục 2 có báo cáo với Lê Đức Anh là ông Văn không đến dự buổi họp này nên Lê Đức Anh mới đến, ăn mặc chỉnh tề, đeo huân chương (huân chương tổng kết chứ làm gì có huân chương chiến đấu). Sau khi ông Phùng Quang Thanh- tổng tham mưu trưởng - phát biểu, rồi ông Phạm văn Trà- bộ tưởng Quốc phòng - phát biểu, vẫn chưa thấy ông Văn đến; Lê Đức Anh rút bài ra định lên phát biểu thì bỗng đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện. Cả hội trường hoan hô, vỗ tay rầm trời bên hồ Trúc Bạch. Tổng tham mưu trưởng Phùng Quang Thanh mời ông Văn lên nói chuyện, ông Văn nói rất hay, ông hỏi thăm anh em rất ân tình. Lê Đức Anh trơ trẽn chuồn thẳng. Anh em xì xào: "Rõ đồ phá hại, đồ vô ơn". Đối với Trung Quốc ông cũng rất thẳng thừng. Trong thư đề ngày 10 tháng 4 năm 2005 gửi "Những người chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 10", ông cảnh báo: "Ta chơi với Tàu phải hết sức dè chừng. Tầu tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc đất tỉnh thứ 45 của Trung Quốc mới thành lập là tỉnh Hải Nam. Mới đây, tầu công an Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam. Việc này Việt kiều ở hải ngoại coi như quốc nhục, biểu tình, mít tinh phản đối rầm rộ. Đảng và Nhà nước ta lờ đi vì sợ phải bảo vệ "16 chữ vàng". Một số chi bộ Cộng sản Việt Nam được giải thích tầu công an Trung Quốc nổ súng là đúng vì ngư dân Việt Nam đã vào phá lưới của họ". Càng đọc lại những gì ông đã viết, đã nói, tôi càng cảm phục, nhớ thương Trần Đại Sơn quá. Mới ngày nào cùng nhau đi thăm lại chiến trường Tây Bắc, dừng nghỉ trong Tỉnh đội Sơn La. Tối hôm ấy, có ông thiếu tướng Phó tổng Tham mưu trưởng Quân khu tiếp đón, tỉnh đội đưa cả Đoàn Văn công Quân khu đến biểu diễn chiêu đãi. Cuối buổi, đoàn chúng tôi được mời lên sân khấu cùng Múa Sạp với các diễn viên. Trong không khí tràn trề sức xuân ấy, Trần Đại Sơn tiến ra giữa sân khấu ngâm vang:
Dáng ông lẫm liệt. Giọng ông hào hùng. Và, bỗng nhiên ông đứng thẳng được lên... Sừng sững. Hà Nội 21 tháng 4 năm 2006
|